Tạp chí Sông Hương - Số 299 (T.01-14)
Mùa thu mù
15:40 | 22/01/2014

LGT: Nakahara Chuya (Trung Nguyên Trung Dã) (1907-1937) là một gương mặt chói ngời của văn học Nhật Bản cận đại dù mất ở tuổi ba mươi và chỉ kịp để lại hai thi tập “Bài ca sơn dương” (Yagi no uta) và “Bài ca ngày tháng cũ” (Arishihi no uta).

Mùa thu mù
Thi sĩ Nakahara Chuya - Ảnh: internet

Vị trí của Nakahara trong văn học Nhật Bản có thể sánh ngang với Rimbaud của Pháp và Hàn Mặc Tử trong văn học Việt Nam. Chịu ảnh hưởng sâu sắc của thơ tượng trưng Pháp cùng với Cơ Đốc Giáo, Nakahara đã khai triển trong thơ mình một cảm hứng chủ đạo là “xa xăm và cao viễn” như lời của nhà phê bình Yoshida Hiroo đã nhận xét. Giải thưởng văn học Nakahara Chuya uy tín đã được thành phố Yamaguchi, quê hương ông thành lập năm 1966 để tưởng nhớ một tài năng mệnh bạc.
Bài thơ “Mùa thu mù” (Moumoku no aki) nói về một mối tình tuyệt vọng nổi tiếng sau đây được chúng tôi dịch từ tuyển thơ “Nakahara Chuya thi tập” do Yoshida Hiroo biên tập, Nhà xuất bản Tân Triều xã (Shinchosha) ấn hành năm 2008, tái bản lần thứ 15 năm 2011.
Người nữ trong bài thơ này chính là nữ diễn viên Hasegawa Yasuko (1904- 1993) vốn quen biết và sống chung với Nakahara Chuya từ khi còn ở Kyoto năm 1924. Đến năm 1925 khi Nakahara đưa nàng lên Tokyo thì quen biết và rồi sống chung với nhà phê bình Kobayashi Hideo. Khi nàng bị Kobayashi bỏ rơi, Naka- hara quay lại mong nối lại tình cũ nhưng không được chấp nhận. Mối tình tay ba nổi tiếng này cũng đã đi vào lịch sử văn học Nhật Bản. Thời kỳ này Nakahara viết nhiều thơ ca yêu đương mà “Mùa thu mù” này là một minh chứng tiêu biểu. Bài thơ cho ta thấy sự tuyệt vọng cùng cực của Nakahara, cắn chặt răng đứng trước bờ đoạn nhai tuyệt bích mà chìm vào đáy tuyệt vọng. Một bài thơ đớn đau, một bài thơ như mửa máu. Có một tứ thơ gợi nhớ Phạm Hầu “đưa tay ta vẫy ngoài vô tận, chẳng biết xa lòng có những ai”…
Hoàng Long (dịch và giới thiệu từ nguyên tác Nhật ngữ)




NAKAHARA CHUYA


Mùa thu mù

I.
Gió dựng và sóng thét gào
Đưa tay tôi vẫy trước vô tận


Lúc ấy tôi nhìn thấy một đóa hoa nhỏ màu đỏ
Nhưng rồi cũng sẽ rã nát màu phai

Gió dựng và sóng thét gào
Đưa tay tôi vẫy trước vô tận


Tôi đã bao lần than thở vô tình
Khi nghĩ mình sẽ chẳng bao giờ quay trở lại

Trong huyết quản cứng cáp tuổi thanh xuân
Đã tuôn chảy quá nhiều hoàng hôn và hoa loa kèn đỏ

Yên lặng, rực rỡ kiêu sa
Như nụ cười cuối cùng của người đàn bà gửi lại

Nghiêm trang, phong nhiêu, buồn bã
Khác thường, ấm áp, chói ngời còn lại trong lòng tôi

A, còn lại trong lòng tôi….

Gió dựng và sóng thét gào
Đưa tay tôi vẫy trước vô tận


II.
Rồi điều này sẽ ra sao? Điều kia sẽ thế nào?
Sao cũng được.


Điều này có nghĩa chi? Điều kia có nghĩa gì
Tôi lại càng mặc kệ.


Con người chỉ biết dựa vào mình thôi
Còn lại hãy phó mặc tất cả

Hãy để yên mọi chuyện như chúng là…

Nương tựa vào mình, nương tựa mình, nương tựa mình, nương tựa mình
Chỉ như thế mới khiến con người không phạm lỗi

Thản nhiên, vui vẻ yên lặng như bó rơm
Lấp đầy nồi hơi bằng sương mù buổi sáng, bước chân nhảy bẫng lên cũng được thôi

III.

Thánh mẫu Maria của tôi ơi
Tôi đã ho mửa máu


Người không nhận lấy ân tình tôi
Nên giờ đây tôi ngập ngụa trong vũng lầy tuyệt vọng

Dù tôi cũng chẳng ngoan hiền gì
Dù tôi cũng chẳng mạnh mẽ


Rất tự nhiên tôi yêu em
Em cũng yêu thương tôi vậy mà…

A, Thánh mẫu Maria của tôi ơi
Bây giờ ta chẳng thể làm gì được nữa
Ít nhất chỉ cần em biết điều này


Yêu tự nhiên, yêu người rất tự nhiên đâu phải lúc nào cũng có
Khi biết được điều này sẽ chẳng ai tha thứ cho em đâu


IV.
Ít ra khi tôi chết
Người con gái đó sẽ mở lòng với tôi chăng
Khi ấy đừng đắp mặt bằng phấn trắng

Khi ấy đừng trang điểm mặt bằng phấn trắng

Chỉ lặng lẽ mở lòng ra thôi
Hãy để chiếu xạ vào đôi mắt tôi
Đừng nghĩ gì cho tôi cả

Xin đừng nghĩ điều gì cho tôi

Chỉ xin em kìm những giọt nước mắt lã chã
Và hãy thở ấm áp mà thôi

Nhưng nếu như nước mắt có rơi

Xin hãy cúi mặt trên người tôi
Và hãy giết tôi đi cũng được
Nếu em làm như thế

trên con đường khúc khuỷu chốn hoàng tuyền
Tôi sẽ rất hân hoan


(SH299/01-14)








 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Trở về (16/01/2014)