TRÊN TIẾN TRÌNH XÂY DỰNG THỪA THIÊN HUẾ TRỞ THÀNH THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG
LÊ VĂN LÂN
Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương là điều cả tỉnh đang quyết tâm phấn đấu. Đất rộng người thưa, thành phố lớn có nhiều thuận lợi để xây dựng một đô thị mở, một thành phố sinh thái, một thành phố văn hóa, một thiên đường nghỉ dưỡng của đất nước. Có thể nói những “mĩ từ” của một đô thị hiện đại Huế đều có điều kiện thực hiện. Vấn đề đặt ra là thành phố lớn phát triển như thế nào trong điều kiện nguồn lực có hạn, phát triển như thế nào để không “nóng”, đô thị càng phát triển, chất lượng sống của người dân ngày càng được nâng cao. Huế phải luôn luôn mới, ngày càng thu hút và hấp dẫn du khách, mới là điều đáng nói. Đây là những vấn đề cần được nhìn nhận một cách khách quan và khoa học, phải được đặt lên bàn các nhà lãnh đạo, phải huy động trí tuệ của các nhà khoa học, các nhân sĩ trí thức, các nhà văn hóa và người dân vào cuộc. Nói chung, đô thị không thể phát triển theo kiểu cũ mà phải bằng một tầm nhìn mới.
Từ thành phố cũ…
Manh nha thành phố lớn khởi đầu từ thành phố cũ. Thành phố cũ là thành phố hiện nay với một quỹ kiến trúc vô giá, từ kiến trúc cung điện đền đài lăng tẩm, những phố cổ, chùa chiền - nhà thờ… tất cả hòa quyện cùng sông Hương, núi Ngự, đồi Vọng Cảnh, Thiên An theo một tỉ lệ vàng mà nhiều chuyên gia đánh giá. Mọi người ngày càng nhận ra rằng thành phố lớn hấp dẫn trước hết là ổn định đô thị cổ này. Đây cũng chính là điều gây nhiều tranh cãi trong thời gian qua trong phát triển đô thị ở Huế. Người ta lo ngại không gian đô thị cũ bị phá vỡ, nhiều giá trị của đô thị cũ sẽ ngày càng mai một bởi sự phát triển tự phát.
Tất nhiên, để ổn định đô thị cũ không phải là điều dễ dàng, phải giải quyết hàng loạt các vấn đề do hậu quả của chiến tranh cũng như của phát triển đô thị mang lại. Trước hết và hàng đầu đối với đô thị cũ là vấn đề thoát nước và xử lý nước thải. Một thành phố vàng nhưng mới mưa đã lụt là điều không thể chấp nhận được, thành phố trở nên nhếch nhác làm phai mờ hình ảnh Huế trong con mắt của du khách. Trong lúc đó, Huế có điều kiện trong xử lý thoát nước bởi sông ngòi chằng chịt, triều cường không ảnh hưởng… Chỉ cần một vài trục thoát nước lớn và khơi thông các dòng sông là có thể giải quyết tình hình này. Thực tế cho thấy thời gian qua tỉnh và thành phố đang trông chờ những dự án lớn, tất nhiên nhưng dự án lớn là cần thiết nhưng những gì trong tầm tay là phải tính toán, hình ảnh những lô cốt ở thành phố Hồ Chí Minh là bài học đắt giá nếu chúng ta không muốn đi vào bánh xe cũ (xử lý rất phức tạp và tốn kém). Có thể nói thoát nước là vấn đề ưu tiên hàng đầu đối với đô thị cũ sau đó mới tính đến việc xử lý nước thải. Chậm chân ngày nào trả giá càng lớn chừng đó.
Vấn đề còn lại là phải giãn dân, giãn dân bảo đảm cho sự ổn định của đô thị cũ. Để giãn dân được đòi hỏi phải có những giải pháp đồng bộ, có định hướng rõ ràng trong phát triển kinh tế xã hội, có những chính sách cụ thể. Ngay ở 4 phường Nội thành việc giãn dân đã được đặt ra từ lâu, các cơ sở sản xuất được di dời, dân cư ở các khu di tích được giải tỏa, diện tích đất ở được quy định nghiêm ngặt, nhà ở không quá 2 tầng… nhưng thực tế dân cư ở đây không giảm mà còn gia tăng. Giãn dân làm sao được khi ở đây nhà vườn biến thành nhà ống, nhà phố, trở thành những phố đồ bành, phố xe bãi nhếch nhác… Trong một phạm vi hẹp như vậy mà đã có đến 3 trường cấp 3, 3 cơ sở đại học. Khu vực Thành nội lẽ ra nên mở rộng các phố đi bộ thì chiều hướng diễn ra ngược lại, ngay cả việc cấm xe có trọng tải lớn hoạt động cũng không giải quyết nổi.
Đô thị trung tâm
Thấy rõ tầm quan trọng và giá trị to lớn từ ổn định đô thị cổ, Kết luận 48 của Bộ Chính trị nhấn mạnh đến diện mạo của đô thị trung tâm. Đô thị trung tâm được đặt ra trong tầm nhìn mới, thông thoáng hơn gồm Huế - Bình Điền - Tứ Hạ - Thuận An - Phú Bài. Xác định này sẽ giải tỏa nhiều áp lực lên đô thị cổ, tạo nên sự chuyển dịch đô thị theo chiều hướng hình thành các cực phát triển ở đô thị trung tâm mà mỗi cực là những trung tâm đô thị mới. Những trung tâm đô thị mới sẽ là những đô thị mở về du lịch, dịch vụ, đại học, tài chính… Những trung tâm đô thị mới có thể ban đầu còn manh mún, nhưng là manh mún trong một trật tự, những người đi sau còn tiếp tục phát triển theo nhu cầu của thời đại mình tạo nên một sự hoàn chỉnh. Lý lẽ này càng lúc càng rõ ràng nhưng chưa được những nhà hoạch định bàn thảo một cách nghiêm túc, khoa học.
Đô thị trung tâm sẽ phát triển như thế nào? Có lẽ đây là vấn đề chưa được thảo luận rạch ròi và ngày càng bối rối trước đòi hỏi của tình hình và trong chừng mực nào là sự nôn nóng. Đối với đô thị cũ ưu tiên là hệ thống thoát nước và xử lý nước thải, là giãn dân. Những trung tâm đô thị mới là phải hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Hạ tầng ở đây không chỉ mở đường mà cả hệ thống thoát nước và xử lý nước thải, ngầm hóa hệ thống đường điện, hệ thống giao thông công cộng, hệ thống giao thông tĩnh, hệ thống cấp nước sạch, cấp hơi đốt… Tất nhiên với nguồn lực như hiện nay, không thể tiến hành ngay một lúc mà phải có lộ trình, có bước đi phù hợp để những bước đi sau không phá vỡ cái đi trước và bó tay trước việc đền bù giải tỏa.
Việc phát triển đô thị hiện nay trên cả nước vẫn là mở đường, chia lô, vẫn theo phương châm “đổi đất lấy hạ tầng”. Đường phố vừa làm xong đã trở nên chật chội, đường phố bị rào kín bởi nhà phân lô hai bên. Mật độ dân số không cao nhưng ở đâu cũng thiếu sự thông thoáng, vẫn bế tắc trong tình trạng mới mưa đã ngập. Nhìn chung đô thị nào cũng na ná như nhau, cũng trong xu thế phát triển “nóng”. Đối với Huế có lẽ phương châm này lại càng không phù hợp. Có người cho rằng đối với đô thị trung tâm việc phát triển đô thị nên theo hướng chuyển dịch đô thị nên theo các cực, với phương châm đổi “cơ quan lấy cơ quan” để hình thành những trung tâm đô thị mới. (Phương châm này lâu nay cũng đã làm nhưng chỉ luẩn quẩn chung quanh đô thị cũ thiếu sự định hướng rõ rệt). Tất nhiên trong điều kiện nguồn lực có hạn thì tốc độ phát triển có thể bị chậm lại, nhưng chậm mà vững chắc, bảo đảm tính bền vững. Bộ mặt đô thị sẽ ngổn ngang, nhưng ngổn ngang theo xu hướng đi dần vào trật tự, ngổn ngang của một đô thị văn hóa, sinh thái trong tương lai.
Vấn đề hàng đầu hiện nay đối với đô thị trung tâm là công tác quy hoạch. Quy hoạch đô thị trung tâm không phải là một bài toán cộng gồm quy hoạch thành phố cộng với quy hoạch Hương Trà, Hương Thủy, Phú Vang. Bài toán cộng như vậy dễ dẫn tới rối loạn quy hoạch, không thể mạnh ai nấy làm thiếu sự kết nối và đồng bộ. Đô thị trung tâm là một đô thị đa cực, ví dụ ở phía đông thành phố từ khu nước nóng Mỹ An đến thị trấn Thuận An có thể hình thành một trung tâm đô thị dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng chất lượng cao, trung tâm hội nghị quốc tế, trung tâm mua sắm. Phía Nam Huế là trung tâm đại học, khu công nghiệp phần mềm, các trung tâm nghiên cứu, các cơ sở đào tạo công nghệ kỹ thuật cao… Dành một quỹ đất thích đáng cho giao thông, hệ thống giao thông tĩnh cũng như không gian dự trù cho phát triển sau này, trước mắt xây dựng các công viên trồng cỏ, về tương lai đây là những mảnh đất vàng, nếu không là một sự nhếch nhác. Tất nhiên một quy hoạch tốt là một quy hoạch được người dân đồng thuận hưởng ứng, người dân tham gia vào quá trình xây dựng quy hoạch cũng như đóng góp công sức của mình thực hiện quy hoạch. Đời sống kinh tế người dân tăng lên nhờ chính sách thu hồi đất, mặt khác quy hoạch cũng bảo đảm cho người dân có đời sống khá hơn khi tham gia thực hiện quy hoạch, có nhiều cơ hội hơn trong tìm kiếm việc làm, phát triển sản xuất dịch vụ.
Vùng ven đô
Xác định đô thị trung tâm cũng chính là xác định vùng ven đô. Vùng ven đô là nơi vừa có các đặc trưng của nông nghiệp nông thôn vừa có các hoạt động mang tính chất đô thị. Vùng ven đô không tồn tại độc lập mà nằm trong một miền liên thông nông thôn - ven đô - đô thị. Ven đô là nơi cung cấp thường xuyên lâu dài lương thực thực phẩm, nguồn nguyên liệu và lao động cho đô thị, và ngược lại đô thị tạo ra thị trường tiêu thụ, tạo cơ hội việc làm và nơi ở cho người dân từ nông thôn đến thành thị, hạn chế sự di động nhân lực từ nông thôn và nội thị.
Ngày mới giải phóng, khi nói đến vùng ven đô người ta thường nghĩ đến vành đai xanh thành phố. Điều này đến nay vẫn còn nguyên giá trị nhưng tiếc rằng chúng ta chưa suy nghĩ nhiều về nó. Vùng ven đô phải là nơi cung cấp rau sạch, gạo ngon, hoa, sản phẩm thủ công mỹ nghệ cho đô thị trung tâm. Nói chung là đặc sản về thực phẩm sạch cho Huế. Về chợ đầu mối và các chợ trong thành phố hàm lượng nông sản và đặc sản sạch của Huế còn rất khiêm tốn trong khi nhu cầu thì rất lớn. Vừa qua chúng ta đã triển khai nơi này trồng hoa, nơi kia trồng rau sạch, nơi nọ nuôi thú rừng… nhưng nhìn chung còn đang tản mát và tự phát, còn mang tính tự cung tự cấp, chưa trở thành hàng hóa. Mặt khác, vùng ven đô cũng là nơi phát triển các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Điều này cho thấy, nếu nghiên cứu kỹ và tổ chức tốt việc phát triển kinh tế xã hội vùng ven đô, phát huy mặt tích cực, hạn chế mặt tiêu cực sẽ làm cho hoạt động kinh tế ở đây trở nên sôi động và trong chừng mực nào đó là một điểm đến hấp dẫn của du khách.
L.V.L
(SH300/02-14)