Tạp chí Sông Hương - Số 27 (T.9&10-1987)
Wole Soyinka nhà văn hiện thực Châu Phi
14:53 | 30/08/2013

"Tôi viết văn không nhằm đoạt giải thưởng hay sự công nhận. Tôi cảm thấy vinh dự, nhưng tôi nghĩ rằng phần thưởng này là thành tích chung của các nhà văn châu Phi".

Wole Soyinka nhà văn hiện thực Châu Phi

Wole Soyinka, nhà thơ và nhà viết kịch người Nigiêria đã thổ lộ ngay sau khi nhận tin được tặng giải Nôben về văn học năm 1986. Ông nói: "Tôi không hề nghĩ là mình có thể được giải thưởng này". Đối với Soyinka, quá trình sáng tạo văn học của ông gắn liền với những cội nguồn văn hóa châu Phi, đặc biệt là văn hóa dân tộc Yoruba. Kho tàng to lớn của nền văn hóa này đã để lại những dấu vết không phai mờ được trong sự hình thành văn minh lục địa châu Phi và châu Mỹ.

Sinh ra và lớn lên trong bối cảnh của thời kỳ thuộc địa và sự hỗn độn của thời kỳ sau khi Nigiêria giành độc lập, Soyinka để lại trong tác phẩm của ông dấu ấn của các cuộc đấu tranh nội bộ giữa các nhóm xã hội. Có thể gọi là các dòng họ, bộ lạc hoặc bộ tộc. Những xung đột cá nhân trong những nhóm xã hội đó được nhìn nhận khi thì với chút bi quan, khi thì với sự hài hước tinh tế, nhưng luôn luôn mực thước vốn được kế thừa từ kho tàng văn hóa Yoruba, biến sự sáng tạo văn học to lớn của Soyinka thành một dòng suy nghĩ và triết lý về các vấn đề châu Phi hiện đại.

Ở tuổi 57, tác giả sinh ra ở Abaokuta miền tây Nigiêria này đã biến những bài thơ của ông thành lời tố cáo như bài "Người này đã chết" trong thời gian ông bị giam giữ hai năm chỉ vì muốn cứu nước ông khỏi cuộc nội chiến do sự chia cắt Biafra năm 1967. Lúc đó ông cảm thấy nỗi đau đớn của một người "bị xích như một con chó và bị đối xử như chó bởi những kẻ mà người ta cho là những người anh em da đen của tôi nhưng lại hành động như những kẻ thù da trắng của tôi".

Cũng như các bài thơ, những tác phẩm sân khấu và tiểu thuyết của Soyinka mang nỗi đau của sự tìm kiếm bản sắc của một dân tộc như dân tộc ông và đang chịu những hậu quả của chủ nghĩa thực dân.

Nigiêria là một nước có mật độ dân đông nhất châu Phi, tổng số dân khoảng 80 triệu người, và bị xâu xé bởi các cuộc xung đột giữa các nhóm dân tộc người nói tới hơn 290 thứ tiếng. Mặc dù có nguồn dầu mỏ lớn vẫn còn hàng triệu người vẫn còn đói rách.

Soyinka có công tìm kiếm những nét chung cho khối hỗn hợp các nền văn hóa này, thậm chí ông còn ôm ấp ý nghĩ này đến nỗi muốn áp đặt một ngôn ngữ này lên ngôn ngữ khác. Có nghĩa là ông viết bằng tiếng Anh, nhưng nhiều câu lại được diễn đạt bằng tiếng Yoruba hoặc Pidgmi, là những thổ ngữ quan trọng nhất ở miền trung và miền tây Nigiêria.

Soyinka được coi là nhà văn châu Phi viết bằng tiếng Anh quan trọng nhất. Những nguồn gốc Yoruba được thể hiện trong công trình sáng tạo văn học của ông gồm hơn 20 tác phẩm thuộc các thể loại khác nhau. Nhờ đó cách diễn đạt rất trữ tình của ông đã liên kết được những thực tế có vẻ khác nhau của chiều hướng phát triển chung. Ở ông là sự tìm kiếm không nghỉ những giá trị mới của con người.

Từ "Điệu múa của rừng", một tác phẩm sâu khấu viết năm 1963 đến "Sự biến dạng của người anh em Jero" (1983), các chủ đề được đề cập đến có chung một nguồn động lực đó là hiện thực của những con người xuất phát từ những cội nguồn văn hóa nhất định, cố tạo nên những mẫu mực phát triển xã hội khác mà lại không phủ nhận bản chất châu Phi và hiện thực lịch sử của mình.

Sự bất ngờ của giải thưởng do Viện hàn lâm hoàng gia Thụy Điển tặng Soyinka đã làm trỗi dậy cuộc tranh luận cũ nhưng phải không gay gắt: Nên suy xét nền văn học châu Phi như thế nào, đánh giá những tác giả buộc phải viết bằng những ngôn ngữ không phải của họ về những thực tế vốn xa lạ đối với bạn đọc như thế nào? Bởi vì tỷ lệ mù chữ rất cao ở châu Phi (gồm 70%) là bằng chứng hùng hồn nhất chứng tỏ phần lớn bạn đọc của họ không phải ở châu Phi.

Giải thưởng Nobel 1986 dành cho Soyinka còn có thể coi như một sự thừa nhận các tác giả châu Phi khác như Sambene Ousmane (Xênêgan), Chinua Achebe (Nigiêria), Ngugi Wa Thlongso (Kênia) hay Mongo Beti (Camơrun), chỉ kể một vài gương mặt trong đội ngũ cây viết hiện đại.

Ông Sture Allen, Thư ký thường trực Viện hàn lâm Thụy Điển nói giải Nobel lần này "là một sự công nhận chất Iượng văn học của một nhà văn, không tính đến tư tưởng và tính chất chính trị của nó".

Đối với Soyinka giáo sư của hai trường đại học Nigiêria, Ibahan và Ife, (cả hai nằm trong số những trường được tín nhiệm nhất châu Phi) tác phẩm của ông là một khối thống nhất, cắm rễ sâu vào thế giới châu Phi của ông.

D.L
(SH27/10-87)







 

Các bài mới
Paven (08/10/2013)
Kỷ niệm Nga (12/09/2013)
Lòng nhân từ (10/09/2013)
Các bài đã đăng