Tạp chí Sông Hương - Số 29 (T.1&2-1988)
Hát sắc bùa ở Phò Trạch
17:10 | 10/03/2014

TÔN THẤT BÌNH

Vào những ngày đầu xuân, tại làng Phò Trạch, xã Phong Bình, huyện Hương Điền, tỉnh Bình Trị Thiên trước đây dân làng thường tổ chức các trò vui xuân như đánh đu lấy giải, hát trò và hát sắc bùa.

Hát sắc bùa ở Phò Trạch
Một đội sắc bùa xứ Quảng - Ảnh: internet

Hát trò được tổ chức theo chu kỳ 24 năm một lần; bắt đầu từ ngày 15, tết âm lịch, cùng một lần với trò đánh đu. Trò chơi này được tổ chức hàng năm. Hát sắc bùa là loại diễn xướng nghi lễ được tổ chức theo chu kỳ 6 năm một lần. Hai thôn Tây Phú và Triều Quý thay phiên nhau đảm nhiệm việc tổ chức.

Vào những năm có hát sắc bùa, nhân dân ở đây làm lễ tế âm hồn vào ngày 16 tháng chạp để cúng những người đã khuất không ai thờ phụng. Sau lễ tế, nhân dân trong làng thành lập các đội sắc bùa (thường là 4 đội) để diễn tập từ đó cho đến 29 tháng chạp. Chiều 30 tháng chạp, các đội sắc bùa nghỉ ngơi, chuẩn bị trang phục.

Tối 30 tết, các đội bắt đầu đi sắc ở các đình, chùa, miếu, mạo rồi đến nhà thờ các giòng họ lớn trong làng. Ngày mồng một tết, sau khi đi sắc những nơi công cộng, đội sắc bùa mới đi sắc cho từng gia đình trong thôn xã và có thể triển khai sang các xã lân cận(1). Ngày 14 tháng giêng chấm dứt việc đi sắc ở các gia đình.

Về tổ chức, mỗi đội sắc bùa có từ 14 đến 16 người.

- Một ông cái sắc trang phục áo mã tiên vẽ rồng phượng lưng thắt dây vải đỏ, tay cầm một đùi gỗ, đuôi treo một chuỗi lục lạc.

Một ông tróc quỷ, ăn mặc giống ông cái sắc, tay cầm thanh kiếm gỗ trừ tà ma và chém quỷ.

- Một đứa trẻ (tuổi từ 10 đến 14) đóng vai quỷ, trang phục biểu tượng con quỷ, tay chân đeo vòng lục lạc.

Một ông đánh trống mặc quần trắng áo dài đen, bịt khăn đóng đi guốc mộc.

Mười ông đọc chú, lễ phục Việt Nam (quần trắng, áo dài đen).

Tiến trình nghi lễ trong hát sắc bùa tại Phò Trạch đã tạo nên một không khí vừa sinh động, rộn ràng, vừa có tính chất thần bí. Khi đến các nhà được sắc, đội sắc bùa khua trống, gõ mõ để báo hiệu, đồng thời cũng báo cho nhà đó đóng chặt cửa lại. Tuy nhiên, trước đó con quỷ đã tìm đủ mọi cách để lọt vào nhà núp dưới gậm giường hoặc ngách cửa. Ông cái sắc dẫn đoàn sắc bùa đến ngoài sân, xướng.

Đệ tử phụng mạng an phù
Thỉnh thiên bồng thiên du.
Thỉnh thiên linh huyền đàng thượng tướng
Tật tốc ứng ngô khẩu
Tật tốc ứng ngô thanh
Thỉnh thiên linh huyền đàng.
Tối nhập tô sơn đáo hải.
Sát vạn quỷ trừ tà.
Tri quốc gia an trấn...

Cả đội đồng đọc chú:

Thiên bồng, thiên bồng a hữu đại là thần thông.
Thôi ma thực quỷ a tam sát là yêu tinh, Tự thiên giáp hạ a tróc quỷ là thiên linh.
Nhật nguyệt thăng long dân gian hữu khổ a thỉnh đáo là thiên bồng. (.)

Ông cái giơ cao đùi gỗ sắc:

Khai thiên môn, vẽ địa hồ
Lưu dương gian, tắt quỷ lộ
Xuyên quỷ tâm, phá quỷ thổ
(………..)
Tiết tảo trừ cung, trừ hung, trừ nạn
………..

Cả đội lại đọc chú:

Khai môn, khai môn vị trấn càn khôn
Tống suy tống xuất tống trạch ngũ ôn
Bất đắc cừu đình
Cấp như luật lệnh

Cửa lớn mở, ông cái độc sắc tiếp:

Nào thằng quỷ là chúng tà ma,
Mi ở làm chi trong xó nhà
Có lệnh ngọc hoàng sai xuống bắt.
Bắt thằng quỷ mà chém làm ba.

Quỷ vẫn nằm im ở xó cửa, người tróc quỷ xướng, giọng đe dọa:

Phụng ngọc ấn như lối điểm xuyết.
Phá môn tiền nã tróc quỷ tà.

Sau lời xướng của người tróc quỷ, quỷ biết khó thoát được nên từ chỗ núp nói vọng ra:

Lạy phép quan thiêng xin tha chớ giết.
Thiên thiên vạn vạn mở cửa cho chúng tôi ra.

Đây chính là lúc đoàn sắc bùa thể hiện uy quyền của mình. Người cái sắc truyền lệnh bắt quỷ để trừ tai họa cho dân. Ông hát bài bắt quỷ:

Bắc cực mà đóng cửa tả
Hô khoan (?) mà đóng cửa đông
Thiên bồng mà đóng cửa tây
Còn tau là thầy tau đóng cửa giữa
Mỗi cửa có mỗi thiên du
Trên trời ông bủa lưới tơ.
Dưới đất ông chăng lưới sắt
Ông bắt thằng quỷ ông chém làm ba...
Ông bắt thằng tà ông chém làm tư...

Quỷ vẫn chưa ra, ông tróc quỷ, lại xướng:

Nan tẩu thoát, nan tẩu thoát,
Mạc dung tha, mạc dung tha

Quỷ van xin khẩn cầu:

Khất dung thứ, khất dung thứ
Chúng tôi ra, chúng tôi ra

Ông tróc quỷ lại đe dọa:

Bắt thằng quỷ mà chém làm ba
Chẳng dung loài yêu quái

Cả đội lại đọc chú:

Đi ra đi ra, kẻo ta chém chết
Máu đổ đầy da, máu ra đầy đống
Chẳng sống một thằng.
Bất đắc cừu đình, cấp dư luật lệnh

Ông tróc quỷ liền hát tiếp bài đuổi quỷ.

Trong nhà tắt lửa, dậy thổi lửa cho chúng mình vào bắt thằng quỷ.
Quỷ quỷ mi ở chi trong xó nhà mà mi không ra tau bắt được tau chém làm ba.
Máu đổ đầy da, máu ra đầy đống, chẳng sống một thằng.
Tay ông là tay thiên bồng thiên tướng.
Đốt lửa qua sông, tay cầm con dao, chân ông dài ba thước, ông bước qua sông.

Đầu đội nón bông, tay cầm cái dao, miệng hỏi thằng tà:

Một đùi đánh quỷ quỷ ra
Hai đùi đánh ma ma tiệt
Thỉnh thái thượng lão quân, thần phú cấp sắc.
Quỷ quỷ, mi ở chi trong xó nhà mà mi không ra?
Tau bắt được tao chém làm ba...

Quỷ đi ra, thú nhận tội lỗi của mình:

Dạ dạ chúng tôi là chúng quỷ tà
Ai có sự gì đem quỷ tôi ra.

Ông tróc quỷ tha chết, chỉ lối thoát cho quỷ:

Vong đồng lãnh tầm phương ty tử

Quỷ vừa chạy vừa kêu mừng rỡ:

Chỉ sơn đầu, bộ bộ bôn ba

Đội sắc bùa vào nhà, đến nơi làm việc hát bài "an tằm" đến bếp hát bài "an táo", xong chúc mừng gia đình.

Ông cái sắc xướng:

Đông qua xuân đến rất vui sao
Pháo nổ lừng lẫy tiếng biết bao
Nhà này yên ba thêm phú thọ
Bàn thờ tiên tổ khói hương cao.
Cả nhóm đồng thanh họa:
Đông qua xuân đến rất vui đời
Tết nhất chơi bời xướng thái bình ca.
Đăng trà quả thực hương hoa
Bàn thờ tiên tổ ông bà chiêu đăm.
………
An táo, an cửa, an nhà
An sàng, an tịch, an hòa thổ công...

Hát sắc bùa đến đây là hết. Chủ nhà thưởng tiền cho đoàn. Một người trong đoàn đón nhận, đoàn sắc bùa sang nhà khác.

***

Hát sắc bùa không những được lưu truyền tại các địa phương nơi có dân tộc Kinh ở, mà còn phổ biến ở dân tộc Mường. Về ý nghĩa, lối hát sắc bùa ở đây cũng có mục đích chúc mừng gia đình và cầu mong sự thịnh vượng yên ổn nhân dịp đầu xuân, nhưng về hình thức tổ chức hát sắc bùa mỗi nơi có một lối cử hành khác nhau.

Hát sắc bùa ở Hòa Bình của dân tộc Mường gồm các phường bùa từ năm bảy người đến hai chục người, vừa đi vừa đánh cồng, đến nhà đánh bài cồng báo hiệu, hát bài hát gọi mở cửa. Khi cổng mở, phường bùa tiến vào sân, đánh cồng và hát bài chúc tụng, tán dương gia chủ.

Trịnh Hoài Đức trong "Gia định thành thông chí" cũng mô tả lối hát sắc bùa tại Gia định vào thế kỷ XIX tương tự như lối hát tại Phò Trạch: "Đêm 28 tháng Chạp, na nhân (tục danh nâu sắc bùa) đánh trống, gõ phách, một bọn 15 người đi theo dọc đường, trông nhà hào phú nào mở cửa ngõ thì dán 2 lá bùa nơi cửa niệm thần chú rồi nổi trống phách lên, ca xướng những lời chúc mừng, người chủ nhà dùng cỗ bàn chè rượu khoản đãi và gói tiền thưởng tạ, xong nhà này lại qua nhà khác, cũng làm như vậy cho đến chiều buổi trừ tịch mới thôi, ấy là có ý đuổi tà, chống ma, trừ cũ rước mới vậy"(2)

Địa bàn của tục hát sắc bùa dân tộc Kinh phân bố rộng rãi trên nhiều miền đất nước. Từ Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình Trị Thiên đến Nam Bộ. Ở Phú Lễ (Bến Tre) hát sắc bùa cũng phổ biến từ lâu. Ở Hà Tĩnh lại có múa sắc bùa.

So sánh với lối hát "sắc bùa" của dân tộc Mường và lối hát sắc bùa của người Nam bộ, lối hát sắc bùa của dân làng Phò Trạch - Bình Trị Thiên sinh động hơn nhờ ở hình thức diễn xướng, ngoài tiếng trống, phèng la còn có con quỷ biểu tượng cho sự phá hoại rủi ro đã đóng một vai trò gây không khí hào hứng, rộn ràng, kinh ngạc cho đám đông dự lễ và cho các gia chủ trong những ngày tết vui nhộn, tràn đầy hy vọng ở năm mới cận kề.

Trên đường bảo lưu và phát triển lối hát sắc bùa ở Phò Trạch đã tiếp nối lối hát sắc bùa ở Nghệ An mà vận dụng tính chất diễn xướng sân khấu để sinh động hóa và cụ thể hóa những hình tượng có tính cách thần bí vốn chịu ảnh hưởng của đạo Giáo. Với sự vận dụng này, có thể nói đây là giai đoạn mà các sinh hoạt thế tục lần lần lấn át các sinh hoạt nặng tính cách nghi lễ, phù phép ma thuật, một minh chứng cho sự phát triển trình độ tư duy của nhân dân địa phương tại vùng đất mới Bình Trị Thiên.

Hình thức diễn xướng trong lối hát sắc bùa tại Phò Trạch có thể nói đã ra đời sau cả hình thức hát sắc bùa tại Gia Định mà Trịnh Hoài Đức đã mô tả trong Gia định thành thông chí.

Như vậy, hát sắc bùa là một tập tục có tính cách nghi lễ, kết hợp nhiều nghệ thuật dân gian, gồm hát múa và diễn xướng sân khấu sơ khai, được phổ biến trên nhiều vùng dân tộc Kinh và Mường tùy theo từng địa phương, hình thức cử hành nghi lễ biến dạng cho phù hợp với trình độ tư duy và cảm thụ nghệ thuật của dân chúng từng vùng mà Phò Trạch là một địa điểm tiêu biểu trên đất nước ta vậy.

T.T.B.
(SH29/02-88)


---------------------
(1) Đội còn đi sắc ở cách vạn đò trên sông Ô Lâu.
(2) Trịnh Hoài Đức: Gia định thành thông chí, tập hạ, Dịch giả Tu trai Nguyễn Tạo, NXB Văn hóa, 1972, tr.7






 

Các bài mới
Một ngày xứ em (03/04/2014)
Trăng thu (11/03/2014)
Các bài đã đăng
Ngọc Túy Vân (05/03/2014)