Tạp chí Sông Hương - Số 298 (T.12-13)
Trả lời Triệu Sơn
09:41 | 18/12/2013

NGUYỄN THỊ TỊNH THY

Sau khi đọc bài trao đổi của Triệu Sơn trên tạp chí Sông Hương số 10/2013 về bài viết của tôi trên tạp chí Sông Hương số 8/2013, tôi xin có mấy ý trả lời như sau:

Trả lời Triệu Sơn
Thạc sĩ Nguyễn Thị Tịnh Thy - Ảnh: dhsphue.edu.vn

1. Bài viết của tôi bàn về thực trạng nghiên cứu văn học, bài của Triệu Sơn thiên về tranh luận các thuật ngữ. Mục đích của tôi và Triệu Sơn hoàn toàn khác nhau.

2. Triệu Sơn đã hiểu “tiểu thuyết lịch sử” là dựa vào đề tài. Còn “tân lịch sử” (new history) là khuynh hướng tư tưởng”, thì có thể thấy cần gọi đúng tên cho loại tiểu thuyết có khuynh hướng tư tưởng này. Tôi cũng không hề tự mâu thuẫn trong chính lập luận của mình, Triệu Sơn cần lưu ý đến cụm từ in đậm sau trong lập luận của tôi: “…đối với chủ nghĩa tân lịch sử, ngay cả bản thân sách lịch sử của các sử gia cũng là “lịch sử của tôi”, là “tự sự về lịch sử” và không thể có cái gọi là chân tướng lịch sử, lịch sử khách quan tuyệt đối”. Vì vậy, không nên so sánh độ chênh giữa “sự thực” và “hư cấu” hoặc tìm chân tướng lịch sử trong tiểu thuyết tân lịch sử. Kết luận “tất cả tiểu thuyết lịch sử, trước nay vẫn gọi là, lập tức chuyển thành tiểu thuyết tân lịch sử hết!” là của Triệu Sơn, không phải của tôi.

3. Một số thuật ngữ trong lý thuyết liên văn bản được G. Genette viết bằng tiếng Pháp, các dịch giả dịch từ bản tiếng Anh hoặc tiếng Nga sang tiếng Việt đã làm thay đổi nghĩa hoàn toàn so với bản gốc. Ví dụ: architextualité = kiến trúc văn bản, hypertextualité = ngoa dụ văn bản, intertextualité = văn bản là thiếu chính xác. Người nghiên cứu cứ theo đó mà sử dụng lại, như vậy đã là “tam sao thất bản” chưa?

4. Triệu Sơn nhầm lẫn giữa trích dẫn dẫn theo. Tôi từng trích dẫn định nghĩa “nhại” của Henri Benac trong cuốn Dẫn giải ý tưởng văn chương và lấy nó làm cơ sở lý luận. Tôi không dẫn theo. Nếu một người nào khác trích định nghĩa đó từ bài viết của tôi mà không chịu đọc sách của Henri Benac thì mới gọi là dẫn theo.

5. Tôi chỉ nói đến “phức cảm Genji” trong điều kiện nghiên cứu văn học Nhật Bản, nếu Triệu Sơn chú ý đến điều kiện này thì có lẽ đã không bàn nhiều đến sự hơn kém của “mặc cảm Oedipus” và “phức cảm Genji”.

6. Lập luận sau đây của Triệu Sơn có mâu thuẫn: “Tôi chưa thấy nhà nghiên cứu nào coi bất tín nhận thức hay tâm lý hoài nghi có nguồn cội phương Tây…”. Nếu chưa thấy thì sao có thể biện luận rằng: “Sở dĩ, người ta hay chú trọng mối liên hệ giữa bất tín nhận thức và tâm lý hoài nghi trong văn học nước ta hiện nay với văn học phương Tây cũng có lý do của họ…”

7. Cám ơn vì sự chú ý của Triệu Sơn đến bài viết của tôi. Mỗi người có một cách tiếp nhận văn bản riêng, “nhân giả kiến nhân, trí giả kiến trí, văn giả kiến văn,…”

Có một chi tiết tôi cần đính chính: Văn học so sánh ở Việt Nam cho đến nay vẫn “chưa có trong chương trình đào tạo đại học”. Xin sửa lại là: “chỉ có trong chương trình đào tạo đại học của một vài trường”. Cám ơn nhà nghiên cứu Phan Tuấn Anh đã góp ý cho chi tiết này!

N.T.T.T
(SH298/12-13)

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng