Tạp chí Sông Hương - Số Đặc Biệt (T.3-14)
Festival Huế 2014 - Di sản văn hoá với hội nhập và phát triển
10:51 | 10/04/2014

PHƯƠNG ANH

Đã bao mùa Festival qua đi, biết bao dấu ấn đã để lại trong lòng du khách gần xa và bạn bè quốc tế. Ai ghé thăm Huế một lần trong dịp Festival cũng thích thú, muốn về thêm lần nữa để trải nghiệm sự mê hoặc của tinh hoa văn hóa nhân loại đến từ nhiều quốc gia trên thế giới.

Festival Huế 2014 - Di sản văn hoá với hội nhập và phát triển
Đêm Hoàng cung - Ảnh: Đặng Văn Trân

Từ lâu, Huế vốn nổi tiếng là một vùng đất yên bình, nhẹ nhàng sâu lắng, êm ả trong dòng chảy của thời gian. Huế thanh bình, nên thơ, không xô bồ, vội vã. Huế với những mùa mưa dài, rả rích mang cái tâm trạng riêng của vùng đất Cố đô.

Huế âm thầm và lặng lẽ, thế rồi bỗng Huế chuyển mình, rộn rã bày cuộc hội ngộ các miền di sản qua các kỳ Festival. Các lễ hội, các chương trình nghệ thuật đã làm cho thành phố cổ kính thức dậy... Huế đã mang gương mặt khác cùng với Festival. Huế sinh động hơn, tươi vui hơn khi mang vẻ đẹp của mình khoe với bạn bè khắp năm châu, tạo nên một sự kết nối thân tình trong sự giao lưu văn hóa.

Một sự quy tụ văn hóa lớn

Festival Huế là một trong những lễ hội đầu tiên ở Việt Nam được phát triển trên khái niệm mới về lễ hội, lấy mô hình Festival của các thành phố nổi tiếng trên thế giới làm hình mẫu tổ chức, với sự tài trợ và hợp tác của nhiều tổ chức phi chính phủ, hợp tác phi tập trung với các chính quyền vùng, thành phố quốc tế.

Điểm mạnh của Festival Huế đó là sự thu hút, sự liên kết tổ chức bằng mối quan hệ hợp tác, hữu nghị, giao lưu và quảng bá văn hóa. Ngoài vẻ đẹp của văn hóa Huế, Việt Nam, người ta còn thấy được nhiều vẻ đẹp bản sắc văn hóa riêng biệt của các đoàn nghệ thuật đại diện cho các quốc gia về tham dự. Những vẻ đẹp đó đã xóa đi những ranh giới địa lý, không gian, những quan điểm dị biệt, hướng đến một tinh thần nhân văn cao cả của nhân loại. Đây cũng là nơi để thấy được sự sáng tạo vô tận của con người trong việc xây dựng nên những nền văn hóa đa sắc...

Đến hẹn lại lên, Festival Huế 2014 diễn ra từ ngày 12 đến ngày 20/4/2014 sẽ mang đến cho du khách một mùa lễ hội đầy màu sắc tươi mới với sự tham gia của hơn 40 đoàn nghệ thuật đến từ 31 quốc gia và hơn 20 đoàn nghệ thuật trong nước, hứa hẹn thêm một kỳ Festival hoành tráng và hấp dẫn.

Có rất nhiều cái mới trong Festival Huế 2014. Đầu tiên là các đoàn nghệ thuật đẳng cấp ở các Festival thế giới chưa một lần tham gia Festival Huế nay sẽ về đây hội tụ. Những điệu Samba đến Việt Nam qua sự trình diễn của nhóm Sururu Na Roda (Brazil). Với hơn mười năm hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc, Sururu Na Roda đã khẳng định tên tuổi trong làng nhạc Brazil bởi đã lưu giữ những nét đặc sắc của Samba trong nền âm nhạc đương đại. Không kém phần thu hút, đoàn nghệ thuật trống Bati-holic (Nhật Bản) cũng sẽ mang đến cho Festival Huế một năng lượng mới. Bati-holic đã làm say mê khán giả trên khắp thế giới bởi nhịp điệu sôi động, tràn đầy năng lượng, mỗi tiết mục như thôi thúc người xem cùng nổ tung với ban nhạc. Bên cạnh đó, Đoàn múa dân gian Asayel (Palestine) với những tiết mục khắc họa lại những hình ảnh đời sống sinh hoạt của người dân Palestine. Nhóm vũ nhạc Tararam của Israel với sự hòa trộn đặc sắc giữa giai điệu, những chuyển động của cơ thể đan xen với những chuỗi âm thanh đặc biệt được tạo nên từ những vật dụng tái chế hết sức bình thường như những chiếc vỏ lon, thùng nhựa hay kim loại, ghế gỗ, thìa, trống, và nhiều nhạc cụ gõ khác. Ngoài ra còn có Dàn nhạc OSP Nadarzyn - một trong những ban nhạc nổi bật nhất của đất nước Ba Lan. Với nghệ danh “Sứ giả Long”, một biểu tượng âm nhạc của Bỉ - Benjamin Schoos cũng sẽ tham dự Festival Huế 2014, là ca sĩ chính của ban nhạc Miam Monster Miam, đồng thời là nhà sản xuất, nhạc sĩ, nghệ sĩ chơi nhiều loại nhạc cụ, Benjamin Schoos đã cho ra đời hàng loạt sáng tác tươi mới, tràn đầy nhựa sống, chở đầy giai điệu và chất pop lãng mạn... Đặc biệt, chương trình xiếc “Làng tôi”, sau trên 300 xuất diễn thành công lớn ở Pháp và châu Âu sẽ lần đầu tiên có mặt tại Festival Huế. Không những thế, tại Festival lần này, âm nhạc truyền thống Tây Phi pha trộn với âm nhạc truyền thống của Việt Nam sẽ được giới thiệu đến du khách tham dự cùng với sự giao thoa giữa Nhã nhạc Nhật Bản với Nhã nhạc Huế (Âm nhạc cung đình Việt Nam) qua ca khúc “Rinyu hakkyoku.’’

Tất cả sẽ giúp Festival Huế năm nay hấp dẫn và sôi động hơn.

Qua bao mùa, Festival Huế 2014 vẫn mang chủ đề truyền thống “Festival Huế - Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển” nhưng chưa bao giờ người ta cảm thấy nhàm chán bởi mỗi kỳ có sự hấp dẫn khác nhau. Sự sáng tạo và đổi mới qua từng thời kỳ đã khiến Festival Huế thu hút nhiều chương trình nghệ thuật của các quốc gia, trở thành điểm hẹn của di sản văn hóa và nghệ thuật đương đại của Huế, Việt Nam và nhiều nền văn hóa khác trên thế giới.

Xích lô du ngoạn - Ảnh: Hoàng Xuân Trí


Sáng tạo cái mới từ căn nền của truyền thống

Festival Huế năm nay như khoác lên mình chiếc áo mới, mới cả nội dung và hình thức trình diễn. Lễ khai mạc được tổ chức ở quảng trường Ngọ Môn, xoay sang hướng Kỳ Đài. Các sân khấu quen thuộc ở Đại Nội, cung An Định... cũng sẽ tiếp tục tái hiện nhiều lễ hội phong phú và độc đáo, du khách vẫn sẽ được thưởng thức những tiết mục quen thuộc nhưng được nâng lên với sự dàn dựng đầy kỹ lưỡng và sáng tạo như: Lễ hội áo dài, Đêm phương Đông, Đêm hoàng cung, lễ Tế Đàn Nam Giao, tế Đàn Xã Tắc…

Ngay bên cầu Trường Tiền, các chậu nến lớn sẽ được đốt cháy tạo hiệu ứng ánh sáng lung linh huyền ảo chiếu xuống dòng Hương trong chương trình nghệ thuật sắp đặt lửa Carabosse. Độc đáo hơn, trên cầu Trường Tiền còn có triển lãm ảnh nghệ thuật 54 dân tộc Việt Nam của nghệ sĩ Sebastienne Laval. Với hình thức tổ chức và phong cách biểu diễn mới lạ, đây sẽ là chương trình tổng hợp lớn Việt - Pháp, điểm nhấn độc đáo gắn với sông Hương - cầu Trường Tiền - chợ Đông Ba nhân 115 năm hình thành.

Trên khắp các đường phố, chúng ta có thể cảm nhận được sự sôi động, đặc sắc của các đoàn nghệ thuật đường phố đến từ các nước Đông Á, Mỹ La tinh và một số đoàn quốc tế, như: đoàn cà kheo của Bỉ, dàn kèn đồng của Ba Lan, nhóm nhạc đường phố của Pháp… Lễ hội đường phố được chú trọng đầu tư mở rộng quy mô và tăng thêm thời gian với chủ đề “Di sản và sắc màu văn hóa”. Du khách còn được chiêm ngưỡng những nét đẹp xung quanh Hoàng thành Huế cũng như những dịch vụ trên những trục đường quanh Đại Nội để hiểu thêm những nét văn hóa Huế, không gian Huế. Năm nay, các đoàn sẽ không tham gia từ đầu đến cuối mà được phân bổ tour, mỗi đoàn sẽ biểu diễn 2 đến 3 ngày, biểu diễn xong thì đoàn khác đến.

Những hoạt động mang tầm cỡ thế giới cũng sẽ được tổ chức trong dịp Festival huế 2014 như: Liên hoan Ẩm thực các nước ASEAN và Đông Bắc Á; Hội thảo khai thác du lịch tàu biển; Liên hoan Múa quốc tế tại thành phố Huế; Đêm Nghệ thuật ASEAN trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Văn hóa các nước ASEAN + 3; Giải Golf Festival Huế 2014…

Đặc biệt, du khách sẽ được thưởng thức một chương trình đặc sắc, một nét đặc trưng riêng biệt của vùng đất Cố đô với chương trình sân khấu hóa tôn vinh nghệ thuật ca Huế với chủ đề “Hương Bình khúc tri âm”. Với mục đích đưa giá trị của ca Huế lên một tầm cao mới để có sự đánh giá đúng đắn hơn về loại hình nghệ thuật truyền thống có từ lâu đời của vùng đất Cố đô; ca Huế sẽ được sân khấu hóa thành chương trình riêng, có quy mô riêng, mang đến cho du khách sự thưởng thức mới lạ hơn.

Ông Nguyễn Văn Thanh - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Festival Huế cho biết: Chương trình tôn vinh ca Huế sẽ được tổ chức ở bến thuyền Tòa Khâm - bến truyền thống của Ca Huế. Chương trình sẽ có hai phần: Phần 1 của chương trình tôn vinh ca Huế diễn ra ở sân khấu trên bờ với nhiều tiết mục ca Huế đặc sắc với sự trình diễn của hàng trăm nghệ sĩ, diễn viên. Trong không gian của dòng Hương, phần 2 của chương trình sẽ diễn ra trên 25 thuyền rồng, mỗi thuyền có một đội biểu diễn phục vụ quan khách thưởng thức.

Để hòa cùng với Festival Huế, giới văn nghệ sĩ Huế cũng đã có sự chuẩn bị cho lễ hội. Gác Trịnh sẽ tổ chức hai chương trình văn nghệ. Chương trình thứ nhất, hát nhạc Trịnh Công Sơn với chủ đề “Về giữa phố xá thênh thang”, diễn ra ngay chính con đường mang tên ông. Cũng trên đường Trịnh Công Sơn, một chương trình khác được Gác Trịnh tổ chức là “Mùa xuân - khúc tình ca xứ Huế”. Cả hai chương trình này sẽ do các ca sĩ là những cựu nữ sinh Huế một thời trình diễn. Tại công viên Tứ Tượng, nằm ngay bên bờ sông Hương, những dòng thơ được in trên dải lụa sẽ được sắp đặt thành “Vườn thi ca” đầy ấn tượng, mang một vẻ đẹp riêng khi chính các nhà thơ tự thi triển bút pháp của mình.

Festival hướng về cộng đồng

Với chủ trương giữ gìn di sản truyền thống nhưng cách thể hiện luôn luôn mới, chú trọng tổ chức các hoạt động để nhân dân và du khách vừa có thể là chủ thể sáng tạo vừa là chủ thể hưởng thụ, Festival 2014 sẽ được mở rộng không gian diễn xướng và không gian lễ hội với mục tiêu đưa Festival về với cộng đồng.

Những năm qua, nhiều miền quê yên ả của Huế đã được Festival đánh thức, dường như năng động và sôi nổi hơn bởi những trầm tích được ẩn chứa bên trong nó đã hồi sinh. Phía đông nam Huế, làng Thanh Tiên (Phú Vang) hiền hòa với những màu sắc trên hoa giấy, nay đã trỗi dậy hơn nữa và khoe mình với năm châu, qua lễ hội “Sắc màu Thanh Tiên”. Phía bắc Huế, du khách lại được chiêm ngưỡng vẻ đẹp cổ kính ngôi làng cổ nhất của Huế - Phước Tích - qua lễ hội “Hương xưa làng cổ” với những trò chơi xưa cũ như đu tiên, kéo co, nấu cơm bằng những nồi niêu đất hay tự tay tạo ra một bình gốm cho riêng mình. Phía nam Huế, cầu ngói Thanh Toàn (Hương Thủy) hơn trăm tuổi lại tấp nập với “Chợ quê ngày hội”. Những phiên chợ quê, những trò chơi dân gian được tái hiện, ở đó có cả một khu nhà lưu niệm những vật dụng nông thôn hằng ngày của người dân và đặc sản với con cá trê nướng, con cá rô đồng hay cả những con cua rạm.... Phía đông bắc Huế, bên đầm phá Tam Giang (ở Cồn Tộc, Quảng Điền), lễ hội “Sóng nước Tam Giang” diễn ra, mang vẻ đẹp vùng sông nước miền quê với bức tranh đa sắc màu khi mặt trời chiếu xuống, đẹp cả bình minh, đẹp cả hoàng hôn. Phía đông Huế, “Thuận An biển gọi” mang đến cho du khách một hành trình về với biển vào những ngày nắng hấp dẫn và vui nhộn hơn. Các em nhỏ ở Huế, sẽ có điều kiện tham gia Lễ hội thiếu nhi mang tên “Sắc màu tuổi thơ”…

Không dừng lại ở đó, sẽ có những đêm biểu diễn giao lưu đặc biệt dành cho những người không có điều kiện tham dự Festival đang ở tại các bệnh viện, nhà máy... Các sân khấu, lễ hội sẽ được đưa về các vùng xa xôi của tỉnh Thừa Thiên Huế.

Khi đã khoác lên mình chiếc áo mới, nhưng không mất đi bản chất vốn có, những sắc màu lễ hội sẽ điểm thêm họa tiết cho Festival Huế lộng lẫy và rực rỡ hơn, hấp dẫn bao du khách gần xa đến Huế và ngày càng yêu Huế hơn.

P.A
(SDB12/03-14)






 

Các bài mới
Trôi (29/04/2014)
Các bài đã đăng