VÕ VINH QUANG
An Nam quốc thư là hệ thống văn thư ngoại giao rất quan trọng giữa nước ta và Nhật Bản thế kỷ XVI - XVII, thường xuyên được giới nghiên cứu quan tâm tìm hiểu.
Thời gian gần đây, tại Nhật Bản, các bức thư trong An Nam quốc thư gốc, có ấn triện đã dần được công bố. Trong đó, bức An Nam quốc thư đầu tiên giữa chúa Nguyễn và Nhật Bản năm 1601 thực sự góp phần đem lại những nhận định mới mẻ, bổ khuyết thêm những cứ liệu lịch sử cho việc nghiên cứu lịch sử xã hội Việt Nam giai đoạn này.
Trong quá trình tìm hiểu về mối quan hệ bang giao giữa Việt Nam và Nhật Bản thế kỷ XVI - XVII, chúng tôi may mắn phát hiện được bản gốc (có ấn triện) bức quốc thư của chúa Nguyễn gửi Mạc Phủ Edo vào ngày 05 tháng 05 năm Hoằng Định thứ 2 (1601). Tài liệu quí này được lưu giữ ở Quốc lập công văn thư quán (National archives of Japan) của Nhật Bản. Đây là văn kiện ngoại giao được giới chức đương thời và giới nghiên cứu Nhật Bản - Việt Nam xem là bức “thông thư” chính thức đầu tiên giữa chúa Nguyễn Đàng Trong với chính quyền Mạc Phủ Đức Xuyên thời kỳ Châu Ấn thuyền (1592 - 1635). Dấu ấn triện Trấn thủ tướng quân chi ấn 鎮守將軍之印 cùng dòng chữ: An Nam quốc thiên hạ thống binh đô nguyên soái Thụy Quốc công 安南國天下統兵都元帥瑞國公 trên thư góp phần khẳng định chắc chắn rằng đây là bức thư của Thụy quốc công Nguyễn Phúc Nguyên gửi Tokugawa Ieyasu nhà Mạc Phủ.
Việc phát hiện văn bản bức thông thư của chúa Nguyễn Phúc Nguyên nói trên góp phần thay đổi nhận thức về tác giả của bức thư; khởi đầu với nhận xét của Morishige Kondō (Cận Đằng Thủ Trọng (1771 - 1829) khi thu thập và biên tập Ngoại phiên thông thư, đó là: “nghi ngờ rằng: Thụy 瑞 là chữ sai nhầm của Đoan 端 (Lời xét trong An Nam quốc thư tập 11, thuộc Ngoại phiên thông thư). Đây cũng là cứ liệu chính xác nhất chứng minh vai trò quan trọng và trực tiếp của Hy Tông Hiếu Văn hoàng đế (Nguyễn Phúc Nguyên) trong mối quan hệ bang giao quốc tế vào đầu thế kỷ XVII, đồng thời khẳng định sự tin tưởng tuyệt đối và giao toàn quyền xử lý cho người con kế vị mình của Tổng trấn Thuận Quảng - Đoan Quốc công Nguyễn Hoàng. Bên cạnh đó, giá trị của bức thông thư này còn góp phần cung cấp cứ liệu để hiệu chỉnh lại mốc thời gian chúa Sãi đảm nhiệm chức quan Trấn thủ Quảng Nam, cụ thể là trước tháng 5 năm Hoằng Định thứ 2 [1601]), sớm hơn thời gian được công bố trong Đại Nam thực lục tiền biên (mục Thái Tổ Gia Dụ Hoàng đế [Nguyễn Hoàng]) là “Nhâm Dần năm thứ 45 [1602], sai Hoàng tử thứ sáu làm trấn thủ dinh Quảng Nam”. Văn thư này cũng góp phần bổ khuyết vào việc nghiên cứu lịch sử, xã hội, văn tự, ấn triện… của hai nước Việt Nam - Nhật Bản thời Châu Ấn thuyền.
V.V.Q
(SH298/12-13)