Tạp chí Sông Hương - Số 299 (T.01-14)
Công trình nghiên cứu “Kinh Thành Huế: Địa danh” của tác giả L. Cadière đăng trên Bulletin des Amis du Vieux Hué, 1933 (Tập san “Những người bạn Cố đô Huế”) - những đối sánh qua khảo sát một vài phường xưa ở Thành nội Huế
11:04 | 08/02/2014

HỒ VĨNH

Công trình nghiên cứu “Kinh Thành Huế: Địa danh” của tác giả L. Cadière đăng trên Bulletin des Amis du Vieux Hué, 1933 (Tập san “Những người bạn Cố đô Huế”) - những đối sánh qua khảo sát một vài phường xưa ở Thành nội Huế
Bản đồ số XXXII. Các phường ở kinh thành Huế (Theo Léopold Cadière, Kinh thành Huế: Địa danh, bản dịch, bản đồ số 32, địa phận phường Phú Nhân, Nxb. Đà Nẵng, 1996

Như bài trước đã trình bày (xem Tạp chí Sông Hương số 294, tháng 8.2013) về địa phận phường Vĩnh An. Nay tôi công bố tiếp bài địa phận phường Phú Nhân (Nhơn). Phường này tác giả L.Cadière đã định danh bằng các chữ số như sau:

- “167bis. Địa phận phường Phú Nhơn.

Phường này được giới hạn, phía bắc bởi Ngự Hà, phía tây bởi đường Lục Bộ, con đường chia ranh giới giữa phường này và phường Trung Hậu; phía nam bởi phường Trung Tích (số 210), ở phía đông bởi kênh Ngự Hà và phường Vĩnh An (số 125).

- 112: Thường Thanh viên có nghĩa là vườn có màu xanh tươi cây lá thường hằng. Ngày xưa, vườn nằm trên địa phận phường Phong Dinh cũ. Về sau gọi phường này là phường Phú Văn, nay gọi là phường Phú Nhơn. Vào năm Minh Mạng thứ 17 (1836), nhà vua hạ chỉ dụ cho lập vườn này. Ở chính giữa vườn có Hòa Cảm Đường. Tại đây là nơi nhiều hoàng tử, con trai vua Minh Mạng, nhất là vua Thiệu Trị sau này đến để học tập.

- 113: Tàng Thơ Lâu - Nơi chứa những giấy tờ lưu trữ của nhiều bộ khác nhau trong triều đình An-nam. Kiến trúc này có lẽ được xây dựng vào năm Minh Mạng thứ 6 (1825). Nhưng niên đại này cũng nên xem xét lại. Vì có thể đây là năm khánh thành cũng nên. Dù thế nào đi nữa thì Tàng Thơ Lâu cũng phải xây xong trước ngày 15/11/1824. Lầu này thuộc về đất Phong Dinh cũ.

- 114: Diêm Tiêu khố - tức là kho thuốc súng, tên gọi chính thức của kho thuốc súng này là “Hỏa dược diêm tiêu khố”. Ngày xưa, kho được xây ở giữa hồ Tịnh Tâm, có thể là vào năm 1836; do chỉ dụ của vua Minh Mạng cho xây và chuyển kho thuốc súng này đến chỗ hiện nay thuộc đất phường Phong Dinh xưa. Nhưng niên đại và chính sự kiện này là vấn đề cần lưu ý. Vì từ năm 1822, đã có hai ngôi nhà, một để chứa thuốc súng, một để chứa lưu huỳnh và diêm tiêu. Ngày nay đều đã mất dấu tích.

- 115: Học Hải Trì - tức là Hồ Học Hải. Đây là cái tên chỉ vùng hồ bao quanh Tàng Thơ Lâu. Theo nhiều tài liệu, thì hình như góc này của Kinh thành, xưa kia là một phần của nhánh sông cũ đã bị lấp đi hoặc bị sửa sang lại để tiện việc xây dựng Kinh thành. Vào lúc đầu, chỉ có một cái ao rộng gọi là Bắc Hồ. Dần dần Bắc Hồ bị chia thành nhiều phần khác nhau: trước tiên là Ký Tế Trì, rồi một phần khác nữa gọi là Học Hải Trì bao quanh Tàng Thơ Lâu.

- 116: Mương dẫn nước từ hồ Tàng Thơ sang kênh Ngự Hà.

- 166: Phú Văn thể hồ, tức là hồ trồng rau của phường Phú Văn. Phường ấy hiện nay gọi là phường Phú Nhơn. Tên thông dụng của hồ này là “Hồ rau”.

- 167: Hoàng công phủ đệ, tức là nhà riêng của hoàng tử. Ông hoàng tử ấy đã lên ngôi hoàng đế và đặt niên hiệu là Hàm Nghi. Hoàng Thái hậu của vua Đồng Khánh cũng đã ở đây từ 1885 cho đến 1889. Về sau trở thành tư dinh của vị Tổng tài Quốc Sử quán. Dưới triều Duy Tân, làm nơi ở của Trung quân đô thống, chỗ ấy gọi là Trung quân thự,- sau đó dưới triều Khải Định, làm nơi ở cho vị Tiền quân đô thống…

- 168: Dinh cơ riêng của vị cố Thượng thư Trương Đăng Đản; tước Đông Các tại triều đình Huế. Dinh cơ này nằm trên đất đai phường Phú Nhơn hiện nay.

- 169: Tư dinh của cố Thượng thư Trương Như Cương, tước Văn Minh và làm quan Thượng thư bộ Lại tại triều đình Huế. Dinh nằm trên đất phường Phú Nhơn hiện nay.

- 170: Âm hồn đàn của phường Phú Nhơn”(1).

Theo các di tích đã được L.Cadière định danh bằng chữ số, tôi tiến hành khảo sát thực địa và tham khảo một số tư liệu có liên quan đến phường Phú Nhơn xưa (nay thuộc phường Thuận Lộc) để đối sánh:

- 167bis. Địa phận phường Phú Nhơn.

Theo địa bộ phường Phú Nhơn, bản lập năm 1908 cho biết: “Trước đây nguyên là Thường Thanh, Nhơn Hậu, Phú Văn, nay xin đổi là phường Phú Nhơn. Đông gần đường cái, giáp phường Vĩnh An. Tây gần đường cái, giáp phường Trung Thuận (Trung Hậu) và thành Tịnh Tâm. Nam gần đường cái giáp mặt sau của dinh Thị Lang 3 bộ Binh, Hình, Công. Bắc gần đường cái cũ, giáp Ngự Hà”(2).

Như vậy phường Phú Nhơn theo cấu trúc trên thực địa như bàn cờ, kẻ ô được phân chia ngang dọc có giới hạn trên 6 trục đường. Hai trục đường chạy song song: Đinh Tiên Hoàng và Lê Thánh Tôn. Bốn đường chạy ngang: Mai Thúc Loan, Nhật Lệ, Tịnh Tâm và Lê Văn Hưu.

- 112: Vườn Thường Thanh.

Địa bộ và đồ bản thời Duy Tân cho thấy rõ, năm 1908 vườn Thường Thanh đã bị triệt hạ, chia làm 24 sở và khởi đầu là một điểm tụ cư của quân lính triều đình (lính bảo vệ Kinh thành). Lúc ấy trên đó đã mở hai con đường “Tân khai tiểu lộ” (đường nhỏ mới mở), nay là kiệt 366 giáp lầu Tàng Thơ và kiệt 378 Đinh Tiên Hoàng (Kiệt này chia đôi vườn Thường Thanh, phía Bắc vườn Thường Thanh có con đường, đồ bản gọi là “cựu lộ” (đường cũ). Hiện nay đường ấy là kiệt 390 đường Đinh Tiên Hoàng.

- 113: Lầu Tàng Thơ.

Nơi lưu trữ văn bản của triều đình nhà Nguyễn. Năm 1917 vua Khải Định: “Chuẩn cho phái viên hội kiểm địa bạ ở Tàng Thư lâu. Bộ Hộ tâu nói trong niên hiệu Gia Long, Minh Mạng đã tu chỉnh địa bạ toàn quốc, chia ra giao cho các tỉnh, lại lưu một bản trong thạch thất…”(3).

Qua khảo sát thực địa, lầu Tàng Thơ tọa lạc trên một mặt bằng hình chữ nhật, mỗi bề đo được 45, 30 x 64, 96m, bốn mặt đều xây tường gạch, tường cao 1,77m, dày 0,44m; cổng chính mở về hướng Tây giáp đường Đinh Tiên Hoàng. Hiện nay lầu Tàng Thơ đang xuống cấp trầm trọng, tấm bia đá thanh khắc bài “Tàng Thơ lâu ký”, chúng tôi cất công tìm chưa thấy.

- 114: Đây là kho thuốc súng, xây dựng năm Minh Mạng thứ 19 (1838), lúc ấy có hai tòa nhà, một tòa là kho thuốc súng, một là kho diêm tiêu. Trận bão năm Giáp Thìn (1904) làm hư hại nặng. Năm 1962, Hệ phái Khất sĩ vào lập “Tịnh xá Ngọc Hương”. Theo lời kể của sư cụ trụ trì Giác Cẩm, trước khi xây dựng tịnh xá, nơi đây chỉ còn trơ lại cái nền đất toàn cỏ tranh.

- 115: Hồ Học Hải.

Hiện nay có diện tích 46.906,2m2 (Theo khảo sát của Nguyễn Việt Dũng). Nhưng theo địa bộ thời Duy Tân (bản lập năm 1908) cho biết hồ Học Hải có tên gọi là Tàng Thơ liên hồ (hồ sen Tàng Thơ) với diện tích 5 mẫu 4 sào 1 thước.

- 116: Phía Đông của góc hồ Học Hải có xây một cống cổ để thông nước ra Ngự Hà. Cống xây theo kiểu thức cống vòm, chất liệu xây bằng gạch rất kiên cố, cống dài 12,88m, rộng 3,23m, cao 2,84m.

- 166: Hồ rau Phú Văn.

Hồ có diện tích 7.465,6m2. Hồ ở giữa khu dân cư, bao quanh là các con đường: Mai Thúc Loan, Lê Thánh Tôn, Nhật Lệ, Đinh Tiên Hoàng, thuộc phường Thuận Lộc, thành phố Huế. Bốn mặt hồ đều bị dân cư xâm lấn nhiều, nhưng mặt hồ vẫn còn khá rộng(4).

- 167: Hoàng công phủ đệ.

Hiện nay là khách sạn Điện Biên 2, 164 Mai Thúc Loan, thành phố Huế.

- 169: Tư dinh của cố Thượng Thư Trương Như Cương.

Hiện nay là Nhà Di sản, số 117 Lê Thánh Tôn, thành phố Huế. (do UBND phường Thuận Lộc quản lý)

- 170: Âm hồn đàn phường Phú Nhơn (dân gian gọi là miếu)

Tọa lạc tại ngã tư Mai Thúc Loan - Lê Thánh Tôn. Đây là di tích lịch sử văn hoá gắn sự kiện “Thất thủ kinh đô” 23.5 năm Ất Dậu (5.7.1885). Miếu do chính người dân Huế lập nên từ năm 1895 để tưởng nhớ anh linh chiến sĩ trận vong, nhân dân nạn vong trong biến cố thất thủ kinh đô Huế 1885. Qua hơn 100 năm tồn tại, miếu Âm hồn bị hư hại phải sửa chữa nhiều lần, đến tháng 8.2012 thì được trùng tu với kinh phí trên 240 triệu đồng cũng từ công của đóng góp của người dân(5).

* Bổ sung một số di tích thuộc địa phận phường Phú Nhơn.

Năm 1933, tác giả L.Cadière công bố công trình nghiên cứu Kinh thành Huế: Địa danh. Trong công trình này, tác giả đã khảo sát 10 phường ở nội thành Huế trong đó có phường Phú Nhơn. Tuy nhiên khi tôi khảo sát thực địa tại địa bàn phường Phú Nhơn thì phát hiện có hai di tích không thấy tác giả L.Cadière đề cập đến. Nay tôi xin bổ sung thêm:

1. Đình phường Phú Nhơn

Hiện tọa lạc tại số 276, Đinh Tiên Hoàng, thành phố Huế. Đình Phú Nhơn hiện còn hai tấm bia được dính liền vào tường thành của tòa nội đình. Mảng văn bia ghi rõ lai lịch đình Phú Nhơn có một tòa 3 gian, bia bên trái khắc dòng chữ Hán “Hoàng triều Khải Định vạn vạn niên chi tứ, thập nguyệt sơ nhất nhật đề” (bia đề ngày mồng 1 tháng 10, năm Khải Định thứ 4 (1919), đồng thời hai tấm bia có khắc ghi tên 91 người tự nguyện đóng góp của tiền (đủ mọi giai tầng: quan lại, viên chức, lính tráng, nhân dân phường Phú Nhơn).

2. Hồ Nhân Hậu (Nhơn Hậu)

Hồ được bao bọc bởi 4 đường: Tịnh Tâm, Lê Thánh Tôn, Nhật Lệ, Đinh Tiên Hoàng thuộc phường Thuận Lộc. Theo địa bộ phường Phú Nhơn(6) cho biết hồ Nhơn Hậu có diện tích 2 mẫu 6 sào 5 thước 4 tấc. Qua khảo sát đây là một trong những hồ bị lấn chiếm nhiều nhất. Bảng so sánh diện tích đất quanh hồ của Ủy ban nhân dân phường Thuận Lộc năm 1998 cho biết hồ bị lấn chiếm trên 1.600m2, trong đó có một số hộ lấn chiếm từ 70-80m2. Đến tháng 04/2004, hồ Nhơn Hậu có 38 hộ lấn chiếm với diện tích lên đến 2.253m2. Như vậy, sau 7 năm, thêm 653m2 diện tích mặt hồ bị lấn chiếm(7).

Trước đây khai thác chức năng yếu tố mặt nước ở các hồ Nội thành rất có hiệu quả. Mặt hồ như tấm gương lớn, soi bóng những bước thăng trầm lịch sử vùng đất cố đô. Nhưng hiện nay, chúng tôi thật đau lòng khi thấy hệ thống ao hồ ở Thành nội ngày càng biến dạng; âm thanh tĩnh lặng của mặt nước đã bị xáo động bởi quá trình đô thị hóa.

H.V
(SH299/01-14)

----------------------
1. L.Cadière, Kinh thành Huế: Địa danh, Những người bạn cố đô Huế; B.A.V.H, tập XX, 1933, bản dịch Hà Xuân Liêm, hiệu đính Nhị Xuyên, NXB Thuận Hóa, Huế, 2006, tr. 146-148, 160-161. Xem thêm bản tiếng Pháp, Léopold Cadière, La Citadelle de Hué: Onomastique, Bulletin des Amis du vieux Hué, 20e Année N03 1-2, Janvier - Juin, 1933, pp.95-97, 107-108.

2. Nguyên văn chữ Hán: Nhất nguyên Phú Văn, Nhơn Hậu, Thường Thanh, tư thỉnh cải vi Phú Nhơn phường, Đông cận đại lộ, giáp Vĩnh An phường, Tây cận đại lộ, giáp Trung Thuận phường tịnh Tịnh Tâm thành, Nam cận đại lộ, giáp Binh, Hình, Công tam bộ Thị Lang đường hậu diện, Bắc cận cựu đại lộ giáp Ngự Hà.

3. Quốc Sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục chính biên Đệ thất kỷ, Cao Tự Thanh dịch và giới thiệu, NXB Văn hoá - Văn nghệ Tp. Hồ Chí Minh, 2012, tr.135.

4. Nguyễn Việt Dũng, “Ngự Hà và hệ thống hồ ao trong Kinh thành - số liệu từ công tác khoanh vùng bảo vệ di tích”, Kỷ yếu Hội thảo: Sự hình thành và vai trò của hệ mặt nước Kinh thành Huế, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, 2007, tr.125.

5. Lê Công Doanh, “240 triệu đồng trùng tu Miếu Âm hồn tại Huế”, báo Thanh Niên, 2/07/2013, tr. Nhịp sống miền Trung.

6. Địa bộ phường Phú Nhơn (bản chữ Hán) lập năm 1908, tờ 2B.

7. Bích Thủy, “Chỉnh trang hồ trong Nội Thành - đừng để quá muộn”, báo Thừa Thiên Huế, 25/3/2005, tr.1-2. Xem thêm Hồ Vĩnh, “Một số thông tin về tình trạng ao hồ ở Thành nội Huế”, Kỷ yếu Hội thảo: Sự hình thành và vai trò của hệ mặt nước Kinh thành Huế, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, 2007, tr.52.








 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Mùa thu mù (22/01/2014)