Tạp chí Sông Hương - Số 31 (T.5&6-1988)
Mấy nghi vấn nhân đọc văn chương Nguyễn Trãi của Bùi Văn Nguyên
10:25 | 07/11/2014

VŨ THỊ THƯỜNG

Gần đây, nhân công việc tìm nhặt tư liệu xung quanh vụ án Lệ Chi viên để viết một cái gì đó bằng văn xuôi, tôi có đọc một số sách viết về Nguyễn Trãi. Trong số sách tôi đã đọc ấy, có hai cuốn: Văn chương Nguyễn Trãi Chủ nghĩa yêu nước trong văn học thời khởi nghĩa Lam Sơn của tác giả Bùi Văn Nguyên.

Mấy nghi vấn nhân đọc văn chương Nguyễn Trãi của Bùi Văn Nguyên
Ảnh: internet

Tôi xin tự nhận, đối với sử học, tôi chỉ là kẻ ngoại đạo, nên mỗi khi có dịp đọc một tác phẩm nghiên cứu lịch sử của bất cứ tác giả nào, tôi đều mang niềm quý trọng và tin cậy.

Đối với hai cuốn kể trên, tôi cũng đọc với một tâm trạng kính tin như vậy, và trước hết, tôi phải khẳng định cả hai cuốn đều được soạn thảo một cách công phu và quá chu đáo, như để tìm hiểu kỹ về phổ hệ gia đình Nguyễn Trãi, hay để xác định Nguyễn Trãi đi theo Lê Lợi vào khoảng thời gian nào, Nguyễn Trãi dự hội thế nào, v.v... ông Nguyên đã "có công đi thầm tra hàng mấy chục địa điểm có di tích về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn từ Lai châu, qua Cao Bằng, Lạng Sơn... cho đến tận Nghệ Tĩnh, Bình Trị Thiên, tôi - ông Nguyên viết (CHỦ NGHĨA YÊU NƯỚC TRONG VĂN HỌC THỜI KHỞI NGHĨA LAM SƠN trang 405 - 406) cũng đã có công tìm hiểu trong hầu hết các thư viện lớn cả nước trong các chi họ các bậc công thần thời bấy giờ... nhất là các chi họ về Nguyễn Trãi". Cuối tập "VĂN CHƯƠNG NGUYỄN TRÃI", ông Nguyên đã lập cả một phổ hệ gia đình Nguyễn Trãi cho người đọc và các nhà nghiên cứu hiểu được một cách rõ ràng và có hệ thống. Cũng với phương pháp làm việc công phu như thế, ông Nguyên lập hẳn 5 danh mục về các loại văn kiện của Nguyễn Trãi.

Nhưng ngoài những ưu điểm kể trên, riêng về tập VĂN CHƯƠNG NGUYỄN TRÃI cũng lại gợi cho tôi một số nghi vấn. Thí dụ như:

1. Về vụ án Lệ Chi viên, ông Nguyên viết:

"Cuối cùng bọn gian thần phía bà phi Nguyễn Thị Anh âm mưu giết hại Lê Thái Tông, Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ, để giành ngôi vua cho Bang Cơ (tức Lê Nhân Tông) khỏi rơi vào tay của Tư Thành (tức sau là Lê Thánh Tông), người được Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ ủng hộ (tôi gạch dưới - VTT).

Đó chính là nguyên nhân sâu xa của vụ án Lệ Chi viên, nơi mà Lê Thái Tông mất một cách đột ngột, trên đường đi thăm Nguyễn Trãi từ Côn Sơn về, có Nguyễn Thị Lộ bên cạnh"... (VĂN CHƯƠNG NGUYỄN TRÃI, trang 101).

Trước hết, tôi xin chép lại mấy ngày tháng sau đây có ghi trong ĐẠI VIỆT SỬ KÝ TOÀN THƯ (tập 3, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, năm 1968):

- Tháng 11, ngày 16 năm Tân Dậu (1441) lập hoàng tử Bang Cơ làm hoàng thái tử (trang 130).

- Mùa thu, tháng 7, ngày 20, năm Nhâm Tuất (1442) Hoàng tử Tư Thành sinh (trang 130).

- Tháng 8, ngày 4, năm Nhâm Tuất (1442) vua Lê Thái Tông về đến vườn Lệ Chi, huyện Gia Định, bỗng bị bệnh ác rồi băng (trang 131).

Căn cứ vào 3 ngày kể trên, chúng ta thấy: hoàng tử Tư Thành được sinh ra 8 tháng sau ngày lập Bang Cơ lên làm hoàng tử và trước ngày vua Lê Thái Tông băng có 14 ngày. Ta thử đặt câu hỏi: Tư Thành chỉ là con thứ tư, lại là con của một bà mới được dự vào hàng Tiệp dư, xét mọi thế và lực hai mẹ con bà này đều thua xa mẹ con Bang Cơ, hỏi có cái gì đe dọa ghê gớm đến nỗi chỉ 14 ngày sau khi Tư Thành ra đời, phe nhóm bà phi Nguyễn Thị Anh đã phải vội vã giết vua và vợ chồng Nguyễn Trãi. Việc giết vua là một việc đại thoán nghịch, huống nữa Lê Thái Tông lại là bậc "vua giỏi thủ thành" (trang 79 - sách đã dẫn), đâu phải là ông vua đớn hèn ai muốn giết lúc nào thì giết. Hơn nữa, bà phi Nguyễn Thị Anh đang được vua sủng ái, con mình là Bang Cơ đã được lập Hoàng thái tử, ngôi vua kế vị đã cầm chắc trong tay, lẽ nào vì nỗi lo xa, lại đi cùng phe nhóm mưu sự giết chồng mình là vua và cũng là chỗ dựa vững chắc nhất của mình bao giờ? Hay bảo vì Hoàng tử Tư Thành có hai cái ô che là Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ là thế lực đáng gờm, đe dọa phe cánh phía bà phi Nguyễn Thị Anh? Vào thời gian ấy, vai trò của Nguyễn Trãi ở triều đình là như thế nào? Chính ông Nguyên đã cho chúng ta biết: "... Năm 1429, Tả tướng quốc Trần Nguyên Hãn, người bà con với Nguyễn Trãi, bị bức tử và đến năm 1430, thái úy Phạm Văn Xảo, người đồng hương với Nguyễn Trãi, bị giết và tịch thu gia sản, thì Nguyễn Trãi bị hạ ngục ít lâu...

... Có một khoảng thời gian Nguyễn Trãi bị cách chức, nên không tham gia soạn thảo các văn kiện chính trị và ngoại giao nữa, khoảng từ năm 1429, 1430 và sau đó một, vài năm cho đến cuối năm 1433 ông được gọi ra viết văn bia Vĩnh Lăng. Lúc đó ông đã mất quốc tính, mất tước quan phục hầu, mất chức thừa chỉ, chỉ còn cái tước phong vĩnh lộc đại phu, tương đương tứ phẩm và các chức chung chung nhập hội hành khiển, phụ trách công việc Tam quán tức công tác văn hóa... Nguyễn Trãi làm việc cho đến cuối năm 1437 hoặc đầu năm 1438 thì xin về nghỉ ở Côn Sơn với chức đề cử chùa Tư Phúc (tức chùa Hun) do bất đồng ý kiến với nhóm quyền thần bấy giờ như Nguyễn Thúc Huệ, Lê Cảnh Xước, Lương Đăng, Tạ Thanh..." (VĂN CHƯƠNG NGUYỄN TRÃI, trang 153 - 154).

Như vậy Nguyễn Trãi đâu còn đóng một vai trò gì quan trọng ở triều đình. Nguyễn Thị Lộ dù được vua yêu dùng, thì cũng chỉ là lễ nghi học sĩ, dạy cung nhân trong cung cấm, cả hai vợ chồng ông cộng lại cũng không đủ quyền uy để tranh chấp chuyện tôn phù ai lên, hạ bệ ai xuống, để phe bên kia phải đối phó lại bằng một việc tày trời là giết vua.

Nỗi oan lớn của Nguyễn Trãi, 22 năm sau ngày ông bị hành hình cùng với ba họ, vua Lê Thánh Tôn đã giải oan cho ông, truy tặng ông tước Tác trù bá, và cho Anh Vũ là con ông, làm huyện chức. Trong thời đại ta bây giờ, nhìn lại chuyện xưa, chúng ta càng thấy rõ, nhân việc vua Lê Thái Tông ham chơi, hoang dâm vô độ, mới dẫn đến cái chết đột ngột ở Lệ Chi viên. Cái rủi lớn cho Nguyễn Trãi là vào thời điểm vua băng ấy, lại có Nguyễn Thị Lộ hầu cạnh bên, đó là cái cớ, để phe quyền thần - những kẻ xấu xưa nay ganh ghét tài năng Nguyễn Trãi - vin vào đó giết vợ chồng ông, giết luôn cả ba họ của ông.

Suy luận như vậy, tôi nghĩ là vừa mức và mọi người có thể chấp nhận được. Suy luận quá đi nữa là không nên.

2 - Thông thường nghĩ về Nguyễn Trãi, chúng ta thường cho vụ án Lệ Chi viên là thảm kịch nhưng chỉ là cái kết thúc cả cuộc đời dài đầy bi kịch của Nguyễn Trãi. Cái bi kịch lớn nhất của ông (đó cũng là bi kịch muôn đời đối với những thiên tài trong trời đất) là tài năng của ông chỉ được tung hoành trong mấy năm cuối của thời kỳ Lam Sơn khởi nghĩa, còn về sau gần như bị bỏ xó, hoặc có dùng cũng lại dùng không đúng chỗ. Có thể ông Bùi Văn Nguyên không cảm nhận thấy điều đó như chúng ta, hoặc là do quá nhấn mạnh về cái tài kinh bang tế thế của Nguyễn Trãi, nên ông Nguyên đã gán cho Nguyễn Trãi những việc mà Nguyễn Trãi không được làm. Ông Nguyên viết:

... "Ông (Nguyễn Trãi) vẫn đưa tâm huyết lo xây dựng nền nếp cho quốc gia.. (VĂN CHƯƠNG NGUYỄN TRÃI), trang 260...)

... Nguyễn Trãi nhất mực không từ bỏ hoài bão to lớn của mình, ý chừng muốn kín đáo bồi dưỡng Thái Tông thành một vua sáng của thời đại bấy giờ. (VĂN CHƯƠNG NGUYỄN TRÃI - trang 261)

Lê Thái Tông là người như thế nào? Trong ĐẠI VIỆT SỬ KÍ TOÀN THƯ (tập 3 - Nhà xuất bản Khoa học xã hội, năm 1968) có ghi:

... "Vua thiên tư thông minh trí tuệ… bên trong ức chế quyền thần, bên ngoài dẹp nước di địch... (tôi gạch dưới - VTT)... Cũng là bậc vua giỏi thủ thành. Song, ham mê tửu sắc đến nỗi thình lình băng ở ngoài, là tự mình làm vậy...

... Năm thứ 6, tháng 9 ngày mồng 8 lên ngôi... Bấy giờ vua mới 11 tuổi, không cần mẫu hậu che rèm nghe việc, mà công việc trong nước đều tự mình làm cả... (tôi gạch dưới - VTT (trang 80)).

Tháng 6 Đinh Tỵ (1437). Bấy giờ vua đã lớn tuổi (14 tuổi - VTT), xét đoán đã rõ, thấy Lê Sát tham quyền cố vị, vua cùng những người hầu cận bàn mưu, cho rằng Lê Ê, Lê Hiếu là người thân thích của Sát, mà Trịnh Khả thì có hiềm khích với Sát từ trước, bàn cho bọn Ê ra ngoài, đem cấm binh trao cho Khả... Và bãi chức tước của đại tư đồ Lê Sát... mặc dù từ trước đến nay Lê Sát rất được vua tin dùng. (Lược trích trang 117 - 118).

... Phế Nguyên Phi là Ngọc Dao, con gái của Lê Sát, làm thứ nhân (trang 119).

... Cho Lê Sát được tự tử ở nhà. Vợ con và điền sản đều tịch thu sung vào nhà nước...

Giao phong cho Lê Ngân đủ thứ, đó cũng là thủ đoạn chính trị đi song hành với việc diệt trừ Lê Sát.

... Lấy Chiêu nghi Lê Nhật Lệ, con gái của đô đốc Lê Ngân làm Huệ phi (trang 119)..."

Nhưng chỉ năm tháng sau, tháng 11 năm Đinh Tỵ (1437), ông vua con ấy lại quay ra diệt luôn Lê Ngân, không để ông này kịp chuyên quyền với một cái cớ hết sức không đâu:

... "Có người cáo giác đại đô đốc Lê Ngân thờ Phật Quan Âm ở nhà để cầu cho con gái là thứ phi được vua yêu... (trang 125).

... Giáng thứ phi Nhật Lệ, con gái của Lê Ngân làm tu dung (trang 126)...

Về tài năng: 16 tuổi, vua đã thân đi đánh dẹp các châu Phục lễ (1439), đánh kẻ làm phản là Hà Tông Lai (1440), đánh thổ quan phản nghịch Nghiễm (1441) để thu phục lại đất đai, của cải.

Còn quan hệ giữa Lê Thái Tông với Nguyễn Trãi, trong ĐẠI VIỆT SỬ KÝ TOÀN THƯ cũng có ghi một số đoạn như sau:

Đầu tiên là việc vua từ chối việc học:

... "Vua hàng ngày cùng với bọn hầu cận chơi đùa ở trong cung... (trang 104)...

Thôi, có thể bỏ qua việc này không chấp, bởi khi đó vua mới có 12 tuổi, còn ham chơi, chán học. Nhưng 2 năm sau, danh phận Nguyễn Trãi lại càng chua chát hơn:

"... Đinh Tỵ năm thứ tư (1437), mùa xuân, tháng giêng... Sai hành khiển Nguyễn Trãi cùng với Lễ bộ ty giám là Lương Đăng đốc làm loan giá, nhạc khí, dạy tập nhạc và múa (trang 112)..."

Ngoài một lần được vua khen nhận:

"... Hành khiển Nguyễn Trãi dâng biểu về khánh đá và tâu rằng: "Hòa bình là gốc của nhạc, thanh âm là văn của nhạc... Xin bệ hạ yêu nuôi nhân dân, để cho các nơi làng mạc không có tiếng oán giận than sầu, đó là không mất cỗi gốc của nhạc vậy". Vua khen nhận. Sai thợ đá ở huyện Giáp Sơn lấy đá ở núi Kính Chủ để làm (trang 113)...

Nhưng rồi con dao mổ trâu đem ra mổ gà cũng không xong: 4 tháng sau, Nguyễn Trãi tâu:

"Mới rồi bọn thần cùng với Lương Đăng sửa định nhã nhạc, nhưng sở kiến của thần không giống sở kiến của Lương Đăng, thần xin trả lại mệnh ấy"... Đại khái quy chế do Đăng và do Trãi định nhiều chỗ không hợp nhau, lời bàn về nhạc khí lớn nhỏ nặng nhẹ nhiều điều khác nhau, mà tâu cũng không giống nhau, vì thế mà Trãi từ việc... "Vua nghe lời nghị của Đăng rồi làm theo (trang 115-116)..."

Chỉ đọc những đoạn kể trên, tôi thật không thể hiểu Nguyễn Trãi lúc bấy giờ đã phải bất đắc chí lui về ở ẩn, và về với một vị trí rất thấp - đề cử chùa Hun - lại có thể kín đáo bồi dưỡng - gây ảnh hưởng từ xa - đối với một ông vua trẻ song cá tính rất mạnh mẽ, rất chán ghét chế độ phụ chính, vả lại khi Nguyễn Trãi còn ở trong triều, còn gần kề với vua, vua còn không mấy tin dùng nữa là ở xa?

Việc vua Lê Thái Tông được Nguyễn Trãi kín đáo bồi dưỡng từ xa ấy, theo ông Nguyên là ở con đường này:

... "Chính Ngô Thị Ngọc Dao, con gái Ngô Từ, về sau là vợ Lê Thái Tông, đã cùng Nguyễn Thị Lộ, chỉ dẫn cho Lê Thái Tông, người vua trẻ tuổi, để Lê Thái Tông hiểu rõ đức tài của Nguyễn Trãi, tiếp tục dùng Nguyễn Trãi vào sự nghiệp an dân trị nước..." (VĂN CHƯƠNG NGUYỄN TRÃI - trang 95).

Khi đưa ra lập luận này, ông Nguyên cũng lại quên Lê Thái Tông là người thế nào đối với các bà vợ. Cùng với việc trừ bỏ Lê Sát, Lê Ngân, Lê Thái Tông đã phế Nguyễn Thị Ngọc Dao xuống làm thứ nhân, giáng Lê Nhật Lệ xuống làm tu dung và tháng 3 năm Tân Dậu (1441), giáng Dương Thị Bí làm người đàn bà thường... (theo Đại Việt Sử Ký toàn thư quyển 3 trang 129).

Số phận mấy bà vợ chính còn như thế, thì Ngô Thị Ngọc Dao, mãi tháng 6 năm Canh Thân (1440) mới được sách phong là Tiệp dư (trang 129 - sách đã dẫn) cho tới khi Lê Thái Tông băng, bà cũng vẫn không được sách phong gì thêm, như vậy bà này có nghĩa gì với vua mà ông Nguyên lại muốn biến bà thành người "chỉ dẫn cho Lê Thái Tông hiểu rõ đức tài của Nguyễn Trãi"! Còn sau này bà trở thành Quang phục hoàng thái hậu thì lại từ việc Nghi Dân tiến ngôi, vua Lê Nhân Tông bị giết chết, hoàng tử Tư Thành được đình thần đưa lên làm vua, con làm vua, mẹ đương nhiên trở thành hoàng thái hậu, chứ hoàn toàn không vì ân sủng hay di mệnh của Lê Thái Tông gì hết.

3 - Về thư Nguyễn Trãi gửi trách Nguyễn Thị Lộ và thư Nguyễn Thị Lộ trả lời Nguyễn Trãi (trích gia phả họ Nguyễn Nhữ Soạn ở Thanh Hóa), xuất xứ của 2 bức thư kể trên, theo sự giải thích của ông Bùi Văn Nguyên:

... "Những kẻ ít đức và bất tài... đặt điều này nọ cho vợ ông là Nguyễn Thị Lộ bấy giờ làm lễ nghi học sĩ trong cung vua. Chính bọn này ném đá giấu tay, xui bọn nội quan là Tạ Thanh làm việc xấu xa, phao tin vua Thái Tông có tình ý với Thị Lộ. Những chuyện vu vơ, nhảm nhí như vậy nằm trong âm mưu thâm độc của bọn gian thần, nhằm hạ uy tín vợ chồng Nguyễn Trãi, cốt để ly gián Nguyễn Trãi và những bạn bè của ông với nhà vua. Không biết hư thực ra sao, cho nên từ Côn Sơn, ông đã kín đáo gửi cho vợ một bức thư, trong đó có đoạn tỏ lòng thương nhớ và trách móc xa xôi"... VĂN CHƯƠNG NGUYỄN TRÃI, trang 17-18).

Còn thư trả lời của Thị Lộ, ông Nguyên viết: "... Nguyễn Trãi tiếp được thư trả lời của vợ với tâm tình trong trắng, với lời lẽ đường hoàng, mới thấu cho tình cảm của vợ..."

Nói nôm na, Nguyễn Trãi ngờ, viết thư hỏi vợ, nghe đồn cô có chuyện với vua, chuyện ấy có hay không có?

Thư Nguyễn Thị Lộ trả lời, gần suốt bức thư lời lẽ đúng đắn, đường hoàng, nhưng chỉ hai câu này thôi thì có khác gì là lời thú nhận rằng chuyện đồn kia là có thật:

Vốn nhân, vốn kính, ngoài là vua vua, tôi tôi.
Càng mến, càng thân, trong là chồng chồng, vợ vợ.
                                                     (Vân Trình dịch)

Nguyên văn:

Chí nhân, chí kính, ngoại nhi quân quân thần,
Tương ái tương thân, nội nhi phu phu phụ phụ.

(VĂN CHƯƠNG NGUYỄN TRÃI - Trang 383 và 386).

Từ đấy, tôi nghi vấn có thật bức thư trên là của Nguyễn Thị Lộ không? Mà nếu không phải thì bức thư thứ nhất chắc gì đã là của Nguyễn Trãi? Ngày xưa những nhân tài, những bậc khoa hoạn bị thất sủng thường lấy lời cung nữ, phi tần, hay lời vợ nói với chồng để ngầm kêu lên những lời oán trách nhà vua, không phải là ít. Biết đâu hai thư kể trên chả nằm trong trường hợp ấy?

4. Về những huyền thoại và giai thoại xung quanh cuộc đời Nguyễn Trãi, ông Nguyên có bác bỏ 2 bài thơ tuyệt cú đối đáp giữa Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ. Ông Nguyên viết:

... "Những người biên soạn sách giáo khoa của thực dân Pháp như Nóoc-đơ-man trong quyển VIỆT NAM VĂN TUYỂN (CHRESTOMATHIE ANNAMITE) cũng lặp lại huyền thoại về Thị Lộ, trích hai bài thơ tuyệt cú đối đáp giữa Nguyễn Trãi và Thị Lộ, tức hai bài thơ đã tô vẽ thêm, mà chúng ta từng nghe đọc như bấy lâu nay, để người ta tưởng rằng Nguyễn Trãi rất lẳng lơ"...

Ông Nguyên chú thích thêm:

"Chúng tôi đã có dịp đính chính về sự thêm thắt này trong bài Tác giả Nguyễn Trãi trong nhà trường sau Cách mạng tháng Tám".

Riêng tôi thiết nghĩ: Nguyễn Thị Lộ đứng đắn hay lẳng lơ, chúng ta không cần phải nhọc công chứng minh làm gì. Một người đàn bà đẹp, giỏi chữ, thơ hay, làm chức lễ nghi học sĩ, hàng ngày ra vào bên cạnh vua, lại gặp ông vua trẻ ham chơi, hiếu sắc làm sao Thị Lộ chống cự nổi? Không chống cự được, cũng không vì thế mà bắt tội Thị Lộ lẳng lơ. Và cũng không vì Thị Lộ đứng đắn hay lẳng lơ mà chúng ta đánh giá đạo đức tư cách của Nguyễn Trãi cao hay thấp.

Nguyễn Thị Lộ là một cô gái đi bán chiếu rong, Nguyễn Trãi tình cờ gặp, thấy đẹp làm thơ ghẹo, cô đáp. Nguyễn Trãi từ đùa đến yêu thật, lấy cô về làm thiếp, cái lộ trình đi đến tình yêu và hôn phối giữa hai người như thế là thường tình và hợp lý. Nay chỉ vì câu nệ chuyện Thị Lộ và Nguyễn Trãi đứng đắn hay lẳng lơ mà gạt bỏ hai bài thơ Bán chiếu gon vẫn lưu truyền từ mấy trăm năm nay thì thật uổng quá: Nếu ta làm một cuộc trưng cầu ý kiến với 100 nhà thơ, thì tôi tin chắc cả 100 nhà đều ưng thà Nguyễn Trãi lẳng lơ để trong dân gian còn truyền lại được hai bài thơ kia mà còn hơn!

5. Cuối cùng, điều mà tôi đặt nhiều nghi vấn nhất là cái phần phổ hệ gia đình Nguyễn Trãi.

Thoạt mới đọc, tôi hết sức khâm phục, nghĩ tác giả đã có công truy cứu, tìm cho được một phổ hệ hàng mười mấy đời. Nhưng đọc kỹ lại thì tôi ngờ ngợ. Cứ như là dụng ý, tại sao một dòng họ lại quy tụ toàn những danh nhân, danh tướng? Trên từ Nguyễn Thuyên nổi tiếng với bài thơ Nôm Đuổi cá sâu, dưới cho đến Nguyễn Du, Nguyễn Gia Thiều, cả đến Nguyễn Đình Chiểu ở tận trong Nam, quanh quẩn

cũng lại nằm cả trong dòng họ Nguyễn Trãi. Đó là những danh nhân trong văn học. Còn danh tướng, từ Đinh, Lý, Trần, Lê, đời nào cũng có. Người là bạn thân, rồi trở thành công thần của Lý Công Uẩn, người có công, con được đặc ân nuôi chung một vú với con vua Duệ Tôn. Rồi vua, rồi hoàng hậu, cấp bậc tôn quý nào, dòng họ Nguyễn Trãi cũng có hết. Từ Trường Lạc hoàng hậu đời Lê đến Gia Long triều Nguyễn. Thời Cách mạng mình, dòng họ Nguyễn Trãi cũng lại có đồng chí Nguyễn Văn Cừ, nguyên Tổng bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương.

Thế là thế nào? Tôi bèn thử làm một cuộc "tra cứu" nhỏ dựa ngay trên cái phổ hệ mà ông Nguyên đã lập sẵn ấy. Và sau đây là những đáp số giúp cho tôi có thể khẳng định cái phổ hệ đó là ngụy tạo:

Từ đời nọ đến đời kia quá xa:

a) Nguyễn Phụng (đời thứ tư), Tả đô đốc thời Lý Anh Tông, bị bọn Đỗ Anh Vũ giết một lần với tiến sĩ Nguyễn Quốc (VĂN CHƯƠNG NGUYỄN TRÃI, trang 66 và 388). Theo ĐẠI VIỆT SỬ KÝ TOÀN THƯ, quyền thần Đỗ Anh Vũ có hai lần giết các triều thần thuộc phái chống lại y, lần thứ nhất vào năm 1150, giết Vũ Đái cùng đồng bọn mấy mươi người (tập 1, in năm 1983, trang 310). Lần thứ hai, giết Nguyễn Quốc - nhưng chỉ giết một mình ông ta - vào năm 1158 (trang 344). Vậy Phụng bị giết vào năm 1150.

- Nguyễn Nộn (đời thứ 5), con trưởng Nguyễn phụng, chống Trần Thái Tôn (theo Bùi Văn Nguyên). Sử có ghi về nhân vật này như sau: Tháng 2 năm Bính Tuất (1226), Trần Thủ Độ đi đánh Nguyễn Nộn, binh thế của Nộn mạnh, đánh không được, triều đình phải phong cho Nộn làm Hoài Đức vương, chia cho các huyện Đông Ngàn ở Bắc Giang thượng hạ. Tháng 12 năm Mậu Tí (1228), Nguyễn Nộn đánh giết Đoàn Thượng, chiếm giữ lấy quân của Thượng. Con Thượng là Văn đem gia thuộc đến hàng, thanh thế của Nộn lừng lẫy. Thủ Độ lo lắng, chia quân chống giữ và sai sứ đem sắc thư đến mừng, gia phong làm Hoài Đạo Hiếu Vũ vương, đem công chúa Ngoạn Thiềm gả cho để ngầm dò la tin tức... (ĐẠI VIỆT SỬ KÝ TOÀN THƯ, tập 2, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, in năm 1971, trang 6 -9-10).

Nộn là con trưởng Phụng. Vậy dưới Nộn ít nhất còn 1 em. Ta tạm cho em Nộn sinh năm 1150 (năm Phụng chết), và Nộn sinh năm 1149. Năm Nộn chống triều Trần kịch liệt, được phong vương thì Nộn đã (1226 - 1149) 77 tuổi. 2 năm sau, vua Trần phải gả công chúa Ngoạn Thiềm cho Nộn, là năm Nộn 79 tuổi năm sau (1229) Nộn ốm chết. Trước khi chết, Nộn vui chơi không chừng mực. Đã khi ốm nặng, vua sai nội nhân đến hỏi thăm, Nộn cố gượng ăn cơm, phi ngựa để tỏ ra còn khỏe. Một ông già 79, 80 vui chơi không chừng mực, rồi lại ốm sắp chết mà còn gượng phi ngựa được, liệu có khớp không? Do đó, tôi dám chắc Nộn trong lịch sử phải trẻ hơn Nộn của ông Nguyên nhiều. Mà đã trẻ thì làm sao có thể là con của Phụng được?

b) Từ Nguyễn Thế Tứ (đời thứ 6 - cha) đến Nguyễn Nạp Hòa (đời thứ 7 - con), theo phổ hệ của ông Nguyên, Tứ là con trưởng Nộn, dưới Tứ còn 4 trai. Nộn chết năm 1229, giả thiết này là không thể có trong thực tế nhưng ta cứ tạm cho vợ Nộn đẻ năm một, 5 năm liền 5 cậu con trai, thì Tứ muộn nhất cũng chỉ có thể ra đời vào năm 1225, còn Nguyễn Nạp Hòa thì tử trận cùng vua Trần Duệ Tông vào năm 1377 (VĂN CHƯƠNG NGUYỄN TRÃI -trang 389) ta cũng lại tạm cho Hòa tử trận năm ông 50 tuổi (tức ông sinh năm 1377 - 50 = 1327). Tính trừ đầu cộng đuôi cho thu gần lại thì cha cũng phải hơn con (1327 - 1225) 102 tuổi:

Như vậy, rõ ràng Nguyễn Nộn không thể là con Nguyễn Phụng, cũng như Nguyễn Nạp Hòa không thể là con Nguyễn Thế Tứ. Ấy là chưa kể từ Nguyễn Bặc (đời thứ 1) đến Nguyễn Nộn (đời thứ 5) tại sao lại có thể cách đến 1229 - 979 = 251 năm? Lạ thật!

Từ đời nọ đến đời kia quá gần:

Từ đời thứ 7 trở lên cách xa chừng nào thì đời thứ 9 trở xuống lại gần khít lại đến mức phi lý một cách lạ lùng, thí dụ như trường hợp sau đây:

Nguyễn Minh Du (đời thứ 9), theo tác giả Bùi Văn Nguyên cũng "bởi Nguyễn Công Luật - cha Minh Du - có trọng trách bảo vệ cấm thành, nên Minh Du mới có chung nhũ mẫu với Đế Hiện (tức Trần Phế Đế) và mới có tên là Thánh Du, Minh Du có 3 con trai: trưởng là Nguyễn Sùng, thứ là Nguyễn Thư, út là Nguyễn Ứng Long. Nguyễn Sùng, Nguyễn Thư đều là những võ quan thời Trần Phế Đế, sau được Hồ Quý Ly chọn vào làm việc ở Khu mật viện, cùng với Nguyễn Cảnh Chân thời Trần Thuận Tông (1388 - 1397) (VĂN CHƯƠNG NGUYỄN TRÃI, trang 67- 68). Chung nhũ mẫu hẳn phải cùng một tuổi, Phế Đế sinh năm 1361, vậy Minh Du cũng sinh năm 1361, mà Nguyễn Trãi (cháu nội Minh Du) thì sinh năm 1380. Không lẽ ông chỉ hơn cháu có 19 tuổi? Và trong khoảng cách chỉ có 19 năm ấy, tôi không hiểu Minh Du sinh Nguyễn Sùng, Nguyễn Thư, rồi năm nào sinh Nguyễn Ứng Long để Ứng Long sinh Nguyễn Tác, rồi mới đến Nguyễn Trãi cho kịp vào năm 1380?

Căn cứ như trên, ta thấy dứt khoát Minh Du không thể là ông nội Nguyễn Trãi, cũng như không thể là bố Nguyễn Sùng, Nguyễn Thư. Thêm một bằng chứng nữa về sự vô lý: trong ĐẠI VIỆT SỬ KÝ TOÀN THƯ có ghi: Kỷ Tị, năm thứ 2 (1389), mùa hạ, tháng 4... Quý Ly hỏi người nào có thể làm thuộc viên ở khu mật viện được, Cự Luận tiến cử em là Phạm Phiếm cùng Vương Khả Tuân, Dương Chương, Hàn Tử Tây, Nguyễn Sùng, Nguyễn Thư, Nguyễn Cảnh Chân, đều là người có danh tiếng đức vọng có thể dùng được..." (trang 204 - quyển 2). Bố - là Nguyễn Minh Du - năm ấy mới 28 tuổi, nếu Nguyễn Sùng, Nguyễn Thư là con Minh Du thì năm ấy họ mấy tuổi mà đã là người có danh tiếng đức vọng?

Cái mảng cha con, ông cháu này không thành thì liệu Nguyễn Sùng, Nguyễn Thư có còn là bác ruột Nguyễn Trãi nữa hay không?

Còn dòng dõi Nguyễn Trãi trở về sau, theo tôi nghĩ, cũng có phần hồ đồ chưa thỏa đáng, phần phổ hệ gia đình Nguyễn Trãi (trang 392), ông Nguyên cho biết: "Nguyễn Duẩn hoặc Công Duẩn (hoặc Phù) (con thứ 3 Nguyễn Trãi và bà Trần Thị Thành), cũng trong vụ thảm sát nói trên, chạy lên vùng Thái Nguyên ở với đồng bào miền núi, sau trở về Gia Miêu ngoại trang (Thanh Hóa)... Nguyễn Công Duẩn vốn có công trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn ở bộ phận hậu cần, về sau được truy tặng Hoằng quận công.

Nguyễn Công Duẩn có 9 con trai, người con trưởng là Nguyễn Đức Trung làm chức Điện tiền đô chỉ huy sứ thời Lê Thánh Tông. Con gái của Nguyễn Đức Trung là Nguyễn Thị Hằng tức Ngọc Huyên sau trở thành chính cung của Lê Thánh Tông, và sinh ra Lê Hiến Tông..."

Năm 1442, Nguyễn Trãi bị tội tru di tam tộc. Trang 101, VĂN CHƯƠNG NGUYỄN TRÃI, chính ông Nguyên chú thích: "Án giết 3 họ, tức những người dòng trực hệ họ cha, họ mẹ và họ vợ". Không lẽ ông nội, bố và chú, bác bị tội tru di, mà Nguyễn Đức Trung vẫn được ngang nhiên giữ chức Điện tiền đô chỉ huy sứ, để đến năm 1460 được cùng với một số cựu thần Nguyễn Xí, Đinh Liệt, Lê Lăng v.v... bàn chuyện giết Nghi Dân, trung hưng lại nhà Lê? (ĐẠI VIỆT SỬ KÝ TOÀN THƯ, tập 3 trang (174 - 175). Như vậy thì ra việc thi hành án tru di tam tộc thời ấy lại lỏng lẻo quá đến thế sao? Ta hãy thử so sánh hai trường hợp: Lê Ngân và Nguyễn Trãi. Đứng về công đối với Triều Lê, công Lê Ngân to hơn Nguyễn Trãi. Lê Ngân được phong huyện thượng hầu trong số 3 người có công đầu: Nguyễn Trãi chỉ được phong á hầu (dưới mấy bậc) cùng 25 người nữa. Khi phải tội, tội Lê Ngân cũng nhỏ hơn nhiều, Lê Ngân chỉ mới bị khép tội - một tội rất vu vơ (nhưng "mãi đến 11 năm sau, tháng 9 năm Mậu Thìn (1448), triều đình mới lấy Lê Nho Tông là con Lê Ngân làm báo ứng quân đại đội trưởng". (ĐẠI VIỆT SỬ KÝ TOÀN THƯ, tập 3 trang 147 - 148). Như vậy có lý do nào cũng triều đình ấy lại để cho Nguyễn Đức Trung là cháu nội của một người bị khép tội giết vua làm Điện tiền đô chỉ huy sứ, ra vào nơi nghiêm cấm cạnh vua bao giờ? Theo tôi, Nguyễn Đức Trung này không có dính dáng họ hàng gì với Nguyễn Trãi, và Trường Lạc hoàng hậu cũng chẳng phải là chắt của Nguyễn Trãi, bởi nếu là chắt, thì sử hẳn đã nhắc đến rồi.

Có lẽ cũng do quan niệm quá coi trọng dòng dõi cành vàng lá ngọc, nên ông Nguyên đã trình bày một số sự việc sai lạc đi, không đúng với những điều sử sách đã ghi mà mọi người chúng ta lâu nay đều biết, thí dụ như mấy trường hợp sau đây:

1. Trường hợp Nguyễn Ứng Long, thân sinh Nguyễn Trãi.

Sau khi kể từng người chức tước từ thời Nguyễn Bặc trở xuống, ông Nguyên giải thích: "Thông thường, đỗ đại khoa, Ứng Long có thể được bổ dụng... nhưng Ứng Long không được cái may mắn đó, vì phía quý tộc nhà Trần e ngại Ứng Long có điều kiện tiến thân về hàng quan văn, mà lại rể quan Tư đồ (theo lệ nhà Trần, người ngoài họ không được lấy con gái hoàng tộc - Bùi Văn Nguyên chú thích), quyền ngang Tể tướng, lại thêm trọng lượng quyền hành cho gia đình họ Nguyễn của ông, vốn đã có nhiều người nắm các chức vụ trọng yếu về hàng quan võ (như ông nội, cha, các bác ruột của ông), nên riêng ông không được cất nhắc" (VĂN CHƯƠNG NGUYỄN TRÃI, trang 69).

Ngay trong sự chú thích của ông Nguyên đã là không đúng. Đầu đời Trần, Phạm Ngũ Lão đã lấy con gái Trần Hưng Đạo. Về sau, Trần Nghệ Tôn gả em gái - công chúa Huy Ninh cho Hồ Quý Ly. Trần Minh Tôn lại còn gả công chúa Nguyệt Sơn cho Ngô Dẩn chỉ là trại chủ của một xã (ĐẠI VIỆT SỬ KÝ TOÀN THƯ, tập 2, trang 165 - 166). Còn vì sao Nguyễn Ứng Long không được bổ dụng, trong ĐẠI VIỆT SỬ KÝ TOÀN THƯ (tập 2, trang 193) đã có ghi khá kỹ về chuyện này.

2. Trường hợp Nguyễn Minh Du (Theo ông Nguyên, là ông nội Nguyễn Trãi)

Trang 67 (VĂN CHƯƠNG NGUYỄN TRÃI), ông Nguyên viết: "Cũng bởi Nguyễn Công Luật có công bảo vệ cấm thành như vậy, cho nên Minh Du mới có chung nhũ mẫu (vú nuôi) với Đế Hiện (tức Trần Phế Đế) và mới có tên là Thánh Du."

Suy luận kể trên của ông Nguyên, riêng tôi, tôi thấy không thể tin được. Nếu bảo mẹ Minh Du vào làm vú nuôi nuôi Phế Đế, nhờ đó, Minh Du mới có được cái "danh giá" là được tiếng nuôi chung một vú với Phế Đế thì chúng ta còn có thể tin, chứ một viên quan võ, dù có công bảo vệ cấm thành đến mấy đi chăng nữa, cũng không đời nào được hưởng đặc ân là con mình được đem vào cung nuôi chung một vú với hoàng tử: và nếu triều Trần ngày đó có được cách đối xử dân chủ như thế thì đã không có chuyện Nguyễn Ứng Long thi đậu tiến sĩ rồi cũng không được bổ dụng chỉ vì tội chơi chèo lấy con gái hoàng tộc. Hơn nữa, triều đình nào, thời nào cũng rất cảnh giác, rất sợ chuyện thoán nghịch, đâu có để con vua nuôi lộn với con quan, lại chỉ là một viên quan võ bảo vệ cấm thành, có đáng gì so với các hàng phẩm trật của triều đình.

***

Tất cả những điều tôi trình bày ở trên, là cốt mong chúng ta đánh giá Nguyễn Trãi, trước hết nên căn cứ vào tài năng, lòng yêu nước, yêu dân của ông là chính. Ông nội của ông có là Thánh Du danh giá hay chỉ là một người đi chăn vịt hoặc đi làm thuê cho một nhà làm tương bán như truyền thuyết quen thuộc của làng Nhị Khê (NGUYỄN TRÃI VỚI QUÊ HƯƠNG NHỊ KHÊ, trang 20, bài Mấy nét Nhị Khê của Trần Lê Văn và trang 97, bài Tìm hiểu thêm về cuộc đời Nguyễn Trãi qua một số tài liệu và thư tịch của Nguyễn Vinh Phúc) thì Nguyễn Trãi vẫn là Nguyễn Trãi, không vì có dòng dõi cao sang hay thấp hèn mà ông lên giá hay xuống giá.

Trong VĂN CHƯƠNG NGUYỄN TRÃI, ông Nguyên nhắc dòng dõi Nguyễn Trãi thế gia lệnh tộc vài ba lần còn được, nhắc quá nhiều (chỉ trong một quyển, tôi mới đếm sơ, đã thấy nhắc tới 44 lần!) quả là nặng nề và phong kiến quá! Lỡ Nguyễn Trãi không có được dòng dõi hiển hách thì ông sẽ giảm lòng yêu nước đi chăng? Tài năng ông sẽ thấp thua đi chăng? Ông sẽ không viết nổi áng văn Bình Ngô đại cáo chăng?

Tôi lại càng không hiểu nước ta từ sau cách mạng tháng Tám, rất coi trọng giai cấp công nông, tại sao lại để trong một trường như trường Đại học sư phạm, đại đa số sinh viên là con em công nhân, nông dân, dòng dõi mấy đời chỉ là dân thường, lâu nay các em cứ phải nghe giảng mãi một bài giảng hết sức phong kiến về dòng họ Nguyễn Trãi là thế nào? Huống chi đây lại là một phổ hệ ngụy tạo, tuồng như cứ có danh tướng, danh nhân họ Nguyễn nào là đều cố quy về cho một dòng họ Nguyễn Trãi bất chấp đúng hay sai nữa.

Vừa rồi trên Tạp chí Sông Hương số 25, tháng 5-87 có đăng bài Tướng Ngô Văn Sở ấy không phải là danh tướng Ngô Văn Sở của Phan Thuận An. Trong dịp tác giả cùng đoàn đi nghiên cứu điền dã đến tận làng Thuận Nhơn, họp với hơn 10 cụ trưởng chi, đọc 3 trong 7 gia phả của 7 chi họ, tất cả các gia phả của mấy chi họ này đều ghi tướng Ngô Văn sở (Tây Sơn) là ông tổ của mình. Một số bài viết về danh tướng này đăng trong các sách báo miền Nam trước đây đã được đánh máy lại và kẹp vào trong gia phả của chi thứ nhất họ Ngô. Như thế là đáng tin quá rồi còn gì? Nhưng bằng vào một vài chi tiết ngờ ngợ, tác giả Phan Thuận An cùng anh em trong đoàn đã điều tra lại những chỗ còn ngờ, cuối cùng đã tìm ra ông tổ họ Ngô ở làng Thuận Nhơn là tướng Ngô Văn Sở khác – tướng của triều Nguyễn Gia Long - do ngẫu nhiên đã trùng họ trùng tên và sống đồng thời với danh tướng Ngô Văn Sở triều Tây Sơn.

(Về trường hợp này, tôi nghĩ mấy chi họ (tạm gọi thuộc dòng họ Nguyễn Trãi) cũng dễ mắc phải, bởi gia phả từ những đời xa xưa chỉ ghi bằng chữ Hán, gặp đời nào người trưởng họ được học hành, có chữ nghĩa, việc ghi chép còn có thể tin, gặp phải nhiều đời kế tiếp sau nữa người trưởng họ chữ nghĩa không biết hoặc biết lờ mờ dăm ba chữ thì thiếu gì những chuyện ghi chép "tam sao thất bản", "râu ông nọ cắm cằm bà kia", giờ hỏi lại con cháu đời này chuyện mấy trăm năm trước, từ những ông tổ nào, ai mà nhớ được!)

Từ việc làm nghiêm túc kể trên của tác giả Phan Thuận An, tôi thiết nghĩ tác giả Bùi Văn Nguyên cũng nên xem xét lại những chỗ còn ngờ để có được một phổ hệ gia đình Nguyễn Trãi đúng với sự thực, dù cho ông tổ xa đời của Nguyễn Trãi có vì thế mà trở lại là một người bình dân thì cũng đáng quý hơn là một phổ hệ vơ toàn những người sang bắt quàng làm họ này, vừa không làm vẻ vang gì thêm cho Nguyễn Trãi mà còn biến thành chuyện lố bịch nữa.

Ngày 8 tháng 9 năm 1987
V.T.T.
(SH31/06-88)







 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Đường về quê (06/09/2014)