Tạp chí Sông Hương - Số 29 (T.1&2-1988)
Con rồng trong mỹ thuật Huế
14:45 | 26/02/2014

HUỲNH HỮU ỦY

Rồng là một hình tượng hết sức phổ biến, đặc biệt gắn liền với Lân, Qui, Phượng trong đồ hình tứ linh trong nghệ thuật trang trí cổ.

Con rồng trong mỹ thuật Huế
Hình vẽ trích trong sách "L'art à Huế" của Léopold Cadière

Công trình khảo sát về sử mỹ thuật trong vòng ba mươi năm qua đã xác định được phần nào tiến trình hình thành của nền mỹ thuật dân tộc. Trong tất cả cái chung ấy, hình ảnh con rồng cũng có những định hình riêng và cũng đã biến chuyển, thay đổi tùy vào từng thời kỳ của lịch sử. Chúng ta đã tìm thấy sự khác biệt của những con rồng đời Lý, Trần, Lê, Nguyễn.

Thuộc hệ thống văn hóa Đông Nam Á, nằm giữa hai nền văn minh lớn Hoa Ấn cổ đại, đất nước ta đã tiếp nhận nhiều ảnh hưởng đến từ hai vùng này tuy nhiên có một điều khá đặc sắc là sự tiếp nhận chỉ có tính cách giao lưu văn hóa, vừa tiếp thu vừa biến đổi với một năng lực bản - địa - hóa rất cao.

Rất dễ hiểu khi nhận ra trong hình dáng con rồng Việt Nam nhiều vết tích của con rồng Trung Hoa và con MaKaRa trong huyền thoại và nghệ thuật tạo hình Ấn Độ.

Con rồng là biểu tượng của những ước mơ phồn thực, của phong đăng hòa cốc của những cư dân trồng lúa nước, trên lưu vực các con sông lớn từ Trung Hoa qua vùng Đông Nam Á sang đến tận Ấn Độ, cho nên không thể nào loại bỏ bóng dáng vật linh trong tín ngưỡng của người Việt cổ tác động vào đây. Là con rồng tô tem của giòng giống con rồng cháu tiên như tổ tiên chúng ta đã tự xác định mình trong buổi bình minh hoang sơ đầu tiên của lịch sử đất nước. Nhưng càng về sau, khi các triều đại phong kiến thiết lập đã vững chắc, con rồng dần dà trở thành biểu tượng của vương quyền trong xu hướng áp đặt một số cảm quan và ý thức cơ bản của cộng đồng vào con đường chính thống.

Từ hình ảnh một con vật thần thoại của nhân dân, rồng trở thành độc quyền của nhà vua và con rồng được mô tả là loài rắn có sừng nai và chân, vảy có năm sắc, đầu lạc đà, mắt quỉ, tai bò, cổ rắn chân cọp, móng chim ưng, bụng cá sấu. Rồng dùng sừng làm thính giác, trên lưng lại có 81 cái vảy (81 tức 9x9 là số cực dương). Rồng là loài vùng vẫy dưới nước, lại có thể theo các vầng mây mà bay lên, tung lượn trên bầu trời và phun các cơn mưa tưới rải xuống đất đai, mang lại ơn mưa móc lớn nhất cho con người trong những xứ sở chuyên canh lúa nước.

Vì rồng là biểu tượng của vương đế, nên khi nói:

Đền Rồng có nghĩa là đền vua
Ngai Rồng: Ngai vua ngự
Bệ Rồng: bệ vua ngự
Thuyền Rồng: thuyền vua ngự
Hội rồng mây: hội vua tôi gặp gỡ v.v...

Lật lại trang sử cũ, chúng ta còn nhớ dưới Triều Lý, sau bao nhiêu gian lao, khổ ải và những đêm dài tăm tối ngoại thuộc, năm Thuận-Thiên Nguyên niên (1010), thủ đô của cả nước được dời về một vị trí phía hữu ngạn sông Hồng, rực rỡ dưới ánh sáng độc lập, tự chủ vùng đất trung tâm của Tổ quốc lại mang cái tên hùng vĩ nhưng cũng đầy thi vị và kiều diễm là Thăng Long thành. Với tên hiệu ấy, con rồng càng chứa đựng một ý nghĩa lớn lao hơn, là hình ảnh tượng trưng của toàn dân tộc, và trên hết, nó đồng hóa vào uy lực cao nhất của đế quyền.

***

Con rồng thời Lý đã đạt đến một hình thức nghệ thuật phổ biến và độc đáo, mang hình một con rắn dài, uốn lượn nhiều vòng rất mềm mại, uyển chuyển trên bốn chân chim, mình không có vảy to, đầu không có tai và sừng, hình ảnh trên đã trở thành ký hiệu để xác định niên đại một cách chính xác, ổn định. Một số nhà nghiên cứu sử dụng thuật ngữ rồng hình dun hoặc rồng hình dây để chỉ đến con rồng này.

Con rồng thời Trần đã hơi khác, cái đầu lớn hơn, râu và tóc rõ hơn, thêm sừng và tai, thân mình uốn khúc mạnh chân đạp vững chãi, vảy trên thân mình rõ nét và đôi khi có vẩy trên lưng, trông rất uy nghi, đường bệ.

Không bao lâu, chỉ sau thời Lý khoảng ba thế kỷ, con rồng thời Lê sơ đã chuyển hóa mạnh, chịu nhiều ảnh hưởng của con rồng phong kiến phương Bắc, vẻ dữ tợn, đầu to, sừng có chạc, có sống lưng, vây lưng và lông gáy tủa mạnh, chân xòe năm ngón, móng quặp lại. Cần để ý đến điểm này, đây là thời kỳ cực thịnh của nho giáo tại nước ta, và chắc chắn con rồng là biểu tượng nghiêm ngặt của nhà vua cho nên ngay cả trên các bia tiến sĩ tại Văn Miếu Hà Nội, chúng ta cũng không thể nào tìm thấy bóng dáng con rồng, mà thay vào đó là những cụm mây, dây hoa lá và sóng nước những đợt sóng thường và cả những đợt sóng bạc đầu vươn cao(1).

Gần gũi với chúng ta là mỹ thuật thời Nguyễn, tuy rằng trải qua nhiều biến cố và chịu đựng khá nhiều bão táp thời đại, đã để lại một di sản văn hóa vật chất đồ sộ là kinh thành Huế và những lăng tẩm với vẻ mặt bên ngoài gần như nguyên vẹn. Trên những di tích ấy, chúng ta cũng sẽ nhận ra rằng con rồng thời Nguyễn vẫn chỉ là con rồng thừa kế của mỹ thuật dân tộc từ nhiều thế kỷ trước, có lẽ là một tổng hợp thể của những con rồng chúng ta gặp phải trên đất Bắc từ khoảng thế kỷ thứ X trở lại có khi là con rồng mình rắn đời Lý, có khi là con rồng mình thú đời Trần hay đời Lê.

Con rồng ở Huế, tất nhiên cũng là tượng trưng của vương quyền nhưng có lẽ không nghiêm ngặt như những thời đại trước. Thời Lý, hình rồng chỉ được chạm khắc nơi nhà vua ở (kinh đô Thăng Long) hoặc các nơi nhà vua thường qua lại (hành cung). Thời Lê sơ, mức độ nghiêm ngặt đạt đến điểm cao nhất… Nhưng đến thời Nguyễn, chúng ta dễ dàng tìm thấy hình ảnh con rồng ở khắp nơi, ngoài các cung điện và lăng tẩm và chủ yếu, còn gặp thấy nơi các đình, chùa miếu, vũ. Ngay ở các tư gia, nơi các nhà vỏ cua, nhà rường chạm trổ, rồng là mô thức trang trí đầu cột, đầu xà. Và trên các vật dụng thường dùng như đồ gỗ, đồ sành sứ, đồ thêu, trên các tranh thờ, hay trong các khu vườn lặng lẽ, tịch mịch, thơ mộng, những cây cảnh nhuộm vẻ cổ kính, rêu phong đôi lúc hóa thân thành một con rồng đang vươn mình uốn lượn do bàn tay khéo léo uốn nắn cùng tấm lòng của chủ nhân phả hơi thở vào.

Hình vẽ trích trong sách "L'art à Huế" của Léopold Cadière


Con rồng trong mỹ thuật Huế, nhìn chung có những điểm chính: sừng dài có chạc, mắt lồi dữ tợn, vẩy mọc khắp mình, râu và bờm xồm xoàm, vây lưng chạy dọc dài suốt mình từ cổ đến đuôi, móng sắc nhọn mạnh mẽ, đuôi xoáy hình trôn ốc.

Như chúng ta đã biết con rồng là tượng trưng của các bậc đế vương, trong trường hợp này chân nó có 5 ngón với móng vuốt sắc vươn ra hay quắp lại rất vững chắc. Trong những trường hợp khác, khi con rồng xuất hiện mà không phải là dấu hiệu của nhà vua, chân rồng chỉ có bốn vuốt mà thôi. Chính vì thế, khi gặp một cổ vật bằng sành sứ, áo thêu, tranh tượng, những đồ gỗ chạm trổ như sập gụ, tủ chè mà có dấu vết con rồng năm móng, chúng ta khẳng định được ngay đấy là những đồ ngự dụng, được chế ra để dành riêng cho nhà vua dùng.

Trong sinh hoạt chung của nhân dân ta, chứ không phải chỉ thuộc riêng vùng cựu kinh Huế, con rồng còn là tượng trưng cho người đàn ông, người chồng, ngược lại là con phượng tượng trưng cho người đàn bà, người vợ. Thơ ca dân gian vẫn thường nhắc đến ẩn dụ này. Vào những dịp cưới xin, cùng với dấu hiệu song hỷ tượng trưng cho hạnh phúc lứa đôi, chúng ta còn có thêm hình hai con rồng - phượng đang vui đùa múa lượn cùng nhau, trên những tấm pan-nô bằng gỗ chạm, hoặc bằng hoa lá kết lại trang trí trước ngõ vào, hoặc trên những bức trướng thêu rực rỡ với nền gấm hay vải đỏ điều những đường kim tuyến vàng óng ả cùng với những màu ngũ sắc khác, rất ấm cúng, trang trọng vui tươi.

Nơi mỹ thuật trang trí Huế, con rồng hiện ra trong nhiều kiểu thức khác nhau.

Có khi nó được thể hiện theo lối nhìn thẳng, không phải toàn thân mà chỉ có hình khuôn mặt với hai chân trước đưa ra hay uốn cong lên, ngay giữa đỉnh trán có một chữ Vương hay chữ Nhâm. Kiểu này, ở Huế vẫn gọi là mặt rồng hay mặt nả. (một từ cổ đến đầu thế kỷ vẫn còn thông dụng). Cũng tương tự như thế, đôi khi trong miệng rồng lại ngậm thêm một chữ thọ đã biến cách, rõ ràng mang ý nghĩa của một lời chúc phúc, an khang, trường thọ. Đồ hình này được quen gọi là Long hàm thọ hay con rồng ăn chữ thọ. Hai đồ hình mặt nảLong hàm thọ thường được thể hiện thành phù điêu trang trí đầu chái nhà các chùa chiền, dinh thự.

Nhưng thường thì con rồng được khắc chạm hay đắp toàn thân đang uốn khúc, như trên vị trí các thành bậc. Do yêu cầu trình bày đăng đối, hai bên các bậc cấp, bao giờ cũng là hai con rồng trong tư thế và dáng dấp hoàn toàn giống nhau. Cũng chỉ là con rồng ấy, đôi lúc lại biến dạng đi, những chi tiết về sừng, vây, bờm, râu, đuôi, vẩy, biến đổi một cách nhẹ nhàng, bay bướm, trở thành những mảng hoa văn lớn gần như những cụm mây, nhờ thế làm giảm đi vẻ nặng nề, dữ tợn, khắc nghiệt của con rồng phong kiến cố hữu. Trên bậc cấp của những cung điện trong hoàng thành và các lăng tẩm, chúng ta bắt gặp những hình rồng như thế khắp nơi.

Một kiểu thức rất quen thuộc là Lưỡng long triều nguyệt, tức hai con rồng tranh giành mặt nguyệt. Hai con rồng đối mặt nhau, ở giữa là một khối cầu tròn bốc lửa. Quả cầu bốc lửa tượng trưng cho những tia sấm sét chớp nhoáng trên bầu trời, mà tiếp theo hiện tượng này bao giờ cũng là những cơn mưa rào đổ xuống. Hai con rồng tượng trưng cho thần nước, thần mưa, những vị vua ở thủy cung, nói chung nó biểu lộ ước muốn cầu vũ, lòng mong muốn pha nhiều tính chất huyền hoặc về một cuộc sống mưa thuận gió hòa, lúc nào đất đai cũng được tưới tắm nhuần nhụy tươi mát, là giấc mơ tuy bình dị nhưng có lẽ cũng thấm sâu nhất của những cư dân trồng lúa nước.

Đồ hình Lưỡng long triều nguyệt thường thực hiện bằng chất liệu pháp lam, hay được gắn bằng sành sứ trên nóc các cung điện hay đình, chùa, miếu, vũ. Thường khi cũng được đục chạm trên các pan-nô trang trí, hay trên các vật dụng thường dùng như riềm sập gụ, giường nằm, tủ trà hoặc các đồ gỗ khác.

Một kiểu khác, tương tự kiểu trên là Lưỡng long tranh châu: hai con rồng đang tranh giành nhau một khối ngọc. Hơi khác đồ hình trên một chút, quả cầu thường nhỏ hơn và không bốc lửa.

Ngoài đồ hình Lưỡng long triều nguyệt, Lưỡng long tranh châu, tuy hiếm hoi hơn nhưng chúng ta cũng thấy được thêm một thể dạng tương tự khác nữa là đồ hình rồng chầu mặt trời. Như hình tạc trên bia đá chùa Linh Mụ, được dựng năm Vĩnh Thạnh thứ 11 (1715) đời Lê Dũ Tôn.

Con rồng còn được thể hiện chỉ một mình nó, hiện ra nguyên vẹn giữa những đám mây hay những lưỡi lửa. Có khi đang uốn mình bên trên như để chế ngự những đợt sóng lô xô dồn dập phía dưới.

Cũng có khi nó ẩn giữa những đám mây, Long ẩn vân, thân mình ẩn hiện từng khúc giữa những cụm mây. Như trên nhiều tô chén ký kiểu men lam Thiệu Trị, chúng ta thường gặp lối vẽ này.

Hình rồng quen thuộc nhất trong hội họa là Ngư long hí thủy, vẽ rồng và cá chép (ở Huế gọi là cá gáy) đang đùa giỡn cùng nhau trên sóng nước. Con rồng ẩn mình giữa những vầng mây, phun xuống những tia nước, ở bên dưới, nửa mình vượt khỏi những đợt sóng, cá chép đưa miệng lên đớp lấy tia nước ấy. Lối vẽ này, từ trong cung điện, triều miếu đã lan tràn ra ngoài dân gian, được vẽ thành tranh thờ trong các am miếu, đền miếu và các đình làng, hoặc được khắc chạm và khảm xà cừ trên các án thờ bằng gỗ trong sinh hoạt bình thường của nhân dân.

Có một chi tiết này cần phải được quan tâm, bởi vì cũng ít nhiều liên hệ đến việc khảo cứu về con rồng trong mỹ thuật Huế. Ấy là, ngoài con rồng chúng ta vừa đề cập, trong họ hàng con vật truyền thuyết này còn có hai con vật khác nữa: con giao con cù.

Con giao, theo tự điển P. Couvreur là con rồng không sừng, dạng như rắn, cổ nhỏ, có bốn chân và râu bạc trắng dưới yết hầu. Theo Génibrel, nó chính là loài cá sấu.

Con cù, theo Eitel là con rồng non có sừng. Theo Paulus Của (Đại Nam Quốc âm tự vị), là loài rồng không sừng, thường nằm dưới đất và khi nó vươn mình dậy thì chỗ ấy thành sông, giữa biển nổi lên những hòn cù lao chính là do cù dậy mà tạo thành.

Giữa con rồng và con giao quả là rất khó phân biệt, vậy nên đứng trước một mỹ thuật-phẩm mà nét khắc chạm hơi mơ hồ, có người cho là hoa văn hình rồng, người khác lại bảo hoa văn hình giao, và ngay cả những nghệ sĩ cùng nghệ nhân chuyên nghiệp cũng không khẳng định được. Khi con rồng được trình bày nguyên vẹn cả thân hình, hẳn rằng ai cũng nhận ra ngay, nhưng trong trường hợp cách điệu thì rất dễ lẫn lộn giao và rồng. Một ông quan lớn của triều đình Huế nói chuyện với học giả Léopold Cadière về một đồ vật bằng gỗ của chính gia đình mình đã được dùng từ lâu lắm, quả quyết rằng nét chạm trổ cách điệu trên món đồ dùng này là hoa văn con giao, bởi vì ngày xưa không ai dám chơi hình rồng chính tông, mà chỉ xử dụng hình giao và cù để trang trí trong nhà(2). Sự kiện này chưa phải là một cơ sở khoa học, nhưng ít ra cũng nên được ghi nhận như một yếu tố từ góc độ địa phương khi xem xét những con rồng ở Huế. Và rất có thể, đấy chỉ là sự tái hiện của con rồng đời Lý mà trước đây vì chưa đối chiếu với mỹ thuật Lý nên người ta chưa nhận ra mà thôi. Ở một đôi nơi, trước các hoa văn mà L. Cadière không phân biệt được giao hay rồng, ông dịch sang tiếng Pháp là Serpent-dragon, có thể một phần do ảnh hưởng của định nghĩa P. Couvreur, phần khác do bị tác động từ quan niệm trên thực địa ở Huế, nhưng cũng có thể do ông quan sát rồi suy luận lấy, và điều này rất thú vị là đã trùng hợp ít nhiều với con rồng thời Lý trên đất Bắc, tức rồng-dạng-rắn, rồng-hình-dun hay rồng-hình-dây như đã được khẳng định.

Về các chạm trổ hình con cù thì dễ nhận ra hơn, một phần vì đặc điểm hình dáng, phần khác vì ở những vị trí nó xuất hiện cố hữu. Ví dụ, nơi những xà dọc (vì kèo) đỡ lấy mái nhà, phía ngoài các hàng cột, có chạm cù nên gọi là xà cù. Và nơi tay dựa những ngai thờ các vị nữ thần thường dựng ngoài trời, cũng hay chạm trổ những cái đầu như đầu rồng, đấy chính là con cù.

Ngoài những đồ hình chủ yếu trên về con rồng, có lẽ chúng ta cũng nên kể đến một vài cách điệu khác nữa.

Có khi chỉ là một đường hoa văn, có khi lại là một cành hoa, lá, một nhành trái, một thân cây hay một đám mây biến cách mà thành rồng. Hoặc cũng chỉ là thế, nhưng bố cục có hơi khác, trái cây (như trái phật thủ), đóa hoa (như hoa sen, hoa mẫu đơn, hoa cúc), ghệt lá (như lá lật) được đặt ngay chính giữa theo dạng mặt nả mặt rồng, gợi được ngay nơi người xem ấn tượng về một con rồng hiển hiện. Cũng trong dạng này, chúng ta còn gặp thêm kiểu thức con giao phun ra từ miệng một ghệt hoa, vẫn thường gọi là giao hoa.

Chúng ta vừa xem qua những hình dáng rồng, từ chính thống đến biến thể và cách điệu trên những di tích kiến trúc lớn, cũng như trong toàn bộ trang trí chung của mỹ thuật Huế. Đã qua rồi thời kỳ của những đánh giá đầy định kiến, ngày nay dường như hầu hết mọi người đều có thể nhìn nhận về cái đẹp riêng của một giai đoạn lịch sử đất nước hiện ra nơi đây. Trên quần thể kiến trúc và thiên nhiên hòa hợp thơ mộng và tuyệt đẹp của Huế, những con rồng ấy cũng góp phần làm cho cái đẹp chặt chẽ, bền vững và có hồn hơn. Trong tình hình như hiện nay, khi đi tìm lại vốn cổ của dân tộc đã mất mát quá nhiều, mỹ thuật Huế nói chung, con rồng trong mỹ thuật Huế nói riêng chắc chắn sẽ được chắt chiu, gìn giữ cũng như sẽ có những cống hiến với hiệu quả cao nhất.(3)

H.H.U.
(SH29/02-88)


-----------------------
(1) Theo nhận xét, trong Nghệ thuật chạm khắc cổ Việt Nam (qua các bản rập) trang 37 - 38, Viện nghệ thuật, Bộ Văn Hóa xuất bản, 1975.
(2) L'art à Huế - Léopold Cadière, trang 88, L‘Association des Amis du Vieux Huế, 1919.
(3) Các hình vẽ ở đây đều trích lại trong L'art à Huế, một công trình của nhà Việt-Nam-học Léopold Cadière với sự cộng tác của các họa sĩ M.E.Gras, Tôn Thất Sa, Trần Văn Phềnh, Lê Văn Tùng, Nguyễn Văn Nhơn. Tuy rằng mới chỉ có tính chất ghi chép, mô tả chứ chưa phải là một công trình nghiên cứu lịch sử mỹ thuật, L'art à Huế vẫn là tác phẩm lớn nhất về mỹ thuật Huế từ trước đến nay. Hiện giờ, đã hội đủ những thuận lợi chưa từng có để có thể hy vọng rằng trong những ngày sắp đến, đặt trong toàn bộ quá trình hình thành nền mỹ thuật dân tộc, chúng ta sẽ thực hiện được những khảo sát sâu sắc về thời kỳ mỹ thuật phong kiến sau cùng này.








 

Các bài mới
Một ngày xứ em (03/04/2014)
Trăng thu (11/03/2014)
Ngọc Túy Vân (05/03/2014)
Các bài đã đăng