Tạp chí Sông Hương - Số 304 (T.06-14)
Tác phẩm mới tháng 6/2014
09:12 | 20/06/2014

TRANG SÁCH CUỘC ĐỜI NHÀ VĂN (phê bình, tiểu luận), tác giả Nguyễn Khắc Phê, Nxb. Hội Nhà văn, 2014.

Tác phẩm mới tháng 6/2014

Không lấy tính chất hàn lâm làm thước đo cho lối viết phê bình, Nguyễn Khắc Phê đưa đến bạn đọc những trang viết dễ nắm bắt và nhiều gợi mở. Trong Lời ngỏ, chính tác giả cũng đã minh định rằng: “Tôi không phải là một nhà phê bình chuyên nghiệp, do duyên may, có dịp được đọc nhiều tác phẩm và đã viết giới thiệu chúng trên các báo chí trong Nam ngoài Bắc, chủ yếu với cảm nhận của một người viết tiểu thuyết, đồng thời là một nhà báo luôn quan tâm đến thời cuộc.” Với tâm thế đó, những trang viết của Nguyễn Phê luôn khơi gợi đến nhiều vấn đề có tính chất thời sự bên cạnh những suy nghiệm về nghệ thuật của một nhà văn giàu có về bút lực và kinh nghiệm.


HUẾ CỦA NGÀY XƯA (tùy bút), tác giả Bùi Kim Chi, Nxb. Thanh Niên, 2014. Một lần nữa Bùi Kim Chi lại đưa người đọc trở về với một không khí Huế xưa trầm mặc qua những trang tùy bút tinh tế và đầy âm hưởng hoài cổ của mình. Với giọng rất Huế khởi đi từ tâm hồn của một người phụ nữ lặng lẽ đi về với trời với đất với con người xứ Huế, Huế của ngày xưa là thế giới của những hoài niệm, những kỷ niệm tưởng như đã phai mờ theo thời gian nhưng nay đã sống lại trong ngôn ngữ và lời kể. Có những thứ đã trở nên lung linh như huyền thoại nhưng cũng có những thứ hiện lên rất thật, rất gần gũi với những ai đã để Huế mê hoặc tâm hồn mình.


ĐI NGƯỢC ĐÁM ĐÔNG (thơ), tác giả Đông Hà, Nxb. Thuận Hóa, 2014. Ngay từ nhan đề tập thơ cũng đã báo hiệu cho một điều gì đó khác biệt. Đi ngược đám đông là đi vào cõi cô đơn, dấn thân vào vùng hoang vu của nội tâm, khước từ những cuộc vui từ xã hội. Với ngôn ngữ giàu có của một hồn thơ nhạy cảm, người đọc nhận thấy một Đông Hà trầm buồn, lặng lẽ trên hành trình Đi ngược đám đông. Ở đây, nhà thơ đôi khi như đang tự vấn mình, tự trò chuyện với chính mình, tự tìm hiểu về khách quan, tìm hiểu về nội giới và về chính bản chất của nghệ thuật. Khi sự trần trụi của đời sống không thể níu giữ được sự lãng mạn của người yêu cái đẹp thì: Em biết/ mình sẽ lại một mình đi ngược đám đông…


CUỘC ĐỜI NGOÀI CỬA (tiểu thuyết), tác giả Nguyễn Danh Lam, Phương Nam & Nxb. Hội Nhà văn. 2014. Là tác giả của những cuốn tiểu thuyết nổi tiếng như Giữa vòng vây trần gian, Bến vô thường, Giữa dòng chảy lạc, Nguyễn Danh Lam đã cho chúng ta thấy một sức sáng tạo thực sự đáng nể ở một nhà văn thấm đẫm tâm thức hiện sinh. Cuộc đời ngoài cửa vẫn nằm trong sự truy vấn của nhà văn này với sự hiện hữu của kiếp người, của nhân sinh khi họ bị ném vào đời sống rồi trở thành những kẻ liên can và nhập cuộc. Đọc Nguyễn Danh Lam chúng ta luôn được đặt vào những không gian vừa phi thực vừa hiện thực, gặp gỡ những nhân vật vô danh tính, đối diện với những bản tính nghịch dị. Từ đó chúng ta đi tìm câu trả lời cho những câu hỏi như: Tồn tại là gì? Chúng ta sống vì cái gì? Chúng ta có quyền hy vọng hay không? Chúng ta đến từ đâu và sẽ đi về đâu trong cuộc lữ này?


RAU TẬP TÀNG (tập truyện ngắn), tác giả Nguyễn Phước Hương Lan, Nxb. Thuận Hóa, 2014. Với lối viết hiện thực, những câu chuyện thường nhật trong Rau tập tàng được tác giả thể hiện khá sống động qua lớp ngôn ngữ giản dị và với một cấu trúc đơn giản, dễ nắm bắt. Nhân vật trong truyện ngắn của Nguyễn Phước Hương Lan thường là những nhân vật phải đứng trước những áp lực của đời sống, họ luôn khát khao vượt ra ngoài những vướng mắc, hướng tới một cuộc sống tốt đẹp hơn sự trần trụi hiện tại. Có lẽ, thành công nhất của tác giả này là nằm ở sự dẫn dắt câu chuyện, kỹ thuật miêu tả nhân vật, xây dựng không gian và thời gian.  

(SH304/06-14)







 

Các bài mới
Sử thi biển (30/06/2014)
Các bài đã đăng
Đất ra đảo (17/06/2014)