Tạp chí Sông Hương - Số 301 (T.03-14)
Bi kịch Nguyễn Trãi, sự thất bại của người trí thức Nho giáo hay đường về bản ngã
08:01 | 14/03/2014

LUÂN NGUYỄN

Nhất đình sơn vũ luyện hoa khai
             (Mộ xuân tức sự - Nguyễn Trãi)

Bi kịch Nguyễn Trãi, sự thất bại của người trí thức Nho giáo hay đường về bản ngã
Ảnh: internet

Nguyễn Trãi bị nhà Lê sơ kết án tử gần sáu thế kỷ trước (mùa thu năm 1442). Học giả Đào Duy Anh (trong Nguyễn Trãi toàn tập, Nhà xuất bản khoa học xã hội, 1976) cùng một số nhà nghiên cứu khác lý giải bi kịch đó bằng các sự kiện và suy luận lịch sử; kết luận chung: hoàn cảnh phong kiến (Feudal condition) đã đẩy ông đến cái chết oan khuất. Chúng tôi lý giải bi kịch vô tiền khoáng hậu ấy theo hướng khác: đi tìm căn nguyên nội giới.

1. Trí thức như là lương tâm của xã hội

Trí thức: tiếng Anh: intellectual, tiếng Pháp: intellectuel, tiếng Đức: Intellektuelle, tất cả đều bắt nguồn từ chữ intellectualis trong tiếng La Tinh, có nghĩa là sự hiểu biết. Trong tiếng Hán, chữ trí 智 cũng có nghĩa là biết (cùng nghĩa này, có các chữ như: trí giả - người hiểu biết, trí năng - năng lực hiểu biết,…); chữ trí thức (智 識) được Đào Duy Anh định nghĩa như chữ tri thức (知 識), tức là “biết, những điều mình hiểu biết”(1). Như vậy, nghĩa gốc của trí thức nhấn mạnh vào hai vấn đề: tri thức và sự hiểu biết chúng. Đây là cách hiểu từ nguyên, hai điều kiện của trí thức vừa nói chỉ là điều kiện cần. Trong thực tiễn xã hội, trí thức được hiểu là một tầng lớp. Do đó, người trí thức mang bản chất không thể thay thế của tầng lớp mình. Bản chất đó bao gồm bốn vấn đề: một là, sáng tạo; hai là, không ngừng suy tư và phản biện xã hội; ba là, cả hai điều kiện trên không tách rời giá trị dân tộc; cuối cùng là lòng tự trọng trí thức. “Nô lệ” tư duy, vô can trước thời cuộc và thiếu lòng tự tôn các giá trị cốt lõi không phải giá trị của người trí thức. Tri thức chỉ là phần của vấn đề “trí thức”. Vì thế, từ khái niệm “trí thức”, chúng ta có luôn các ý niệm: trí thức chân chính, trí thức dân tộc, phản trí thức. Dưới đây chúng tôi bàn tiếp về bi kịch Nguyễn Trãi - một thất bại của người trí thức trong xã hội quân chủ Nho giáo.

2. Khối mâu thuẫn của một trí thức hay sự thất bại của truy vấn: tôi là ai?

2.1. Truy vấn thứ nhất: triều đại hay dân tộc?


Bi kịch Nguyễn Trãi xảy ra trong bối cảnh mô hình nhà nước quân chủ Nho gia phát triển đến giới hạn ở khía cạnh tập trung quyền lực.

Đến triều Hồ (1400 – 1407), nhà nước phong kiến Đại Việt đã trải qua hơn 450 năm tự chủ. Tiến trình đó là một diễn trình có chủ đích của lịch sử: từng bước tập quyền hóa nhà nước trên nền tảng Nho giáo. Qua các triều Ngô, Đinh, Tiền Lê, Lý, đến Lê sơ - ngang thời Nguyễn Trãi (thế kỷ XV), nhà nước phong kiến Việt Nam đã “dọn dẹp” gần như tuyệt đối các trở lực trên đại lộ đã định của mình. Các thế lực cát cứ do các tù trưởng miền núi cầm đầu được bình định. Lực lượng cầm quyền từng bước được Nho giáo hóa qua con đường khoa cử. Người cầm quyền, từ chỗ là thế lực trên lưng ngựa (Ngô Quyền, Đinh Bộ Lĩnh, Lê Hoàn) - hình ảnh tiêu biểu cho cường quyền theo nghĩa hẹp, hay thế lực trong nhà chùa (Lý Công Uẩn), một dạng của thần quyền, đã chuyển thành: thế lực cầm bút (bắt đầu từ Trần Minh Tông) - những nhà Nho. Quỳnh Lâm tự - một trong ba trung tâm Phật giáo Trúc Lâm đời Trần - cũng là nơi cư ngụ của thi phái Bích Động do các đại nho thời Trần Minh Tông như Tư đồ Trần Quang Triều, Hoàng giáp Nguyễn Trung Ngạn chủ xướng(2). Tinh thần bài Phật được Hồ Quý Ly đẩy mạnh bằng việc tổ chức hai kỳ thi với dụng tâm tôn Nho, khắc Phật rõ nét: thi Thái học sinh để bổ dụng nho sĩ, thi tìm hiểu kinh Phật để thanh lọc lực lượng nhà chùa. Đến đây, chính thể Nho giáo gần như hoàn chỉnh, và con đường của dân tộc, con đường nhà nước phong kiến Nho giáo theo kiểu Đông Á đã được lập định dưới đạo lý - ngọn roi của họ Hồ.

Thế nhưng, lộ trình quân chủ Nho giáo ở Việt Nam bị đứt đoạn trong hơn 20 năm chiến tranh kháng chiến chống quân Minh. Khác với các cuộc kháng chiến đời Lý - Trần, trong cuộc chiến này, nhà Hồ sớm bại. Xã hội và lòng dân vô cùng bấn loạn. “Người lớn thì phía nam chạy xuống Chiêm Thành, phía tây trốn sang Đại Lý”(3); “Than ôi! Họa loạn tột cùng đến mức như vậy!”(4) - sử thần Ngô Sĩ Liên phải thốt lên. Cần lưu ý, trong bối cảnh ấy, quân Lam Sơn nổi lên ở phía tây Thanh Hóa chỉ là một thế lực quân sự dưới tay một thủ lĩnh miền núi. Vì thế, lời hiệu triệu của Lê Lợi không có tư cách của một lời hịch cần vương. So với thế lực quân sự của Trần Ngỗi, Trần Quý Khoáng trước đó, Lê Lợi rõ ràng không đủ danh chính ngôn thuận. Nhà Nho Nguyễn Trãi bị đẩy vào thế cờ hóc hiểm. Thân phụ Nguyễn Trãi chịu đại ơn họ Trần. Ông là cốt tủy họ Trần. Nhưng lại ra làm quan cho họ Hồ. Theo Lam Sơn khởi nghĩa, nhà Nho ấy đã chọn việc dự phần vào cuộc kháng chiến dân tộc, thay vì phụng sự một triều đại mà về bản chất, chỉ là một dòng họ. Chiếc mũ nhà Nho với ông trở nên một định mệnh khắc nghiệt.

2.2 Truy vấn thứ hai: đâu là đường về bản ngã hay là sự bế tắc và thất bại của người trí thức Nho giáo?

Ở trên chưa phải là mâu thuẫn quyết định đến định mệnh Nguyễn Trãi. Vì nếu điều căn cốt nằm ở đó thì sau khi giải phóng đất nước, triều đại mới được dựng lên, ông cũng phải được “giải phóng” mới đúng. Thực tế diễn ra điều ngược lại: Nguyễn Trãi lún tiếp vào mâu thuẫn khác: giữa lý tưởng chính trị mang sắc màu nghệ sĩ với giới hạn chính trị của thể chế quân chủ tập quyền. Nếu trong truy vấn trước, ông tìm được lời giải thì lần này, ông không tìm thấy đường ra. Hành trình đi tìm lối ra của ông đồng nghĩa với con đường giải đáp truy vấn: tôi là ai?

Nguyễn Trãi lĩnh chức vị Nhập nội Hành khiển, tước Quan phục hầu (vì gia nhập Lam Sơn muộn hơn 4 năm, 1423), nhưng được bù lại bằng danh chức Vinh Lộc đại phu - chức Đại phu cao nhất triều Lê (tương đương quan nhất phẩm), ngoài ra ông còn giữ chức Hàn Lâm viện Học sĩ kiêm Tri Tam quán sự, đời Thái Tông. Nhà chính trị ấy rất ý thức về tước vị của mình vì nó giúp ông thỏa cái tâm “Văn Chính”: “Ta ắt lòng bằng Văn Chính nữa”. Nhưng, Nguyễn Trãi, hậu kỳ Lam Sơn khởi nghĩa, cũng đã nhìn ra sự xuống dốc của thể chế quan liêu: “Ai ai đều đã bằng câu hết. Nước chẳng còn có Sử Ngư” (Mạn thuật, 14)(5). Con người chính trị ở ông trở nên mâu thuẫn gay gắt giữa lý tưởng và hiện thực. Trong hoàn cảnh của ông, các nhà Nho lớn khác thời trung đại đều chọn đường rút lui khỏi chính trường để bảo toàn nhân cách. Nguyễn Trãi cũng “tàng” đời Lê Thái Tổ sau khi bị bắt giam 10 tháng, nhưng lại “hành” đời Thái Tông. Điều đó cho thấy, tâm hồn ông bị giằng kéo bởi dòng hải lưu chính trị rất quyết liệt. Chính trị ở ông đã biến thành nền chính trị lý tưởng, là cuộc hạnh ngộ mơ mộng giữa tinh thần Nho giáo khởi nguyên (vô thần) với tâm thức nghệ sĩ. Đó thực ra là sự bế tắc và thất bại của người trí thức Nho giáo trong việc giải quyết giới hạn của thể chế quân chủ cũng như sự tha hóa (entfremdung)(6) của cuộc cách mạng dân tộc mà nó tiến hành trước đó. Vấn đề chung của một lực lượng kháng chiến là giành độc lập dân tộc, vấn đề của một chính quyền nhà nước, trước tiên, là quyền lực (Power). Cách mạng có thể giải phóng một dân tộc, nhưng quyền lực thì không thể mang lại tự do. Cách mạng có thể nhân đạo với kẻ thù, nhưng quyền lực không nhân nhượng bất kể ai, nhất là một trí thức như Nguyễn Trãi. Người thủ lĩnh quân kháng chiến có thể “không nỡ giết” tướng giặc là Hoàng Phụ(7), “tha cho mười vạn quân hàng”(8), nhưng một ông vua lại sẵn sàng “sai người đuổi theo giết” Trần Cảo (vị vua bù nhìn, dòng dõi nhà Trần), “ném xác vào bụi gai”(9). Những công thần như Trần Nguyễn Hãn, Phạm Văn Xảo, Nguyễn Trãi cũng không thể thoát nạn. Nguyễn Trãi nhận thấy những suy thoái của quan trường nhưng không cho đó như là hạn chế của một mô hình nhà nước. Đây là bi kịch lớn nhất của đời ông.

Nguyễn Trãi rất tiêu biểu cho kiểu cộng sinh nhà Nho chính trị - nhà Nho nghệ sĩ, nhưng là cộng sinh trong sự mâu thuẫn. Những mâu thuẫn mang mầm bi kịch Nguyễn Trãi được phóng chiếu khá toàn diện trong tập thơ quốc âm của ông. 254 bài thơ trong Quốc âm thi tập gồm nhiều cụm chủ đề. Những bài thể hiện tâm sự của nhà thơ đều trình hiện ra “một thế giới bị chẻ đôi”, sự mâu thuẫn giữa hai bán cầu: bán cầu của con người đạo đức, chính trị - nhập thế và bán cầu của con người tự tại - xuất thế. Chủ thể tính (subjectivité) của nhà thơ được xác lập từ chính sự mâu thuẫn. Trong Quốc âm thi tập, con người Nguyễn Trãi bao giờ cũng rốt ráo đi tìm/xác lập bản ngã trong các kiểu quan hệ khác nhau, thậm chí, đối chọi nhau gay gắt. Con người đạo đức - chính trị hiển lộ trong tư thế bổn phận: với vua, xoay quanh đạo lý Nho giáo. “Bui có một lòng trung với hiếu. Mài chăng khuyết, nhuộm chăng đen” (Thuật hứng, 24), “Chữ học ngày xưa quên hết dạng. Chẳng quên có một chữ cương thường” (Tự thán, 12). Con người tự tại, ngược hẳn, ý thức được mình qua các quan hệ vũ trụ (với trăng thanh, nước biếc,…), bằng sự quán chiếu khách - chủ, “Nước biếc non xanh thuyền gối bãi. Đêm thanh nguyệt bạc khách lên lầu” (Bảo kính cảnh giới, 26), “Đồ thư bốn vách nhà làm của. Phong nguyệt năm hồ khách nổi thuyền” (Bảo kính cảnh giới, 36). Quốc âm thi tập được phân đôi trong từng nhóm bài (thuộc các phần) và có khi, trong nội bộ từng bài cũng bởi hai mặt nhân cách đó.

Nguyễn Trãi thuộc kiểu nhân cách đa nguyên. Ông sống trong mâu thuẫn, mâu thuẫn đến chênh vênh, “Triều quan chẳng phải ẩn chẳng phải”. Mâu thuẫn không dứt đã dẫn ông đến ưu tư. Ông ẩn dật trong ưu tư, ưu tư khi ẩn dật, càng đóng vai ẩn dật, càng ưu tư. Nguyễn Trãi ưu tư như một sự nhận thức về mình. Ưu tư đẩy ông vào vòng xoáy tâm thức. Vì thế, nó không thể dẫn ông đến tự do. Ông xem mình là Văn Chính “âu sơ chẳng quản đeo sầu” để mang vác khôn nguôi nỗi khắc khoải: “Bui một quân thân ơn cực nặng. Tơ hào chưa báo hãy còn âu” (Mạn thuật, 5). “Con ngựa già ham rong ruổi” như cách ông tự ví, suy tận cùng, cũng là cái ách ông sắm cho mình trên sân khấu cuộc đời. Từ khi làm quan triều Lê, Nguyễn Trãi không bao giờ yên sống trong phận vị mà lịch sử đặt/ buộc ông vào. Ông làm quan trong tư cách của một nghệ sĩ “để trong thôn cùng xóm vắng không một tiếng hờn giận oán sầu”, và làm thơ với tư thế của một triều quan “bui có một lòng trung với hiếu” (Thuật hứng, 24). Ở đây, ông khác xa Chu An – người trước ông, Nguyễn Bỉnh Khiêm – người sau ông. Triều đại phong kiến không phải là căn nguyên của bi kịch Ức Trai. Mô hình nhà nước vua chí tôn không thể để ông khiến dân chúng vô can trước quyền lực quân chủ: “khắp thôn cùng xóm vắng không một tiếng hờn giận, oán sầu”. Ông dấn mình vào một mô hình nhà nước đầy hạn chế bằng tâm thức nghệ sĩ. Càng đi sâu, ông càng tự mình mâu thuẫn và không tìm thấy lối ra. Ông không được tự do vì thế. Đời Ức Trai bi kịch bởi ông không có tự do. Khi thời khắc “Phong sương đã bén biên thi khách” choàng tới, nhà Nho ấy lặng lẽ nghiệm sinh bản mệnh “Chiều mai nở chiều hôm rụng” và sự bế tắc hiện sinh của chính mình, điều mà F. Nietzsche phát biểu trong cuốn sách cuối đời ông: “Ecce Homo”: “Tôi là cặp bài trùng của chính tôi” nhưng, “làm thế nào mình trở thành chính mình”(10)?

L.N
(SH301/03-14)


...........................
Chú thích

1. Đào Duy Anh biên soạn (2001), Hãn Mạn Tử hiệu đính, Từ điển Hán Việt, Khoa học xã hội, Hà Nội, trang 485 và 487.

2. Xem thêm Nguyễn Huệ Chi, Hiện tượng hội nhập văn hóa thời Lý - Trần, http://daitangkinhvietnam.org.

3, 4, 7, 8, 9. Ngô Sĩ Liên và các sử thần triều Lê, Hoàng Văn Lâu dịch, chú thích, Hà Văn Tấn hiệu đính, Đại Việt sử ký toàn thư - bản in năm Chính Hòa 18 (1697), Khoa học xã hội, Hà Nội, lần lượt các trang: 361, 362, 353, 362 - 363, 364.

5. Tất cả trích dẫn Quốc âm thi tập đều lấy từ Nguyễn Trãi toàn tập, Viện sử học, Khoa học xã hội, Hà Nội, 1976.

6. Tha hóa (entfremdung): khái niệm nói lên: Thứ nhất, quá trình và những kết quả chuyển hóa của các sản phẩm hoạt động của con người (các hoạt động thực tiễn lẫn hoạt động lý luận) cũng như của những đặc tính và năng lực của con người thành một cái gì độc lập đối với con người và thống trị con người; thứ hai, sự chuyển hóa của những hiện tượng và quan hệ nào đó thành một cái gì khác với bản thân chúng, sự bóp méo và xuyên tạc trong ý thức của con người những quan hệ sinh sống hiện thực của họ (Từ điển triết học, Tiến bộ, Sự thật, Maxcơva, Hà Nội, 1986, trang 528 - 529). K. Marx nói về tha hóa trong Bản thảo kinh tế triết học năm 1844: “Sự tha hóa của công nhân vào sản phẩm của anh ta không những chỉ có ý nghĩa là lao động của anh ta trở thành một vật, một tồn tại bên ngoài, mà còn có ý nghĩa là lao động của anh ta tồn tại ở bên ngoài anh ta, không phụ thuộc vào anh ta, xa lạ với anh ta” (Mác – Anghen tuyển tập, tập 1, Sự Thật, Hà Nội, 1980, trang 111). Xem thêm Luân Nguyễn, Chân lý như là sự tha hóa về chân lý, phebinhvanhoc.com.vn

10. Xem F. Nietzsche, Ecce Homo, Phạm Công Thiện (dịch), Phạm Hoàng xuất bản, Sài Gòn, 1969.




 

Các bài mới
Chuyện tình (27/03/2014)