Tạp chí Sông Hương - Số 30 (T.3&4-1988)
Tôi lại về thăm miền đất thân quen
09:08 | 04/07/2014

NADIA DIUDINA (*)

Còn ngồi trên máy bay mà trái tim tôi đã đập rộn ràng. Khi nghĩ đến cuộc gặp gỡ với Mêsôra yêu dấu, với quê hương của Êxênhin - nhà thơ cùng quê.

Tôi lại về thăm miền đất thân quen
Thi hào Nga Sergei Esenin - Ảnh: internet

Từ thuở ấu thơ, Êxênhin đã dẫn dắt tôi vào thế giới tuyệt vời của miền Riadan rộng lớn, vẫy gọi đến những cánh rừng Mêsôra, để cảm nhận được nỗi buồn của những miền xa hoang vắng, bày tỏ niềm hân hoan vui sướng của tuổi trẻ trước vẻ đẹp của quê hương thân yêu.

"Tôi lại về đây, ôi miền quê yêu dấu
Miền quê bao mơ màng, trìu mến của tôi".

Đường về xứ sở "vải hoa bạch dương", về quê hương của Xécgây Alếchxanđrơ Êxênhin, bắt đầu từ con đường nhựa Mátxcơva - Riadan, cách thủ đô 10 ki-lô-mét, ở thị trấn Rupnưi vùng Riadan. Đối với riêng tôi, con đường ấy bắt đầu từ Sêrêmêchép, nơi mà những cây bạch dương thân thiết quấn quít lấy tôi, và suốt cả kỳ nghỉ của mình, tôi đã làm "người tù binh tự nguyện" của chúng.

"Chiếc Xaraphan trên mình
Ôi bạch dương - sao mảnh mai lả lướt
Mái tóc vàng đẫm ướt sương mai
Ta trọn đời yêu, yêu mãi yêu hoài".

Khi còn là một cô nữ sinh, nhìn bức chân dung của Êxênhin để trên bàn và tôi đã viết:

"Ôi khuôn mặt thân quen
Nhức nhối Iòng tôi bao tình cảm lạ kỳ
Trong ánh mắt sáng ngời niềm kiêu hãnh,
Tất cả như ngập chìm trong nỗi buồn đau
Cặp lông mày màu sáng
Và mái tóc quăn lòa xòa trước trán...
Đồng ruộng Riadan - dường như anh thấy đó
Đến với ta từ những dòng thơ
Và chìa tay như muốn nói
"Êxênhin - Anh đừng buồn nữa nhé
Và hãy kể cho chúng tôi nghe
Về màu xanh của bầu trời khoáng đạt
Về rặng bạch dương đang khoác Xaraphan
Về đồng ruộng và những căn nhà
Về đất nước mà anh đã ngợi ca
Đất nước mà anh trọn đời yêu mến
Xêriôda, Xêriôda... chúng ta là bạn
Dù rằng anh không còn trên trái đất...
Dù mặt trời đã khuất bóng mây
Và bài ca buồn vang khắp đó đây
Vì sao anh đi, không một lời từ biệt
Và sao thơ anh không còn ngân tiếng?
Nhưng anh đi để lại chúng tôi
Những ước mơ táo bạo
Với bao tình cảm vô bờ
Xin cám ơn Êxênhin
Nhà thơ thân mến
Vì lòng nhân từ
Và tình yêu dịu ngọt của anh!"

Cách vùng Cônxtachinốp 10 ki-lô-mét, con đường nhựa đi qua cánh rừng cổ Ramencốpxki từ thời Êxênhin. Những cây bạch dương trắng xóa, những cây thùy dương đỏ rực... và chúng ta có thể thấy được tất cả những gì đã làm nhà thơ xúc động khi gặp lại miền quê yêu dấu. Rất có thể ngay tại nơi đây đã nảy sinh những vần thơ, nỗi luyến tiếc những khoảnh khắc tuyệt vời quá nhanh của cuộc sống.

"Hỡi trái tim chai lạnh hững hờ
Mày sẽ không đập theo vòng nhịp cũ
Và xứ sở bạch dương quyến rũ
Không làm đau những vết chân trần".

Bài thơ "Cánh rừng vàng khuyên nhủ" của Êxênhin đã thấu suốt tâm trạng bi ai. Bài thơ đó được viết ở Cônxtachinốp vào năm 1924, và chẳng lẽ lại không thể nói rằng bài thơ đã gợi nên cảnh mùa thu của cánh rừng Ramencốpxki và những đàn sếu đang chao lượn. Có lẽ, trong những ngày thu buồn chán, trên con đường về Conxtachinốp - trong tâm hồn của nhà thơ đã nảy sinh những hình ảnh thi vị của nước Nga nghèo đói và kiệt lực:

"Đến hôm nay tôi vẫn còn mơ thấy
Đồng ruộng, rừng cây, đồng cỏ quê hương
Bị bao phủ bởi một màu vải xám
Của bầu trời phương bắc thê lương".
 

Ngôi nhà gỗ của Êxênhin ở làng Cônxtanchinốp - Ảnh: internet


Phía sau làng Ramenca - mà tên gọi của nó được nhắc đến trong truyện "Bờ dốc" của Êxênhin, phía bên trái mở ra một cánh đồng mênh mông, xa xa làng xóm ẩn hiện như một "con đường" trải dài theo bờ cao của dòng Ôka. Làng Cudơminxki đón tôi bằng màu xanh bát ngát của những khu vườn. Trong tiểu sử của mình nhà thơ viết: "Tôi sinh ngày 21 tháng 9 năm 1895 ở tỉnh Riadan, huyện Cudơminxki, làng Cônxtachinốp". Ở làng Cudơminxki từ thời Êxênhin có một công viên được bảo tồn. Những cây gia, cây du vươn cành lá sum suê trên những triền dốc đứng. Ở đây, trên bờ sông Ôka, có hai ngôi nhà bằng gỗ cất xây từ năm 1903 được bảo tồn. Trong hai ngôi nhà đó X.I Brêdênhép và N.V Ôrơlốp - bạn của Êxênhin đã sống, và thỉnh thoảng nhà thơ có đến chỗ họ. Từ Cudơminxki đi đến Cônxtachinốp, vào chính giữa trung tâm Cônxtachinốp, con đường kết thúc bằng quảng trường xa rộng lớn, xung quanh những ngôi nhà gỗ bao bọc lấy quảng trường như một đường viền, trong số đó có ngôi nhà của thân sinh Êxênhin với ba cửa sổ trông thẳng ra sông Ôka. Trước ngõ có một cây dương cao lớn, cành lá sum suê tỏa bóng trước hiên nhà. Những người em gái của Êxênhin nói rằng, nhà thơ đã trồng cây dương đó vào năm 1924 nhân lúc ông về thăm quê hương. Trên vách của gian phòng ngoài thoáng mát, những dụng cụ lao động đơn giản của người nông dân: cái phạng, cái liềm, gàu tát nước, xô thùng, đòn gánh... treo lũng lẳng. Ở hành lang, trên chiếc móc áo bằng gỗ treo chiếc áo bông của bà Tachiana Phêđôrôva. Trong những ngày đông lạnh giá mẹ của nhà thơ luôn luôn mặc chiếc áo ấy. Ở đây còn có cả chiếc rương con mà nhà thơ trẻ đã đựng những đồ vật riêng, những quyển sách yêu thích của nhà thơ - như sách của Lécmôntốp, Puskin, Gôgôn và những tập bản thảo của những tác phẩm đầu tay của mình.

Chiếc lò sưởi kiểu Nga chiếm hết một phần tư căn nhà. Đã lâu rồi chiếc lò sưởi đã không rọi sáng căn bếp bằng những âm thanh vui tai của ngọn lửa, những ánh sáng lung linh của những dòng thơ của Êxênhin sống động trong mọi tình tiết đời sống của "căn nhà gỗ vàng".

Trong phòng, cũng như suốt cả thời gian Êxênhin về thăm, luôn đặt bộ bàn ghế phủ khăn vải lanh. Phía trên treo những tấm ảnh gia đình, giấy khen của Êxênhin khi còn đi học. Trên bàn để một ngọn đèn dầu hỏa mà nhà thơ thường thắp.

Những tập bản thảo, mấy cây bút chì, bó hoa đồng nội trong chiếc bình đất sét - tất cả dường như Êxênhin vừa mới rời khỏi bàn và đi đâu đó. Gió lay động những bức mành trắng bên cửa sổ, tiếng tích tắc đều đặn của chiếc đồng hồ treo tường... nhà thờ ở đâu đây rất gần... Một tình cảm đặc biệt đọng lại trong tâm trí tôi sau đợt viếng thăm căn nhà gỗ, nơi đã nảy sinh những dòng thơ bất hũ, những dòng thơ cháy bỏng tình yêu đối với tất cả những sinh vật xung quanh. Trong vườn, một căn nhà cũ nằm sâu giữa trang trại, từ cửa sổ của căn nhà, trong lúc làm việc nhà thơ đã thấy sắc đỏ của cây thùy dương, ở nơi đây, dưới bóng râm của cây dâu cạnh ngôi nhà nhỏ, trong sâu lặng của căn nhà kho, nhà thơ đã xây dựng nên hình ảnh các nhân vật trong bản trường ca "Anna Xnhêgira" và nhiều nhân vật khác. Có lẽ khi mùa hoa táo và hoa anh đào nở rộ, thì những dòng thơ của Êxênhin vang lên một âm hưởng tuyệt vời:

"Tôi nghĩ rằng
Tuyệt vời biết mấy
Trái đất
Và con người ở đấy".

Trên trái đất này không có gì tuyệt diệu và bất ngờ bằng những con đường ở Mêsôrơxki. Những con đường ấy cho chúng ta biết về quá khứ và đưa chúng ta trở về với hiện tại. Dọc theo những con đường anh cũng có thể đoán được tương lai của xứ sở lạ kỳ này. Vẻ đẹp trầm lặng của Mêsôrơxki đã cuốn hút lấy tôi: mặt hồ với những làn nước màu xanh trời, màu đen, màu trắng. Những đàn sếu chấp chới xa xa... cùng với con trai và bạn bè thuở nhỏ tôi bơi thuyền du ngoạn trên hồ. Buổi sáng ở Mêsôrơxki đến thật nhẹ nhàng. Dù ai mới một lần đi trên sông Pra đều biết đến sự biến dị không chỉ riêng lòng sông mà cả bờ của nó. Mỗi khúc ngoặt của con sông tựa như màn trang trí trên sân khấu. Khúc ngoặt bên phải cao và thẫm màu đất sét - bờ sông bỗng đột ngột lao thẳng xuống dưới và biến thành một dãi cát dài vàng óng phù sa, xa xa đồng cỏ rộ mùa hoa nở và một cánh rừng hướng tới dòng sông. Khúc ngoặt của con sông và cánh rừng nhường chỗ cho bờ dốc rậm rạp dài chừng mươi mười lăm mét. Dốc rồi lại thoải, dốc rồi lại thoải con đường dẫn tới đồn biên phòng nổi tiếng mà những người dân làng Grisin - một làng xa hẻo lánh ở Mêsôra chỉ cho - nằm khoanh tròn quanh dòng sông Pra.

Vào năm 47, sau chiến tranh Pautốpxki tình cờ lạc vào rừng Mêsôra và ở lại mấy ngày trong căn nhà nhỏ của người gác rừng Alếchxây Rentốp, và sau đó ông đã viết câu chuyện về đồn biên phòng. Nhà văn đã đi khắp đất nước nhưng lại trốn tránh sự lộn xộn ở thủ đô chính tại những cánh rừng Mêsôra. Tại sao vậy? Chính nhà văn đã viết: "Những cánh rừng Mêsôra cũng trang trọng như đại giáo đường", "Không có gì tuyệt và thích thú bằng đi lang thang suốt ngày trong những cánh rừng này". Pautốpxki không chỉ một lần đến đồn biên phòng thân quen, mà đã sống hàng tuần ở đó, và càng ngày càng say mê bởi cái vẻ đẹp mê hồn của thiên nhiên ở đây. Đến những ngày cuối đời, ông vẫn khao khát về đây, nơi mà ông có thể sống và làm việc thoải mái. Có lẽ, cả Êxênhin, cả Pautốpxki và cả nhiều nhà văn nhà thơ khác, mãi mãi ở lại đây, trong những cánh rừng Mêsôra này.

"Và, nếu như cần phải bảo vệ đất nước, thì một nơi nào đó trong sâu lắng con tim, tôi biết rằng tôi sẽ bảo vệ mảnh đất cỏn con này, nơi đã dạy tôi biết nhìn nhận cái đẹp, dù cho miền rừng trầm lặng này nhìn bề ngoài không đẹp, nhưng tình yêu đối với nó vẫn không bị lãng quên, như mối tình đầu e ấp không bao giờ bị quên lãng bởi thời gian". Những lời đó của Pautốpxki vang lên trong tôi khi tôi đi tham quan Mêsôra. Và sau đó, khi đứng trước mộ của Êxênhin ở nghĩa trang Vagancốpxki ở Mátxcơva, nhìn lên biển hoa tươi thắm quanh tượng đài kỷ niệm, tôi nghĩ rằng, trong kỷ nguyên thảm họa của chiến tranh hạt nhân vũ trụ thì việc nâng cao những giá trị tinh thần có một giá trị mới không thể gì thay thế được đối với sự sống và toàn thể nhân loại tiến bộ. Tất cả mọi người hãy đọc Êxênhin!

"Khi trên khắp trái đất này,
Lòng hận thù dân tộc
Và mọi đau buồn, giả dối mất đi
Bằng tất cả thực chất trong người thi sĩ
Tôi sẽ ngợi ca
Một phần sáu trái đất
Với tên gọi "Nước Nga"

Nadia Diudina
THÁI THỊ CẨM THỦY dịch
(SH30/04-88)


------------------------------
(*) Bà Nadia Diudina, hiện công tác ở hãng thông tấn APN, Hà Nội, người cùng quê với nhà thơ nổi tiếng Êxênhin. Bài viết theo yêu cầu của Sông Hương.








 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Phòng tối (01/07/2014)
Xóm rau muống (05/06/2014)