Tạp chí Sông Hương - Số 306 (T.08-14)
Tác phẩm mới tháng 8/2014
08:54 | 22/08/2014

MÙA LAU TRẮNG TUỔI (thơ), tác giả Nguyễn Thiền Nghi, Nxb. Thuận Hóa, 2014.

Tác phẩm mới tháng 8/2014

Buồn có lẽ là cảm thức chung trong Mùa lau trắng tuổi của Nguyễn Thiền Nghi. Đôi khi đó là cái buồn sâu thẳm của quá khứ, đôi khi đó là những cái buồn của sự va vấp giữa thói đời và hoài niệm dâng lên thành nỗi cô đơn chất chứa trong từng nhịp điệu, ngôn ngữ. Thơ Nguyễn Thiền Nghi là sự nối kết với nhau bởi những hình ảnh lạ; hình ảnh lạ dẫn đến những ý tưởng lạ và tạo ra những khoảng trắng vẫy gọi người đọc vào trong những thanh âm không ồn ào, những thanh âm gợi buồn kéo chùng không gian lại và mở ra những khả năng liên tưởng: Mặc muối xát bao lời gào gọi/ Xô đẩy mắt chờ rơi khoảng không... Đêm chảy giấc mơ những vì sao/ Vỗ về tâm biển...


THỦY CHUNG (thơ, văn), tác giả Bảo Cường, Nxb. Hội Nhà văn, 2014. Bảo Cường là người có cách viết nhất quán, ít biển đổi qua thời gian. Đó là sự giản dị cả trong văn xuôi và thơ. Sự giản dị đó, nếu như trong thơ thì được thể hiện bằng những vần thơ nồng ấm, gần gũi, nếu như trong văn xuôi thì đó là những câu chữ đầy tình yêu thương, tình yêu dành cho những người thân quen, dành cho cuộc sống đời thường bình dị. Trong Thủy chung, một lần nữa người đọc lại gặp gỡ những đề tài quen thuộc, đề tài về tình yêu, về tình người, về những níu giữ, những cái đẹp thuần khiết của người Việt. Cái xuyên thấu trong Thủy chung vẫn là tình yêu. Tình yêu đi ra từ tâm thức của một người nghệ sĩ mơ mộng; mơ mộng nên khát khao giao cảm với người: Bao mùa em đã xa xăm/ Bao mùa anh nhớ biếng ăn biếng cười.


BỐN HỌC THUYẾT TRUYỀN THÔNG (chuyên luận), các tác giả Fred S. Siebert, Theodore Peterson, Wilbur Schramm. Dịch giả : Lê Ngọc Sơn. Nxb. Tri thức 2013. Bốn học thuyết truyền thông đã làm sáng tỏ các loại hình báo chí như Thuyết Độc đoán; Thuyết Tự do; Thuyết Trách nhiệm Xã hội; Thuyết Toàn trị Xô viết. Mỗi loại hình được phôi thai trong những giai đoạn lịch sử khác nhau nhưng chúng đều có sự tác động sâu rộng đến khuôn mặt xã hội. “Báo chí của một đất nước thể hiện hình thức và nét đặc thù về cấu trúc xã hội và thể chế của đất nước đó. Đặc biệt báo chí còn phản ánh hệ thống kiểm soát xã hội, điều chỉnh các quan hệ cá nhân và các định chế. Chúng tôi tin tưởng rằng sự am tường về những khía cạnh này của xã hội là cơ sở để tìm hiểu một cách có hệ thống về truyền thông…” (trích Lời mở đầu).


CHỦ NGHĨA TỰ DO TRUYỀN THỐNG (chuyên luận), tác giả Ludwig von Mises; dịch giả: Phạm Nguyên Trường; Nxb. Tri thức, 2013. Ludwig von Mises (1881 - 1973) là một trong những nhà kinh tế học và chính trị học nổi bật nhất thế kỉ XX. Ông là người đứng đầu, đồng thời là người củng cố và hệ thống hóa trường phái kinh tế học Áo. Chủ nghĩa truyền thống tự do là một công trình bàn về xã hội tự do, được xem như là một tác phẩm có uy tín đối với những ai quan tâm đến chính trị và sự vận hành của nó. Tác phẩm tập trung luận giải những vấn đề có tính rộng lớn như: Những nền tảng của chính sách tự do; Chính sách kinh tế tự do; Chính sách đối ngoại của chủ nghĩa tự do… Trong lời giới thiệu Ludwig viết: “…Kể từ ngày xuất bản tác phẩm Chủ nghĩa tự do truyền thống, tôi đã viết thêm rất nhiều về những vấn đề được nói tới trong tác phẩm này. Tôi đã nghiên cứu nhiều vấn đề mà lúc đó tôi không thể trình bày trong tác phẩm này vì không muốn làm cho độc giả chán nản vì sự dài dòng. Mặt khác, lúc đó tôi đã xem xét một số vấn đề mà hiện nay tôi thấy không còn quan trọng nữa. Ngoài ra, một số vấn đề về chính sách mà tôi xem xét nên được hiểu và đánh giá đúng trong bối cảnh kinh tế và chính trị khi tác phẩm này được viết ra.”


CHẢY TRÀN HƯ KHÔNG (thơ Haiku), tác giả Hoàng Long, Nxb. Văn học & Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây, 2014. Hoàng Long là một nhà văn, nhà thơ đồng thời cũng là một dịch giả có uy tín hiện nay. Văn xuôi cũng như thơ của Hoàng Long luôn nỗ lực hướng đến sự chắt lọc chặt chẽ về ngôn ngữ, luôn mang màu sắc của bút pháp tối giản. Theo Lưu Đức Trung thì Hơn một trăm bài thơ haiku Việt trong tập thơ này như hơn một trăm mảnh vỡ rơi rớt xung quanh cuộc sống của Hoàng Long, có mảnh là ký ức, có mảnh là tấm hình anh chụp được trên đường đi, có mảnh là dòng nhật ký, có mảnh là bức tranh thủy mặc. Thơ haiku của Hoàng Long không dành cho những diễn giải của lý tính mà chúng cần sự cảm thụ của trực giác, của những suy ngẫm trong im lặng, của sự phó mặc cho sự lan tỏa đến một không gian vô giới hạn: “Đỉnh núi/ tùng xanh/ hạc bay trong khói.”  

(SH306/08-14)
 

 

 

Các bài mới
Về Hương Giang (03/09/2014)
Con ru Ba ngủ... (29/08/2014)
Các bài đã đăng
Say trăng (21/08/2014)