Tạp chí Sông Hương - Số 28 (T.11&12-1987)
Trở lại với tập "Nhật ký của Anne Frank"
17:35 | 03/10/2013

I. VÔLEVIC

Ở đất nước chúng tôi người ta viết rất nhiều Anne Frank, về cuộc đời ngắn ngủi đầy bi thương của cô. Rất nhiều bài báo và những bài bút ký viết về Anne Frank và tập "Nhật ký" của cô.

Trở lại với tập "Nhật ký của Anne Frank"
Anne Frank tại nhà riêng ở Merwedeplein năm 1941 - Ảnh: annefrank.org

Năm 1960, tập "Nhật ký của Anne Frank"(1) được xuất bản một số lượng rất lớn bằng tiếng Nga với lời giới thiệu của Ilia Êrenbua.

Tiếng vọng của cuốn sách vang mãi không dứt. Hơn hai mươi sáu năm đã trôi qua kể từ khi cuốn sách ra đời, nhưng cũng nên nhớ lại những tình trạng bi thương, mà sự xuất hiện của cái tài liệu kỳ lạ này trong thời kỳ đó trở thành điều có thể. Tập "Nhật ký của Anne Frank" này là của một cô thiếu nữ tài năng đã chết sau hai tháng ở trại tập trung Bergen-Belsen trước ngày giải phóng đất nước Xô Viết.
 

Gia đình Anne Frank - Ảnh: internet

Anne Frank sinh năm 1929 ở Phran Phuốc trên sông Mainơ. Vào năm 1933 gia đình Anne rời bỏ nước Đức quốc xã ra nước ngoài và sinh sống ở Hà Lan, nơi ông Ôttô Frank - bố của Anne - là hội viên của một hãng buôn nhỏ.

Song, cuộc sống êm đềm của Kiều dân diễn ra không lâu. Năm 1940 quân đội Đức xâm lược Hà Lan và đặt một chế độ xâm lược tàn bạo ở đất nước này. Toàn bộ diễn biến của cuộc sống và mất mát của gia đình đều được ghi lại trong những trang viết về tập "Nhật ký của Anne Frank" như: "Những người từ Phran Phuốc", "phát giác", "bắt bớ"… Khi đưa ra những sự kiện chính xác, tác giả của bài báo là Khari Paáp đã tái tạo nên một bức tranh đầy xúc động về vụ thảm sát đẫm máu những người dân không chịu phục tùng chế độ, chúng xử bắn những người du kích, thủ tiêu những người cộng sản và người Do Thái, đàn áp dã man những người tham gia đình công ở Amstécđam vào tháng hai năm 1941, bắt ép thanh niên Hà Lan đi lao động cưỡng bức ở Đức, tàn phá một đất nước giàu có của châu Âu.

Ngày 12 tháng 6 năm 1942, cô nữ sinh Anne tròn 13 tuổi. Trong số quà mừng sinh nhật, cô bé nhận được một quyển sổ dày đóng bìa vải sơn để viết nhật ký, và ngày 8 tháng 7 cô bé viết, rằng có một tờ giấy gọi của sở Giéttapô gửi cho bố. Ngay ngày hôm sau cả bố mẹ và hai con gái buộc phải thu xếp áo quần sách vở đến trốn ở căn gác rầm thượng của một ngôi nhà cao tầng ở phố Prinxécrax, số 263 đường Cầu Thang, lối dẫn lên căn gác rầm thượng được ngụy trang khéo léo bằng cái giá sách bày đầy sách vở và sách tra cứu. Tại đây gia đình Frank và những người bạn của họ. Tất cả có tám người - từng phút chờ đợi bị bắt. Họ sống ở đó được hai năm và ba mươi ngày, có thể, họ sẽ sống được đến ngày giải phóng, nếu như không có một cú điện thoại phát giác cho Giéttapô.

Ngay ngày hôm đó bọn Giéttapô thình lình xuất hiện ở địa chỉ đã được chỉ điểm. Chúng nhanh chóng tìm ra cửa, chúng nhảy lên căn gác rầm thượng và đòi tống tiền và của quý. Bố của Anne im lặng đưa cho chúng cái cặp. Sau khi giở tung tất cả những tờ giấy cũ - những quyển vở học trò và một số giấy tờ khác, và vơ vét toàn bộ của cải quý giá của những người bị bắt, bọn Giéttapô tống giam tất cả bọn họ vào tù. Những người bạn của gia đình Frank thu lượm tất cả những quyển vở, quyển sổ xuất nhập và những tờ giấy mà Anne đã ghi chép, và gìn giữ cho đến ngày Ôttô Frank - người duy nhất sống sót trong số tám người bị bắt trở về. Quân đội Xô viết đã giải phóng ông cùng với một số người còn sống sót của Ôtvenxim.

Bằng một con đường vòng quanh - qua Mạc xây và Ôđétxa - Ôttô Frank trở về Amstécđam, ở đó bạn bè của ông đã giao lại cho ông toàn bộ những trang nhật ký của con gái. Sau khi đã nghiêm khắc đọc tập nhật ký của Anne nơi mà mỗi trang viết được mở đầu bằng câu "Kitchi thân yêu" - đó là sự thú nhận theo ý kiến của tác giả trẻ tuổi đã đem lại cho quyển nhật ký tình cảm ấm áp thân thiết, ông đã đem đánh máy tập nhật ký của con gái sau khi đã sửa một số lỗi chính tả và ngữ pháp, và sau đó ông gửi đến nhà xuất bản. Song, các nhà xuất bản lần chần không phát hành bản thảo của một cô bé vô danh vì sợ bị liên lụy.
 

Chữ viết của Anne Frank trong một trang nhật ký ngày 18 tháng 10, 1942. Dịch nghĩa: đây là một bức ảnh của tôi mà tôi muốn xem hoài. Sau đó tôi có thể vẫn có cơ hội để đến Hollywood." - Ảnh: wiki


Thật may mắn, tập bản thảo được Annhi Rômâyin Phécxkhor một nữ văn sĩ Hà Lan tiến bộ quan tâm, và về sau bà là người viết lời giới thiệu cho quyển sách xuất bản đầu tiên. Chồng bà, - Ian Rômâyin, một ký giả có tiếng tăm đã đọc xong tập bản thảo của Anne Frank sau một đêm, và theo như ông nói, ông rất "sửng sốt, xúc động và bị lôi cuốn" bởi sự chân thành, vẻ tự nhiên tươi sáng của tập nhật ký. Bài báo "Tiếng nói của trẻ thơ" của Annhi Rômâyin được in trên tờ báo chống Phát xít "Khet Paron" vào tháng 4 năm 1946 đã thu hút sự chú ý đông đảo đọc giả và các nhà xuất bản. Cuốn sách đầu tiên của Anne "ra đời" ở Nhà xuất bản "Giao Thiệp" vào năm 1948 và ngay lập tức nổi tiếng khắp thế giới. Nó được dịch ra hàng chục thứ tiếng trên thế giới, được dựng thành phim ở Anh, dựng thành kịch ở Mỹ, nó được xuất bản với một số lượng lớn ra các nước trên thế giới, trong đó có cả Liên Xô.

Song, vào những năm 50 cùng với sự đại chúng của cuốn sách, thì những sự công kích tập "Nhật ký" càng ngày càng trở nên độc ác và có dụng ý hơn, có những nhận định cho rằng đó là một tập "nhật ký" giả mạo, vì chính bản thân cô bé không thể nào lại có thể viết được một tác phẩm thành thục, lão luyện đến thế. Sự nghi ngờ sự chân chính của tập "Nhật ký" rõ ràng là có dụng ý chính trị. Đó là ý đồ hòng bôi nhọ thanh danh và lên án tất cả những gì "đánh" vào các hình thức quái gỡ của phát xít Đức và hành động chống đối loài người của chúng. Không phải ngẫu nhiên mà những bài công kích tập "Nhật ký" kịch liệt nhất lại "vẳng" ra từ phái đảng viên quốc xã cũ; như, Xpilay, trước năm 1945 là tiểu đội trưởng một tiểu đội Hítle, nay là phó giáo sư của một trường phổ thông trung học ở Liubếc, đã viết, rằng: "tập" Nhật ký bịa đặt của Eva Craun và cuốn sách giả mạo của Anne Frank đã đem lại rất nhiều cho những ai tìm lợi lộc trong thất bại của nghị viện Đức, sau khi đã "chất" trách nhiệm về sự kiện đã qua lên vai chúng ta.

Bắt đầu những xét xử phiền phức kéo dài trong nhiều năm. Tập bản thảo của Anne Frank bị đem ra phân tích một cách kỹ lưỡng, tất cả đều bị kiểm tra cho đến cả màu mực, và cuối cùng, sau hai đợt thẩm định đáng tin cậy, việc xét xử kết thúc với kết luận, tập "Nhật ký" của Anne Frank là chân chính. Những kẻ vu khống phải trả một món tiền án phí lớn.

Trong lời giới thiệu của nhà xuất bản về tập "Nhật ký của Anne Frank" có đưa tin rằng vào tháng 11 năm 1980 phân viện tài liệu quân sự quốc gia ở Amstécđam đã nhận được từ văn phòng chưởng khế Baden những trang bản thảo viết nháp những ghi chép nhật ký của Anne được chuyển đến giao cho phân viện theo chúc thư của người bố của Anne mất vào năm đó. Và từ đó bắt đầu những công trình nghiên cứu những di sản văn học của Anne Frank. Những di sản để lại khá nhiều: Những trang bản thảo của Anne từ tập nhật ký, hai tập tiếp theo của tập nhật ký, một loạt ghi chép giành cho tập nhật ký, bản thảo hoàn chỉnh của tập "Những lời trần thuật" và một tập truyện vừa "Cuộc đời của Catia" viết dở. Tất cả được xuất bản năm 1960 và tái bản năm 1982.

Nhưng vào năm 1979 một làn sóng công kích lại nổi lên từ những tổ chức quốc xã thôi thúc những người biên soạn quyển sách phải nghiên cứu kỹ lưỡng hơn. D.Barnâu - một nhà văn, giàu kinh nghiệm, người trong nhiều năm đã nghiên cứu, phân tích và kiểm tra lại những trang bản thảo ghi chép nhật ký mà Anne viết trong cuốn sổ xuất nhập và viết trên những trang giấy rời rạc - đã hoàn thành công việc nghiên cứu này.

Công trình duy nhất ấy Barnâu thể hiện trong chương "Những bài công kích sự chân chính của tập nhật ký". Xuất phát từ tập "Nhật ký đã đăng - tập mà ông xem đó là tập đầu tiên và có giá trị nhất trong số những gì mà cô bé Anne đã viết ông tìm thấy chính trong phương án đầu tiên chiếc chìa khóa để giải thích hiện tượng khó hiểu, theo đánh giá đầu tiên của mình. Dựa vào những ghi chép trong "Nhật ký" từ ngày 12 tháng 5 năm 1944, Barnâu trích dẫn những lời nói của Anne: "Bạn có biết rằng đã từ lâu tôi mong muốn trở thành nhà báo và sau đó là một nhà văn có danh tiếng. Mơ ước ấy có trở thành hiện thực hay không... Thời gian sẽ chứng minh điều đó, nhưng bây giờ những đề tài ở tôi thì nhiều vô kể. Dù thế nào đi nữa thì sau chiến tranh, nhất định tôi sẽ cho ra mắt quyển sách với nhan đề "Nơi trú ẩn". Tôi có đạt được điều đó hay không - tôi cũng chưa biết, nhưng tập nhật ký của tôi sẽ làm nền móng". Chính Anne đã chuẩn bị ngữ liệu cho quyển sách tương lai, sâu sắc hơn, đem vào chuyện những tình tiết đời sống riêng của bản thân như lịch đi luyện tập Ping-pông ở câu lạc bộ trường, buổi dạ hội với các bạn gái, kết bạn với các bạn trai...

Mặt khác, những ngữ liệu đó làm tài liệu dự trữ cho tập "Nơi trú ẩn" với quan điểm nhìn nhận thế giới chung quanh chín chắn, dường như cô bé lớn hơn thêm hai tuổi.

Tập "Nhật ký" của Anne Frank giữ một vai trò quan trọng trong việc bóc trần sự tàn bạo dã man của bọn Phát xít. Trong cuộc đấu tranh chống âm mưu của chủ nghĩa phục thù, chống chiến tranh xâm lược, chống chủ nghĩa quốc xã mới, quyển sách của Anne Frank giữ một vị trí quan trọng xác thực, nó trở thành biểu tượng của cuộc đấu tranh gìn giữ hòa bình trên trái đất. Những câu hỏi trong tập "Nhật Ký" từ ngày 3 tháng 5 năm 1944! Tại sao lại có chiến tranh? tại sao con người không thể sống trong hòa bình? Những cuộc tàn phá khủng khiếp ấy để làm gì? bắt đầu được trích dẫn trong những cuốn sách chống chiến tranh, do hội đoàn mang tên Anne Frank tổ chức năm 1980 và đóng tại ngôi nhà mà Anne và gia đình ẩn nấp xuất bản. Ngọn cờ của hội đoàn mang tên Anne Frank đã tung bay trên đầu của những người tham gia buổi tuần hành vĩ đại bảo vệ hòa bình và loại trừ vũ khí hạt nhân vào tháng 11 năm 1981 ở Amstécđam. Tập "Nhật ký của Anne Frank" mang tính thời sự về những vấn đề nóng hổi trên thế giới hiện nay.

Amsterdam 1986
THÁI CẨM THỦY
(Dịch từ bản tiếng Nga - tạp chí "Văn học nước ngoài" số 3-1987)
(SH28/12-87)

----------------
(1) Nhà xuất bản TRẺ tái bản 1987, Bản dịch của BỬU Ý









 

Các bài mới