Tạp chí Sông Hương - Số 27 (T.9&10-1987)
Người bạn gái Nga của vua Hàm Nghi
15:51 | 04/09/2013

LTS: Ông Nguyễn Thạch Giang từ Hà Nội đã gửi cho chúng tôi bài viết này kèm theo một bức thư rất chí tình. Bài viết là một tư liệu quí và thú vị, lại rất phù hợp với số báo kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng 10. Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc bài viết và nội dung bức thư của ông Nguyễn Thạch Giang, thay cho lời tòa soạn.

Người bạn gái Nga của vua Hàm Nghi
Ảnh: internet

Hà Nội ngày 21-7-1987

Kính gởi: Ông Tổng biên tập Tạp chí Sông Hương
Xin trân trọng gởi đến ông bài "Người bạn gái của vua Hàm Nghi" của một người Nga, Rêmatruc, hiện là Giáo sư Trường Đại học Mátxcơva.
Trong dịp Đoàn Bộ Đại học sang thăm Liên Xô vừa rồi, tác giả bài báo đã nhờ Ông Bộ trưởng mang về Hà Nội. Ông Bộ trưởng đã giao lại cho tôi sử dụng. Tôi xem qua, và nội dung bài viết làm tôi xúc động. Càng xúc động hơn, khi nghĩ về Sông Hương, nghĩ về cố đô Huế, nghĩ về nữ văn sĩ người Nga, 15 năm trước Cách mạng tháng Mười đã quen thân, dành những cảm tình tốt đẹp cho vua Hàm Nghi - một công dân của nước Việt, của con Lạc, cháu Hồng...
Tôi cho dịch ra tiếng Việt. Người dịch là anh Đỗ Thanh, phó tiến sĩ Ngữ học, bạn của tác giả khi còn học ở Liên Xô.
Bài này mở ra nhiều đề tài sáng tạo nghệ thuật và nghiên cứu khoa học. Tôi chưa cho ai xem qua khi có người hỏi đến. Tôi muốn dành cái thanh tâm của bài văn cho Tạp chí Sông Hương...


NGUYỄN THẠCH GIANG
51 Phan Bội Châu - Hà Nội



V.V. RÊMATRÚC

Mùa xuân năm 1902, ngay sau chuyến đi thăm Angiêri, thuộc địa của Pháp, Tachinna Sépkina Cuperníc, nữ văn sĩ trẻ tuổi người Nga đã viết một thiên truyện ngắn thú vị dưới dạng du ký(1). Nội dung tóm tắt của thiên truyện đó như sau:

Trong thời gian đi du lịch, nữ văn sĩ Nga đã làm quen với một hoàng tử của một nước phương Đông. Vị hoàng tử đó bị đày đến đất châu Phi xa xôi sau khi bọn thực dân châu Âu dựng lên một ông vua bù nhìn. Lý Tông (tên được gọi lúc đó của vị hoàng tử) đã gây được ấn tượng mạnh ở nữ văn sĩ Nga nhờ ở trí thông minh, sự khả ái, trình độ học vấn và sức mạnh tinh thần của mình. Nữ văn sĩ đã rất hứng thú khi kể về người bạn mới quen. Lần đầu tiên hai người gặp nhau trong một khách sạn ở Angiêri:

"Tôi chú ý ngay đến một vị hoàng tử (bạn chung của chúng tôi) y phục nửa Âu nửa Á. Chiếc khăn trắng phủ kín bím tóc, áo dài đen lót lông, ống tay áo xòe rộng ở phía dưới, may bằng thứ lụa màu xanh nhạt, nước da nâu màu ngà voi cũ, cặp mắt đen thông minh và u hoài, tay chân khẳng khiu. Tất cả dáng vẻ đó khiến ta liên tưởng đến một bức tượng quý được chạm khắc bằng bàn tay khéo léo của một nghệ sĩ phương Đông. Nhưng tôi chú ý nhiều nhất đến giọng nói của vị hoàng tử, một giọng nói nhỏ nhẹ..."

Sau hôm làm quen, nữ văn sĩ đã tới thăm hoàng tử tại nhà riêng ở vùng Ê-li Bi-ar, ngoại ô thủ đô Angiêri:

"Ngôi nhà nơi hoàng tử ở được xây dựng theo lối ngộ nghĩnh nửa Âu nửa Á... Tường phủ lụa, trên tường có những câu châm ngôn của Khổng phu tử dát bằng vàng, các nhạc cụ của Việt Nam, các cuộn bản thảo, bút mực đặt trên bàn viết, mấy chiếc chiếu trải trên sàn, đàn dương cầm, vĩ cầm, các bản nhạc, trong đó có cả nhạc của M.I.Glinca(2), một chiếc giá vẽ với bức vẽ đang vẽ dở. Trên tường treo la liệt các bức phác thảo, các bức tranh khiến tôi hiểu rằng bên trong con người bé nhỏ, nước da màu ngà voi đó là trái tim của một nghệ sĩ lớn".

Tiếp theo, nữ văn sĩ đã miêu tả thái độ của người bị đi đày bí mật đối với bọn xâm lược:

"Thật là đáng tiếc vì hoàng tử đã không trưng bày các tác phẩm của ngài ở Pari. Một phụ nữ Pháp duyên dáng nói với vẻ bộc trực.

Mặt hơi tái đi, hoàng tử đáp lại một cách lịch sự, nhưng dứt khoát:

Còn tôi lại nghĩ rằng thật là sai lầm nếu tôi trưng bày các tác phẩm của mình ở Pari
".

Và tôi đã hiểu được ý nghĩa thâm thúy của câu trả lời đó. Sépkina Cuperníc viết.

Thật là thú vị khi đọc đến đoạn miêu tả quang cảnh chung quanh hoàng tử:

"Trong bữa ăn sáng... có hai ngươi trẻ tuổi cũng mặc áo dài lót lông (như hoàng tử), chỉ có điều áo của họ dài hơn, hai bím tóc lủng lẳng sau lưng, hầu hạ hoàng tử. Đôi đế giày trắng đi lại rất nhẹ nhàng. Họ chỉ đáp lại câu hỏi nhỏ nhẹ của hoàng tử bằng tiếng Việt... Đó là hai thanh niên con nhà quyền quý tự nguyện đi theo hầu".

Có lẽ, tất cả các chi tiết được tác giả miêu tả không có tính chất chân thực như nhau về mặt lịch sử và dân tộc học. Chúng ta không rõ hoàng tử Lý Tông là ai. Có thể điều đó là do sự bị kiểm duyệt.

Trong văn học Pháp có những bằng chứng xác nhận rằng ở vùng Êli Biar hồi đó quả là đã có sống một "Hoàng tử bị đày", và đó chính là vua Hàm Nghi (mà người Pháp gọi là Hoàng tử Annam)(3). Còn về sự kiện Sépkina Cuperníc gặp vua Hàm Nghi thì chúng tôi đã xác định được căn cứ vào các tài liệu lưu trữ riêng của bà. Chẳng hạn, hiện còn giữ được tấm bưu ảnh do bà gửi từ Angiêri về Kiép cho bố ngày 27-1-1902 với dòng tái bút hài hước: "Con đã chinh phục được vị hoàng tử An-nam"(4).

Tiểu sử chính trị của vua Hàm Nghi rất đơn giản: Tháng 7 năm 1884 lên ngôi vua lúc 13 tuổi nhờ kết quả đấu tranh của nhóm quý tộc bảo hoàng do Tôn Thất Thuyết đứng đầu. Đến tháng 11-1888, nhà vua bị thực dân Pháp bắt và sau đó bị chúng đày sang Angiêri. Trước lúc nhà vua bị bắt đã nổ ra cuộc khởi nghĩa kéo dài gần ba năm của "phái bảo hoàng". Thời kỳ lịch sử bão táp đó có ý nghĩa quyết định đối với việc hình thành nhân cách của vua Hàm Nghi và được ghi lại tỉ mỉ trong tài liệu lịch sử của Việt Nam(5). Ngược lại, về những năm nhà vua bị đày ở Angiêri còn chưa được nghiên cứu. Chẳng hạn, vào những năm 1908, Phan Bội Châu, người khởi xướng và tổ chức của phong trào cách mạng Việt Nam, đã phàn nàn về tấm màn bí mật che phủ số phận tiếp theo của vị hoàng đế bị phế bỏ(6). Vì vậy, những tư liệu hiếm của nữ văn sĩ Nga, người đã trực tiếp gặp vua Hàm Nghi, có ý nghĩa đặc biệt.

T.L. Sépkina Cuperníc sinh năm 1874 ở Mátxcơva. Tằng tổ về bên ngoại của bà là M.X. Xépkin, nghệ sĩ nổi tiếng và là nhà cải cách sân khấu Nga. Xuất thân từ một gia đình nông nô nên ông đã thông cảm một cách sâu sắc với phong trào cách mạng dân chủ Nga, có quan hệ mật thiết với V.G. Ghécxen, T.G. Séptrencô.

Thời thơ ấu của T.L. Sépkina Cuperníc trải qua trong một gia đình rất say mê sân khấu. Nhưng về sau bà đã bỏ mơ ước trở thành nghệ sĩ và toàn tâm toàn ý hoạt động văn học, gần gũi với các đại biểu tân tiến của nền văn học Nga, làm quen với H.P. Sêkhốp, A.M. Gorơki. Các tác phẩm của bà đã miêu tả cuộc sống vất vả của tầng lớp thị dân nghèo khổ và của những người lao động. Bài thơ do bà sáng tác Từ những pháo đài thất thủ của Port Artur phơi trần chính sách phản nhân dân của chính phủ Nga hoàng, và báo trước cơn bão táp xã hội đang tới gần, đã được truyền đi khắp nước và trở thành bài hát phổ biến thời bấy giờ. Năm 1907, sự kiểm duyệt của Nga hoàng đã cấm lưu hành tuyển tập truyện ngắn mới của bà.

Sau cuộc Cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười vĩ đại, Sépkina Cuperníc đã trở thành một cán bộ tích cực của nền văn hóa Xôviết. Cho đến cuối đời, bà đã tiếp tục hoạt động dịch thuật và hoạt động chính trị một cách rất có kết quả. Năm 1945, bà đã được tặng thưởng Huân chương Cờ đỏ.

Về cuối đời, bà đã viết một vở kịch về Nicôlai Ốtxtơrốpxki. Bà đã viết rằng: "Tôi rất khâm phục hình tượng của Nicôlai Ốtxtơrốpxki, khâm phục nghị lực phi thường, tính cách toàn vẹn và có định hướng, lòng dũng cảm vô bờ, niềm tin sắt đá vào sự thắng lợi của chủ nghĩa cộng sản(7)" Bà mất năm 1952, thọ 78 tuổi.

Có thể giả định rằng nội dung các câu chuyện trao đổi giữa bà và vua Hàm Nghi đều mang màu sắc chính trị. Một số chi tiết được mô tả trong thiên truyện ngắn kể trên đã chứng tỏ điều đó. Họ đã trao đổi về tình hình Đông Dương và tình hình của nước Nga. Lúc này, trong tâm hồn của nhà nữ văn sĩ trẻ tràn ngập không khí sôi nổi của phong trào cách mạng dân chủ trước khi xảy ra cuộc cách mạng Nga năm 1905. Có thể thấy rõ tính chất cởi mở của những cuộc trao đổi giữa hai người dựa vào sự so sánh câu chuyện của Sépkina Cuperníc với những hồi ức của G. Catờru(8) cựu toàn quyền Đông Dương.

CATỜRU: "Vua Hàm Nghi là tượng trưng cho phẩm chất cao quý. Sống trong cảnh đi đày, nhà vua luôn luôn nhớ đến quê hương và lo lắng cho số phận của đất nước. Thế nhưng, mặc dầu rất tin tôi, nhà vua vẫn chẳng bao giờ nói với tôi về tình hình Đông Dương hay về tình cảnh của mình".

SÉPKINA CUPERNÍC: "... Nhưng tôi thấy rõ là cái điều nhà vua không muốn nói đến và không muốn hé răng với những kẻ xâm lược, những điều luôn luôn day dứt trong lòng, thì nhà vua lại sẵn sàng thổ lộ với người bạn gái của nước Nga xa xôi. Và hẳn là sự chạm nhẹ của bàn tay tôi đã không thể làm cho nhà vua bị đau đớn. Ngài là người đầu tiên nói với tôi một cách sôi nổi về Tổ quốc mình.

Ngài nói về lòng tin của mình, về triết học vĩ đại của Khổng Tử, về những điều ngài đã sáng tỏ trong các sách triết học đó, về những kiến giải đối với Khổng giáo. Đó là những điều ngài đã giấu kín, chẳng muốn tâm sự cùng ai, nhưng nó chính là mục đích của cuộc đời ngài. Ngài đã nói về cố đô của mình, về ngai vàng đã bị kẻ khác tiếm đoạt. Trong lúc đó, ngài đã bị tước mất ngay cả cái quyền được ngắm nhìn bầu trời thân thuộc... Ngài cho biết muốn đi đâu vào giờ nào cũng phải xin phép, chứ đừng nói đến trở về Tổ quốc. Ngài tỏ ý ghen vì tôi được đi đây đi đó nhiều...

Rồi ngài nói tiếp:

- Tôi rất muốn được ngắm nhìn những bông tuyết và những cánh đồng thảo nguyên của các bạn...

- Xin mời ngài đến thăm đất nước chúng tôi.- Tôi buột miệng nói.

Nhà vua cúi đầu thấp xuống. Lúc ngẩng nhìn tôi, đôi mắt ngài đã dớm lệ.

- Je suis un pauvre oiseau avec un fil à la patte(9). Ngài đã nói câu đó với nụ cười tê tái quen thuộc trên môi.


Cuối cùng, chúng tôi muốn nhận xét thêm là những mối quan hệ giữa hai người không chỉ hạn chế trong buổi gặp gỡ ở Angiêri. Trong các thư từ trao đổi của nữ văn sĩ Nga có những chi tiết thoáng qua chứng tỏ rằng trong năm 1902, bà nhiều lần nhận được thư của vị hoàng tử An-nam bị đi đày.

ĐỖ THANH (dịch)
(SH27/10-87)


-------------------------
1) Hoàng tử Lý Tông. Tuyển tập: T.L. Sép-ki-na Cu-per-níc - Thư từ phương xa - Mat-xcơ-va. Truyện ngắn này được đăng trong tập sách cuối cùng, xem: T.L. Sép-ki-na Cu-per-níc- Các trang rời rạc. Mát-xcơ-va, 1959. Sép-ki-na Cu-per-níc tham gia chuyến du lịch cùng với nữ văn sĩ Nga nổi tiếng thời bấy giờ M.V. Crex-tốp-xcai-a. Qua thư từ của Crex-tốp-xcai-a, chúng tôi được biết hai bà đã bỏ dở chuyến du lịch vì thái độ khiếm nhã của chính quyền thực dân. Xem: Tài liệu lưu trữ quốc gia về văn học và nghệ thuật, kho số 217, bản kê số 1 đơn vị lưu trữ 89.
2) M. I. Glin-ka, nhà soạn nhạc Nga vĩ đại nửa đầu thế kỷ XIX.
3) Gaultier. L’ Étrange aventure de Ham Nghi, empereur d' Annam, Paris. 1959, tr. 12.
4) Tài liệu lưu trữ quốc gia, kho 571, bản kê 1, đơn vị lưu trữ 345.
5) Sau khi vua Hàm Nghi bị bắt, cuộc kháng chiến vẫn được tiếp tục. Xem Trần Văn Giàu, Chống xâm lăng, quyển 2 - Hà Nội, 1957. tr. 53-107.
6) Phan Bội Châu, Việt Nam vong quốc sử - Hà Nội, 1958, các tr. 12, 48-50.
7) Vở kịch của T.L. Sép-ki-na Cu-per-níc, Tạp chí Sân Khấu, số 3, 1953.
8) Gaultier, L’Étrange aventure... Préface du général d' Armée Catroux (grand chancelier de la Légion d’honneur, ancien Gouverneur de I’ Indochine).
9) Tôi là con chim khốn khổ bị buộc chân (Tiếng Pháp).









 

Các bài mới
Paven (08/10/2013)
Kỷ niệm Nga (12/09/2013)
Lòng nhân từ (10/09/2013)
Các bài đã đăng