Tạp chí Sông Hương - Số 297 (T.11-13)
Nguyễn Du & Phật giáo
08:53 | 03/12/2013

ĐẠI LÃN

Viết về cụ Nguyễn Du mà chúng ta không nói đến Phật giáo thì đó là một thiếu sót quan trọng, vì phần lớn sự nghiệp văn thơ của cụ đều phát xuất từ quan điểm này để từ đó cụ gởi gắm tâm sự của cụ lại cho hậu thế.

Nguyễn Du & Phật giáo

Đọc thơ chữ Hán của Nguyễn Du chúng ta gặp những bài thơ cụ thường nói đến, trong vô thường biến hoại luôn có cái thường còn bất biến mà đạo Phật thường gọi là “Vô thường tức thị thường”.

Qua mười năm biến động xa quê nhà, những gì mà cụ đã kinh qua trong đau thương tiếc nhớ khi lăn lóc giữa cát bụi phong ba của cuộc đời: Một mặt dù cụ nhìn thấy rõ bộ mặt thật của cuộc đời trong khổ đau qua vô thường-khổ-không theo quan điểm của Phật giáo và mặt khác cũng từ đây cụ đâm ra không thích sống với đời nữa, muốn xuống tóc vào rừng ẩn tu làm người vô sự và cũng từ đó cụ quyết tâm học Phật và thực hành trong tu tập như trong bài Đề Nhị Thanh động:

Mọi cảnh đều không, có tướng sao?

Trước hết, từ khi cụ nhìn ra được hiện tượng và bản chất của mọi sự vật trên cõi đời này rồi thì, tư tưởng muốn xuống tóc ẩn tu làm người vô sự đã đưa cụ đến việc học Phật và thực hành theo những lời Phật dạy tùy căn cơ có được của mình. Thật ra ở đây không ai biết được cụ đã học Phật từ bao giờ và học ở đâu? để đẻ ra cái kết quả là cụ đã trở thành một hành giả tu tập Thiền, để có thời gian huân tập và ngộ đạo qua bài thơ: “Lương Chiêu Minh Thái tử phân kinh thạch đài” nhân chuyến làm sứ đi Trung Quốc. Việc học kinh Phật cũng giống như cụ đã học Nho giáo vậy. Không biết cụ học Nho giáo vào lúc nào và học những kinh sách nào, học ở nơi đâu? Với cuộc đời năm chìm bảy nổi lênh đênh từ nơi này đến nơi khác, lo toan vì miếng cơm manh áo cũng đủ đứt hơi rồi huống chi là học hành; thế mà theo như tiểu sử của cụ cho chúng ta biết rằng cụ đã từng đi thi và đỗ tam trường trong một kỳ thi Hương và sau đó cụ không đi thi tiếp nữa! Thì việc học Phật của cụ cũng vậy, chỉ biết qua bài thơ chính cụ làm ra: “Lương Chiêu Minh Thái tử phân kinh thạch đài”. Như vậy cụ đã tập Thiền Công án qua hàng nghìn lần đọc tụng về Kinh Kim Cương và cũng đã ngộ được bản Kinh này qua “Vô tự” thị chân kinh. Theo chúng tôi nghĩ thì có thể cụ bắt đầu học Phật khoảng thời gian từ 1786 - 1795, đây là khoảng thời gian mười năm giang hồ gió bụi của cụ. Vì bài thơ cụ làm ra để tỏ tâm sự chán đời muốn xuống tóc vào rừng ẩn tu cũng trong khoảng thời gian này.

Hà năng lạc phát quy lâm khứ,
Ngọa thính tùng phong hưởng bán vân.
                                (Bài Tự thán II).

Làm sao xuống tóc về rừng ẩn,
Nằm nghe tùng hát gió đưa mây.

Có lẽ đây là giai đoạn quyết định chuyển mình cho một bước đi mới sau này của cụ. Theo chúng tôi trong hiện tại hoặc sau này, việc cụ không tiếp tục theo đuổi con đường thi cử để thực hiện “chí cỡi mây” của mình theo cái học của Nho gia vào lúc bấy giờ, như bài thơ người anh ruột Nguyễn Nễ gởi cho cụ khi cụ còn lưu lạc, trong đó có câu: “Tự hữu lăng vân chí” (Người vốn có chí cỡi mây) có hai lý do: Thứ nhất nhờ cụ đã nhìn rõ được cả hai bộ mặt thật của hiện tượng (vô thường - khổ đau) cùng bản chất của mọi sự vật là không, do nhân duyên hòa hợp mà hiện hữu ở trên đời này nên đã quyết định không tiếp tục con đường khoa hoạn nữa. Thứ hai có lẽ cụ không muốn cộng tác với triều đình Tây Sơn nên không tiếp tục ra thi cử nữa. Dù là lý do nào đi nữa thì đây vẫn là quyết định không muốn “cỡi mây” nữa mà muốn làm người vô sự “nằm nghe tùng hát gió đưa mây”. Từ đây cuộc đời của cụ cũng bắt đầu chuyển đổi cho việc học Phật và thực hành sống theo nếp sống vô sự của Phật, vì cụ đã nhận thức:

Trướng vọng hồng trần diễu vô tế
Bất tri nhật nhật thử trung hành.
                (Bài Từ Châu Đê Thượng Vọng)

Trông xuống bụi hồng xa mờ mịt
Sớm chiều trong đó bước quẩn quanh.

Vì lợi danh quyền lực cuối cùng cũng chỉ mang đến khổ đau và trói buộc chân chúng ta vào vòng dây oan nghiệt chạy quanh suốt đời mãn kiếp trong chốn hồng trần không bao giờ thoát ra khỏi được chúng; chỉ vì chúng ta không biết bước đi như thế nào để mang đến sự giải thoát khổ đau của vòng luân hồi lẩn quẩn đó. Giờ đây cụ quyết theo bước đi vô sự như một vị Tăng an nhiên thả giấc ngủ dưới những làn mây cô đọng chung quanh giấc cô miên lãng đãng trong rừng núi hoang vu vắng vẻ. Một cảnh quan biểu hiện lên sắc thái tự tại thong dong trong cuộc sống:

Đình vân xứ xứ tăng miên định
Lạc nhật sơn sơn viên khiếu ai
Nhất chú đàn hương tiêu tuệ nghiệp
Hồi đầu dĩ cách vạn trùng nhai.
                (Bài Vọng Quan Âm miếu)

Mây đọng nơi nơi Thầy an giấc,
Chiều xuống non non vượn kêu thương.
Đốt nén hương đàn tiêu nghiệp tuệ,
Quay đầu đã cách vạn trùng nhai.


Ở đây chỉ cần biết quay đầu lại là bờ giác ngộ giải thoát, chúng cách xa bờ sinh tử luân hồi muôn trùng trên mặt sự tướng; nhưng trên mặt lý thể thì sinh tử tức là Niết-bàn, khác nhau chỉ có mê và ngộ mà thôi. Quay đầu tức là ngộ, là Phật, là vô lậu, là giải thoát, là an vui; không quay đầu tức là mê, là chúng sanh, là hữu lậu, là trói buộc, là khổ đau. Đem tâm mê chúng sanh mà hiểu Phật thì Phật cũng thành ma, như cụ đã từng viết:

Sắc không cảnh giới mang bất ngộ,
Si tâm quy Phật Phật sinh ma…
                (Bài Phân Kinh thạch đài)

Cảnh giới sắc không, mê chẳng biết,
Tâm mê hiểu Phật, Phật thành ma…


Nhờ cụ đã nhìn ra được chỗ ách yếu của phương cách tu hành, và cũng từ đó hành giả theo Phật có thể thực hành để đạt được sự thể ngộ chân lý qua cuộc sống bằng vào thực hành tu tập để đạt đến trạng thái hư linh không tịch rỗng rang này, chứ không phải mang kiến thức mê muội nhị nguyên để nói về cảnh giới Phật, cảnh giới thiền là có được. Sự có được này theo cụ cũng chỉ là kiến thức mê; khi mê mà nói về Phật thì Phật đó cũng trở thành mê.

Nếu muốn có cuộc sống bình an vô sự theo cụ Nguyễn Du thì cần phải đạt đến chỗ tâm linh rỗng rang (hư linh), sau đó chúng ta làm gì cũng không có lỗi với Đạo; nhưng trước hết chúng ta phải thực hành ngay trong cuộc sống:

Tiện sát bắc song cao ngọa giả,
Bình cư vô sự đáo hư linh.
                                (Bài Ký hữu)

Muốn làm người nằm cao nơi cửa bắc
Sống yên vô sự đạt đến hư linh.


Khi mà con người sống bình an vô sự thì chính đó là cuộc sống của người đạt đến chỗ tâm linh rỗng rang, không bị cái gì trói buộc được. Đó là một điều mà ai là người tu Phật cũng mong muốn đạt đến cảnh giới như vậy, và ở đây cụ Nguyễn Du cũng vậy, mong muốn rằng cá nhân cụ có một cuộc sống bình yên vô sự như hình ảnh của vị sư và trẻ mục đồng mà cụ đã từng thấy qua:

Sơn tăng đối trúc lưỡng vô dạng,
Mục thụ kỵ ngưu nhất bất thư…
                (Bài Lạng sơn đạo trung)

Sư bên khóm trúc vô sự cả,
Đệ nhất mục đồng cưỡi lưng trâu…

Cụ đưa ra bốn hình ảnh: Nhà sư núi và khóm trúc bên nhau nhưng cả hai đều vô sự, trên mặt hình thức khác nhau không liên quan, trên mặt tinh thần cũng không can hệ với nhau, sư có nếp sống vô sự của sư, khóm trúc có cái thể hiện vô sự của nó; cũng vậy hai hình ảnh mục đồng và trâu cũng vậy mục đồng đang nghiêu ngao trên lưng trâu, mặc cho trâu thong thả trên đường về. Đây là những hình ảnh vô sự không can hệ lệ thuộc vào nhau để trở thành trói buộc, mà ngược lại nó là những hình ảnh vô ngại tự tại dung thông trong cuộc sống. Vì sống bình an vô sự chính là lối sống không bị lệ thuộc trói buộc vào bất cứ điều kiện nào, mặc dù người sống vẫn sống chung với các duyên sống chung quanh, nhưng người đó không bị nhiễm vào những tác nhân tạo ra nghiệp của thế gian. Ở đây cụ Nguyễn Du cũng đang thực hành cách sống vô sự này qua:

Bất sầu cửu lộ triêm y duệ
Thả hỷ tu mi bất nhiễm trần.
                                (Bài Dạ hành)

Tay áo dầm sương không ngại ướt
Mày râu, mừng chẳng nhiễm trần ai.


Những hình ảnh ẩn dụ của cụ đưa ra cho chính bản thân mình, đó chính là bước đi giải thoát vô ngại của đạo Phật. Vẫn bước đi trong cuộc đời chứ không phải lánh đời, mà vẫn sống, vẫn ăn, vẫn uống, vẫn hít thở, nói chung là vẫn làm tất cả mọi chuyện như người thế gian không khác; nhưng chỉ khác với người thế gian là sống với nó mà không bị đời làm nhiễm, không bị đời trói buộc qua tác nhân không chấp ngã, không chấp pháp, làm với quan niệm vô ngã, vô pháp thì đó chính là hành động vô sự, không bị nhiễm, không bị trói buộc.

Vậy muốn cho cõi lòng chúng ta lúc nào cũng trong sáng qua cuộc sống thì chỉ có cách im lặng mà sống hay sống bằng cách vô sự, không nhiễm ô đời, không để chuyện đời vướng mắc vào tâm mình, tức là chúng ta sống với tâm vô phân biệt. Đó là lối sống với tâm không còn phân biệt chấp trước vào sự vật; tùy duyên mà sống không cưỡng lại duyên, không cưỡng lại đời như chuyện khóc cười theo đời, theo thời cuộc thăng trầm, hưng phế; nhưng không để cho đời và thời cuộc trói buộc cuộc sống chúng ta. Nếu chúng ta để tâm chúng ta bị trói buộc vào những việc đó của đời, vào thời cuộc của đời thì chúng ta sẽ bị đau khổ vì sự trói buộc đó. Đau khổ là hậu quả của mọi tác nhân tạo ra nghiệp do cuộc sống của chúng ta mang lại. Theo đó cụ Nguyễn Du đã để lại cho chúng ta một kinh nghiệm sống của chính cụ qua tâm không sau khi nghiệp chướng được tiêu trừ:

Vị hữu văn chương sinh nghiệt chướng,
Bất dung trần cấu tạp thanh hư…
                                (Bài Ngọa bệnh I)

Chưa thấy văn chương sinh nghiệt chướng,
Không để bụi nhơ vấy rỗng trong.


Vì bụi nhơ chính là chướng nghiệp chúng có khả năng làm mờ đi bản tính rỗng rang thanh tịnh của chúng ta, và mặt khác chúng kéo chúng ta vào con đường sinh tử khổ đau. Vì vậy cho nên cụ Nguyễn Du dứt khoát đoạn trừ với bụi nhơ bằng cách không để chúng vấy vào tâm không rỗng rang của chúng ta và lấy văn chương để tiêu khiển.

Vì chính văn chương không phải tự nó sinh ra chướng nghiệp, mà chính tâm vọng động của chúng ta tạo ra những nghiệp chướng bằng vào thân-khẩu- ý làm công cụ cho ba độc tham lam, sân hận, si mê phát triển nuôi lớn ngã chấp và pháp chấp tạo ra mọi thứ đau khổ ràng buộc mà đức Đạo sư gọi là nghiệp, và khi nghiệp đã trừ đi hết rồi thì tâm sẽ trở nên vắng lặng trong sáng, tinh thần nhẹ nhõm an lạc tự hiện ra:

Tam lan song hạ ngâm thinh tuyệt,
Điểm điểm tinh thần du thái sơ.
                                (Bài Ngọa bệnh I)

Dưới cửa tam lan im bặt tiếng,
Tinh thần nhẹ nhõm dạo thái sơ.

Tức là chỉ cho trạng thái tinh thần lâng lâng nhẹ nhõm rỗng rang vô tận nguyên sơ chưa bị nhiễm ô. Khi mà mọi duyên trần cảnh bên ngoài bị cắt đứt thì tâm thần trở nên nhẹ nhàng thư thái lâng lâng, vì tâm lúc này không bị ràng buộc bởi các duyên trói buộc, dù là duyên tốt hay là duyên xấu cũng ảnh hưởng đến sự ràng buộc lệ thuộc làm cho tâm mất đi sự rỗng rang trong sáng vắng lặng. Đối với cụ Nguyễn Du lúc này cụ đã làm chủ được tâm mình nên đối với những cảnh sắc bên ngoài không làm ảnh hưởng đến cõi lòng của cụ nữa, cho dù đó là việc hoa nở hay hoa tàn lá vàng hay lá xanh, lá rụng hay đâm chồi nẩy lộc, cũng không còn ảnh hưởng tác động làm cho nó lay động nữa.

Thời gian mà Nguyễn Du bắt đầu có ý muốn xa lánh đời để xuống tóc ẩn tu là thời gian cuối những năm từ 1786 - 1795, lúc này cụ gần 30 tuổi và thời gian mà cụ sống không lìa thiền đã thể hiện ra trong bài thơ này là vào những năm 1802 - 1804 tức là khoảng 36 hay 37 tuổi. Như vậy, việc chuyển hướng về với đạo Phật là khá sớm và, việc cụ tự nói lên sự tu tập đọc tụng kinh Kim Cương đến hàng nghìn lần không phải là những lời nói ngoa. (Ở đây chúng tôi xin mở ngoặc một tí, vấn đề tu tập của Phật giáo nó không mang bất cứ một hình thức nào nhất định hết, vì bản thân của sự tu tập này nền tảng căn bản và mục đích cuối cùng của nó là làm thanh tịnh ba nghiệp thân-khẩu-ý, để mọi người không tạo ra nghiệp khổ đau mà thôi, cho nên việc tu tập cũng có rất nhiều cách: đọc, tụng, học hành, lễ bái hay làm bất cứ phương cách nào như chúng ta thường nghe là vô lượng pháp môn tu, ở bất cứ nơi đâu, ở chùa hay ở tại thế gian cũng có thể tu tập được hết, với mục đích là để làm cho ba nghiệp không tạo ra tác nhân nghiệp và, dành cho bất cứ ai muốn thực hành điều đó, chứ không phải chỉ dành cho các vị xuất gia vào chùa làm một tỳ kheo hay một tỳ kheo ni mới gọi là tu theo đạo Phật.

Tu chỉ có một cái nghĩa đơn giản là sửa và, thiền định là một cách sửa tâm hay nhất đối với những người có căn cơ này. Việc lựa chọn kinh Kim Cương để cụ Nguyễn Du tu tập bằng cách đọc kinh là một trong muôn nghìn cách tu thiền định trong đạo Phật, với mục đích là để làm lắng đọng cái vọng tâm đang lăng xăng chạy theo vô minh tạo ra nghiệp khổ, mà cắt đứt dần mọi thứ tạp niệm của ý tạo ra những tạp niệm của thân tạo tác, miệng tạo tác. Lâu ngày chầy tháng dần nhờ sự cắt đứt này mà tâm từ từ trở nên trong sáng rỗng rang trở lại.

Theo Cụ Nguyễn Du, cũng giống như nước giếng xưa vốn vắng lặng trong sạch không bị người khuấy động, trăng sáng chiếu soi thấy bóng rõ ràng, vì đó là bản chất vắng lặng của nước. Nếu khuấy động lên thì chúng sẽ đục, ánh trăng sáng sẽ không còn thấy được nữa. Tâm của chúng ta cũng vậy không dao động trước mọi duyên thì với bản chất trong sáng thanh tịnh của nó thì tự nó sẽ chiếu soi khắp cả và, cũng có khả năng hiển thị tất cả qua bài thơ ẩn dụ Đạo ý:

Trăng sáng chiếu giếng xưa/ Nước giếng không gợn sóng/ Không bị người khuấy động/ Tâm này thật chẳng động/ Nếu bị người khuấy động/ Lay động rồi lại dừng/ Một cõi tâm lắng đọng/ Như trăng soi giếng xưa”.

Một thứ kinh nghiệm được cụ rút ra từ cuộc sống của chính cụ, để cho ta thấy rằng sở dĩ thường ngày chúng ta không thấy được tâm trong sáng vắng lặng rỗng rang của chúng ta, mà chỉ thấy toàn những phiền não khổ đau làm cho chúng ta đau khổ: nào là tâm vật lý đều vô thường luôn tạo ra cho chúng ta những thứ phiền não khổ đau từ tâm lý đến vật lý: xa lìa người thân, những vật mà mình đang sở hữu thuộc về của mình cũng sinh ra đau khổ; những ai mình ghét bỏ, thù oán, hoặc những vật mà chúng ta không thích, không ưa mà luôn xuất hiện trước chúng ta cũng tạo ra những đau khổ; những điều mà chúng ta ước muốn thuộc về chúng ta (vật chất lẫn tinh thần), mà chúng ta tìm cầu không được cũng làm cho chúng ta đau khổ; nói chung là mọi thay đổi trong cuộc sống bất như ý chúng ta là mang lại cho chúng ta những đau khổ. Chính những đau khổ này nó vấy đục tâm tư chúng ta, nó làm cho tâm tư chúng ta tối tăm u ám như nước giếng xưa đang trong lành bị chúng ta khuấy đục lên vậy, công dụng hiển thị sáng soi không còn nữa. Do đó chúng ta muốn tâm chúng ta trong lành sáng tỏ thì đối với mọi sự vật từ tinh thần cho đến vật chất chúng ta chỉ cần không đắm nhiễm chạy theo nó để bị trói buộc bị khuấy đục lên thì đó chính là tâm vô sự, đó chính là Phật. Cụ đã từng viết:

Phật vốn là Không, chẳng chấp vật.

Phật này bản thể là tính không, tướng của Phật là không vì sự hiện hữu của sắc thân nên Phật do nhân duyên tích hợp mà tác thành. Thân Phật này không có thực thể, nó chỉ là một giả hợp của Năm uẩn: sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Sắc là một tích hợp của đất, nước gió, lửa (thuộc vật chất); thọ, tưởng, hành thức là tích hợp của tinh thần (thuộc tâm). Vậy thì từ vật chất đến tinh thần đều do nhân duyên hòa hợp mà hiện hữu, nên sự hiện hữu của Phật này là một hiện hữu giả danh, vì Phật chỉ là một giả danh nên Phật vốn là Không. Khi Phật đã không thì tâm cũng không.

Vì thường thì chúng ta hay cầu Phật ở nơi bên ngoài chúng ta, tức là vong thân cầu Phật tại Linh sơn, rất nhiều người nỗ lực tìm cầu Phật bên ngoài mà bỏ quên ông Phật chính mình nơi mỗi người, đó là một cái nhìn vô minh thiếu chánh kiến, nên lầm đường lạc lối cầu Phật bên ngoài. Theo cái nhìn thấu tâm đạt lý của cụ Nguyễn Du thì khi chúng ta đã tỏ rõ bản tâm của mình rồi thì chính mỗi người phải tự mình độ lấy chính mình ra khỏi vô minh mờ tối của chính mình tạo ra đó thì tự nhiên tâm rỗng rang trong sáng của chính mình hiện hữu chứ không cần phải dựa dẫm vào bất cứ thế lực nào khác ngoài chúng ta. Nhiều nhà nghiên cứu về Nguyễn Du mà không biết chữ Hán hay không đọc những tập thơ mà cụ viết bằng chữ Hán để biết cuộc đời của cụ đã ảnh hưởng Phật giáo như thế nào mà viết về Nguyễn Du và Phật giáo thì, đương nhiên có những cái nhìn lệch lạc về vấn đề này.

Qua những điều chúng tôi trích dẫn từ văn thơ của cụ như vậy, ai dám bảo cụ không phải là người của Phật giáo? Không phải là người tu theo Phật nào?! Bởi vì “Người rõ tâm này, người tự độ, Linh Sơn (Phật) chỉ tại tâm người” không phải là “tức tâm tức Phật, tức Phật tức tâm” Tâm tức là Phật, Phật tức là tâm sao? Mà theo cụ thì sở dĩ chúng ta không nhận ra được tự tánh tâm mình, không nhận ra bản lai diện mục của chính mình là vì chúng ta tìm Phật bên ngoài, chạy rông từ kiếp này sang kiếp khác, từ nơi này đến nơi kia để tìm; nhưng rốt cùng tìm mãi không ra chỉ vì người chỉ đi tìm cái bóng của mình không thôi, trong khi bản lai diện mục lù lù nơi chính ta mà ta không biết, càng chạy đi tìm thì càng lạc lối càng xa quê hương xứ sở nguyên sơ của chính mình chỉ vì vô minh phiền não che lấp nên không thấy đó thôi:

Niên niên thu sắc hồn như hử
Nhân tại tha hương bất tự tri.
                (Bài Giang Đầu Tản Bộ)

Sắc thu hồn vẫn luôn như vậy
Vì mãi xa nhà không biết thôi.

Tóm lại qua những bài thơ mà chúng tôi đã trích dẫn trong ba tập thơ chữ Hán của cụ Nguyễn Du cho chúng ta một cái nhìn đúng về nhà thơ đã ảnh hưởng sâu đậm Phật giáo trong đời sống hằng ngày, là một nhà thơ vĩ đại không những là của Việt Nam ta không thôi, mà cụ còn là một trong những nhà thơ vĩ đại nhất thế giới nữa. Cái vĩ đại của cụ nhờ vào hai yếu tố, thứ nhất bởi một thứ trí tuệ nghiệp được huân tập di truyền từ nhiều kiếp trước cộng với cái trí tuệ nghiệp được huân tập từ kiếp này, từ cuộc sống qua đó Phật giáo là một tác động quan trọng đối với cuộc sống của cụ, nhất là Thiền tông là một nhân tố tác động chính yếu cho việc cụ khám phá ra con người thật của chính mình cũng như mọi sự vật khác, để từ đó cụ sáng tác ra những tác phẩm mang tính nhân bản triệt để hơn qua Truyện Kiều Văn Tế thập loại chúng sanh mang đậm tư tưởng Phật giáo trong việc phủ nhận thuyết Thiên mệnh của Nho giáo đã làm hủ hóa khiến con người không tự mình vươn lên trong cuộc sống được:

Ngẫm hay muôn sự tại trời,
Trời kia đã bắt làm người có thân.
Bắt phong trần phải phong trần,

Cho thanh cao mới được phần thanh cao.
                                                                (Kiều)

Đúng là với quan niệm như vậy nó làm cho con người trở nên yếu mềm, nhu nhược. Đây mới là quan niệm làm cho con người bi quan yếm thế của Nho giáo đối với cuộc sống, chứ không phải quan niệm khổ đau của Phật giáo là quan niệm bi quan yếm thế như nhiều người lầm tưởng. Vì đời chỉ là kết quả khổ, phát sinh từ nguyên nhân, chính con người của mỗi cá nhân mang đến kết quả đó mà thôi chứ đời không phải đời là nguyên nhân sinh ra đau khổ. Vậy muốn quả khổ này mất đi thì chỉ cần triệt tiêu nguyên nhân sinh ra khổ thì đời tự nhiên hết khổ thế thôi. Vậy thì việc gì Phật giáo phải bi quan yếm thế như một số người hiểu biết lệch lạc sai lầm về Phật giáo vậy! Ở đây với quan niệm mệnh Trời bắt làm người có thân, bắt phong trần phải phong trần, cho thanh cao mới được phần thanh cao thì, đây mới chính là quan niệm làm cho con người trở nên bi quan yếm thế không tự chủ trước cuộc sống. Nhưng đó là quan niệm mệnh trời của Nho giáo mà cụ đưa ra làm tiền đề và, tiếp theo đó cụ đưa ra quan điểm tự tác tự thọ, của Phật giáo qua nhân quả báo ứng để kết luận, tức là tự con người làm thì tự con người nhận lấy cái quả đó, mà phủ nhận cái quyền sinh sát của mệnh Trời kia. Thật sự nếu có Trời đi chăng nữa thì Trời theo cụ chỉ là một cán cân mà thôi:

Có đâu thiên vị người nào,
Chữ tài chữ mệnh dồi dào cả hai.
                                                (Kiều)

Như vậy thì Trời đâu có thiên vị và làm theo ý Trời được, mà phải lệ thuộc vào tác nhân của người tạo ra mà theo đó mới bắt người chịu những kết quả tương ứng với những tác nhân trước đó của họ. Vậy thì mệnh Trời đã bị con người tước đoạt rồi, vì Trời bây giờ chỉ làm một cán cân, cân gúp cho con người trong việc cân tội phước, họa phúc, nặng nhẹ thế nào thôi. Vì vấn đề nặng nhẹ có được do chính con người tạo ra. Bây giờ con người đại diện cho chữ tài và Trời đại diện cho chữ mệnh cả hai bình đẳng như nhau trên mặt lý tính. Ở đây chúng tôi chỉ bàn sơ qua việc này để kết luận cho bài viết này, việc này chúng tôi sẽ bàn chi tiết hơn ở một dịp khác.

Đ.L
(SH297/11-13)







 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Cái bể nước (29/11/2013)
Cõi Đạm Tiên (25/11/2013)
Về Huế (25/11/2013)