Tạp chí Sông Hương - Số 304 (T.06-14)
Mùa đông tiễn biệt
16:01 | 16/06/2014

SONG CẦM
         Ký sự

Cha chồng tôi qua đời trong một ngày tuyết trắng rơi ngập trời. Được tin của chồng từ Nhật Bản gọi về, tôi buồn thao thức suốt đêm không ngủ, mong trời sáng nhanh để bay qua Nhật sớm.

Mùa đông tiễn biệt
Tượng Quán Thế Âm Bồ tát ở Sendai - Nhật Bản - Ảnh: internet

Mặc dù đã chuẩn bị tâm thế cho việc ra đi được thuận lợi từ trước nhưng tôi vẫn gặp trở ngại về thời gian xin cấp visa. Nhờ sự giúp đỡ quá tận tình của anh Phạm Bá Tâm, cháu họ của nhà sử học Mai Khắc Ứng ở Hà Nội, và đặc biệt là nhờ ông Đại sứ Nhật Bản, tôi được đặc cách cấp visa sớm hơn để kịp bay qua Nhật dự lễ tang.

Tôi đem theo cu Lưu, đứa con trai thứ ba vội vã lên chuyến bay đêm ra Hà Nội cho kịp chuyến đi Nhật sớm nhất có thể với hành trình chỉ mất 4 giờ 20 phút của hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam.

Narita thời tiết khác hẳn Hà Nội. Trời rét lạnh. Nhìn ra ngoài đã thấy tuyết chất đống từ lúc nào trắng xóa cả bầu trời. Tôi đáp chuyến tàu nhanh lên ga Ueno (Tokyo) để đi Shinkansen về Sendai. Tokyo tuyết rơi nhiều nhưng càng đi về phía Bắc thì trời đỡ lạnh hơn.

Tuy hôm nay trời Sendai không âm u và không lạnh bằng Tokyo nhưng tuyết cũng đầy đường. Chị Yuko, hiệu trưởng một trường chuyên ngữ ở Sendai, em họ của chồng đến sân ga đón và đưa chúng tôi về bệnh viện thăm mẹ trước. Mẹ cố gượng vui nở một nụ cười rất tươi vì sự có mặt của con dâu và cháu nội, nhưng trong ánh mắt mẹ tôi thấy được nét buồn sâu lắng đọng lại vì sự việc cha qua đời. Trò chuyện một lúc chúng tôi chia tay mẹ đi đến trung tâm tang lễ gọi là Hakujuuden nơi thi hài của cha được đặt nằm ở đó.

Hakujuuden nằm ở mặt đường phố chính. Tuyết bao vây khắp mọi nơi. Chị Yuko phải rất vất vả mới lái xe vượt qua được mấy đống tuyết dày để vào trong sân. Phòng tang lễ là một hội trường rộng, thoáng nhưng ấm cúng. Chúng tôi được ông chủ trì tang lễ mở nắp trên quan tài để nhìn mặt cha. Cha nằm đó khuôn mặt hiền hậu, đôi mắt và đôi môi nhắm như đang ngủ.

Đây là lần đầu tiên tôi được biết đến tang lễ của người Nhật Bản. Tinh thần tang lễ của cha được tổ chức phù hợp theo đẳng cấp Thượng lưu và nghi lễ thuộc phái Yodoushuu, là một phái trong đạo Phật mà truyền thống gia đình chồng tôi tín ngưỡng và tôn thờ.

Phòng tang lễ như một cái sân khấu lớn được trang trí đẹp mắt và sang trọng bởi nhiều loại hoa, đặc biệt là hoa cúc và hoa ly ly màu trắng. Chính giữa, tượng Quán Thế Âm Bồ tát được tôn cao nhất, và phía dưới là di ảnh (Iei). Cha như nằm giữa một rừng hoa bạt ngàn tự nhiên đầy hương thơm cỏ lạ. Hương khói trầm ngào ngạt hòa trong âm thanh của tiếng nhạc đệm du dương, êm ái làm cho bầu không khí càng thêm trang nghiêm và sâu lắng. Phải nói rằng nghệ thuật cắm hoa của người Nhật Bản đạt đến một đỉnh cao tuyệt vời. Nhìn từ cách tổ chức tang lễ, sự bài trí, trang trí hoa và cách sắp đặt bàn thờ, người ta không có cảm giác của sự u ám, sự chết chóc, tang thương và chia lìa, mà trái lại, những người hiện diện có cảm tưởng như người cõi trần và người quá cố đang cùng hiện hữu, có mặt để tham dự một sự kiện - cuộc tiễn đưa người thân về nơi an nghỉ ngàn thu, nơi đó rồi ai cũng sẽ phải đến.

Quan tài được đặt nằm ngang phía dưới di ảnh. Trên bàn thờ, một lư hương to chính giữa trong đó chỉ có một cây hương được thắp từ đầu cho đến cuối buổi lễ. Hai cây nến trắng hai bên luôn được thắp sáng. Phía trước là hai dĩa hương trầm trong đó có hai thanh nhiên liệu nóng trong hai chén nhỏ để rắc bột trầm hương. Đây là một kiểu lư hương dùng để đốt hương. Hai đĩa trái cây gồm táo và cam được sắp ở bên trái và bên phải. Một mâm cơm cúng gồm những món ăn đơn giản: một chén cơm trắng, món bánh nếp trắng, một chén trà thơm, một dĩa trái cây được đặt trong một cái khay chữ nhật màu đen...

Theo đó, một chiếc bàn mây được đặt chính giữa phòng. Bên trái, bên phải là chuông, mõ để thầy Trụ trì chùa làm lễ tụng kinh cầu nguyện (O-kyoumon). Cuối cùng là những dãy ghế cho con cháu, bà con đến dự lễ tang.

Đúng 5 giờ chiều, buổi lễ đầu tiên được bắt đầu gọi là Tsuya (lễ Cầu an). Chúng tôi được người hướng dẫn tang lễ dạy cho những động tác và nghi thức khi cử hành lễ.

Tang lễ được chia làm hai phần. Phần nghi thức (gisiki) và phần nghi lễ (girei). Cách thức của nghi thức và nghi lễ ở đây khác với nghi thức và nghi lễ của Việt Nam rất nhiều. Đơn giản, gọn nhẹ nhưng trang nghiêm đậm nét văn hóa riêng của người Nhật Bản. Vì mẹ đang nằm viện không thể có mặt nên anh em chúng tôi là vai trò chính trong tang lễ. Hàng ghế đầu, vị trí thứ nhất dành cho con trai trưởng, thứ hai dành cho con dâu trưởng, thứ ba dành cho cháu nội và thứ tư là con trai thứ Masato. Tiếp theo hàng ghế thứ hai là anh chị em ruột, dâu, rể của cha. Trang phục tang lễ đồng một màu đen, trên ngực bên trái được gắn một hoa tang trắng. Tất cả nề nếp, trật tự, trang nghiêm. Phía trái, phía phải, bên dưới trong hội trường đầy hoa phúng điếu từ khắp nơi gởi đến.

Là một vị lão thành, một trí thức lớn, một nhà khoa học, vừa là một bác sĩ nhân hậu, hơn nữa là một nhân vật chính của một dòng họ lớn thanh danh, cha được sự kính trọng của rất nhiều thành phần trong xã hội. Sự giàu có và uy danh này được truyền từ đời này sang đời khác trong dòng tộc Muranushi nhờ lao động sáng tạo chân chính, nhờ các giá trị đạo đức và nền tảng gia phong luôn được giữ gìn. Xã hội Nhật Bản là một xã hội nhân văn, lẽ phải và công lý luôn được tôn trọng. Nơi đó, không có môi trường cho sự dối trá tồn tại. Ở đó, thước đo giá trị con người là niềm tin và đức khiêm nhường, cao hơn nữa là tình người và lẽ công bằng. Người giàu làm ra của cải ngoài nuôi sống bản thân và gia đình, còn đóng góp hữu ích cho xã hội được tôn vinh, trọng vọng và được lưu danh. Xã hội Nhật Bản vì thế, nền móng đạo đức luôn giữ được giữ vững, kỷ cương phép nước luôn được tôn trọng, và văn hóa dân tộc luôn được đề cao khắp nơi trên hành tinh...

Đến giờ cử hành lễ, thầy Trụ trì bước vào. Một nam đệ tử quỳ xuống sau lưng ghế nhẹ nhàng đẩy chiếc ghế mây về phía trước tư thế và vị trí của thầy. Thầy nhẹ nhàng ngồi xuống. Người đệ tử kính cẩn cúi chào và lùi bước. Mỗi cử chỉ, mỗi động tác đầy ắp lễ nghĩa của anh ta khiến tôi cảm động và ngưỡng mộ vô cùng.

Thầy Trụ trì đánh bảy tiếng chuông lễ, rồi bắt đầu đọc kinh và tụng niệm sau một vài nghi thức riêng của mình. Tiếng kinh cầu nguyện hòa âm cùng tiếng chuông, tiếng mõ trong bầu không khí ấm cúng và trang nghiêm, không chỉ cầu cho linh hồn người quá cố như được siêu thoát, viên mãn mà còn làm cho tâm hồn những người đang còn tại thế, con cháu cũng cảm thấy được chia sẻ và an ủi vô cùng. Mở đầu câu tụng (Okyou) đầu tiên cũng giống như ở chùa Việt Nam: “Namu Amida Butsu - Nam mô A Di Đà Phật”. Chúng tôi đồng thanh đọc kinh theo thầy. Xong phần đọc kinh, gia đình chúng tôi lần lượt bước lên phía trước làm các động tác của nghi thức vừa được hướng dẫn. Vợ chồng chúng tôi rời hàng ghế bước tới trước, cúi chào mọi người, rồi tiến lên trước mặt Thầy trụ trì, kính cẩn cúi đầu chắp tay vái Thầy một lễ, xong bước lên đứng trước bàn thờ, thẳng người ngước mắt nhìn di ảnh cha, rồi cúi gập người xuống mặc niệm. Động tác tiếp theo là mỗi người lần lượt dùng hai ngón tay bốc một nhúm nhỏ bột hương trầm rắc vào thanh lửa đang nóng như một động tác thắp hương. Khói trầm nghi ngút tỏa lên từ đó. Xong, chúng tôi chắp tay vái lạy cha một lần nữa rồi bước xuống lạy Thầy, và đi về phía trước cúi chào tất cả mọi người rồi trở về vị trí cũ. Những người bà con ruột thịt lần lượt bước lên, cúi chào chúng tôi rồi làm những nghi thức như chúng tôi vừa làm cho đến hết.

Sau phần lễ Tsuya, gia quyến được phục vụ bữa ăn tối ở một phòng khác gọi là Tsuyaburumai, sau đó mọi người chia tay nhau ra về thì trời cũng đã về khuya. Masato thay mặt anh trai mình ngủ lại với cha ở phòng bên cạnh quan tài.

Đêm càng sâu ngoài trời tuyết rơi mỗi lúc một nhiều hơn. Đến nhà, chúng tôi phải lội trong tuyết để dò lối đi vào nhà. Nhà lạnh lẽo, im ắng. Tuyết trắng xóa cả một khu vườn. Khác với mọi năm, tuyết năm nay đẹp nhưng mang một nỗi buồn của sự chia ly khi nghĩ về hình ảnh cha không còn trên cõi đời này.

Sáng dậy tuyết trong vườn đã dày thêm một lớp. Chẳng nghe tiếng chim hót như mọi khi. Có lẽ trời lạnh quá và tuyết rơi không ngừng nên đàn chim đã tìm nơi trú ẩn.

Chín giờ sáng, phần lễ chính được bắt đầu gọi là Mitsusou (closed feuneral), là buổi lễ dành riêng cho con cháu, ruột thịt trong dòng họ. Các nghi thức, nghi lễ cũng như của lễ Tsuya. Sau hơn 2 giờ cử hành lễ, chúng tôi ăn trưa phòng bên cạnh, nghỉ ngơi khoảng 30 phút. Tiếp đến là lễ di quan để đưa thi hài cha đi hỏa táng gọi là Kasou (clemation). Một mâm hoa đủ sắc màu được mang đến. Quan tài được quay dọc phần đầu hướng vào bàn thờ Phật và di ảnh. Lần lượt con trai trưởng, con dâu, cháu nội, con trai thứ và anh chị em ruột thịt mỗi người lấy những bông hoa đặt xung quanh thi thể cha, đặc biệt là hai bên khuôn mặt, trên hai chiếc gối giấy màu trắng được kê ở đầu. Phần nghi thức kết thúc, lễ di quan bắt đầu. Con cháu, họ hàng đứng hai bên, ban tổ chức tang lễ đặt quan tài trên một chiếc xe đẩy để đưa ra xe. Trưởng nam Michimi, chồng tôi mang hai thẻ bài vị đi trước gọi là Ihai, trên đó tên mới của cha như là một Pháp danh được khắc do Thầy trụ trì đặt cho người quá cố khi qua đời. Masato, con trai thứ ôm di ảnh. Tôi, con dâu trưởng ôm hoa. Cu Lưu, cháu nội mang hai hộp quả bánh. Đoàn người theo sau ra xe để đến trung tâm hỏa táng. Vợ chồng, anh em chúng tôi ngồi phía trước quan tài cha trong xe.

Quan niệm dân gian của người Nhật Bản về “ngày tốt” (kichijitsu- kichinichi), “ngày xấu” (kyounichi) khác với người Việt Nam khi cử hành tang lễ. Không kể việc người thân qua đời nhằm ngày “tốt” hay “xấu”, việc khâm liệm (noukan), cử hành tang lễ được chọn vào một ngày được “coi” là “không tốt”. Tương tự ngày hỏa táng cũng theo cách đó mà tiến hành. Người ta cho rằng nếu làm trái ngược “luật bất thành văn” dân gian này thì tai họa ghê gớm - chuyện “chết trùng” (tomobiki) sẽ xảy ra với những người thân và ngay cả bạn bè. Đó là lý do mà nhiều đám tang phải để lâu hơn quy định một thời gian...

Đến nơi, quan tài được đưa vào một phòng nơi bàn thờ được lập sẵn. Sau phần nghi lễ, việc hỏa táng được tiến hành. Chúng tôi đứng xếp hai hàng trước cửa phòng hỏa táng làm những nghi thức cầu nguyện cho cha. Tất cả im lìm, lắng đọng. Khi cửa phòng tự động mở rồi đóng lại, chúng tôi được mời vào phòng khác chờ đợi thời gian kết thúc việc hỏa táng.

Khi công việc hỏa táng xong. Chúng tôi được mời đến đứng xếp hàng chắp tay trước cửa phòng để đón nhận hài cốt của cha. Sau một tiếng đồng hồ, thân thể cha còn lại là một bộ xương trắng đục nằm trên bàn còn tỏa nhiệt. Tình thương cốt nhục dâng trào khi chứng kiến giây phút này. Mới đây thôi, giờ cha đã hóa kiếp, trở về với cát bụi. Các thành phần vật chất hữu cơ thân thể cha đã hòa vào trong sương khói, mây nước, trong hơi tuyết đang lên cao để trở về với cội nguồn của vũ trụ, nơi xuất phát và cũng là nơi trở về của vạn vật.

Chúng tôi được nhân viên hỏa táng hướng dẫn gắp các mẩu xương bỏ vào bình đựng cốt (Tsutsubo). Hai người con trai cùng gắp chung những mẩu xương ba lần, tiếp đến con dâu, cháu nội và anh em. Những đốt xương tay, chân, sườn... được gắp bỏ vào trước theo thứ tự. Sau đó là phần xương ức, xương cằm, và xương hộp sọ được bỏ vào sau. Hai đồng tiền mệnh giá mỗi đồng mười yên được khâm liệm với thi thể cũng được gắp ra bỏ vào trong hai cái túi nhỏ đưa cho con cháu cất giữ. Những đồng tiền này với ý nghĩa để làm “lộ phí” cho người quá cố qua sông khi về thế giới bên kia. Cuối cùng là nắp bình tro được đậy lại và bao bọc bên ngoài bằng một tấm vải hoa có pháp danh của cha. Nói thêm về các mệnh giá đồng tiền khi khâm liệm. Tùy theo mỗi gia đình, các đồng tiền có thể là 1 yên, 10 yên, 100 yên, nhưng tuyệt đối không được 5 yên (goen). Vì lẽ sự đồng âm khác nghĩa của nó. “Goen” ngoài ý nghĩa là “five yen” cùng có nghĩa là có quan hệ “huyết thống” với người đã chết trong cách phát âm...

Tiếp theo là lễ đưa hài cốt (Ikotsu) trở về trung tâm tang lễ. Tại đây lễ chính được tiến hành gọi là Sougi (feuneral in public). Chồng tôi ôm thẻ bài đi trước, tôi mang di ảnh theo sau, rồi đến Masato mang bình tro cốt, cu Lưu mang hai hộp quả đi cuối cùng. Cả đoàn người lặng lẽ theo nhau đi dưới tuyết một đoạn để lên xe. Màu đen tang lễ của những bộ đồng phục di động nổi bật giữa nền trời tuyết trắng như một bức tranh buồn trong đó hồn người và cảnh vật cây cỏ như quyện vào nhau. Trầm mặc và lắng đọng. Nơi đây, tượng Phật A Di Đà được đặt ở trên di ảnh. Lễ Sougi là một nghi lễ dành cho mọi người quen biết, bạn bè thân hữu, xóm giềng đến phúng điếu. Thư chia buồn (Kuyamijou) và hoa được gởi đến từ người thân bạn bè, đồng nghiệp được trang trí đầy ắp trong hội trường.

Nghi thức lễ cũng giống như nghi thức của lễ Tsuya. Nhiều nhân vật cấp cao đại diện chính quyền, đại diện Hội Bác sĩ, đại diện Hội Y học của thành phố Shiogama, Sendai và các thành phố khác đến tham dự và đọc điếu văn (o kuyami) chia buồn. Trước bàn thờ và di ảnh của ông Nội, cu Lưu chững chạc trong vai trò cháu đích tôn đọc thư của mình viết cho ông bà được in trong tập tranh. Bức thư xúc động đã khiến cho tất cả những người thân dự lễ hôm đó không ngăn được những dòng nước mắt. Hòa trong dòng người đến viếng tang là ông già, người làm vườn, và bà già, người giúp việc cho cha mẹ lâu nay cũng có mặt để đưa chủ nhân ông của họ về nơi an nghỉ cuối cùng. Hai người ngồi ở hàng ghế cuối cùng. Họ lặng lẽ, cố giấu những giọt lệ trên khóe mắt.

Sau phần lễ Sougi, chúng tôi lại băng qua bầu trời dày đặc tuyết để đến chùa Unjou ji (chùa Vân Thượng), là ngôi chùa truyền thống của gia đình, nơi hương linh của ông bà tổ tiên được gởi gắm và thờ cúng bao đời nay.

Bàn thờ được nhà chùa đặt sẵn phía bên phải trong chính điện. Thầy Trụ trì nâng bình hài cốt đặt phía dưới di ảnh. Sau phần lễ Kuyou (lễ cầu nguyện cho linh hồn người quá cố được nhập tự) chúng tôi được ngồi giữa chính điện để nghe thầy Trụ trì thuyết pháp về “Nghiệp Sinh - Tử” và “Thuyết Luân hồi”.

Thế là từ nay, cha chúng tôi, ông nội các cháu vĩnh viễn ra đi, nằm lại với chùa, bên cạnh cha mẹ, tổ tiên để sớm hôm được hương khói và nghe kinh kệ. Sau 49 ngày, nhà chùa sẽ tổ chức nghi lễ Cầu siêu để linh hồn cha được siêu thoát (nehan) về miền Cực Lạc (anlaku). Cha đã thoát kiếp trầm luân khổ ải trên dương thế mà một đời cha đã tắm, tuy là những dòng sông cạn nhưng những trải nghiệm của cha về cuộc sống, thế giới, chiến tranh, tình yêu và hạnh phúc đã cho cha sống một cuộc đời đầy ý nghĩa và thú vị bên mẹ, (người phụ nữ tài sắc vẹn toàn xuất thân cùng đẳng cấp “danh gia vọng tộc” tận xứ Aomori xa xôi, chấp nhận rời bỏ quê cha đất tổ về xây tổ ấm cùng cha); một người đàn ông trí tuệ, lịch lãm, nhân hậu, yêu thương mẹ vô cùng. Tang lễ cha không có mẹ. Mẹ vẫn đang còn yếu nằm viện. Nhưng có lẽ cha sẽ không trách mẹ mà còn mỉm cười hạnh phúc dưới suối vàng, vì ngay cả những năm cuối đời của cha, mẹ vẫn luôn bên cạnh, chăm sóc chu đáo cho cha từng miếng ăn giấc ngủ cho đến lúc kiệt sức ngã bệnh.

Cha qua đời để lại một di sản đồ sộ cho con cháu không chỉ vật chất mà cả tinh thần. Hai người con trai được cha mẹ dày công nuôi dưỡng thật ngoan, rất hiếu hòa, hết mực thương yêu nhau. Cha đã ra đi vĩnh viễn, còn lại mẹ ốm đau, hai anh em dù bận trăm công ngàn việc xã hội vẫn thay nhau làm tròn bổn phận hiếu sự. Tấm gương này, cha mẹ truyền dạy lại cho các con, các cháu thật vô giá trong việc giáo dục con cháu về truyền thống gìn giữ đạo hạnh, nếp gia phong của dòng tộc Muranushi chúng ta.

Tuyết đã ngừng rơi từ nửa đêm hôm qua. Sáng ra, mặt trời đã hé lộ sau những đám mây trắng. Trời sáng rõ hơn sau mấy ngày mù mịt. Đàn chim tránh rét trốn đâu mất chưa về không nghe thấy tiếng hót như mọi khi. Thỉnh thoảng có những con quạ bay ngang trời rồi đậu lại đâu đó ở cuối vườn nhả ra những tiếng kêu “khạc… khạc…” rơi vào thinh không, ngắt quãng, buồn bã và yếu ớt. Gió lặng. Mây ngừng. Tuyết phủ đầy khắp cả khu vườn như một bức thảm trắng xóa màu muối biển. Chúng tôi phải “lội” mới di chuyển được. Nắng lên, quá trình tan chảy của tuyết bắt đầu. Nhưng ánh nắng yếu ớt không đủ sức để làm cho quá trình tan chảy nhanh được. Thỉnh thoảng những đám tuyết đậu trên cành cây hôm qua lại rơi xuống “độp”, phát ra một thứ âm thanh nghe lạ tai. Nhẹ nhàng và thanh thoát. Trong khung cảnh này, mọi vật như đứng yên không chuyển động, chỉ có tâm trạng và lòng người thay đổi theo hoàn cảnh mà thôi.

Mới hôm qua còn nhìn thấy mặt cha. Nay cha đã trở về với cát bụi. Chúng con vĩnh viễn không còn gặp cha nữa, nhưng tình thương yêu, lòng thành kính, niềm tự hào về cha vẫn luôn ở mãi trong lòng chúng con. Quan niệm về cái chết của người Nhật Bản nhẹ nhàng như những bông hoa tuyết lung linh, lấp lánh trên cành cây đợi những tia nắng lên rồi rơi nhẹ xuống đất, góp mặt trong sự tuần hoàn của luật sinh tử luân hồi của tạo hóa. Cõi trần này là tạm bợ, chết không có nghĩa là hết. Chết có nghĩa là từ giã cõi dương thế, là tiếp tục sống ở một thế giới khác nơi cõi vĩnh hằng. Cõi Cực Lạc của Phật A Di Đà chỉ có niềm vui sướng, hạnh phúc. Nơi đó không tồn tại niềm khổ đau, sự ganh ghét, hận thù như lời thầy Trụ trì vừa thuyết giảng. Nguyện cầu cho cha được sớm siêu thoát về an giấc ngàn thu nơi suối vàng…

Sendai, ngày 20 tháng 2 năm 2014
S.C  
(SH304/06-14)








 

Các bài mới
Sử thi biển (30/06/2014)
Các bài đã đăng