Tạp chí Sông Hương - Số 29 (T.1&2-1988)
Bản lĩnh nhà văn và sự đổi mới, sáng tạo trong văn học
08:55 | 05/03/2014

NGUYỄN KHẮC PHÊ

(Trích tham luận tại Hội thảo "Văn học trước yêu cầu đổi mới" tháng 12-1987)

Bản lĩnh nhà văn và sự đổi mới, sáng tạo trong văn học
Nhà văn Nguyễn Khắc Phê (trái) trong một hội thảo tại Mátxcơva tháng 4-1987

Gần đây, trong văn học nghệ thuật, chúng ta nói nhiều đến những giá trị được thẩm định lại và những tìm tòi, đổi mới trong sáng tạo nghệ thuật. Thực chất của vấn đề là ở chỗ nào? Phải chăng là lâu nay chúng ta đã lầm đường, đã nhận lầm những giá trị giả?

Tôi thiết nghĩ, những ai đã hoạt động nghệ thuật đều hiểu sự tìm tòi đổi mới trong sáng tạo nghệ thuật là lẽ sống còn của mình.

Vậy mà lại có người - đáng tiếc là có khi họ là người nhiều thế lực, họ e ngại sự tìm tòi đổi mới trong sáng tạo nghệ thuật, vì họ sợ như thế sẽ chệch đường, lệch hướng. Nhưng thử hỏi, trong sáng tạo nghệ thuật ai là người chỉ rõ được con đường duy nhất dẫn đến thành tựu, như con đường tàu hỏa dẫn đến ga? Con đường sáng tạo nghệ thuật mà đơn giản, thẳng tắp như đường tàu thì không cần nghệ sĩ, nhà văn nữa!

Từ đây, chúng ta trở lại vấn đề cốt lõi của văn học. Văn học, như M.Gorki từng nói, là nhân học. Con người ta, người Việt Nam, Liên Xô hay bất cứ dân tộc nào khác, mỗi người đều có giọng nói, nét mặt, tính cách khác nhau. Thật hiếm có hai người hoàn toàn giống nhau trên trái đất. Hơn nữa, con người là một thế giới còn nhiều bí ẩn mà chúng ta chưa khám phá hết. Vì vậy, tôi nghĩ, những tác phẩm văn xuôi gần đây miêu tả con người phong phú, đa dạng, phức tạp và đôi lúc như là khó hiểu nữa, cũng là lẽ tự nhiên. Những tác phẩm ấy được chú ý - ngoài giá trị tự thân của chúng còn vì bạn đọc đã ngán loại sách miêu tả con người đơn giản, một chiều như là theo khuôn mẫu có sẵn. Nhưng tôi nghĩ, nếu như chỉ đề cao và quá chú ý đến loại tác phẩm miêu tả con người phức tạp, khó hiểu, hoặc là loại tác phẩm có "màu xám" đậm nét tiêu cực thì chúng ta lại sa vào một kiểu đơn giản hóa cuộc sống ở một cực khác và diện mạo nền văn học cũng sẽ đơn điệu.

Về việc thể hiện "cái tiêu cực", trong tham luận tại Đại hội lần thứ 3 Hội Nhà văn Việt Nam (9-1983) tôi có phát biểu: "Chừng nào văn nghệ còn phản ánh cuộc sống trong sự vận động phát triển của nó, chừng đó văn nghệ còn đề cập đến những hiện tượng, những nhân vật tiêu cực. Nói cách khác, nội dung "chống tiêu cực" không chỉ mang tính thời sự mà có tính lâu dài, nếu không muốn nói là vĩnh cửu. Có ai dám đoán chắc con người ta mấy trăm, mấy ngàn năm nữa sẽ trở nên hoàn thiện trăm phần trăm…?" Nói một cách khác, nhà văn hãy viết những gì mà sự thật vốn có, theo cách nghĩ, cách phát hiện của chính mình, riêng mình. Như vậy, nền văn học sẽ phong phú.

Liên quan đến vấn đề trên, trong chế độ xã hội chủ nghĩa của chúng ta, mối quan hệ giữa cá nhân - xã hội - tập thể, việc hình thành nhân cách mỗi con người là lĩnh vực quan trọng nhà văn phải góp phần khám phá và lý giải. Vì con người - với tư cách cá nhân, thì phong phú, đa dạng, phức tạp: mà chế độ xã hội chủ nghĩa thì trên nhiều lĩnh vực lại là duy nhất: một đường lối chính trị, một Đảng lãnh đạo, một Đoàn, một Đội, một kiểu trường học v.v... Cũng dễ hiểu vì sao đã một thời có người chỉ muốn văn nghệ sĩ sản sinh ra những tác phẩm cùng một giọng điệu, một gam màu. Quan niệm không đúng đắn, ấu trĩ và đơn giản về chủ nghĩa xã hội sẽ tạo ra những con người chỉ biết phục tùng, uốn mình theo khuôn phép, hạn chế sự phát triển tính cách từng con người. Tôi nghĩ rằng, một tập thể mạnh phải là một tập thể gồm nhiều cá tính phong phú. Tất nhiên, một tập thể như vậy thì người lãnh đạo sẽ "mệt", công việc lãnh đạo sẽ phức tạp hơn. Nhưng đó mới là một tập thể CON NGƯỜI, chứ không phải là một bầy đàn, hay một tổ hợp công cụ...

N.K.P
(SH29/02-88)







 

Các bài mới
Một ngày xứ em (03/04/2014)
Trăng thu (11/03/2014)
Các bài đã đăng
Ngọc Túy Vân (05/03/2014)