Tạp chí Sông Hương - Số Đặc Biệt (T.3-14)
Ba mẩu chuyện về nạn nhân da cam
16:22 | 21/04/2014

NGUYỄN CƯƠNG

Chiến tranh đã lùi vào quá khứ mấy chục năm. Nhưng hậu quả của nó để lại thì chưa biết khi nào mới khắc phục xong, trong đó có di chứng chất độc hóa học dioxin, đến nay đã di truyền sang thế hệ thứ 3 và không biết sẽ đến thế hệ thứ bao nhiêu? Vì chất dioxin tồn lưu trong lòng đất có thời gian bán phân hủy lên tới hàng trăm năm!

Ba mẩu chuyện về nạn nhân da cam
Hoài Anh trong chuyến giao lưu ở Hàn Quốc năm 2012

Thừa Thiên Huế là một trong những địa phương bị ảnh hưởng nặng nề bởi chất độc dioxin với 80 triệu lít chất độc hóa học (trong đó có 366kg dioxin) do quân đội Mỹ đã rải xuống chiến trường miền Nam Việt Nam từ ngày 10/8/1961 đến tháng 10/1971 (trong vòng 10 năm). Vùng A Lưới (có sân bay Aso), Nam Đông, Phú Lộc, Phong Điền, Quảng Điền... là những địa phương chịu đựng tổn thất nhiều nhất về sức khỏe con người và môi trường sinh thái mà hàng ngày con người phải tiếp xúc.

Hiện nay Thừa Thiên Huế có khoảng 15.000 người bị phơi nhiễm dioxin, trong số đó đã có gần 3000. người là nạn nhân chất độc da cam (NNCĐDC) được hưởng trợ cấp hàng tháng. Hội NNCĐDC tỉnh được thành lập vào tháng 12/2004. Tuy chưa làm được nhiều, nhưng Hội cũng đã có cố gắng trong việc vận động các tổ chức, cá nhân hảo tâm trong, ngoài nước để giúp đỡ nạn nhân vượt qua khó khăn. Bên cạnh đó, Hội luôn theo dõi và ủng hộ vụ kiện đòi công lý công bằng cho NNCĐDC đang diễn ra đầy phức tạp khó khăn.

Sau 10 năm gắn bó với các nhiệm vụ hoạt động của Hội, có nhiều chuyện chứng kiến vui buồn, thậm chí là những nỗi bức xúc của nạn nhân, tôi đã có một vài kỷ niệm lưu dấu ấn, xin kể lại để chúng ta cùng nhau chia sẻ nỗi đau da cam như nạn nhân đã tự vượt lên chính mình để sống, để cống hiến như thế nào.

Câu chuyn th nht

Ủng hộ vụ kiện đòi công lý. Vào tháng 6/2007, T.Ư Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam có cử một đoàn đại biểu sang Mỹ vận động ủng hộ NNCĐDC, ủng hộ vụ kiện sẽ xét xử phúc thẩm. (Vụ án sơ thẩm diễn ra vào tháng 3/2005 ở quận Broklyn - New York, Hoa Kỳ). T.Ư Hội làm việc với tỉnh hội thống nhất cử 2 nạn nhân của Thừa Thiên Huế và được sự đồng ý của lãnh đạo tỉnh.

Hai nạn nhân đó là: Nguyễn Mười sinh năm 1982, quê ở xã Phú Thanh, huyện Phú Vang. Cha của Nguyễn Mười là thượng sĩ phục vụ trong quân đội của chính quyền cũ, đã từng tiếp xúc với các thùng hóa chất dùng trong chiến tranh. Mẹ của Nguyễn Mười bị bệnh đái tháo đường typ 2, đã có biến chứng loét bàn chân. Bản thân Nguyễn Mười bị bệnh nứt đốt sống (đốt sống chẻ đôi) qua X-quang tại Bệnh viện Trung ương Huế, là bệnh khá điển hình do nhiễm chất độc hóa học dioxin hoặc di truyền qua thế hệ thứ 2. GS.BS. Nguyễn Thị Ngọc Toản của T.Ư Hội đã vào Bệnh viện Trung ương Huế làm việc nhiều lần về trường hợp này. Như vậy T.Ư Hội đã chọn một nạn nhân thế hệ thứ 2 sinh ra sau 1975 trong một gia đình bị phơi nhiễm dioxin lại là lính trong quân đội của chế độ cũ. Hậu quả quá rõ ràng!

Cháu Mười lúc đó có người yêu trẻ, xinh đẹp cùng quê đã hứa hẹn cùng nhau. Tình bạn - Tình yêu - Hôn nhân. Nhưng... sau chuyến đi Mỹ về, cháu lên gặp tôi ngoài kể chuyện những ngày đấu tranh sôi động ở Mỹ vì quyền lợi cho NNCĐDC với thái độ hào hứng, phấn chấn... Bỗng dưng nét mặt cháu chùng xuống, phân vân, đắn đo một lúc rồi Mười tâm sự: “Bác ơi! Khi gia đình bên người yêu biết cháu bị ảnh hưởng chất độc da cam thì không đồng ý cho cưới nữa vì họ ngại tương lai con cái sau này và người yêu cháu cũng bị phân tâm”. Tôi giải thích cho Mười và dặn cả hai đứa lên nhà để nói chuyện. Mấy hôm sau, hai đứa đến nhà tôi. Tôi đã giải thích kỹ càng, khuyên nhủ chân tình và dặn dò sau này khi cưới nhau, cháu gái có thai thì cần kiểm tra thai kỳ cẩn thận để sàng lọc. Tôi còn nói đến cả kỹ thuật siêu âm màu 3 chiều, 4 chiều phát hiện thai nhi để các cháu yên tâm và về động viên bố mẹ cùng hiểu như thế.

Sau đó ít lâu, hai đứa nên vợ nên chồng rất hạnh phúc. Tôi thầm vui. Chồng có nghề thợ mộc chạm khắc đi làm từ Nam đến Bắc, vợ đi theo, đến đâu cũng liên lạc qua điện thoại cho tôi biết sức khỏe và công việc làm ăn. Chúng nó đã có đứa con trai đầu lòng kháu khỉnh đến nay lên 5 tuổi rất ngoan hiền dễ thương. Vợ theo chồng đến đâu cũng làm bánh bèo, nậm, lọc, chả ram đặc sản Huế để bán. Một tổ ấm gia đình thật hạnh phúc, thỉnh thoảng hai vợ chồng đem con về thăm nội ngoại. Các đồng chí lãnh đạo T.Ư Hội cũng rất quan tâm đến Mười, hay hỏi thăm luôn.

Nạn nhân thứ hai cùng đi Mỹ với Mười là Nguyễn Thanh Hải, 45 tuổi, quê ở Quảng Bình cùng vợ đi vùng kinh tế mới ở Khe Tre (Nam Đông, Thừa Thiên Huế) từ sau năm 1975. Vợ chồng sinh được hai cháu ở Nam Đông là vùng bị nhiễm chất dioxin khá nặng nề. Sau đó một cháu đã chết vì căn bệnh ung thư máu. Bản thân anh Hải bị ung thư lách và một số chứng bệnh khác. Đây cũng là trường hợp khá điển hình bị phơi nhiễm chất dioxin sau 1975, một gia đình có 2 người hai thế hệ (cha, con) bị mắc 2 căn bệnh hiểm nghèo. Đến năm 2009, tôi đột ngột được tin anh Hải đã qua đời. Tuy biết đó là hậu quả tất yếu sẽ đến, nhưng tôi vẫn thấy trong lòng đầy xúc động với cảnh đời như vậy.

Trong đoàn đại biểu NNCĐDC Việt Nam đi Mỹ có 4 người (2 của Thừa Thiên Huế, 1 ở TP. Hải Phòng và 1 ở TP. Hồ Chí Minh) tiêu biểu cho thế hệ thứ 1, thứ 2, những người tham gia kháng chiến chống Mỹ và người bị nhiễm sau năm 1975. Đến nay 3 người đã lần lượt qua đời, chỉ còn cháu Nguyễn Mười hòa nhập cộng đồng, có ích cho gia đình và xã hội.

Câu chuyện thứ hai

Đó là Trần Hoài Anh (nữ) sinh năm 1978, quê ở xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị. Hiện trú tại phường Vĩnh Ninh, TP. Huế trong một căn nhà tập thể nhỏ ở đường Ngô Quyền. Sinh ra trong một gia đình có cha là dược sĩ, mẹ là bác sĩ đều tham gia chiến trường Trị - Thiên trong những năm đạn bom ác liệt nhất. Cha mẹ đều là NNCĐDC, mẹ mới qua đời cách đây vài năm vì căn bệnh hiểm nghèo.

Từ lúc mới sinh, Hoài Anh bị bệnh rối loạn chuyển hóa sụn, dị tật lùn bẩm sinh (chỉ cao 80cm) do hậu quả của chất độc da cam dioxin thế hệ thứ hai. Từ nhỏ, cô bé Hoài Anh được cha mẹ đùm bọc hết lòng yêu thương chăm sóc. Đến tuổi đi học, vượt qua tự ti mặc cảm tật nguyền, Hoài Anh vươn lên học giỏi suôn sẻ cho đến khi thi vào đại học và cô đã có tấm bằng loại khá cử nhân Pháp văn Đại học Khoa học Huế vào năm 2000. Cô đã học thêm tiếng Anh giao tiếp và dự định sắp đến sẽ học thêm tiếng Hàn hoặc tiếng Nhật. Với ý thức tự lập, hòa nhập cộng đồng với tất cả nghị lực của mình, Hoài Anh đã gõ cửa xin làm việc ở nhiều cơ quan nhưng quá khó với vóc dáng của mình. Cuối cùng đại diện Văn phòng Plan tại Huế (tổ chức phi chính phủ) đã nhận cô với công việc hành chính thích hợp. May mắn của số phận đã mỉm cười với cô hơn 10 năm qua cùng tất cả sự cố gắng của bản thân mình để làm việc tại văn phòng này, kể cả đi công tác ngoại tỉnh. Hoài Anh rất lăn lộn để hoàn thành công việc được giao. Có một niềm hạnh phúc riêng là Hoài Anh vẫn có quyền được làm mẹ với đứa con trai đang học lớp 7 ngoan hiền. Đó là nguồn động viên lớn lao để Hoài Anh cố gắng tiếp tục vươn lên vì cuộc sống ngày một tốt đẹp hơn bằng chính ý chí và nghị lực của mình qua công việc hàng ngày và thực hiện trọn vẹn thiên chức làm mẹ.

Một may mắn và vinh dự lại đến với Hoài Anh. Trong những ngày đầu tháng 6/2012, nhân kỷ niệm 20 năm thành lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc, nhận lời mời của Đài Truyền hình MBC và Hội NNCĐDC Hàn Quốc (CAOVA), một đoàn đại biểu Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam (VAVA) đã sang Hàn Quốc thăm và giao lưu hữu nghị, trong đoàn 80 người có Hoài Anh. Cô náo nức chuẩn bị lên đường với những nụ cười rạng rỡ và có phần hồi hộp hình dung những ngày sắp đến trên đất bạn, cô sẽ đóng góp được gì?

Trong chương trình 5 ngày ở Hàn Quốc, bạn đặt tên là cuộc “Đồng hành tuyệt đẹp” cho đoàn Việt Nam. Hoài Anh hết sức cảm động về sự đón tiếp chu đáo nhiệt tình thân thiện của bạn. Đoàn đại biểu hoạt động với chủ đề mỗi ngày: “Gặp gỡ”, “Tìm hiểu”, “Giao lưu”, “Kỷ niệm” và ngày cuối cùng là “Chia tay”. Rồi những buổi được đi tham quan những danh lam thắng cảnh ở Seoul như tháp Nam San, làng Hanok, đền Chùa, du thuyền trên sông Hàn, khu công nghiệp L.G, trường quay phim ngoài trời, đài Truyền hình MBC... Rồi buổi giao lưu gặp gỡ với các cựu binh Hàn Quốc đã từng tham gia ở chiến trường miền Nam Việt Nam, bây giờ cũng là nạn nhân trong Hội NNCĐDC/dioxin Hàn Quốc (CAOVA) đã để lại ấn tượng sâu sắc, thấu hiểu và cùng chia sẻ nỗi đau da cam của nạn nhân hai nước Việt - Hàn. Các thành viên đã xem bộ phim tài liệu ngắn do Đài Truyền hình MBC thực hiện về NNCĐDC Việt Nam, sau đó là những tiết mục văn nghệ của đoàn Việt Nam và của các bạn Hàn Quốc biểu diễn, đặc biệt có tiết mục đàn bầu của nạn nhân Nguyễn Thanh Tùng khiếm thị cả hai mắt, nhưng phấn đấu tốt nghiệp đại học về nhạc dân tộc. Chương trình văn nghệ hôm đó đã làm cho tình cảm của 2 đoàn gần gũi, gắn bó với nhau hơn. Hoài Anh khi về nước đã kể lại chuyến đi giao lưu này rất hào hứng với nhiều cảm xúc dạt dào, nhiều kỷ niệm khó quên đầy ý nghĩa và tình cảm lưu luyến lúc chia tay mà các bạn Hàn Quốc đã thể hiện ở sân bay. Đài truyền hình MBC của Hàn Quốc đã tặng đoàn một bộ phim phóng sự tài liệu ghi lại toàn bộ hoạt động của đoàn. Bộ phim được chiếu rộng rãi trên đài truyền hình Việt Nam và Hàn Quốc, trong đó có nhiều đoạn đặc tả, phỏng vấn Hoài Anh rất xúc động và thể hiện sự tự tin lạc quan với hoàn cảnh, với những đóng góp của mình hiện nay.

Hoài Anh nói: “Chúng tôi sẽ tiếp tục phấn đấu để không là gánh nặng cho xã hội và góp phần nhỏ vào việc xây dựng đất nước”.

Trong Đại hội nhiệm kỳ 2013 - 2018 của Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh, cả hội trường im phăng phắc lắng nghe Hoài Anh tâm sự về cuộc đời mình, có những giọt nước mắt đã lăn dài trên khuôn mặt đại biểu với tình thương và niềm cảm thông sâu sắc.

Câu chuyện thứ 3

Nhân tháng hành động vì NNCĐDC Việt Nam từ 10/8/2013, Thừa Thiên Huế đã có nhiều hoạt động thiết thực ý nghĩa như tuyên truyền nâng cao nhận thức về hậu quả chất độc da cam, vận động hỗ trợ giúp đỡ chăm sóc nạn nhân, gặp mặt giao lưu chia sẻ kinh nghiệm cùng nhau vượt qua khó khăn...

Tác phẩm "Lời nguyền 2" của Cao Lê Quang - Ảnh: dantri


Trong các hoạt động đó, có một cuộc triển lãm với chủ đề “Nỗi đau và chiến tranh” lần đầu tiên được tổ chức tại Bảo tàng Hồ Chí Minh đã gây được ấn tượng sâu sắc, để lại trong lòng người xem những day dứt khôn nguôi về ám ảnh của chiến tranh. Triển lãm trưng bày 52 tác phẩm tranh sơn mài của họa sĩ Cao Lê Quang, nội dung phản ánh hậu quả của chiến tranh để lại cho con người và môi trường thiên nhiên, trong đó có chất độc da cam dioxin với khát vọng sẻ chia và vươn lên.

Họa sĩ Cao Lê Quang, sinh năm 1976, quê ở Phong Sơn, Phong Điền, gia đình có 5 anh em, cha là thương binh - 81 tuổi, NNCĐDC, 1 người con là NNCĐDC, bốn người còn lại cũng bị phơi nhiễm chất độc da cam (khiếm thị, tâm thần, động kinh). Trong hoàn cảnh gia đình như vậy, hơn ai hết tác giả đã thấu hiểu những nỗi đau, tổn thất của chiến tranh trong đó có chất độc da cam dioxin gây ra. Tiền tranh bán dịp đó được tác giả ủng hộ cho Quỹ Bảo trợ NNCĐDC của tỉnh.

Họa sĩ Cao Lê Quang tuy bị phơi nhiễm chất độc da cam mang trong mình nhiều chứng bệnh, nhưng đã vươn lên trong cuộc sống, tốt nghiệp thạc sĩ nghệ thuật thị giác - Đại học Mahasarakham - Thái Lan, đã được giải Nhất triển lãm giáo viên Mỹ thuật thành phố Huế năm 2009, giải Nhì triển lãm giáo viên Mỹ thuật thành phố Huế năm 2011... Hiện nay, Cao Lê Quang là giáo viên họa Trường THCS Đặng Huy Ngữ - Huế. Ngoài việc vẽ tranh sơn mài, Quang còn sáng tác nhạc và chơi đàn guitar thành thạo. Trong buổi khai mạc triển lãm, tác giả đã tự đệm đàn guitar và hát hai bài do mình sáng tác về đề tài chiến tranh.

Hiện nay ông bố ở với vợ chồng và 2 người con của Cao Lê Quang trong căn nhà thuê tuềnh toàng ở phường An Tây, Tp. Huế, những người con khác đang ở quê. Địa phương đang can thiệp để Thành phố cấp đất cho gia đình chính sách này. Trên cơ sở đó sẽ vận động từ nhiều nguồn để có kinh phí xây nhà tình nghĩa trao tặng cho gia đình anh.

N.C
(SDB12/03-14)






 

Các bài mới
Trôi (29/04/2014)
Các bài đã đăng