Tạp chí Sông Hương - Số Đặc Biệt (T.12-13)
Hoàng Đức - Chỉnh Tuệ: Cuộc hóa thân kỳ ảo của thủy mặc
08:50 | 10/01/2014

LÊ HUỲNH LÂM

Chúng ta đều biết rằng nước vốn vô hình vô ảnh, tùy nhân duyên để biến hiện. Nước có quyền năng dung hòa mọi sự vật và quyền năng hóa thân biến hiện theo sự vật. Trong ý nghĩa đó, thủy mặc là loại mực mà người cầm bút phải có nội lực mới hóa thân vào ngòi bút để truyền cảm xúc tan chảy theo vết loang của mực.

Hoàng Đức - Chỉnh Tuệ: Cuộc hóa thân kỳ ảo của thủy mặc
Đào đỏ trăng vàng – tác phẩm thủy mặc trên chất liệu pháp lam Huế - Ảnh: internet

Vì thế không như những chất liệu khác như sơn dầu, acrilyc,... để thực hiện một tác phẩm có thể kéo dài tùy theo ý chủ quan hoặc tài nghệ của tác giả, có thể mươi phút, một giờ, một ngày, một năm, mười năm hay cả một đời người. Ngược lại thủy mặc đòi hỏi ở người họa sĩ một khoảnh khắc thời gian nhất định để hoàn thành tác phẩm. Vì tính chất hóa thân và bốc hơi nhanh của nước mà người vẽ thủy mặc phải tập trung tối đa năng lực sáng tạo để hoàn thành tác phẩm trong thời gian nhanh nhất.

Đào đỏ trên cây bằng pháp lam


Hầu hết đối tượng của sự sáng tạo thường là thế giới quan của tác giả, một số tác giả khi đạt trạng thái tâm đến cảnh giới siêu thực, biểu hiện, trừu tượng thì thế giới thực qua lăng kính của họ sẽ được sáng tạo lại bằng cảm xúc mới. Trường hợp Levitan nếu chỉ chép lại phong cảnh của mùa thu vàng ở Nga một cách thuần túy, thì có thể các họa sĩ khác đều có khả năng thực hiện, nhưng thiên tài Levitan đã truyền sự rung động mãnh liệt của mình vào trong tác phẩm qua từng vệt màu, từng nét cọ để cảm xúc đó được lưu giữ lại vĩnh viễn trên tác phẩm mà cho đến bây giờ người thưởng ngoạn vẫn còn cảm nhận được qua tài năng của ông. Hoặc danh họa Leonardo da Vinci với bức nàng Mona Lisa sau mười năm mới hoàn thành, nếu quan sát kỹ người xem sẽ nhìn thấy bên trong chân dung nổi tiếng đó ẩn chứa rất nhiều điều bí ẩn và phía đằng sau chân dung là phong cảnh kỳ vĩ phải lu mờ trước đóa hoa nhan sắc của thượng đế.

Mai cốt cách


Điều khác biệt của nghệ thuật phương Tây với nghệ thuật phương Đông trong hội họa đó chính là chất liệu.

Khi những họa sĩ phương Đông như Tề Bạch Thạch, Từ Bi Hồng,... hay thế hệ sau thuộc nhóm Kinh Phái, Hỗ Phái hay Lĩnh Nam họa phái vốn có đời sống vân du lang bạt kỳ hồ ngắm cảnh thưởng trăng, thì đối tượng sáng tác của họ chủ yếu là phong cảnh thiên nhiên, cây cỏ, hoa lá, trăng nước, chim muông, cảnh sơn thủy hữu tình... Những nghệ sĩ vừa du hí vừa sáng tác, do vậy mà chất liệu cũng thuận lợi cho việc di chuyển như: lụa, giấy, mực...

Trúc ảnh


Không dùng chuẩn màu như hội họa phương Tây, giấy và mực chính là gợi tưởng đến học thuyết âm dương. Khi phương tiện sáng tạo càng đơn giản thì đòi hỏi người nghệ sĩ phải có nội lực thâm hậu để truyền tải cảm xúc của mình đến người xem. Với phương tiện tinh gọn là mực nước và những chất liệu truyền thống của Việt Nam như giấy dó, lụa tơ tằm và pháp lam, Hoàng Đức đã gây ngạc nhiên cho tôi khi giới thiệu hàng chục bức thủy mặc để chuẩn bị triển lãm tại Gác Trịnh, ấn tượng nhất là những bức vừa hoàn thành trên nền pháp lam do công ty Thái Hưng tài trợ. Điều tâm nguyện của họa sĩ, tu sĩ Hoàng Đức - Chỉnh Tuệ là muốn phục dựng lại thủy mặc trên chất liệu của Việt Nam như giấy dó, lụa tơ tằm và đưa những chất liệu khác vào như pháp lam, gốm sứ... Thoạt nhìn tranh của Hoàng Đức, cứ ngỡ là giản đơn, nhưng càng ngắm nhìn lâu càng phát hiện ra chất tinh tế, điêu luyện trên từng nét vẽ. Độ đậm nhạt trong một nét bút cũng là vấn đề đối với thủy mặc, khi diễn đạt đồng thời hai sắc độ của một chiếc lá trong cùng một thời khắc, một nét nhấn. Hoặc khi những cánh đào đang rơi trong không gian thì một vòng xoáy của vệt mực đã hướng người xem đi vào cái không vô thường nhưng dung chứa tất cả sự vật.

Hương thầm


Một điều quan trọng để tạo nên không gian của tranh thủy mặc là khoảng trống như đại diện cho trời, những nét chấm phá chỉ tập trung vào khung giấy để tôn vinh khoảng không vô hạn kia. Sự độc đáo trong thủy mặc của Hoàng Đức là cái động của sự vật xuất hiện trong cái tĩnh. Nhìn trúc trong tranh Hoàng Đức như có gió đang lay động; đó là cái tài của nghệ sĩ. Cũng như họa sư Tề Bạch Thạch vẽ tôm, người xem như thấy con tôm chuyển động, còn bậc thầy Từ Bi Hồng vẽ ngựa khiến người xem như nghe tiếng vó ngựa đang phi nước đại. Một loạt tranh mà Hoàng Đức gọi là “Tranh Vô Thức” mà theo tác giả là loại tranh “...vượt ra ngoài mọi giới hạn. Tâm người vẽ đạt tới cảnh giới bình an, vô sự, nên nét vẽ và màu sắc tuy giản lược nhưng tinh túy và cô đọng cảm xúc. Thường được thực hiện sau lúc nửa đêm, đất trời tĩnh lặng giao hòa, khí thiêng kết tụ, đó là cơ hội dễ dàng thể nhập vào trạng thái an nhiên tĩnh tại, vắng lặng vượt ra ngoài bát thức trần tục mà hành bút. Thời khắc này, thân tâm của hành giả thể nhập làm một, tâm là bút và bút là tâm, ngọn bút được điều động bởi một dòng năng lượng đặc biệt, ẩn chứa thần khí của vạn vật.

Tác phẩm Chân ngựa về có hình bóng khuôn mặt nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn như một tình cảm cho triển lãm ở tại Gác Trịnh – nơi ở xưa của Trịnh


Thật ra, trường phái tranh kiểu “vô thức” được một số họa sĩ hiểu lầm thường vẽ bằng cách “nhắm mắt”; hay vẽ không có sự tham dự của các giác quan, cứ vung màu vào toan hay tạo sự ngẫu nhiên ngoài ý thức... Nhưng để đạt được đến cảnh giới sáng tạo đó, thì người nghệ sĩ thực thụ đã phải trải qua bao khổ luyện, như các cao thủ kiếm sĩ tu luyện đạt đến tâm là kiếm và kiếm là tâm, ý đến đâu kiếm đến đó. Hoặc chăng điều đó chỉ có được ở những thiên tài, cũng như những bản giao hưởng hay nhất của nhà soạn nhac vĩ đại Bethoven được sáng tác trong giai đoạn tai ông bị điếc. Trong hội họa thì có họa sĩ mù bẩm sinh Esref Armagan ở Thổ Nhĩ Kỳ hoặc ở Việt Nam thì có trường hợp họa sĩ Lê Duy Ứng...

Nhà sư, họa sĩ Hoàng Đức – Chỉnh Tuệ tại phòng triển lãm tranh đầu xuân Giáp Ngọ ở Gác Trịnh – Huế


Đôi khi sự trừu tượng thường bị đồng nhất với sự rối rắm, đó là quan niệm nhầm lẫn của nhiều người đang vẽ tranh. Thật ra, tính trừu tượng không phải do màu sắc, đường nét tạo nên mà chính là sự trừu tượng của tâm thức và khi tác giả diễn đạt tâm thức đó thì các yếu tố khác mới tham dự vào. Trong trạng thái hỗn mang, chưa thành hình của sự vật bất giác lóe lên những đốm sáng giữa khoảng tối mịt mù. Hay trong cơn chấn động của trời đất những khoảng lồi, lõm chưa kịp thành hình đã chợt biến dạng. Trở lại với tranh thủy mặc của Hoàng Đức, khi nhìn những cánh đào, những cội mai mới thấy “mai cốt cách tuyết tinh thần”, hay những búp sen hồng, sen bạch đang dâng trọn sự thuần khiết vô nhiễm cho trần gian này. Nhìn thật kỹ những gì phía sau những tác phẩm thủy mặc này, chúng ta sẽ cảm nhận được tấm lòng của tác giả, cũng là một tu sĩ với pháp danh Thích Chỉnh Tuệ. Được biết Thượng tọa ngoài thư họa còn sáng tác âm nhạc, cho hay tất cả đều là phương tiện, hành giả cứ việc sử dụng tùy duyên để hoằng dương đạo pháp.

L.H.L
(SDB11/12-13)









 

Các bài mới
Men mưa Huế (17/01/2014)
Mẹ tôi (13/01/2014)
Tùy bút cho H (13/01/2014)
Mẫu đơn (10/01/2014)
Các bài đã đăng
Hồ Nhớ (07/01/2014)
Đêm chia sẻ (31/12/2013)