Tạp chí Sông Hương - Số 295 (T.09-13)
Chuyên đề Biển đảo quê hương
10:05 | 16/09/2013

LTS: Một tác giả góp mặt trong chuyên đề “Biển đảo quê hương” lần này đã viết: “Trong huyết quản mỗi người dân Việt bây giờ vùng biển đảo mỗi khi vang lên lại thấy một gì như ứ đầy nghèn nghẹn, như dòng chuyển lưu, và thiêng liêng như nghĩ về thân nhân ruột thịt”. Đây cũng chính là nỗi lòng của BBT khi thực hiện chuyên đề này, và mong tiếp tục nhận được nhiều bài viết hay từ phía bạn đọc.
SH

Chuyên đề Biển đảo quê hương
Trường Sa - ảnh: Lê Hùng

LÊ VŨ TRƯỜNG GIANG

Chủ quyền sống
 

Đại Nam nhất thống toàn đồ do vua Minh Mạng cho vẽ vào năm 1838 có thể hiện hai địa danh Hoàng Sa và Vạn Lý Trường Sa bằng chữ Hán.

Từ lâu biển Đông đã gắn bó với đất nước Việt Nam như một hữu thể không thể tách rời. Biển Đông là quê mẹ của những cháu con dòng dõi Tiên - Rồng từ thuở lập quốc. Vì thế, cuộc sống của bao thế hệ người dân Việt gắn liền với biển, gắn liền với những con thuyền lênh đênh sóng nước để từ đó đánh dấu chủ quyền thiêng liêng của mình lên những “bãi cát vàng” lịch sử. Chủ quyền ấy đã được lịch sử chứng minh với những luận cứ không thể chối cãi qua nhiều chứng cứ xác thật.

Hàng nghìn những bằng chứng lịch sử đã cho thấy nhà nước Việt Nam là nhà nước đầu tiên trong lịch sử, ít nhất là từ thế kỷ thứ XVII, đã chiếm hữu và thực thi chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việc khẳng định và thực thi chủ quyền này là thực sự, rõ ràng, liên tục, hòa bình và phù hợp với các quy định quốc tế.

Những dấu vết đầu tiên xuất hiện trong các bộ bản đồ cổ từ thời Lý, Trần, Lê đã xác định vị trí 2 quần đảo này. Cho đến nay, chúng ta còn lưu giữ lại được bộ bản đồ thời Lê khẳng định chủ quyền của Hoàng Sa, Trường Sa và bộ bản đồ cổ này được xem như một cứ liệu lịch sử quan trọng để xác định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo nói trên(1).

Chủ quyền đó được tiếp tục khẳng định trong cuốn Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn viết năm 1776. Bộ sách này đã đánh dấu niên đại của những dấu hiệu pháp lý chắc chắn đầu tiên từ thế kỷ XVIII. Trong Phủ biên tạp lục, các quần đảo đã được mô tả là “phải đi ba ngày đêm mới đến được” và nói đến hoạt động khai thác có tổ chức của các chúa Nguyễn. Người ta tìm thấy ở đây bản kê khai các tài nguyên thu lượm được việc khai thác này sau khi đã tham khảo các sổ đăng ký của nhà Chúa(2). Những tư liệu quý báu của nhà bác học Lê Quý Đôn ghi chép trong Phủ biên tạp lục là những cứ liệu lịch sử đáng tin cậy với những trích dẫn văn bản mang tính pháp lý còn lưu lại của nhà nước phong kiến thời bấy giờ về Hoàng Sa, Trường Sa là của người Việt, có ý nghĩa về mặt lịch sử, ngoại giao và chủ quyền về biển đảo rất rõ nét.

Thời Tây Sơn có một tài liệu là chỉ thị của Thái phó Tổng lý Quản binh dân chư vụ Thượng tướng công nhà Tây Sơn ngày 14/2 năm Thái Đức thứ 9 (1786) với nội dung sai Cai đội Hoàng Sa cưỡi 4 chiếc thuyền câu vượt biển thẳng đến Hoàng Sa cùng các sứ cù lao ngoài biển, tìm nhặt đồ vàng, bạc, đồng và các thứ đại bác, tiểu bác, đồi mồi, vỏ hải ba chở về kinh, tập trung nộp theo lệ(3).

Theo chính sử Việt Nam và theo nhiều nhân chứng nước ngoài, từ thế kỷ 17, các chúa Nguyễn với danh nghĩa Nhà nước đã thành lập các đội Hoàng Sa và Bắc Hải hàng năm ra khai thác và quản lý các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Hoạt động này thể hiện qua sự quản lí, điều hành, hàng năm tổ chức các đội thuyền Hoàng Sa và Bắc Hải khảo sát đo đạc thủy trình, vẽ bản đồ, khai thác tài nguyên, xây dựng chùa miếu, dựng bia, trồng cây, kiến tạo cơ sở hạ tầng,… xem đó là biểu tượng chủ quyền của Việt Nam ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Cuốn Biên niên sử An Nam chép: “Các đảo Hoàng Sa nằm ở phía Đông đảo Lý, từ bờ biển Sa Kỳ chạy ra khơi, thuận gió ba, bốn ngày đêm có thể đến. Trên đảo có nhiều núi la liệt tất cả hơn 130 ngọn, cách nhau hoặc một ngày đường hoặc vài canh giờ. Giữa đảo có bãi cát vàng bề dài không biết mấy ngàn dặm, tục gọi là Vạn Lý Trường Sa, bãi có giếng nước ngọt, hải điều tụ tập nhiều, không biết bao nhiêu mà kể, sản xuất nhiều hải sâm, đồi mồi, ốc hoa, ba ba, các thuyền bị phong nạn cũng tụ tập ở đó… Đầu triều Nguyễn, đặt đội Hoàng Sa gồm 70 người lấy dân xã An Vĩnh sung vào, hàng năm cứ tháng ba cưỡi thuyền ra đảo, thu lượm hóa vật, đến tháng 8 trở về cảng Tư Hiền nộp lại. Lại có đội Bắc Hải do đội Hoàng Sa cai quản đi thu lượm hóa vật ở các đảo Côn Lôn ở Bắc Hải”(4). Ngày nay vẫn còn vết tích của hoạt động đó thông qua “Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa” được tổ chức hàng năm tại đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi). Đó là một bằng chứng sống, vẫn còn có giá trị đối với Việt Nam.

Tiếp đó, triều Nguyễn rất quan tâm đến việc củng cố chủ quyền Việt Nam trên hai quần đảo, Hoàng đế Gia Long, Minh Mạng liên tiếp phái thủy quân ra Hoàng Sa - Trường Sa khảo sát, đo đạc, vẽ bản đồ, lập miếu, dựng bia, cắm cờ. Năm 1816, Hoàng đế Gia Long long trọng khẳng định chủ quyền của vua An Nam trên các quần đảo. Đại Nam thực lục chính biên chép: “Năm Bính Tý [1816] Gia Long thứ 15, tháng giêng mùa xuân, mệnh thủy quân cùng đội Hoàng Sa dùng thuyền đến Hoàng Sa thăm đo thủy trình”(5)… Triều Minh Mạng nối ngôi Hoàng đế Gia Long tiếp tục theo đuổi sự nghiệp của vua cha. Từ năm 1833 - 1834, vua Minh Mạng ra chiếu dụ xây dựng bia và lập bản đồ quần đảo. Đại Nam thực lục chính biên còn ghi lại: “Năm Quý Tỵ [1833], Minh Mệnh thứ 14, tháng 8 mùa thu… Nhà vua bảo Bộ Công rằng tại biển Quảng Ngãi có một dãy Hoàng Sa, nhìn xa trời nước một màu không phân biệt được nông sâu, từ trước tới nay thương thuyền thường bị hại. Nay nên chuẩn bị thuyền bè, đến năm sau đến đó xây miếu, lập bia và trồng nhiều cây. Chờ mai sau cây mỗi ngày một lớn tốt tươi để dễ nhận biết, ngõ hầu khỏi lầm chỗ cạn; đó là điều lợi vạn năm vậy”(6). Trong hai năm 1835 - 1836, các công trình trên đảo được tiến hành dưới sự quản lý của nhà vua. Đến 1848 - 1849, Quản lý hành chánh các đảo được duy trì, nó có mục đích địa lý nhằm có sự hiểu biết tốt nhất các hải trình. Nó cũng có mục đích tài chính để thu thuế ngư dân trong vùng.

Theo Đại Nam thực lục chính biên, trong 3 năm 1833, 1835, 1836 vua Minh Mạng liên tiếp có chỉ thị về Hoàng Sa. Hiện nay, triều Nguyễn vẫn còn để lại 19 châu bản nói về chủ quyền Hoàng Sa.

Đại Nam Nhất Thống Chí ấn hành năm Duy Tân thứ 3 (1910) chép, có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc tỉnh Quảng Ngãi, tiếp tục khẳng định hoạt động của đội Hoàng Sa và đội Bắc Hải do đội Hoàng Sa kiêm quản, cho biết thêm chi tiết về hành động thực thi chủ quyền của Việt Nam thời vua Minh Mạng như sai binh lính xây chùa, dựng bia...

Mặt khác, Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam bởi hàng ngàn bản đồ của phương Tây, của Việt Nam và cả Trung Quốc cùng hàng trăm nguồn tài liệu khác đã xác định rõ điều này. Nhiều bản đồ do người Việt vẽ đã xác định chủ quyền ở hai quần đảo trong: Thiên Nam Tứ chí Lộ Đồ Thư trong Hồng Đức bản đồ; Toàn Tập An Nam Lộ trong sách Thiên hạ bản đồ (của Đỗ Bá Công soạn năm Chính Hòa thứ 7/1686) và Toản Tập An Nam Lộ. Nhiều sách khác của người Việt nhắc đến hai quần đảo với nhiều trích dẫn có giá trị như: Dư Địa Chí trong Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí (1821) và sách Hoàng Việt Địa Dư Chí (1833), Khâm Định Đại Nam Hội Điển Sự Lệ (1851) của triều Nguyễn.

Sự xác lập chủ quyền Việt Nam tại Hoàng Sa, Trường Sa còn được minh chứng bằng những tài liệu do người nước ngoài ghi chép như sách Hải ngoại ký sự của Thích Đại Sán viết năm 1696, hay của nhiều tác giả Tây phương như Le Poivre(1749), J.Chaigneau (1816 - 1819), Taberd (1833), Gutzlaff (1849)… Gần đây, giáo sư Monique Chemillier Gendreau, Chủ tịch Hội Luật gia châu Âu đã viết: “Khi có Hiệp ước bảo hộ của Pháp năm 1884, Việt Nam đã nắm giữ không có cạnh tranh và trong khoảng gần hai thế kỷ, một quyền đối với các quần đảo (Hoàng Sa, Trường Sa), theo đúng chế độ luật pháp của thời kỳ đó”(7).

Đến thời Pháp thuộc, dù là chính quyền bảo hộ nhưng người Pháp vẫn có những hành động “giữ nguyên hiện trạng”. Mãi đến đệ nhị thế chiến (1939 - 1945) mới có những xáo trộn nhỏ khi người Nhật vào Đông Dương. Mới đây, hàng trăm cuốn sổ ghi chép thời tiết hằng ngày của Trạm Khí tượng đảo Hoàng Sa thuộc Nha Khí tượng Việt Nam từ những năm 50 của thế kỷ trước (thời Pháp thuộc) đang được lưu giữ tại Trung tâm Tư liệu Khí tượng thủy văn - Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia. Đây là những bằng chứng sống động, một lần nữa khẳng định chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam đối với Hoàng Sa.

Đến nay, hàng trăm cuộc triển lãm, hàng nghìn sách báo đã chứng minh thêm chủ quyền thiêng liêng đó. Gần đây nhất, triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử” lần đầu được tổ chức tại Dinh Thống Nhất vào cuối 8/2013. Đây là những bằng chứng về chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Với 150 tư liệu quý, triển lãm đã chứng minh lãnh thổ Trung Quốc chỉ dừng lại ở đảo Hải Nam và khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam.

Ngoài ra còn nhiều tư liệu, hiện vật khác khẳng định chủ quyền của chúng ta tại hai quần đảo nói trên. Như vậy, chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa đã được xác lập từ lâu, đó là sự thật lịch sử và điều này hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế.

*

Ngày nay, biển Đông với vị thế chiến lược và tiềm năng tự nhiên khiến nhiều quốc gia trong khu vực chú ý và tích cực thực hiện các hành động khai thác của mình. Dưới góc độ quan hệ quốc tế, biển Đông là một vùng biển nhạy cảm, tồn tại nhiều tranh chấp về chủ quyền, quyền lợi, phải giải quyết trong một thời gian dài. Sự lớn mạnh và chiến lược mở rộng phạm vi trên biển của Trung Quốc đã xâm hại chủ quyền của nhiều nước ASEAN, trong đó có Việt Nam. Mặt khác, sự can thiệp của một số nước lớn trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương và dư luận quốc tế đã làm biển Đông liên tục là một tâm điểm nóng. Biển Đông đã trở thành một vấn đề mang tầm quốc tế và đóng vai trò quan trọng trong mối quan hệ giữa nhiều quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương(8).

Biển Đông, một vấn đề đặc biệt nhạy cảm và mang tính thời sự trong nhiều năm trở lại đây, có liên quan đến lợi ích của hầu hết các nước trong khu vực ASEAN: Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và với các nước và lãnh thổ ngoài khu vực, chẳng hạn như Trung Quốc, Đài Loan; và cả sự can thiệp lợi ích Mỹ, Nhật Bản... Riêng Việt Nam đang phải chịu ảnh hưởng, tác động, trực tiếp đương đầu với nhiều thử thách không chỉ là cách ứng xử thông thường của một quốc gia mà là vấn đề quan hệ quốc tế hết sức phức tạp. Do đó, việc giải quyết các vấn đề về Biển Đông, xây dựng các quan hệ hợp tác trong việc khai thác và kiểm soát ở biển Đông sẽ đem lại lợi ích cho các nước có liên quan và góp phần làm hòa dịu các vấn đề của khu vực.

Sự khuấy động lớn nhất xuất phát từ các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với hai quần đảo lớn trên biển Đông là quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng như vùng lãnh hải trên biển Đông là một trong những tuyên bố gây trở ngại nhất trong quan hệ giữa Trung Quốc và ASEAN, đặc biệt là với Việt Nam. Những tranh cãi xung quanh vấn đề chủ quyền làm biển Đông ngày càng nóng lên. Trung Quốc đang triển khai chiến lược mới hiện đại hóa và tăng cường sức mạnh của Hải quân (PLAN). Nước này đã hiện đại hoá ba hạm đội của họ là hạm đội Đông Hải, hạm đội Nam Hải và hạm đội Bắc Hải. Đồng thời Trung Quốc tuyên bố thành lập huyện đảo Tam Sa, Đường lưỡi bò 9 điểm, cho tàu xâm nhập lãnh hải Việt Nam, Philippines và một số nước khác… đã gây nên làn sóng chạy đua vũ trang ngầm giữa các nước.

Trung Quốc với chiến lược hướng biển vô cùng quyết liệt đã, đang và sẽ đe dọa đến chủ quyền các nước trên biển Đông. Giới phân tích chính trị châu Á cho rằng Trung Quốc đang khởi động ý định kiểm soát tuyến vận chuyển hàng hải trên biển Đông và áp đặt quyền lực một nước lớn lên các nước Đông Nam Á.

Là một quốc gia nằm trong vùng biển có nhiều tiềm năng giá trị này, “Việt Nam khẳng định chủ quyền không tranh cãi đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa ở biển Đông theo Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển 1982” (Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, Ông Lương Thanh Nghị khẳng định). Trong những năm qua, chính phủ Việt Nam dựa trên pháp lí quốc tế đã có những thỏa thuận với một số nước trong khu vực và đi đến cam kết một vài vấn đề về việc phân định biển, làm rõ chủ quyền ở một số vùng biển, đảo, quần đảo có tranh chấp.

Chân lý cùng chính nghĩa thuộc về chúng ta và Hoàng Sa, Trường Sa mãi là phần thân thể không thể tách rời. Bởi đó chính là phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc.

L.V.T.G
(SH295/09-13)


..............................................
1. Bùi Văn Vượng, Tổng tập Dư địa chí VN, Nxb Thanh Niên, 2011.
2. Theo Monique Chemillier Gendreau, Bản dịch Nguyễn Hồng Thao, Chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1998, trang 71.
3. Nguyễn Đông, Thư tịch cổ khẳng định Việt Nam cai quản Hoàng Sa, VnsExpress, 2012.
4. Biên niên sử An Nam, do P.A. Lapieque trích đoạn.
5. Quốc Sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục chính biên, kỷ thứ nhất, quyển 52.
6. Quốc Sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục chính biên, kỷ thứ hai, quyển 104.
7. Monique Chemillier Gendreau, Bản dịch Nguyễn Hồng Thao, Sđd, trang 83.
8. Xem thêm “Biển Đông trong chiến lược phát triển của các quốc gia khu vực châu Á - Thái Bình Dương đầu thế kỉ XXI”, Tạp chí Khoa học Đại học Huế, số 3/2012.










 

Các bài mới
Tình biển (30/09/2013)
Về với biển (26/09/2013)