HOÀNG DIỆP LẠC
Văn hóa xi nê
Có thể nói rằng cinema (điện ảnh hay còn gọi là chiếu bóng) là món ăn hấp dẫn cho nhãn căn và nhĩ căn của một thời.
Được đi xem xi nê với cả gia đình là niềm khao khát của những học sinh bậc tiểu học. Các anh chị lớn trong nhà thì có cơ hội để diện những bộ áo quần mà vào ngày thường đi học không mặc được. Với những đứa nhỏ cùng lứa như tôi thì ăn mặc lịch sự, sạch sẽ. Sự háo hức được thêm phần hấp dẫn do khi vào rạp luôn có quà như kẹo cao su, ô mai,… hoặc khi đang đứng chờ thì được ăn kem, ăn chè, uống coca…
Thời đó mua vé vào các rạp xi nê rất dễ; trên vé có số ghế, nếu vào sớm thì tự tìm chỗ ngồi, nếu vào trễ khi đèn đã tắt thì sẽ có người hướng dẫn cầm đèn pin xem vé và chỉ chỗ ngồi. Mỗi rạp có ba loại ghế ngồi tương ứng với ba loại vé được bán ra. Vé hạng lầu thì ngồi trên lầu, vé hạng nhất thì ngồi hạng nhất ở phía trên, vé hạng nhì ngồi sát màn hình. Tùy vào mỗi hạng mà loại vé có giá tiền khác nhau. Không như các rạp ở Sài Gòn chiếu liên tục (permanent) trong ngày, những rạp ở Huế chiếu theo xuất, mỗi xuất 2 giờ.
Do nhà ở gần hai rạp xi nê Châu Tinh và Hoàn Mỹ, nên thời niên thiếu tôi thường được gia đình cho xem những phim hài, những phim thiếu nhi hoặc những phim võ thuật nhẹ nhàng. Giai đoạn này, tôi nhớ nhất là phim Độc thủ đại hiệp do Vương Vũ giữ vai chính, Tinh võ môn chiếu ở rạp Khải Hoàn, ở bên ngoài rạp có treo tấm pano lớn cỡ 2m x 3m hình Lý Tiểu Long bay đá, phim Khuyển tặc nói về những chú chó thông minh chiếu ở rạp Châu Tinh, phim Tình thù rực nắng, phim Mùa thu lá bay, Luân vũ trong bóng mờ của nước ngoài, Vết thù trên lưng ngựa hoang của Việt Nam chiếu ở rạp Tân Tân diễn viên chính là Trần Quang,… thuộc thể loại tâm lý dành cho người lớn. Những diễn viên đóng phim võ thuật nổi danh thời đó là: Vương Vũ, Trần Tinh, Khương Đại Vệ, Địch Long, La Liệt, Trịnh Phố Phối,… và không thể thiếu Lý Tiểu Long, các nữ diễn viên nổi tiếng từ bên kia đại dương thường xuất hiện trên màn ảnh đại vĩ tuyến (cinemascope, tức màn ảnh rộng) như: Marilyn Monroe, Elisabeth Taylor, Brigitte Bardot, Ingrid Bergman, Sophie Marceau,… cùng các diễn viên nam như: James Dean, Richard Burton, Anthony Quinn, Alain Delon, Humphrey Bogart,… Đối với những phim dành cho người lớn thì trẻ em dưới 18 tuổi bị cấm không được vào rạp.
Sau này lớn hơn một chút mới có cơ hội đi xi nê một mình, cái cảm giác ngồi đợi đèn tắt, xem chiếu dạo (chiếu thử những phim mới, ngày nay gọi là trailer) trước khi vào phim chính sung sướng vô cùng. Thời đó, vào rạp xi nê không được hút thuốc, không chen lấn, mọi người ngồi xem rất tập trung không ồn ào, la ó, người nào việc đó, những cặp tình nhân thường ngồi ở những ghế sát hai bên tường để tránh gặp người quen và dễ tâm sự, dỗ dành. Thời gian này các phim nước ngoài đều có phụ đề Việt ngữ, hoặc phụ đề cả ba ngôn ngữ Việt, Anh, Hoa hoặc Việt, Hoa đối với phím nói tiếng Pháp hoặc tiếng Anh.
Giai đoạn sau này có tình trạng bán vé chợ đen ở các rạp, cảnh chen lấn mua vé, chen lấn vào rạp, rồi khi có những pha “hấp dẫn” thì một số thanh niên la ó, huýt còi miệng hay đập ghế rất ồn ào. Thời gian này có những phim gây ấn tượng như: Mối tình đầu của đạo diễn Hải Ninh, vai chính là diễn viên Thế Anh trong vai Ba Duy, các nữ diễn viên danh tiếng như Trà Giang, Như Quỳnh, phim Tội lỗi cuối cùng của đạo diễn Trần Phương, diễn viên chính là Phương Thanh trong vai Hiền “cá sấu” đóng với Trần Quang, phim Mùa gió chướng, Cánh đồng hoang, phim nhiều tập Ván bài lật ngửa, vai chính là Nguyễn Chánh Tín của Việt Nam, phim Anh không thể nói lời vĩnh biệt, Những tên cướp biển của thế kỷ XX, Thầy Lang,… của nước ngoài. Và một giai đoạn các rạp chiếu phim cổ tích, thần thoại của Nga và các nước Đông Âu như: Trẻ mãi không già, Ruslan và Lutmila, Nàng công chúa và hạt đậu, Cô gái trên cái chổi,… Thời gian này phim đã có thuyết minh tiếng Việt.
Tờ program song ngữ phim “Le jour le plus long (The longest day)” được dịch là “Máu xương tạo anh hùng” |
Những tờ program
Có những phim do không có tiền hoặc vì lý do nào đó không được vào xem nhưng do tò mò và muốn biết nội dung câu chuyện nên đám trẻ chúng tôi thường lai vãng quanh các rạp để xin các tờ program (tờ giới thiệu tóm tắt nội dung phim). Nếu được các anh chị, chú bác tặng luôn thì sướng rơn chạy về khoe với đám bạn, còn không thì mượn đọc ké và học thuộc để ra vẻ biết chuyện về làm oai với mấy đứa khác.
Cũng có nhiều người thích sưu tập program như một thú vui, đôi khi để lưu dấu một kỷ niệm hẹn hò với người bạn gái của mình, hay một biến cố nào đó trong cuộc sống.
Tờ program ngoài việc tóm tắt nội dung phim, còn làm công việc quảng bá hình ảnh của các diễn viên, những thần tượng của nghệ thuật thứ bảy hay các đạo diễn tên tuổi các nhà văn lừng danh. Hồi đó, tờ program được in một màu trên nhiều cỡ giấy, nhưng cỡ tương đương với khổ A4 là nhiều nhất, có khi màu đỏ, khi màu xanh hoặc màu tím hay màu đen, màu vàng.
Có những tờ program lại sử dụng thơ Việt làm cảm đề cho phim Tây, rồi lại dùng nhan đề của các tác phẩm văn học Việt Nam có tiếng thời đó để đặt đề cho phim nước ngoài. Như phim Devoirce (Ly hôn) do cặp đôi diễn viên nổi tiếng thời đó Elisabeth Taylor và Richard Burton đóng được đặt tên là Đoạn tuyệt, cũng là nhan đề một tác phẩm của nhà văn Nhất Linh. Với phim Fanny có nhan đề tiếng Việt là Tình nơi bến cũ đã sử dụng bài thơ Hai sắc hoa Tigôn làm cảm đề cho phim, trên tờ program này còn đưa ca dao tục ngữ Việt Nam vào để minh họa thêm cho nội dung phim:
Trăm năm dù lỗi hẹn hò
Cây đa bến cũ con đò khác đưa
Hoặc thơ Nguyễn Bính trong bài Lỡ bước sang ngang:
Em từ lỡ bước sang ngang
Là tan vỡ giấc mộng vàng từ đây
Nhưng câu đầu đã trở thành dị bản, vì bản chính bài thơ của Nguyễn Bính là:
Chuyến này chị bước sang ngang
Là tan vỡ giấc mộng vàng từ đây
Hoặc phim Le jour le plus long (The longest day) nếu dịch đúng nghĩa là Ngày dài nhất nhưng lại được dịch là Máu xương tạo anh hùng để nói về trận đánh trong chiến tranh thế giới thứ hai tại bờ biển Normandie của Pháp.
Có những tờ program song ngữ, Việt Anh hoặc Việt Pháp. Dòng trên cùng của program là một câu khẩu hiệu để tuyên truyền cho chủ trương của chế độ thời đó. Điều đặc biệt là mỗi tờ program đều có số và ngày kiểm duyệt. Một vài địa chỉ in tờ program thời đó là Nhà in Phương Nam 41 Nguyễn Phi, Sài Gòn và Nhà in Phúc Thịnh, 45 Nguyễn Phi, Sài Gòn.
Vẽ trên pano giới thiệu quảng bá phim
Một điều không thể thiếu là các bảng pano như cuốn hút người xem vào các rạp, đó là cái tài của người vẽ. Họ luôn bắt được cái thần và nhân vật chính trong phim rồi bằng trí nhớ, các họa sĩ đã phóng bút trên tấm pano dài và cao gấp hai gấp ba người mình, có khi vẽ trên nhiều tấm pano cỡ lớn rồi ráp lại. Dạo đó ở Huế có những người vẽ pano như: Lê Vinh, Duy Hinh, Hồ Công Thành, Lê Văn Mỹ,… nhưng người vẽ có hồn và nhanh nhất là ông Lê Vinh. Có cơ hội được nhìn ông vẽ mới thấy được tài năng thật sự, ông vẽ rất nhanh, người đứng xem xung quanh chưa kịp nhìn ra điều gì, chỉ thấy màu sắc, rồi chỉ thêm thắt, nhấn nhá vài chi tiết là ra ngay gương mặt diễn viên chính đang biểu hiện pha hấp dẫn nhất trong phim. Người cùng thời ông Lê Vinh kể rằng, vào khoảng cuối thập niên 60, ông vào Sài Gòn để xâm nhập vào thế giới xi nê, ông được thuê vẽ cho những rạp lớn ở Sài Gòn, sau khi xuất chiêu trên những tấm pano cỡ lớn, ông đã được giới giang hồ Sài Gòn mời về Cố đô với lý do Sài Gòn không phải là đất làm ăn của ông! Thật ra, do tài năng của ông đã khiến các đối thủ không cạnh tranh nổi, nên đã thuê giới giang hồ hành xử như vậy. Trong thập niên 60 và 70, ở Sài Gòn có họa sĩ Dương Tuấn Kiệt, được mệnh danh là ông hoàng vẽ tranh xi nê.
Thế hệ trẻ thường được đứng xem ông Lê Vinh vẽ pano xi nê ngay cạnh các rạp từ đường Chi Lăng đến đường Trần Hưng Đạo. Có nhiều lúc ông đã dùng bẹ chuối làm dập một đầu hoặc cái chổi lớn thay cho bang xô để vẽ, giai đoạn đó chất liệu để vẽ thường là bột màu trộn keo, được hòa trong các xô lớn. Khi Lê Vinh vẽ, người xem thường đứng gần để nhìn thủ pháp của ông, người xem chưa kịp nhìn ra hình thể gì cho đến khi tấm pano được dựng lên trên cửa hiệu rạp xi nê mọi người mới trầm trồ thán phục. Ông Lê Vinh thường đi bộ và dắt theo mấy cây cọ ở chiếc giầy cao cổ như phong cách sống của mình. Ông có gương mặt và dáng đi, đứng rất phong trần và sang trọng như một số nam diễn viên điện ảnh nổi tiếng thời đó, với mái tóc hơi dài chải ngược phía sau, để lộ vừng trán cùng những nếp nhăn của thời gian; có lẽ ông ảnh hưởng phong cách của các diễn viên Charles Bronson, James Dean,… là những tài tử gạo cội có phong thái từng trải và phong lưu. Hẳn vì vậy ông đã vẽ chân dung của tài tử này mà họa sĩ Đinh Cường đã viết khi ghé nhà Trịnh Công Sơn ở đường Gia Long (Phan Đăng Lưu bây giờ): “Tôi còn nhớ rõ, ở chân cầu thang lên lầu, bên vách, Sơn treo bức hình James Dean thật lớn, hình như Lê Vinh vẽ. Lúc đó, Lê Vinh là họa sĩ vẽ phông xi-nê rất giỏi, không ai vẽ đẹp và nhanh bằng - cả Sài Gòn và Huế.” Ngoài ra, tên tuổi của ông Lê Vinh cũng được biết đến khi vẽ minh họa cho những phim cao bồi, người xem nói ông vẽ các chàng cao bồi viễn tây và những chú ngựa còn đẹp hơn cả trong phim. Cũng vì thế mà đã có người từ xa xôi khăn gói đến để xin thụ giáo ông. Một trong những người học trò ruột của ông Lê Vinh là Hồ Công Thành, anh có riêng một phòng vẽ ở đầu đường Phan Đăng Lưu, người mà anh vẽ có hồn nhất là Che Guevara. Lũ trẻ chúng tôi mỗi lần ngang qua đều dừng lại trước của hiệu Hồ Công Thành để chiêm ngắm những chân dung gây sửng sốt bởi nét vẽ rất ấn tượng của anh.
Một trong những tấm pano quý hiếm tại rạp Hưng Đạo được chụp lại, cùng hai chàng cao bồi trong phim Hận thù trong dòng máu do họa sĩ Lê Vinh và những học trò thực hiện vào gần cuối thập niên 60 là một minh chứng cho tài năng của ông Lê Vinh.
Rạp chiếu bóng Hưng Đạo ngày xưa (nay là Nhà Văn hóa Thành phố Huế) |
Các rạp xi nê ở Huế
Khi tôi biết xem xi nê thì ở Huế có bốn rạp: trên đường Trần Hưng Đạo có rạp Hưng Đạo là lớn nhất, rồi rạp Tân Tân ở phía đối diện chợ Đông Ba chếch về cầu Trường Tiền. Ở đường Chi Lăng có rạp Châu Tinh cách cầu Gia Hội chừng ba trăm mét, đi về phía gần đường Nguyễn Du thì có rạp Khải Hoàn thời trước có tên là LiDo và sau này đổi thành Khải Hoàn rồi Hoàn Mỹ sau ngày giải phóng. Theo những fan của cinema thời trước năm 1975 thì ở trong Thành Nội có rạp Lửa Hồng, qua cầu Trường Tiền có rạp Morin, ngoài ra thời đó Huế còn có rạp hát Đồng Xuân Lâu dành cho hát bội, ca Huế, cải lương nằm trên đường Phan Đăng Lưu ngày nay.
Nhắc đến rạp Tân Tân ở Huế, tôi chợt nhớ một kỷ niệm thật buồn cười nhưng rất đẹp, đó là buổi xế chiều mùa thu năm 1993 khi chở người yêu ngang qua đường Trần Hưng Đạo, tôi hỏi thích xem xi nê không? Người yêu gật đầu, tôi gửi xe rồi vào mua vé, nhưng lại quên mất mình không đủ tiền, xe đã gửi, người yêu thì đứng đợi vào xem phim, tôi phân vân vài phút thì gặp quý nhân xuất hiện. Còn nhớ như in gương mặt anh Hiền làm ở Faflm Huế cười khi thấy tôi lúng túng, không hiểu sao anh Hiền lúc đó đứng ở cửa kiểm soát vé; tôi đến mượn tiền anh mua vé, anh bảo thôi vào đi, vậy là tôi nhanh chân dắt tay người yêu vào. Ngồi xem một lúc thì mới nói thật cho người yêu biết. Bây giờ mỗi lần kể lại cho con nhỏ nghe cả hai đều cười. Vậy là đã hai mươi năm trôi qua.
Rạp xi nê Đông Ba (rạp Tân Tân cũ) |
Kết cuộc của các rạp xi nê
Và cái ngày mà cinema lụi tàn nhanh chóng chính là do sự ra đời của băng video và đầu máy đọc băng. Nhà nhà mua sắm đầu máy về, kết nối vào tivi rồi đi thuê băng để biến phòng ngủ, phòng khách ở nhà thành “rạp chiếu bóng”, cũng từ đây nảy sinh ra nhiều câu chuyện khác về giáo dục trong gia đình; rồi những năm tiếp theo thì đĩa VCD, DVD ra đời cùng các thiết bị điện tử với giá ngày một rẻ. Cùng với chất lượng phục vụ không tốt và sự thiếu quan tâm, đầu tư của các ban ngành quản lý đã góp thêm phần đóng cửa vĩnh viễn các rạp xi nê ở Huế và một số nơi khác. Hiện tại, ở Huế chỉ còn rạp xi nê Đông Ba (rạp Tân Tân cũ) hoạt động èo uột, sử dụng một phần mặt bằng cho thuê kinh doanh. Rạp Châu Tinh biến thành điểm cho thuê đám cưới. Rạp Hoàn Mỹ bỏ hoang. Rạp Hưng Đạo là Nhà Văn hóa Thành phố thường cho thuê mặt bằng để các trường, cơ quan đoàn thể làm lễ tổng kết, tốt nghiệp và tổ chức các sự kiện văn hóa.
Bây giờ là kỷ nguyên của internet, tất cả nền tri thức của con người được đưa vào kho chứa đó kể cả nghệ thuật thứ bảy. Nhưng làm sao để có được cái không khí đi xem xi nê của ngày xưa, cái cảm giác chờ đợi khi hẹn hò người yêu, cảm giác ngồi bên cạnh một người xa lạ nhưng cùng chung cảm nhận về bộ phim, rồi nghe những tiếng khóc thổn thức, những trận cười như điên, những run rẩy vì hồi hộp đến nghẹt thở trong những pha hành động gay cấn… Và cuối cùng là cảm giác tiếc nuối khi ra về, về đến nhà mà bộ phim vẫn theo mình vào trong giấc ngủ, có khi còn không ngủ được vì tức, vì thương nhân vật. Đó là sức nặng, sức mạnh của điện ảnh, của nghệ thuật thứ bảy mà người xem đã góp phần tôn vinh nó, tôn vinh các nghệ sĩ… Còn nhớ khi vào trong các rạp thì các poster giới thiệu các diễn viên, các đạo diễn luôn treo ở những vị trí rất trang trọng. Bây giờ những điều đó chỉ còn lại trong ký ức của một vài người thuộc thế hệ xa xưa.
H.D.L
(SDB10/09-13)