Tạp chí Sông Hương - Số 28 (T.11&12-1987)
Con cá thia của người khùng
15:41 | 26/11/2013

HỒNG NHU

Mỗi lần không vừa ý tới điều gì đó, với ai đó trong nhà hay nói rộng ra là trong thiên hạ, cha tôi thường buột ra một câu nói mà nếu không phải là người làng thì không thể nào hiểu được: "Cứ như là thằng Đô"!

Con cá thia của người khùng
Ảnh: internet (chỉ mang tính minh họa)

"Thằng Đô" đó là một ông già không cha không mẹ không nhà không cửa không vợ không con. Gọi là ông già chưa hẳn đã đúng bởi vì ngoài bộ râu thưa ngắn đen như than bếp và dĩ nhiên là luôn luôn rối bù của ông với dáng đi khòm khòm như lúc nào trên vai cũng vác một vật gì nặng lắm - mặc dù vật đó chỉ là một chiếc nơm cá bằng tre - ông không có một vẻ gì là người đã có tuổi cả.

Không biết ông Đô tên thật là gì, gốc gác chính tại làng tôi hay là dân ngụ cư, và nếu như vậy thì ở đâu tới và tới tự bao giờ. Điều này chắc không mấy ai trong làng quan tâm, do đó cũng không mấy ai biết được ông bao nhiêu tuổi. Quả thật ông cũng là người khó đoán tuổi. Bằng vào bộ râu và cái lưng, đó là một ông già trên dưới sáu mươi. Bằng vào bộ ngực còn vuông vức vồng lên như hai chữ khẩu và bốn bắp chân tay săn chạc mũi màu da chum, thì đó là một chàng thanh niên, cùng lắm là ngoài ba mươi. Nhưng thôi, chuyện này không quan trọng, quan trọng nhất là ở chỗ ông Đô là một người khùng. Ở quê tôi, khùng có nghĩa là tàng tàng, không điên thì hẳn là không, nhưng điên thì chưa phải.

Dân làng tôi phần đông làm nghề biển lại gần cả một dòng sông nên cá mú quanh năm có thể gọi là ê hề, nói không ngoa nhiều khi người ta khiếp sợ ăn cá. Đó là nói vào thời buổi bấy giờ. Chim, thu, hanh, bẹ người ta còn không thiết, huống nữa là cá ao, những tràu, trê, rô, mại... Những loại này chỉ là thứ để chơi của con nít. Bọn chúng tôi thường xách cần đi câu hoặc be bờ tát nước để bắt những chú thia thia vẩy tía như khăn nhiễu, những chú cá mại trắng lóa nom như những thỏi bạc be bé biết bơi lượn về thả trong chai trong chậu chơi, bắt những chú cá tràu cỡ cổ tay đập chết phơi nắng cho trương phình, có mùi, rồi buộc vào que dài khoảng sải tay vạt nhọn một đầu đem ra biển cắm vào mé bờ chỗ sâu ngang đùi để làm mồi nhử cum cúm, vò vọ, hốt về luộc ăn. Dân làng dù là nghèo rớt cũng không mấy ai ăn cá ao. Ví thử có người nào đó ăn thì cũng không để cho ai thấy ai biết. Ăn cá ao chỉ là dân mạt hạng, loại bất thành nhân. Ông Đô là người bị xếp vào loại như thế.

Suốt ngày ông trần truồng hoàn toàn nếu như không có chiếc khố tả tơi như cái mo nang tua che cái chỗ cần che, hông thắt cái oi, tay cầm cái nơm, lội bì bọp từ vườn này sang vườn khác. Làng tôi là làng cau, vườn nhà nào nom cũng bề thế, nhà giàu thì cứ gọi là mênh mông chi xứ. Từ trảng cát vào làng, dọc con đường liên thôn là những bờ dày khít tre, mù u, vông đồng... um tùm rậm rạp chạy viền theo những khu vườn san sát. Người ta đào những chiếc ao rộng khoảng hai bước nhảy, dài theo chiều rộng của nương để ngăn rễ cây ăn thông vào và để lấy nước tưới cau trầu. Vuông góc với ao lớn đó là những ao nhỏ rộng vừa một bước nhảy chạy dọc và ngăn cách giữa hai vồng cau. Đây gần như là giang sơn riêng của ông Đô. Bởi vì vườn rộng, cau, chuối, trầu, vả... sum suê, đứng ở vồng này khó nhìn sang vồng khác, ngoài những kỳ bón chăm bẻ hái, không mấy ai xuống vườn làm chi. Vào những lúc như vậy, ông Đô khùng có lẽ là người duy nhất làm chủ ở cái thế giới riêng không bao giờ là của ông đó. Nói vậy thôi chứ ông Đô đâu phải muốn nơm đâu thì nơm, muốn nơm lúc nào thì nơm. Nhiều chủ vườn, trong đó cha tôi là một, không thấy ông thì thôi, thấy thế nào cũng đuổi quầy quậy, họ sợ ông lội nát ao nát bờ, thứ nữa là sợ ông bẻ trộm lượm trộm cái gì đó. Những lúc bị đuổi, mà có lúc bị như chó như mèo, ông Đô có cái lạ là chẳng tỏ vẻ gì khác lúc thường, hớt hãi cũng không, luống cuống sợ sệt cũng không, vội vã cũng không nốt. Tuồng như ông không nghe, không thấy và không chấp một cái gì vậy. Ông chỉ lẳng lặng rời nơi bị đuổi cùng với cái nơm tre cật đen bóng cũng khó biết tuổi như ông, bì bọp lội đi chỗ khác, chiếc khăn vai rách mướp không thể tả nổi là màu gì chít trên đầu rung rung, gần gật, mồm lẩm bẩm một cái gì đó, lẩm bẩm thành tiếng hẳn hoi. Người thì bảo là ông chửi, người bảo là ông "mô phật", có người lại quả quyết rằng ông hát bằng tiếng tây.

Làng tôi ao ngang ao dọc và chẳng mấy ai ăn cá ao nhưng kiếm được con cá ao khả dĩ có thể đổi được cho người làng khác lấy loong gạo cũng chẳng phải dễ dàng gì. Suốt ngày, các bầy vịt đông đúc sục sạo, lại nữa cái bầy ma xó không chỗ nào không biết đến là bọn trẻ con chúng tôi đã vơ vét bằng hết. Sau đó, những gì ít ỏi còn lại mới đến phần ông Đô. Mươi bữa nửa tháng mới thấy ông xuất hiện một lần ở chợ hôm cuối làng. Ông ngồi chỏ hỏ một góc tách riêng mọi người, trên đầu là cái khăn rung rung gần gật như đang cười lại như đang khóc, trước mặt là cái oi cá mà trong đó, bữa thì dăm ba con tràu bằng cán dao cán rựa, bữa thì sáu bảy con vừa trê vừa nhét (trạch), bữa nào được vài con ba ba cỡ bàn tay là đại thắng lợi. Khi kiếm khó đã đành, khi bán cũng chẳng dễ nào, gà lên chuồng mới thấy ông Đô khòm khòm từ chợ ra về, chiếc cảu đựng gạo trên tay ông cũng rung rung gần gật theo nhịp chiếc khăn bịt đầu. Hầu như chưa một ai nghe ông Đô nói, dù vậy mọi người đều biết chắc chắn là ông không câm. Người mua cá cứ tự xem, tự hỏi giá rồi tự trả. "Ông Đô hỉ? cá tràu hỉ? Mấy đây? Hai cắc hè? Được không? Hai cắc rưỡi hè? Bán chưa? Mắc rứa? Bán cho rồi kẻo túi, hỉ?" Mặc cho người mua cứ tự do tùy ý, ngôn ngữ của ông là im lặng hoặc gật đầu. Im lặng tức là không bán, chiếc khăn bịt đầu rung rung gần gật, gật đầu là bán, chiếc khăn bịt đầu đứng im...

Ngoài những hạt gạo khốn khó đó ra, không ai biết ông Đô ăn gì để sống, nói đúng hơn là không ai để ý. Bọn trẻ con chúng tôi đã đành là không dám rồi, còn người lớn tuồng như không một ai đặt chân đến nơi gọi là cái lều của ông cả. Lều dựng ở khoảnh đất mà mới nghe đến mọi người đã sưng gai ốc lên rồi. Đó là gốc một cây trùm ná (một loại bứa) già có lẽ đến trăm tuổi ở xế cạnh ngôi miếu hoang không biết thờ ai và đã lâu ngày không được tu sửa, không còn ai đến cúng. Ngôi miếu nằm ngoài rìa khu lùm cây thâm u nhất của làng gọi là Lùm Miểu, nổi tiếng là nơi trú ngụ riêng của loài ma le. Người ta thì thào kể với nhau một cách vừa sợ hãi vừa kính cẩn rằng đêm đêm, nhất là những đêm tối trời sấm chớp gió giông, từng đoàn ma le trắng rợn từ trong lùm túa ra lượn lờ nhảy múa, thè những cái lưỡi hoặc đỏ lòm hoặc xanh lè dài phết đất. Vì vậy, cây trùm ná già với những quả mọng ngọt vỏ màu nâu cháy có vần mờ gạch non vô cùng hấp dẫn của nó đáng lẽ thuộc về bọn trẻ con trong làng thì chúng tôi không một đứa nào thắc mắc kêu ca mà tự giác để toàn quyền lại cho ông Đô sử dụng. Chắc chắn ngoài cá ao, ông Đô đã không chỉ một đôi lần ăn trùm ná trừ bữa. Cái lều của ông cũng kỳ quặc và bí ẩn như cuộc đời của ông. Gọi là cái lều vì không biết gọi thế nào nữa chứ thực ra nó chẳng khác gì cái nơm của ông cả, có điều cái nơm đó được lợp bằng đủ các loại cỏ rạ lá rơm và to hơn để có thể chứa được ông cùng cái nơm thật của ông mà thôi.

Một lần, tôi cùng mẹ tôi xuống nương. Trong lúc mẹ tôi hái trầu tôi lang thang từ vồng này sang vồng khác tìm trứng vịt. Những nàng vịt mái tham công tiếc việc và có máu nghệ sĩ thường hay đẻ rơi ngay cả trong lúc đi tìm mồi. Lần đó tôi nhặt được năm quả, hí hửng chạy tới khoe với mẹ, chờ đợi nụ cười trìu mến và lời khen như mọi lần. Nhưng không, mẹ mải suy nghĩ gì đấy, chỉ thủng thẳng: "Có những người nghèo xơ nghèo xác nhưng không gian tham đâu con ạ". Tôi hiểu ý mẹ, gật đầu. Ông Đô khùng đó, nếu như ông có bụng gian tham thì những quả trứng vịt này đâu còn nằm im rải rác trong vườn cho tôi đến nhặt? Vậy là trong chuyện này hai mẹ con chúng tôi hoàn toàn phản bác lại cha tôi, dù chỉ dám phản bác trong im lặng. Với ý nghĩ vui vui đó, tôi chui vào sau gác vả, ngắt mấy ngọn lá lót lưng, rút cuốn sách giắt ở bụng ra, nằm vắt chân lên, đọc. Rồi tôi ngủ thiếp đi lúc nào không biết. Tôi mơ một giấc mơ lạ lùng, rất phù hợp với cái đầu hay tưởng tượng vì ngốn trộm quá nhiều tiểu thuyết trong rương sách của anh cả tôi đi học trên tỉnh để lại nhà. "Một thầy giáo đẹp trai được bổ về dạy học ở trường làng nọ. Ở đó, thầy phải lòng một cô gái làng đẹp nết đẹp người, con nhà gia giáo. Rủi thay, cô gái đã có nơi có chốn. Cô quí trọng thầy giáo nhưng không hề yêu. Rồi cô đi lấy chồng xa. Thầy giáo thất tình, trở nên điên dại, bỏ trường bỏ trò, lần theo dấu vết đi tìm người mình yêu..."

Tôi giật mình thức dậy không phải vì giấc mơ kết thúc mà vì tiếng kêu của mẹ tôi. Cảnh tượng tôi thấy đầu tiên là nét mặt thê thảm của mẹ trước mắt và tấm lưng khòm khòm hình như có lệch đi chút ít của ông Đô đang bì bọp lội đi khỏi đằng kia. Tôi biết ngay ai đã làm cho mẹ tôi hoảng sợ. Tôi đứng lên, và với dáng điệu của cha tôi mỗi lần la đuổi ông Đô, vừa chạy vừa thét to lên. Mẹ tôi vội chụp tay kéo lại, bưng mồm tôi, nói như đứt hơi: "Đừng... Không phải... con ôi, tội nghiệp... mẹ đâu có ngờ... té ra... hai chục năm..."

Tôi kinh ngạc vì những lời không sao hiểu nổi của mẹ. Trở lên nhà, cha tôi hỏi: "Chuyện chi hai mẹ con la hét dữ rứa?" Mẹ tôi bảo: "Chả có chuyện gì, thằng nhỏ ngủ dưới gốc vả rồi nói mê!" Cha tôi quay đi, ném theo một câu cửa miệng: "Như thằng Đô khùng!" Tôi thì thầm kể lại giấc mơ cho mẹ tôi nghe. Mẹ trố nhìn tôi rồi nhắm mắt lại, im lặng thở dài...

Năm đó, trời làm hạn hán gớm ghê, nước ao hồ khô kiệt, cá chết sạch trơn. "Năm Thân không mần cũng có, năm Ngọ ai có nấy ăn", hạn năm Ngọ xảy ra làm cả làng tôi lo lắng. Mẹ tôi về quê ngoài Nghệ để chăm nom ông ngoại tôi lâm bệnh thấm thoắt đã gần một tháng chưa thấy về. Vào một buổi trưa nóng hập, tôi xuống vườn để kiếm chút mát mẻ hiếm hoi đằng sau gốc vả vốn là sào huyệt riêng của tôi. Tôi suýt bật ngửa người vì đã thấy ông Đô ngồi ở đó. Vẫn cái dáng chỏ hỏ như khi bán cá ở chợ hôm. Dường như ông cố ý chờ đợi riêng tôi hay sao ấy mà mới thoáng thấy tôi đằng xa, ông đã vẫy tay rối rít, ý gọi tôi đến gần, với nỗi vui mừng dài dại trên bộ mặt hiền khô chỉ có thể thấy ở những người bình thường. Tôi hơi chợn nhưng liền khi đó nghĩ bụng rằng ông Đô tuy khùng song xưa nay đâu có làm điều gì xấu, đâu có làm hại ai. Tôi bước tới. "Mạ về chưa?". Tôi giật thót và như bị thôi miên, trả lời: "Chưa ".

Lần đầu tiên, đối với tôi là lần duy nhất trong đời, tôi nghe ông Đô nói, mặc dù chỉ với ba tiếng cực kỳ ngắn ngủi và trong một khoảnh khắc tâm thần bất định, tôi vẫn đủ tỉnh táo để nhận biết rằng giọng ông Đô hơi lơ lớ. Tôi đứng ngây người một chặp, không biết nên làm gì, nên đứng lại hay chạy lên nhà. Ông Đô cũng không hỏi thêm tiếng nào nữa, lặng lẽ thò tay vào miệng oi đeo bên hông rồi bất ngờ rút ra đưa về phía tôi. Một chiếc chai nhỏ xinh xinh đựng đầy nước trong đó lượn lờ một cặp cá thia thia tuyệt đẹp. Tôi run run cầm lấy món quà của người khùng cho, người bỗng chốc nhẹ thênh như có thể bay lên được, còn đầu óc thì mưng mưng, lưng lẻo, không biết cảnh đang diễn ra trước mặt đây là mơ hay là thực...

Cả tuần liền sau đó tôi xuống nương nhưng không lần nào thấy ông Đô nữa. Có tin nói là ông ốm, lại có tin ông đã đi làng khác tìm nơi có ao đìa nơm cá kiếm ăn. Một hôm tôi vừa đi học về thì nghe người làm trong nhà nói: "Ông Đô chết rồi!" Tôi sững sờ hỏi: "Chết khi mô? Răng mà chết?" Người làm bảo: "Chết hồi sáng. Mò cá trê trong hang bị rắn độc mổ".

Một người nghèo chết, mà là một người điên khùng dưới đáy xã hội như ông Đô, nào có phải là chuyện ghê gớm gì làm cho xóm thôn nhốn nháo. Vậy mà hôm đó cả làng tôi náo động cả lên. Số là cha tôi khi nghe tin, ông mặc quần áo, đội ô đi. Tôi liền phóng theo. Ra đến Lùm Miểu, cha tôi đi thẳng vào gốc cây trùm ná già. Bà con đã khiêng ông Đô từ nơi bị nạn về lều nơm. Sống có nhà, chết có mồ, dù sao đó cũng là cái nhà của ông, không thể để ông nơi xó ao đầu đìa được. Cha tôi rẽ đám đông đi vào. Ông Đô nằm đó, người còng queo, khô đét lại, tím lịm đi. Cha tôi nhìn ông một lát, ngẩng lên tuyên bố: "Mai đưa đám. Vào giờ thìn!" Cha tôi ra về và ngay đêm đó, ông sai người làm trong nhà đi gọi thợ đóng hòm, lôi mấy tấm gỗ ở trên giàn xuống, bảo tôi thắp luôn cả hai cây đèn tọa đăng cho sáng. Còn ông mở tủ lục soạn một hồi, lấy ra một chiếc quần vải quyến trắng và một chiếc áo lương đen dài còn mới. Tất cả việc làm của cha tôi từ chiều cho đến đêm diễn ra trước sự kinh ngạc hết mức của mọi người, kể cả tôi. Tất nhiên, không ai dám cãi, dám ngăn ông.

Đám tang ông Đô khùng là một đám tang đông chưa từng có ở trong làng. Người ta đến tiễn đưa ông về nơi yên nghỉ cuối cùng để tỏ lòng xót thương một số phận bất hạnh hay là để chào xáo thầm thì về những hành động lạ lùng kỳ quặc của cha tôi, một người có vai vế, có máu mặt trong làng? Mẹ tôi từ Nghệ vô thì ông Đồ mồ yên mả đẹp đã lâu.

Nhiều năm trôi qua... Không còn ai nhắc đến ông Đô nữa. Có còn gì đâu, đáng gì đâu mà nhớ! Tôi cũng vậy, những gì về ông nhanh chóng phai mờ trong đầu óc tôi. Ngày tôi rời làng quê ra đi theo bộ đội cách mạng, mẹ tôi tiễn tôi ra đến bến đò làng bên cạnh. Trước khi tôi bước lên đò, mẹ tôi bỗng nói: "Cái chuyện trong giấc mơ của con hồi nào là có thật đó, con ơi. Chính mẹ là người..." Tôi vụt hiểu đầu đuôi mọi chuyện... Trời ơi, sao có sự kỳ lạ như thế này? Tôi chỉ kịp hỏi mẹ một câu khi đò đã rời bến: "Cha con có biết không?" Mẹ tôi trả lời: "Không! Không một ai biết cả!" Tất cả kỷ niệm về ông Đô hiện nhanh về như những tia chớp trong đầu tôi. Chiếc đuôi con cá thia vẩy tía tuyệt đẹp của người khùng đó cứ ngọ ngoạy mãi trong tim tôi theo thời gian, cho tận đến bây giờ.

Huế, 7-1987
H.N.
(SH28/12-87)







 

Các bài mới
Các bài đã đăng