Tạp chí Sông Hương - Số Đặc Biệt (T.12-13)
Mẫu đơn
17:55 | 10/01/2014

NGUYỄN ĐỨC TÙNG
               Tùy bút

Một chiều thứ bảy cuối xuân lạnh gắt, đang mưa trời bỗng tạnh như sắp đổ tuyết, tôi một mình dọn nhà từ Hamilton về thị trấn phía nam, nơi tôi được nhận đi thực tập nội trú vài tháng.

Mẫu đơn

Đó là vùng dân cư chỉ mấy chục ngàn, hầu hết người da trắng, theo đạo Mennonite, có một bệnh viện nhỏ, vài quán tạp hóa, hai trạm đổ xăng, một hai quán cà phê và giải khát, sau tám giờ tối các nhà đều đóng cửa không còn ai ra đường. Tôi chở đầy một xe pick up những vật dụng cá nhân, chăn mền, sách vở, quần áo, không quên mang theo một chậu hoa mẫu đơn lúc nào cũng giữ bên mình.

Tôi để chậu hoa ngoài cửa, phần vì mệt, phần chưa biết làm gì, để đâu. Cái chậu lớn nặng, hoa ra nụ bằng đầu ngón tay chúm chím sắp nở trong vài ngày. Đó là giống hoa quý mà bạn tôi đi chơi ở Nhật mang về. Tôi vốn thích mẫu đơn, nhất là các giống mẫu đơn Trung Quốc, nhưng xem hình của loại hoa này do anh ấy chụp thì tôi mê quá. Lá nhỏ và dài, màu xanh nõn như lá chuối non. Hoa trắng hồng, chứ không đỏ tươi hay trắng hẳn, cánh kép, mỏng và mịn nhưng coi bộ chắc chắn, không lớn nhưng tụ lại, thân và cuống hoa cứng, gặp mưa gió ít rũ tàn. Bạn tôi xin củ đem về trồng, gầy được mấy gốc. Nhưng tôi quý bụi hoa này vì chuyện khác.

Rồi tôi ngủ thiếp đi. Thức dậy sáng hôm sau, chủ nhật, nhìn ra cửa sổ, ngạc nhiên, tuyết đã xuống mù trời. Một trận tuyết cuối cùng. Tôi đi pha cà phê và sửa soạn bày biện đồ đạc trong nhà, chợt nhớ đến chậu hoa ngoài cửa vội chạy ra để mang vào.

Chậu hoa mẫu đơn, như người ta nói, không cánh mà bay.

Một chàng trai người châu Âu lai Ấn Độ đã tặng gốc hoa cho tôi. Sadi bốn mươi tuổi nhưng còn độc thân, cao, gầy, mặt hơi xạm, có nhiều tàn nhang, móm nhưng có duyên, hay cười, vui tính.

Một lần anh đến thăm tôi lúc còn ở Hamilton, khệ nệ mang theo một túi ni lông lớn, chứa đất với bụi cây. Tôi ngạc nhiên vì đang ở tầng thứ bảy một cao ốc, gần bờ hồ, lại một mình, lấy ai chăm sóc hoa cảnh. Sadi theo đạo Tin lành nhưng cũng tập thiền, là một tay đua thuyền buồm giỏi, từng sailing nhiều lần trong các cuộc tranh tài ở Mỹ và nhiều nơi trên thế giới. Anh bảo: anh sắp sang Nhật dự một chuyến đi thuyền buồm lớn, kéo dài nhiều ngày, với bạn bè, vượt qua các đảo nhỏ, tiến ra khơi xa Thái Bình Dương. Truớc khi đi chuyến đi này anh muốn tặng tôi gốc mẫu đơn làm kỉ niệm.

Tôi hỏi anh những chuyến đi như thế có nguy hiểm gì không. Anh bảo cũng có người mất tích vì gặp bão bất ngờ trên biển; và nói thêm, anh có linh tính chuyến đi này là chuyến cuối cùng của anh. Tôi lạnh người, khuyên anh hủy bỏ chuyến bay. Anh lắc đầu cười, bảo rằng những người chơi thuyền buồm thỉnh thoảng có linh cảm như thế là thường; vả lại chết trên biển chưa chắc đã là sự kết thúc quá tệ hại của kiếp người. Anh vốn không phải là kẻ chán đời, khi nhắc đến tai nạn và cái chết của bạn bè cũng không lộ vẻ u sầu bi quan. Tôi hơi yên tâm.

Nhưng sau đó Sadi không về nữa. Suốt một thời gian tôi dò hỏi tin tức, nhờ cả người thân trong các giới thẩm quyền Canada tìm kiếm vẫn không nghe tăm tích. Tôi không biết điều gì xảy ra với anh. Từ đó đi đâu tôi cũng giữ theo bên mình chậu hoa của Sadi, bón phân, tưới nước, cẩn thận để ở ngoài chỗ có nắng hay ánh sáng. Mẫu đơn bề ngoài quý phái, mỏng mảnh nhưng bên trong dễ tính, bền bỉ; ưa lạnh nhưng không thích tối tăm, ẩm thấp.

Bây giờ nó biến mất. Tôi ngơ ngác nhìn quanh. Tôi đi vòng ra sau nhà, coi cửa trước cửa sau, lật hết các tấm bạt, xô các cánh cổng, mở thùng rác sau vườn, nín thở đưa hẳn cả đầu vào trong như một tay cảnh sát hình sự. Một nỗi giận trào lên làm tôi nghẹt thở, tức ở ngực, phía trước, lan ra sau lưng giữa hai bả vai, đau như trúng một lưỡi dao nhọn. Tôi trở ra đứng trên đường, chưa biết phải làm gì, quên cả mặc áo khoác. Gió thổi hun hút lùa tuyết bay đi, bắt đầu se chúng lại thành từng hòn bi nhỏ, hai tay tôi lạnh cóng. Mặt tôi lúc ấy chắc rất xấu xí nên mấy con chim sẻ ở đâu rụt rè tiến lại làm quen cũng hoảng hốt bay vụt đi.

Căn nhà thuê gồm có hai tầng, phía trên là chủ nhà, một người tôi mới quen nhưng lúc đó đi vắng, vả lại chẳng có lý nào họ lại đi ăn cắp của mình. Những nhà hai bên cửa đóng im ỉm, nhìn qua phong cảnh và cách bầy biện hầu hết là những người hàng xóm lớn tuổi về hưu, ngăn nắp. Ngoài đường không có rác hay các lon nước ngọt lăn lóc như ở thành phố lớn, không thấy bọn thanh niên lãng tử đi lại. Lạnh quá, tôi đành bước vào nhà, ngán ngẩm cho cái thị trấn nhỏ chưa chi đã chào đón mình một cách không mấy thân thiện, thú vị.

Tôi quyết định rút ngắn thời gian thực tập.

Rồi tôi nhớ ra một chuyện. Chính cô ta chứ còn ai vào đây nữa, kẻ đã làm tôi khổ sở mấy tháng qua, là lý do khiến tôi nhận lời đề nghị của một bệnh viện nhỏ rất xa, mặc dù tôi có thể chọn thành phố lớn hơn.

Nhưng tôi kịp nghĩ lại, không lẽ cô ta biết bay hay có phép thần thông biến hóa?

Hay là gã đàn ông đầu đường mà tôi thoáng thấy khi lái xe rẽ vào, đứng chờ xe buýt, mũ đen sùm sụp, bây giờ càng nghĩ càng thấy đáng nghi? Đang ngồi thẫn thờ với những mối hận và các bài học triết lý về lẽ đời sâu xa thì có tiếng gõ cửa. Tôi giật mình đứng lên, nhìn quanh tìm cái búa đóng đinh, cầm trên tay phải, dùng tay trái mở hé, giấu mình sau cánh cửa.

Một người đàn ông khoảng năm mươi tuổi đứng nhìn tôi xưng tên, cười rất rộng miệng, hồn nhiên bắt chuyện. Thì ra anh ở nhà đối diện. Tên Federico, gốc Ý. Tôi không có hứng làm quen và đang định than phiền về chuyện hôm qua, bỗng nhác thấy phía sau lưng anh chậu hoa của tôi nằm đó, vẫn còn tươi tốt.

Người hàng xóm bảo rằng tối qua đã khuya, tuyết xuống nhiều và trời lạnh gấp, anh từ chỗ làm lái xe về nhà, ngang qua, biết là có người mới dọn vào, thấy cái chậu hoa để trước sân hờ hững sợ nó chết nên lẳng lặng mang về, để trong nhà mình cho đến sáng nay.

Tôi mừng rỡ cám ơn, bắt chuyện. Sau hôm đó chúng tôi dần dà trở thành bạn thân. Federico thích uống rượu vang, tự tay làm rượu từ các giàn nho chi chít quả trong vườn. Anh dạy tôi cách làm rượu, cách ủ cất lâu năm, cách nếm. Anh dẫn tôi xuống hầm rượu, chỉ cho tôi cách dùng bàn tay và các ngón tay gõ lên vỏ thùng bằng gỗ sồi để thăm rượu, kiểu như các bác sĩ gõ lên lưng người bệnh để khám bệnh vậy. Tôi vốn thích rượu vang trắng, bị anh chê là quê mùa, vì dân sành điệu không coi vang trắng là rượu vang. Tôi bị chọc quê, từ đó vào các hiệu ăn không dám gọi vang trắng nữa! Đến bây giờ mặc dù năm nào chúng tôi cũng tìm cách gặp nhau vài bận, tôi vẫn chưa bao giờ có ý định nói cho Federico nghe về những mối nghi ngờ, thù hận và những câu chửi thề khủng khiếp mà tôi đã sáng tạo ra dành riêng cho anh, mặc dù trong im lặng, trong mấy giờ đồng hồ của mình.

Tôi vẫn ngạc nhiên khi thỉnh thoảng nhớ lại chuyện cũ, nghĩ đến một người can đảm tới mức thấy chuyện nên làm là làm ngay, mặc dù nhỏ thôi, hình dung anh im lặng bước tới sát cửa nhà người khác lúc nửa đêm, nhấc cái chậu cây nặng lên tay, khuân về nhà mà không để ý là thể có người nhìn sau lưng anh qua khe cửa, ngờ anh là tên trộm bần tiện. Không, không phải sự can đảm, có lẽ tôi muốn nói đến sự chất phác. Hay là lòng tin cậy ở cuộc đời.

Vài năm sau, có nhà riêng, tôi trồng giống hoa của Sadi một góc vườn. Mẫu đơn thường nở sớm, chỉ sau một hai loài hoa khác. Những đêm trăng sáng tôi đứng bâng khuâng trên bãi cỏ đầy sương, hít thở mùi hương dịu ngọt của chúng thoảng bay trên một nền không gian vốn đã đầy vị oải hương, là thứ biết nén mình lại dưới cơn mưa, chờ tạnh là thơm dội lên, ngai ngái như vừa ngủ dậy; ngắm đi ngắm lại những bông hoa trắng hồng biến đổi khi như mặt người thiếu nữ khi như vầng trăng, mỗi năm sau mùa đông ẩn mình dưới đất tuyết lạnh, nhớ trần gian mà ngoi lên trở lại. Chúng vui tươi như tình hàng xóm, diễm lệ như tình bạn tuy quả thật có cũng lúc buồn phiền hờn giận, mưa gió phũ phàng, tưởng chết đi nhưng rồi vẫn mọc, tưởng đã tàn nhưng rồi lại thắm.

N.Đ.T
(SDB11/12-13)






 

Các bài mới
Men mưa Huế (17/01/2014)
Mẹ tôi (13/01/2014)
Tùy bút cho H (13/01/2014)
Các bài đã đăng
Hồ Nhớ (07/01/2014)