Tạp chí Sông Hương - Số 27 (T.9&10-1987)
Lòng nhân từ
16:50 | 10/09/2013

ĐANIEN GRANIN

Năm ngoái, một tai họa xảy ra với tôi. Tôi đi trên đường phố, bị trượt chân và ngã xuống... Ngã thật thảm hại: mặt áp xuống, mũi toạc ra, tay bị tréo lên vai. Lúc đó khoảng bảy giờ chiều, ở trung tâm thành phố, trên đại lộ Kirov, cách ngôi nhà ở không xa.

Lòng nhân từ
Nhà văn và nhà hoạt động xã hội Nga Daniel Granin - Ảnh: internet

Tôi nhỏm dậy thật khó khăn, loạng choạng tìm tới một lối về nhà gần nhất, cố lau máu bằng khăn tay. Tôi cảm thấy bị choáng, mỗi lúc một đau hơn và phải làm một cái gì đó thật nhanh. Nhưng tôi không nói được - miệng cũng bị toác ra.

Tôi đi trên đường phố, cố giữ đừng chuệnh choạng. Tôi nhớ rõ đoạn đường này - chừng bốn trăm mét gì đó. Trên đường phố còn đông người. Tôi gặp một người đàn bà dắt đứa con gái, một cặp nam nữ, một người đàn bà đứng tuổi, một người đàn ông, mấy anh chàng trẻ tuổi, tất cả lúc đầu tò mò nhìn tôi, sau đó đưa mắt về phía khác và tránh ra. Chỉ cần có ai đó trên đường đến với tôi, hỏi tôi có cần giúp đỡ gì không. Tôi còn nhớ rõ khuôn mặt của nhiều người - tôi mong chờ ở họ một sự giúp đỡ.

Cơn đau làm ý thức tôi rối loạn, nhưng tôi hiểu rằng nếu như bây giờ tôi có nằm xuống vệ đường, thì họ cũng lặng yên bước qua người mà đi. Cần phải đến được nhà mình. Nhưng chẳng có ai giúp tôi cả.

Về sau tôi có nghĩ lại chuyện này. Có lẽ người ta cho tôi say rượu chăng? Hẳn là không, lẽ nào tôi lại gây ra ấn tượng ấy được? Mà dù người ta có thấy tôi say rượu đi chăng nữa, thì họ cũng đã thấy cả người tôi đầy máu me, thấy tôi ngã xuống, tại sao họ lại không giúp đỡ, không hỏi xem chuyện gì đã xảy ra với tôi? Bỏ đi qua, không dính dáng gì, không để mất thời gian, sức lực, "chẳng đụng gì tới tôi cả" đã trở thành một ý thức quen thuộc rồi chăng?

Khi nhớ lại những con người đó với nỗi cay đắng, lúc đầu tôi tức giận, tôi lên án, tôi thắc mắc, rồi sau đó tôi nghĩ tới bản thân mình. Và tôi, cũng tìm thấy ở ngay trong hành vi của mình một cái gì giống thế. Khi ở trong cảnh hoạn nạn, trách người khác thì dễ, nhưng nhất thiết phải nhớ lại chính bản thân mình. Tôi không thể nhớ ra mình đã gặp đúng một trường hợp như vậy không, nhưng có một cái gì đó giống thế - muốn bỏ đi, tránh xa, không dính đến - đã xảy ra cả với tôi. Thấy rõ mình rồi, tôi hiểu ra rằng trong cuộc sống chúng ta, cái ý thức ấy đã quen thuộc đến mức ăn sâu mất rồi.

Tôi không muốn lại phàn nàn về sự suy đồi của phong hóa. Nhưng mức độ suy đồi ấy buộc phải suy nghĩ. Không cá nhân nào có tội về điều đó cả. Buộc tội ai? Tôi nhìn quanh - không tìm ra những nguyên nhân nhìn thấy được.

Thế thì cái gì đã xảy ra với chúng ta? Làm sao chúng ta đã đi tới chỗ đó, làm sao từ tính nhạy cảm bình thường lại đi tới chỗ dửng dưng, hờ hững và điều đó cũng lại trở thành bình thường được?

Tôi không có ý định nêu lên tất cả những nguyên nhân khiến cho lòng tương thân tương trợ, ý thức nghĩa vụ đối với nhau bị suy yếu đi, nhưng tôi nghĩ rằng trong phần lớn trường hợp, điều đó đã bắt đầu từ những sự bất công xã hội khác nhau, khi mà dối trá, khoe khoang, ích kỷ hoành hành không bị trừng phạt. Điều đó xảy ra trước mắt mọi người và đã tác động một cách nguy hại nhất đến sức khỏe tinh thần của con người. Sự dửng dưng cũng xuất hiện và bám sâu đối với cả công việc của mình, người ta bỏ mất đi mọi điều cấm - "tại sao tôi lại không thể được?".Thế là bắt đầu nảy nở cái mà bây giờ chúng ta gọi một cách nhẹ đi là hờ hửng, dửng dưng.

Đương nhiên điều đó không thể không có ảnh hưởng tới quan hệ giữa những người trong tập thể, tới tính đòi hỏi lẫn nhau, tới sự tương trợ. Sự giả dối len cả vào gia đình - tất cả gắn liền với nhau vì đạo lý con người không thể làm bằng những qui tắc riêng lẻ của cuộc sống. Và cái tinh thần đoàn kết, tương thân tương trợ, săn sóc lẫn nhau đã được giữ lại từ chiến tranh, cái tinh thần thống nhất của nhân dân ấy đã bị xói mòn đi.

Bà mẹ một người quen của tôi bị ốm, Bà phải mổ. Người quen của tôi nghe nói phải "lót tay" cho bác sĩ? Anh ta là một người cam chịu, và nỗi lo lắng về bà mẹ càng làm cho anh ta cam chịu hơn, anh ta mượn cớ phải đưa tiền mua thuốc men của mẹ để đề nghị đưa cho bác sĩ 25 rúp. Bác sĩ khoát tay nói: "Tôi không lấy chừng ấy". "Phải, bao nhiêu ạ?, - "Gấp mười". Người quen của tôi là một kỹ sư thường không giàu có gì, nhưng đây là chuyện sức khỏe của mẹ nên đành phải chạy tiền, bỏ vào phong bì và đưa cho bác sĩ một cách xấu hổ, còn người kia thì bình thản rút ra và đếm lại.

Sau khi mổ, bà mẹ chết. Bác sĩ giải thích cho người quen của tôi: "Tôi đã kiểm tra lại, mẹ anh chết không phải vì mổ, tim bà không chịu nổi, vì thế tôi vẫn lấy tiền" - anh ta nói với vẻ rất tin vào thái độ ngay ngắn của mình: nếu người phụ nữ kia chết vì mổ, anh ta sẽ trả lại tiền.

Tôi kể lại trường hợp này không phải vì nó đặc biệt, mà vì người ta không cho nó là đặc biệt.

Một phụ nữ ly hôn với chồng và đòi được trợ cấp qua tòa án. Tòa đồng ý. Nhưng đứa con lại ở với bố mẹ chồng, còn người mẹ ấy thậm chí không nghĩ tới việc đưa con về với mình để chăm sóc nó và vẫn cứ nhận trợ cấp đều đặn. Tiếc thay, ngày càng có nhiều trường hợp các bà mẹ từ bỏ con mình. Trước kia đó là những trường hợp cá biệt làm kinh ngạc mọi người. Bây giờ thì người ta đã chấp nhận chúng là thường tình.

Những sự bàn cãi dông dài của chúng ta về đạo đức thường mang tính chất chung chung. Mà đạo đức thì lại gồm những điều cụ thể: những ý thức, những thuộc tính, những khái niệm nhất định.

Một trong những ý thức đó là lòng nhân từ. Đối với số đông từ ngữ ấy là lỗi thời, bây giờ không mấy ai nói, thậm chí còn bị cuộc sống chúng ta đánh bật đi. Như một thuộc tính nào đó chỉ có trước kia, ngay trong từ điển cũng ghi là "cổ" tức là những khái niệm lỗi thời.

Ở Lêningrat, tại quần đảo Aptêca, xưa kia có một đường phố Nhân từ. Cái tên ấy bị coi là lỗi thời cả đối với một đường phố, người ta thay bằng tên đường Thợ dệt.

Không phải ngẫu nhiên mà các từ ngữ cũ đi. Nhân từ - sao, không đúng mốt, không cần thiết nữa chăng?

Tước bỏ lòng nhân từ ấy đi là tước bỏ của con người một trong những biểu hiện quan trọng nhất của đạo đức. Cái ý thức tất yếu cổ xưa ấy là thuộc tính của mọi cộng đồng sinh vật: thương xót những kẻ bị đày đọa và đau khổ. Tại làm sao ý thức ấy ở nước ta đã bị mất dần đi, héo tàn đi, bị vất bỏ đi? Người ta có thể phản đối tôi bằng cách viện dẫn ra không ít những ví dụ về sự nhạy cảm, sự thông cảm, về lòng nhân từ chân chính cảm động. Những ví dụ ấy có thật, thế nhưng chúng ta vẫn cảm thấy từ lâu rồi lòng nhân từ đã ra khỏi cuộc sống chúng ta. Giá như có thể tiến hành một cuộc nghiên cứu xã hội học về ý thức ấy...

Thảm kịch mới đây ở Trecnôbưn đã làm chấn động nhân dân và tinh thần nhân dân. Tai họa làm xuất hiện ở nước ta những ý thức tốt lành nhất, nồng nhiệt nhất, người ta được kêu gọi giúp đỡ và đã giúp đỡ bằng tiền, bằng tất cả những gì có được. 530 triệu rúp đã được tự nguyện góp vào quỹ giúp đỡ những người bị tai nạn ở Trecnôbưn. Đó là một con số lớn - nhưng điều chủ yếu là sự hưởng ứng tinh thần: người ta tự mình đi tìm những đứa trẻ, đón những nạn nhân về nhà mình, chia sẻ mọi thứ cho họ. Một sự hưởng ứng như vậy cũng thấy xuất hiện khi có những tai nạn mới đây ở Grudia, nơi xảy ra tai nạn núi lở, lụt lội. Tất nhiên, đó là biểu hiện lòng nhân từ của toàn dân mà bao giờ nhân dân ta cũng có: bao giờ người ta cũng giúp những người bị cháy nhà, bao giờ người ta cũng giúp nhau khi bị đói kém, mất mùa...

Nhưng Trecnôbưn, động đất, lụt lội là những hoàn cảnh tai họa. Lòng nhân từ và thông cảm cần phải có thường xuyên hơn trong đời sống bình thường, hằng ngày, của người này đối với người khác. Sự sẵn sàng thường xuyên giúp đỡ nhau có thể được giáo dục bằng sự đòi hỏi, bằng sự nhớ tới những người thường xuyên cần đến điều đó.

Tôi tin chắc rằng con người đẻ ra cùng với năng lực thông cảm với nỗi đau của người khác. Tôi cho đó là một ý thức bẩm sinh, được đem lại cho chúng ta cùng với những bản năng, với tâm hồn. Nhưng nếu như ý thức ấy không được dùng, không được tập luyện, thì nó sẽ bị yếu đi và bị teo đi.

Lòng nhân từ có được tập luyện trong cuộc sống chúng ta không? Có cái gì thường xuyên buộc có ý thức ấy không? Chúng ta có thường được kêu gọi phải có ý thức ấy không?

Tôi nhớ lại thuở còn thơ, bố tôi khi đi ngang qua những kẻ ăn mày, mà hồi đó những kẻ ăn mày thì lại rất nhiều, họ mùa lòa, què quặt, hoặc chỉ là những kẻ ăn xin trên các chuyến tàu, ở các nhà ga, ở các chợ - bố tôi bao giờ cũng đưa cho tôi mấy đồng tiền và nói: Con cho họ đi! Thế là tôi vượt qua nỗi sợ hãi - những kẻ ăn mày thường có bề ngoài đáng sợ - đem cho họ tiền. Đôi khi tôi còn phải vượt qua sự tiếc nuối nữa - tôi muốn giữ lại những đồng tiền ấy cho mình, gia đình chúng tôi cũng nghèo. Bố tôi thì không bao giờ xét xem họ có giả vờ hay không, có thật què hay không. Ông không hề chú ý tới điều đó: đã có kẻ ăn mày thì phải cho.

Bây giờ tôi mới hiểu rằng đó là sự tập luyện lòng nhân từ. Không có điều đó thì ý thức ấy không thể sống được.

Bây giờ, ở nước ta không có ăn mày, thật là tốt. Nhưng vẫn phải có những hình thức khác bắt buộc biểu hiện lòng nhân từ của con người. Không phải để tập, mà vì rằng trong cuộc sống chúng ta có không ít những người cần được thông cảm và giúp đỡ.

Sau lần ngã ấy, tôi phải nằm bệnh viện. Đó là một bệnh viện thành phố, cũ và rất bình thường, một bệnh viện "cấp cứu". Vì nó cũ nên trông cũng không bình thường lắm, trông thật đáng sợ (đến nay cũng thế). Nhà cửa ọp ẹp, sàn gác lung lay, nước nóng không có, chuột chạy lung tung. Tôi sẽ không nhắc đến tên bệnh viện ấy. Vì ở đó có những thầy thuốc tuyệt vời. Tôi không muốn họ thấy khổ sở, vì nói chung họ mới cảm thấy khổ sở chứ không phải là những người phụ trách.

Đêm đêm, không ngủ được vì đau, tôi lang thang dọc hành lang. Cái hành lang dài ấy ngổn ngang những giường bệnh và bệnh nhân. Trong các phòng, không đủ chỗ. Đàn ông, đàn bà nằm lộn xộn - họ rên rỉ, càu nhàu. Người thì yêu cầu được đỡ ngồi lên, người thì yêu cầu được uống nước.

Tôi nhớ lại một bệnh viện tiền phương sau trận đánh. Một người đàn bà già gọi tôi lại. Bà yêu cầu tôi ngồi cạnh. Bà than thở cùng tôi về những người thân ở xa, về cuộc sống khó khăn và cô quạnh hiện nay của mình. Bà nắm lấy tay tôi. Im lặng. Tôi tưởng bà ngủ thiếp đi, hóa ra bà đã chết. Bàn tay bà cứng đờ.

Ở mặt trận, tôi chạm mặt với đủ mọi cái chết. Việc có những người chết ở bệnh viện là điều không tránh khỏi được. Nhưng cái chết ấy làm cho tôi sững sờ. Người đàn bà ấy đã gọi một người xa lạ tới, không cần biết đó là ai, đau đớn vì sự cô quạnh trước khi chết. Đó quả là một cảm giác không thể chịu đựng nổi. Một sự trừng phạt đáng sợ, vì lẽ gì không biết. Chỉ cần có một ai đó để tựa vào. Làm sao có thể kết hợp được sự quan tâm đối với con người, chế độ y tế không mất tiền, chủ nghĩa nhân đạo, tính tập thể của cuộc sống với tình cảnh một con người - sau khi đã làm việc suốt đời mình, phải hấp hối trong sự từ bỏ ấy? Đó không phải là điều xấu hổ, là sự nhục nhã, là tội lỗi chung của chúng ta? Chính trong những giây phút ấy, lòng nhân từ được kiểm nghiệm như trình độ nhân đạo của xã hội.

Tất nhiên, tình cảnh mà các bệnh viện thành phố thông thường của chúng ta bị dồn vào, thật nặng nề hết sức. Tiền lương quá thấp của những người y tá, công việc nặng nhọc, dơ bẩn - cho ăn uống, giúp trở mình, lau dọn, mang đi mang về các thứ. Thật là không bình thường khi bệnh viện "Cấp cứu" ấy luôn luôn chật chội, lại không đủ thiết bị y tế. Nhưng ngoài tất cả những điều đó ra, người ta không đi làm y tá - cái nghề không co uy thế, và lòng kính trọng đối với sự hiền dịu, thiêng liêng, thương cảm đã biến mất, những cái đó vốn đã từng làm cho sự chăm sóc người bệnh thành một đặc quyền của tấm lòng chân tình phụ nữ. Có lẽ hiện nay y tá, hộ lý là công việc thương yêu con người nhất, đó là những phẩm chất tâm hồn con người ngự trị và chiến thắng chứ không phải là học vấn. Đó chính là nơi đòi hỏi sự chịu đựng, lòng tốt, sự dịu dàng mà toàn bộ y học chỉ còn thiếu có thế!

Thanh niên vui vẻ hưởng ứng những lời kêu gọi đi khai hoang đi xây dựng BAM, đi tới những công trường lớn và nhỏ. Nhưng chưa có ai kêu gọi họ đi an ủi những người đau khổ, đi nâng những người bị ngã bằng tâm hồn mình, đi chữa những người bệnh bằng sự săn sóc của mình. Chắc chắn sẽ tìm được những người muốn làm công việc mình, họ sẽ đi tới các bệnh viện giống như trong thời gian chiến tranh đã có những người đến đó và làm nên những phép lạ. Đó là hồi chiến tranh - người ta sẽ phản đối tôi như vậy. Nhưng bây giờ con người vẫn đang đau khổ, và ngày nay cuộc sống con người cũng vẫn quý giá và mỏng manh như thế.

Lòng nhân từ bị xói mòn đi không phải ngẫu nhiên. Trong thời kỳ thủ tiêu Culắc, trong những năm đàn áp hàng loạt, người ta không được cho phép giúp đỡ những người thân, những người láng giềng, những gia đình của các nạn nhân. Người ta không cho con cái những kẻ bị bắt, bị đày trú ngụ. Người ta bị buộc phải tán thành những sự kết án tàn khốc. Ngay cả sự thông cảm với những người vô tội bị bắt cũng bị cấm. Những thái độ như lòng nhân từ bị đánh giá là đáng nghi ngờ, thậm chí là có tội: nào là vô chính trị, nào là phi giai cấp, nào là ngăn cản và làm nguôi căm thù trong thời đại đấu tranh... Nó không được có mặt trong nghệ thuật. Lòng nhân từ thật ra đã có thể ngăn cản được tình trạng thiếu pháp chế, đàn áp khắc nghiệt v.v... Trong những năm 30, 40, khái niệm ấy đã biến khỏi ngôn từ chúng ta.

Trong bài thơ đề tặng "Bức tượng nhỏ", mà mỗi từ trong đó đều rất chín chắn, Puskin đã tổng kết những công lao của thơ ca mình bằng một công thức cổ điển:

Và rồi nhân dân còn thương yêu tôi lâu dài,
Vì tôi đã đánh thức lòng tốt bằng thơ tôi,
Vì trong thời đại nghiệt ngã của tôi, tôi đã ca ngợi tự do.

Và kêu gọi lòng thương những người ngã xuống. Dù có giải thích câu cuối cùng thế nào đi nữa, trong mọi trường hợp nó vẫn là kêu gọi rõ ràng cần phải có lòng nhân từ. Chỉ cần theo dõi kỹ, cũng thấy rõ cả trong thơ ca cũng như trong văn xuôi của ông, Puskin đã kiên trì đề tài ấy. Từ bữa tiệc của Piôt Đại đế, từ "Người con gái viên đại úy", "Phát súng", "Người coi trạm" - lòng thương đối với những người ngã xuống đã trở thành một nhu cầu đạo đức đối với văn học Nga, một trong những nghĩa vụ cao nhất của nhà văn. Suốt cả thế kỷ XIX, các nhà văn Nga đã kêu gọi phải nhìn thấy con người có tâm hồn trung hậu, đáng yêu và đáng trọng, trong người viên chức hạng cuối, người coi trạm ấy, di huấn của Puskin về lòng thương những người ngã xuống đã thấm sâu vào sự sáng tạo của Gôgôn và Tuốcghêniep, Nêcraxôp và Đôxtôiepxki, Tônxtôi và Kôrôlencô, Tsêkhôp và Lexcôp.

Các cuộc cải tạo xã hội của chế độ mới hình như sẽ tạo ra một vương quốc chung của bình đẳng, tự do và bác ái, của những người bình thường hạnh phúc. Nhưng mọi cái hóa ra phức tạp hơn. Văn học phải sống trong những cánh cửa đóng kín, bị niêm phong, những đề tài bị cấm đoán, những chiếc tủ sắt.

Các giai đoạn lịch sử quan trọng nhất của cuộc sống chúng ta đã trở thành những thứ không đụng tới. Thêm vào đó là tình trạng bất công xã hội và những điều mà mọi người phải đôi khi chịu đựng vì quyền lực của những kẻ có của: Lăng nhục, tước đoạt, đểu cáng - mà việc mô tả thường bị xem xét, bị hạn chế nghiêm ngặt.

Và có lẽ trong văn học thời chiến tranh, đề tài về tính nhân đạo, về lòng nhân từ mới vang lên đặc biệt mạnh mẽ và liên tục.

Kêu gọi lòng thương những người ngã xuống - giáo dục ý thức ấy, quay lại với nó, kêu gọi nó - là một sự cần thiết cấp bách. Tôi tin chắc rằng nền văn học chúng ta, hôm nay lại càng vậy, không thể từ bỏ di huấn của Puskin. Phải tháo niêm phong các cánh cửa ra. Lịch sử không thể nào chia cắt được. Không thể rút ra từ đó chỉ có những gì ngọt ngào, xán lạn. Những nỗi đau buồn của lịch sử chúng ta, cả trong chiến tranh cũng như sau chiến tranh, vẫn còn chờ được nhớ lại - không phải để bồi hoàn, mà là để thông cảm, để thừa nhận. Tôi vui mừng vì nghĩa vụ ấy đang được thực hiện, mỗi người một cách. Không thể đánh giá điều tốt lành và sự vận động thực hiện của những biến đổi hiện nay tách rời khỏi tất cả những gì nặng nề, thiếu nhân từ mà cha ông chúng ta cũng như chính bản thân chúng ta đã phải nhận lấy. Minh oan trước pháp luật là một việc, mà bày tỏ lòng cảm phục những ai đã đau khổ một cách vô tội lại là một việc khác. Sự công bằng lịch sử có ý nghĩa rất nhiều đối với sức khỏe tinh thần. Có biết bao nhiêu cháu chắt của họ đang mơ ước cái chết của cha ông mình không bị lặng thinh! Đó là nhân từ đối với những người đã khuất, cũng như đối với chúng ta, những người đang sống.

Mới đây tôi đọc cuốn sách "Về mọi sinh vật - lớn và nhỏ". Tác giả của nó là một bác sỹ thú y nông thôn Anh. Một cái nghề rất khiêm nhường, người ta hiếm khi viết về nó. Cuốn sách viết lại công việc của một bác sỹ thú y, kể lại ông ta tới các nông trại Ioocsia, phục vụ gia súc, chim muông, thăm bệnh chó và mèo như thế nào. Chữa bệnh cho động vật là một công việc khó nhọc, thường là nguy hiểm, tác giả không kêu gọi gì hết, không đạo đức hóa gì hết, nhưng chính ở đó mới thấy rõ sức mạnh của câu chuyện không có gì giả tạo.

Đọc cuốn sách ấy, tôi không khỏi xấu hổ nhớ tới những bầy chó lang thang ở các vùng ngoại ô - kết quả của sự nghiệt ngã và thói ích kỷ của chúng ta, và tôi nghĩ rằng không phải vô cớ mà chúng ta đã có thái độ mỉa mai đối với các Hội bảo vệ động vật đang được lập ra trên thế giới. Tôi nghĩ rằng sự phát triển ý thức đạo đức của xã hội buộc phải xem xét lại những điều mà trước kia chúng ta loại bỏ khỏi đường đi của mình, những hình thức đời sống xã hội nào đó mà ngày nay có thể sử dụng được.

Chẳng hạn, đó là những hình thức từ thiện. Kinh nghiệm của nước Nga chúng ta, và cả phương tiện phương Tây nữa, đáng được chú ý. Nhận trợ cấp tư nhân không hiểu tại sao ở nước ta lại bị coi là không thích hợp, thậm chí là thấp hèn. Một quy ước về đạo đức xã hội chủ nghĩa của chúng ta dường như đã hình thành như thế này: đau khổ vì cô đơn - không thích hợp; cô đơn không phải là một trạng thái thuộc tính của người Xô viết. Bất hạnh là không thích hợp. Nghèo nàn - cũng vậy. Thế nhưng cô đơn là một tai họa không phải chỉ của người già mà còn là của người trẻ tuổi, nó tuyệt nhiên không phải là ngẫu nhiên, không phải là hậu quả của tính cách xấu xa v.v... Còn nghèo nàn? Người ta nhún vai khi nghe nói điều đó, vì ở nước ta không có kẻ nghèo, và nếu có bắt gặp họ thì cũng chỉ là vì thiếu một sự quan tâm nào đó và đó là mối quan tâm của nhà nước còn chúng ta thì chẳng có trách nhiệm gì cả.

Thế nhưng, rõ ràng lòng nhân từ là một điều hết sức riêng tư. Chúng ta lập ra Quỹ văn hóa, một tổ chức cao cả và cần thiết. Mà đó cũng chính là lòng nhân từ đối với những tượng đài, những kho tàng lịch sử và văn hóa. Quỹ văn hóa - thật tuyệt vời, nhưng tại sao chúng ta lại không thể tự mình hành động như vậy đối với những người đang thiếu thốn? Chẳng lẽ xã hội chủ nghĩa không phải là một xã hội tương thân tương trợ, thông cảm lẫn nhau? Rõ ràng là cần phải lập ra những hình thức tổ chức để giúp đỡ và quan tâm lẫn nhau trừ những kẻ bị xử tử hình. Ở nước ta có nạn nghèo khổ che đậy, nạn nghèo khổ rụt rè. Có những người nghèo khổ chắc sẽ vui mừng khi được giúp đỡ nhưng tự chúng ta còn rụt rè hoặc không biết tới. Có những bệnh nhân mãn tính, có nhiều tai họa khác nhau đòi hỏi một sự giúp đỡ tế nhị. Sự giúp đỡ ấy cần cho cả những ai có thể giúp đỡ, muốn giúp đỡ.

Tôi không có những đơn thuốc để cho sự quan tâm lẫn nhau được biểu hiện đối với tất cả chúng ta, nhưng tôi tin chắc rằng chỉ có từ sự hiểu biết chung của chúng ta về vấn đề này mới có thể nảy sinh ra những lối thoát cụ thể nào đó. Một người - như tôi chẳng hạn - chỉ có thể đánh chuông cảnh tỉnh và yêu cầu mọi người hiểu thấu điều đó và nghĩ tới việc phải làm gì để cho lòng nhân từ sưởi ấm cuộc sống chúng ta.

Chúng ta đã ca ngợi tinh thần anh hùng, ca ngợi chiến công của những người đã khắc phục khó khăn, những chiến sĩ không biết sợ hãi. Nhưng những tác phẩm về những người không thể vượt qua được sự bất công và những gánh nặng cuộc đời, về những người suy sụp tinh thần và tuyệt vọng, - những tác phẩm ấy ở đâu?… Những người như thế có xung quanh ta, mà văn học thì không với tay tới họ, văn học chỉ lên án và xa lánh những kẻ sụp đổ. Ý nghĩ cho rằng bất hạnh và đau khổ không phải là thuộc tính của con người chúng ta đã mạnh đến mức người ta cố mô tả thiên anh hùng ca về Lêningrat bị bao vây chỉ như một chuỗi chiến công và hành động anh hùng. Không thể kể lại về Lêningrat như về một thành phố của những đau khổ chưa từng có của chúng ta mà chiến tranh đã mang lại.

Đổ tất cả tội lỗi cho nền văn học quá cam chịu của chúng ta là quá đơn giản, - nhưng không thể không nói tới điều đó. Không được quên rằng từ thời "Sông Đông êm đềm" - lời kêu gọi vĩ đại, xúc động về tình thương đối với những người ngã xuống ấy - tiếng nói của lòng nhân từ vang lên ngày càng hiếm hoi. Trong văn học sau chiến tranh của chúng ta, không thể tìm ra những dòng thông cảm đến với những đám dân bị đưa đi khỏi mảnh đất quê hương, và rất ít đối với hàng triệu người chịu đựng vô tội ách chiếm đóng phát-xít, đối với hàng triệu người chịu cảnh tù binh. Văn học không thể bị tước bỏ quyền thông cảm. Tất nhiên, có thể ẩn đằng sau cái mốc của lịch sử, có thể cho rằng đã không được viết thì không viết, nhưng tấm gương của Bugalkov Akhmatôva, Platônôv - hai, ba nhà văn chứng tỏ rằng có thể không sợ gì cả.

Lòng thương đối với những người ngã xuống đòi hỏi phải có sự dũng cảm và niềm tin của Puskin.

Khi mô-tip ấy đã bắt đầu quay trở lại với văn học những năm gần đây, mọi người đã lắng nghe nó biết bao! Hãy nhớ tới "Xaska" của Viatrexlay Kondratiev, hãy nhớ tới những dòng thơ của Voznêxenki, Eptusenkô, Ôkutgiava, "Tín hiệu tai họa" của Bukôv, và bây giờ cái đề tài được mong đợi từ lâu ấy - còn được nâng lên ở những tác giả khác, nó thật cần thiết để cho đời sống chúng ta được người hóa. Cần phải kêu gọi đi, kêu gọi lại về đề tài ấy để cho lương tâm biết lo lắng, để chữa bệnh điếc của tâm hồn, để cho con người ngừng ngấu nghiến cuộc sống được ban cho, không đem đổi nó lấy bất cứ cái gì, và để mất nó đi bằng bất cứ cớ gì.

HUY YÊN dịch
(Theo Báo Văn Học, LX, số 12, 18-3-1987)
(SH27/10-87)







 

Các bài mới
Paven (08/10/2013)
Kỷ niệm Nga (12/09/2013)
Các bài đã đăng