Tạp chí Sông Hương - Số 297 (T.11-13)
Những trí thức tận hiến cho Tổ quốc!
16:44 | 15/11/2013

HỮU THU - BẢO HÂN

Tin buồn
Năm Đinh Mùi - 1967. Huế vào kỳ giêng, hai khá lạnh. Sáng ấy, như lệ thường, tôi ngồi ở quán Lạc Sơn. Đang nhâm nhi ly café, bất ngờ có chiếc Dodge mui trần trờ tới.

Những trí thức tận hiến cho Tổ quốc!
Vợ Thái Thị Ngọc và chồng Nguyễn Văn Tú cùng được truy tặng danh hiệu AHLLVTND

Xe dừng, D. và vài viên cảnh sát dã chiến bước vào. Tôi quen D. trước khi hắn đăng lính. Nó học ở trường Bán công còn tôi học ở Quốc Học. Khi phát hiện ra tôi, D khoe:

- Hôm qua bọn tao vừa diệt được hai tên Việt Cộng. Tụi này lỳ lắm, bọn tao quyết bắt sống nên kêu gọi nhưng chúng không chịu đầu hàng, chống cự quyết liệt. Cuối cùng, có lẽ do hết đạn nên bọn chúng mở lựu đạn tự sát. Lục soát, trong hai tên cán binh ấy, nào ngờ lại có một nữ là trí thức.

Như để minh chứng, D. rút từ túi áo và đưa hiện vật cho tôi xem. Đó là cây bút KIM-TINH nắp mạ vàng, phần thân có khắc dòng chữ: Bác sĩ Thái Thị Ngọc.

Lòng tôi quặn thắt, mặt mày xây xẩm:

- Không lẽ chị mình hy sinh rồi sao?

Ký ức rơi rớt, ông Thái Doãn Cầm (nhà ở số 71 đường Nguyễn Công Trứ - Huế), em ruột của liệt sĩ Thái Thị Ngọc chỉ còn nhớ và thuật lại với tôi như vậy.

Cha mẹ ông Thái Doãn Cầm sinh được 8 người con. Bà Thái Thị Ngọc là người con thứ 2 nhưng là chị đầu và sau ông Cầm còn có thêm 2 người em nữa. Năm ấy ông Thái Doãn Cầm đang học lớp đệ nhất, nếu đăng lính vào Trường sĩ quan Thủ Đức, tốt nghiệp sẽ mang lon chuẩn úy (thời ấy vẫn thịnh hành câu ca: “Rớt tú tài anh đi Trung sĩ...”). Khi biết chuyện ông đã giấu nỗi đau, kịp trấn tĩnh sau đó về báo cho mẹ là bà Phan Thị Ngoạn - người mà vào cuối năm 1965 biết tin con gái đã trở lại chiến trường, đã nhận được ảnh của con và 2 đứa cháu ngoại nhưng chưa hề được gặp mặt. (“Trong dịp tết nguyên đán này (Đinh Mùi - 1967), ba nhắn bà ngoại về vùng giải phóng để gặp má, nhưng vì gặp trở ngại, ngoại và má chưa gặp nhau được thì má hy sinh”, thư của người con rể là ông Nguyễn Văn Tú viết gửi cho 2 đứa con trai thuật lại).

46 năm, kể từ ngày bác sĩ Thái Thị Ngọc hy sinh, được sự giúp đỡ của ông Mai Bá Chủ, người “vinh dự từng là học trò của bác sĩ Thái Thị Ngọc”, chúng tôi đã về lại Phú Đa, mảnh đất từng được Nhà nước 2 lần tuyên dương anh hùng về thành tích đánh giặc.

Liên quan đến cái chết của bác sĩ Thái Thị Ngọc, bà Nguyễn Thị Mèo, sinh năm 1924, nhà hiện ở phía sau chùa Trường Lưu kể:

- Năm 1967, tôi phụ trách chi hội phụ nữ giải phóng thôn Trường Lưu. Chiều đó, khi nghe súng nổ, tôi đoán thế nào cũng bị lật hầm. Địch rút, tôi cùng mấy hội viên chạy ra khu vực độn cát xóm giữa. Đến bên căn hầm (do hai ông Đào Dưỡng và Nguyễn Ngưỡng - cán bộ nông hội thôn đào và nuôi dưỡng), tôi rụng rời tay chân khi thấy anh Đức (bộ đội của K4, thương binh nằm chung hầm) và bác sĩ Ngọc hy sinh. Bọn chúng tàn ác lắm.

Thấy bác sĩ Ngọc không còn mảnh vải che thân. Cầm lòng không đậu tôi liền chạy sang nhà bà Thẻo xin một bộ bà ba trắng, mấy chị em khác chạy đến nhà bà con mượn chiếc hòm, người thì đặt bát hương. Khâm liệm xong thì trời đã tối. Khuya đó con tôi là Lê Văn Chớ (du kích, hy sinh tháng 8/1968) về báo lại: chồng bác sĩ Ngọc đã lên nhờ anh em du kích Trường Lưu khiêng về mai táng ở Ba Lăng...

Lá thư ông Nguyễn Văn Tú (chồng bác sỹ Thái Thị Ngọc) đã viết cho 2 con cũng kể lại chuyện này: “Được tin hỏa tốc của đơn vị, ba đã về chỗ má chết (ở thôn Trường Lưu, xã Phú Thanh). Ba đã đưa tử thi của má về chôn tại thôn Ba Lăng, là nơi mà ba và má cùng công tác và đã tìm hiểu, xây dựng gia đình trong cuộc kháng chiến chống Pháp, nơi đồng bào đã nuôi nấng, mến thương rất nhiều với ba má”.

Lịch sử Đảng bộ huyện Phú Vang đã viết: “Năm 1967, địch càn quyét, phát hiện hầm bí mật mà đồng chí Thái Thị Ngọc đang trú ẩn, đồng chí đã bất chấp hiểm nguy, dũng cảm bật nắp hầm dùng lựu đạn và nổ súng tiêu diệt tại chỗ 5 tên địch và đồng chí đã anh dũng hy sinh dưới làn đạn dày đặc của địch khi ở tuổi 35.”

Sau giải phóng, người con trai út là Nguyễn Chí Thành đã cùng với người cậu ruột là Thái Doãn Trọng về lại vùng Ba Lăng - Quảng Xuyên, nơi mà trong những năm chống Pháp ông Trọng từng hoạt động, cảm ơn bà con đã hương khói cho em mình và di dời hài cốt của bà Thái Thị Ngọc về chôn cùng chồng (hy sinh năm 1972) ở thôn Mỹ Lam, xã Phú Mỹ, Phú Vang.

Những năm sau đó Thừa Thiên - Huế thường có lũ lớn, Nguyễn Chí Thành lại cất bốc đưa di cốt của cha, mẹ mình về an táng với ông bà nội ở khuôn viên đất của chùa Tường Vân (Huế) để khỏi bị ngập.

Cuộc đời liệt nữ

Bà Thái Thị Ngọc, sinh ngày 1/2/1932, quê ở thôn Mỹ Lam, xã Phú Mỹ, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Sinh ra trong một gia đình trí thức yêu nước nên từ nhỏ bà đã được gia đình cho đi học tử tế. Năm 15 tuổi, được gia đình và cán bộ địa phương giáo dục, bà tham gia du kích của thôn Mỹ Lam. Hơn một năm sau, nhờ có năng lực và học vấn, bà được điều lên công tác ở Văn phòng Huyện ủy Phú Vang. Giữa năm 1950 bà vinh dự được kết nạp vào Đảng. Chính trong giai đoạn này, bà đem lòng yêu thương ông Nguyễn Văn Tú - một cán bộ cách mạng, người cùng quê, trước khi thoát ly đã đỗ Tú Tài Pháp. Lúc đó ông cũng đang công tác ở Văn phòng Huyện ủy Phú Vang.

Năm 1953, họ hứa hôn nhưng do ông phải lên chiến khu Dương Hòa dự lớp chỉnh huấn tư tưởng và bà được cử ra Liên khu IV ở Nghệ An học lớp Nữ hộ sinh nên họ chưa thể cưới nhau. Tháng 7/1954. Hiệp định Genève về Đông Dương được ký kết, ông Nguyễn Văn Tú tập kết ra miền Bắc. Ông có thời gian tham gia công tác ở Quảng Bình, Hà Tĩnh và chính thức cưới bà Thái Thị Ngọc khi đang công tác ở Thanh Hóa và họ có 2 đứa con trai. Sống với gia đình ở thành phố Vinh chưa được bao lâu, ông lại chia tay vợ con nhận công tác mới.

Năm 1959. Trong khi chúng ta nghiêm chỉnh thi hành Hiệp định Genève thì ở miền Nam, Mỹ và chính quyền Ngô Đình Diệm tìm mọi cách phá bỏ. Chúng cự tuyệt hiệp thương tổng tuyển cử, đàn áp đẫm máu những người cộng sản, cán bộ kháng chiến và người dân yêu nước... làm cho phong trào đấu tranh cách mạng bị tổn thất nặng nề. Trước tình hình đó, tháng 1/1959, Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp Hội nghị (mở rộng) lần thứ 15 vạch rõ mục tiêu và phương pháp cách mạng ở miền Nam với nhiệm vụ trước mắt là đánh đổ tập đoàn thống trị Ngô Đình Diệm, tay sai của đế quốc Mỹ.

Từ Thanh Hóa, tháng 6/1959, ông Nguyễn Văn Tú được Ban Tổ chức Trung ương điều ra Hà Nội học Nghị quyết 15 và cuối năm đó được bí mật gửi vào Nam chiến đấu.

Một tay nuôi hai đứa con còn thơ dại, bà Thái Thị Ngọc không chỉ công tác tốt mà còn nỗ lực học hỏi để năm 1964 trở thành bác sĩ sản khoa. Năm 1965 Mỹ ồ ạt đổ quân vào miền Nam và tiến hành ném bom phá hoại miền Bắc. Như nhiều trí thức khác, bà ý thức được nhiệm vụ thiêng liêng của mọi người Việt Nam yêu nước lúc này là chống Mỹ nên trong khi đang là Chi ủy viên, Phó khoa sản Bệnh viện Hà Đông (và chồng hiện đang chiến đấu ở Thừa Thiên) nhưng bà Thái Thị Ngọc đã viết đơn tình nguyện xin vào chiến trường miền Nam tham gia chiến đấu, mặc dù hai con của bà còn thơ dại.

Bác sĩ Thái Thị Ngọc chụp ảnh cùng 2 người con trai trước khi vào chiến trường


Rời Hà Nội, bà Thái Thị Ngọc gửi lại 2 người con trai là Nguyễn Anh Tuấn (sinh 1956) và Nguyễn Chí Thành (sinh năm 1957) cho người thím dâu là bà Nguyễn Thị Hạnh, lúc đó công tác ở Bộ Công an chăm sóc (bà Hạnh là vợ của ông Thái Doãn Mẫn, sĩ quan Công an cao cấp lúc ấy đang hoạt động ở miền Nam). Thời đó còn bao cấp nên con của bà mỗi tháng được Nhà nước phát 24,5 đồng/người.

Trước khi đi, bà chỉ nói với các con: “Mẹ đi làm, các con ở nhà ngoan và nhớ nghe lời bà Hạnh”. Thế là “giữa năm 1965, một năm đáng ghi nhớ khi anh em chúng tôi bắt đầu một cuộc sống tự lập vì không còn sự chăm sóc dạy bảo của mẹ.” - Anh Nguyễn Chí Thành cho biết.

Và cũng kể từ đó, hai người con đã vĩnh viễn xa bà.

Vào đến chiến trường, tháng 8/1965 bà Thái Thị Ngọc được cử về công tác ở Dân y Thừa Thiên (tháng 4/1966 chuyển sang Ban Dân y Khu ủy Trị Thiên - Huế) do bác sĩ Thái Tuấn phụ trách. Đây cũng là thời điểm Mỹ đã đổ quân xuống Phú Bài và biến nơi này thành căn cứ tiền phương của Mỹ ở miền Nam. Mỹ đến, nhiều cứ điểm quân sự mới ở Thừa Thiên được thiết lập. Phía Nam có La Sơn (Phú Lộc), Ấp 5, Động Tòa (Hương Thủy). Phía Bắc có Tứ Hạ (Hương Trà), An Lỗ, Đồng Lâm (Phong Điền). Phía Đông có Cảng quân sự Tân Mỹ (Phú Vang) là nơi trung chuyển nhiên liệu (thông qua đường ống dẫn xăng dầu) và quân trang, quân dụng cho các căn cứ.

Tư lệnh quân đội Mỹ ở miền Nam, tướng Westmoreland ồ ạt triển khai chiến dịch mang tên: Tìm và Diệt. Những cuộc hành quân hỗn hợp Việt - Mỹ đã làm nhiều xóm làng tiêu điều, nhất là ở những vùng trước đó, sau cuộc Đồng khởi 1964 ta đã phá bỏ hệ thống Ấp chiến lược do chế độ Ngô Đình Diệm dựng lên.

Chiến trường đã trở nên ác liệt. Nhiều cán bộ, chiến sĩ và đồng bào bị thương rất cần sự chăm sóc và điều trị của đội ngũ cán bộ y tế. Bà Nguyễn Thị Vĩnh, hiện trú tại thôn Phú Lộc, xã Phong Chương, huyện Phong Điền nhớ lại: “ - Mùa mưa năm 1965, Ban Dân y Thừa Thiên, có mật danh là F22 mở lớp y tá tại khu vực dốc Trục (phía tây xã Phong Sơn, huyện Phong Điền) cho 3 huyện phía Bắc Thừa Thiên, gồm: Hương Trà, Phong Điền và Quảng Điền. Tiếp đó, chúng tôi quay trở lại khu vực rừng Thông (nay thuộc địa phận của tỉnh Salavan - Lào) mở lớp y tá - hộ sinh cho ba Quận miền Tây Thừa Thiên. Biết tôi trước khi thoát ly là y tế hương thôn của chế độ Sài Gòn nên bác sĩ Thái Thị Ngọc đã chọn tôi làm phụ đạo cho bà.

Ở những lớp học này, bác sĩ Thái Thị Ngọc dạy lý thuyết còn tôi giúp học viên thực hành những công việc như tiêm thuốc, đỡ đẻ. Nhờ gắn bó với nhau nên bác sĩ Thái Thị Ngọc xem tôi như em. Chúng tôi quấn quýt và chia sẻ buồn, vui.

Có lẽ do giữ bí mật và đề phòng bất trắc cho người chồng đang hoạt động ở vùng sâu nên thú thật lúc đó tôi cứ tưởng rằng chồng chị đã chết vì khi hỏi chuyện bác sĩ Thái Thị Ngọc thường lảng tránh và một mực cho rằng chồng chị đã hy sinh. Đinh ninh như vậy nên tôi lại hỏi:

- Chồng chết, sao chị lại gửi con để vào đây?

Chị cười, từ tốn:

- Em không thấy gương của bà Trưng, bà Triệu đó sao? Vào đây, nếu chị hy sinh thì chị tin các con chị sẽ tiếp bước.

Ở trên rừng, khi đi công tác, bác sĩ Thái Thị Ngọc thường mặc bộ bà ba màu xanh lá cây, lưng mang khẩu súng K 59. Lúc ấy chị chưa bị sốt rét, dù cơ cực nhưng nhìn vóc dáng, tôi thường khen:


- Chị già nhưng mà đẹp lắm!

Mỗi khi nghe khen như vậy chị thường véo vào tai tôi, cười.

Từng theo chị mở 2 lớp đào tạo y tá, có một kỷ niệm mà tôi không bao giờ quên, đó là lúc ở Quận I miền Tây Thừa Thiên. Lớp học bế giảng, chúng tôi được phân công ghé vào một binh trạm nằm trên đường Hồ Chí Minh để nhận thuốc men. Trên đường trở về đơn vị, địch phát hiện nên chúng ném bom tới tấp. Không có hầm hào, hai chị em chỉ dựa vào các gốc cây trốn tránh, phó mặc cho may rủi. Suốt 6 giờ đối đầu với sinh tử, tưởng yên nào ngờ Mỹ đổ quân bố ráp. Để đề phòng, chị đưa cho tôi một trái lựu đạn và bình tĩnh dặn dò: quyết không được để chúng bắt”.

...

Trong những ngày ở chiến khu, bác sĩ Thái Thị Ngọc thường mở radio theo dõi tình hình chiến sự, nhất là ở huyện Phú Vang, nơi chồng bà là ông Nguyễn Văn Tú đang sát cánh cùng quân và dân chiến đấu.

Tháng 2 năm 1966, bà trở thành ủy viên Ban Thường vụ sau khi tham dự Đại hội Hội Phụ nữ Giải phóng Thừa Thiên, một nhiệm vụ mà theo thư bà viết cho người thân “đòi hỏi phải về vùng sâu nhiều hơn”. Sau thời điểm này bác sĩ Thái Thị Ngọc được điều sang theo dõi công tác Bảo vệ bà mẹ và trẻ em. Lúc này ở Huế bộ máy của chính quyền Sài Gòn tê liệt. Binh lính ly khai. Sinh viên - học sinh, tiểu thương dồn dập biểu tình.

Là bác sĩ và là ủy viên Ban Thường vụ tỉnh Hội Phụ nữ Giải phóng, lúc đầu tổ chức định điều bà về Huế tham gia chỉ đạo phong trào phụ nữ đô thị nhưng do sợ bị lộ nên đã phái bà về tham gia chỉ đạo phong trào ở huyện Phú Vang, nơi mà phần lớn địa bàn ở các xã phía Nam ta đang làm chủ.

Trong thư gửi đề ngày 25/4/1966 gửi cho anh mình là ông Thái Doãn Trọng, bác sĩ Thái Thị Ngọc viết: “Tình hình huyện mình khá lắm, giải phóng gần hết, cán bộ ta về được đồng bào rất phấn khởi... Vừa rồi ở Phú Vang, xã Phú Thái ta đánh một trận rất lớn, tiêu diệt và bắt sống độ khoảng 600 tên, Thừa Thiên ta có nhiều chuyển biến tốt anh ạ.”

Bà Phạm Thị Thu, sinh năm 1948, quê ở thôn Lương Viên, xã Phú Đa cho biết: - Hè năm 1966, cùng với hơn 20 anh chị em thuộc các xã trong huyện tôi đã tham dự lớp y tá - hộ sinh do bác sĩ Thái Thị Ngọc và bác sĩ Lê Minh Toại giảng dạy. Số học viên lớp ấy phần lớn đã hy sinh; ngoài tôi, hiện ở thôn Mộc Trụ (xã Vinh Phú) còn chị Hồ Thị Sương.

Theo bà Phạm Thị Thu, đây là lớp thứ 3, sau 2 lớp đã được mở cấp tốc ở Lương Viện. Học xong, ai ở đâu về địa phương đó phục vụ. Lớp y tá - hộ sinh mà bà Phạm Thị Thu theo học được tổ chức tại nhà của ông Nguyễn Văn Sáng - Trần Thị Mèo ở xóm 2 thôn Viễn Trình, thị trấn Phú Đa ngày nay. Đó là một ngôi nhà rường 1 căn 2 chái. Chung quanh khu vườn đều đào giao thông hào để phòng tránh bom đạn. Năm 1969 ngôi nhà này đã bị địch đốt khi chúng lùa dân vào sống tập trung ở xóm chợ Viễn Trình.

Ông Nguyễn Xuyên, sinh năm 1922 cho biết:

- Thời điểm đó tôi là Trưởng ban Nông hội giải phóng thôn Viễn Trình. Khi về đây mở lớp cứu thương, cô Thái Thị Ngọc ăn, ở tại nhà tôi. Cô là người giỏi giang và đẹp nết. Bà con ở đây rất mến nên có món gì ngon thường mang cho cô, nhất là các mẹ, các chị trong Ban công tác Phụ nữ.

Để bảo vệ lớp học, ban ngày chúng tôi phân công đàn bà, trẻ con ra gác ở đầu làng, hễ phát hiện có lính đi tuần, mấy đứa con nít cứ kêu lên: “trâu ra ăn lúa” thì ở trong này chúng tôi tổ chức đưa anh chị em cán bộ, thương binh xuống hầm trốn tránh. Thời ấy vùng này hầm nhiều vô kể, vì ngoài che giấu cán bộ, Xóm 2 còn là nơi che giấu thương binh từ các nơi đưa đây điều trị. Tôi nhớ hình như lúc ấy bộ đội K4 đánh nhau với Mỹ ở Vinh Thái, Vinh Phú. Anh em bị thương nhiều lắm. Trạm phẫu lúc đó đặt ở 2 nơi, một tại nhà bà Trần Thị Mèo và một ở nhà bà Huỳnh Thị Đài. Thương binh đưa về, cô Thái Thị Ngọc chạy đôn chạy đáo, miệng nói tay làm có khi quên ăn; thương quá tôi mới hối nhà tôi nấu cho cô miếng cháo. Số thương binh nặng sau khi chữa trị được đưa xuống hầm nuôi dưỡng, số nhẹ sau khi sơ cứu được đưa về Mộc Trụ rồi chuyển đi mô tôi không rõ.

Kể đến đây, ông Xuyên dẫn chúng tôi đến một thửa ruộng.

- Chú biết không, ngày ấy đây là nơi trồng khoai. Tay, chân của thương binh sau khi bị cắt bỏ đã đem ra chôn ở đây. Chúng tôi cho đào hai bên vồng khoai rồi đem lấp, nếu chôn lung tung, lỡ chó tha, địch thình lình ập đến, trở tay không kịp thì chết cả lũ.

Viễn Trình chỉ cách Chi khu quân sự Phú Thứ chừng 7 cây số đường chim bay nhưng những ngày tháng bác sĩ Thái Thị Ngọc đóng quân ở đây đều bình yên vô sự.

Sau khi “bình định” được Huế, địch tập trung “ổn định” tình hình ở nông thôn mà trọng điểm là vùng Phú Thứ, nơi mà trước đó các xã Vinh Hà, Vinh Phú, Vinh Thái, Phú Đa, Phú Mỹ, Phú Hồ.... Tiểu đoàn 4 (hay gọi là K4 do Quân khu Trị Thiên tăng cường cho Thừa Thiên) cùng Bộ đội địa phương (C117) và anh chị em du kích đã phối hợp đẩy lùi nhiều đợt càn quét có máy bay và xe tăng yểm trợ của địch, lập nhiều chiến công vang dội.

Đầu năm 1967, do địch càn quét ráo riết, bác sĩ Thái Thị Ngọc phải liên tục chuyển địa bàn công tác. Cũng là ở xã Phú Đa nhưng lúc thì ở Viễn Trình khi thì sang Đức Thái, cuối cùng khi mới về Trường Lưu được mấy hôm thì bà hy sinh.

Ghi nhận thành tích của đồng đội, Lịch sử ngành y tế Thừa Thiên Huế 30 năm kháng chiến đã viết: “Bác sĩ Thái Thị Ngọc công tác ở Ban y tế Khu ủy Trị Thiên - Huế đã về công tác và mở lớp hộ sinh tại các thôn Lương Viện, Viễn Trình xã Phú Đa, đào tạo được 22 nữ hộ sinh cho huyện Phú Vang, chị đã hy sinh anh dũng trong trận càn bị địch lật hầm bí mật”.

Có lẽ trong lịch sử của ngành y, bà Thái Thị Ngọc là người duy nhất một lúc đảm đương vai trò vừa là bác sĩ vừa là chiến sĩ, bởi ngoài đào tạo y tá, nữ hộ sinh, chữa trị cho thương, bệnh binh bà còn tham gia chiến đấu, đặc biệt là khi được trở lại Phú Mỹ - quê bà để sống và chiến đấu.

Đọc những thành tích của bà chúng tôi không khỏi kinh ngạc khi biết, chỉ trong vòng hơn nửa năm, bác sĩ Thái Thị Ngọc đã tham gia nhiều trận đánh, tiêu biểu là chiến công lập ở chợ Sam, khi bà cùng anh chị em du kích phục kích tiêu diệt 19 tên địch, bắt sống 2 tên, thu nhiều vũ khí hay khi tấn công trụ sở ngụy quyền xã Phú Mỹ, cùng với đồng đội, tiêu diệt 1 trung đội Địa phương quân và 2 tên ác ôn khét tiếng. Trong trận này, bác sĩ Thái Thị Ngọc vừa cấp cứu, bảo vệ thương binh vừa chiến đấu tiêu diệt 6 tên giặc, sau đó tổ chức đưa thương binh về căn cứ an toàn. Trong một trận đánh khác ở An Lưu, để đề phòng địch càn vào khu vực cấp cứu thương binh, bác sĩ Thái Thị Ngọc đã đặt mìn chống tăng và đã phá hủy 1 chiếc M113.

Nhà báo Ngô Kha, nguyên Phụ trách báo Giải phóng của tỉnh Thừa Thiên cho biết: bác sĩ Thái Thị Ngọc khi về Phú Vang đã trở thành cộng tác viên tích cực của Báo. Nhờ có những tin, bài ký bút danh Liên Triều nên chúng tôi đã kịp phản ánh tình hình chiến đấu ở vùng sâu.

Trong bản nhận xét của Huyện ủy Phú Vang đề ngày 2/8/2004, Bí thư Hồ Thế Hiền viết: - Trong quá trình hoạt động, đồng chí Thái Thị Ngọc luôn đặt lợi ích của quê hương, Tổ quốc lên trên lợi ích của gia đình, kìm nén tình mẫu tử, chấp nhận chia tay 2 đứa con thơ còn nhỏ cho đồng đội nuôi dưỡng, tình nguyện trở về quê hương chiến đấu. Đồng chí luôn bám sát địa bàn, bám sát các trận chiến đấu, không ngại gian khổ, ác liệt, tận tâm với công việc, luôn nêu cao phẩm chất tốt đẹp của người thầy thuốc đã cứu chữa hàng trăm thương binh, bệnh binh và nhân dân thoát khỏi hiểm nghèo. Dũng cảm chiến đấu bảo vệ an toàn cho thương binh, bệnh binh; đồng thời phối hợp chặt chẽ với du kích địa phương, với bộ đội chủ lực tổ chức nhiều trận đánh, tiêu diệt nhiều sinh lực địch. Đồng chí dũng cảm chiến đấu, kiên quyết không để sa vào tay giặc, quyết giữ trọn khí tiết của người đảng viên cộng sản và đã anh dũng hy sinh. Đồng chí Thái Thị Ngọc là tấm gương tiêu biểu cho nhiều thế hệ noi theo. Chính những chiến công đó đã góp phần làm rạng danh quê hương Phú Mỹ nói riêng, huyện Phú Vang anh hùng nói chung.

Những bức thư nhói lòng

Được phép của Thiếu tướng Nguyễn Chí Thành, người con trai út của đôi vợ chồng anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Tú - Thái Thị Ngọc, chúng tôi xin trích những dòng dưới đây của người đã khuất.

Như chúng ta biết, bác sĩ Thái Thị Ngọc vào đến chiến trường Thừa Thiên tháng 8/1965. Trong thư đề ngày 22/10/1965 gửi cho anh ruột của mình là ông Thái Doãn Trọng lúc đó công tác ở Khu gang thép Thái Nguyên, bác sĩ Thái Thị Ngọc viết:

- Anh ơi, Tuấn + Thành đã được gửi vào trường chưa, hôm 2 cháu vào trường anh có về thăm cháu được không? Chúng nó có buồn lắm không anh. Em nhớ Tuấn + Thành quá anh ạ. Suốt gần 2 tháng trời nay đêm nào em cũng thao thức không ngủ được vì nhớ 2 cháu quá và lo cho cái ăn cái ngủ của chúng nó không biết thế nào. Thiếu tình cảm mẹ nó ra làm sao, em lo chúng nó buồn và nhớ mẹ tội nghiệp quá. Thỉnh thoảng anh năng biên thư thăm 2 cháu với nhé, vì em ở xa xôi thư từ khó khăn lắm anh ạ. Anh cố gắng thay mặt em giúp đỡ các cháu về mặt tình cảm để chúng đỡ nhớ mẹ, tội nghiệp”.

Trong thư không rõ ngày nhưng chắc chắn viết trước tết 1966 gửi cho anh trai của mình, bác sĩ Thái Thị Ngọc cho biết: “em nhớ 2 cháu ghê quá anh ạ. Đêm nào ngủ em cũng tưởng tượng 2 cháu nên em rất buồn. Tết này nếu có điều kiện anh đón 2 cháu về cho vui kẻo tội nghiệp quá. Tết đến 2 cháu không cha chẳng có mẹ chắc nó buồn nhớ ghê lắm”.

Trong bức thư cuối cùng đề ngày 12/7/1966 gửi cho người anh ruột, bác sĩ Thái Thị Ngọc viết: - Được thư anh, em vừa mừng vừa cảm động vì gần 10 tháng trời xa anh và 2 cháu đến hôm nay lần đầu tiên được thư anh và biết tin 2 cháu đã vào trường và vẫn khỏe. Anh có biết không ngày đêm em thương nhớ 2 cháu và anh ghê quá, không đêm nào em ngủ yên, lúc nào nằm xuống cũng phải suy nghĩ đến 2 cháu, không biết 2 cháu nó sinh hoạt ra sao, chắc nó nhớ em ghê lắm, tình cảm chỉ có mẹ mà bây giờ mẹ xa vắng. Những lúc hình dung ấy làm em không tài nào không suy nghĩ được.

Chia sẻ về nỗi nhớ con, bác sĩ Lê Ngọc Minh, phụ trách Bệnh xá Nam Thừa Thiên, trong thư đề ngày 21/8/1966 gửi cho người chị kết nghĩa là bác sĩ Thái Thị Ngọc đã chia sẻ: - Con tôi còn có mẹ nó ở nhà, thế mà đôi khi vẫn nhớ ba lắm. Các cháu của chị chắc sẽ nhớ mẹ khi hè về, tết đến... nghĩ thế nên nhiều lúc tôi lại thương mến chị nhiều hơn và càng khâm phục người phụ nữ Việt Nam sẵn sàng theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc ra đi cứu nước cứu nhà. Về mặt tình cảm thì ai mà chẳng thương chồng con, tuy vậy phải làm sao cho xứng đáng để con cái chúng ta hãnh diện vì nó có người mẹ người cha sống và làm việc vì Đảng, vì cách mạng.



Những ngày ngắn ngủi bên người thân

Như đã biết ông Nguyễn Văn Tú từ cuối năm 1959 đã bí mật quay trở lại chiến trường và được Tỉnh ủy Thừa Thiên cử vào Ban cán sự huyện Phú Vang để chỉ đạo phong trào.

Cùng với “chiến dịch tố Cộng”, chính quyền Ngô Đình Diệm cho triển khai luật 10/1959 đặt Cộng sản ngoài vòng pháp luật; đồng thời cho lập các Ấp chiến lược nhằm tách cá ra khỏi nước.

Cùng với các đồng chí của mình, ông Tú đã “nằm gai nếm mật”, bí mật tiếp xúc và nhen nhóm lại ngọn lửa cách mạng tưởng như đã bị bạo lực dập tắt. Năm 1964, các huyện đồng bằng ở Thừa Thiên - Huế đồng khởi sau khi anh em Ngô Đình Diệm - Ngô Đình Nhu bị lật đổ. Năm 1965, nhiều xã ở phía Nam của Phú Vang đã được giải phóng.

Mùa mưa năm 1965, bác sĩ Thái Thị Ngọc đã vào đến chiến trường, ông biết tin đó qua thư của vợ.

Từ núi rừng miền Tây Thừa Thiên, bà lặn lội 3 - 4 ngày đường mới về được Phú Vang thăm chồng và giữa năm 1966, với tư cách là ủy viên Thường vụ Tỉnh hội Phụ nữ Thừa Thiên và là bác sĩ, bà Thái Thị Ngọc được biệt phái về Phú Vang, địa bàn hoạt động chủ yếu là Phú Mỹ, Vinh Phú và Phú Đa.

Tuy hai người hoạt động trên một địa bàn nhưng do ông Nguyễn Văn Tú mải theo việc xây dựng cơ sở và tổ chức chống càn, còn bác sĩ Thái Thị Ngọc lại xắn tay lo mở các lớp đào tạo y tá cấp tốc nên năm thì mười họa họ mới gặp nhau và chưa hề được ở bên nhau cho trọn một ngày. Tính ra họ chỉ ở với nhau vỏn vẹn có hơn 2 năm.

Cuối tháng 2/1967, vợ ông là bác sĩ Thái Thị Ngọc hy sinh thì ba tháng sau ông bị thương nặng. Trong thư đề ngày 20/6/1967 gửi cho người anh rể của mình là ông Thái Doãn Trọng, ông Nguyễn Văn Tú (Tuấn) cho biết: “- Lại báo thêm một tin buồn khác là em vừa bị thương nặng, bữa nay đã là ngày thứ 22.

Vừa thoát chết trong một vụ bị địch vây thì trong một hôm đi công tác ở vùng trên (Phú Thiện, tức xã Phú Mỹ ngày nay) về cùng đồng chí cán bộ nữa, bọn em đã vấp phải lựu đạn. Đồng chí cán bộ đi theo hy sinh, còn em thì bị thương, mảnh găm khắp chân và làm thủng 3 lỗ ở ruột. May hôm đó có có đồng chí Toại (Lê Minh Toại) bác sĩ, cùng về công tác một chuyến với Ngọc kịp thời mổ và làm khá chu đáo nên đã cứu sống được, đến hôm nay vết thương ở bụng đã bắt đầu líp, còn ở chân phải có một mảnh nhỏ ở gối nên khi co chân còn đau, vừa mổ xong địch càn nên rất vất vả”.


Cuối năm đó ông được chuyển ra Bắc rồi sang Trung Quốc điều trị. Tại đây, ông đã về Quế Lâm thăm 2 con đang học và họ ở với nhau chừng được mươi ngày, đó là vào tháng 12/1967.

Sau hơn 8 năm xa cách, gặp lại các con, ông Nguyễn Văn Tú hết sức vui mừng. Lúc đầu ông định báo hung tin cho 2 con là mẹ của chúng đã hy sinh nhưng rồi nghĩ lại “vì các con còn nhỏ chưa thể suy nghĩ và hiểu biết nhiều về điều đó, vì ba sợ những chuyện đau thương đó ảnh hưởng đến học tập của các con mà ba thì không thể ở sát bên cạnh các con để an ủi, chăm sóc các con được” nên im lặng và sau nhiều dằn vặt, đắn đo cuối cùng, trước khi trở lại chiến trường ông quyết định viết một lá thư khá dài, kể hết sự tình với hy vọng khi các con đã lớn, đã biết suy nghĩ, đọc lá thư này các con sẽ biết mẹ đã hy sinh như thế nào, ở đâu và thẳm sâu hơn, ông muốn tránh cho các con khỏi bị sốc khi tiên liệu cái ngày không mong muốn đó có thể sẽ đến: các con ông mồ côi cả cha lẫn mẹ!

Sau những ngày ngắn ngủi ở bên con, đúng mồng hai tết Mậu Thân ông Nguyễn Văn Tú về đến Hà Nội, tiếp tục an dưỡng ở K15. Lúc này toàn miền Nam đang mở cuộc tấn công và nổi dậy, đặc biệt là các đô thị Sài Gòn, Huế. Mở radio, đọc báo theo dõi tin tức chiến sự, lòng ông như lửa đốt. Ông trông ngày trông đêm sớm có mặt ở chiến trường sát cánh cùng đồng bào, đồng chí chiến đấu mong nước nhà “sớm được thống nhất để cùng sống với 2 cháu”, vì vậy trong thư đề ngày.../2/1968 gửi cho người anh rể là Thái Doãn Trọng, ông Nguyễn Văn Tú báo tin: “- Bác sĩ đã kiểm tra lại sức khỏe của em, người còn yếu nhưng vết thương không can gì, các bệnh khác không đến nỗi nghiêm trọng nên các đồng chí đa đồng ý tập trung bồi dưỡng, thuốc men, đe khoảng hơn một tháng nữa co thể đi vào. Tình hình trong đo (Thừa Thiên) rất khẩn trương nên cần phải vào. Em đã bắt đầu học tập 3 hôm nay, khoảng cuối tháng 3/1968 se hoàn thành va chuẩn bị lên đường. Thừa Thiên chỉ có 2 đồng chí vào chuyến này, em và anh Hường (tức Bằng, Quân sự).

Chuyện bác sĩ Thái Thị Ngọc hy sinh, người thân ở Bắc đều biết. Riêng Nguyễn Anh Tuấn và Nguyễn Chí Thành do ông Nguyễn Văn Tú cố tình không cho con biết nên khi trả lời thư con, trước sau ông chỉ lấp lửng:

- Các con hỏi ba về tin của má. Đã lâu lắm ba không liên lạc được và ba cũng rất lo. Ở đây chiến đấu quyết liệt với kẻ thù việc hy sinh như thư Tuấn nói là rất bình thường. Tuấn và Thành hãy chuẩn bị tư tưởng, xác định cho mình một tình cảm cách mạng và hãy phấn đấu để học tập nếu trường hợp không may đó xảy ra, nghĩa là ba và má hy sinh. Bản thân ba lâu nay cũng chuẩn bị cho mình như vậy. Nếu má hy sinh thì đó là một tổn thất rất lớn đối với ba và 2 con, nhưng như vậy là má đã làm tròn nhiệm vụ của một người đảng viên, một người cán bộ phụ nữ. Đó cũng là vinh dự của ba đã cống hiến cho cách mạng, cho Tổ quốc một người vợ rất mực yêu quý của ba. (Trích thư gửi cho con năm 1970).

Giữa năm 1968 ông Nguyễn Văn Tú trở lại Thừa Thiên chiến đấu. Lúc đầu ông làm Phó Văn phòng Tỉnh ủy nhưng đến năm 1970, khi ông Hồ Đống, Bí thư huyện ủy Phú Vang do ốm đau nặng phải ra Bắc điều trị, ông Nguyễn Văn Tú được Ban thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên cử làm Q. Bí thư Huyện ủy Phú Vang. Trong những năm tháng chiến đấu ở đây, ông Nguyễn Văn Tú đã lãnh đạo và chỉ huy chiến đấu trên 30 trận, đặc biệt là tháng 2/1967, sau khi chôn cất người vợ thương yêu của mình, ông đã về Dưỡng Mong (Phú Mỹ) cùng du kích diệt 80 lính bình định nông thôn; cùng với C117 và K4 bắn cháy 1 máy bay HU1A, 2 xe M113 và 1 xe Jeep của Quận trưởng Phú Vang làm tên này bị thương nặng, sau đó tiếp tục tổ chức phục kích tại cầu Sam diệt 19 tên, bắt sống tên Đoàn trưởng Bình định nông thôn, tổ chức đánh phá đường ống và đốt phá kho xăng dầu cảng Tân Mỹ...

Như đã biết, sau cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 phần lớn quân ta đều rút khỏi đồng bằng, riêng vùng Phú Thứ (Phú Vang) sau khi địch cho xe cày ủi, làng mạc nhiều nơi trở thành “vùng trắng”. Hàng chục khu tập trung hình thành. Địch thực thi chính sách “tách cá khỏi nước”.

Do Phú Vang gặp khó khăn nên trong những ngày về chỉ đạo phong trào ở huyện nhà, ông Nguyễn Văn Tú đành phải mượn địa bàn của xã Thủy Thanh (Hương Thủy) để trú ẩn. Sau Xuân 1968, trong khi nhiều nơi bị mất liên lạc thì Thủy Thanh vẫn giữ vững phong trào cách mạng và trở thành “vùng lõm”, không chỉ để cán bộ của Hương Thủy bám trụ mà còn là nơi đội ngũ cán bộ lãnh đạo của Huế và Phú Vang đứng chân để gây dựng lại phong trào. Các ông Hoàng Lanh, Nguyễn Trung Chính, Nguyễn Văn Tú, Lê Quý Cầu, Trần Phong, Lê Duy Vy - những cán bộ cốt cán của Thừa Thiên - Huế thời bấy giờ đều có thời gian “nằm gai nếm mật” ở đây. Có cơ sở hoạt động hợp pháp như bà Hoàng Thị Hai, ngoài nuôi dưỡng đã âm thầm che đậy đến 6 hầm bí mật nhưng không có hầm nào bị lộ. Bà là đảng viên Cộng sản, trong chiến tranh là Huyện ủy viên. Năm 1966 đã lên Huế mua thuốc và bông băng đưa về cho bác sĩ Thái Thị Ngọc chữa trị cho thương binh ở Phú Vang.

Còn Đại tá Công an Nguyễn Việt Hùng là chiến sĩ của Tiểu đoàn trinh sát vũ trang. Ông được cơ sở hoạt động hợp pháp ở làng Vân Thê nuôi dưỡng và chở che. Nhờ vậy mà hè năm 1972 đã cùng với 5 đồng đội đẩy lùi 2 tiểu đoàn của địch giữa ban ngày ở làng Vân Thê, tạo nên một huyền thoại ít ai tin nhưng đó là sự thật.

Trong cuốn Hồi ức của một người lính do Nxb. Thuận Hóa ấn hành năm 2013 có đoạn viết về ông Nguyễn Văn Tú, lúc đó mang bí danh Nguyễn Tuấn: “- Tôi ở với đồng chí Đinh Như Huề (quê ở Phú Hồ - Phú Vang) một thời gian, ít lâu sau cấp trên bố trí thêm đồng chí Nguyễn Tuấn về địa bàn. Đồng chí Nguyễn Tuấn người làng Dưỡng Mong, xã Phú Mỹ, huyện Phú Vang tham gia cách mạng từ thời kháng chiến chống Pháp, tập kết ra Bắc sau trở lại chiến trường và lúc này được trở về quê hương công tác. Tôi không biết chức vụ của đồng chí Tuấn nhưng nhìn phong cách, tư thế tôi nghĩ đồng chí Tuấn thuộc vào hàng lãnh đạo cấp trên, về móc nối cơ sở và chỉ đạo phong trào. Tính tình đồng chí Tuấn hiền lành, tác phong cẩn thận. Từ khi đồng chí về, đồng chí Đỗ Văn Thanh, huyện ủy viên Hương Thủy - Bí thư liên xã Thiên Thủy, Bích Thủy (tức xã Thủy Thanh - Thủy Vân ngày nay) giao hẳn căn hầm bí mật mà hai chúng tôi đang sử dụng cho đồng chí Tuấn và Huề sử dụng. Còn chúng tôi tìm một căn hầm bí mật khác, không xa lắm để tiện liên lạc với nhau.

Đồng chí Tuấn và Huề sống công tác ở địa bàn này được chừng một tháng thì sự cố xảy ra. Nắp hầm bị sập, sợ bị lộ nên đồng chí Tuấn chuyển sang ở một căn hầm khác. Không ngờ mấy tháng sau được biết đồng chí Tuấn đã hy sinh tại Lăng Xá Bàu, xã Thủy Thanh, ai cũng bàng hoàng, sửng sốt. Đồng chí Tuấn hy sinh là tổn thất lớn cho Đảng và phong trào cách mạng địa phương.

Sau này được đồng chí Nguyễn Trung Chính (nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế) và một số đồng chí lãnh đạo khác cho biết đồng chí Tuấn, lúc bấy giờ là Chánh văn phòng Tỉnh ủy được cấp trên tăng cường về huyện ủy Phú Vang với chức vụ Bí thư Huyện ủy”.

Giữa năm 1972, trên đường đi công tác, ông Nguyễn Văn Tú bị địch phục kích. Chúng bao vây nhằm bắt sống. Ông chống trả quyết liệt, tiêu diệt 5 tên và đã anh dũng hy sinh ở Lăng Xá Bàu, xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy ngày nay. Tên Trung đội trưởng Nghĩa quân Lê Suổi đã cắt tai ông, xâu đeo vào cổ nhằm khoe khoang thành tích diệt Cộng của mình.

Bản Di chúc cuối cùng

Nhớ lời dặn dò của người em rể, mãi 8 năm sau, khi Nguyễn Anh Tuấn và Nguyễn Chí Thành đã lớn khôn, ông Thái Doãn Trọng đã chuyển lại bức thư này. Thư đề ngày 23/8/1968. Hai anh em chuyền tay nhau đọc thư cha trong nước mắt. Ông Nguyễn Văn Tú viết:

“- Trong cuộc chiến đấu ác liệt với kẻ thù, chết chóc rất dễ đến với ba. Ba chỉ sợ rằng, nếu ba hy sinh mà chưa nói được những điều này thì ba chưa làm trọn nhiệm vụ tối thiểu của một người cha.


Ba rất buồn báo lại các con biết là má đã hy sinh vào ngày 16 tháng giêng âm lịch năm Đinh Mùi, tức là ngày 24/2/1967.

Hồi gặp Tuấn và Thành ở Quế Lâm ba hết sức xúc động, nhiều lúc không ngăn được nước mắt nhưng ba cố nén lại và giấu không cho 2 con biết về việc đó và ba vẫn nói dối với 2 con, nhận thư của 2 con gửi cho má.

Má các con hy sinh là tổn thất rất lớn với ba và 2 con. Các con đã trở thành những đứa bé mồ côi, đã mất một người mẹ hết sức quý báu, không phải một người mẹ tầm thường mà là một người mẹ rất cao quý. Ba mất một người vợ hết sức yêu quý và vô cùng chung thủy.


Điều mong ước nhất của ba hiện nay là làm thế nào kể cho 2 con nghe tất cả cuộc đời cao đẹp của má con, mong sao 2 con sẽ kế tục được truyền thống tốt đẹp của má các con để các con xứng đáng là những đứa con yêu quý của ba và má.

... Má đã hy sinh rồi và biết đâu cũng có thể 2 con sẽ bị mồ côi cả cha lẫn mẹ. Đó là một tổn thất và là một đau thương rất lớn của 2 con, nhất là khi 2 con đã lớn, biết suy nghĩ.

...Ba hy vọng là khi cuộc kháng chiến toàn thắng, ba được sống bên cạnh Tu- ấn, Thành và kể cho Tuấn, Thành nghe tất cả cuộc đời của ba má. Nhưng khi đặt bút viết thư này tất nhiên ba đã dự kiến một khả năng khác là có thể lúc đó ba của các con cũng không còn nữa.


Và khi đó, ông viết:

Ảnh tư liệu do thiếu tướng Nguyễn Chí Thành cung cấp


- Trên nấm mồ của má, ba các con hãy dựng lên một vườn hoa. Đó chính là hạnh phúc mà các con được hưởng mà tổ tiên, cha mẹ của các con đã xây dựng nên bằng máu, mồ hôi và nước mắt.

Từ máu và nước mắt, các con ông đã trưởng thành và họ đang tiếp bước con đường mà mẹ, cha đã lựa chọn dù phải đối diện với bao biến cố thăng trầm, những lận đận của cuộc sống nhiều khi tưởng như khó vượt qua.

Họ là những trí thức tận trung, tận hiến cho lý tưởng cách mạng. Đối mặt với hiểm nguy, họ không nao núng và sẵn sàng đánh đổi sinh mạng quý giá của mình để đất nước độc lập, thống nhất.


Vĩ thanh

Đầu năm 2013, nhân một lần về làng Vân Thê, xã Thủy Thanh, vô tình tôi được bà Hoàng Thị Hai vợ ông Nguyễn Ích Châu kể cho nghe: Năm 1966 vì ông Nguyễn Ích Châu là y tá, mượn thế hợp pháp của chồng nên bà Hoàng Thị Hai thường lên Huế mua thuốc mem, bông băng mang về cung cấp cho cán bộ cách mạng ở huyện Phú Vang. Thấy lạ, tôi hỏi:

- Trong số cán bộ y tế hồi đó ai là người mà bà thường gặp?

- Bác sĩ Ngọc.

Tôi hỏi tiếp:

- Bác sĩ đó nam hay nữ?

- Nữ.

Bà có biết quê quán bác sĩ Ngọc ở đâu không?

- Bên Mỹ Lam (xã Phú Mỹ), chỉ qua cầu chợ Sam, hỏi là biết.

Tôi khoanh tròn hai chữ TRÍ THỨC. Trong cuộc kháng chiến thần thánh vừa qua, trí thức đã dấn thân và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc. Quốc gia hưng vong thất phu hữu trách là bổn phận của người trí thức.

Riêng về y tế, Thừa Thiên Huế theo tôi biết có Giáo sư, liệt sĩ - AHLĐ Đặng Văn Ngữ hy sinh ở Phong Điền vì bom B52; bác sĩ, liệt sĩ Dương Văn Thạnh, Phó Ty Y tế hy sinh vì sốt rét; bác sĩ Nguyễn Hứa Khôi, bác sĩ Nguyễn Văn Khiểm, hay y sĩ Nguyễn Minh Cương là những người khi hoạt động ở chiến trường đã bị địch bắt giam, tra tấn, tù đày...

Định tìm bác sĩ Lê Minh Toại để tìm hiểu thêm những năm tháng ở chiến trường của bác sĩ Thái Thị Ngọc nhưng ông đã bị Alzheimer - mất trí nhớ. Cuối cùng tôi đã gặp bác sĩ Nguyễn Cương, nguyên Phó Chủ tịch UBND thành phố Huế với hy vọng tìm ra đầu mối. Bác sĩ Nguyễn Cương là người con Phú Vang, sau khi tốt nghiệp đã vào chiến trường công tác. Nghe tôi trình bày ý định, dù rất nhiệt tình nhưng ông bảo: mình vô sau nên chỉ nghe người ta kể về chị Ngọc mà thôi. Theo giới thiệu của ông, tôi đã gặp bác sĩ Lê Văn Hào, bác sĩ Hào lắc đầu vì “mình năm 1968 mới vào”. Còn Gs.Ts., AHLĐ Phạm Như Thế vào chiến trường năm 1965. Ông thành thật: “Mình không biết, vì lúc ấy mình được tăng cường cho thành phố Huế”. Không biết là phải, bởi thời điểm ấy thành phố Huế và tỉnh Thừa Thiên còn trực thuộc Liên khu V.

Tưởng là chấm hết, bất ngờ nhớ đến số máy của anh Mai Bá Chủ mà bác sĩ Nguyễn Cương trước đó đã cung cấp, gọi hỏi, ông Mai Bá Chủ trả lời: Mình là học trò của chị Ngọc đây. Nhờ có sự giúp đỡ của anh Mai Bá Chủ tôi đã lần lượt gặp những người trong cuộc.

Riêng về trường hợp của ông Nguyễn Văn Tú, thú thật tôi chỉ tình cờ biết khi theo Đại tá Nguyễn Việt Hùng về làng Vân Thê thăm bà Hoàng Thị Hai. Để lấy tư liệu viết bài, tôi yêu cầu họ đưa đến những nơi đã từng có hầm bí mật. Do ghi chép cẩn thận nên khi Đại tá Hùng chỉ vào căn hầm mà mình đã nhường cho ông Nguyễn Tuấn (Tú) ở, tôi liền hỏi:

- Ông Tuấn quê ở đâu, thời đó giữ chức vụ gì?

- Ông Tuấn quê ở Dưỡng Mong, Bí thư Huyện ủy Phú Vang.

Khi biết đích xác ông Nguyễn Văn Tú là anh ruột của ông Nguyễn Hội, tức Hòa thượng Thích Chơn Thiện, đại biểu Quốc hội. Nhờ ở chỗ thân quen, tôi quyết định thẩm tra lại nhân thân và qua Hòa thượng đã liên lạc với Thiếu tướng Nguyễn Chí Thành, người con út của ông bà Nguyễn Văn Tú hiện đang công tác ở Hà Nội.

Hóa ra ông Nguyễn Văn Tú và bà Thái Thị Ngọc là đôi vợ chồng trai tài gái sắc. Họ là những trí thức, đều quê ở Phú Vang nhưng đã gạt tình riêng dành cả cuộc đời của mình để tận hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Ròng rã hơn nửa năm, cuối cùng tôi đã có được những phác thảo chân dung về họ. Ký ức có thể rơi rớt nhưng tôi cố trình bày trung thực với những gì mình đã tiếp cận, đối chiếu. Qua tiếp cận tư liệu, tôi phát hiện một điều là tháng 2/1966, Phụ nữ giải phóng Thừa Thiên mở Đại hội ở chiến khu và bác sĩ Thái Thị Ngọc là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh hội; nhưng tiếc thay trong cuốn Lịch sử Phụ nữ tỉnh Thừa Thiên Huế (1930 - 2010) vừa xuất bản năm 2011 trong phần Danh sách BCH Hội phụ nữ qua các thời kỳ thì thời gian từ 1951 - 1968 lại bỏ trống và chỉ ghi chú: trong giai đoạn 1968 - 1973, Hội Phụ nữ giải phóng tỉnh Thừa Thiên do bà Phan Thị Thanh Nhàn (Ban Dân vận Khu ủy Trị Thiên Huế) phụ trách.

Những tư liệu mà tôi tập hợp, khai thác là từ nhiều nguồn, trong đó có các bản báo cáo thành tích của huyện Phú Vang về 2 người con ưu tú của mình.

Cuối năm 2007, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã ký quyết định truy tặng danh hiệu AHLLVTND cho cả ông Nguyễn Văn Tú và bà Thái Thị Ngọc. Một đôi vợ chồng trí thức đã tận trung, tận hiến cuộc đời mình cho Đảng, cho Cách mạng.

Và đây chỉ là vĩ thanh của những trang sử bi hùng mà đội ngũ trí thức đã tự nguyện hiến dâng Máu của mình để Tổ quốc kết hoa Độc Lập.

Huế, tháng Tám - 2013
H.T-B.H
(SH297/11-13)







 

Các bài mới
Cái bể nước (29/11/2013)
Các bài đã đăng
Chùm thơ Haiku (15/11/2013)