Tạp chí Sông Hương - Số 301 (T.03-14)
Những đoạn ngắn về làn điệu cổ
08:23 | 28/03/2014

HÀN NHÃ LẠC

Có lẽ hiện giờ ở Huế, không có ai cảm chơi ca Huế được như nhà văn Bửu Ý. Ông thường nói cái hay của ca Huế, nghe hay đến nhức xương. Và ngay từ khi vợ ông, cô Lợi còn sống, mỗi thứ bảy, gia đình ông lại tổ chức nghe ca Huế nhức xương một buổi.

Những đoạn ngắn về làn điệu cổ
Tranh của HS Tôn Thất Đào - Ảnh tư liệu

Nhiều lần ông nói: Ca Huế chính là hồn Huế. Những làn điệu có khi vui tươi, sang trọng, có khi sầu thảm, ai oán, lại nhiều khi man mác trong mênh mông sông nước… hàng trăm năm qua đã góp phần nuôi dưỡng tâm hồn của người dân xứ Huế. Chỉ chừng đó thôi, giá trị của ca Huế đã là vô giá

***

Cho đến nay, âm nhạc truyền thống dân gian Huế vẫn đang tồn tại song hành cùng cuộc sống hiện đại, đã hàng trăm nhà nghiên cứu đổ xô tìm hiểu nó, song vẫn chưa ai biết nó ra đời bắt đầu từ lúc nào.

Năm 1942, cụ Ưng Bình Thúc Giạ Thị là con cháu vương triều mà cũng chỉ lò dò: “Duy điệu ca khởi điểm từ đời nào, khi nào, sử thơ không truyền lại, chỉ thấy thời đại yêu chuộng nghề văn mà đoán, thời khởi điểm từ đời Hiếu Minh Nguyễn Phúc Chu”. Tuy nhiên, cái lạ của âm nhạc truyền thống dân gian Huế là ban đầu nó hình thành ở chốn cung đình, sau lại phát triển mạnh mẽ trong dân gian. Năm 1961, giáo sư Trần Văn Khê đã khẳng định: “Không có cứ liệu nào nói rõ ca Huế có tự bao giờ, chỉ biết rằng ca Huế không phải loại nhạc dân gian, vì nó chỉ được giới quyền quý hoặc trong cung sử dụng. Vậy có thể nói rằng đây là loại quan nhạc chứ không phải dân nhạc”. Năm 1972, khi nghiên cứu âm nhạc truyền thống Huế xuất phát từ nhu cầu thưởng ngoạn một thú chơi tao nhã, nhạc sĩ Phạm Duy cho rằng, nhà Nguyễn “vẫn tiếp tục truyền thống có từ thời Trần, Lê, cho thành lập những đội nhạc Ngự để thực hiện nhạc triều. Các nhạc công là những người rất giỏi đàn, biết sử dụng nhiều nhạc cụ dân tộc. Ngoài công việc trong triều, họ thường được các người trong hoàng phái hoặc các quan chức mời đến tư dinh để dạy đàn. Ca nhạc thính phòng Huế đã phát sinh do nhu cầu của người dạy nhạc lẫn người học nhạc”..

Nhiều ý kiến cho rằng, sở dĩ “quan nhạc” sau phổ biến ra thành “dân nhạc” là bởi những danh ca, danh cầm đều xuất phát từ trong dân gian. Ban ngày họ vào phục vụ trong cung đình hay các vương phủ, song đến đêm về nhà thì truyền lại cho con cháu. Thành ra, có những lời ca do các nhà thơ vương triều soạn mà lại dân gian hóa thành dân ca, như trường hợp câu hò Huế “Chiều chiều trước bến Phu Văn Lâu, ai ngồi ai câu ai sầu ai thảm, ai thương ai cảm, ai nhớ ai mong…” là của Ưng Bình Thúc Giạ Thị… Hay bây giờ nhiều đám kỵ giỗ, đám tang, mừng thượng thọ…, nhiều nơi thôn quê vẫn dùng các làn điệu tương tự Nhã nhạc cung đình…

Nhưng có một điều rất đặc biệt là gần như có một quy ước ngầm, con cháu các vương tôn nhà Nguyễn tuy học hành giỏi giang song không thi cử ra làm quan mà chủ yếu sống nhờ sự chu cấp có hạn của triều đình. Bởi họ cho rằng, người của hoàng tộc phải biết nhường quan chức lại cho những người tài là con dân trong nước. Chính cái quy ước ngầm này đã làm cho đời sống của tầng lớp quý tộc cung đình Huế đầy tính bi tráng: nghèo về kinh tế (do sự chu cấp bổng lộc vào giai đoạn cuối triều Nguyễn ngày càng hạn hẹp), song vẫn phải làm sang cho xứng danh danh gia vọng tộc. Và cũng vì thế, họ xoay qua hưởng thụ trong điều kiện kinh tế cho phép, bằng cách sống hòa nhập với thiên nhiên và đặc biệt lấy sự cầu kỳ trong ăn, mặc, nói năng và tổ chức hoạt động nghệ thuật làm vui… Chính từ các “chiếu thơ”, “chiếu nhạc” tổ chức nơi vương phủ như thế, âm nhạc cung đình Huế đã xích lại rất gần với dân gian xứ Huế…

Đó là chưa kể một số nhạc công cung đình đã đến sống ở các vùng khác rồi truyền bá âm nhạc cung đình vào dân gian. Như trường hợp Nguyễn Quang Đại, một nhạc quan cung đình, về sau ông vào Gia Định sinh sống bằng nghề truyền bá ca Huế. Ở đó người ta gọi ông là cụ Ba Đội, nhiều thuyết cho rằng chính ông đã chuyển bài Tứ Đại Cảnh - Huế (hơi dựng) thành Tứ Đại Oán (hơi oán) trong nhạc thính phòng tài tử Nam Bộ…

***

Ấy vậy mà những làn điệu cổ xứ Huế lại chịu không ít biến động thăng trầm. Ca Huế hoàn chỉnh và cực thịnh vào khoảng thập niên 20 cho đến khi thế chiến II bùng nổ. Ca Huế gồm có điệu Bắc với âm sắc sang trọng, vui tươi như Phú lục, Lộng điệp, Lưu thủy, Cổ bản, Long ngâm và mười bài Tàu (bao gồm các làn điệu Phẩm tiết, Nguyên tiêu, Hồ quảng, Liên hoàn, Bình bán, Tây mai, Xuân phong, Long hổ, Tẩu mã, Kim tiền); điệu Nam với âm sắc sầu thảm, man mác như Nam ai, Nam bình, Nam xuân, Quả phụ, Hành vân, Tương tư khúc; lại có điệu Bắc pha điệu Nam như Tứ Đại Cảnh (tương truyền do vua Tự Đức soạn ra). Bên cạnh đó, ca Huế còn có các điệu hò, điệu lý. Hò Huế có nhiều làn điệu nổi tiếng như hò mái nhì, mái đẩy, hò giã gạo… Lý Huế có nhiều làn điệu tuyệt hay như lý con sáo, lý hoài nam, lý hoài xuân, lý tình tang. Dàn nhạc ca Huế đầy đủ phải có năm loại đàn tranh, đàn nguyệt, đàn tỳ bà, đàn nhị, đàn tam, gọi là ngũ tuyệt; ngoài ra còn có sáo, đàn bầu, cặp sanh gõ nhịp. Các nghệ nhân đàn ca Huế đến nay chỉ còn vài người giỏi các ngón nhấn, mổ, vả, bấm, day, chớp, búng, phi, rãi… Họ chính là những người lưu giữ một dòng âm nhạc truyền thống dân gian cho Huế.

Ngày xưa, ca Huế cũng từng theo cụ Ưng Bình xuống thuyền trong những đêm trăng sáng. Mỗi khi có bạn hiền đến chơi, cụ lại cho mời “con hát” xuống thuyền thể hiện những bản nhạc mình vừa sáng tác cho mọi người cùng thưởng thức.

Những năm sau 1975, do nhận thức chưa đầy đủ về âm nhạc truyền thống dân gian Huế, đã có thời gian dài loại hình này bị bài bác, bỏ quên. Ông Bửu Ý kể: “Hồi đó thành phố có một hội nghị đưa ra bàn về ca Huế. Có ý kiến của lãnh đạo là “hay ta giải tán ca Huế chứ kham không nổi”. Tôi nghe mà sảng hồn, sao mà tuyệt vọng đến vậy? Tôi phát biểu gay gắt, nhấn mạnh: Huế không có ca Huế thì Huế có gì đâu! Chả lẽ khách phương xa đến thì đem tân nhạc ra đãi? Họ đã nghe nhiều nơi rồi. Cái đặc sắc, cái tồn tại vĩnh viễn là ca Huế, là sông Hương, là đền đài lăng tẩm Huế… chớ sao lại là tân nhạc? Tân nhạc Huế thì so đọ với ai? Tôi nói và nhìn xuống, thấy La Cẩm Vân ngồi khóc nước mắt ngắn dài…

Khoảng những năm 1990, ca Huế bắt đầu phục hồi với việc nhà thơ Võ Quê đưa ca Huế xuống đò. Mở đầu cho việc xã hội hóa ca Huế. Nhà văn Bửu Ý cho rằng sông Hương đi với ca Huế chính là không hẹn mà nên. Du khách xuống thuyền, tìm trăng thanh gió mát và được nghe ca Huế, từ đó dẫn đến yêu ca Huế hơn… Hơn 15 năm qua, ca Huế trên sông Hương đã trở thành một loại hình âm nhạc đặc sắc, được du khách muôn phương háo hức muốn được thưởng thức khi đến Huế. Tiếc là sau này, kiểu làm ăn chụp giật của nhiều người đã khiến ca Huế trên sông Hương biến tướng rất nhiều… Nói như nhà thơ Võ Quê: “Trên núi thì có Thuyền Tôn, dưới sông thì có thuyền tồn ngược xuôi”. Cái xóm nhà tồn (tức thuyền rồng ca Huế trên sông) đang ngày càng làm cho người ta hiểu rất sai về ca Huế. Rất may là ca Huế chính hiệu vẫn đang được những người trân quý làn điệu cổ này bền gan tìm mọi cách để lưu giữ, dẫu họ có chịu thiệt thòi bao nhiêu đi chăng nữa…

***

Trong vương phủ ngày xưa, ca Huế được trình diễn trong căn phòng nhỏ, có khi cả diễn viên và khán giả cùng ngồi chung một chiếc chiếu. Từ thính phòng ấy nhìn ra là vườn, lời ca, tiếng đàn lay động lòng người, thoát ra bên ngoài vuốt ve cây lá, tạo nên một khung cảnh hữu tình chi lạ. Từ các “chiếu nhạc” đó, dân Huế sành điệu đến nay còn nhắc đến các danh cầm, danh ca như Nguyễn Quang Đại, gia đình ông Tống Văn Đạt (với ba đời truyền nối nghệ nhân giỏi: con là đội Chỉnh, cháu là đội Phước); từ sau 1945 đến nay là các ông Cả Soạn, Bảy Thiều, Thừa Khâm, Lý Vũ, Đội Trác, Trợ Tồn…, các cô Nhơn, Đẩu Nương, Bích Liễu…, rồi các ông bà Nguyễn Hữu Ba, Nguyễn Kế, Châu Loan… Nhiều người trong số này đã từng làm nổi đình nổi đám cho ca Huế.

Cho đến nay, lần lượt những nghệ danh ca Huế nói trên đã qua đời. Huế bây giờ (2014) chỉ còn vài người thuộc thế hệ tiền bối còn sót lại, song tuổi đã gần đất xa trời. Những nghệ danh cây đa cây đề như cụ Trần Kích cũng đã ra đi… Trong thời gian gần đây, thuật ngữ “bảo vật dân gian sống” bắt đầu được nhiều người nhắc đến, để chỉ những nghệ nhân dân gian hiện còn lưu giữ các ngón nghề quý hiếm.

Gia đình ông Lữ Hữu Thi có đến ba đời theo nghiệp cầm ca, riêng ông đã ba lần tham gia đội nhạc triều đình dự Lễ tế Đàn Nam Giao. Điều thú vị của ông là ngày xưa học theo cha là một người phụ diễn xướng nhạc lễ nổi tiếng, nên ông thông thạo các ngón đàn ngay từ nhỏ. Tuy nhiên thời đó cầm ca không nuôi nổi con người. Năm 15 tuổi, ông theo học nghề thợ bạc ở ông Nghè Tường. Có lần Bà Chúa Nhất cho đòi ông Nghè Tường vô Nội làm đồ bạc. Ông Nghè Tường thoái thác, sai học trò cưng là Hữu Thi đi. Ông vô, đang làm miệt mài thì chợt nghe bài Tứ Đại Cảnh ban nhạc đang chơi có nhiều lỗi, ông bực mình ngó qua lập tức bị quở phạt. Khi biết lý do, Bà Chúa Nhất biểu ông đờn, thổi coi thử, ông làm luôn một mạch mấy bài, Bà Chúa Nhất mê tơi. Nhưng chuyện ông vô Nội “đánh thổi” lại có cơ duyên khác. Một lần ông đến nhà Đội Thức phụ trách ban nhạc Chánh Đại Nội. Đến trước dàn nhạc cụ, ông mê quá đứng lặng người. Đội Thức hỏi: “Ngó cái chi, mi có mần được thì mần tau coi”. Ông “mần” liên tiếp mấy bài, nghe xong, Đội Thức “duyệt” luôn: “Mai mi theo tau vô Nội tham gia ban nhạc Chánh Đại Nội nghe chưa”… Cuối đời dù tuổi cao sức yếu, ông Lữ Hữu Thi ngày nào cũng vào Duyệt Thị Đường để truyền nghề cho lớp trẻ, đặc biệt là các “ngón” Thài dùng trong Nhã nhạc tế lễ Đàn Nam Giao. Ông là người duy nhất còn nhớ được Thài Chương. Ông nói: “Tui còn sống được ngày mô, tui cố gắng truyền lại cho hậu thế ngày đó các ngón nghề”.

Cụ Trần Kích là linh hồn của CLB Âm nhạc truyền thống Phú Xuân thành lập từ 1992. Cuối năm 1994, nhóm các nhạc sĩ Việt Nam tại Pháp gồm Tôn Thất Tiết, Trần Văn Khê, Nguyễn Thiên Đạo đã bắt đầu chú ý đến việc phục hồi âm nhạc cung đình ở Huế. Nhạc sĩ Tôn Thất Tiết là Chủ tịch Hội Âm nhạc Pháp - Việt đã về Huế nghe các nghệ nhân CLB Phú Xuân trình tấu và đề nghị dàn dựng một chương trình âm nhạc cung đình. Năm 1995, Nhà văn hóa Thế giới tại Pháp đã mời CLB Phú Xuân sang biểu diễn và thu chương trình. Đĩa CD này lập tức gây tiếng vang lớn và năm 1996, báo giới phương Tây đã bình chọn là đĩa CD âm nhạc truyền thống hay nhất trong năm. Cùng với sự nỗ lực của nhạc sĩ Tôn Thất Tiết, CLB Phú Xuân Huế được nhiều nước trên thế giới mời tham gia các liên hoan âm nhạc truyền thống và các chương trình lớn của họ. Cụ Trần Kích đã đưa CLB nhiều lần đi biểu diễn tại Pháp, Hàn Quốc; tiếng đàn, tiếng sáo, nhịp phách tiền của các nghệ nhân Huế cũng vang lên trên các sân khấu ở Thụy Sỹ, Hà Lan, Bỉ, Luxambua, Mỹ, Đài Loan, Hồng Kông, Nhật Bản... Cụ Trần Kích cuối đời vẫn còn tham gia hiệu chỉnh cho các nhạc công ở Nhà hát Duyệt Thị Đường và cũng lên lớp ở trường Đại học Nghệ thuật Huế.

Cuộc đời của cụ bà Minh Mẫn đúng là đặc biệt điển hình cho người nghệ sĩ. Hồi nhỏ, khi mới hơn mười tuổi, mê lối hát tuồng của đoàn Kim Sanh, Minh Mẫn cứ trốn nhà đi theo tập ca, bị cha đánh cho thâm tím mình mẩy, bởi thời bấy giờ, dân Huế vẫn quan niệm “xướng ca vô loài” rất nặng nề. Minh Mẫn từng phải nhờ thầy hiệu trưởng là cụ Ưng Thiều can thiệp song cũng không được. Vậy nhưng Minh Mẫn vẫn tìm cách học qua rất nhiều thầy và cũng rất nhọc công. Ví như khi học những bản cổ nhạc ở cụ Cửu Song, mỗi sáng, Minh Mẫn phải dậy sớm nấu nước cho cha uống trà, song đi bộ xuống nhà cụ Cửu Song quét nhà, đun nước để thầy dùng. Đáp lại, cụ Cửu Song tận tình chỉ dạy Minh Mẫn cách lấy giọng, giữ hơi, luyến láy đoạn khó… Học chừng một giờ, Minh Mẫn quay trở lại nhà, tránh được sự phát hiện của cha, hoặc nhiều khi chị gái lấp liếm cho Minh Mẫn, nên sự học của cô con gái ngày càng tiến triển mà người cha vẫn không hề hay biết. Về sau, giọng ca Minh Mẫn nổi tiếng khắp xứ Huế, được gánh hát Hương Thanh (cậu của vua Bảo Đại tổ chức) mời về hát. Giọng hát Minh Mẫn hay đến nỗi, gần như tất cả các vương phủ đều mời cô đến hát. Sau 1975, cụ được mời đi dạy vài năm ở trường Cao đẳng Nghệ thuật Huế. Dạo đó, khi các cụ Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp thăm Huế, danh ca Minh Mẫn đều đến biểu diễn. Hai vị lãnh đạo đều căn dặn những nghệ nhân như Minh Mẫn cần giữ lại trường để dạy cho học sinh dù đã quá tuổi, thế nhưng lời căn dặn đó đã không được thực hiện. Sau này về già, cụ sống một mình, cơm dưa cà đạm bạc qua ngày trong liếp nhà lụp sụp song vẫn nung nấu hoài bão được tiếp tục truyền nghề cho thế hệ trẻ. Nhưng cụ rất kén người học, chỉ những ai thích, tìm đến cụ mới bày cho. Cụ thủ đắc trong mình điệu Ngũ đối thượng mà theo nhiều người sành ca Huế, chưa tìm ra ở Huế người thứ hai hát được.

Và đó chính là điều cụ bà Minh Mẫn đã trăn trở, tiếng thở dài của bà như một tiếng nguyệt cầm day dứt giữa thinh không!

-“Hãy xem ca Huế là một nghề hết sức đặc biệt để có những chính sách ứng xử các nghệ nhân luống tuổi này! Bởi họ đã sống và đóng góp cho Huế, họ đang tiếp tục đóng góp và nếu chúng ta không tận dụng để học hết những gì họ đang có, chúng ta sẽ mất trong một ngày rất gần đây” - nhà văn Bửu Ý nói. Ông cũng đề nghị thành lập quỹ để xúc tiến việc đãi ngộ các nghệ nhân, có thể là do những người yêu ca Huế lập nên. Nhiều nghệ nhân bày tỏ tâm tư khác: phục hồi Từ đường cổ nhạc để làm nơi cho các nghệ sĩ già tới lui gặp nhau. Nhà thơ Võ Quê nói: Phục hồi Từ đường cổ nhạc vừa bảo tồn được di tích, vừa làm nơi cho các nghệ nhân gặp nhau, và cũng có thể lấy đó làm nơi dạy ca Huế để nhằm bảo tồn ca Huế, biết đâu đó lại là một địa chỉ du lịch!

***

Những tâm huyết ấy, đang vọng thiết trong không gian tràn ngập những âm giai buồn. Cách đây nhiều năm, các nhà nghiên cứu trẻ của Phân viện Nghiên cứu Văn hóa - Thông tin tại Huế đã tiến hành một loạt các cuộc điều tra liên quan đến ca Huế. Theo phân tích của các điều tra này, nguyên nhân của thực trạng ca Huế trên sông Hương xuống cấp là ban đầu, thấy ca Huế trên sông có thể kiếm ra tiền, các ca sĩ nhạc công đua nhau chạy show. Rồi nhu cầu của du khách ngày một lớn, việc đào tạo ca sĩ, nhạc công cho thật bài bản không đáp ứng kịp. Vậy là có nhiều ca sĩ, nhạc công chỉ đàn, hát được vài bài thứ yếu, chủ yếu là dễ hát để biểu diễn cùng với một số bài tân nhạc có âm hưởng dân ca. Du khách phần đông không biết nhiều về ca Huế, cứ nghĩ là mình vừa được thưởng thức những làn điệu của miền sông Hương núi Ngự. Sự dễ dãi và lười biếng của ca sĩ, nhạc công dẫn đến việc du khách hiểu sai về ca Huế, từ đó người diễn và người nghe đều cùng dễ dãi và ca Huế trên sông Hương ngày càng kém chất lượng là đương nhiên. Thêm vào đó, một trong năm điều cấm kỵ của ca Huế là “nhân bất thính bất đàn”, nhưng hiện nay du khách đến nghe ca Huế rất ít người hiểu hết nội dung của nó, thành ra không động viên được ca sĩ, nhạc công nâng cao trình độ…

Một khía cạnh khác của bức tranh ca Huế là thái độ học tập của lớp trẻ trong việc học ca Huế. Cụ bà Minh Mẫn lắc đầu buồn bã bởi lớp trẻ bây giờ ít người chịu khó học như các cụ ngày xưa: - “Hồi đó để hát được điệu Nam Xuân, tui phải theo học cả 3 thầy mới ca được”. Còn anh Trần Thảo con cụ Trần Kích cũng bùi ngùi: - “Vì động cơ học tập phần lớn chỉ là để ca Huế trên sông Hương kiếm tiền nên nhiều khi bọn tui cũng không thích dạy. Tuy nhiên, việc nhiều bạn trẻ theo học âm nhạc cổ truyền Huế như hiện nay lại là điều đáng mừng. Nhiều bạn sau khi học cơ bản ở trường xong, đi tìm các danh ca xưa như Minh Mẫn, Thanh Tâm để trau dồi kỹ thuật thêm, là một dấu hiệu tốt”.

Tuy nhiên, theo nhà thơ Võ Quê: báo chí lâu nay chỉ để ý đến ca Huế trên sông Hương mà quên rằng ca Huế ngoài cái “thứ phẩm” đang được trình diễn ở đó, còn có ca Huế “chính phẩm” cũng đang được gìn giữ, bảo lưu trong dân gian ở những dạng khác nữa. Trước hết là những thầm lặng cống hiến của những nghệ nhân lão thành. Bằng nhiều cách thức, họ đã truyền lại các ngón nghề thủ đắc của mình cho thế hệ trẻ. Các làng xã vào các dịp tế lễ, các gia đình lúc cần tổ chức hoan hỉ, thượng thọ, tang tế… nhiều nơi có dịp cũng mời các đoàn ca Huế về biểu diễn. Tại những cuộc biểu diễn như vậy, các chương trình ca Huế đã hình thành các chuyên đề ngợi ca cảnh đẹp quê hương, ngợi ca công đức cha mẹ, nhắc nhủ về đạo làm người… Một hình thức tồn tại khác là các chương trình phát thanh, truyền hình đang góp phần quảng bá ca Huế đến với công chúng. Nhưng đặc biệt nhất là hình thức ca Huế sa-lon ở trong nhà. Như ở gia đình nhà văn Bứu Ý tuần nào cũng tổ chức một buổi tại nhà, ai muốn ca hay nghe ca Huế cứ đến đó...

Năm 2007, tại hội thảo về bảo tồn ca Huế do Phân viện Nghiên cứu Văn hóa- Thông tin tại Huế tổ chức, Phân viện đã làm một việc rất hay là mời các nghệ nhân tiền bối đến biểu diễn ca Huế cho các đại biểu xem. Cả hội trường lặng đi khi nghe cụ Lữ Hữu Thi hát Thài, cụ Trần Kích đệm đàn cho cụ bà Minh Mẫn ca Ngũ đối thượng, cô Thanh Tâm ca cặp Nam Ai, Nam Bình… Lời ca, tiếng đàn của những bậc thầy quyện vào nhau, tạo nên một cuộc biểu diễn có lẽ đặc sắc nhất trong vòng 30 năm lại đây. Càng lặng người hơn nữa khi cụ bà Minh Mẫn cho biết là bài Ngũ đối thượng mà cụ vừa ca xong, hiện ở Huế chưa có người thứ hai ca được, mà cụ thì sau bao năm chờ đợi mỏi mòn để được dạy dỗ hậu thế, giờ sắp đến phải vào TP. Hồ Chí Minh bởi con cháu không cho cụ sống một mình ở Huế nữa. Cụ đã rưng rưng nước mắt khi nói về việc ra đi của mình. Thế mới biết cụ đã day dứt trong việc truyền nhân ra sao.

Những gì tinh túy nhất của ca Huế đang sắp mất đi, cần phải nhanh chóng được bảo tồn, đó là điều quan trọng mà hội thảo nói trên hướng đến. Nhà văn Bửu Ý đưa ra quan điểm: muốn bảo tồn cần 3 việc: sưu tầm, đào tạo và có chính sách đãi ngộ xứng đáng các nghệ nhân. Như chạm đúng nỗi lòng trăn trở của người bao nhiêu năm quan tâm đến nghiệp ca Huế, nhà thơ Võ Quê bức xúc: “Cả vùng ca Huế mà chỉ có lèo tèo vài người được phong nghệ sĩ ưu tú. Nhiều nghệ nhân không được phong là bởi không có đủ các tiêu chuẩn Nhà nước quy định như huy chương từ các liên hoan. Các nghệ nhân thì họ đâu có điều kiện để tham gia liên hoan!”.

Năm đó, Trưởng Phân viện Nghiên cứu Văn hóa Nghệ thuật tại Huế - ông Nguyễn Hữu Thông đưa ra quan điểm: Ca Huế thính phòng đã từng tồn tại, việc xã hội hóa (như ca Huế trên sông Hương) có đòi hỏi nhiều điều kiện, hoàn toàn không dễ song đây lại là môi trường sống của nó. Điều đáng nói ở đây là sự bào mòn tinh hoa. Vì vậy cần có hai phương thức bảo tồn song hành: bảo tồn thích nghi (ca Huế trên sông Hương) và bảo tồn nguyên trạng (ca Huế tại các tư gia, sa-lon…), đòi hỏi có một tổ chức để lưu giữ ca Huế

Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm cũng dự hội nghị này đã cho rằng cần tổ chức lại ca nhạc truyền thống Huế. Theo ông, -“Cái cần làm bây giờ là phải quan tâm làm sao cho công chúng ở Huế nghe được ca Huế nhiều hơn. Bây giờ, nhân dân Huế ít được nghe ca Huế, trong khi chính họ là những người cảm được ca Huế nhiều hơn du khách. Họ ít nghe bởi họ không có tiền xuống đò nghe ca Huế. Họ nghe ca Huế chủ yếu qua đài phát thanh truyền hình và như thế là chưa đủ. Rõ ràng trong vấn đề này, Nhà nước phải bỏ tiền ra một cách đến nơi đến chốn”.

Học giả Bửu Ý cũng cho rằng Từ đường Cổ nhạc là nơi dạy nghề lý tưởng, rất cần được trùng tu ngay để đưa vào sử dụng. Đây cũng là điều mà các nghệ nhân ca Huế rất trông mong.

Số lượng ca sĩ, nhạc công ca Huế hiện khá lớn. Họ tập trung ở Nhà hát nghệ thuật truyền thống cung đình Huế, Nhà hát ca kịch Huế, đội ngũ hàng trăm người biểu diễn trên sông Hương. Hiện ở Huế, Trường cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật được xem là cái nôi đào tạo các ca sĩ, nhạc công biểu diễn ca Huế. Bên cạnh đó, các nghệ nhân đều dạy ở nhà cho những ai có nhu cầu học. Như thế, việc bảo tồn âm nhạc truyền thống dân gian Huế là có nền tảng khá vững chắc. Vì thế cần có một tổ chức của những người ca Huế. Nhà thơ Võ Quê cho rằng cần xem ca Huế là một nghề để từ đó, có những chính sách đãi ngộ nghề nghiệp, tổ chức hội nghề nghiệp… Việc nhà thơ giúp cho Bảo tàng Văn hóa Huế biểu diễn ca Huế chính thống như hiện nay, chỉ là một giải pháp cho ước nguyện xa hơn mà thôi.

Ca Huế, đã đến lúc cần có những quan tâm thấu đáo trên các vấn đề của nó, không chỉ với các giải pháp khả thi mà còn bằng cả tấm lòng tri ân vốn cổ của dân tộc.

H.N.L
(SH301/03-14)







 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Chuyện tình (27/03/2014)
Nhớ người xưa (21/03/2014)
Tam nông (21/03/2014)
Ảo ảnh (21/03/2014)