Tạp chí Sông Hương - Số Đặc Biệt (T.12-13)
KỶ NIỆM 100 NĂM NGÀY SINH ĐẠI TƯỚNG NGUYỄN CHÍ THANH (01/01/1914 - 01/01/2014)
09:08 | 01/01/2014

Đồng chí Nguyễn Chí Thanh trong cương vị Bí thư tỉnh ủy Thừa Thiên Huế - nhà lãnh đạo xuất sắc trên lĩnh vực chính trị, tư tưởng

TH.S PHAN CÔNG TUYÊN ( * )

KỶ NIỆM 100 NĂM NGÀY SINH ĐẠI TƯỚNG NGUYỄN CHÍ THANH (01/01/1914 - 01/01/2014)
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tháp tùng Bác Hồ về Nghệ An thăm quê năm 1957 - Ảnh: internet

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - nhà chính trị, quân sự lỗi lạc; tấm gương tài, đức vẹn toàn; người con thân yêu, niềm tự hào của quê hương Thừa Thiên Huế. Từng trải qua và để lại nhiều dấu ấn ở những cương vị công tác: Bí thư Chi bộ Niêm Phò, Bí thư Chi bộ Nhà lao Thừa Phủ, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên, Bí thư Xứ ủy Trung kỳ, Bí thư Phân khu ủy Bình Trị Thiên, Bí thư Liên khu ủy IV, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam, Bí thư Trung ương Cục miền Nam; với hơn 30 năm hoạt động cách mạng liên tục và sôi nổi, đồng chí đã có những cống hiến xuất sắc vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta. Ở vị trí nào, đồng chí cũng thể hiện bản lĩnh vững vàng, sự sắc sảo, quyết liệt trong lãnh đạo, tiên phong, mẫu mực trong tổ chức thực hiện. Đảm nhận trọng trách Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên trong những năm tháng đầy gian nan, thử thách của sự nghiệp cách mạng, đồng chí đã thể hiện sự xuất sắc của một nhà lãnh đạo về công tác chính trị, tư tưởng - lĩnh vực có ý nghĩa quan trọng hàng đầu trong công tác xây dựng Đảng.

Công tác chính trị, tư tưởng là một trong những lĩnh vực quan trọng nhất của công tác xây dựng Đảng và vận động quần chúng, một bộ phận quan trọng trong toàn bộ hoạt động lãnh đạo cách mạng của Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh, người sáng lập và rèn luyện Đảng ta đã khẳng định: “Lãnh đạo quan trọng nhất là lãnh đạo tư tưởng... Tư tưởng thông suốt thì làm tốt, tư tưởng nhùng nhằng thì không làm được việc”, “Toàn Đảng phải có tư tưởng nhất trí, hành động nhất trí, đoàn kết nhất trí mới làm tròn nhiệm vụ của Đảng”. Trong kháng chiến, công tác chính trị, tư tưởng có ý nghĩa quan trọng hàng đầu trong việc động viên tinh thần cách mạng của Đảng bộ và nhân dân, đồng lòng, đồng sức, vượt qua khó khăn, thử thách, giành thắng lợi trong sự nghiệp đấu tranh vì sự nghiệp giải phóng quê hương, đất nước.

Xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng là nhiệm vụ chung của toàn Đảng cũng như mỗi Đảng bộ. Là người lãnh đạo cao nhất của Đảng bộ, đồng chí bí thư tỉnh ủy có vai trò rất quan trọng, nhưng càng đặc biệt quan trọng trong những thời điểm lịch sử mà ở đó thực dân khủng bố, cán bộ đảng viên bị đàn áp, bắt bớ, phong trào đổ vỡ, cần vực dậy. Thực tiễn đó luôn đòi hỏi người đứng đầu đảng bộ phải có bản lĩnh, ý chí, quyết tâm, có uy tín, có sức thu phục để đương đầu, tập hợp các đảng viên thành một tổ chức, thống nhất tư tưởng, thống nhất hành động, đưa phong trào cách mạng vượt qua được thác ghềnh, giành thắng lợi.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Chí Thanh là một người như vậy.

Được Đảng giao nhiệm vụ Bí thư Tỉnh ủy ở những thời điểm hết sức éo le của sự nghiệp cách mạng, với tư chất và sự rèn luyện qua đấu tranh, đồng chí đã thể hiện sự xuất sắc của một nhà lãnh đạo trong công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, góp phần quan trọng khôi phục, củng cố, xây dựng và phát triển Đảng bộ Thừa Thiên Huế.

Chặng đường 10 năm đầu tham gia hoạt động cách mạng của đồng chí từ năm 1937 đến cuối năm 1947, ngoài non một nửa thời gian bị đày đọa trong lao tù đế quốc, hơn 5 năm còn lại gắn liền với những bước thăng trầm của phong trào cách mạng Thừa Thiên Huế. Trong dòng chảy lịch sử ấy, những năm đồng chí đảm trách cương vị Bí thư Tỉnh ủy là những điểm sáng, những dấu ấn đặc biệt của sự nghiệp cách mạng.

Từ một thanh niên yêu nước, thương dân, được các bậc đàn anh đi trước như Phan Đăng Lưu, Nguyễn Chí Diểu giác ngộ cách mạng, tháng 7/1937, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Tháng 11/1937, đồng chí được cử giữ chức Bí thư Chi bộ Niêm Phò (huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên). Cuối năm 1937, Xứ ủy Trung Kỳ giới thiệu đồng chí Nguyễn Chí Thanh tham gia Tỉnh ủy lâm thời. Đầu năm 1938, đồng chí được tín nhiệm cử giữ chức Bí thư Tỉnh ủy khi vừa 24 tuổi. Tháng 7/1939, đồng chí bị thực dân Pháp bắt giam, đày ải tại các nhà lao Thừa Phủ, Lao Bảo, Buôn Ma Thuột. Tháng 2/1942, đồng chí vượt ngục, trở về thành lập lại Tỉnh ủy lâm thời Thừa Thiên và giữ chức Bí thư Tỉnh ủy. Tháng 7/1943, đồng chí bị bắt, tháng 3/1945, ra tù, tham gia lãnh đạo Cách mạng Tháng 8 tại Nam Trung bộ. Tháng 11/1945, đồng chí được cử giữ chức Bí thư Tỉnh ủy đến tháng 5/1948, cùng Đảng bộ Thừa Thiên lãnh đạo nhân dân kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Có phải lịch sử đã đặt lên vai đồng chí trọng trách nặng nề ở những thời điểm cam go, có tính chất sống còn của phong trào cách mạng?

Chính từ trong muôn vàn thử thách đó, đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã nắm bắt được những yêu cầu, đòi hỏi của sự nghiệp cách mạng, không quản gian khó, không ngại hy sinh, quyết tâm thực hiện và tỏa sáng. Đồng chí đã thể hiện sự xuất sắc của mình trong công tác xây dựng đảng bộ về chính trị, tư tưởng.

1. Từ năm 1938 đến năm 1945: Chấp hành chủ trương của Đảng, bám sát thực tiễn, chủ động vận dụng sáng tạo vào tình hình địa phương.

Hoàn cảnh lúc bấy giờ liên lạc giữa Trung ương và các địa phương thường xuyên bị đứt đoạn bởi sự khủng bố của kẻ thù, cán bộ chủ chốt của Đảng bộ lần lượt bị bắt bớ, giam cầm, việc nắm bắt những chủ trương của Trung ương để triển khai thực hiện ở địa phương là điều quá khó khăn. Đồng chí Nguyễn Chí Thanh với tư chất hoạt động chính trị, được tôi luyện trong thực tiễn các phong trào đấu tranh cách mạng của tỉnh nhà, trong lao tù đế quốc, được gần gũi, học hỏi các đồng chí Phan Đăng Lưu, Nguyễn Chí Diểu và nhiều chiến sĩ cách mạng khác; đã nhanh nhạy nắm bắt và tự tin, chủ động lãnh đạo tổ chức thực hiện.

Tháng 9/1938, thực hiện chủ trương của Xứ ủy Trung kỳ về việc chống dự án tăng thuế mà chính quyền thực dân phong kiến sẽ thông qua trong kỳ họp của Viện Dân biểu Trung kỳ, đồng chí Nguyễn Chí Thanh cùng tập thể Tỉnh ủy quyết tâm lãnh đạo nhân dân đấu tranh dưới các hình thức mít tinh, biểu tình, gửi bản dân nguyện, đòi bác bỏ dự án tăng thuế. Phong trào diễn ra sôi nổi với sự tham gia của hàng ngàn công nhân, nông dân, tiểu thương, người lao động… trong toàn tỉnh. Có 297 bản Dân nguyện, 74 điện văn của các tầng lớp nhân dân với nội dung bác bỏ dự án tăng thuế, đòi tự do dân chủ đã được gửi đến Viện Dân biểu. Sự kết hợp đấu tranh của quần chúng bên ngoài đã hỗ trợ, tạo điều kiện cho các vị dân biểu tiến bộ đấu tranh trong nghị trường, dẫn đến thắng lợi của việc bác bỏ dự án tăng thuế của chính quyền thực dân.

Thắng lợi của cuộc đấu tranh chống dự án tăng thuế có ý nghĩa chính trị, là một cuộc tập dượt quần chúng, tập hợp đảng viên, là một trong những cơ sở, tiền đề dẫn đến thắng lợi của cuộc Cách mạng tháng Tám sau này.
 

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (người đội mũ) trong những ngày đi vận động tổng khởi nghĩa ở Huế 1945 (ảnh tư liệu trong cuốn Địa chí Thừa Thiên - Huế)

Tháng 5/1941, Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 8 đã quyết định chuyển hướng chỉ đạo chiến lược, nhấn mạnh vấn đề giải phóng dân tộc. Do mất liên lạc với Trung ương và Xứ ủy, các tổ chức Đảng ở Thừa Thiên Huế chưa tiếp thu được tinh thần chỉ đạo mới.

Tháng 2/1942, đồng chí Nguyễn Chí Thanh từ nhà tù Buôn Mê Thuột trở về. Sau khi tìm hiểu tình hình, nắm bắt yêu cầu phong trào cách mạng trong tỉnh, tháng 7/1942, đồng chí triệu tập hội nghị cán bộ Đảng toàn tỉnh tại Bến đò Vĩnh Tu (Quảng Điền). Tại hội nghị này, đồng chí phân tích tình hình chung, phổ biến tinh thần các nghị quyết hội nghị lần thứ 6 và 8 của Trung ương Đảng, chủ trương tuyên truyền cho nhân dân thấy rõ bộ mặt thật của thực dân Pháp và Phát xít Nhật; tổ chức và lãnh đạo nhân dân đòi quyền lợi, thông qua đấu tranh để tập hợp, giáo dục quần chúng và rèn luyện đảng viên. Thông qua tờ báo “Vì nước”, cơ quan ngôn luận của Đảng bộ để tuyên truyền chương trình, điều lệ, chính sách của Việt Minh, xúc tiến thành lập Mặt trận Việt Minh các cấp.

Trong hoàn cảnh mất liên lạc với Trung ương, các nhóm Cộng sản ở Thừa Thiên đang lúng túng trước sự biến đổi của tình hình, hội nghị Bến đò Vĩnh Tu do đồng chí Nguyễn Chí Thanh chủ trì đã tập hợp lực lượng, hình thành trung tâm lãnh đạo phong trào cách mạng, cụ thể hóa đường lối của Trung ương Đảng, vận dụng vào điều kiện và hoàn cảnh cụ thể của địa phương, giải quyết những vấn đề bức xúc đang đặt ra. Quyết định sáng suốt, kịp thời của hội nghị Bến đò Vĩnh Tu thể hiện tài năng, uy tín về chính trị của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Chí Thanh.

Sau hội nghị Bến đò Vĩnh Tu, hệ thống tổ chức Đảng trong toàn tỉnh được khôi phục, củng cố và phát triển. Phú Lộc hình thành huyện ủy lâm thời, tổ chức được đội Xích vệ. Liên chi Phong - Quảng phát triển thêm nhiều đảng viên mới, tách thành 2 chi bộ Phong Điền và Quảng Điền. Các chi bộ ghép khác ở Hương Thủy, Phú Vang, Hương Trà, Huế hình thành và hoạt động tích cực.

Đồng chí Nguyễn Chí Thanh trực tiếp viết báo, tổ chức cơ sở huấn luyện cán bộ đảng viên tại cồn Rau Câu, đầm Cầu Hai (Phú Lộc). Trong các bài giảng của mình, đồng chí đã phân tích cho cán bộ đảng viên thấy rõ sự chuyển biến của cuộc chiến tranh đế quốc, dự báo Liên Xô và phe Đồng Minh sẽ chiến thắng phát xít Đức, Ý, Nhật; tính chất và nhiệm vụ cuộc cách mạng do Đảng ta lãnh đạo là cách mạng giải phóng dân tộc, đánh Pháp, đuổi Nhật, giành độc lập. Những bài nói, bài viết của đồng chí đã được in làm tài liệu tuyên truyền trong Đảng bộ.

Cách mạng tháng Tám thành công, sự chỉ đạo từ Trung ương đối với các Đảng bộ địa phương nhanh chóng, kịp thời hơn. Với cương vị ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Xứ ủy Trung kỳ, trực tiếp chỉ đạo Đảng bộ Thừa Thiên Huế, đồng chí chủ động triển khai công tác huấn luyện cán bộ, thể hiện tầm nhìn về vai trò chính trị, tư tưởng trong công tác xây dựng Đảng. Đồng chí Nguyễn Vạn, nguyên Khu ủy viên Khu ủy Trị Thiên Huế, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên viết: “Đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã tích cực khẩn trương chỉ đạo mọi mặt chuẩn bị kháng chiến chống Pháp. Đồng chí hết sức chăm lo đào tạo cốt cán, khôi phục lại Tỉnh ủy, các huyện ủy, thị ủy, mở các lớp huấn luyện cán bộ Mặt trận và các đoàn thể ở trường Hậu Bổ, các lớp huấn luyện cán bộ đảng viên ở Tam Tòa. Nhờ có các lớp học này mà đảng viên mới, chi bộ mới được phát triển khắp các xã, huyện, các đơn vị, địa phương, làm cho Đảng bộ nhanh chóng lớn mạnh, sức chiến đấu và năng lực lãnh đạo được tăng cường. Tôi và các đồng chí trong huyện Hương Thủy có học lớp do đồng chí Nguyễn Chí Thanh huấn luyện. Nhờ học tập mà chỉ trong năm 1946 đã xây dựng được chi bộ khắp các xã, với tổng số 150 đảng viên, tăng gấp 10 lần; các đoàn thể chính trị và lực lượng vũ trang được tăng cường, sản xuất phát triển, đời sống nhân dân được ổn định, mọi mặt chuẩn bị đều có kết quả tích cực. Tôi nghĩ rằng, đồng chí Nguyễn Chí Thanh tập trung khả năng vào việc xây dựng Đảng để chuẩn bị kháng chiến là quyết tâm rất đúng đắn, rất cơ bản, rất sáng tạo”(1).

Tháng 11/1946, sau khi giải thể Xứ ủy Trung kỳ, Trung ương Đảng chia Trung bộ thành hai khu: Khu IV và Khu V. Đồng chí Nguyễn Chí Thanh được cử làm Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên.

Ngày 19 tháng 12 năm 1946 cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, đồng chí trực tiếp chỉ huy cuộc bao vây tiến công địch 50 ngày đêm quyết liệt ở mặt trận Huế. Trong điều kiện so sánh lực lượng giữa ta và quân Pháp ở Huế có sự chênh lệch rất lớn về vũ khí trang bị, đồng chí vẫn kiên quyết tổ chức bao vây, tiến công địch, thực hiện nghiêm túc mệnh lệnh của Bộ tổng chỉ huy giao. Theo hồi ký của đồng chí Hà Văn Lâu, nguyên Trung đoàn trưởng trung đoàn Trần Cao Vân, trang bị của chúng ta rất thô sơ: “...chỉ là một ít súng cũ của Pháp, Nhật, lựu đạn tự tạo và một số mìn ba càng; vũ khí chủ yếu là đại đao, mã tấu”.(2) Về phía địch, “Tổng số quân số có hơn 1200 tên, vũ khí trang bị rất đầy đủ và hiện đại; có xe bọc thép, pháo tự hành, súng liên thanh, phun lửa...”.(3)

Trong khi ta đang lúng túng, chưa có cách nào dứt điểm được thì viện binh địch đã ập đến. Quân và dân ta tiếp tục chiến đấu dũng cảm ngăn bước tiến của địch, nhưng do tương quan lực lượng, phải rút ra khỏi thành phố để tiến hành cuộc kháng chiến lâu dài.

Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của đồng chí Nguyễn Chí Thanh, cuộc chiến đấu 50 ngày đêm bao vây tiến công địch ở thành phố Huế tuy không giành được thắng lợi, nhưng thực sự là một bản hùng ca của tinh thần yêu nước những ngày đầu chống Pháp; thể hiện sự chấp hành nghiêm túc chủ trương của Trung ương về tiến công bao vây địch trong các thành phố lớn.

Tuy vậy, sự thất bại về quân sự trong cuộc tiến công bao vây này cũng để lại bài học kinh nghiệm. Sau này, “anh cứ cười mãi về cách đánh giặc ấu trĩ(4) này”(5)

2. Từ năm 1946 đến năm 1947: Vững vàng trước thử thách, tập hợp lực lượng, khôi phục và phát triển phong trào.

Lực lượng ta bị đánh bật ra khỏi thành phố. Địch chiếm đóng thành phố Huế và nhiều vùng nông thôn rộng lớn của tỉnh, chúng đàn áp, bắt bớ, bắn giết dã man đồng bào và chiến sĩ ta. Bài “Vè Quảng Giang” (nay là xã Quảng Thái, huyện Quảng Điền) đã ghi lại phần nào tội ác tày trời ấy:

“Tháng Giêng bốn bảy, ngày hăm ba (6)
Bao vây bốn mặt Tây qua lần đầu
... Người chọc tiết như hình gà vịt
Người đưa ra xẻo thịt như trâu
Người thì lấy búa bửa đầu

Lấy nước sôi hắn dội, lấy đầu hắn chưng
Người cho chó cắn khắp lưng tràn cổ...

... Thù này muôn kiếp không nguôi
Gan bầm ruột thắt như chùi ai ơi…”(
7)

Nhiều cán bộ đảng viên bị tàn sát dã man. Tổ chức cơ sở Đảng bị tổn thất nghiêm trọng. “Hương Thủy trước ngày vỡ mặt trận Đảng bộ có 170 đồng chí, đến cuối tháng 3 còn 30 đồng chí, Phú Vang còn 70, Phú Lộc 190 còn 23, Hương Trà 130 còn 20”(8). Các đơn vị vũ trang, tự vệ bị đánh dạt ra vùng rừng núi phía Bắc tỉnh, đang lâm vào tình cảnh đói, rét. Không khí hoang mang, dao động bao trùm. Tình thế cách mạng lại một lần nữa ở vào thế hiểm nghèo.

Vấn đề cấp bách được đặt ra là phải ổn định tư tưởng cán bộ, chiến sĩ, tập hợp lực lượng để đối phó với kẻ địch đang rất mạnh. Chính trong thời khắc nguy nan này, với cương vị Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã cùng với tập thể Tỉnh ủy vững vàng chèo lái, đưa con thuyền cách mạng vượt qua ghềnh thác. Đồng chí được đồng bào tôn vinh là “linh hồn cuộc chiến đấu của Bình Trị Thiên khói lửa”.(9)

Dưới sự chỉ đạo của đồng chí Bí thư, Tỉnh ủy đã dự kiến trước tình hình và thực hiện một bước việc chuẩn bị kháng chiến lâu dài bằng cách tìm vị trí chiến khu ở Khe Trái (Hương Trà). Các tổ chức Đảng đã tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân vận chuyển cất giấu lương thực, máy móc thiết bị (máy in, điện đài...), thực hiện “vườn không nhà trống”, tản cư người già và trẻ em v.v… Tuy vậy, do không lường trước một cách đầy đủ và toàn diện tiềm lực quân sự áp đảo của viện binh địch, không bố trí hợp lý lực lượng ở các vùng nông thôn và vị trí tập kết quân ở chiến khu khi phải rút khỏi thành phố nên việc rút lui đã diễn ra trong tình thế lúng túng và bị động. Cuối cùng, các đơn vị vệ quốc đoàn, lực lượng tự vệ, cán bộ các ngành và địa phương... cũng tập kết về xung quanh vùng núi Xuân Điền, Xuân Lộc và Hòa Mỹ trong điều kiện đói, rét và thiếu thốn trăm bề. Thấy rõ vị trí lợi hại của vùng rừng núi Hòa Mỹ, đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã thống nhất trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy chọn làm nơi đứng chân của lực lượng kháng chiến của tỉnh, gọi là chiến khu Hòa Mỹ. Đây là vùng rừng núi phía Tây huyện Phong Điền, bao gồm một khoảng đất bằng giữa sông Ô Lâu và Rào Quao; phía sau là núi rừng trùng trùng điệp điệp và hiểm trở; phía trước giáp các xã Phong Nguyên (nay là Phong Thu, Phong Mỹ), Phong Lâu (nay là Phong Hòa), Phong Thái (nay là Phong Sơn và Phong Nguyên), rất dễ tiếp xúc với đồng bằng.
 

Đồng chí Nguyễn Chí Thanh (bên phải) và các đồng chí của mình ở chiến trường Bình - Trị - Thiên (1947)

Đầu tháng 3/1947, chiến khu Hòa Mỹ đã được chia thành từng khu bố trí chỗ đóng quân của các cơ quan, đơn vị. Cơ sở in Báo Giết Giặc được bố trí ở CK3.

Để kịp thời nắm bắt tình hình và có giải pháp tập hợp lực lượng, ngày 12/3/1947, tại xã Quảng Tín(10), đồng chí Nguyễn Chí Thanh chủ trì cuộc họp Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Đây là phiên họp đầu tiên sau ngày rút khỏi thành phố. Hội nghị đánh giá tình hình phong trào các địa phương, tư tưởng cán bộ chiến sĩ, nhân dân và đề ra những chủ trương trước mắt, gồm những nội dung như sau:

Về đánh giá tình hình: “Trước sức tấn công ào ạt của địch, tình hình kháng chiến trong tỉnh đang đứng trước những khó khăn lớn. Tỉnh ủy chưa liên lạc được với huyện Phú Lộc và cán bộ trong thành phố. Nhiều cán bộ, đảng viên hoang mang dao động, không dám trở về địa phương hoạt động hoặc nằm im không dám nhận công tác; một số bộ đội còn tản mát ở các nơi, chưa tập hợp được. Nhưng nhìn chung cơ sở kháng chiến trong tỉnh vẫn vững vàng. Nhiều huyện ủy bám sát địa phương, giữ vững liên lạc với nhiều xã. Nhiều xã liên lạc với nhau, dựa vào nhau để chống giặc hoặc tìm liên lạc với cấp trên, vận động nhân dân ủng hộ bộ đội. Nhiều đơn vị bộ đội và tự vệ cố gắng giữ vững đội ngũ, giữ được vũ khí. Nhân dân nhiều nơi giữ vững lòng tin vào Đảng, hết lòng ủng hộ bộ đội. Chúng ta cần phải ra sức phát huy những ưu điểm nói trên, từng bước phục hồi và phát triển phong trào kháng chiến. Sau khi đánh chiếm các vùng xung yếu, đường giao thông trong tỉnh, quân địch đang ra sức tuyển mộ ngụy quân, lập bộ máy ngụy quyền…”.(11)

Về giải pháp công tác tư tưởng, hội nghị vạch rõ: “Nhiệm vụ cấp bách của Đảng bộ ta là phải động viên cán bộ, đảng viên và các đoàn thể quần chúng cứu quốc giữ vững vị trí của mình, bám đất, bám dân mà chiến đấu, giải thích cho dân rõ quyết tâm kháng chiến chống giặc cứu nước của Đảng, của Mặt trậnViệt Minh, vạch trần luận điệu tuyên truyền xuyên tạc và âm mưu thâm độc của địch và bọn tay sai, động viên mọi người góp phần chống giặc cứu nước, ủng hộ bộ đội, ủng hộ kháng chiến, không cộng tác với giặc, bảo vệ chính quyền cách mạng”. (12)

Hội nghị đề ra yêu cầu cần phải củng cố các đơn vị bộ đội đã tập hợp được, điều tra tình hình địch và chuẩn bị đánh một vài trận để gây tiếng vang.

Chủ trương đúng đắn của Thường vụ Tỉnh ủy là định hướng quan trọng để các tổ chức Đảng, các đơn vị quân đội kịp thời ổn định tổ chức, chuẩn bị đối phó với những âm mưu thủ đoạn mới của địch.

Giữa vòng vây của giặc, luôn có mật thám, Việt gian lùng sục, việc trở lại bám cơ sở của cán bộ chiến sĩ ta là vô cùng gian khổ và nguy hiểm. Ban ngày, các đồng chí phải nằm ở các cồn mồ hiu quạnh, giữa đồng ruộng bùn lầy hoặc vùi mình trên những cồn cát trơ trụi, chịu đựng đói, rét, bệnh tật. Ban đêm, bí mật len lỏi vào tận thôn xóm tuyên truyền bà con tham gia kháng chiến, gây dựng cơ sở, thành lập các đội dân quân du kích.

Tình hình ở chiến khu cũng rất khó khăn, bộ đội tập trung về đông, thiếu quân trang, lương thực, thuốc chữa bệnh, lại sống trong điều kiện thời tiết giá lạnh, rừng núi âm u... Nhiều cán bộ chiến sĩ bị sốt rét, bệnh tật.

Thực tiễn kháng chiến đòi hỏi phải có giải pháp đúng đắn để tìm lối thoát, khôi phục phong trào.

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tại chiến trường miền Nam


Tiếp theo hội nghị Thường vụ Tỉnh ủy, từ ngày 25/3/1947 đến 27/3/1947, tại làng Nam Dương (nay là xã Quảng Vinh, Quảng Điền), diễn ra hội nghị Tỉnh ủy mở rộng. Dự hội nghị có các đồng chí tỉnh ủy viên, bí thư các huyện ủy, Thị ủy Thuận Hóa và một số cán bộ phụ trách các ngành. Đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Bí thư Tỉnh ủy chủ trì hội nghị. Sau 3 ngày làm việc, hội nghị nhất trí với nhận định của Thường vụ Tỉnh ủy về tình hình kháng chiến trong tỉnh, về âm mưu thủ đoạn của địch và những chủ trương giải pháp mà Thường vụ Tỉnh ủy đã vạch ra.

Về công tác chính trị tư tưởng, hội nghị nêu rõ một số nội dung cụ thể như:

- Tiếp tục động viên cán bộ, đảng viên và thiết thực giúp đỡ anh chị em trở về cơ sở vận động nhân dân tham gia chống giặc cứu nước. Cần chỉ cho anh em thấy rằng: vì phải đối phó với chúng ta ở mặt trước, địch có thể sơ hở ở các vùng sâu. Cán bộ đảng viên cần luồn sâu vào vùng sau lưng địch, khơi dậy lòng yêu nước, căm thù giặc của dân; vạch rõ âm mưu thâm độc và mọi thủ đoạn lừa phỉnh, dọa nạt, mua chuộc của giặc; động viên mọi người tham gia ủng hộ kháng chiến, xây dựng cơ sở kháng chiến lâu dài.

- Các cấp ủy tuyên truyền vận động nhân dân đẩy mạnh tăng gia sản xuất, cung cấp lương thực, thực phẩm cho bộ đội, coi đây là một công tác rất quan trọng; đồng thời cử cán bộ có năng lực, hăng hái, làm chuyên trách thu mua, bảo đảm cho bộ đội ăn no đánh thắng.

- Chú trọng tuyên truyền vận động nhân dân tin dùng đồng bạc Việt Nam, bảo vệ đồng bạc Việt Nam, coi đó là biểu hiện lòng tin của nhân dân đối với Chính quyền Cách mạng, Chính phủ cụ Hồ. Mở rộng phạm vi lưu hành của đồng bạc Việt Nam là điều kiện thuận lợi để thu mua lương thực và nhu yếu phẩm phục vụ kháng chiến.

- Thường vụ Tỉnh ủy mở sớm những lớp bồi dưỡng cán bộ về đường lối chủ trương kháng chiến của Đảng và Bác Hồ, công tác tổ chức và vận động quần chúng, phương thức tổ chức và hoạt động trong vùng địch kiểm soát. Thị ủy và các huyện ủy cần chọn những thanh niên hăng hái với cách mạng và có triển vọng để dự các lớp bồi dưỡng của tỉnh, kết nạp vào Đảng, tăng thêm sức mạnh cho Đảng.

Với tầm nhìn chiến lược, đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã nhận định sắc sảo đầy tin tưởng: “Mất đất chưa phải là mất nước... chúng ta không thể mất dân, chết không rời cơ sở, chúng ta nhất định thắng”.

Cùng với hội nghị Thường vụ Tỉnh ủy, Hội nghị Tỉnh ủy mở rộng tại Nam Dương do đồng chí Nguyễn Chí Thanh chủ trì đã đánh dấu bước chuyển biến quan trọng trong chỉ đạo phong trào, từ chỗ phân tán, rời rạc, nay đã có phương hướng hoạt động rõ ràng, có mục tiêu chung để phấn đấu; thống nhất được tư tưởng trong nội bộ cán bộ lãnh đạo Đảng cấp tỉnh, thị xã và huyện; là cơ sở để thống nhất hành động xuống cơ sở nhằm khôi phục và phát triển phong trào. Chủ trương của hội nghị đã mở ra triển vọng mới cho cuộc kháng chiến của quân và dân Thừa Thiên Huế.

Sau hội nghị Thường vụ và hội nghị Tỉnh ủy, cuộc kháng chiến của quân và dân Thừa Thiên Huế có bước chuyển biến mới. Cán bộ đảng viên về đồng bằng bám dân, bám đất, tuyên truyền xây dựng cơ sở, khôi phục phong trào. Lực lượng vũ trang tổ chức một số trận đánh giành thắng lợi có tiếng vang trong nhân dân như: Hộ Thành, Huế (24/3/1947); Đất Đỏ, Phong Điền (29/3/1947); Sư Lỗ, Phú Vang (3/1947).

Công tác tuyên truyền, bồi dưỡng kết nạp Đảng viên mới được chú trọng. Từ tháng 3/1947 đến tháng 9/1947, số lượng đảng viên tăng lên 533 đồng chí (chưa kể khóa học tháng 8 của 3 huyện phía Nam), nâng tổng số đảng viên trong toàn tỉnh lên 1133 đồng chí.

Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Nguyễn Chí Thanh, cơ quan tham mưu cho Tỉnh ủy về công tác chính trị tư tưởng cũng khẩn trương được thành lập và hoạt động: “đã mở được lớp huấn luyện cán bộ. Cán bộ lên được trình độ rất cao, chủ trương rất đúng. Đã tổ chức xong các ban: Tuyên truyền kháng chiến, Địch vận, Ấn loát, Hội Họa, Âm nhạc. Công tác tuyên truyền và ấn loát khá” (13).

Trong công tác chính trị, tư tưởng, đồng chí Nguyễn Chí Thanh cùng tập thể Ban Thường vụ Tỉnh ủy tập trung chỉ đạo công tác huấn luyện cán bộ, công tác tuyên truyền trong công giáo, trong đồng bào các dân tộc thiểu số và công tác địch vận. Về huấn luyện cán bộ: “mở những lớp huấn luyện liên tiếp (chỉ dạy mỗi ngày một buổi, hay hai ngày trong một tuần). Mở một lớp huấn luyện riêng cho cán bộ trí thức. Huấn luyện bằng cách hội nghị 3 đến 5 ngày ở các địa phương (cán bộ lưu động). Theo quyết nghị của Khu, sau khi học chính trị, phải học thêm 5 ngày quân sự; cần tổ chức một ban vận động dân tộc thiểu số, ban vận động Hoa kiều, rải truyền đơn gấp vì có cơ hội Pháp và Hoa kiều xích mích ở Huế”. (14)

Về Công tác địch vận: “phải dùng mọi hình thức, nắm lấy cơ hội mà tuyên truyền làm tan rã tinh thần quân địch, làm cho binh lính địch nhận ra ta với họ có chung một kẻ thù là phản động Pháp, khiến cho họ thỏa hiệp với ta, vác súng chạy sang phe ta. Tuyên truyền binh lính địch không nên dùng tiếng nặng mà chỉ trích họ hoặc mạt sát tinh thần dân tộc của họ. Phải tuyên truyền thuyết phục bọn việt gian thân Pháp và Bảo vệ quân... phải đề phòng thực dân Pháp, đừng cho bọn chúng trá hàng hoặc cho việt gian trá hàng để chui vào hàng ngũ ta”. (15)

Từ chủ trương trên, Tỉnh ủy đã mở các lớp huấn luyện cán bộ tại chiến khu, chấn chỉnh tờ báo Giết Giặc, tổ chức lấy tin tức từ Đài Tiếng Nói Việt Nam, in truyền đơn và phân phát tài liệu tuyên truyền về những chiến thắng lớn của quân và dân ta.

Từ tháng 6/1947, trong vai trò Bí thư Phân Khu ủy Bình Trị Thiên kiêm Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí vẫn sâu sát thực tiễn, chú trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ đảng viên. Tháng 8-1947, Tỉnh ủy mở lớp học tập thư Hồ Chủ tịch nhằm nâng cao nhận thức tư tưởng và tinh thần đấu tranh cách mạng cho cán bộ đảng viên. Cán bộ, đảng viên, chiến sĩ thấm thía những lời căn dặn của Bác: “Trong lúc dân tộc đang ở trên ngã tư đường, chết hay sống, mất hay còn, mỗi đồng chí và toàn cả đoàn thể phải đem tất cả tinh thần và lực lượng ra để đưa toàn dân quay về một hướng, nhằm vào một đích: đánh đuổi thực dân Pháp, làm cho nước được thống nhất và độc lập... Ta phải kiên quyết tẩy sạch những khuyết điểm sau: địa phương chủ nghĩa, óc bè phái, cô đọc hẹp hòi, ham chuộng hình thức, ích kỷ, kiêu ngạo... Mong các đồng chí đem toàn bộ tinh thần cách mệnh mà khắc phục khuyết điểm, phát triển các ưu điểm, đồng tâm hiệp lực, đoàn kết nội bộ, mở rộng hàng ngũ, chấn chính công tác để lãnh đạo toàn dân hăng hái vào trận kháng chiến đi đến thắng lợi vẻ vang”. Tại lớp học này, các huyện đã tổ chức tuyên thệ trước Quốc kỳ và ảnh Bác Hồ, nguyện suốt đời phấn đấu hy sinh cho sự nghiệp kháng chiến cứu nước.

Những nỗ lực toàn diện trong lãnh đạo công tác chính trị, tư tưởng đã góp phần quan trọng khôi phục phong trào kháng chiến ở Thừa Thiên Huế. Bước sang năm 1948, phong trào bắt đầu phát triển và giành nhiều thắng lợi toàn diện trong những năm sau.

Từ năm 1948, đồng chí Nguyễn Chí Thanh được Đảng điều động làm Bí thư Liên Khu ủy IV, sau đó, giữ nhiều trọng trách của Đảng và Quân đội, được đặc cách phong quân hàm Đại tướng Quân đội nhân dân Việt Nam.

Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Nguyễn Chí Thanh để lại trong lịch sử nhiều dấu ấn tốt đẹp, trong đó, những năm tháng đồng chí tham gia lãnh đạo phong trào cách mạng tỉnh nhà, với sự xuất sắc về công tác chính trị, tư tưởng đã góp phần quan trọng đưa cuộc kháng chiến ở vùng đất hẹp giữa lòng tổ quốc đến thắng lợi; là cơ sở, tiền đề để đồng chí trở thành “đại bàng bay cao, nhìn xa”(16) như Bác Hồ từng khen tặng.

Đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã đi xa nhưng hình ảnh nhà lãnh đạo chính trị, tư tưởng xuất sắc, một Bí thư Tỉnh ủy mẫu mực, vẫn còn sống mãi với Đảng bộ và nhân dân quê nhà.

P.C.T
(SDB11/12-13)


--------------------------
(*) Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy
1. Nguyễn Vạn, “Cố đại tướng Nguyễn Chí Thanh - Người lãnh đạo chỉ huy xuất sắc” (bài viết nhân kỷ niệm 88 năm ngày sinh Đại tướng
2. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế, Thừa Thiên Huế những ngày đầu toàn quốc kháng chiến chống Thực dân pháp, Nxb. Thuận Hóa, Huế 2001, trang 55.
3.  Hoàng Anh, Quê hương và cách mạng, Nxb. Thuận Hóa, Huế năm 2001, trang 252.
4. Dùng rơm và ớt để thui địch ở khách sạn Morin, Huế.
5. Nguyễn Chí Thanh của chúng ta, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 1987, tr.129.
6. Ngày 23/1/1947 Đinh Hợi, tức 13/2/1947 dương lịch.
7. Huỳnh Đình Kết, Văn Đình Triền, Trần Đình Tối, “Địa chí Văn hóa xã Quảng Thái”, Nxb. Thuận Hóa, Huế, năm 2000.
8. Báo cáo tỉnh hình phát triển của Đảng bộ Thừa Thiên từ ngày mặt trận vỡ.
9. Lê Đức Anh, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, “Anh bộ đội Cụ Hồ” tiêu biểu, trích từ sách Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, sáng trong như ngọc một con người”, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 2012, tr. 27.
10. Nay thuộc xã Quảng Phước, huyện Quảng Điền.
11, 12. Hoàng Anh, Sđd, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 2001,tr. 297.
13, 14, 15. Biên bản họp Thường vụ Tỉnh ủy mở rộng ngày 22/5/1947.
16. Nguyễn Chí Thanh của chúng ta, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 1987, tr.166.







 

Các bài mới
Men mưa Huế (17/01/2014)
Mẹ tôi (13/01/2014)
Tùy bút cho H (13/01/2014)
Mẫu đơn (10/01/2014)
Các bài đã đăng
Đêm chia sẻ (31/12/2013)