Tạp chí Sông Hương - Số 294 (T.08-13)
Công trình nghiên cứu “Kinh thành Huế: Địa danh” của tác giả L. Cadière đăng trên Bulletin des amis du vieux Hué, 1933 (Tập san “Những người bạn cố đô Huế”) - những đối sánh qua khảo sát một vài phường xưa ở Thành nội Huế
17:09 | 26/08/2013

HỒ VĨNH

Công trình nghiên cứu “Kinh thành Huế: Địa danh” của tác giả L. Cadière đăng trên Bulletin des amis du vieux Hué, 1933 (Tập san “Những người bạn cố đô Huế”) - những đối sánh qua khảo sát một vài phường xưa ở Thành nội Huế
Léopold Cadière, Kinh thành Huế: Địa danh, bản dịch, bản đồ số 31, địa phận phường Vĩnh An, Nxb. Đà Nẵng, 1996, tr. 77 - 78

Trong lời mở đầu của công trình nghiên cứu Kinh thành Huế: Địa danh, L. Cadière đã viết: “Có những công việc cần phải làm vào thời điểm của nó. Công việc mà nay tôi trình bày trước Hội Đô thành hiếu cổ, địa danh của Kinh thành Huế, đã được làm từ ba mươi năm nay. Từ ngày đấy, các công trình kiến trúc lớn nhỏ đã tan rã đi hay đã thay đổi công năng, những công trình đã hoàn toàn bị phá hủy... Tôi đã tập hợp được những tên gọi nhắc đến một ký ức lịch sử nào đó, mà tôi có thể thu nhặt được, nhưng một số lớn các địa điểm cần phải được tìm lại chi tiết, và lịch sử nào của chúng cần được bổ sung bởi sự nghiên cứu tất cả những nguồn tư liệu có thể tìm được, cả của người An Nam lẫn người Âu. Những công trình đã được xuất hiện trên tạp chí Đô Thành hiếu cổ về Khám đường, dinh các quan phủ, trường Hậu Bổ, Đại cung môn, Tịnh Tâm,  cung Bảo Định... cho ta thấy những gì người ta có thể làm được trong dòng tư tưởng này. Hiện nay, tôi chỉ muốn cứu những tên gọi lịch sử của Kinh thành Huế, để tránh một sự quên lãng ít nhiều sắp xảy ra. Dần dần, người ta sẽ lập thư mục về tất cả những địa điểm này và người ta sẽ viết lịch sử của chúng từ đó.

Để minh họa cho công việc của mình và định vị những ký ức lịch sử, tôi đưa ra một bản đồ Kinh thành Huế chia làm ba bản đồ. Các chữ số ghi trên ba bản đồ này được lấy lại trong danh sách những tên gọi lịch sử. Chúng nối tiếp nhau nói chung, từ trái sang phải, tức là từ Tây sang Đông từ cao xuống thấp... ghi tên ranh giới của các phường hiện nay và tên một vài phường cũ; các phường cũ này dựa vào các số thứ tự của danh sách của tên này” (1).


Việc định danh đã được L. Cadière ghi rõ địa điểm di tích tọa lạc trên các phường vào năm 1933, theo quy hoạch địa giới năm 1908 dưới đời vua Duy Tân gồm có 10 phường: Thái Trạch, Trung Tích, Trung Hậu, Vĩnh An, Phú Nhơn, Tây Linh, Thuận Cát, Huệ An, Tri Vụ và Tây Lộc. Trên cơ sở đó các phường đã được L. Cadière định danh bằng chữ số, trong đó có định số “125: Địa phận phường Vĩnh An”. Dưới đây các chữ số cho biết di tích thuộc địa phận phường Vĩnh An như sau:

- 183: Tiền phong dinh
- 184: Cửa Chánh Đông
- 171: Phủ của Tự Đức khi ông đang còn là Hoàng Thái tử, Hoàng Công phủ, hay còn gọi là Tiềm để... Tên chính thức khác sau khi vua Tự Đức lên ngôi là Phúc Thiện Đường. Nằm ở địa phận phường Vĩnh An.
- 172: Phủ cũ của Thái Quốc Công
- 181: Long Võ tiền vệ
- 182: Long Võ tiền hồ
- 173: Liên hồ (hồ sen)
- 174: Đình và miếu thờ của phường Vĩnh An
- 175: Âm hồn đàn của phường Vĩnh An
- 178: Hỏa pháp hồ
- 179: Hỏa pháo ty
- 177: Long Võ tả vệ
- 176: Long Võ hồ
- 126: Tể Sanh sở
- 127: Tể sanh hồ
- 128: Long võ trung vệ
- 121: Đông Thành thủy quan
- 17: Dược khố (kho thuốc súng)
- 125: Địa phận phường Vĩnh An

Tuy nhiên địa danh hồ Tể Sanh trong bản dịch Kinh thành Huế: Địa danh, Nxb. Đà Nẵng, 1996, Bản đồ số 31 thiếu sót di tích này.

Để xác định các địa danh trên, chúng tôi tiến hành khảo sát thực địa thuộc địa phận phường Vĩnh An (nay thuộc phường Thuận Lộc): Phía Bắc giáp Ngự Hà, phía Đông là thành của Kinh thành, phía Nam là con đường chạy từ cửa Chánh Đông (cửa Đông Ba) và tách giữa phường Vĩnh An và phường Thái Trạch, phía Tây giáp phường Phú Nhơn (nay là từ ngã tư Xuân 68 - Mai Thúc Loan đến ngã tư Lê Thánh Tôn - Mai Thúc Loan, đến ngã ba Lê Văn Hưu đến đường Xuân 68 - Cống Lương Y); các di tích có chữ số, chúng tôi đối sánh sau đây:

- 182: Long Võ tiền hồ.

Hồ này đã bị lấp dần khoảng năm 1960 và hiện nay là chợ Xép - Thuận Lộc.

- 175: Đàn Âm hồn phường Vĩnh An.

Tọa lạc cạnh ngã tư Nhật Lệ - Ngô Đức Kế. Đàn Âm hồn đã bị đập phá vào những năm đầu thập niên 1980; nay là quán cà phê của tư nhân.

- 171: Phủ cũ của Tự Đức...

Theo Đại Nam nhất thống chí đời Duy Tân cho biết: “Ở phường Vĩnh An trong Kinh thành, là Tiềm để của vua Dực Tông. Đầu niên hiệu Tự Đức đổi tên Phúc Thiện nay đã dỡ lấy cây gỗ dời làm chỗ khác” (2). Hiện nay trên phần đất của di tích này là khu nhà ở của cư dân.

- 174: Đình và miếu thờ của phường Vĩnh An.

Chúng tôi tiến hành khảo sát nội đình. Phía bên trong ở gian chính giữa treo bức hoành phi đề ba chữ Hán: “Vĩnh An đình”; nội dung bức hoành phi cho biết nhân dân phường Vĩnh An phụng cúng bức hoành vào một ngày tốt cuối mùa đông năm Nhâm Thân (1932) dưới đời vua Bảo Đại. Đặc biệt gian chính giữa đình hiện nay còn một án thờ sơn son thếp vàng; về phía phải và trái của án thờ có khắc ghi tên những người phụng cúng năm 1932, trong đó có ông Thông sự Đặng Ngọc Thụ làm ở tòa Y Chính, là ông nội của bác sĩ, liệt sĩ Đặng Thùy Trâm.

Phía sau án thờ là gian hậu đình thờ Hỏa phong thần vị, Thánh Mẫu và một số vị thần khác.

Ngoài ra bên cạnh đình Vĩnh An là Liên hồ (hồ sen - hồ Cây Mưng) có chữ số 173. Hồ hình chữ nhật, có diện tích 13.171m2. Phía Tây Bắc giáp đường Tịnh Tâm, Đông Bắc giáp đường Ngô Đức Kế, Tây Nam giáp hẻm Nhật Lệ) thuộc phường Thuận Lộc. Hai mặt Đông Nam và Tây Bắc, hồ bị một số dân lấn chiếm(3). Còn hồ Hỏa pháo (hồ Đình), hồ Long Võ (hồ Hội) theo khảo sát của chúng tôi thì phần lớn diện tích đất chung quanh hồ đã bị xâm cư.

Hiện nay, một số di tích ở phường Vĩnh An đã thay đổi công năng và mục đích sử dụng; một số không còn dấu tích như Đàn Âm hồn, Phúc Thiện đường, sở Tể sanh, ty Hỏa pháo... Riêng đình và miếu thờ của phường Vĩnh An trải qua thời gian dài đã xuống cấp trầm trọng nên dân phường (làng) Vĩnh An đóng góp kinh phí trên hai trăm triệu đồng và đã tiến hành trùng kiến ngôi tiền đường và nội đình vào năm 2012. Tuy ngôi tiền đình đã xây mới nhưng bốn cột trụ đối trước sân đình vẫn giữ nguyên trạng như kiến trúc ban đầu, trong đó có cặp đối:

Bách thế xuân kinh trường xã hội
Thiên thu đình vũ thử giang sơn


Tạm dịch:

Kinh đô muôn đời này còn mãi mãi
Đình miếu ngàn năm với giang sơn.


H.V
(SH294/08-13)

-----------------------
(1) Léopold Cadière, La Citadelle de Hué: Onomastique (Kinh thành Huế: Địa danh), bản dịch, Nxb, Đà Nẵng, 1996, tr. 77 - 78. Xem thêm bản tiếng Pháp, L.Cadière La Citadelle de Hué: Onomastique, Bulletin des Amis du vieux Hué, 20e Année N0s 1-2, Janvier - Juin, 1933, pp. 67 - 68.
(2) Đại Nam nhất thống chí, tập Kinh sư, bản dịch của Tu Trai Nguyễn Tạo, Nhà Văn hóa Bộ Quốc gia Giáo dục xuất bản, Sài Gòn, 1900, tr. 68.
(3) Nguyễn Việt Dũng, “Ngự Hà và hệ thống hồ ao trong Kinh thành - số liệu từ công tác khoanh vùng bảo vệ di tích”, Kỷ yếu Hội thảo: Sự hình thành và vai trò của hệ mặt nước Kinh thành Huế, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, 2007, tr. 125 - 126.









 

Các bài mới
Thơ Liana Margescu (30/08/2013)
Cỏ dại (30/08/2013)
Ký ức mong manh (29/08/2013)
Các bài đã đăng
Vỏ và cánh (26/08/2013)