Tạp chí Sông Hương - Số 28 (T.11&12-1987)
Vĩnh Quyền và những trang văn về quá khứ vùng Thuận Quảng
08:20 | 29/11/2013

THIẾU SƠN

     * Vĩnh Quyền sinh năm 1951 tại Huế, tốt nghiệp Đại học Sư phạm và cử nhân Văn khoa Huế 1974.

Vĩnh Quyền và những trang văn về quá khứ vùng Thuận Quảng
Nhà văn Vĩnh Quyền - Ảnh: internet

Năm 1986 nổi lên một tác giả trẻ - Vĩnh Quyền.

Bạn đọc chú ý cái tên còn rất mới này bởi hai lẽ. Một, Vĩnh Quyền xuất bản ba tiểu thuyết và một tập truyện ngắn trong cùng một năm(1). Hai, cả bốn quyển sách đều thuộc thể tài lịch sử, mảnh đất còn quá vắng vẻ trong khu vườn văn học hiện đại Việt Nam. Vắng vẻ tác phẩm giá trị. Trong khi đó, Vĩnh Quyền còn rất trẻ. Anh sinh năm 1951 tại Huế, tốt nghiệp Đại học Sư phạm và cử nhân Văn khoa Huế, năm 1974.

Dải đất miền Trung đầy biến động giai đoạn cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX là đề tài, bối cảnh tiểu thuyết lịch sử của Vĩnh Quyền. Trong đó đậm nhất là đất Thuận - Quảng. Điều ấy thật tự nhiên. Miền Trung giữ vai trò quan trọng trong giai đoạn lịch sử này và Thuận Hóa, Quảng Nam có mối quan hệ máu thịt trong suốt quá trình vận động yêu nước và cách mạng. Vĩnh Quyền, đứa con của Huế và đồng thời là một cây bút trưởng thành trên đất Quảng. Anh có điều kiện thâm nhập thực tế, nghiên cứu quá khứ dầy dặn của vùng Thuận - Quảng. Khả năng xử lý tư liệu Hán - Nôm cũng là yếu tố tích cực giúp Vĩnh Quyền vượt qua ngưỡng cửa gian khổ của một nhà văn khi chọn đề tài lịch sử. Tư liệu cổ dường như một căn phòng khép kín đối với các nhà văn trẻ. Đấy là một trong những nguyên nhân vắng vẻ tác giả tiểu thuyết lịch sử hiện nay.

Tiểu thuyết của Vĩnh Quyền đã tỏ ra khá bén nhạy với cái mới, với tính thời sự. Tất nhiên không thời sự nóng bỏng kiểu Cù Lao Tràm của nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn. Mà là thứ thời sự lọc qua tấm gương phản chiếu của lịch sử. Vĩnh Quyền đã nỗ lực nối liền trang viết - dù viết về những chuyện xảy ra non thế kỷ trước - với trang đời tươi nóng hôm nay. Như nhà văn Alêcxây Tônxtôi đã viết: Tiểu thuyết lịch sử không chỉ là đèn chiếu hậu của cỗ xe, soi lại chặng đường đã đi qua mà chính là ánh đèn pha soi sáng quãng đường phải vượt.

Vầng trăng ban ngày có thể xem là cuốn tiểu thuyết đầu tiên, mạnh dạn xây dựng một hoàng đế triều Nguyễn làm nhân vật tích cực. Sách viết từ năm 1983, bốn năm sau, chúng ta mới được chứng kiến lễ đón rước hài cốt nhà vua yêu nước Duy Tân về cố đô yên nghỉ nghìn thu. Mạch nước trong tái hiện phong trào Duy Tân của thế hệ nho sĩ đầu thể kỷ XX. Tác giả đã bắc được một nhịp cầu giữa quá khứ và hiện tại, khẳng định truyền thống khát vọng đổi mới của ông cha để chúng ta có chỗ tựa tinh thần vững chắc trong cuộc vận động đổi mới tư duy đang diễn ra vào những năm cuối thế kỷ XX.

Trong tiểu thuyết của Vĩnh Quyền, mối quan hệ máu thịt giữa Huế và Quảng Nam - Đà Nẵng diễn ra đúng như quy luật phát triển của lịch sử. Huế bấy giờ là kinh đô. Quảng Nam - Đà Nẵng là cửa ngõ của kinh đô Huế, là tỉnh có tầm quan trọng hàng đầu trong Tả trực kỳ. Mỗi biến cố, dù nhỏ hay lớn của Huế, đều trực tiếp dội vào Quảng Nam và ngược lại. Trong cuộc khởi nghĩa 1916, tổng lý Phan Bội Châu quyết định chọn Quảng Nam làm căn cứ địa nhưng cần con dấu Văn lý mật sát của nhà vua trẻ Duy Tân để phụng kim thượng vi an dân cơ sở, cần nổ phát súng thần công khai hỏa từ Phu Văn Lâu (Vầng trăng ban ngày). Chúng ta lại thấy Hội Duy Tân chọn Quảng Nam làm đại bản doanh vì: Quảng Nam đất rộng, giàu, lại nhiều nhân vật yêu nước có tài thao lược. Quảng Nam ở trung độ cả nước, dễ liên lạc. Muốn phát triển mối giao lưu vạn quốc cũng thuận tiện, Quảng Nam có cửa khẩu Hội An, Đà Nẵng... Nhưng các danh sĩ Quảng Nam bấy giờ như Tiểu La Nguyễn Thành, Thái Phiên, Châu Thượng Văn... đã liên kết chặt chẽ với Phan Bội Châu, Lê Võ... ở Thuận Hóa và phải tôn Kỳ ngoại hầu Cường Để làm minh chủ, dù chỉ trên danh nghĩa (Mạch nước trong).

Và, qua tiểu thuyết của Vĩnh Quyền, các nhà yêu nước và cách mạng Quảng Nam hầu hết đều dính líu tới Huế. Thái Phiên, Trần Cao Vân ra Huế vận động hoàng đế Duy Tân khởi nghĩa, bị hành hình tại bãi chém An Hòa và được chôn chung một mộ sau lưng chùa Châu Lâm. Nam Giao (Vầng trăng ban ngày). Các kiện tướng phong trào Duy Tân Quảng Nam: Trần Quý Cáp, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng đều ra Huế dự thí, tiếp xúc sĩ phu kinh kỳ và đều chịu ảnh hưởng tư tưởng Duy Tân của cậu ấm tàng tàng Nguyễn Lộ Trạch, một danh sĩ đất Thuận Hóa. Thời bấy giờ, kẻ sĩ gặp nhau, có câu hỏi đầu môi: "- Đọc Thiên hạ đại thế luận chưa?" Đó là một tác phẩm chính luận thiên tài của Nguyễn Lộ Trạch. Về sau, khi Trần Quý Cáp, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng Nam du đến Phan Thiết kinh ngạc khi biết Nguyễn Lộ Trạch, khoảng hai mươi năm trước, đã đặt bước chân giang hồ tận đây để gieo hạt giống Duy Tân! Và, như nhà văn Nguyễn Văn Bổng nhận xét, cuộc gặp gỡ giữa Phan Bội Châu - Trần Quý Cáp, Phan Châu Trinh- Trần Quý Cáp trên sông Hương là những trang văn đặc sắc của Vĩnh Quyền (Mạch nước trong)(2).

Tiểu thuyết của Vĩnh Quyền rất cụm. Có thể nối các quyển sách lại với nhau bởi trình tự thời gian, biến cố, nhân vật và nhất là bối cảnh Thuận-Quảng. Đọc một lúc ba cuốn tiểu thuyết của anh dễ có cảm giác đang đọc một bộ tiểu thuyết nhiều tập.

Từ đặc điểm đó, cũng dễ nhận thấy Vĩnh Quyền chưa thật đều tay. Chẳng hạn Vầng trăng ban ngày cổ kính hơn Mạch nước trong trong tự sự cũng như đối thoại mặc dù chuyện xảy ra trong Mạch nước trong đáng ra phải "cổ kính" hơn chuyện của Vầng trăng ban ngày!

Về mặt tư liệu, Vĩnh Quyền tỏ có ra ý thức tôn trọng sự thật lịch sử. Cảm giác mỗi trang văn của anh đều lấp lánh chững chi tiết quý trong quá khứ bị bụi thời gian che phủ. Nhưng rất tiếc, đôi chỗ anh xử lý tư liệu chưa thật khoa học, gây hạn chế không ít cho giá trị của tác phẩm, nhất là trong Vầng trăng ban ngày. Đến nay, có khá nhiều giả thuyết về cuộc hội kiến giữa Thái Phiên, Trần Cao Vân và hoàng đế Duy Tân. Nhưng các nhà viết sử có đủ cứ liệu để chứng minh cuộc hội kiến ấy xảy ra ở Hậu Hồ chứ không phải Hồ Tịnh Tâm. Và trong Trước buổi rạng đông, nhà xuất bản tư tưởng mới của chi bộ Đà Nẵng thành lập sau khi hiệu sách Việt Quảng đã dời địa điểm chứ không phải ở đường Courbet... Nhưng, việc xác minh tư liệu lịch sử ở nước ta trong tình hình hiện nay là điều nói... không cùng!

Những gì Vĩnh Quyền đã đóng góp đều đáng quý. Riêng Mạch nước trong có thể xếp vào hàng những cuốn tiểu thuyết lịch sử hay xuất bản từ trước tới nay. Vĩnh Quyền còn trẻ, con đường sáng tạo nghệ thuật trước mắt anh còn dài và đầy thử thách. Anh có thời gian và điều kiện vượt qua những thiếu sót trong chặng đường viết văn vừa qua. Mong được đọc tác phẩm mới của Vĩnh Quyền trong một ngày gần đây với những thành công mới.

T.S
(SH28/12-87)

-------------------------
(1) Vầng trăng ban ngày - Kim Đồng, Trước buổi rạng đông - Phụ nữ, Mạch nước trong - Thanh niên, Người tử tù không chết - Đà Nẵng.
(2) Nguyễn Văn Bổng "Đọc tiểu thuyết Mạch nước trong". Văn nghệ số 50.- 1986.








 

Các bài mới
Các bài đã đăng