Tạp chí Sông Hương - Số 296 (T.10-13)
Chủ nghĩa hiện thực nghịch dị trong tiểu thuyết Đôn Kihôtê của Xecvantec
16:37 | 22/10/2013

PHAN TRỌNG HOÀNG LINH

Được Bakhtin đề xuất trong công trình nghiên cứu về sáng tác của Frăngxoa Rabơle, thuật ngữ chủ nghĩa hiện thực nghịch dị (grotesque realism) là sự định danh ước lệ cho một kiểu hình tượng đặc thù (hay phương pháp xây dựng hình tượng đặc thù) của nền văn hóa trào tiếu dân gian, kiểu hình tượng nghịch dị.

Chủ nghĩa hiện thực nghịch dị trong tiểu thuyết Đôn Kihôtê của Xecvantec
Đôn Kihôtê xứ Mantra, tranh của Honoré Daumier - Ảnh: wiki

Trên cơ sở gắn bó mật thiết với môi trường vật chất - thân xác có tính toàn dân, hội hè và không tưởng, kiểu hình tượng này giải phóng ý thức con người ra khỏi những chân lí truyền thống đang trở nên sáo mòn, để nhìn nhận được bản chất tương đối và không ngừng đổi thay của thực tại hiện hữu. Hai dấu hiệu cơ bản của hình tượng nghịch dị là sự phóng đại lên kích thước hoặc số lượng khổng lồ, quá khổ của các yếu tố vật chất - thân xác và sự phá vỡ ranh giới giữa cơ thể nghịch dị với thế giới, với các cơ thể xung quanh. Từ cách hiểu ấy về chủ nghĩa hiện thực nghịch dị, chúng tôi khảo sát Đôn Kihôtê của Xecvantec để thấy được đặc trưng và giá trị của tác phẩm trong dòng chảy văn hóa trào tiếu dân gian thời Phục hưng.

1. Sự suy giảm tính ngoa dụ và phóng đại trong bút pháp nghịch dị

Trong lí thuyết về cái nghịch dị, dấu hiệu nhận biết đầu tiên của hình tượng cơ thể nghịch dị truyền thống là sự phóng đại quá độ về kích thước hoặc số lượng các yếu tố vật chất - thân xác. Chuẩn mực là các hình tượng Gacgăngtuya và Păngtagruyen trong tiểu thuyết của Rabơle. Đôn Kihôtê vắng bóng các hình thức ngoa dụ kiểu này. Sự phóng đại của bút pháp nghịch dị thường đưa nhân vật của nó đến khuôn khổ của cái kì ảo, có tính phi hiện thực. Nhưng thế giới hình tượng trong Đôn Kihôtê lại là thế giới hiện thực, hiểu theo nghĩa không có cái kì ảo. Sự kết hợp từ dáng hình đến suy nghĩ giữa Đôn Kihôtê và Santrô Panxa vẫn tạo nên một cặp đôi nghịch dị kiểu hội giả trang, nhưng xét trên bình diện thân xác, cả hai đều là những con người bình thường. Thói tham ăn, tục uống, khao khát giàu sang của Santrô Panxa vẫn biểu trưng cho khát vọng thừa mứa, phồn thịnh của cải toàn dân, nhưng toàn bộ tác phẩm lại ít khi xuất hiện những cuộc liên hoan thế giới, đãi tiệc nhân gian. Các trận đánh có vai trò quan trọng đối với cốt truyện, nhưng đa phần mất đi tính giải phẫu học - nhà bếp. Các phép thuật, các yếu tố thần bí có xuất hiện, nhưng với tư cách của những trò lừa đảo hội giả trang. Đặc biệt, loại nhân vật khổng lồ vẫn tồn tại, nhưng nhờ vào trí hoang tưởng của nhân vật chính.

Hình tượng nhân vật khổng lồ trong Đôn Kihôtê là một hiện tượng khá kì thú đối với truyền thống nghịch dị, tính đến thời của Xecvantec. Đi sâu vào loại hình tượng này, có thể thấy được đặc điểm chung của hệ thống hình tượng nghịch dị trong tác phẩm. Theo Bakhtin, hình tượng người khổng lồ quan hệ mật thiết với quan niệm về thân thể nghịch dị, thể hiện mối liên kết giữa cơ thể nghịch dị với thế giới xung quanh và biểu trưng cho sự dư thừa, sung túc về vật chất - thân xác. Tuy nhiên, trong các tiểu thuyết hiệp sĩ phổ biến thời Trung cổ và Phục hưng, như Bakhtin nhận định, hình tượng người khổng lồ gần như mất đi tính nghịch dị. Nguyên nhân có thể do chính bản chất của mẫu hình hiệp sĩ trong thực tế xã hội Trung cổ. Vị trí của những hiệp sĩ chiến đấu trên lưng ngựa bắt đầu được thừa nhận chính thức từ các cuộc Thập tự chinh. Tuy nhiên, do những trang bị cực kì đắt tiền để phục vụ chiến đấu nên hiệp sĩ thường xuất thân từ các gia đình giàu có hoặc quí tộc. Những lí tưởng cơ bản của họ không tách rời nguồn gốc xuất thân ấy. Không khó hiểu khi hiệp sĩ Trung cổ là mẫu hình khá tách rời các truyền thống văn hóa dân gian. Đi vào các tác phẩm văn chương kiếm hiệp, hình tượng này mang theo cả cảm hứng về cái trang nghiêm, cái cao siêu, cái cao thượng từ hệ tư tưởng chính thống của giáo hội và các nhà nước phong kiến, chi phối lên toàn bộ thế giới nghệ thuật của tác phẩm, trong đó có hình tượng những tên khổng lồ - đối thủ của hiệp sĩ. Điều này lại hoàn toàn xa lạ với bản chất vui tươi, nực cười của hình tượng nhân vật khổng lồ trong văn hóa lễ hội dân gian.

Hình tượng người khổng lồ của Xecvantec, dĩ nhiên, khác loại với các hình tượng trong tiểu thuyết hiệp sĩ, nhưng cũng không thuần túy như kiểu hình tượng của Rabơle. Nó thiếu đi một sự rõ ràng trong tính chất vũ trụ, và cũng không phàm ăn, lớn nhanh để biểu trưng cho sự sung túc, dư thừa và sự sinh sôi, nảy nở toàn dân. Thế nhưng, nhân vật người khổng lồ của Xecvantec vẫn là những hình tượng nghịch dị đúng nghĩa. Đôn Kihôtê là cuốn tiểu thuyết nhại văn chương hiệp sĩ. Đối tượng của nó là người anh hùng theo lí tưởng hiệp sĩ. Muốn hạ bệ người anh hùng, không gì tốt hơn giễu nhại kẻ thù của người anh hùng. Trong mắt Đôn Kihôtê, kẻ thù của chàng là những tên khổng lồ, còn trong mắt người khác, chúng là các sự vật đời thường. Tức là, hình tượng khổng lồ trong Đôn Kihôtê có hai tư cách, có tính lưỡng trị: vừa cao cả vừa tầm thường, vừa ngợi ca vừa hạ thấp, vừa tấn phong vừa hạ bệ. Trong đó, cực hạ thấp là chủ lưu. Cụ thể hơn, nhân vật khổng lồ không thực hiện cảm hứng ngợi ca sự phồn vinh của yếu tố vật chất - thân xác như Gacgăngtuya và Păngtagruyen, mà chúng thi hành chức năng của các hình tượng hạ tầng vật chất thân xác: hạ yết và tái sinh. Xin nhấn mạnh cơ chế chuyển động theo kiểu bánh xe nghịch dị của chiếc cối xay gió và chiếc cối xay nước. Cả hai đều phế hạ thứ chủ nghĩa duy tâm trừu tượng, cũ kĩ của Đôn Kihôtê xuống hạ phần sinh sôi của chúng.

Từ đặc điểm trên của hình tượng nhân vật khổng lồ trong Đôn Kihôtê, có thể đi đến sự khái quát cho hệ thống hình tượng thân thể nghịch dị: dẫu tác phẩm vẫn đậm đặc không khí hội giả trang với các trò tấn phong - phế truất, nhưng “yếu tố vật chất - xác thịt đã bị nhận thức hơi khác đi và bị thu hẹp, tính phổ quát và tính hội hè của nó phần nào bị suy giảm” [3,tr.54]. Có hai nguyên nhân cho hiện tượng này. Trước hết do mục đích sáng tác của Xecvantec, muốn lấy cái thực để giễu nhại cái hoang đường trong tiểu thuyết hiệp sĩ. Có thể, trong lúc sáng tác, nhà văn đã lồng ghép vào cốt truyện những biểu trưng phức tạp, khiến giá trị của tác phẩm vượt xa ra khỏi mục đích ban đầu, nhưng vẫn phải thừa nhận đây là nguyên cớ trước tiên cho sự có mặt của hình tượng Đôn Kihôtê.

Xuất phát từ hình mẫu có thật trong đời sống xã hội Trung cổ, nhưng thế giới tiểu thuyết hiệp sĩ lại đầy rẫy các loại yêu quỉ, quái vật, ma thuật, phép màu,…, bởi lẽ các tác giả muốn thần thánh hóa chiến công của người anh hùng, gia tăng tính hấp dẫn, thu hút sự hiếu kì của người đọc. Lê Huy Bắc đã nhận xét bản chất và hiệu năng của tiểu thuyết hiệp sĩ là: “thiên về tính huyễn tưởng, xa rời thực tại, nhằm giải trí và thỏa mãn những ước nguyện bất khả thực hiện của con người trong thực tế bằng cái kì diệu” [4,tr.74]. Để đánh sập văn chương hiệp sĩ, Đôn Kihôtê phải mang hình thức của một cuốn tiểu thuyết hiệp sĩ, nhưng có tính giễu nhại. Tiểu thuyết hiệp sĩ mê hoặc độc giả bằng sự tưởng tượng hoang đường, còn Đôn Kihôtê cuốn hút người đọc bằng tiếng cười trào tiếu lên tất cả các chi tiết hoang đường ấy. Với lí do đó, mặc dù vẫn lấy tiếng cười trào tiếu dân gian làm phương tiện thức tỉnh quần chúng, Xecvantec buộc phải hạn chế tối đa tính ngoa dụ của bút pháp nghịch dị trong việc xây dựng thế giới hình tượng.

Nguyên nhân thứ hai từ sự thoái trào của suối nguồn văn hóa trào tiếu dân gian ở thế kỉ XVII, mà Đôn Kihôtê chỉ mới khởi đầu. Thời đại Phục hưng, như cách nói của Bakhtin, là thời điểm có tính khủng hoảng, chuyển giao của lịch sử nhân loại, nên là điều kiện vô cùng thích hợp cho sự thăng hoa của cảm quan hội hè dân gian và chủ nghĩa hiện thực nghịch dị. Nhưng bước sang thế kỉ XVII, người ta chứng kiến quá trình dần đi vào ổn định của chế độ quân chủ chuyên chế, trên cơ sở của một nền văn hóa chính thống mới, khác nền văn hóa phong kiến - nhà thờ. Tính chất của tiếng cười cũng thay đổi căn bản, đánh mất cảm quan hội hè toàn dân để đi vào tính cá nhân vị kỉ, đánh mất tính nhị chức năng để đi vào sự phủ định thuần túy, các yếu tố vật chất - thể xác vẫn còn nhưng biến tướng thành sinh hoạt cá nhân thấp kém. Xecvantec cố nhiên thuộc về thời đại Phục hưng, nhưng là ở những thời khắc cuối cùng. Ông nằm trong sự chuyển giao của chuyển giao, từ chủ nghĩa nhân văn Phục hưng sang chủ nghĩa cổ điển. Do đó, trong tác phẩm của ông diễn ra vở kịch xung đột giữa sự bảo lưu và sự xa rời các yếu tố vật chất xác thịt, giữa cảm quan hội hè toàn dân còn tương đối mạnh mẽ với ý thức cá nhân tư sản đã le lói hình thành. Chính đời sống hai mặt đầy mâu thuẫn ấy đã làm nên “sức mạnh và tính hiện thực lịch sử siêu việt” của các hình tượng cơ thể nghịch dị trong tiểu thuyết của Xecvantec, như đánh giá của Bakhtin. Từ đó, sự suy giảm của bút pháp phóng đại nghịch dị trong Đôn Kihôtê cũng là hệ quả tất yếu. Quá trình này thể hiện rõ ràng hơn trong bước chuyển của Sêchxpia từ hài kịch giai đoạn đầu sang bi kịch giai đoạn sau.

2. Các hình tượng hạ tầng vật chất - thân xác

Dù có sự suy giảm rõ rệt các yếu tố phóng đại và ngoa dụ, nhưng trong ý đồ tổng quan của tác phẩm, hệ thống hình tượng hạ tầng vật chất - thân xác vẫn thể hiện sự phong phú về kiểu loại và có ý nghĩa sâu sắc về chức năng. Trung tâm của hệ thống ấy, hình tượng Santrô Panxa, chứa đựng nhiều hình ảnh quen thuộc của truyền thống thân xác nghịch dị.

Santrô Panxa, tự bác đã là một hình tượng nhân vật nghịch dị trọn vẹn. Nhưng trước hết, chức năng của bác là một hạ tầng vật chất - xác thịt trong tương quan với Đôn Kihôtê. Tính cách, phát ngôn và lề lối sinh hoạt của bác giám mã rất tiêu biểu cho đời sống vật chất - thân xác trong văn hóa trào tiếu dân gian, phản ứng lại mọi chuẩn mực lễ nghi trong đời sống văn hóa chính thống. Nó đề cao sự sung túc, dư thừa của cải, nhưng quan trọng hơn, điều đó phải đi cùng trạng thái thoải mái và tự do cao độ của thân xác. Ở Santrô Panxa, chúng ta không bắt gặp cái mồm há to đến mức có thể nuốt chửng cả đoàn người hành hương, cái bụng khổng lồ chứa đựng trong nó cả một thế giới như trong tiểu thuyết của Rabơle, nhưng nói chung, nhân vật vẫn là biểu tượng của lí tưởng phồn thực tươi vui, trái ngược với cung cách, lí tưởng khổ hạnh mà Đôn Kihôtê cố tạo ra. Dưới ánh nhìn của văn hóa trào tiếu dân gian, nhân loại sinh ra không phải đã là tu sĩ. Con người lao động, cải tạo thiên nhiên, và thông qua kết quả của nó - hành vi ăn uống trong niềm hân hoan bất tận - để chiếm lĩnh và giao hòa thế giới. Với quan niệm ấy, mọi sự hành xác, khắc kỉ giả tạo, trái tự nhiên đều phải bị hoán đổi. Từng hớp rượu to tướng của Santrô đã kéo theo xuống cái bụng màu mỡ của bác gương mặt nghiêm trang nực cười của chàng hiệp sĩ, khiến nó phục sinh ở trạng thái NGƯỜI hơn.

Liên quan đến đề tài ăn uống, theo Bakhtin, thức ăn và rượu trong các bữa tiệc chính là môi trường thuận lợi cho chân lí vui vẻ và tuyệt đối không sợ hãi. Đôn Kihôtê của Xecvantec không có nhiều bữa đại tiệc nhân gian, nhưng ở một trong những lần ít ỏi như thế, nó đã thể hiện đầy đủ ý nghĩa của mình. Trên đường về hội ngộ với chủ sau khi từ bỏ chức thống đốc “hòn đảo” Baratariô, Santrô Panxa tham dự một bữa tiệc linh đình của đám người hành hương ngoại quốc. Trong cuộc chè chén, “Thỉnh thoảng lại có một người giơ tay phải ra nắm tay phải của Santrô Panxa, nói: “Người Tây Ban Nha và người Đức đều là bạn tốt của nhau”. Santrô đáp lại: “Bạn tốt của nhau, thề có Chúa”, rồi bác phá lên cười hàng tiếng đồng hồ.” [7,tr.510]. Mọi con chiên đều bình đẳng trước Chúa, đều phải yêu thương nhau, nên tuyên bố trên cũng chẳng có gì đặc biệt. Điều đặc biệt ở chỗ, Santrô Panxa là người Tây Ban Nha, nhưng những người hành hương kia lại không phải người Đức. Họ là những người Môrô, tức người Arập theo đạo Hồi. Trong hoàn cảnh những người Do Thái và Arập không chịu cải đạo theo Cơ đốc giáo đang bị ráo riệt xua đuổi, truy bắt và xử tử trên giàn thiêu, theo chính sách chia cách, bài trừ ngoại đạo của chính quyền phong kiến - nhà thờ Tây Ban Nha thời kì này, thì tuyên bố của đám người Santrô Panxa thực sự có tính cách mạng.

Một biểu tượng khác trên cơ thể nghịch dị của Santrô Panxa là cặp mông. Chi tiết trứ danh nhất liên quan đến cặp mông của bác giám mã là cuộc phiêu lưu với những chiếc chày nện dạ. Lí do xuất hiện hài hước của cặp mông, là nỗi sợ: sợ đêm tối và sợ âm vang khủng khiếp của những chiếc chày nện dạ, mà lúc ấy, hai thầy trò chưa biết là của cái gì. Hai nguyên nhân trên đều có giá trị biểu trưng. Đêm tối biểu trưng cho giai đoạn sơ khai của trí tuệ nhân loại. Nỗi sợ tiếng động của những chiếc chày biểu trưng cho sự bất lực của trí tuệ ấy trong lí giải các hiện tượng tự nhiên. Bakhtin gọi đó là “nỗi sợ hãi vũ trụ” [3,tr.529]. Với sự kém phát triển của tri thức khoa học, các học thuyết tôn giáo Trung cổ đã lấy nó để đè áp và nô dịch đời sống tinh thần con người. Đến thời Phục hưng, cuộc đấu tranh giữa lực lượng trí thức khoa học mới với lực lượng bảo thủ diễn ra cực kì gay gắt. Xecvantec đã góp tiếng nói vào cuộc đấu tranh ấy trên lập trường chủ nghĩa nhân văn. Chi tiết ỉa đùn vì sợ của Santrô Panxa đã biến cái đáng sợ trở thành cái đáng cười. Nỗi sợ hãi vũ trụ bị đánh bại bởi tiếng cười. Trong trường ý nghĩa đó, biểu tượng cái mông, không chỉ của Santrô Panxa mà còn của lừa, ngựa, sư tử, bò,… xuất hiện với mật độ rất lớn trong chiến lược hạ bệ kiểu hội giả trang của Xecvantec.

Liên hệ trực tiếp với chủ đề cái miệng trên cơ thể nghịch dị của văn hóa trào tiếu dân gian là đề tài âm phủ. Các chuyện kể về âm phủ có cội nguồn từ thời cổ đại, và phát triển đến thời Trung cổ - Phục hưng, nó trở thành mảng đề tài bộc lộ những quan niệm mâu thuẫn dữ dội giữa văn hóa dân gian với văn hóa chính thống. Khác với tính trang nghiêm, rùng rợn theo quan niệm nhà thờ, biểu tượng âm phủ trong văn hóa trào tiếu dân gian tràn ngập tiếng cười vui vẻ. Nó thấm đẫm chất hội giả trang và mọi tính trang nghiêm bị chuyển dời xuống bình diện vật chất - thân xác. Bản chất này được thể hiện đầy đủ ở tất cả hình tượng âm phủ có mặt trong tiểu thuyết của Xecvantec.

Chẳng hạn, cuộc phiêu lưu của Đôn Kihôtê xuống hang Môntêxinôx. Trong tác phẩm, hang này được đồn đại là đường dẫn xuống địa ngục. Trên thực tế, ở châu Âu thời đại của Xecvantec vẫn tồn tại truyền thuyết về những lổ hổng trên mặt đất thông xuống cõi âm [3,tr.628]. Thế nhưng, lời đầu tiên của Đôn Kihôtê sau khi chui lên từ Môntêxinôx lại khẳng định điều trái ngược: đó là “một cuộc sống thú vị và một cảnh tượng ngoạn mục nhất mà chưa một người nào biết tới. Quả thật bây giờ ta mới hiểu rằng mọi lạc thú trên đời này thoáng qua như ảo ảnh và giấc mơ hoặc tàn lụi đi như hoa đồng cỏ nội mà thôi” [7,tr.218]. Địa ngục dường như biến thành thiên đường, mà thiên đường ấy lại ở trong lòng đất. Bakhtin từng miêu tả chiều không gian thẳng đứng của trật tự tín ngưỡng và xã hội thời Trung cổ. Cơ sở của nó là học thuyết về bốn nguyên tố của Arixtôt. Đất, nước, không khí và lửa - mỗi nguyên tố có một vị trí không gian nhất định tạo nên cấu trúc thứ bậc trong vũ trụ. Nó chi phối trực tiếp đến sự phân chia trật tự đẳng cấp xã hội và sự ước định vị trí không gian giữa thiên đường, trần thế và địa ngục. Thiên đường luôn tại vị trên cao, còn địa ngục thì tối tăm dưới lòng đất. Hình tượng hang Môntêxinôx nằm sâu dưới vực thẳm, lại là một thế giới chẳng khác gì thiên đường, đã phá vỡ cấu trúc không gian nói trên. Sự phá vỡ ấy hoàn toàn phù hợp với trào lưu giải tôn ti đẳng cấp vũ trụ thời Xecvantec, để hướng đến một mặt bằng theo chiều ngang của thế giới đang hình thành. Và trật tự bất công của đẳng cấp tôn giáo, chính trị, xã hội phải dần được thu hẹp, xóa bỏ.

3. Những cặp tương đồng và tương phản nghịch dị

Cặp nhân vật trung tâm của cuốn tiểu thuyết chắc hẳn là Đôn Kihôtê và Santrô Panxa - một cặp đôi nghịch dị điển hình của hội giả trang. Ngoài ra, còn phải kể đến hình tượng các cặp tương đồng nghịch dị. Đó là sự tương đồng giữa Đôn Kihôtê với chú ngựa Rôxinantê, giữa giám mã Santrô Panxa với con lừa Xám mà bác yêu quí hơn mọi thứ trên đời. Chúng tôi sẽ phân tích lồng ghép các cặp tương phản và tương đồng nghịch dị này.

Ấn tượng đầu tiên của người đọc là ngoại hình của Đôn Kihôtê - hiệp sĩ tài ba xứ Mantra. Bakhtin nhận định, “một khía cạnh quan trọng tạo nên cái nghịch dị là tính xấu xí, dị hình. Mĩ học về cái nghịch dị phần lớn là mĩ học về cái xấu” [3,tr.87]. Có những cái xấu về ngoại hình không thuộc phạm trù nghịch dị, đó là cái xấu xí làm người ta kinh tởm, có tính phủ định thuần túy. Còn cái dị hình “sắt seo”, “xương xẩu”, “lêu ngêu”, “vàng ệch”,… của Đôn Kihôtê có tính nghịch dị từ trong bản chất. Nghĩ về căn nguyên của thân hình ấy, do đọc sách kiếm hiệp suốt năm quên ăn quên ngủ, người ta thấy đáng cười và đáng thương hơn là đáng sợ và đáng khinh bỉ. Đặc biệt, một thân hình quá teo tóp trong tương quan với chiều cao, cộng thêm cái “cổ vươn dài bằng nửa con sào” (tất nhiên chỉ là sự ví von của người kể chuyện), gợi nên cảm nhận về một sự quẫy đạp nào đấy nhằm vươn ra ngoài sự bao bọc của khối xương thịt già nua. Cơ thể dường như đang tự không đồng nhất với chính nó. Cơ thể quắt queo, vàng vọt của Đôn Kihôtê là biểu trưng của trạng thái vô sinh, nhưng chính trong trạng thái vô sinh ấy, dường như vẫn có chút gì hướng đến sự vận động, tái sinh. Đó là sợi dây nối kết thứ lí tưởng trừu tượng, phi thực tế của Đôn Kihôtê với cái hạ tầng thân xác trên cơ thể Santrô Panxa.

Ngoại hình của Đôn Kihôtê được bổ sung, tô đậm qua hình ảnh “da bọc xương” và trạng thái “thiểu lực” của chú ngựa Rôxinantê. Ngoài chức năng nhấn mạnh, làm nổi bật ra, sự thẳng đuột và khô héo của hai cơ thể còn khiến chúng như hòa làm một, như không có sự phân biệt giữa người và ngựa. Việc hòa trộn các nét của con người và con vật là một trong những hình thức cổ xưa nhất và đặc trưng nhất của văn hóa trào tiếu dân gian. Vậy là hình tượng Đôn Kihôtê trong sự sánh đôi với chú ngựa Rôxinantê đã thể hiện những đường nét nguyên sơ của bút pháp nghịch dị. Bản thân ngoại hình của Đôn Kihôtê đã phá vỡ ranh giới giữa các cơ thể, giữa cơ thể và thế giới. Trong mối tương phản với Santrô Panxa, ranh giới ấy tiếp tục bị vượt qua.

Sự trái ngược giữa Đôn Kihôtê và Santrô Panxa trước hết ở vẻ ngoài. Nếu chàng hiệp sĩ cao kều và gầy còm, thì bác giám mã “bụng phệ, mình ngắn, chân chim” [6,tr.81]. Nếu Đôn Kihôtê là một hình hài già cỗi, khô héo, thì Santrô Panxa là một thân thể tràn trề sức sống. Sự tương phản không dừng lại ở những phương diện bên ngoài mà còn lan sang cả những phương diện tính cách. Đôn Kihôtê nghiêm trang, buồn bã, còn giám mã của chàng tếu táo, vui tươi. Chàng mơ màng, hoang tưởng, bác tỉnh táo, thực dụng. Chàng lên đường với ý hướng cao đẹp, quét sạch mọi xấu xa, bất công trên thế giới, bác xuống đường với mơ ước cuộc sống giàu sang. Đôn Kihôtê từng ví quan hệ giữa chàng với Santrô Panxa như cái đầu và cái thân, một sự đối sánh cực kì sinh động, trực quan theo kiểu trắc đạc nghịch dị giữa thượng tầng cơ thể và hạ tầng xác thịt. Trong đó, mọi thứ thuộc về thượng tầng luôn bị kéo thấp, nuốt chửng và tái sinh ở hạ tầng. Chủ nghĩa duy tâm chủ quan, trừu tượng của Đôn Kihôtê, tương tự thứ chân lí độc tôn, giáo điều, ngự trị trên cao của giáo hội Cơ đốc, bị kéo sập xuống lòng đất vui vẻ, sinh sôi của vật chất - xác thịt, như quan niệm giải trung tâm vũ trụ rất phổ biến ở thời kì này. Có thể khẳng định, ý nghĩa nghịch dị của hình tượng cơ thể song thân trong Đôn Kihôtê được thể hiện rất rõ qua hình ảnh mà chàng hiệp sĩ liên tưởng.

Tuy nhiên, Santrô Panxa không đơn thuần tồn tại trong tác phẩm với tư cách một hạ tầng vật chất - thể xác để chuyển hóa và tái sinh Đôn Kihôtê, mà bản thân nhân vật cũng là một hình tượng nghịch dị ở nghĩa rộng nhất. Sự kết hợp giữa bác giám mã và con lừa Xám tạo ra cặp nghịch dị đồng chất thứ hai. Santrô không ít lần tự biến mình thành lừa, bịt mũi, bắt chước tiếng lừa kêu, và mỗi khi bác cất tiếng, thì tất cả con lừa trong làng đều rống lên theo. Con lừa cùng với tiếng kêu của nó là một trong những biểu tượng xa xưa nhất và có sức sống nhất của văn hóa trào tiếu dân gian. Con lừa chính là hình tượng hạ tầng xác thịt vừa hạ thấp vừa phục sinh [3,tr.134]. Giống như Đôn Kihôtê, hình tượng Santrô Panxa có sự hòa trộn đường nét của con người và con thú, có sự liên thông với các cơ thể xung quanh - cơ thể Đôn Kihôtê và cơ thể con lừa.

Theo chiều dài tác phẩm, nhờ mối quan hệ tương hỗ, hai hình tượng Đôn Ki- hôtê và Santrô Panxa không đứng yên, mà có sự chuyển biến nội tại, không trùng khít với chính mình. Nhìn từ góc độ của cơ thể song thân, cặp tương phản trên tạo ra hai đối cực luôn giao tiếp và chuyển hóa lẫn nhau. Đúng như nhiều nhà nghiên cứu nhận xét, Đôn Kihôtê đã được “Santrô Panxa hóa”. Tính chất duy tâm chủ quan trong lí tưởng của chàng đã phần nào được thực tế hóa. Ở đối cực còn lại, đầu óc thực dụng, khô khan chỉ biết ăn, uống, ngủ và thèm khát giàu có của Santrô Panxa cũng phần nào được “tưới tắm” thêm bởi trí tưởng tượng phong phú của Đôn Kihôtê. Nghĩa là bác cũng được “Đôn Kihôtê hóa”. Sự chuyển hóa hai thái cực của cơ thể song thân Đôn Kihôtê - Santrô Panxa, theo chúng tôi, là sự chuyển hóa thiết yếu của mọi chân lí từng tồn tại trong lịch sử với thực tế khách quan. Đó là ý nghĩa sâu xa của cặp nghịch dị nổi tiếng này.

Sự đối lập giữa lí tưởng hiệp sĩ và thực tế thời đại trong Đôn Kihôtê là một bi kịch. Nhưng dưới bình diện trào tiếu - hội hè dân gian, nhân dân không nhìn nhận nó với ánh mắt bi quan. Bởi, mâu thuẫn giữa một lí tưởng đã được định hình với thực tại xã hội không ngừng đổi thay là không tránh khỏi. Lí tưởng hiệp sĩ của Đôn Kihôtê, cũng như biết bao thứ chân lí từng một thời vô cùng tốt đẹp, nếu cứ cố kéo lê sự tồn tại đơn điệu, vô sinh của chúng, thì chỉ trở thành những giáo điều khô cứng đẩy lùi nấc thang tiến hóa lịch sử. Mọi hiện tượng đều phải nhận thức và hướng bản thân vào sự vận động, đổi thay không ngừng. Thời gian luôn trôi đi, mọi xác tín mong muốn trở thành vĩnh cửu, sẽ như chàng “hiệp sĩ mặt buồn” kia, tự biến mình thành thứ hình nhân nực cười, và tất yếu phải được tiếng cười thanh lọc, tái sinh. Đôn Kihôtê vĩ đại không chỉ vì lí tưởng của chàng cao đẹp, mà hơn hết, chàng là biểu trưng cho cái xung đột bi kịch mang tính nhân loại của sự phát triển. Không có cái chân - thiện - mĩ vĩnh cửu. Chỉ có hành trình bất tận đi tìm kiếm cái chân - thiện - mĩ luôn luôn đổi thay. Mặt khác, không có thứ thực tế nào tồn tại cách biệt khỏi lí tưởng. Mọi sự chuyển động, tiến triển của đời sống vật chất đều phải gắn liền với những khát vọng tinh thần cao cả. Con người văn minh hơn không chỉ là hiện đại hơn, mà còn là nhân văn hơn. Santrô Panxa và Đôn Kihôtê cần nhau như hai đối cực không thể nào xa cách giữa lí tưởng tinh thần và thực tế vật chất. Chỉ có sự điều chỉnh, tương tác lẫn nhau mới đưa cả hai phát triển. Cũng vì vậy, nếu đề tài ngốc nghếch và điên rồ có vai trò quan trọng đối với văn hóa trào tiếu dân gian, thì Đôn Kihôtê và Santrô Panxa là cặp nhân vật tiêu biểu cho hình tượng thằng ngốc thông thái. Trong thế giới hiệp sĩ của Đôn Kihôtê, Santrô Panxa là thằng ngốc, còn trong thế giới hiện thực của Santrô Panxa, họ đổi vai. Cả hai đều cung cấp cho thế giới chính thống của người còn lại một góc nhìn khác, một chân lí khác. Cả hai không ngừng phản biện và đổi mới lẫn nhau.

Tóm lại, dù đã có dấu hiệu thoái hóa của chủ nghĩa hiện thực nghịch dị ở bút pháp xây dựng hình tượng nhân vật, nhưng cảm quan trào tiếu dân gian vẫn bao trùm chủ đạo trong Đôn Kihôtê của Xecvantec. Nó chi phối đến sự phong phú và đa dạng của hệ thống hình tượng nghịch dị trong tác phẩm, để rồi những hình tượng ấy không ngừng trở ngược những quan niệm và thiết chế hiện hành, cho phép những góc nhìn toàn diện hơn về thế giới. Ngay sự suy thoái của bút pháp nghịch dị cũng không hạn chế tầm vóc thiên tài của nhà văn, mà ngược lại, còn thể hiện tính hiện thực lịch sử siêu việt của tác phẩm và khẳng định vai trò dự phần của ông trong mạch nguồn văn hóa trào tiếu dân gian bất tận.

P.T.H.L
(SH296/10-13)


------------------
1. M. Bakhtin, Lý luận va thi pháp tiểu thuyết, Phạm Vĩnh Cư dịch, Nxb. Hội Nhà văn, Hà Nội, 2003.
2. M. Bakhtin, Những vấn đề thi pháp Đôtxtôiepxki, Trần Đình Sử chủ biên, Nxb. Hội Nhà văn, Hà Nội, 1993.
3. M. Bakhtin, Sáng tác của Francois Rabelais và nền văn hóa dân gian Trung cổ và Phục hưng, Từ Thị Loan dịch, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2006.
4. Lê Huy Bắc (chủ biên), Mighen đơ Xecvantet và Đôn Kihôtê, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2008.
5. Đỗ Hải Phong, Cặp nhân vật lưỡng hóa Don Quixote và Sancho Panza - sáng tạo độc đáo của Xecvantec, www.diendankienthuc.net, 2010.
6. M. Xecvantec, Đôn Kihôtê - nhà quí tộc tài bà xứ Mantra (tập 1), Trương Đắc Vị dịch, Nxb. Văn học, Hà Nội, 2010.
7. M. Xecvantec, Đôn Kihôtê - nhà quí tộc tài bà xứ Mantra (tập 2), Trương Đắc Vị dịch, Nxb. Văn học, Hà Nội, 2010.








 

Các bài mới
Chùm thơ Duy Từ (29/10/2013)
Huế trong tôi (25/10/2013)
Tình say (25/10/2013)
A Đon (25/10/2013)
Các bài đã đăng
Bầy mắt (14/10/2013)