Tạp chí Sông Hương - Số 32 (T.7&8-1988)
Tranh Hoàng Đăng Nhuận: Cõi phố và cõi lòng
10:21 | 26/11/2014

TRẦN PHƯƠNG KỲ

Níu vai phố rộng xin về.
Với cây lá trút với hè nắng rung

                      BÙI GIÁNG

Tranh Hoàng Đăng Nhuận: Cõi phố và cõi lòng
"Phố" - tranh sơn dầu của Hoàng Đăng Nhuận

Phố là của mọi người và của riêng mình. Mỗi người thường chọn cho mình một thành phố, một nẻo phố, hoặc một góc phố để trở về hay hoài niệm. Cũng như những người sinh ra hoặc lớn lên ở phố, mỗi nghệ sĩ cho mình một nơi chốn để quay về, cũng có khi chỉ để hồi tưởng.

Với những sắc màu lắng đọng, sử dụng những gam màu tương phản như những nghịch âm trong âm nhạc hiện đại. Phòng tranh Hoàng Đăng Nhuận tổ chức tại Đà Nẵng cuối năm ngoái và ở Huế đầu năm này biểu hiện cá tính sáng tạo mạnh mẽ của nghệ sĩ.
 

HS Hoàng Đăng Nhuận bên tác phẩm mình - Ảnh: internet


Phố của Hoàng Đăng Nhuận là phố của những giai điệu ca khúc. Xem tranh anh, ta dễ hình dung bóng dáng gã tình nhân của đường phố thường lang thang huýt sáo hay hát khẽ giai điệu quen thuộc riêng của mình. Giai điệu trong tranh Hoàng Đăng Nhuận biến ảo với những tiết nhịp bất ngờ: có khi là những tiết điệu đung đưa tuổi trẻ (Phố mới, Phố hoa); có khi là nhịp chậm buồn lặng lẽ (Phố dưới kia, Phố thuở em đi); có lúc khoan thai suy tưởng (Thao thức).

Trong lòng phố nhộn nhịp hoặc yên tĩnh kia, là một góc đời riêng biệt, là chỗ trú ẩn; là chốn hồi tâm; là nơi người nghệ sĩ bước về đối diện, tự vấn mình trước khung vải. Góc phòng với gam nâu chín chắn như tuổi đời ở lúc trung niên (Một góc phòng). Cơn bão lòng với sắc đỏ nghẹn ngào (Trong lòng tôi có cơn bão), hay cái tông vàng nâu luyến tiếc ray rứt những đóa hoa thời trẻ (Hoa xa bờ dậu)...

Một chút trăng lênh đênh ở phố, một chút trăng lênh đênh trong lòng (Trăng chiều Hội An) (Trăng chiều Hà Nội), cảm giác không yên định ấy là biểu hiện của khát vọng hướng tới một chân trời sáng tạo mới, bỏ lại những mảnh đất đã cày xới để hoài vọng và chiêm nghiệm.

Khoảng 15 năm về trước, một vài lần tôi được xem tranh của Hoàng Đăng Nhuận bày ở Đà Nẵng. Chỉ còn lại ký ức về những phòng tranh với sắc màu cô đơn hốt hoảng của một thế giới hư ảo. Ngày nay, ở tuổi ngoài bốn mươi, nhịp lòng nghệ sĩ đã bắt nhịp đời mà phố phường, hoa cỏ, trăng mây, sóng nước, góc phòng, mảng tường, là những bày tỏ của một tình cảm dạt dào gửi đến cuộc sống đầy sôi động.

Trên đầu phố lạ vẽ màu quê chung.
                                   Bùi Giáng
                    (Thơ tặng Marc Chagall).

"Tĩnh vật" - tranh sơn dầu của Hoàng Đăng Nhuận

Màu quê chung ấy là dấu hiệu để con người nhận ra nhau và nếu nghệ thuật là một dấu hiệu để bày tỏ mình mà tìm sự đồng cảm với mọi người, thì, hội họa là thứ nghệ thuật có quyền năng nhất.

Một đêm tháng chạp, trên đường từ Hà Nội về Đà Nẵng, tôi ghé lại Huế chơi. Hoàng Đăng Nhuận rủ tôi ngủ lại cái quán café "bụi đời" của mình ở Thương Bạc. Quán trống không, chẳng có tường, chẳng có cửa, treo vài bức sơn dầu của anh đã bày ở triển lãm tại Đà Nẵng mấy tháng trước.

Tôi nhìn Nhuận lặng lẽ pha càfê cho khách. Chưa bao giờ tôi gặp anh lúc đang vẽ, nhưng nhìn động tác pha chế café của anh, vừa chăm chú, vừa trang trọng mà thoải mái, tôi nghĩ rằng khi vẽ, Nhuận cũng bày tỏ mình lên khung vải bằng thái độ ấy, vì, với người nghệ sĩ hành động sống và hành động sáng tạo là một.

Khi quán đã vắng lúc gần nửa đêm, những bức tranh của Nhuận bày ở quán trông lặng lẽ như người sáng tạo ra chúng. Nhuận ngồi trong góc quán của anh như ngồi trong cái khoảng cách im lặng khôn cùng giữa khung vải trắng và cuộc đời. Ngồi ngắm những đóa hoa đồng màu với lọ hoa lặng lẽ bên sắc biển xa qua khung cửa sổ trong tranh của Nhuận; bỗng nhiên tôi bắt gặp cái cảm giác cô đơn ngây thơ xao xuyến của đứa trẻ lang thang trên bãi biển chiều khi nắng tắt chợt thấy mình bơ vơ giữa trời nước mênh mông; lúc ấy tôi liên tưởng giữa Nhuận với đứa trẻ đó.

Đối diện với cuộc sống, người nghệ sĩ bối rối như đứng trước khung vải của mình; màu trắng của khung vải cũng "bắt nạt" người nghệ sĩ nhiều như trang giấy trắng. Trước khung vải trắng kẻ sáng tạo như đứng trước hư vô, và, tự ý thức rằng mình có nhiệm vụ đắp đầy cái hư vô ấy bằng những biểu tượng hình thành từ nhận thức và rung cảm của mình trong cuộc sống.

Có lẽ, do tình cờ, mà Hoàng Đăng Nhuận thành công trong việc sử dụng kỹ thuật già dặn của màu sắc để biểu hiện được cái vô thức ngây thơ của chính anh. Tranh của Nhuận hồn nhiên như anh trong cuộc sống.

Đêm gió hiu lạnh bên sông Hương, nhìn Nhuận gật gù đăm chiêu bên cốc rượu, tôi chắc anh không nghĩ suy gì mà đang chờ đón một màu sắc nào đó chợt vụt đến trong anh, và bằng nó, anh tạo ra dấu hiệu để tìm trao tới mọi người chút tin yêu trong cõi sống đầy nghiệt ngã. Vì nghệ sĩ được cái may hơn chúng ta, với họ "vẽ là yêu lại" - To paint is to love again" như Henry Miller từng bày tỏ.

Đà Nẵng, 88
T.P.K
(SH32/08-88)






 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Chùa ở Huế (19/11/2014)