NGUYỄN ĐỨC TÙNG
Nhân chuyến bay ngang qua Nhật, gặp mùa hoa anh đào, tôi ghé vào Tokyo chơi một ngày. Trong quán ăn sushi thắp đèn lồng, tôi làm quen với một người bạn Nhật. Anh là giảng viên đại học ngành lịch sử, làm thêm nghề hướng dẫn du lịch. Nói chuyện về thiền và thơ haiku, anh kể cho tôi nghe một câu chuyện thú vị. Sau này, mỗi khi nhìn thấy hoa anh đào, tôi đều nhớ anh, mong có dịp trở lại chốn cũ.
Trong một ngôi chùa gần Edo, thủ đô xưa của Nhật, có vị thiền sư tên Takashi thích mèo. Khi ông trở thành bậc thầy đạt đạo, có nhiều học trò, mỗi khi lên lớp giảng bài hoặc đi đây đi đó, ông đều mang theo con mèo yêu quý của mình. Trong các buổi tập thiền hàng ngày, lúc nào con mèo cũng được tham dự. Đó là chú mèo có sắc đen tuyền, thông minh, nó biết ngồi im lặng như một thiền sinh, không làm phiền ai. Để làm người thầy hài lòng, mọi người săn sóc, âu yếm nó. Quả thật đó là một chú mèo khôn ngoan, không những biết yên lặng mà còn biết cách làm các điệu bộ giống như một thiền sinh đang tĩnh tọa, thiền định, vuốt râu tập trung giải quyết các công án. Thậm chí hình như nó cũng biết cách làm thơ hợp theo âm luật. Khi con mèo này qua đời, các thiền sư đã quen với sự hiện diện của nó, lấy làm thương nhớ vô cùng, họ liền đi tìm một con khác thay thế. Không có mèo đen, họ thay bằng mèo đốm. Xem ra màu sắc không quan trọng. Lâu dần, sự hiện diện của mèo trong các buổi tập trở thành một nhu cầu cần thiết.
Không có mèo, các thiền sinh đâm ra lẩn thẩn, nói năng có phần thiếu hoạt bát, không khí thiền định bớt trang nhã. Không có công án nào có vẻ trôi chảy, việc tu tập đình trệ. Vì thế sự hiện diện của mèo trở nên cần thiết tuyệt đối. Dần dần mèo nổi tiếng khắp vùng. Các chùa quanh đó cũng bắt chước theo. Nhà sư xứ lạ có dịp đi qua bao giờ cũng tò mò tìm đến ngôi chùa vừa kể để quan sát hành trạng của mèo trong các buổi thiền định, rút kinh nghiệm đem về áp dụng ở chùa mình. Cũng có một vài ngoại lệ không đáng kể, như có một chú mèo bỗng dưng nổi hứng tha chuột vào thiền đường, vờn nó trước mặt các vị tu hành làm cho không khí buổi tập náo động, xem ra hết sức thiếu nghiêm chỉnh. Nhưng nói chung, tác dụng tích cực của sự hiện diện của mèo là điều không thể chối cãi. Một số học giả cho rằng mèo phát ra một loại từ trường đặc biệt có khả năng thu hút các tinh hoa của trái đất, một số cư sĩ thông thái nhất của xã hội Nhật bản, văn hay chữ tốt, đã viết những cuốn sách ca tụng nổi tiếng, ví dụ như cuốn: “Vai trò của mèo trong thiền Nhật Bản”, “Mèo đạo và trà đạo”, “Nguồn gốc của loài người không phải từ khỉ mà là từ mèo” vân vân.
Thiền sư Takashi một hôm qua đời đột ngột, không kịp chỉ định người thay thế. Theo tục lệ thời ấy, triều đình gửi một thiền sư khác từ thủ đô về phụ trách một thời gian trong khi tìm kiếm người kế vị. Đây là vị sư già đắc đạo nổi tiếng bậc nhất của giới tu sĩ Nhật Bản. Ông có tất cả mọi đức tính của bậc tu hành, trừ một khuyết điểm, tuy đối với người bình thường là nhỏ, nhưng với người tu hành có thể lớn, vì nó phần nào ngăn cản ông trên đường trở thành bậc đại giác đại ngộ. Do những kinh nghiệm thời nhỏ, trong đó có việc năm lên bảy tuổi, bị mèo cào rách mặt lúc lẻn vào nhà bếp ăn vụng, mà phân tâm học ngày nay gọi là các chấn thương thơ ấu mang tính vô thức, ông tỏ ra không thích giống động vật ấy chút nào. Ngoài ra mỗi lần đến mùa hoa anh đào nở, ông lại còn bị bệnh viêm họng, viêm mũi, làm ông khổ sở. Bệnh ấy trở nên đặc biệt nặng nếu cùng lúc ông phải tiếp xúc với lông của thú vật. Ngày nay ta biết đó là bệnh dị ứng với các nguyên nhân khác nhau như bụi bặm, phấn hoa, lông súc vật, nước hoa, là những dị ứng nguyên. Vì những lý do kể trên, khi vừa đến trấn nhiệm ngôi chùa, ngay trong lần thuyết giảng đầu tiên, vị thiền sư thông thái này vừa thấy chú mèo lim dim ngồi tư lự trong một góc phòng đã lập tức nhảy một bước từ giữa bồ đoàn, lấy tay nhấc nó lên, trong chớp mắt liệng qua cửa sổ.
Các thiền sư vốn nổi tiếng về sự thô bạo như một hình thức giáo dục và khai mở đốn ngộ; hình như ngày nay các thầy giáo cô giáo của chúng ta cũng thỉnh thoảng đem ra áp dụng. Nhưng xin đừng nghĩ rằng đây là hành động phản đạo lý, bạo lực học đường, vì bị ném qua cửa sổ đối với mèo, cũng như đối với các chú học sinh tiểu học nghịch ngợm, chỉ là bài tập thể dục thông thường. Rất nhiều thiền sinh phản đối vì họ vẫn còn yêu quý mèo và tin rằng nhờ nó mà việc tu tập được tiến bộ. Nhưng vị sư già vẫn cương quyết. Do uy tín lãnh đạo và tài giảng dạy của ông, các lớp tập thiền vẫn đông và ngày càng tiến bộ. Dần dần các thiền sinh cũng quên mất vai trò của mèo trong việc tu tập của họ.
Các ngôi chùa khác bắt đầu bắt chước, thi nhau ném mèo qua cửa sổ. Một vị học giả lừng danh từ Trung Hoa xa xôi đã đến tận nơi nghiên cứu tình hình, viết được một luận án tiến sĩ rất nổi tiếng, được trí thức đương thời ca tụng, lấy tên là: “Tiến lên cõi hạnh phúc không cần đến mèo”.
Từ đó thiền Nhật Bản đánh mất truyền thống dùng mèo làm biểu tượng và phương tiện giác ngộ. Người Nhật chỉ còn lại hai thứ, là thơ hai ku và hoa anh đào, làm niềm tự hào cho đất nước của họ mà thôi.
N.Đ.T
(SDB12/03-14)