Tạp chí Sông Hương - Số 305 (T.07-14)
Những câu hỏi, những cuộc hành trình và những niềm hy vọng trong thơ Lê Văn Ngăn
09:03 | 31/07/2014

LÊ HUỲNH LÂM  

Có một bạn trẻ hỏi rằng: làm thế nào để viết thật hay? Tôi nói như phản xạ, trước hết tác giả phải có đời sống văn chương.

Những câu hỏi, những cuộc hành trình và những niềm hy vọng trong thơ Lê Văn Ngăn
Nhà thơ Lê Văn Ngăn - Ảnh: internet

Bạn trẻ mới vào nghề nói tiếp, nhưng tuổi của thế hệ em chưa va chạm nhiều làm sao có vốn sống...? Chưa đợi hết câu hỏi, tôi nói luôn, hãy nhìn thơ của Ngô Kha, Lê Văn Ngăn, Trần Vàng Sao,... những tác phẩm hay của các tác giả đó đều xuất hiện khi họ bước qua ngưỡng cửa tuổi hai mươi. Như bài thơ: “Thơ của người yêu nước mình”, được viết khi Trần Vàng Sao 26 tuổi, “Bên hồ Thủy ngữ” Lê Văn Ngăn viết khi chỉ 18 tuổi, “Sóng vẫn đập ở eo biển” ông viết khi 25 tuổi, còn Ngô Kha với “Ngụ ngôn của người đãng trí” sáng tác khi ông 25 tuổi... Điều đáng nói ở đây là những tác phẩm này rất chân thật, rất gần gũi với cuộc sống, hòa với không khí xã hội thời đó cho đến bây giờ và có thể còn ảnh hưởng trong tương lai rất xa.

Tôi nói vậy là để minh chứng việc một tác phẩm hay không phụ thuộc vào tuổi tác. Cũng như các nhà thơ khác Rimbaud, Hàn Mặc Tử,... đã thành danh từ rất trẻ. Và để nói thêm điều chính yếu trong đời sống văn chương không phải sống lâu là ra lão làng, không phải là cái vốn sống như mọi người nhầm tưởng, không phải là đời sống của hội viên nhà văn hoặc những cuộc đi trại sáng tác... Đời sống văn chương mà tôi muốn nói đến đó là thái độ sống của người cầm bút dấn thân trong văn nghệ ở bất kỳ xã hội, hoàn cảnh nào, không có kiểu sống lập lờ, hàng hai, đi đêm bắt tay với kẻ vô lại xuất hiện trong tâm hồn của một nghệ sĩ chân chính. Vì sao tôi muốn nói đến điều đó, vì khi đọc lại thơ của Lê Văn Ngăn, tôi nhận ra trong thơ của tác giả là những câu hỏi chân thật trong suốt cuộc hành trình sống và sáng tác, dù gập ghềnh khúc khuỷu nhưng ở tận chân trời xa xôi luôn lấp lánh những đốm sáng hy vọng của các vì sao trong nền trời đêm. Chúng ta hãy thử cùng nhau trả lời những câu hỏi của nhà thơ Lê Văn Ngăn:

Các nhà thơ luôn có chữ ký dưới tác phẩm của mình; còn các anh những người cũng tạo ra sự sống, các anh chưa bao giờ ký tên dưới hạt lúa, những bông hoa mới nở.

...

Hay các anh cần đến một điều gì cao hơn tên tuổi?
Hay sự lặng lẽ đem niềm vui đến cho những người thân yêu thì đẹp hơn tất cả mọi điều?


Những câu hỏi tưởng chừng bình thường ấy lại là những lời nhắn nhủ đến những người làm văn hóa, văn nghệ. Chỉ có những tâm hồn lớn mới đặt những câu hỏi bình dị cho những người đã từng chia sẻ sự rung động cho chính mình.

Các nhà thơ có chân dung và tiểu sử trong các tập sách; còn các anh, những người tạo ra nguồn rung động cho người nghệ sĩ, các anh chỉ lặng lẽ ra đời, lặng lẽ làm việc, và cuối cùng lặng lẽ hóa thân vào đời con cái mình.

Tôi không ngạc nhiên khi Lê Văn Ngăn hỏi như vậy, vì trong những lần gặp gỡ ông, tôi đã hiểu được những gấp khúc trong cuộc đời ông. Có lần ông nói, ông vẫn xem Nguyễn Khoa Điềm là nhà thơ, tôi không đồng tình, và đến thời khắc cao hứng, tôi lại hét lớn Lê Văn Ngăn là nhà thơ ăn lương từ thuế của nhân dân. Lúc đó, gương mặt ông đượm buồn trong một nụ cười hiền. Rồi một thời gian sau gặp lại, ông nói tôi hãy giữ lấy những cá tính của mình.

Càng đọc thơ ông, tôi càng thấy sự tĩnh lặng và chịu ơn trong con người của Lê Văn Ngăn. Ông luôn hỏi về những con người bình thường nhất trong cuộc sống này:

Những người trồng hoa ở thị xã ấy
bây giờ còn sống chăng
.

Nếu con người khước từ quá khứ, thì con người đó thuộc vào loại vô ơn, cũng như những kẻ tự nhận mình là người sáng tạo, thật ra đó là sự lầm tưởng lớn nhất của người làm văn nghệ, cho dù, ý chí của họ muốn thay đổi tất cả những cái cũ, những truyền thống, những gì đã làm nên con người của họ... Đó là cơn hoang tưởng của những gã tâm thần cuồng danh. Thật ra, trong thế giới trùng trùng duyên khởi này, chẳng có cái gì độc lập, chẳng có cái gì tự nhiên khởi sinh, ngay những văn hào thế giới, những triết gia tên tuổi, những nghệ sĩ lừng danh, những nhà bác học tên tuổi, hay những vị lập thuyết như Phật Thích Ca, Chúa Giê Su,... tất cả đều hàm ơn quá khứ, tất cả đều chấp nhận mình chỉ là một phần của dòng chảy trong sự biến chuyển theo hướng tiến bộ của nhân loại. Điều đó cũng đúng trong luật nhân quả của vật lý và tâm lý. Phải nói như vậy để thấy Lê Văn Ngăn đã nhận ra sự đồng sáng tạo trong tác phẩm của chính mình, phải chăng đó là điều rất nhiều nhà văn, thi sĩ nhận ra.

xa xôi, tôi vẫn tựa vào quá khứ
để sống cho ra con người
để biết những người chưa bao giờ viết một dòng thơ
vẫn tham dự vào những gì tôi viết.


Có những người sinh ra trong yên bình, cũng có những người con sinh ra trong hoàn cảnh loạn lạc, có thể những người đó, không có một sự chăm sóc bình thường như những trẻ sơ sinh khác, nhưng dù sao chúng ta cũng không thể nào được quên và cũng không thể nào nhớ được những người bên cạnh chúng ta, từ giây phút mỗi người vừa lọt lòng mẹ chào đời, điều đó mãi mãi là những câu hỏi của tác giả, mà câu trả lời vẫn còn ở phía trước:

Lúc tôi mới lọt lòng mẹ
người y tá nào đã tắm gội cho tôi lần đầu
Người ấy bây giờ ở đâu
còn sống hay đã chết.


Có một thế hệ đã gọi Lê Văn Ngăn là Tagore Việt Nam, điều này quả không quá lời. Vì trong ngôn ngữ thơ của Lê Văn Ngăn, ông như người kể chuyện, mỗi bài thơ là một câu chuyện về một vùng đất, một con người, hình ảnh trong thơ ông quá gần với cuộc sống thường ngày, ý tưởng để hình thành tứ thơ thật bất ngờ, điều mà mọi người ai cũng thấy, cũng cảm nhận được nhưng không viết thành thơ được, còn nhạc điệu trong mỗi bài thơ của Lê Văn Ngăn lại rất lạ nhưng lại gần với mọi người, đặc biệt là người lao động. Cho dù thơ ông không vần nhịp, có khi như văn xuôi, nhưng nhạc tính trong thơ ông tự nhiên như nhịp điệu cuộc sống thường ngày, mới mà không lai căng, không màu mè.

Trong bài “Sóng vẫn đập ở eo biển” ông đã in báo Đối Diện năm 1972 và Đài phát thanh Giải Phóng đã đọc trong khoảng thời gian đó:

Tôi thầm hỏi có phải em đang gửi lòng mình qua sóng biển
nhắn cho tôi biết
rằng nỗi đau đớn em vẫn còn mang nặng


Và đây là chính kiến của nhà thơ trước bạo quyền, trong thời loạn lạc, là sự dấn thân mà rất hiếm thấy ở những nhà thơ thời nay:

khi bạo lực còn bắt tay nhau
khi bạo lực còn dẫn quân đi nhục mạ quyền làm người
khi ấy, bằng chất liệu gì để rửa sạch thân em
đây là điều tôi dứt khoát
quê hương quê hương, nơi trái tim tôi rung động dưới bầu trời sao
nơi tôi muốn nhắm mắt dưới lòng đất quen thuộc
chết cho tình yêu
đấy là việc của con người.


Lê Văn Ngăn vốn là một nhà giáo, một người hoạt động xã hội nhưng thầm lặng, ông đã có thơ in báo khi ông trên mười tuổi, có tặng thưởng khi ông học ở trường Quốc Học, sau này có giải thưởng trong cuộc thi thơ ở Đà Lạt. Nhưng giải thưởng lớn nhất của một nhà thơ là chia sẻ niềm rung cảm với mọi người, điều mà Lê Văn Ngăn luôn trăn trở:

Các nhà thơ có chân dung và tiểu sử trong các tập sách; còn các anh, những người tạo ra nguồn rung động cho người nghệ sĩ, các anh chỉ lặng lẽ ra đời, lặng lẽ làm việc, và cuối cùng lặng lẽ hóa thân vào đời con cái mình.

Nhà thơ Lê Văn Ngăn đã tự cho ra mắt những tập thơ: “Vào một thời in bóng”, “Thư về Hà Nội”, “Trên đồng bằng”, “Sóng vẫn đập vào eo biển”... Và tập thơ sau cùng của ông có tựa đề: “Những vần thơ in bóng quê nhà” do anh em văn nghệ thuyết phục ông để xuất bản cho ông một cách gọi là chính thống, trong tập sách này, có cái ảnh ở bìa bốn tôi đã chụp cho ông khi ngồi trước một hồ sen nhìn vào cửa thành An Hòa, hôm đó có cả Phạm Tấn Hầu và Nguyễn Tuấn.

Thật ra, khi đọc thơ Lê Văn Ngăn cũng như nghe ông kể chuyện, câu chuyện chậm rãi, ngôn từ không nhiều, nhưng nội dung rất nhân văn, sâu sắc, không phải chỉ thế hệ tôi thích nghe ông kể chuyện mà còn cả thế hệ cùng thời với ông đều lắng nghe những câu chuyện của ông như những lời nhắc nhở về giá trị cuộc sống này. Vẫn với giọng trầm ấm, từ tốn, chậm rãi, ông đã khiến người nghe phải chăm chú từ lời đầu tiên cho đến lời cuối cùng, theo tôi đó là những bài thơ mà ông không cần phải viết ra nữa, vì thơ của ông đã quá nhiều, nhiều như những nỗi đau trong cuộc sống này.

L.H.L  
(SH305/07-14)






 

Các bài mới
Trang thơ Du An (04/08/2014)
Các bài đã đăng
Quê tôi (28/07/2014)
Sóng biển Đông (25/07/2014)
Bạn bè tôi (25/07/2014)