Tạp chí Sông Hương - Số 31 (T.5&6-1988)
Đường về quê
09:03 | 06/09/2014

THẾ TƯỜNG
               

"Quê hương là chùm khế ngọt
cho con trèo hái cả ngày"

Đường về quê
Ảnh: internet

Về quê, dường như bao giờ cũng vậy, hình ảnh đầu tiên đến với tâm tưởng tôi là cánh đồng lúa bát ngát, con sông con yên tĩnh sưởi nắng giữa hai bờ cây trái. Rẽ vào ngõ, bước vào vườn nhà gọi mẹ, tưởng chừng sau lưng không còn những năm tháng chiến tranh, đói khát và đau khổ.

Vậy mà, cũng đã có lần tôi về quê không phải để hưởng những an lạc ấy. Cách đây nửa năm, cùng với một nhóm các bạn đồng nghiệp tôi về quê điều tra vụ "Vịt Anh Đào".

Lần ấy, mục đích chuyến đi và khung cảnh quen thuộc của quê hương kéo tôi về với tuổi thơ ba mươi năm trước. Vẫn cánh đồng mênh mông ngập ngụa nước mọc đầy cây năn cây lác. Trưa mùa hè lẫn trong tiếng ù ù của gió Nam là giọng con chim trích gù gọi bạn, tiếng vịt kêu mơ hồ lao xao. Gần làng, những thửa ruộng lúa bắt đầu trổ đòng. Tôi một thằng bé sáu tuổi, tay cầm roi đứng buồn thiu trên bờ cố giữ cho đàn vịt mười con không nhảy xoàm sang ruộng lúa. Cái giống vịt, dáng thì lạch bạch mà khi xuống nước chạy nhanh như quỷ. Đầu tôi ong ong, trời đầu thu chớm lạnh. Tôi không rét, chỉ thấy trơ trọi cô độc. Cái tuổi đáng lẽ được ngồi lê giữa đám bạn bè mũi thò lò quần tụt ngang háng tay lấm lem đất sét nặn súng nặn bi thì lại phải cầm roi nhỏ bé như cây nấm dại mọc giữa đồng bao la. Ban ngày, "ông kẹ" của tôi là ông già canh đồng lưng gù mắt sâu, râu rậm có cây mác sắc như nước. Lớn lên tôi mới biết ông cầm theo cây mác để đan lát thêm... Tôi đứng lơ mơ ngủ gật. Đàn vịt bò qua ruộng lúa khi nào không hay. Nghe tiếng vịt kêu nháo nhác, vội mở choàng mắt tôi đã thấy "ông kẹ" một tay cầm mác, tay xách vịt đi vô xóm...

Tối đó, tôi bị ba phạt nhịn cơm. Tôi khóc những giọt nước mắt đắng cay tủi hờn rồi đi ngủ đói. Ngay sáng hôm sau, mẹ tôi lùa chín con vịt còn lại vào lồng mang lên chợ bán. Trưa về bà nhăn nhó: Vịt cầm xác không ai mua cả. Ba tôi bàn: Mang xuống chợ Đồng Hới bán. Mẹ tôi gạt đi: "đi đò ba chục cây số, biết có bán được không, chẳng bỏ tiền đò". Nhưng nếu không bán được thì lấy tiền đâu mua quần áo, giấy bút, học phí cho các anh chị tôi đến trường. Lấy gì mua tương cà mắm muối cho mùa lụt bão. Nếu ngày đó, có người nào đến mua gom số vịt của xóm tôi, của nhà tôi hẳn là chúng tôi đã có sách vở quần áo tới lớp.

Ngày xửa ngày xưa - bà tôi kể - quê mình đây, lúa má còn ít. Đồng hoang mọc toàn năn lác. Cá tôm nhiều mà chim chóc cũng lắm. Hàng năm phường bạn lùa vịt đàn về đồng mình thả, thả hoang chứ không chăn giữ. Đến mùa vịt đẻ trứng, mỗi phường bạn mang một thúng thóc trộn đất vụn chọn một cồn nổi giữa đồng, rải lên. Vịt đàn nào tìm nơi đất phường đó ăn thóc rồi đẻ trứng, không lẫn một con... Làm ăn nguyên thủy thế, mà sao hòa thuận thế. Không ai chặn bắt của ai...

...Sáu ngày ròng rã, chúng tôi xách máy ghi âm đến khắp các đơn vị liên quan làm cái việc điều tra. Cái bi kịch trong sự lầm lạc của đàn vịt là ở đâu? phải chăng những người chủ của nó không thể ngờ rằng ở giữa cánh đồng hai huyện bao la này có một cái thị trường riêng... "Tôi không biết là giống gì, là hàng tươi sống tôi cho xử lý hết".

Câu nói của Phó chủ tịch Hà Thị Riên như được lắp ê-cô cứ vọng mãi. Bữa cơm trưa trong nhà ăn ủy ban, anh cán bộ tóc hoa râm thò tay xuống gầm bàn bấm tay tôi thì thầm: "Tôi biết hết anh nhà báo ạ! Nhưng phải nói theo nhiệm vụ chính trị của huyện. Người của huyện! Nhiệm vụ chính trị của huyện!". Để ngăn một ông giám đốc không hát điệp khúc này, chúng tôi phải chặn ông ngay giữa đường quốc lộ 1, kéo vào rừng phi lao, phỏng vấn và bấm máy ghi âm. Một đêm, khi đeo máy ghi âm từ nhà một nhân chứng trở về, chúng tôi bị theo dõi, phải dùng nghiệp vụ "thám tử" để cắt đuôi. Đêm hôm ấy, đứng ở tầng ba tòa nhà ủy ban huyện nhìn ra ngã ba sông, đầu tôi cứ ong ong bốn âm tiết vần trắc mang đầy sắc thái dao búa:

"Cắt tiết" "luộc chặt". Phút chốc, cái bờ ruộng ba mươi năm trước những con vịt của tôi tràn qua, lớn dần lên phình ra mãi thành cái biên giới của huyện. Quanh cái bờ ấy những "ông kẹ" đeo xà cột, phóng hon-đa tuần tra, vô phúc vịt nhà nước lại lọt vào đấy.

Thế rồi, đến lúc tư liệu đã đủ và những cú điện thoại gọi về liên tục từ Huế truyền ra. Thanh Ba phóng viên báo Bình Trị Thiên, tà áo màu cháo lòng bay phất phơ, đi như chạy dọc hành lang, anh không giữ được bình tĩnh:

- Tại sao các anh đã thông báo như vậy mà bây giờ bỏ rơi chúng tôi? Có phải các anh lừa...!

Phó văn phòng huyện lúng túng.

Trong phòng khách, Thanh Ba lồng lộn như một con báo. Bên ngoài cửa chớp thoáng bóng người. Tôi mở cửa, một người đàn ông mập căng sấn tới:

- Giữa huyện đường anh không được ăn nói lung tung.

Thanh Ba đứng nhỏ bé trước người đàn ông cao lớn. Tôi buồn rầu chen vào đứng giữa hai người.

Huyện đường!

Ông cán bộ hưu trí nhẩn nha hồi tưởng:

- Mình nhớ là chỉ có một tri huyện, không có phó.

- Không có phó à?

- Ừ không có phó, có ba đến bốn thừa phái, một thư ký đánh máy, một thầy đề lao với một tiểu đội lính lệ.

- Chỉ thế thôi ư?

- Ừ chỉ thế thôi mà đã hành, đã kẹp dân mình đến khổ. Thời lứa mình đây nhiều người chịu không thấu phải ký công-tra đi cao su chết bỏ xác quê người. Nhiều người vọt qua Lào, qua Thái làm ăn. Cũng có người khá, người khổ. Hắn mạnh ở cái hệ thống cường hào thôn xã, Lý trưởng Chánh tổng. Thời trai trẻ, bọn mình chỉ luẩn quẩn trong làng, vô phúc mà sang cua gái làng khác nó đập què giò.

Tôi chạnh nhớ những người bạn hồi học phổ thông. Những thanh niên học giỏi, có chí tiến đạt, nhưng không có được cái lý lịch "ba đời ăn củ chuối", hay cha mẹ họ không được bằng lòng với Chủ tịch, Trưởng công an xã, nên chi... Khi chúng tôi xôn xao làm lý lịch gửi vào "nhất y, nhì dược, tạm được bách khoa" thì Đặng Quang Đờ đứng bên bờ sông mà than:

"Ai ơi đi đó chờ tôi với
Một chuyến sang ngang đi tới cuộc vui"

Hai mươi năm sau trở về, tôi không gặp lại người học sinh giỏi văn ấy nữa. Anh đã chết vì bệnh điên. Phạm Quýnh năm lần làm đơn xin thi sư phạm sơ cấp. Giấy báo gửi về chui tọt vào trong ngăn kéo Trưởng công an xã. Bây giờ Quýnh đã thành một lái trầm khét tiếng bởi những tiếng bạc "cháy chiếu", Ngô Côi học giỏi Trung văn, hai mươi năm làm sơn tràng không bao giờ quên cắp theo quyển sách chữ Hán. Bao năm trôi qua anh vẫn dịch sách cổ, dịch gia phả cho cả làng và lên rừng khai thác gỗ. Và, Minh Nhuận Thổ, bạn nối khố của tôi. Gọi là Minh Nhuận Thổ vì hồi đó anh cao lớn và hiền khô. Hớp một hơi cạn sạch ly rượu nặng, Minh Nhuận Thổ giương đôi mắt vằn tia máu nhìn tôi:

- Mày bảo sao? đi đường ba ngày, leo ngược vách núi. Ruông rừng bốn ngày tìm cây gió. Ở với vượn với khỉ. Gặp được cây thì chặt bổ. Không thấy dầu thì ruông tiếp. Đến ngày thứ bảy thì lo tách về, hết gạo mà. Vợ con ở nhà cũng đang hết gạo, mong có được chút đỉnh, ra cửa rừng thì gặp thuế vụ kiểm lâm: "Thu giữ năm ki-lô-gam gỗ mục có chấm đen mà đương sự gọi là trầm".

Thế thì, mạng đổi mạng về nhà không có tiền mua gạo cũng chết. Chi bằng... Nhuận Thổ dằn ly rượu quài tay rút ra một cái đục xoi trầm dài chừng hai gang sắc lạnh...

- Sao không ở nhà làm hợp tác?

- Hợp tác à, khoán sản phẩm nghe thì hay. Nhưng làm hộc máu. Lấy chổi mà vẩy thuốc sâu ra ruộng. Tới mùa đội thu, hợp tác xã thu, xã thu, hàng trăm thứ quỹ. Tăng được tổng sản lượng thì năm sau họ tăng khoán lên. Mỗi năm chia lại ruộng. Tội gì bón phân chuồng cho năm sau lúa thằng khác tốt. Thằng nào cũng ném phân đạm xuống, ăn ngay. Đất rắn lại, năm sau ruộng đó về thằng khác cày gãy lưỡi cày, bừa gãy răng bừa. Thằng Khiên nuôi bò riêng không chịu nhận ruộng khoán bị tay đội trưởng đưa lên huyện bỏ tù. Trời ơi! Một nghìn con vịt Anh Đào của mày không đáng bù một cân trầm loại một, người làng mình đi khai thác kể đã hàng tấn! Xã mình? cả huyện? trầm đi đâu hết? Ngoại thương mua ép cấp ép giá, nợ tiền, trả tiền rách, không chịu bán, mang về thì ra khỏi cổng ngoại thương là thuế vụ chấn. Tội gì tụi tao không bán cho lái. Tiền mới, trả ngay, chơi đẹp. Trầm theo đường dây buôn lậu vô các tỉnh trong nhiều lắm.

Thế đấy, Nhuận Thổ đã thành một tay anh chị. Còn một người nữa cũng bạn cũ: Nguyễn Thanh Hoàn. Tôi ruông vào chợ Hôm thoáng thấy bóng anh, dáng tiều tụy của người lom khom chìa cái nón rách cho bà hàng thả vào nửa nắm gạo.

Những người bạn cũ, họ là những thanh niên không đủ sức đi ra khỏi lũy tre làng. Cái gì đã níu họ lại? Tôi biết có gia đình nọ tám anh em đều học giỏi, lớn lên cả tám người đều phải gánh trên vai gánh nặng một ông cậu bên ngoại vào Nam dạy học từ những năm bốn mươi của thế kỷ. Mỗi lần thi chuyển cấp, vào đoàn thanh niên, bố mạ họ phải chạy long tóc gáy chứng thực cho được cái lý lịch có "vết bẩn" là ông cậu vào Nam dạy học. Cái ông cậu mà họ chưa một lần thấy mặt ấy để lên trái tim họ suốt hai mươi năm, một phần năm thế kỷ, đè lên suốt thời thơ bé của họ như một bóng ma nghiệp chướng.

... Chiếc xe con chở chúng tôi vẫn lắc lư chạy miết trên "đoạn đường xấu nhất Đông Dương" vào trung tâm của huyện.

- Huyện mình dài thật anh nhỉ, dài mà rộng nữa, khó có huyện nào có đủ ba vùng kinh tế như mình: Miền biển đồng bằng, gò đồi, đủ cả. Vẽ cho hết cái lồi lõm của biên giới huyện e chừng cũng mệt.

- Dài, ngắn, rộng, hẹp không quan trọng lắm đâu, bản đồ thế giới người ta còn vẽ được. Cái biên giới huyện hay còn gọi là địa giới là ở chỗ khác, chỗ khác...

Ông Tổng biên tập gật đầu đồng tình vẻ mệt mỏi vì xe xóc.

... Anh cán bộ khoát tay khoanh một vòng tròn, trầm ngâm:

- Cái quan trọng là ở đây, đây không phải là biểu tượng địa giới. Mình muốn nói... Sự gắn bó máu thịt, gắn bó kinh tế giữa các "bố ấy với nhau" chặt chẽ lắm, khép kín lắm. Một anh bán vé ở bến ô tô xép cũng xây được biệt thự đổ "Bi-răng-đa". Ai cũng có phần cả. Cái lãnh địa bên trong vòng tròn này mới khó vào. Cũng vì thế mà chỉ một việc những con vịt bị giết "thịt oan" mà phải điều tra khó đến thế. Chắc các cậu sẽ hỏi: vậy lực lượng nào bao cấp cho cả cái huyện đường đông đúc này để ai cũng có biệt thự Bi-răng-đa, có thể chơi đẹp với nhau? "Phải, nhân dân và các nguồn viện trợ quốc tế?" Mà cũng chưa quan trọng - anh cán bộ khoát tay chỉ ra xa vời - trên rừng ấy, hàng chục nghìn héc-ta rừng đầu nguồn bị phá chảy xuống hàng chục tấn trầm hương và cũng đổ xuống hàng triệu khối nước nỗi mùa mưa. Để rồi ta có lý do nói! "Thời tiết diễn biến thất thường"... mất mùa là tại thiên tai mà. Để quê ta lấy cái câu "Giêng hai khoai bầu" thay cho thói quen một ngày ăn năm bữa cơm của đất hai huyện. Quê mình mười năm gần đây dường như đang diễn ra một quá trình chuyển hóa kỳ quặc: Những người nông dân thâm căn cố đế có tới mười lăm đời gắn bó với con trâu mảnh ruộng lại cứ nhăm nhăm rút chân khỏi ruộng lúa để hướng lên rừng, lên đường sắt vào thành phố. Cạy cục xin xỏ để được bước xuống ruộng là những "nông dân cá thể có nghề phụ là dạy học".

Lần ấy, những ngày ở nhà khách huyện, cứ tới giờ ăn cơm, cô gái trẻ lại bưng mâm cơm có đậy lồng bàn bước từng bước khẽ khàng lên gác ba đi về phía căn phòng ông Chủ tịch. Lúc sau trở xuống cô xách theo cái xô đựng quần áo. Cô nhân viên phòng hành chính quản trị của huyện săn sóc ông tận tình như đứa cháu gái săn sóc ông nội để ông dành thì giờ quý báu lo nghĩ việc nước, việc huyện. Thế nhưng từ ngày về huyện chúng tôi chưa ai nghĩ đến chuyện mang cái đề tài đang điều tra vịt Anh Đào đối thoại với ông Chủ tịch. Vì chưng ông già mà nhân hậu quá.

- Được cái ông ấy vô hại.

Vô hại! thần dân của ông có người như anh Khiên phải bị tống giam chỉ vì không chịu nhận ruộng khoán?! Trời ơi, người nông dân đang ở trong quá trình tha hóa nào mà họ đang tâm từ chối ruộng đất, từ chối cấy cày gặt hái, để phải bị giam? Nguyên nhân ở đâu? ở cơ chế huyện đường bao cấp hay ở sự ươn hèn, nhác nhớn của chính người nông dân, chỉ đứng một chân trên mảnh đất chôn rau cắt rốn từ bao giờ? Ngòi bút phóng viên của tôi phải mổ xẻ tìm cho ra các thứ ung nhọt nào đây đang làm cho quê hương lên cơn sốt ác tính... Quả tôi như người thầy thuốc đang đứng trước cơn nan y...!

Trưởng ban biên tập đài huyện buồn bã lắc đầu rồi chậm rãi kể:

- "Trâu nhảy cày bừa cũng nhảy", họ nỡ nói chúng tôi như vậy đấy. Tôi mới phát một bài phê phán ban quản trị một hợp tác xã tham ô thì lập tức nhận được một cú điện thoại... Anh biên tập khẽ khàng dựng xe đạp rồi bước vào "huyện đường". Anh cán bộ Thường vụ ngồi trong sa-lông gọi:

- Ê, vào đây có chút việc.

Anh biên tập bước tới gần cúi đầu...

- Ai cho phép các anh phê phán điểm V.N. tôi phụ trách theo dõi chỉ đạo khu vực này, sao các anh dám phê bình mà không thông qua tôi.

- Thưa, đơn từ khiếu nại của bà con nông dân gửi lên nhiều, chúng tôi định làm rõ trắng đen rồi báo cáo.

- Ai lãnh đạo ở đây, giọng ông Thường vụ gay gắt, tôi hay đồng chí? Đồng chí quên rằng cấp ủy lãnh đạo toàn diện tuyệt đối và triệt để.

... Xe chạy nghiêng nghiêng như cánh vạc. Bên phải là triền đồi cát trắng. Bên trái là cánh đồng lúa thấp trũng. Tôi muốn gợi lại câu chuyện bỏ dở của ông Tổng biên tập về những người bạn sang Lào sang Thái thuở trước. Nhưng, khi sắp đến chỗ rẽ vào huyện ông đã lại chậm rãi:

- Nhưng không phải ai cũng đã ký công-tra cao su cả. Những thanh niên trí thức còn ở lại làng ngày ấy đấu tranh với lý trưởng chánh tổng. Nhiều người thoát ly làm cách mạng, được gặp Đảng, được trưởng thành. Có người thành thứ trưởng, đại tướng. Quê mình cả đấy.

Nhìn vẻ mặt trầm ngâm của ông, tôi cố hình dung ra một con đường, một con đường hoang sơ như thần thoại mà chừng nửa thế kỷ trước đây một thanh niên trí thức đã đi, để vài mươi năm sau, trở về trong tiếng reo hò ngưỡng mộ của hàng chục vạn người đồng hương. Lại cũng tự dưng trong tôi nảy sinh một ham muốn rất trẻ con: đánh thẳng chiếc xe này về đỗ xịch trước cái bờ ruộng ba mươi năm trước tôi cầm roi đứng lơ mơ ngủ gật. Xe đã chạy vào trung tâm huyện. Giữa nơi ngã ba sông, trong khoảng không gian lồng lộng thoáng đãng giữa một vùng đồng chiêm trũng, giữa những tòa lầu ba tầng vút lên vạm vỡ, bề thế: Lầu ngoại thương, lầu huyện ủy, lầu ủy ban. Loa phóng thanh bên đường vang lên bài hát "Lời cô gái Lệ Ninh":

Bài hát của nhạc sĩ dù có thiết tha cũng không kể được rằng: đất này suốt ba mươi năm đánh giặc thanh niên tòng quân vượt dự kiến. Những người trai lên đường ấy có người về, có người không. Có người thành cấp lãnh đạo ngay ở huyện, phải chăng khi cái ba lô con cóc được xếp lại, cái nhà được xây lên, khu vườn rộng ra, huyện đường cao lên ba tầng với thành rào cao quá đầu người, thì trái tim mỗi người hẹp lại và tầm vóc con người thấp xuống. Lãnh địa! Cái góc nhỏ trong lòng, trong vườn, trong làng, trong huyện mình được khóa lại, có như vòng dây thòng lọng treo lơ lửng trên đầu mỗi chúng ta, mỗi người nông dân không? phải cởi bỏ, phải tự cứu lấy mình như thế nào đây? Ở tuổi gần bốn mươi này, tôi đâu còn tự cho phép mình làm một chú bé, mãi mãi là một chú bé bơ vơ giữa đồng nội trải lòng hứng gió bốn phương mà lòng thanh thản thơ ngây được nữa! Mà ngòi bút mang nặng trách nhiệm nhà báo của tôi phải đột phá từng đường biên phi lý trói buộc huyện đặng tìm về được tâm điểm của lòng dân. Đi dọc hành lang tòa nhà ba tầng hình chữ U của huyện ủy, ông tổng biên tập hình như ngơ ngác. Giữa chừng ông dừng lại thở dài: - Chưa đến à?

Trong những thời điểm căng thẳng nhất của vụ vịt Anh Đào tôi cũng chưa thấy ông thở dài bao giờ. Đồng chí Bí thư huyện ủy tiếp chúng tôi trong phòng khách bày biện giản dị và đẹp mắt. Ông có cái vui sướng của một vận động viên sắp tới đích:

- Năm nay huyện gieo cấy mười một ngàn sáu trăm héc-ta. Chúng tôi chủ trương cấy muộn vì có tháng nhuận. Sở nông nghiệp cứ hối, chúng tôi cứ hoãn. Vừa qua có trỗ sớm gặp rét mất tám trăm héc-ta còn lại đa số thì... Ông ngừng lời. Tôi biết, ngồi đây với đôi mắt trũng sâu và một cánh tay áo rộng, ông đang khấp khởi hy vọng. Sau nhiều đợt trở rét vì ảnh hưởng gió mùa đông bắc bổ sung, những ngày tới chắc chắn trời sẽ nắng ấm là tiết thuận nhất cho lúa trỗ - ngày kia huyện sẽ sơ kết đông xuân, giá như các đồng chí ở lại được.

Chúng tôi đang đứng dưới khoảng sân trong cái chữ U ngợp bóng tòa nhà đổ xuống. Từ tầng ba đồng chí Bí thư huyện ủy giơ tay vẫy theo. Trong tòa nhà mênh mông và lặng lẽ này hình dáng đồng chí Bí thư như nhỏ hẳn lại. Được mùa! Tôi khấp khởi mừng cho quê hương. Trong chuyến công tác này ngoài một số công vụ, tôi định bụng cùng ông Tổng biên tập đi Vạn Ninh tìm một địa chỉ mới được giới thiệu: Chị Xuân. Chị Xuân, vợ bộ đội có bốn con nhỏ, bố mẹ già. Giữa năm 1986 khi quyết toán ăn chia xong chị nợ của hợp tác xã sáu tạ thóc. Là gia đình chính sách lại đang gặp khó khăn nên chị nằn nì xin khất. Chị dám khất vì còn có con bò cái. Con bò cái lại đang có chửa. Chừng tháng nữa, con bò sẽ đẻ ra con bê. Chị sẽ giữ con bê làm giống và bán con bò, trả nợ. Chị thì tin tưởng và chờ đợi con bò, nhưng hợp tác thì không tin vào chờ đợi của chị, nên xiết ngay con bò, trừ nợ. Con bé lớn nhà chị lăn đùng ra khóc ầm làng nước. Con bò cái thấy lạ cũng rống lên. Chắc tiếng kêu của người và của vật cũng chẳng thấu đến đâu, nếu không có một cán bộ tỉnh ủy đang đi kiểm tra địa bàn trước ngày đại hội Đảng cấp huyện. Anh về huyện lưu ý ngay với phó bí thư. Anh Phó bí thư trẻ lên xe phóng ngay xuống xã. Con bò được trả lại cho chủ cũ, cho con bé. Tôi sẽ cố gắng đến để thăm chị Xuân, con bé và xem con bê đã lớn ngần nào.

***

Tôi về thăm lại đoạn bờ và mảnh ruộng, nơi xưa kia có thằng bé sáu tuổi cầm roi chăn vịt, không phải bằng ô tô mà... tụt dép đi chân đất. Tôi bước đi trên làn đất ấm, cỏ dại cọ buồn buồn nơi cổ chân. Cánh đồng làng tôi vẫn rộng thênh, ngút ngát ánh chiều. Gió về, mang theo mùi ngai ngái của lớp toóc mục vụ trước, thoảng đâu đây mùi cỏ mật. Từ tít tắp ngoài đồng xa vẳng vào tiếng gì như giọng con chim cà-lơi, tiếng con vịt lạc gọi bầy bơ vơ. Ngoài đó giờ đây không còn những cồn nổi năm xưa mỗi buổi sáng lùa trâu ra đồng tôi thường ngỡ ngàng trước bãi trắng xóa trứng vịt. Đồng quê tôi bây giờ cũng ít cá tôm. Đằng sau chiếc máy cày xé đất là đủ các loại phân hóa học và thuốc trừ sâu rải xuống vô tội vạ. Con vịt lội giữa đồng dường như ngơ ngác hơn. Đó là chưa kể ngày nay có rất nhiều "Ông Kẹ" cỡi Honda, đeo xà cột rảo quanh biên giới huyện. Về làng sau một thời gian xa cách, dù tiếng kêu cứu của những con vịt Anh Đào đã tạm vắng, dù đã qua một mùa thu thanh thoát, một mùa đông giá lạnh, dù mưa xuân đã phủ mơn man trên đồng rất dễ gây lòng trắc ẩn và dù vụ đông xuân chắc chắn bội thu thì tôi vẫn thấy chưa thể dừng lại ở đây.

... Một lần lâu rồi, thời ấy ông Bùi San còn làm Bí thư tỉnh ủy, cũng vào mùa xuân, tôi về thăm nhà. Sáng mồng hai Tết mẹ tôi dọn cơm lên, một nồi cơm trắng bốc hơi thơm phức, Lệ Thủy mà, gạo trắng nước trong. Nhưng tôi ngạc nhiên thấy trên mâm chỉ có món canh bầu nấu với tép. Ba mẹ tôi lặng lẽ ngồi ăn cơm. Tôi quay nhìn cái lốc lịch mới. Con số 2 đỏ choét nhấp nháy như cười. Buổi chiều, có bà mợ lên thăm biếu đòn bánh tét to. Ba tôi cầm ngay, bàn tay ông run run không hiểu do sức yếu tuổi già hay vì mừng quá. Còn tôi!? Ngay sáng hôm sau tôi ra bến xe, không phải vội mà vì sợ lại có ai mang cho thêm chiếc bánh nữa. Ba tháng sau tôi mới dám quay về. Mẹ tôi ra mở cửa, bà gầy, quắt như tàu lá chuối khô mùa gió lào. Thấy tôi ngạc nhiên bà nói:

- Con ơi! Từ khi con đi tới nay mẹ chỉ có một hào thôi.

Hồi ấy, có những người gân cổ lên gào: Ăn màu là yêu nước! Còn họ, họ nhịn luôn cả màu, chỉ uống nước "bia" thôi, cho yêu nước hơn. Giáp hạt năm ngoái tôi lại về quê, qua thăm ông hàng xóm. Ông ngồi trên giường mặt xanh như lá chuối non. Ông ngồi được vì còn trẻ nhưng sắp chết vì thiếu dinh dưỡng. Tự dưng tôi khát khao muốn lên ngoại thương huyện vay chai bia cho ông uống trước khi chết. Sau lại ân hận: Ông uống đâm thèm, chết lại không nhắm được mắt.

Bây giờ là mùa xuân. Tạo hóa ác độc đặt mùa xuân vào đúng kỳ giáp hạt. Nên chi dưới bầu trời đẹp và nên thơ này cũng phải nói hết với nhau cho thanh thỏa mà băng qua mùa đói kém.

- Vụ vịt Anh Đào có gì đâu mà cứ làm rùm beng!

Một người cấp chức cũng to lắm đã nói như vậy.

Thật thế đấy, một nghìn chứ một vạn con Anh Đào có bị giết cũng không đáng để Lệ Ninh bù một cân trầm hương loại một. Nhưng cái quan trọng hơn là đằng sau cái chết bi thảm của những con vịt giống ngoại quí hiếm là cái chết của một lòng tin, là kết quả của một tác phong làm việc quan liêu cửa quyền. Lê-nin nói rồi: Ngu dốt đẻ ra tội ác. Cha ông ta cũng nói rồi: "Tri quá tắc cải đặng năng mạc vong - tri quá bất cải thị vị quá hữu". Bao che, bưng bít, chống đối, thậm chí phản công không muốn ai phạm vào cái lãnh địa mà mình cát cứ, sẽ dẫn tới cái chết của những sinh vật cao cấp hơn loài vịt.

Và, chiều nay tôi đứng đầu bờ ruộng, sau tôi, hoàng hôn xuống nắng đầy làng.

Cả những thân cau thẳng đứng và những ngọn khói ngoằn ngoèo đều lẫn dần vào đêm. Nghe như thể trong bóng đêm trước mặt vẫn còn tiếng vịt lạc gọi bầy, hay tiếng con vịt thứ mười của tôi ngày xưa, cái thời ấu thơ hun hút xa xăm. Tôi không hoài vọng nhiều với quá khứ, nhưng vẫn còn ngạc nhiên mãi khi biết rằng có nhiều người làng tôi dạo ấy đọc báo nghe đài về vụ vịt Anh Đào thì chăm chú và khoái lắm. Trời ơi! Sao lại khoái! Lẽ ra phải buồn phải giận chứ, lãnh đạo huyện mình sai, bị phê bình mà dân lại khoái! Dân xa huyện, huyện xa dân đến thế rồi ư!

Riêng tôi, một người con của vùng đồng quê này, tôi buồn lắm.

N.T.T.
(SH31/06-88)








 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Mimosa đang ngủ (04/09/2014)
Với Thạch Lam (06/08/2014)