Tạp chí Sông Hương - Số 295 (T.09-13)
Tác phẩm mới tháng 9/2013
08:30 | 20/09/2013

KÝ TỰ BIỂN (thơ), tác giả Ngô Minh, Nxb. Thuận Hóa, 2013.

Tác phẩm mới tháng 9/2013

Biển là một biểu tượng xuyên suốt tập thơ này của Ngô Minh. Biển trong thơ Ngô Minh như là nguồn cội của sự sống, là nơi để con người tìm về vùi lấp những đau thương, cũng có khi là nơi để cho những khát vọng bay xa và cũng là nơi thoát thai của những căm hờn, những tiếng nói cuồng nộ của những người yêu chuộng hòa bình. Với Biển, nhà thơ biểu hiện tâm trạng, suy nghĩ của mình trước đời sống hiện thực, trước những vết thương trong lòng biển, trước giông bão của những ngày biển động. Tất cả những chiều kích đó của Biển được tác giả triển khai trên một lớp ngôn từ giản dị, gần gũi với đời sống, không tìm tới những cấu trúc đánh đố, cũng chính vì thế mà Ký tự biển chạm sâu vào thẳm sâu những trái tim yêu biển.


NGƯỢC GIÓ NGƯỢC NẮNG (truyện ngắn), Phạm Thị Phong Lan, Nxb. Văn học, 2013. Trong bối cảnh có nhiều trào lưu sáng tạo như hiện nay, việc các nhà văn dấn thân vào thực hành nghệ thuật để tìm ra những chiều kích mới lạ cho văn chương là một điều dễ hiểu. Nhưng không phải ai cũng có thể trình ra được những tác phẩm đứng trên căn nền vững chắc. Vì thế không ít nhà văn đã tự làm nghèo nàn lối viết của mình bằng sự bắt chước. Phạm Thị Phong Lan không tự giới hạn mình như thế. Bên cạnh những tín hiệu mới về diễn ngôn, cấu trúc, cách thức tổ chức hình tượng mới lạ thì trong sáng tác của nữ nhà văn này, người đọc vẫn tìm thấy những cảm xúc gần gũi, những câu chuyện thường nhật, những đổ vỡ trong tâm hồn con người đương đại. Nói như thế để thấy rằng Phạm Thị Phong Lan hướng tới hiện đại dựa trên nền tảng của mỹ học truyền thống, vì thế thế giới của chị là thế giới đa chiều kích.


NGƯỢC DÒNG TRĂNG (thơ), tác giả Triệu Nguyên Phong, Nxb. Văn học, 2013. Cái đẹp trong thơ của Triệu Nguyên Phong là cái đẹp được nối dài từ truyền thống, vì thế đó là cái đẹp của một kẻ mang tâm thức lãng mạn. Một con người đi tìm cái đẹp ở đời sống trần trụi nhưng cuối cùng lại phải quay về với cái đẹp hoang sơ, cái đẹp của khởi nguyên, cái đẹp mang màu sắc của huyền thoại nên không rõ hình thù. Khi người lãng mạn lạc lối ở trần gian thì trăng, rừng thẳm, đêm khuya, bóng lửa sẽ mãi là nơi bấu víu của cảm xúc thi ca. Trong thơ Triệu Nguyên Phong không thiếu những hình ảnh gợi lên dáng dấp của một hồn thơ cô độc. “Tôi ngồi ru cây/ Tái sinh rừng thẳm/ Thương con trăng gầy/ Ngược dòng khe lạnh”.


NHỮNG LỜI BỘC BẠCH (tự truyện), tác giả Jean-Jacques Rousseau, Lê Hồng Sâm chuyển ngữ, Nxb. Tri Thức, 2012. Ở bất cứ lĩnh vực nào Jean- Jacques Rousseau (1712 - 1778) cũng tỏa sáng. Ông là một nhà triết học, nhà văn, nhà sân khấu lỗi lạc. Trong triết học, ông là một triết gia theo thuyết tự nhiên thần và nhị nguyên luận. Trong văn học, ông nổi tiếng trên văn đàn với những tác phẩm như Julie hay nàng Héloise mới (1761), Thú nhận (1782) Những mơ mộng của một người dạo chơi cô độc (1772 - 1778). Rousseau có ảnh hưởng lớn đến toàn bộ nền văn học châu Âu trong thời Khai sáng và những thời kỳ về sau. Qua Những lời bộc bạch người đọc dần vén mở được cuộc sống thật của một bậc thiên tài, đó là những hồi ức êm đềm xen lẫn với những biến động hình thành nên con người cũng như cách nhìn về thế giới của Rousseau. Để có được một cách lý giải sâu sắc về thế giới Rousseau đã sống và hứng lấy nhiều nỗi đau và nhiều vết thương trong cuộc đời. “Phong phú và đa nghĩa, kể từ khi xuất bản (phần Một năm 1782, phần Hai năm 1789) cho đến nay, Những lời bộc bạch không ngừng là đối tượng cho những phương pháp tiếp cận khác nhau.” (Trích Lời giới thiệu).


TỰ SỰ KIỂU MẠC NGÔN (chuyên luận), tác giả Nguyễn Thị Tịnh Thy, Nxb. Văn học & Trung tâm văn hóa - Ngôn ngữ Đông Tây, 2013. Không phải đợi đến khi cái tên Mạc Ngôn được xướng lên ở lễ trao giải Nobel Văn chương 2012 thì người Việt mới biết đến tên tuổi của nhà văn này. Mạc Ngôn là một nhà văn quen thuộc với người đọc Việt Nam từ trước. Đã có nhiều công trình nghiên cứu về thế giới của Mạc Ngôn nhưng chúng ta rất hiếm gặp một công trình nghiên cứu sâu rộng về nghệ thuật tự sự của Mạc Ngôn như công trình Tự sự kiểu Mạc Ngôn của Nguyễn Thị Tịnh Thy. Việc lấy lý thuyết Tự sự học để rọi chiếu vào thế giới của Mạc Ngôn đã giúp chúng ta nhận ra được nhiều chiều hướng mới trong lối viết của nhà văn này và từ đó người đọc cũng thức nhận được vì sao Mạc Ngôn lại bước lên đỉnh cao của nghệ thuật. Theo đánh giá của PGS.TS. Lê Huy Tiêu thì chuyên luận này được thực hiện một cách nghiêm túc, công phu và có giá trị khoa học rất cao; thể hiện sự kết hợp, vận dụng nhuần nhuyễn giữa kiến thức lý luận với khả năng phân tích, cảm nhận văn chương tinh tế.  

(SH295/09-13)






 

Các bài mới
Tình biển (30/09/2013)
Về với biển (26/09/2013)
Các bài đã đăng
Cô Tô không xa (18/09/2013)