Tạp chí Sông Hương - Số 31 (T.5&6-1988)
Nhìn lại văn học một vùng đất trước yêu cầu đổi mới
15:00 | 12/09/2014

PHAN NGỌC THU

Cùng với văn học cả nước, hiện nay, văn học ở mỗi vùng đất cũng đang đứng trước yêu cầu lớn lao của công cuộc đổi mới.

Nhìn lại văn học một vùng đất trước yêu cầu đổi mới
Ảnh: internet

Trong không khí chuẩn bị các đại hội văn nghệ, việc nhìn lại một cách trung thực tình hình sáng tác ở từng địa phương, nhận ra những vấn đề vướng mắc tháo gỡ để đánh thức tiềm năng sáng tạo và đổi mới không ngừng vốn là bản chất của nghệ thuật là hết sức cần thiết, góp phần tạo nên chuyển biến chung nhằm làm cho văn học chúng ta vươn đến những thành tựu mới. Tất nhiên, công việc ấy không dễ dàng, có thể có những ý kiến khác nhau cần trao đổi, bàn luận. Dưới đây chỉ nêu một vài suy nghĩ bước đầu khi nhìn lại Văn học Bình Trị Thiên từ sau Đại hội Văn nghệ toàn tỉnh lần thứ II (1983) đến nay.

***

Trước hết, có thể nhận thấy một tình hình chung là từ năm 1975 đến đầu những năm 80 "hát trong ngày vui đoàn tụ" của đất nước, quê hương, văn học Bình Trị Thiên đã đoàn kết tập hợp lực lượng từ nhiều nguồn, phát huy truyền thống của văn học hai cuộc kháng chiến và đã thu được những thành quả bước đầu. Đại hội văn nghệ toàn tỉnh lần thứ II, giải thưởng văn học nghệ thuật Bình Trị Thiên lần thứ I đã ghi nhận điều ấy. Và, từ đó đến nay, trong qui luật vận động chung của văn học cả nước, văn học Bình Trị Thiên ngày càng đứng trước những yêu cầu mới do cuộc sống bề bộn và phức tạp đặt ra. Lực lượng sáng tác văn học tỉnh nhà mà nòng cốt là Chi hội nhà văn Việt Nam đã có những cố gắng mới đáng ghi nhận. Phong trào sáng tác và sinh hoạt văn học vẫn được duy trì khá sôi nổi ở thành phố Huế và một số huyện thị như Đồng Hới, Bến Hải, Đông Hà... số lượng tác phẩm bao gồm nhiều thể loại gia tăng hơn hẳn các giai đoạn trước, chỉ làm phép thống kê sơ bộ, 5 năm gần đây, chúng ta đã có hơn 50 đầu sách được các nhà xuất bản ở Trung ương và địa phương ấn hành (trong đó có khoảng 35 tập văn xuôi, 15 tập thơ).. Ngoài ra còn có hàng trăm bài thơ, truyện ngắn, ký, trích tiểu thuyết... được giới thiệu trên tạp chí Sông Hương, trên các sách báo của Trung ương và nhiều địa phương khác.

Từ trong phong trào, bên cạnh lớp nhà văn nhà thơ xuất hiện và trưởng thành trong hai cuộc kháng chiến, đã hình thành một lớp người viết trẻ đầy triển vọng. Họ có thể là những người đã từng làm quen với bạn đọc ở giai đoạn trước đến nay sáng tác mới được góp lại in riêng thành tập. Cũng có người còn rất trẻ vừa mới được giới thiệu qua những trang viết đầu tay. Mỗi người một vẻ nhưng hình như họ đều có chung một đặc điểm đáng quí, đó là đầy tự tin, không muốn và cũng không chịu đi theo một lối mòn nào. Nên chăng, có thể coi việc xuất bản các tập sách của Trần Thùy Mai, Ngô Minh, Thái Ngọc San, Vĩnh Nguyên, Nguyễn Quang Lập, Hải Kỳ, Lý Hoài Xuân, Nguyễn Quang Vinh... và của nhóm sáng tác Câu lạc bộ Thành Đoàn Huế, là một nét nổi bật đáng vui mừng trong đời sống văn học tỉnh ta thời gian qua.

Mặt khác, nếu có dịp đọc kỹ các tác phẩm đã xuất bản, dự những cuộc sinh hoạt văn nghệ hoặc theo dõi đều đặn tạp chí Sông Hương, chúng ta cũng có thể thấy được những dấu hiệu chuyển biến khá rõ về chất lượng sáng tác của từng thể loại, của một số tác giả và của phong trào. Từ cảm hứng sử thi, bước vào những năm tám mươi, nhất là mấy năm gần đây văn xuôi Bình Trị Thiên đã bắt đầu dấy lên cảm hứng về sự thật. Các nhà văn quen thuộc ở những mức độ khác nhau đều có những đổi mới trong cách nhìn, cách nghĩ, cách tiếp cận với đời sống. Tiểu thuyết "Ngoại ô" của Tô Nhuận Vỹ, "Miền xa kêu gọi", "Những cánh cửa đã mở"... của Nguyễn Khắc Phê, tập truyện ngắn "Là bóng hay là hình" của Hà Khánh Linh, nhiều bài ký của Nguyễn Quang Hà... đều đã mở rộng và chiếm lĩnh thêm những bình diện mới của hiện thực. Trong các tác phẩm ấy, cuộc sống không còn diễn ra một chiều theo kiểu "ở hiền gặp lành", "ta thắng địch thua" như trước, mà đã gay cấn hơn, nhiều vẻ hơn. Qua bức tranh của một xóm nhỏ - chân đồi ở vùng "Ngoại ô" ít nhất cũng giúp cho người đọc cảm nhận được những vấn đề khó khăn phức tạp đặt ra với một thành phố sau ngày giải phóng. Ở đó mỗi số phận, mỗi cuộc đời nhân vật có khi còn bỡ ngỡ trước niềm vui chưa đủ sức vượt qua nỗi đau giằng xé của bóng hình quá khứ, lại gặp những điều bất hạnh khác khi cuộc sống còn không ít hiện tượng tiêu cực và đầy rẫy những khó khăn. Cũng nhạy cảm với thực tế ấy, có tác giả đã sớm đặt ra vấn đề "tác dụng tích cực của cái tiêu cực trong tác phẩm văn nghệ", mạnh dạn phê phán với chiều sâu lý giải những sai lầm trong tổ chức, chỉ đạo và thực hiện do những căn bệnh dốt nát, quan liêu, cửa quyền của một số kẻ có chức, có quyền; thức tỉnh sự quan tâm đến tài năng, trí tuệ và phẩm giá con người trong xã hội chúng ta. Xu hướng nhìn thẳng vào sự thật (cả những sự thật đau lòng như một vùng quê cách mạng bị bỏ rơi trong bài ký "Luận chứng của một tâm hồn đa cảm" của Nguyễn Quang Hà), tường trần sự việc như nó vốn có qua một số truyện ngắn, bút ký... trên tạp chí Sông Hương đã thu hút được sự chú ý của bạn đọc. Ngay cả những tác phẩm trong dòng sử thi, thiên hướng về phía ngợi ca, khẳng định cái đẹp như một giá trị sâu thẳm của hiện thực - tập bút ký "Ai đã đặt tên cho dòng sông" của Hoàng Phủ Ngọc Tường, thì chất trữ tình trầm tư của nó cũng góp phần tạo nên chất đề kháng, níu kéo con người trước cuộc sống còn rất đỗi ngổn ngang như hiện nay.

Tuy chuyển động chưa kịp thời bằng văn xuôi song vẫn có thể thấy được các nhà thơ Bình Trị Thiên đã cố gắng không ngừng tìm tòi, trăn trở với mong muốn đổi mới tư duy thơ. Các tập thơ "Quãng cách lặng im" của Xuân Hoàng, "Ngôi nhà có ngọn lửa ấm" của Nguyễn Khoa Điềm, "Bài thơ không năm tháng" của Lâm Thị Mỹ Dạ, "Gửi những ngọn sóng" của Hoàng Vũ Thuật... vừa xuất bản mấy năm gần đây, ở những mức độ khác nhau đều hướng nội hơn, sâu lắng và phức điệu hơn, gợi cho bạn đọc nhiều xúc cảm, suy tư về cuộc đời và nhân tình thế thái. Tập thơ của Hải Bằng sắp ra mắt bạn đọc, nhiều bài thơ của Lê Thị Mây sau "Những mùa trăng mong chờ" cũng trong xu hướng chuyển mình ấy.

Điều đáng ghi nhận trong thành tựu của văn học Bình Trị Thiên 5 năm gần đây không chỉ thể hiện qua những cố gắng mới của lực lượng sáng tác chuyên nghiệp mà đặc biệt có sự đóng góp tích cực của nhiều cây bút trẻ. Như trên đã nói, lớp trẻ bây giờ vừa học tập kế thừa người đi trước, vừa không muốn và không chịu đi theo một lối mòn nào; họ đầy tự tin nên tác phẩm đầu tay của họ sớm có được bản sắc. Dư luận bạn đọc trong tỉnh và cả trong nước chú ý nhiều đến hai tập truyện ngắn "Bài thơ về biển khơi"(1) của Trần Thùy Mai và "Một giờ trước lúc rạng sáng"(2) của Nguyễn Quang Lập. Một người với lối hành văn trong sáng, chuẩn mực mà không kém phần duyên dáng hướng truyện ngắn của mình vào những việc tưởng chừng như rất nhỏ trong đời sống hàng ngày nhằm thức tỉnh người đọc suy ngẫm về xã hội, về lối sống và những hành vi đạo đức cần phải có. Một người với cách viết dữ dằn khai thác đề tài chiến tranh từ những chuyện còn sót lại, những dư vang của nó. Ở những truyện ngắn thành công của Nguyễn Quang Lập, người có cảm tưởng là hình như không có chuyện gì thật xác thực, thật rõ ràng nhưng lại có sức khêu gợi và ám ảnh sâu xa bởi cuộc đời và số phận của từng nhân vật.

Thơ của lực lượng trẻ cũng có được nhiều giọng khác nhau. Ngô Minh có cái nhìn vừa trẻ trung đầy đam mê vừa từng trải khi phát hiện những phía nắng lên của cuộc đời với những vần thơ da diết về quê hương, bè bạn. Thái Ngọc San có cách nói lúc thì cô đúc như khẩu hiệu, lúc thì muốn đập vỡ ra như để xem trong đó có thêm gì qua những trang thơ, trang văn giàu "khát vọng"(3). Hải Kỳ với nét bút nhiều khi tưởng như bất ngờ nhưng tài hoa và quấn quýt tình cảm theo "Ngọn gió đi tìm" kỷ niệm. Lý Hoài Xuân đằm thắm dân giã mà không ít mộng mơ với "Những đám mây mùa hạ"... Đó là chưa kể đến những người làm thơ đã có bản sắc và độ dày nhưng chưa được in thành tập như Vĩnh Nguyên, Trần Vàng Sao, Hồng Thế, Phạm Tấn Hầu...

Hòa trong phong trào sáng tác được duy trì và không ngừng phát triển ấy một số tác giả hình như muốn "trẻ hóa" sức viết của mình qua việc thử sức ở những thể loại mới. Lê Thị Mây - nhà thơ vừa có tập truyện ngắn "Trăng trên cát", Vĩnh Nguyên chưa được in thơ thành tập đã chịu khó lăn lộn để có tập truyện ký "Theo thuyền đi đánh cá mập". Lâm Thị Mỹ Dạ cùng Văn Lợi viết truyện "Phần thưởng muôn đời" cho thiếu nhi. Riêng Văn Lợi còn có thêm nhiều truyện ngụ ngôn vừa thông minh hóm hỉnh vừa đả kích thâm thúy vào những thói hư tật xấu trong xã hội một cách hưởng ứng "những việc cần làm ngay". Trong hoàn cảnh đời sống còn muôn vàn khó khăn, việc vật lộn để có được từng trang viết lại càng không phải dễ dàng; tất cả những biểu hiện ấy đều rất đáng trân trọng và khích lệ.

Tuy nhiên, với tinh thần của Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, trước yêu cầu lớn lao của công cuộc đổi mới, đã đến lúc văn học không chỉ tìm hiểu, khám phá, nhận thức và cải tạo đời sống mà còn phải tự nhận thức và đổi mới chính bản thân mình. Từ tình hình thực tiễn sáng tác của một vùng đất vốn có chiều dày lịch sử và văn hóa, chúng ta cần nhận rõ hơn những việc chưa làm được, những vần đề cần đặt ra để tháo gỡ nhằm góp phần thúc đẩy văn học cả nước phát triển mạnh mẽ hơn nữa.

Xưa nay, một qui luật khắt khe của sáng tác văn học là vừa tôn trọng sự phong phú, đa dạng vừa "quí hồ tinh bất quí hồ đa"...Nhìn lại văn học trên địa bàn tỉnh ta những năm vừa qua, chúng ta đã có một số lượng tác phẩm và trang viết quá nhiều, nhưng lại có một sự thật là những trang viết hay, những tác phẩm được dư luận chú ý (chưa nói để lại ấn tượng lâu bền trong người đọc) vẫn còn quá ít. Tình trạng mất cân đối nghiêm trọng giữa số lượng và chất lượng sáng tác có thể do nhiều nguyên nhân. Thói quen chỉ đạo theo quan niệm đơn giản - "Văn học phục vụ chính trị" của một thời cũng khiến cho nhiều tác phẩm chỉ chạy theo vụ việc, phong trào, sau đó lại rơi vào quên lãng - Cũng có thể do vốn sống, trình độ và tài năng của người cầm bút nhưng chắc chắn còn có một nguyên nhân nữa là nhiều nhà văn, nhà thơ và bạn viết của chúng ta chưa có đủ thời gian và điều kiện để đầu tư cho những tác phẩm dài hơi. Trong cuộc sống chung đầy khó khăn của người lương thiện, người viết văn còn có thêm những cái khổ, cái sợ riêng; thế là đành phải "lấy ngắn nuôi dài" viết theo đơn đặt hàng, "viết theo kiểu tùy thời" để kiếm sống. Rồi cái khó vẫn cứ trì trệ, triền miên, có khi những chuyện tâm huyết đành gửi vào "nung nấu". Lãnh đạo và tổ chức có quan tâm thì cũng "năm thì mười họa" theo chủ nghĩa bình quân. Có nhà văn còn lên tiếng báo động về việc hành chính sự vụ chiếm hết thì giờ dành cho lao động nghệ thuật. Muốn góp phần khắc phục tình trạng trên đây, đã đến lúc cần phải có chương trình kế hoạch xây dựng quỹ sáng tác, tập trung tạo điều kiện, đầu tư thích đáng cho những tác giả thực sự có tài, có đề cương tác phẩm xứng đáng với chiều rộng và chiều sâu của cuộc sống quê hương đang đòi hỏi.

Về chất lượng sáng tác, như trên đã nhận xét, chúng ta đã có thể thấy được những dấu hiệu về sự đổi mới cách nhìn, cách tiếp cận của nhà văn với đời sống. Nhưng, còn không ít những tác phẩm chỉ mới dừng lại ở bề mặt, ở một vài sự việc, hiện tượng - Một điều rất rõ là người viết chưa có điều kiện hoặc chưa đủ can đảm để đi đến tận cùng của hiện thực. Quê hương Bình Trị Thiên, một bức tranh thu nhỏ của hiện thực - đất nước sau ngày thống nhất, với biết bao vấn đề sôi động gay gắt đặt ra. Những truyền thống và những chiến công, những khát vọng và nỗi đau của quần chúng nhân dân trong tỉnh và ngay ở thành phố Huế vẫn chưa có tác phẩm nào nói lên một cách thật xúc động. Suy cho cùng thì nhân vật chính trong bất kỳ tác phẩm văn học nào cũng là nhà văn bởi vì những con người và sự việc khác vào trong tác phẩm đều được lọc qua tâm hồn người viết. Thế mà, trong nhiều tác phẩm nhà văn, nhà thơ vẫn chưa mạnh dạn nói thật hết ý nghĩ và rung động của mình. Do đó, hình tượng nhân dân ở một miền quê trong tác phẩm chưa được khắc họa sâu đậm, nếu không nói là còn mờ nhạt.

Tình hình này có thể thấy được ở các tác phẩm văn xuôi. Khi phê phán một vài hiện tượng tiêu cực (nào đã mùi mẽ gì đâu so với đời sống thực tế) nhưng người viết nếu nói nặng chỗ này thì phải nói khéo lại chỗ khác, cuối cùng chọn cách kết luận theo kiểu "gọt chân cho vừa giày". Ngay cả những tác phẩm được bạn đọc chú ý, nhà văn tưởng như đã nói thẳng vào tên người, tên việc, nhìn thẳng vào những vấn đề xã hội, nhưng rồi đọc kỹ vẫn có thể thấy được đâu là nơi con người viết phải "lách" để né tránh. Cuộc sống thì vẫn trong dòng chảy với bao rác rưởi, bọt bèo. Đọc tác phẩm đến cuối bao giờ cũng sống trong biển lặng nên người ta dễ thấy chán vì không thực.

Nhìn vào thơ Bình Trị Thiên chúng ta vừa gặp những chỗ mạnh chỗ yếu riêng, vừa gặp tình hình chung của thơ cả nước mấy năm trước đây. Đọc trên các sách báo, tạp chí, dự các đêm thơ ở Huế vui mừng thấy người làm thơ và thơ rất nhiều nhưng thơ hay thì vẫn hiếm. Hình như xu hướng thị thành hóa và làm dáng trong thơ hơi nhiều nên thơ vẫn chưa áp sát được đời sống và có ít bạn đọc hơn văn xuôi. Nhiều bài thơ chỉ dừng ở mức cảm xúc đèm đẹp chung chung lặp lại những hình ảnh, tứ thơ đã mòn cũ(4). Không ít những bài khác chỉ mới là ý tưởng chưa được tắm gội trong cảm xúc của hồn thơ nên cũng thiếu đi vẻ đẹp đích thực của con người và thơ ca một vùng đất - Nhìn chung thơ của chúng ta còn chưa đủ sức lắng sâu vào niềm vui, nỗi buồn của mọi người. Giữa lúc cuộc đời hàng ngày còn bao chuyện buồn lo, người ta còn phải "lấy máu mà tin", lấy "lẽ phải để đo điều được mất"(5) mà cảm xúc trong thơ chúng ta nhiều khi lại có phần dễ dãi quá. Trước hoàn cảnh thực tế xã hội hiện nay, thiếu đi sức nặng của "nỗi đau nhân tình" thơ sẽ trở nên xa lạ với người đọc.

Do vậy, trước yêu cầu của cuộc vận động công khai hóa, dân chủ hóa đang diễn ra hiện nay, những người cầm bút khi đã được "cởi trói", lại càng cần phải có bản lĩnh hơn nữa để đối diện với hiện thực. Chỉ có tìm hiểu, khám phá đến tận chiều sâu những vấn đề của con người ở một vùng đất, văn học tỉnh ta mới mang được bản sắc riêng, mới vươn được đến tầm văn học cả nước, mới thoát ra khỏi tình trạng văn học tỉnh lẽ như chúng ta vẫn hằng mong muốn. Tất nhiên, muốn được vậy cần có thêm nhiều những điều kiện khác nữa. Những thông tin đầy đủ và kịp thời, hàng loạt vấn đề lý luận về mối quan hệ giữa chính trị và văn học, về tự do sáng tác, và cả cái nhìn thoáng rộng từ Trung ương thấu suốt đến tận cơ sở... là những hỗ trợ đắc lực cho nhà văn sáng tạo.

Cuối cùng, khi nhìn lại tình hình văn học Bình Trị Thiên những năm qua, chúng tôi muốn nêu một vài suy nghĩ về việc quan tâm xây dựng đội ngũ những người sáng tác.

Lâu nay trong công việc này chúng ta đã có ưu điểm lớn, đoàn kết tập hợp được đông đảo lực lượng, đồng thời chúng ta lại vấp phải thiếu sót vừa gây ảo tưởng, vừa bỏ rơi.

Gây ảo tưởng nên việc xét chọn kết nạp vào hội viên nhiều khi quá dễ dàng. Tình trạng ấy dễ gây nên sự ngộ nhận. Đến nỗi có người đã nhầm tưởng một chút năng khiếu buổi đầu với tài năng thực sự, thậm chí có người còn vội "đóng vai nhà văn" mà không chuyên tâm rèn luyện, phung phí sức lực vào những việc vô ích, xa lạ, với cách sống mọi người mà cứ cho mình là "nghệ sĩ".

Một số ít người như thế đã không khỏi làm ảnh hưởng đến cách nhìn của nhiều người tốt đối với anh em văn nghệ. Mặt khác, chúng ta lại bỏ rơi chưa quan tâm thường xuyên đến anh chị em hội viên. Tổ chức Hội mấy năm qua còn nặng tính chất hành chính, quan liêu chưa thực sự là một hội nghề nghiệp. Hội viên phân hội văn học có đến hơn một trăm người "Xuân thu nhị kỳ" cũng chẳng mấy khi gặp gỡ. Một ít hoạt động văn nghệ chỉ mới hạn hẹp ở thành phố Huế và một vài thị xã thị trấn. Và ngay cả những nơi có điều kiện ấy, Hội vẫn chưa thực sự giúp đỡ người viết nâng cao tầm nhận thức, tầm văn hóa, chuẩn bị hành trang cho họ đi đường dài. Vì vậy, nhìn lại đội ngũ chúng ta có thể thấy số lượng đông nhưng người có sức bền thực sự không nhiều, qua sàng lọc của thời gian nhiều người đã rơi rụng; hiện tượng xuống sức, dẫm chân tại chỗ sẽ dễ dàng tạo ra những tác phẩm nhàm chán. Trước yêu cầu tạo nên nên một chuyển biến mạnh mẽ đáp ứng đòi hỏi của công cuộc đổi mới, đã đến lúc chúng ta cần nhìn thẳng vào tình hình, sàng lọc sắp xếp lại đội ngũ, thực sự quan tâm hơn nữa đến những người sáng tác, nghiên cứu, lý luận phê bình, tạo nên một sự gắn bó mật thiết giữa văn học và công chúng độc giả. Làm sao để chính từ những hoạt động ấy, đời sống văn học của tỉnh ta sẽ ngày càng khởi sắc, đội ngũ những người viết sẽ có thêm những sáng tác mới, góp phần tích cực nhất vào sự nghiệp đổi mới cuộc sống đã và đang diễn ra sôi động hiện nay.

Huế 3-1988
P.N.T
(SH31/06-88)


---------------------
(1) Nhà xuất bản Thuận Hóa - 1983
(2) Nhà xuất bản Thuận Hóa - 1987
(3) Tên các tập thơ của Ngô Minh, Thái Ngọc San, Hải Kỳ, Lý Hoài Xuân.
(4) Chúng tôi sẽ có bài viết với những thống kê cụ thể nhân Đọc thơ trên "Sông Hương"
(5) Ý thơ Nguyễn Khoa Điềm







 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Đường về quê (06/09/2014)
Mimosa đang ngủ (04/09/2014)
Với Thạch Lam (06/08/2014)