Tạp chí Sông Hương - Số Đặc Biệt (T.3-14)
Fetival Huế: Văn hóa năm châu hội tụ và tỏa sáng
14:56 | 11/04/2014

THANH TÙNG

Đại tiệc văn hóa đa sắc đa hương
“Thanh minh trong tiết tháng ba”, đến hẹn lại lên, du khách nhộn nhịp đổ về Huế thưởng lãm một Festival văn hóa - nghệ thuật đặc sắc.

Fetival Huế: Văn hóa năm châu hội tụ và tỏa sáng
"Vũ điệu Festival" của Phạm Bá Thịnh

Dễ nhận ra, Festival Huế những lần sau quy mô vẫn hoành tráng, và phong phú, hấp dẫn về nội dung, nghệ thuật. Đó là yêu cầu bắt buộc để khẳng định giá trị thương hiệu, để Festival Huế luôn luôn mới, đủ sức hấp dẫn, mời gọi bạn bè gần - xa trở lại Huế lần 2, rồi lần 3...

Các chương trình nghệ thuật của Việt Nam xuất xứ từ nhiều vùng miền, nhiều địa danh lịch sử. Từ nền văn minh sông Hồng đến vùng văn hóa sông nước - châu thổ đồng bằng sông Cửu Long. Giai điệu Tây Bắc réo rắt hòa quyện với âm vang cồng chiêng - vũ điệu Tây Nguyên, vũ điệu Champa… Âm sắc Việt, âm sắc cung đình, tinh hoa văn hóa Huế làm nổi bật lên bản sắc văn hóa Việt là giai điệu chủ của Fesstival.

Đối tác chiến lược tổ chức Festival Huế trước - sau vẫn là nước Pháp. Còn nhớ, Chủ tịch Thượng Nghị viện Cộng hòa Pháp, ông Christian Poncelet, đã đến dự Festival Huế lần thứ nhứ nhất vào năm 2000. Trong cuộc gặp gỡ báo chí ông Christian Poncelet nhấn mạnh: Festival Huế 2000 cần được phát huy để Huế là nơi gặp gỡ, giao lưu của nhiều nền văn minh, là nhịp cầu nối văn hóa phương Đông và phương Tây. Festival là một dịp để giới thiệu văn hóa Việt Nam, văn hóa Pháp với công chúng Việt Nam và công chúng nước ngoài. Festival sẽ biến Huế thành thủ đô văn hóa của Việt Nam, của Đông Nam Á.

Hơn 20 năm trước đó, lần đầu tiên từ Hà Nội vào thăm Huế, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng từng nói: “Sau ngày đất nước thống nhất may ra còn có Huế để đối ngoại về văn hóa”.

Nhờ vị thế của văn hóa Huế và tầm văn hóa của Festival Huế, càng về sau, bên cạnh nước chủ nhà, các đoàn nghệ thuật đến từ các châu lục tăng dần đều. Từ Festival Huế 2002 đã có sự tham dự của nhiều nước ASEAN và 3 nước Bắc Á là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc. Các kỳ tiếp theo có thêm Ấn Độ, Mông Cổ, Nga, Anh, Rumani, Thụy Sĩ, Bỉ, Hà Lan, Tây Ban Nha, Ba Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Israel. Rồi nước Úc từ Châu Đại Dương cực nam địa cầu. Bên kia bờ Thái Bình Dương dần dần có thêm Achentina, Mehico, Panama, Hoa Kỳ.

Bên cạnh các đoàn nghệ thuật của nước chủ nhà, sự góp mặt của nhiều đoàn nghệ thuật đến từ nhiều nước trên thế giới, lần sau số lượng các đoàn nghệ thuật đăng ký tham gia nhiều hơn lần trước, từ Festival 2010 có đủ đại diện của cả 5 châu lục khẳng định Huế là thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam, là nơi hội ngộ của nhiều nền văn hóa.

Chùm ảnh: Giai điệu bạn bè tại Festival Huế 2012 (Từ trên xuống: Mehico, Nga, Ấn Độ, Philippines)


Hội nhập và phát triển

Các chương trình nghệ thuật thể hiện rõ chủ đề hội nhập và phát triển. Mỗi đoàn đến tham dự Fesstival là một sứ giả văn hóa, giới thiệu những vũ điệu, những loại hình nghệ thuật thể hiện sắc thái văn hóa dân tộc độc đáo của mỗi quốc gia. Các đoàn châu Á - ASEAN thể hiện rõ tính tương đồng về văn hóa trong khu vực, sự thống nhất trong đa dạng. Tiêu biểu là chương trình giao lưu Nhã nhạc Việt - Nhật - Hàn; sự giao thoa giữa kinh kịch Trung Quốc và tuồng cổ Việt Nam; các vũ điệu của Lào, Thái Lan, Campuchia v.v.

Các đoàn nghệ thuật đến từ Pháp, ngoài nhạc kịch, vũ kịch, nghệ thuật Video, múa, pháo hoa đã quen thuộc với khán giả Festival Huế, về sau có thêm những chương trình thể nghiệm giao lưu nghệ thuật hiện đại châu Âu và nghệ thuật truyền thống Việt Nam với sự hợp tác diễn xuất của các nghệ sĩ Pháp - Việt. Như các vở kịch Vòng Cát, Antigone là cuộc “hôn nhân” giữa Nhà hát Monte Charge và Nhà hát Tuồng Việt Nam. Ban nhạc Mezcal Jazz UnitViet Vo Da Huos là sự hình thành và hợp tác trên tinh thần bè bạn, từ sự khám phá ra những nét tương đồng của hai nền âm nhạc tưởng như khác biệt. Ea Sola hai lần tái xuất với Hạn hán và cơn mưa, Ký ức - Hạn hán và Cơn mưa, một thể hiện ký ức chiến tranh bằng điệu múa kết hợp giữa truyền thống và hiện đại.

Chương trình nghệ thuật của các đoàn, các nhóm nghệ sĩ nước ngoài dù bất đồng ngôn ngữ, không có thuyết minh, phụ đề, nhưng vẫn thu hút đông đảo khán giả. Điều này cho thấy rất rõ chủ đề Di sản văn hóa hội nhập và phát triển; cũng như hiệu quả giao lưu văn hóa sau nhiều Festival.

Hoành tráng và đậm chất sử thi

Các chương trình khai mạc, bế mạc Festival Huế khai thác tối đa không gian nghệ thuật kiến trúc Kỳ Đài - Ngọ Môn; tổng thể Kỳ Đài - Hộ Thành Hào - Phu Văn Lâu - Nghinh Lương Đình - sông Hương lộng lẫy đèn, hoa, pháo hoa, chiếu sáng nghệ thuật về đêm. Sông Hương là một điển nhấn quan trọng trong suốt thời gian diễn ra Festival. Bờ nam có các trại sáng tác điêu khắc quốc tế, vẽ tranh đường phố, âm nhạc đường phố; hội chợ sách, các tác phẩm sắp đặt ven sông như: “Vườn lục lạc”, “Cổng thơ”, “Quảng trường thơ”, sắp đặt trên không... Bờ bắc có vườn thư pháp, đá cảnh, lễ hội bia, thi đấu cờ người, sắp đặt rồng - phụng, lễ hội truyền lô và vinh quy bái tổ, lễ thi Tiến sĩ Võ, lễ hội Hành trình mở cõi, lễ hội Thiên Hạ thái bình... Trên sông du thuyền tấp nập, nhộn nhịp. Hương Giang, lãng mạn, hàm lượng văn hóa lớn hơn gấp nhiều lần bởi các tác phẩm “Sen thơ”, “Lưỡng long vờn hoa sen”, lễ hội áo dài, bảy đóa sen hồng nâng gót tịnh, du thuyền nghe sử thi sông Hương huyền thoại 700 năm, tái hiện những cuộc thao diễn thủy binh dưới thời chúa Nguyễn v.v...

Dù vẫn còn những “hạt sạn” nhưng về cơ bản Festival Huế đã thành công cả về quy mô và chất lượng nghệ thuật. Cả chương trình INN và chương trình OFF đều thu hút đông đảo khán giả. Các lễ hội cộng đồng đạt được 2 chủ đề lớn là đậm tính sử thi theo chiều dài 700 năm Thuận Hóa - Phú Xuân và Di sản văn hóa Huế - Hội nhập và Phát triển. Nhiều lễ hội diễn ra trong một không gian rộng, thời gian dài thu hút hàng vạn người xem.

Truyền thống - hiện đại nên duyên

Không chỉ tìm thấy sự gần gũi, nét tương đồng về văn hóa trong khu vực mà nghệ thuật truyền thống và hiện đại đã nên duyên từ Festival Huế. Các chương trình nghệ thuật nước ngoài càng về sau đã thu hút khán giả nhiều hơn, thể hiện được sự phát triển của quá trình hợp tác và giao lưu văn hóa - nghệ thuật giữa Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới.

Nhiều chương trình của Pháp có sự giao thoa giữa hai nền văn hóa, giữa nghệ thuật hiện đại phương tây và nghệ thuật truyền thống Việt Nam. Vũ kịch Ký ức - Hạn hán và cơn mưa của Ea Sola khai thác đề tài chiến tranh nhằm đưa ra thông điệp khát khao về một thế giới hòa bình, không có bạo lực. Một vũ kịch đương đại, với sự diễn xuất của các diễn viên Nhà hát Nhạc Vũ kịch và dàn nhạc của Nhà hát Tuồng Việt Nam. Vở diễn vẫn đầy bí hiểm bởi tính trừu tượng và đậm màu sắc triết lý của người Pháp nhưng bây giờ không còn khó hiểu lắm đối với khán giả. Những người đến với sân khấu của Ea Sola đều là những người mến mộ bà với một sự háo hức chờ đợi.

Vở Vòng cát, Antigone là khát vọng cùng sống, cùng sáng tác, cùng hoạt động sân khấu của các nghệ sĩ Nhà hát tuồng Việt Nam và nhà hát Monte Charge, kết quả của sự tìm tòi một phương thức thể hiện để tác phẩm ra đời chung sống được với thực trạng ngôn ngữ bất đồng.

Viet Vo Da Huos hấp dẫn khán giả ngay từ suất diễn đầu tiên trước sự xuất hiện của 3 anh chàng người Pháp, nhún nhảy theo 3 cô gái Việt hát Trống cơm, Lý ngựa ô, Em sẽ là mùa xuân của mẹ... Được biết, họ đã đầu tư thời gian 2 năm để thể nghiệm một dòng nhạc mới mẻ, một cuộc giao duyên giữa nhạc truyền thống Việt Nam và nhạc hiện đại phương Tây, vì sợ rằng các làn điệu dân ca dần dần bị lãng quên bởi cuộc sống hiện đại.

Ban nhạc Mezcal Jazz Unit cũng là sự hình thành và hợp tác, sự khám phá ra những nét tương đồng của hai nền âm nhạc châu Âu và Việt Nam. Nhóm này đã gặp gỡ các nhạc sĩ Việt Nam qua hai lần sang biểu diễn. Từ đó họ có một chương trình hợp tác với nhạc sĩ Ngọc Đại, ca sĩ Siu Black, nghệ sĩ kèn saxophone Trần Mạnh Tuấn.

Nghệ sĩ piano Phó An My đã quyết định phá cách khi đến Festival Huế 2006 bằng một cuộc hội ngộ đầy lý thú giữa nhạc cổ điển với ca Huế, hò Huế và các ca khúc có sự hòa quyện giữa nhạc hiện đại và chất dân ca của Phó Đức Phương. Festival 2008, cùng nhạc sĩ trẻ Đặng Tuệ Nguyên, Phó An My tiếp tục cuộc viễn du vào thế giới âm thanh đa sắc màu, nồng nàn chất thơ, chan chứa chất suy tưởng và cũng rất đời từ những sáng tác của hai thiên tài âm nhạc Việt Nam đương đại: Văn Cao và Trịnh Công Sơn. Mênh mang trong cõi xúc cảm sâu thẳm của những khúc ca bất tử: Suối mơ, Buồn tàn thu, Ướt my, Cát bụi, Ở trọ, Dấu chân địa đàng, Đặng Tuệ Nguyên phóng tác thành những khúc hòa tấu piano để rồi cùng với Phó An My đem đến cho người nghe những phút giây xao động mới mẻ. Festival 2012 tiếng dương cầm của Phó An My dịch chuyển vào Cung Diên Thọ để kết nối cùng ca Huế, ca trù và chèo cổ trong chương trình thính phòng Âm sắc Việt.

Các cô gái Mặt Trời Đỏ đến từ TP. Hồ Chí Minh và nhóm Cỏ lạ đến từ Hà Nội đều thổi vào các giai điệu mang âm hưởng dân ca hơi thở mới, vừa trẻ trung vừa hiện đại. Các chàng trai cô gái Việt sống ở Pháp, thuộc Hiệp hội Thanh niên (UJVF), đã học tập và thực hành nhiều điệu múa truyền thống Việt Nam. Họ đã có ý tưởng biên tập và thực hiện những bài múa đặc sắc lấy cảm hứng từ những làn điệu truyền thống lẫn văn hóa vũ đạo tây phương. Họ mang đến Festival Huế 2008 một chương trình đặc sắc gồm múa hip-hop trên nền múa sạp, múa hiện đại trên nền bài Trống cơm truyền thống Việt Nam về chủ đề cuộc sống sôi động phương Tây.

Để Festival Huế mỹ mãn hơn

Các hoạt động của Festival đã có sự tác động mạnh mẽ đến đời sống kinh tế, văn hóa, du lịch, thúc đẩy Huế đột phá, tăng trưởng nhanh hơn. Festival được sự hưởng ứng nồng nhiệt của công chúng Huế và du khách đã đẩy số lượng khách đến Huế tăng đột biến trong mùa du lịch trái vụ. Sự hưởng ứng của các đoàn nghệ thuật, các nghệ sĩ biểu diễn, triển lãm, giao lưu với công chúng... khẳng định Festival Huế đã là một lễ hội có uy tín, mang tầm quốc tế.

Để Festival Huế mỹ mãn hơn, theo chúng tôi, cần khai thác tốt các giá trị văn hóa truyền thống, trong đó có văn hóa tâm linh. Đến với Festival Huế du khách muốn trở về với nếp sống xưa nhiều hơn là hòa nhập với cuộc sống hiện đại; muốn tìm hiểu các giá trị văn hóa Huế nhiều hơn là thưởng thức các chương trình nghệ thuật đương đại. Cái giỏi của các nhà văn hóa là phải biết khai thác, phát huy các giá trị văn hóa Huế, biến các giá trị văn hóa Huế trở thành những sản phẩm du lịch đặc sắc, không đụng hàng, chẳng nơi nào có được.

Festival Huế là lễ hội văn hóa lớn nhưng cho đến bây giờ vẫn chưa chọn được thời gian cố định; có lưu ý đến yếu tố thời tiết để tránh mưa, tránh nắng nóng; không bị các lễ hội lớn khác trong cả nước chi phối du khách. Khi chưa có ngày cố định thì sẽ rất bất lợi cho nhà tổ chức trong khâu quảng bá, bất lợi cho các hãng lữ hành trong khâu xây dựng và chào bán tour.

Festival là cơ hội để Huế quảng bá và tôn vinh di sản văn hóa. Cũng là cơ hội đầu tư xây dựng những sản phẩm du lịch mới, khai thác tốt nhiều tiềm năng để phát huy lợi thế so sánh của điểm đến...

TH.T
(SDB12/03-14)






 

Các bài mới
Trôi (29/04/2014)
Các bài đã đăng