Tạp chí Sông Hương - Số 302 (T.04-14)
Đề tài về lĩnh vực dân tộc học trên tập san B.A.V.H
15:24 | 21/04/2014

TRẦN NGUYỄN KHÁNH PHONG

Những năm cuối thế kỉ XIX và đầu thế kỉ XX, ngành Dân tộc học Việt Nam nói chung và miền Trung Tây Nguyên nói riêng được các nhà khoa học, chính trị, bác sĩ của Pháp tiến hành nghiên cứu và công bố nhiều tác phẩm có giá trị.

Đề tài về lĩnh vực dân tộc học trên tập san B.A.V.H
Ảnh: internet

Sự công bố các công trình này dưới nhiều dạng khác nhau, trong đó Tập san B.A.V.H (Bulletin des amis du vieux Hué - Tập san “Những người bạn cố đô Huế”) đã để lại nhiều dấu ấn sâu đậm về lĩnh vực này.

Trong lời giới thiệu về Tập san B.A.V.H, các nhà nghiên cứu đã đánh giá cao về giá trị khoa học, xem “Sưu tập B.A.V.H là một nguồn tư liệu phong phú và giá trị về nhiều mặt” (1). Nội dung của B.A.V.H có thể khảo sát theo các mảng chính yếu: Kinh thành Huế và phụ cận, Lịch sử Huế và An nam, Nghệ thuật xứ Huế, Ngôn ngữ học, dân tộc học, Văn hóa dân gian xứ Huế, Các đề tài khác(2).

Về mảng dân tộc học trên Tập san B.A.V.H qua quá trình khảo sát chúng tôi nhận thấy rằng có mối liên hệ giữa văn hóa, lịch sử, khảo cổ học, nhân chủng học, có sự liên đới giữa đồng bằng và miền núi, giữa người Việt với đồng bào cao nguyên miền Thượng, người Chămpa và còn đi xa hơn nữa là ra bên ngoài biên giới An nam thời đó để đến với các quốc gia, các tộc người ở Nhật Bản, Malaysia, Indonesia… Ở đây, trong phạm vi đề tài của bài viết này chúng tôi chỉ khảo cứu về mảng dân tộc học của người An nam xưa như các tác giả đã trình bày trong Tập san B.A.V.H từ năm 1914 đến năm 1944.

Xét trên phương diện đối tượng nghiên cứu dân tộc học, thì các tác giả đã chú trọng nghiên cứu về Chămpa, họ đi từ việc nghiên cứu tiền sử và sơ sử Quảng Bình, rồi hệ thống giếng đá cổ, thủy lợi ở Gio Linh, Quảng Trị - đề tài này được mở rộng đến địa giới Nghệ An - Hà Tĩnh và cả Đông Dương.

Ở Huế xưa vốn là đất thuộc vương quốc Chămpa, nên xứ Huế còn khá nhiều vết tích Chàm. Đề tài Chămpa vì thế là một vấn đề hấp dẫn đến các cộng tác viên của B.A.V.H như cô Madeleine Colani - Tiến sĩ khoa học - Thành viên Thông tấn của Trường Viễn Đông Bác Cổ đã có công trình đặc khảo rất có giá trị đó là cách sử dụng đá trong thời xa xưa ở An nam - Indonesia - Assam, trong đó cô M. Colani đã chú ý tới công trình thủy lợi ở Gio Linh “…nét đầu tiên là những ống tưới này đã tìm cách mang lại sự sung túc cho thị trấn, và khá hiển nhiên, là đồng thời tìm cách hưởng được sự phù hộ của các thần linh. Nét thứ hai, chúng dùng để tưới ruộng đồng của làng”(3). Qua thời gian gần 100 năm kể từ khi giới thiệu và nghiên cứu giờ thì hệ thống thủy lợi và giếng cổ ở Gio Linh vẫn là đề tài hấp dẫn cho các nhà dân tộc học, khảo cổ học hiện nay. Điều này cho thấy, nhà khảo cổ học M.Colani được xem là người tiên phong và giới thiệu đầy đủ nhất về kĩ thuật của người Chămpa trong việc chinh phục thiên nhiên để phục vụ cho cuộc sống của họ.

Lịch sử Vương quốc Chàm được trình bày tương đối đầy đủ trong các tác phẩm “L’An nam” “Hướng dẫn nghiên cứu về An nam và Chămpa”, cũng như một số đề tài chủ yếu về Chămpa. Ngoài hai công trình này còn có các bài viết về tượng Chàm hay chỉ một mảnh tượng Chàm hoặc nói chung là các tác phẩm điêu khắc Chàm ở một số địa điểm: Giam Biều (Nham Biều), Thành Trung, Xuân Hòa, Thành Lồi ở Phường Đúc cũng được đề cập bởi các tác giả L.Cadière, Đào Thái Hanh, T.V.Holbé, Oden’d hal…

Đối với L.Cadière như chúng ta đã biết, ông là nhà Huế học hàng đầu thời bấy giờ, trong bài viết Các tác phẩm điêu khắc Chàm ở Xuân Hòa, ông đã khảo tả tỉ mỉ, chân xác về tượng con sư tử hai đầu Makaras. Hoặc tác giả đưa ra nhiều giả thuyết về hai ngôi miếu Bà Dàng ở vùng Xuân Hòa từ vị trí đến tên gọi của các vị thần. Hoặc tác giả T.V.Holbé phái viên Trường Nhân loại học Paris đã khảo tả tỉ mỉ 26 mẫu kỹ nghệ tiền sử Đông Dương do ông H. de Pirey đem về từ Kon Tum và Quảng Trị gồm 24 búa, 1 đục và 1 bàn đập. Tiếp đến tác giả E.Gras - Chủ sự kho bạc An nam khảo tả về một pho tượng Chàm ở Giam Biều bị cụt hai tay, tác giả viết Tìm thấy một tượng đá mất đầu thò ra từ một bụi rậm, nằm bên cạnh một đế tượng có hình hoa sen đã bị vỡ đi một nửa. Các cánh tay thiếu mất gần đến vai, các bàn chân cũng mất. Nửa thân hình trên trần, lớn bằng tầm cỡ tự nhiên của con người, được sáng tạo rất độc đáo, thể khối thanh và đầy đặn, đường nét đơn giản. Cổ có ba ngấn thịt, vú chắc chắn và không nở nang lắm, cái vòng thân hình giữa bụng và ngực được nắn nót một cách thanh cảnh nhưng mông hơi xệ xuống và bụng phồng lên rõ nét tạo ra một vòng lồi nhỏ trên mí trên của tấm vải váy được buộc chặt vào bụng bằng cái dây thắt lưng, vải váy bó sát vào đôi chân, khăn vấn ở dưới nịt bụng cuốn sát vào đùi. Cái tượng này là gì? Tượng trưng cho tính chất của người mẹ hay tượng trưng cho sự thai nghén”(4).

Linh mục Oden’d hal khi khảo cứu về các vết tích đổ nát ở Giam Biều đã đề cập đến các mảng thành, một pho tượng Dvãraraxla béo phệ, có chỗ bị sứt mẻ và một tảng đá đế có hoa văn. Hoặc trong khi nghiên cứu về các tác phẩm chạm trổ Chàm ở Thành Trung, tác giả đã nói về bức phù điêu được để trang trí là những cánh hoa sen lật ngược hay là ngọn lá ba phiến chạm rất tinh vi.

Khảo sát toàn bộ Tập san B.A.V.H chúng tôi thấy rằng những người Pháp họ rất giỏi về thực địa, họ đã len lỏi vào những vùng sơn cước để rồi có những ghi chép về đời sống của các sắc tộc thiểu số Trường Sơn - Tây Nguyên bên cạnh việc giới thiệu về Chămpa mà họ có thế mạnh từ lâu. Trong bài viết về tỉnh Quảng Trị, tác giả A.Laborde - Công sứ Pháp tại An nam đã dành vài trang để nói về mảng dân tộc học của tỉnh này “Các tộc người này sống rất cổ lỗ, ngoại trừ những người có tiếp xúc thường xuyên với dân chúng văn minh đồng bằng, còn lại thì không mặc áo quần. Đàn ông đơn giản chỉ đeo một cái khố nhỏ, đàn bà chỉ đeo một váy ngắn, đi đó đi đây có mang gùi sau lưng, miệng ngậm ống điếu thuốc lá, nhìn chúng ta với cặp mắt to đen, có vẻ hơi lo sợ, nhưng sẵn sàng tươi cười hồn nhiên, gây được thiện cảm ngay lúc vừa mới đứng trước mặt chúng ta. Tập quán rất ôn hòa, nhưng rất nhiều mê tín nên có thể trở nên hung dữ”(5). Hoặc tác giả cũng đã quan sát các hoạt động kinh tế của tộc người thiểu số Quảng Trị “Họ không ngần ngại đốt sạch một cụm rừng để làm rẫy nhờ vào lớp tro phì nhiêu. Họ sống với hoa màu của họ và buôn bán nhỏ với người An nam tại chợ Cam Lộ hay các chợ khác gần vùng Huế. Họ bán mật ong, lợn con, thuốc lá, cây có sợi dệt, và các lâm sản để đổi lấy vải xô hay đồ dùng trong nhà. Họ rất ngay thẳng nên việc mua bán với họ rất dễ dàng”(6).

Các tộc người mà A.Laborde trình bày trong Tập san B.A.V.H chính là người Tà Ôi, Pacô hoặc Bru - Vân Kiều hiện nay đang cư trú tại huyện A Lưới (Thừa Thiên Huế), huyện Đắckrông, Hướng Hóa, Vĩnh Linh (Quảng Trị). Nhiều phong tục tập quán những năm đầu thế kỉ XX mà A.Laborde mô tả hiện nay dù ít dù nhiều họ vẫn còn bảo lưu mà trong đó hiện hữu là họ vẫn tin vào thần linh như A.Laborde đã nói “…người miền núi thường cầu khấn các thần linh, mặt trời mọc, mặt trời lặn, mặt trăng, núi đồi để phán xử các tội nặng, tội nhẹ trong những lúc cúng bái được tổ chức bài bản bởi các thầy mo”(7).

Đi sâu vào các nội dung của vấn đề nghiên cứu thì sẽ thấy rõ mối quan hệ giữa dân tộc học, khảo cổ học, văn hóa và du lịch. Như giữa dân tộc học và khảo cổ học thì cô M.Colani đã có những ghi chú rõ ràng, khoa học về thời tiền sử và thời sơ sử tỉnh Quảng Bình. Tác giả đã thống kê ra thời đại đồ đá cũ hay thời đại đồ đá mới tầng dưới ở Yên Lạc, Kim Bảng. Thời đại đồ đá mới có nhiều đơn vị như: Khe Trong, Hang Rao, Minh Cầm, Bàu Tró, Xóm Thâm, Đức Thi. Thời đại đồ đồng: vũ khí, nữ trang… có thể kết hợp với những chum đất ở Cổ Giang(8).

Giữa dân tộc học trong mối quan hệ với ngành du lịch thì núi Bà Nà (Đà Nẵng) đã được thực dân Pháp xây dựng thành trung tâm nghỉ dưỡng trên độ cao ở Trung Trung Kỳ. Đọc qua bài này của Bác sĩ Gaide chúng ta mới biết được sự kì vĩ, tài nguyên sinh học đa dạng, về tộc người thiểu số sinh sống quanh vùng Bà Nà.

Chúng ta trở lại với tác giả A.Laborde người chủ sự hành chánh, đã có bài viết về tỉnh Quảng Trị rất sắc sảo thì đến bài viết về tỉnh Quảng Ngãi lại sắc sảo hơn. Tác giả đã cho chúng ta thấy được bức tranh toàn cảnh về dân tộc học người Việt ở Quảng Ngãi qua hình ảnh đặc trưng của chiếc guồng xe nước rất lớn chằng chịt lạ kì của hàng ngàn tăm nang tre. Nghề trồng mía, cây trà, chăn tằm. Còn đối với văn hóa các dân tộc thiểu số thì tác giả khẳng định rằng: “Văn hóa tiền sử ở Quảng Ngãi là dấu ấn văn hóa của người Chăm, người Cambodge, người Lào họ theo đạo Bà la môn khi khảo cổ các ngôi mộ là sự lộ diện của những vòng đeo tai hình khuyên lủng lẳng không trọn vẹn bằng đá và ngọc”.

A.Laborde cũng dành khá nhiều trang để nói về người Mọi ở Quảng Ngãi “Người Mọi ở Quảng Ngãi thường chia thành hai nhóm: Nhóm Mọi Châm hay Mọi Đồng, họ sinh sống trong các thung lũng vùng đồng bằng. Người Mọi Cua hay Mọi Giầu, họ chiếm cứ những chỗ xa hơn và sinh sống trên các sườn núi”(9). Hoặc phong tục tập quán đặc biệt của họ gồm “Sự sinh đẻ: Khi một đứa trẻ sinh ra, chừng nào dây rốn chưa rớt xuống, thì người cha phải tránh nói, tránh làm việc… Quà tặng hôn nhân gồm một tràng hạt, tràng hạt này phải được giữ gìn quý trọng suốt đời. Điều này sẽ giải thích cho biết những vòng cổ bằng đá nhiều màu mà những người bản xứ có khi đeo rất nhiều vòng ở quanh cổ họ”(10).

Nếu như các sắc tộc ở Quảng Ngãi và Quảng Trị được mô tả những khía cạnh dân tộc học dưới dạng phong tục tập quán, văn hóa vật chất, văn hóa tinh thần một cách nhẹ nhàng thì đến với công trình Những người săn máu, tác giả J.Le Pichon - Chỉ huy trưởng Bảo an binh bản xứ Trung Kỳ - ông đã có cái nhìn khái quát và toàn diện của người Katu ở vùng núi Quảng Nam và Thừa Thiên. Tất cả các giá trị văn hóa của người Katu như: làng, nhà cửa, nghệ thuật, cuộc sống, những khúc ca, cái chết và sự thờ tự người chết, những cuộc viễn chinh đẫm máu, những mê tín dị đoan, những lễ hội, những cuộc nhảy múa. Tuy nhiên ngay cách đặt tiêu đề cho công trình chuyên khảo về tộc người Katu đã gợi trí tò mò cho người đọc. Toàn bộ kiến thức được khảo tả và sắp xếp khoa học trong Những người săn máu đó đã được tác giả nói đây là những nét ghi nhanh về người Katu bằng một kỉ niệm cá nhân(11). Tổng quan về công trình này cho thấy Le Pichon đã viết nên một bách khoa thư về người Katu ở Việt Nam đầu thế kỷ XX từ địa vực cư trú, quan hệ tộc người, văn hóa vật chất, văn minh tinh thần, tập tục, mê tín, dân ca, dân nhạc, dân vũ… Từ đó đến nay cũng đã xấp xỉ gần 1 thế kỷ vậy mà những gì Le Pichon mô tả đều có giá trị của nó. Sau này, không chỉ ở Việt Nam mà một số nhà nghiên cứu tộc người trên thế giới những ai muốn nghiên cứu người Katu đều phải tham khảo từ Les chasseurs de sang.

Một điều đáng khâm phục rằng mặc dù bất đồng ngôn ngữ giữa người Pháp với người Việt, giữa người Pháp với đồng bào các dân tộc thiểu số Trường Sơn - Tây Nguyên nhưng các tác giả đã rất nỗ lực ghi chép, khảo cứu và giới thiệu nhiều cái hay, cái mới lạ về dân tộc học buổi đầu còn non trẻ ở Việt Nam. Tác giả Jean Marquet đã khẳng định rằng “Xứ Mọi trên dãy Trường Sơn vẫn còn là vùng đất bí ẩn hoàn toàn độc lập(12). Và L.Cadière cho biết thêm: “Các khu vực dự trữ lớn cho săn bắn thú ở An nam là các vùng núi thuộc dãy Trường Sơn. Các loài thú chính gồm: voi, tê giác, heo rừng, trâu rừng, bò rừng, nai lông đà, hươu sao, nai Eld, nai Mutjac, cọp, báo, chồn, sấu Mã lai, thỏ, bồ câu, các loài chim, rái cá”(13).

Xin được quay trở lại với đề tài dân tộc học Chămpa, trong Tập san B.A.V.H địa bàn nghiên cứu Chămpa vượt ra khỏi Thừa Thiên Huế để đến các vùng khác như Quảng Trị, Nghệ An, Hà Tĩnh, Hội An, Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Phan Rang(14). Mỗi địa bàn đều có những khảo cứu về Chămpa khác với vùng Huế. Nếu như ở Huế các di tích Chămpa được nghiên cứu độc lập thì các vùng nêu trên, văn hóa Chămpa được các tác giả nghiên cứu có sự kết hợp trên cơ sở các mối quan hệ liên ngành lịch sử, văn hóa, khảo cổ học, kinh tế, chính trị, tín ngưỡng, dân tộc học… Điều đặc biệt là các di tích Chămpa ở Quảng Trị và Quảng Nam được nhắc đến nhiều nhất đó là hệ thống thủy lợi đá cổ ở Quảng Trị mà M.Colani đã đề cập ở trên. Riêng văn hóa Chămpa ở Quảng Nam do A.Salles - Bác sĩ trưởng trong quân đội thuộc địa - khảo cứu dày công đã cho rằng “Vùng đất Quảng Nam vốn là do đất Amanavati (Chiêm) mà thành, nơi đây có Sinhapura tức là kinh đô diệu kì rực rỡ, và Indrapura tức là phường phố thờ cúng thần linh; và ở các đền thờ của cụm đền Mỹ Sơn được dựng lên kế tiếp nhau trải qua nhiều thế kỉ”(15). Tác giả đã tiến hành khảo tả kết hợp với việc lồng ghép các sự tích, truyền thuyết về các di tích Chămpa ở Quảng Nam như Cồn Dàng tại làng Triều Châu, huyện Duy Xuyên, giếng nước Hương Quế ở huyện Quế Sơn, ở Cẩm Lệ Bắc và Trà Kiệu… đều gắn với tâm linh, huyền bí gây chết người. Hoặc người Chàm nông dân còn để lại chuyên khoa dẫn nước tưới ruộng bằng những công trình đê đập to lớn mà dấu tích chưa mất hẳn. Đó là các kênh mương, đầm chứa nước rộng lớn. Các ngôi mộ của các vị lớn người Chàm tại làng Tiên Đóa và Liêu Trị, tấm bia Bằng An - nó là một cái chậu nước thần thanh khiết, bốn bên có chữ viết.

Tác giả cũng đã có những lí giải, lập luận về việc thờ tự của người Chăm đã ảnh hưởng đến cuộc sống của cư dân bản địa như Bà Đá, Bà Lồi, Bà Ngọc, Bà Thai Dương, Dương Nương… là những linh thần quan trọng, giúp người cứu nạn, che chở đồng ruộng. A.Salles luôn có sự đối sánh giữa văn hóa Chàm với văn hóa An nam, càng bộc lộ rõ hơn văn hóa tín ngưỡng và các di tích Chàm ở vùng Quảng Nam. Cuối cùng A.Salles nêu ra ý kiến “Trên xứ sở này cũng như trên các sắc tộc, trong các sách nói về phong tục tập quán, trong các sách chép chuyên chứa một cuộc nghiên cứu đều có thể dành cho ta những điều bất ngờ, thú vị”(16).

Trong những ngày cư ngụ ở Seman (Vân Nam - Trung Quốc), bác sĩ Gaide đã thực hiện những cuộc du lãm ở Sipsongpanas, từ đó đưa ra nhận định các tộc người phong phú và phức tạp trong vùng đồng thời đề nghị một hướng nghiên cứu dân tộc học trên toàn cõi Đông Dương cho Trường Viễn Đông Bác Cổ. Tục nhuộm răng của người An nam, các cách sử dụng thuốc mê, thuốc phiện được nghiên cứu, góp phần làm phong phú cho đề tài dân tộc học(17).

Sau khi về lại Việt Nam, bác sĩ Gaide đã chú tâm vào nghiên cứu các đề tài Thuật nhuộm răng và các thứ thuốc nhuộm răng của người An nam. Tác giả cho rằng “Dân Văn Lang đã có một số thói quen về nòi giống. Ví dụ họ đã xăm vẽ trên mình, bối đầu tóc dài thành hình củ hành và vấn khăn đội đầu. Tập quán nhai trầu cũng đã phổ biến”(18). Đối với người Việt xưa cái miệng đỏ như máu và hàm răng đen của họ là bởi tập quán nhai trầu gồm có lá trầu không, quả cau, vôi và thuốc lá. Người ta vẫn dùng cau trầu trong giao tế phổ thông như một tác nhân lành mạnh, làm sạch miệng và tác dụng như một chất kích thích(19).

Điều thú vị cuốn hút bác sĩ Gaide như một bệnh nghề nghiệp đó là quan sát kĩ thuật nhuộm răng và thứ thuốc nhuộm răng của người An nam. Ông cho đó là một nghề gọi là thầy thuốc nhuộm răng xuất phát từ nghề làm thuốc, giữ bí quyết nhà nghề, những vị thuốc được giữ một cách bí mật quý báu trong gia đình.

Tác giả đã có những trang mô tả cách nhuộm răng và các bài thuốc mà ông sưu tầm được như Cố xỉ tán, Cố xỉ cao, Cố xỉ cao phương. Còn về cách thức nhuộm răng và những kiêng kị trong quá trình nhuộm răng được ông miêu tả như sau: “…người ta cho đốt cái vỏ gỗ của quả dừa, tức là cái gáo dừa rồi người ta thêm vào đó chất lòng trắng của trứng. Lúc ấy, nơi vành than cháy dở của gáo dừa, xuất hiện những giọt màu đen sền sệt, người ta hứng lấy chúng trên một lưỡi dao mỏng và đem bôi ngay lên hàm răng đang ngậm thuốc. Chất nhuộm đó đã đem lại cho hàm răng sức láng bóng nổi bật hẳn lên” hoặc “Việc nhuộm răng được thực hiện trên hạng thiếu niên, vào lứa tuổi dậy thì, tức là từ 11 đến 17 tuổi”(20).

Trong những điều cấm chỉ và những điều tuân thủ về tục nhuộm răng thì bác sĩ Gaide có cho biết thêm “Đối với lần nhuộm thử đầu tiên, đối với các lần nhuộm lại này, các việc áp dụng thuốc nhuộm răng không bao giờ được thực hành đối với các thiếu nữ hoặc những phụ nữ đang thời kì hành kinh của họ; và sự cấm kị mạnh nhất là đối với một người đang có mang. Một sự cấm ngặt đã tuyệt đối cũng được quy định đối với toàn thời gian có tang chế…

Trong suốt thời kì nhuộm răng, người ngậm thuốc không được để cho một người đàn bà đang hành kinh, hoặc một người đàn bà đang có mang, hoặc người đang có tang chế nhìn thấy… cũng cấm nhìn con động vật cái đang sinh đẻ… không được tự soi ngắm trong một cái gương, không nên đứng dưới mặt trời nắng…”
(21).

Mặc dầu tên của các công trình nghiên cứu về dân tộc học người Việt nhắc đến người An nam nhưng thực chất các tác giả đều lấy người Huế làm đối tượng nghiên cứu. Tác giả A.Sallet trong công trình “Thuốc mê” Dân tộc học An nam, đã đưa người đọc đến với những bài thuốc mê hấp dẫn khắp nơi trên đất nước An nam như loài rắn đẻn, nọc độc của nó thuộc loại tạo nên giấc ngủ một cách bí mật và chúng dự phần vào việc chế tạo các “thuốc mê” cho bọn kẻ trộm, bùa yêu. Ngoài ra có thiên thiên tử, hạt cà độc dược, ban miêu, ba thứ này dược lấy cùng cân lượng, các hạt và bọ ban miêu được nghiền nát thật kĩ. Để cho dễ cháy người ta còn trộn thêm ngải cứu thì sẽ hiệu nghiệm tức thì.

Một vấn đề tưởng như đơn giản nhưng khi đọc rồi mới thấy được sự lôgíc và có ý nghĩa đối với giới khoa học thuộc chuyên ngành kiến trúc như bài nghiên cứu về nhà ở của người An nam ở Huế và ở các vùng xung quanh, tác giả Léo Craste đã chú tâm vào việc miêu tả nhà ở của người dân, của những vị quan trung lưu nhà ở của hạng người này còn rất đông đảo ở nông thôn hoặc ở vùng phụ cận Huế. Các nếp nhà xưa ở Huế và hiện vẫn còn lưu giữ đó là các hàng rào vây quanh, cổng cửa ngõ, bức bình phong, nhà ở… những ai muốn tìm hiểu thì chính tác giả đã có sự miêu tả tỉ mỉ về cấu kiện các loại nhà đó là nhà rọi, nhà rường, nhà lầu.

Người Huế xưa còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa cả vật chất lẫn tinh thần rất lớn, nếu như có tục ăn trầu và nhuộm răng đen thì sẽ có những phụ kiện đi kèm theo nó cho đủ đôi đủ cặp đó là chiếc đảy trầu thuốc ở Huế ngày xưa. Tác giả Tôn Thất Quảng đã miêu tả tỉ mỉ về đồ vật của người Huế đó là chiếc túi trầu cau và thuốc lá mà được nhiều người gọi là chiếc hầu bao. Mỗi hạng người, thúc bậc thì lại có hầu bao riêng: “Vua chúa có những túi trầu cau bằng thứ nhiễu được gọi là đoạn, một túi vàng, một túi khác đỏ, dược dệt hoặc thêu hình rồng, chỉ bằng vàng.

Quan cao cấp có hầu bao bằng thứ lụa được gọi là gấm có nhiều màu, cái thì đỏ, cái thì lục, hoặc đỏ và lam, hoặc đỏ và đen có dệt hoa.

Các quan cấp dưới và dân thường thì chỉ được dùng hầu bao bằng lụa thường, không được thêu và hai túi đều cùng màu, hoặc lục, hoặc lam hay đen tuyệt đối không được dùng màu đỏ.

Vua, các ông hoàng bà chúa đều đặt hầu bao trong chiếc khay vuông và sai đem theo.

Các quan và dân chúng thì mang hầu bao sau lưng, có người thì cầm hay đeo ở thắt lưng”
(22).

Điểm qua những bài viết, các công trình nghiên cứu dài hơi được đăng tải trên Tập san B.A.V.H về lĩnh vực dân tộc học - nhân học cách đây đúng 100 năm có thể nói rằng các tác giả người Pháp lẫn người Việt đã đóng góp nhiều nguồn tư liệu, hình ảnh, tranh vẽ bổ ích, có giá trị văn hóa, lịch sử cho đến tận bây giờ. Ngày nay những ai muốn nghiên cứu về Huế xưa thì những thông tin ở trong B.A.V.H thật là đáng quý. Mảng dân tộc học mà chúng tôi khảo sát ở Tập san B.A.V.H có thể được chia làm 3 nội dung rõ ràng đó mảng dân tộc học về Chămpa, mảng dân tộc học về người Việt và mảng dân tộc học về các dân tộc thiểu số Trường Sơn - Tây Nguyên. Mặc dầu có nhiều tác giả có các công trình viết ra chỉ nhằm phục vụ cho chính sách khai thác thuộc địa song nó vẫn có ý nghĩa về mặt dân tộc học một cách tích cực. Rất tiếc là Tập san này ra đời năm 1914, đến giữa năm 1944 trước những biến động của thời cuộc Tập san đình bản và Hội Những người bạn của cố đô Huế tự động giải thể.

T.N.K.P
(SH302/04-14)


.............................................
1,2. Những người bạn cố đô Huế. Tập 1. Nxb.B Thuận Hóa, Huế, 1997, trang 13.
3. Những người bạn cố đô Huế. Tập 27. Nxb. Thuận Hóa, Huế, 2012, trang 15.
4. Những người bạn cố đô Huế. Tập 2. Nxb. Thuận Hóa, Huế, 1997, trang 372 - 373.
5. Những người bạn cố đô Huế. Tập 8. Nxb. Thuận Hóa, Huế, 2001, trang 202;
6,7. trang 203.
8. Những người bạn cố đô Huế. Tập 23. Nxb. Thuận Hóa, Huế, 2010, trang 153.
9, 10. Những người bạn cố đô Huế. Tập 7. Nxb. Thuận Hóa, Huế, 2002, trang 298.
11. Những người bạn cố đô Huế. Tập 25. Nxb. Thuận Hóa, Huế, 2012, trang 619.
12. Những người bạn cố đô Huế. Tập 14. Nxb. Thuận Hóa, Huế, 2004, trang 25.
13. Những người bạn cố đô Huế. Tập 18. Nxb. Thuận Hóa, Huế, 2003, trang 90 - 98.
14. Những người bạn cố đô Huế. Tập 1. Nxb. Thuận Hóa, Huế, 1997, trang 20.
15. Những người bạn cố đô Huế. Tập 10. Nxb. Thuận Hóa, Huế, 2002, trang 211;
16. trang 234.
17. Những người bạn cố đô Huế. Tập 1. Nxb. Thuận Hóa, Huế, 1997, trang 13.
18. Những người bạn cố đô Huế. Tập 15. Nxb. Thuận Hóa, Huế, 1997, trang 413;
19. trang 421 - 425;
20. trang 431, 432, 448;
21. trang 448.
22. Những người bạn cố đô Huế. Tập 3, 1916. Nxb. Thuận Hóa, Huế, 1997, trang 342, 343.








 

Các bài mới
Hồi Cung (24/04/2014)
Các bài đã đăng
Đêm rừng lạnh (21/04/2014)
Trăng đỏ (18/04/2014)