Tạp chí Sông Hương - Số 29 (T.1&2-1988)
Vật võ làng Sình
14:52 | 04/03/2014

NGUYỄN ĐẮC XUÂN

Đường thủy từ Huế về Thuận An đi ngang qua một ngã ba sông nước trời bao la, những người vô tình nhất đến đó cũng phải kêu lên "đẹp quá".

Vật võ làng Sình
Minh họa: Phạm Đại

Ngôi làng hiện ra trước mắt khách là làng Thanh Phước. Dân làng rất tự hào về truyền thống lịch sử và vị trí đẹp của làng mình. Họ đã dựng ngay ở vị trí trang trọng đó một ngôi đình, trước đình khắc đôi câu đối mới đọc qua nghe đã sướng tai:

"Tây sơn cao viễn chiếu
Đông hải thủy triều lai"

Từ thuở thịnh thời của thành Hóa Châu sau năm 1307 cho đến lúc thủ phủ Kim Long (1636), đô thành Phú Xuân (1687), kinh đô Huế (1788) hoạt động mạnh, cái ngã ba sông nầy luôn luôn là một cái yết hầu quan trọng. Tướng nhà Minh là Trương Phụ đã từng thề bán sống bán chết rằng: "Phụ nầy sống là đất Hóa Châu, mà làm cho Phụ nầy chết cũng lại là đất Hóa Châu", "Hóa Châu mà không lấy được thì không còn mặt mũi nào để về trông thấy chúa Thượng" (tức vua Minh). Nhưng Phụ đã không thực hiện được lời thề ấy bởi vì từ sau ngày hai châu Thuận Hóa được thành lập (1307), người Việt Nam đã đưa những lực lượng tinh nhuệ nhất của mình đến trấn giữ cái ngã ba yết hầu nầy.

Người xưa đã xây dựng những trại đóng thuyền, những trường luyện thủy binh ở đây. Phục vụ cho những trường, trại nầy cần tuyển chọn những người có mưu trí và sức khỏe tốt. Trước yêu cầu ấy, người xưa đã đưa môn vật võ dân tộc thịnh hành ở các tỉnh phía Bắc vào. Qua các cuộc thi tài hằng năm người ta đã chọn được những thanh niên theo ý muốn.

Một trong những khâu quan trọng trong việc đóng thuyền là lên rừng lấy gỗ. Gỗ đóng thuyền thường là gỗ lim, chiều dài đến bảy tám thước, có khi đến mười thước. Muốn lấy được gỗ ấy phải vào rừng sâu. Lấy gỗ phải có sức mạnh đã đành, mà còn phải có mưu trí nữa mới đưa được những thanh gỗ dài như thế về đến nơi đóng thuyền. Trong việc luyện thủy binh cần phải chọn những người có đôi tay khỏe. Khi di chuyển cần có đôi tay khỏe để chèo thuyền. Lúc đánh giáp lá cà phải có ngón vật mới hạ được đối phương.

Có thể nói từ sau ngày hai châu Ô Lý trở về với đại gia đình dân tộc Việt Nam thì ở cái ngã ba sông Hương và sông Bồ nầy đã có truyền thống vật võ. Vật võ với mục đích quân sự.

Thế rồi trải qua hàng năm bảy thế kỷ sau, cảng Thanh Hà và vùng đô hội Bao Vinh - Phố Lữ phát triển vùng dân cư chung quanh ngã ba Thanh Phước (thường gọi là Ngã Ba Sình hình thành các nghề thủ công như nghề làm giấy ngũ sắc, làm hoa giấy, in tranh thờ. Các nghề thủ công nầy cũng cần có những người có sức khỏe và mưu trí để lên rừng lấy cây hòe, lá đung, cây vang về làm màu vàng, màu đỏ... xuống biển lấy vỏ sò vỏ hến lên làm màu trắng (thường gọi là điệp). Cái mục đích chọn người phục vụ quân sự dần dần chuyển sang kinh tế. Và chính những ngành nghề kinh tế nầy đã nuôi cho truyền thống vật võ được gìn giữ mãi. Trung tâm vật võ rời khỏi khu vực quân sự Thanh Phước và chuyển qua làng Sình ở ngay bên bờ Nam sông Hương.

Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng từ "Sình" là dấu tích của người Chămpa xưa giống như từ Sịa, Sòng, Sãi... mà ta thường nghe ở Trị Thiên. Tên chữ của ngôi làng gìn giữ được truyền thống vật nầy là Lại Ân (trông ơn).

***

Hằng năm cứ ăn tết xong, bà con dân làng Sình ra nhà thờ tổ vật võ "chặt gỗ, xẻ cây làm giàn" ngay bên trái chợ Lại Ân. Đến 10 tháng giêng tổ chức đấu. Ngày hội vật võ ở làng Sình đông vui, nhộn nhịp hơn ba ngày tết rất nhiều. Ngoài trai tráng dân làng còn có hàng ngàn thanh niên nam nữ ở các huyện và thành phố Huế kéo về.

Võ đài là một cái nền đất bột cao hơn một mét, mỗi bề rộng chừng bốn sãi tay đặt ngay trước sân đình thờ tổ. Chỉ huy các trận đấu có hai người. Một người trai trẻ làm trọng tài đứng ngay trên võ đài ; người thứ hai là một vị cao niên có uy tín trong làng, khăn đen áo dài theo lối cổ cầm chầu ngồi ngay trước hiên nhà thờ tổ.

Mở đầu ngày thi đấu:

"Ba hồi trống giục ầm ầm
Chấp lịnh tay cầm dùi trống bước ra
Vật vờn vài dải qua loa
Mở đầu hội vật gần xa cùng về"

Các em thiếu niên nhảy lên trước vật vài keo dạo đầu và mời thanh niên các nơi vào đăng ký thi tài.

Các võ sĩ đến thi đấu không báo trước. Họ đến dự với tư cách cá nhân, hoặc địa phương nơi mình cư ngụ, nhưng khi lên võ đài thì đấu với tư cách địa phương của mình. Các địa phương tham gia tích cực hằng năm là Phú Thanh (Vĩnh Lại, Qui Lai), Phú Mậu (Mậu Tài, Lại Ân), Thuận An - Hải Dương, Phú Dương (Dương Nỗ), Hương Phong (Thanh Phước, An Khốt), Quảng An, Quảng Thành v.v... Nhiều võ sĩ của Phú Mậu, Phú Thanh đã đi dự các cuộc thi đấu ở tỉnh và toàn quốc.

Phần lớn những người cùng một địa phương đi dự hội họ thường đặt mình vào tổ chức, tham gia đấu cũng như khi đứng xem đều phải tỏ cho người địa phương khác biết bản lĩnh của địa phương mình.

Các võ sĩ, trước khi nhảy lên võ đài phải đến trước mặt ông chấp lệnh tiếp nhận một lời căn dặn được xem như bản nội qui kỷ luật thi đấu, đại khái như:

"Phát huy truyền thống của cha anh hôm nay mình tổ chức thi đấu, cho nên không được chơi xấu. Khi nghe trống đánh một tiếng thì quỳ xuống chào nhau, trống đánh hai tiếng thì đứng dậy ôm nhau vật. Trống đánh ba tiếng thì phải thả nhau ra lựa thế khác vật lại".

Những người hâm mộ môn đô vật, nhìn qua họ biết các đô vật đứng trên võ đài xuất thân từ địa phương nào. Dân làng Sình vừa làm nông nghiệp vừa làm tiểu thủ công nghiệp nên thân hình phát triển cân đối. Dân Huế về thì trắng trẻo thư sinh, dân miền biển Thuận An thì:

"Đô vật miền biển mới lên
Mình trông bóng láng đồng đen không bằng"

Trong lúc đó, đô vật các làng làm nông nghiệp thì:

"Tay chai nắng rám nâu sồng
Đôi chân như thử đôi chầm thuyền khơi".

Thực tế cho thấy dân đầm phá sông biển thì tay to chân nhỏ, dân nông nghiệp thì tay nhỏ chân to. Một đô vật lý tưởng là tay chân phải cân đối. Đôi chân mạnh để trụ, tấn, đôi tay mạnh để vật ngã đối phương. Một người to, chưa chắc đã mạnh, một người mạnh chưa chắc đã thắng. Những người vô địch thường có những ưu điểm như sau: chân tay khỏe, vật nhanh, khai thác triệt để được sơ hở của đối phương, gan lì, kiên trì trong suốt cuộc thi đấu. Những năm gần đây nổi lên các đô vật xuất sắc như Trần Đình Lúa (Mậu Tài) vô địch nhiều năm, trên 70 cân. Lúa dùng sức là chính, kỹ thuật thô nên sau thua; Lê Văn Hạnh (Phú Thanh) vô địch hạng cân trên 60 của tỉnh Bình Trị Thiên (1986), Hạnh có sức mạnh tổng hợp, sức bền tốt, đôi tay rất chắc, trong suốt các cuộc thi tài đều tỏ ra kiên nhẫn, tự tin; Lê Văn Mỹ (Mậu Tài) trẻ khỏe, có những đòn vật trái rất tốt làm cho đối phương không đối phó được...

Một cuộc đấu có hai buổi, buổi sáng đấu vòng loại, ai thắng liên tiếp được ba người thì được xếp hàng chiều vào bán kết; buổi chiều ai thắng được ba người được vào chung kết. Người nào vô địch ít nhất phải thắng tám keo vật. Người nào bị vật lấm hình (lấm lưng, trắng bụng) là thua. Vì thế mà có tên là vật hình. Những người tuy không lấm hình nhưng bị bồng nổi lên cũng thua.

"Trông anh đô vật làng mình
Mặt mũi hiền lành chỉ tội lấm lưng"

Một người chỉ được vật một lần, nhỡ ra bị vật lấm lưng thì phải đợi 365 ngày sau mới được trở lại võ đài. Vì thế mà vấn đề đồng đội của địa phương rất quan trọng. Một người của địa phương mình bị lấm lưng, người khác phải nhảy lên cứu vãn danh dự. Sức tiếp sức cho đến lúc cùng kiệt mới chịu thua. Ai bị sơ hở, thua đau rất khó chịu, nhưng không được chơi xấu trả thù. Nếu có một địa phương nào chơi xấu sẽ bị phản đối kịch liệt. Nhờ thế mà cuộc thi đấu hào hứng suốt ngày nhưng không hề xảy ra xô xát, ẩu đả gì.

Để có thể nhảy lên võ đài thi đấu, thanh niên phải xa lánh các thú vui tứ đổ tường, phải luyện tập cần mẫn, phải rèn luyện đạo đức. Một người có sức khỏe mà thiếu đạo đức không thể nào giấu được những hành vi thô bạo khi bị người khác chạm đến thân thể và danh dự của mình.

Vật võ làng Sình là một truyền thống thượng võ đẹp của người dân Huế từ sau ngày mảnh đất Ô Lý trở thành Thuận Hóa gần sáu thế kỷ qua. Nó là một di sản văn hóa do người Việt Nam đem từ miền đất tổ phía Bắc vô. Làng Sình là bước chân cuối cùng của ngành vật võ nầy. Đi vào các tỉnh phía Nam chỉ thấy võ chứ không có vật. Thời Pháp thuộc, bọn thực dân cũng thấy giá trị của môn thể thao nầy cho nên chúng đã cho biểu diễn mua vui trong những ngày lễ lược. Nhưng hơn ai hết, người dân làng Sình hiểu hết giá trị của nó nên đã gìn giữ bảo vệ vật ngay cả trong những ngày kháng chiến ác liệt. Ngày nay vật võ làng Sình rất được ưa thích. Không những ngày 10 tháng giêng là ngày hội ở làng Sình, những ngày lễ lớn của dân tộc hay của Huế cũng được tổ chức. Và bao giờ chung quanh võ đài vật võ cũng đông đảo người xem nhất.

Huế 12-1987
N.Đ.X
(SH29/02-88)







 

Các bài mới
Một ngày xứ em (03/04/2014)
Trăng thu (11/03/2014)
Ngọc Túy Vân (05/03/2014)
Các bài đã đăng