Tạp chí Sông Hương - Số 32 (T.7&8-1988)
Trước ngưỡng cửa của sự đổi thay
09:38 | 09/12/2014

HOÀNG DŨNG, BỬU NAM

(Phỏng vấn nhà sử học Nguyễn Hồng Phong, nhà văn Huy Phương và nhà phê bình văn học Phương Lựu)

Trước ngưỡng cửa của sự đổi thay
Giáo sư Nguyễn Hồng Phong - Ảnh: internet

VỚI NHÀ SỬ HỌC NGUYỄN HỒNG PHONG

PV: Theo anh, để đổi mới văn hóa văn nghệ, cần phải làm những gì?

NHP: Sự tiến bộ về văn hóa tinh thần bao giờ cũng đi trước sự tiến bộ về kinh tế xã hội. Giới văn nghệ đang tham gia tích cực cùng với các giới thông tin báo chí vào công cuộc vận động đổi mới đất nước mở ra từ Đại hội VI. Văn học, sân khấu, điện ảnh đã có những đóng góp có hiệu lực trong cuộc đấu tranh chống tiêu cực xã hội và chống chủ nghĩa quan liêu, đề cao dân chủ. Tuy nhiên tôi cứ nghĩ là công chúng có quyền đòi hỏi đóng góp riêng của giới văn nghệ không như các ngành khác. Đành rằng văn nghệ không có đối tượng riêng. Nhưng cùng một đối tượng - như các hiện tượng tiêu cực trong xã hội - văn nghệ có lối tiếp cận riêng, có cách biểu hiện riêng. Trừ những phóng sự, điều tra tùy bút, chính luận phục vụ kịp thời ra, văn nghệ cũng nên có những sáng tác dài hơi đề cập đến những vấn đề cơ bản hơn, có tầm sâu rộng hơn, với sức mạnh riêng của mình: sức mạnh kỳ diệu của ngôn ngữ nghệ thuật. Nếu những cuốn tiểu thuyết, những vở kịch chỉ dừng lại ở các hiện tượng và sự kiện thì nó sẽ bị các ngành báo chí thông tin quần chúng vượt qua rất nhanh. Nhiều tác phẩm gây ồn ào và được công chúng hoan nghênh nhiệt liệt chỉ vài năm sau trở thành cũ. Vì các sự kiện, "vấn đề" trong ấy đã bị báo chí thông tin vượt qua.

Giới văn nghệ - trước hết là giới văn bút cần phải ý thức được sức mạnh riêng của mình là sức mạnh của từ ngữ. Tôi nhắc lại câu của Jean Blot, Chủ tịch hội văn bút (Pen-Club):

"Nếu bằng từ ngữ, người ta có thể gây ra biết bao điều thì tại sao người ta không thể ngăn chặn chúng cũng bằng từ ngữ".

Các nhà văn, người sử dụng từ ngữ hiểu hơn ai hết sức mạnh kỳ diệu của nó. Nhưng cả ở lĩnh vực văn chương cũng phải chống quan liêu, trì trệ. Vì trong một thời gian dài chủ nghĩa quan liêu, chủ nghĩa giáo điều sơ lược, sự xa rời cuộc sống, đã làm cho ngôn ngữ ngày càng sáo mòn, ngày càng kiệt ngôn từ mất dần hiệu lực. Phải làm cho ngôn từ xanh tươi, sống động trở lại. Tôi quan tâm đến sự đổi mới của chính bản thân nền văn nghệ của ta, có thể đề cập đến vấn đề này từ nhiều mặt, ở đây tôi nghĩ trước hết đến việc đổi mới tư duy trong văn nghệ.

Cốt lõi của một nền văn hóa là hệ giá trị của nó. Đổi mới văn hóa là đổi mới hệ giá trị. Cốt lõi của một nền văn nghệ là cái mỹ học của nó. Muốn đổi mới văn nghệ phải đổi mới mỹ học. Việc đổi mới không đơn giản như là đem dịch một bộ giáo khoa mỹ học mới của Liên Xô được soạn vào thời cải tổ để thay vào bộ cũ. Vả lại theo tôi trong văn hóa học hay mỹ học, sách giáo khoa chưa phải là cái tốt nhất. Nếu người ta than phiền là có đến mấy trăm định nghĩa về văn hóa để không biết chọn định nghĩa nào, thì chưa phải là hay nếu ra sức đi tìm một định nghĩa nhất trí. Nhiều định nghĩa, mỗi định nghĩa đi vào một khía cạnh, được nhìn từ một góc độ, không ngăn cản nhận thức và hoạt động văn hóa. Nhưng đưa ra một định nghĩa sơ lược, cứng nhắc hoặc trừu tượng thì chẳng có bổ ích gì nếu không nói là có hại. Cũng như mỹ học định nghĩa về cái đẹp vậy. Các nhà mỹ học cứ loay hoay mãi để định nghĩa cái đẹp là gì mà không xong thì trong đời sống cái đẹp vẫn được sáng tạo, những con người bình thường vẫn lĩnh hội và thưởng thức được cái đẹp. Tôi không hề phản đối việc xây dựng các khái niệm mỹ học. Tôi chỉ phản đối lối "gọt chân cho vừa giầy", khái quát non, đưa ra những chân lý chung chung trừu tượng nó không sai nhưng chẳng đúng vào đâu cả, do đó vô bổ. Những chân lý trừu tượng này không chỉ có trong các sách mỹ học, lý luận văn học, mà ta còn thấy trong các sách lý luận thuộc các ngành khoa học xã hội và khoa học nhân văn nữa. Mác có nói vật lý đang rất mắn đẻ, từ khi kết hôn với thần học nó mất khả năng sinh nở, cái thứ lý luận giáo điều máy móc nó mó vào đâu thì cái ấy xơ cứng lại, không sinh nở như thế.

Đổi mới mỹ học không phải lấy giáo điều mới thay giáo điều cũ, mà là chống mọi thứ giáo điều nó ngăn cản sự tìm tòi, sáng tạo, canh tân, nó làm xơ cứng vàng lụi những gì sinh động, những gì thuộc về sự sống.

Hiện nay văn nghệ còn lạc hậu đối với đời sống, mỹ học lại còn lạc hậu so với thực tiễn văn nghệ. Một thí dụ về sự lạc hậu: các nhà xuất bản ra những tuyển tập về văn, thơ lãng mạn trước cách mạng của Huy Cận, Xuân Diệu, Nguyễn Bính, Nguyễn Tuân. Đây thực sự là đánh giá lại văn thơ lãng mạn. Nhưng lý luận văn học của sự đánh giá lại này thì chưa có.

Đừng sợ sự đổi mới về lý thuyết. Ngay môn vật lý học - thuộc khoa học chính xác - mà những khái niệm của nó cũng tiến triển và thay đổi. "Những khái niệm sinh ra, phát triển, thống trị, rồi suy tàn, trong vật lý học hay trong ngành khác cũng vậy" (Max Morand).

Sự đổi mới mỹ học bắt đầu bằng việc xây dựng hệ quan điểm mỹ học mới. Việc xây dựng cái mới không tiến hành trên mảnh đất trống, có những vấn đề cũ đòi hỏi phải có giải đáp mới vấn đề về chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa, về bản sắc dân tộc, về nội dung và hình thức, về tính người trong văn nghệ v.v... Tôi nói về tính người chẳng hạn - trước đây ta nói về các thứ tính của văn nghệ, nhưng không bao giờ nói đến tính người. Nếu có nói đến chỉ để phê phán. Bây giờ thì không cần kiêng mà cũng không lẫn tránh được. Phải bàn thẳng về nó. Bởi vì văn nghệ là gì nếu không phải là sự thăm dò các kích thước con người, nhằm bảo vệ và thể hiện bản thân con người, nâng cao và hoàn thiện con người.

Không có một mỹ học tiến bộ sẽ ngăn cản cả việc đối thoại và tiếp thu các giá trị văn hóa văn nghệ của thế giới. Việc giao lưu - đối thoại với các nền văn nghệ nước khác là một nhân tố quan trọng cho sự phát triển nền văn nghệ mỗi nước. Nói đến sự phát triển là nói đến sự triển khai các hoạt động trao đổi. Phạm vi trao đổi càng rộng, nội dung trao đổi càng phong phú, thì sự phát triển càng mạnh, càng nhanh. Không thể có sự phát triển tốt đối với một nền văn hóa - văn nghệ ít giao lưu, khép kín. Hiện nay trong giao lưu văn hóa, ngoài các nước xã hội chủ nghĩa, chúng ta mới bắt đầu mở ra vài nước châu Á, chủ yếu là Ấn Độ, vài nước châu Phi và châu Mỹ la-tinh. Đối với nền văn hóa văn nghệ phương Tây hiện đại ở các nước phát triển tư bản chủ nghĩa thì chúng ta chỉ mới hé cửa và rất dè dặt. Vì lý do hệ tư tưởng và các thành kiến do chủ nghĩa thực dân cũ và mới để lại. Chúng ta chỉ định tiếp thu thành tựu khoa học, kỹ thuật quản lý kinh tế mà không tiếp thu những tiến bộ trong văn hóa và tinh thần ở các nước phương Tây. Thế mà những tiến bộ về kinh tế về khoa học kỹ thuật lại không thể có nếu không có những tiến bộ về văn hóa tinh thần. Cho nên việc tiếp thu có chọn lọc, phê phán những giá trị văn hóa - tinh thần từ các nước Tâu Âu, Bắc Mỹ, Nhật Bản là cần thiết và bổ ích cho sự đổi mới nâng cao, phát triển nền văn hóa nước ta.

Trong việc tiếp thu những giá trị văn hóa từ ngoài ở các nước phát triển sẽ có sự cọ xát xung đột với những giá trị văn hóa truyền thống. Phản ứng tự phát của hệ tư tưởng văn hóa truyền thống thường biểu hiện ở sự lựa chọn - cái này hợp với ta, cái kia không hợp. Cái "không hợp" nhiều khi chỉ là phản ứng bảo thủ của tập quán và những thành kiến lỗi thời. Cho nên một việc cực kỳ quan trọng cho việc đối thoại giao lưu với các nền văn hóa khác là phải khắc phục những nhân tố nào nằm ngay trong nền văn hóa bản địa gây cản trở cho sự đối thoại giao lưu văn hóa. Mỗi dân tộc phải xác định rõ bản sắc văn hóa của mình từ đó định hướng cho việc tiếp thu những giá trị văn hóa nhập, và nâng nền văn hóa dân tộc đến trình độ hiện đại.

Cuối cùng, nhân tố quyết định đối với sự đổi mới văn nghệ là đổi mới cách quản lý văn nghệ. Người ta thường nhấn mạnh vào tính đặc thù của sáng tác văn nghệ đòi hỏi phải có cánh quản lý riêng, cái đặc thù lớn nhất của văn nghệ là tính sáng tạo của nó, và về mặt đó nó giống với khoa học.

Có một mệnh đề nổi tiếng: khoa học làm mất tính người, nghệ thuật bảo vệ tính người. Dotoievsky nói: Cái đẹp sẽ cứu thế giới. Nhưng chúng ta đương ở bước khởi đầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba. Ở cái thời này, với học thuyết IJCAI (1) cách phân chia văn hóa khoa học và văn hóa nhân bản không còn phù hợp nữa. Sự tổng hợp của hai hình thái tư duy này là đặc điểm của nền văn hóa ngày nay. Tôi nhớ đến câu của nhà vật lý học Léopold Infeld: "Cũng như âm nhạc toán học và vật lý học đều là những sáng tác nghệ thuật".

Kinh nghiệm của quản lý khoa học cho thấy: không thể quản lý những phát minh lớn theo nghĩa thông thường. Các suy tưởng mới và khác thường, các lý thuyết táo bạo, các phát minh bất ngờ thường xuất hiện đột ngột khó có thể nói đó là kết quả của một sự quản lý có kế hoạch(1).

Trong sáng tạo nghệ thuật cũng như vậy. Không phải sự ra đời của những kiệt tài trong văn nghệ là do tác giả của nó đã chuẩn bị tích lũy lâu dài, lao động công phu hơn, do trí thức và kinh nghiệm có nhiều hơn. Nếu chúng ta nói đỉnh cao của sáng tác Nguyễn Tuân là Vang bóng một thời, của Xuân Diệu là Thơ thơ, của Huy Cận là Lửa thiêng thì đây đều là giai đoạn tác giả của nó còn ít trí thức và kinh nghiệm so với các giai đoạn về sau của họ. Đỉnh cao của các nhà văn khác là vào cuối đời như Faust của Goethe chẳng hạn. Trường hợp Don Quichotte của Cervantes còn đặc biệt hơn. Một cuốn tiểu thuyết duy nhất, được sáng tác muộn màng, trở thành một kiệt tác bất hủ của văn học thế giới.

Tôi lấy một thí dụ nữa: anh Nguyễn Huy Thiệp đã viết một truyện ngắn xuất sắc cả về nội dung lẫn hình thức: Tướng v hưu. Nhưng liệu anh Nguyễn Huy Thiệp có thể rút kinh nghiệm học hỏi thêm, lao động nhiều hơn để cho ra ngay một truyện ngắn như thế nữa không? Và bao giờ tác giả có được truyện ngắn như thế? Trường hợp Chí phèo của Nam Cao hay Tắt đèn của Ngô Tất Tố cũng vậy.

Một tác phẩm mới xuất hiện, tôi muốn nói một tác phẩm có cái mới chứ không phải một cuốn sách mới viết, một bức tranh mới vẽ - làm sao nó gặp ít may rủi nhất trong sự đánh giá của người quản lý, nhà xuất bản, của giới phê bình?

Và trong trường hợp một tác phẩm khó hiểu thì nên xử lý thế nào? Không phải mọi cái gì khó hiểu như nhiều câu thơ tối nghĩa của Mallarmé đều là thiên tài. Nhưng không phải mọi thiên tài đều dễ hiểu. Maiakovsky, lúc đầu rất ít người hiểu, cả Dostoievsky nữa. Lịch sử hội họa đầy những thí dụ về những thiên tài ít có người hiểu. Hầu hết các bức họa ngày nay các bảo tàng tranh nhau mua mà ở thế kỷ trước hầu như không được ai hiểu.

Tôi hoàn toàn không định bênh vực sự khó hiểu trong nghệ thuật, tôi chỉ muốn nói sự dễ hiểu không phải là một tiêu chuẩn bắt buộc đối với mọi sáng tác nghệ thuật. Sự phê bình sáng suốt và sự thử thách của thời gian sẽ xác nhận các giá trị sáng tạo nghệ thuật.

Tóm lại, cần phải đổi mới sự quản lý nghệ thuật sao cho nó phát huy được tiềm lực sáng tạo, chứ không kìm hãm, làm thui chột làm cằn khô sự sáng tạo.

NHP

 

Nhà văn Huy Phương

VỚI NHÀ VĂN HUY PHƯƠNG

PV: Anh nghĩ gì về các tờ báo văn nghệ lớn ở Thủ đô hiện nay?

HP: Theo tôi, hai tờ báo lớn về văn học và nghệ thuật phát hành ở Hà Nội và đang có độc giả rộng rãi trong nước là hai tờ báo của Hội Nhà văn Việt Nam. Tuần báo Văn Nghệ và Tác Phẩm Văn Học, có thể là do chức năng mà cũng có thể là do quan niệm của Ban biên tập, nên hình như nó thể hiện hai thái độ và xu hướng không giống nhau. Một xu hướng đang tham chiến với các vấn đề gay cấn của xã hội, muốn lay động lương tri của dư luận, muốn kêu gọi ý thức công dân của độc giả, đối phó với tình trạng "tiêu cực", muốn cổ vũ sinh hoạt dân chủ, khuyến khích tinh thần tự do sáng tác ở những người cầm bút trước các vấn đề quan trọng của dân tộc và đất nước (Báo Văn Nghệ). Một xu hướng khác thì thiên về phía khẳng định những giá trị truyền thống, muốn bình tĩnh chọn lọc và giới thiệu được những tác phẩm văn học có giá trị ổn định, lâu dài (T.P. Văn học). Tôi nghĩ rằng những vấn đề của văn học không thể giải quyết ổn thỏa trong một sớm, một chiều, và chân lý cần được khẳng định bằng tác phẩm chứ không phải bằng lời nói. Đổi mới trong văn học cũng có nhiều cách. Nếu ta làm tốt, thì những xu hướng nói trên (nếu đã có thể nói đó là xu hướng) chỉ có thể bổ sung cho nhau, nương tựa vào nhau, giúp vào bước phát triển của văn học. Khuynh hướng tác chiến, tham gia tích cực vào những vấn đề nóng bỏng đang đặt ra của thời đại dĩ nhiên là rất cần. Nhưng mỗi nhà văn có cách nghĩ, cách viết riêng của mình, và cách nào thì cách, vẫn phải quan tâm đến tính nghệ thuật và chất lượng văn học của bài viết. Tôi có cảm tưởng, nhiều khi báo Văn Nghệ đã phải gánh trên vai một phần công việc lẽ ra phải là phần việc của báo Nhân Dân hoặc của một tờ báo chính trị - xã hội trước các yêu cầu đổi mới của đời sống. Nói như thế không phải tôi có ý chê trách gì Báo Văn Nghệ mà chỉ muốn nói lên một điều bất hợp lý cần điều chỉnh. Trái lại, dẫu có thể chưa đồng tình với một vài bài vở trên báo, cho đến hiện nay, tôi vẫn khẳng định cái thái độ tích cực nhập cuộc và ý muốn góp phần "khai sáng" của Báo Văn Nghệ là rất đáng hoan nghênh, và ủng hộ. Chắc hẳn nhiều đồng nghiệp của tôi và bạn đọc cũng thấy như thế. Mặt khác cũng nên nói rõ, phấn đấu để có được những tác phẩm có giá trị lâu dài, điều đó ai mà chẳng muốn. Nhưng ta không quên rằng cách ly khỏi cuộc sống, tự tách mình ra khỏi tâm trạng chung của xã hội thì nhà văn khó hy vọng có được tác phẩm hay. Tác phẩm hay, có giá trị lâu dài bao giờ cũng là tác phẩm biết nói về thời đại mình một cách sâu sắc và nhân bản nhất. Học hỏi và viết theo kiểu truyền thống cũng được, nhưng bây giờ ta đang ở vào cuối những năm 80, người viết đang phải hiện đại hóa cách viết và hình thức biểu hiện để có thể diễn đạt ở mức khái quát cao những vấn đề của thời đại, miễn là không lai căng hoặc bắt chước một cách mù quáng, chứ còn cách tân hình thức viết cho phù hợp với nội dung mới thì có gì mà phải ngại. Nhân anh nhắc đến cái chuyện Sa mạc của tôi, xin nói là tôi đã viết xong nó ở Huế và đã đọc cho một số các bạn nhà văn và nhà thơ nghe, trong một bữa "nhậu nhẹt" nho nhỏ rất vui ở căn phòng dưới của nhà 26 Lê Lợi. Anh em nói tôi là nên dành cho Tạp Chí Sông Hương và nếu tôi đưa đăng chắc là Tạp chí cũng sẵn sàng tiếp nhận. Nhưng lúc đó tôi còn áy náy về một vài chi tiết chưa kỹ. Ra Hà Nội, chữa xong lần cuối tôi đã đưa cái truyện ấy cho Tác Phẩm Văn học. Có đồng chí khen đó là một truyện ngắn hay. Nhưng khi đưa cho vài đồng chí khác xem thì họ trả lời là "khó đăng". Đã khó thì thôi. Tôi lại đưa cái truyện cho Tuần báo Văn Nghệ như anh đã thấy. Việc này cũng có thể giúp tôi hiểu cách nghĩ và "khẩu vị" của một số người làm biên tập hiện nay, ở đây. Đánh giá văn học có chỗ khác nhau là chuyện bình thường. Tôi chỉ e rằng cách nghĩ của một số người làm biên tập hiện nay đang cách biệt với những đòi hỏi của văn học và của người đọc. Đúng là báo Văn Nghệ đôi khi cũng có vẻ "thời sự" quá. Nhưng ít ra cứ mỗi năm trong số hàng trăm cái truyện ngắn bút ký được đăng, bỏ ra ta lọc lấy được khoảng mươi cái có giá trị và thể hiện được ở mức độ nào đó thực trạng thời đại ta đang sống thì như vậy cũng đã là quí lắm. Muốn mở rộng sáng tạo mà câu nệ và dè dặt quá thì khó cất bước lên được!

PV: Đổi mới văn học hiện nay, theo anh nên thế nào? Cái gì là trọng tâm?

HP: Tôi cho rằng trọng tâm của việc đổi mới trong văn học hiện nay cần hướng vào việc hoàn lại cho văn học cái chức năng trọn vẹn của nó. Ngoài thái độ dũng cảm và trách nhiệm công dân của nhà văn trong khi đề cập tới những vấn đề xã hội và con người trong thời điểm hiện nay của đất nước, thì sự hội nhập của văn học ta vào các vấn đề lớn đang đặt ra với con người trên hành tinh này là điều quan trọng. Tâm hồn con người, những uẩn khúc của nó, nỗi đau khổ, niềm hy vọng, lẽ sống, và cả sự hổ thẹn, sám hối của con người trước những cái đích cao đẹp mong muốn đạt tới... đều là đối tượng khám phá hàng đầu của văn học nghệ thuật. Thân phận và vị trí con người Việt Nam trong thế giới ngày nay cần được biểu hiện và khái quát hóa bằng nghệ thuật. Đó sẽ là sự đóng góp quí báu của văn học Việt Nam vào văn học thế giới. Là một người viết văn tôi sợ những chữ nghĩa to tát. Nhưng biết làm sao được. Dẫu chẳng nói ra thì đó vẫn là mong muốn và những điều ủ ấp trong lòng của mọi người cầm bút, chẳng phải chỉ mới hôm nay.

Bên cạnh đó, cũng cần phải tính đến những điều thiết thực. Ta nói nhiều đến tự do sáng tác, nhưng đã đến lúc cần có một cơ chế bảo đảm cho cái quyền ấy của nhà văn, cũng như bảo đảm những điều kiện cho họ sống và sáng tác, công bố tác phẩm và có thu nhập thỏa đáng bằng tác phẩm của mình, không phải dựa dẫm quá nhiều vào đồng lương của chức vụ hành chính như hiện nay. Đó là một thực trạng phi lý đã kéo dài quá lâu.

H.P.
 

Giáo sư Phương Lựu

VỚI NHÀ PHÊ BÌNH VĂN HỌC PHƯƠNG LỰU

PV: Gần đây nhiều người kêu lý luận văn học của ta yếu kém, làm gò bó sáng tác. Là nhà lý luận văn học, anh nghĩ như thế nào về ý kiến trên?

PL: Tôi không nghĩ sáng tác mình dở vì bị lý luận gò bó. Thực ra, phải sòng phẳng: có mấy nhà văn chịu đọc lý luận! Mà không thể trách gì nhà văn; không ai đọc lý luận để sáng tác cả. Nhà văn đó do loại lý-luận-văn-bản không bao nhiêu, mà chủ yếu là do một thứ lý luận khác, lý luận vô ngôn, thông qua một quyền uy nào đó mà tác oai kia! Các văn bản chính thức của Đảng về lý luận, xin đọc lại mà xem, vừa nguyên tắc vừa cởi mở (trong đó những vấn đề bây giờ trở nên nóng hổi, như đặc trưng của văn nghệ, tự do sáng tác... cũng được đề cập cả đấy chứ). Còn đã nghe nói có cuốn lý luận nào đó hay, liền tìm đọc, thế là quý rồi. Anh Nguyễn Khải có bảo chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa không cho phép nhà văn viết phê phán, nhưng đấy chỉ là do anh hiểu thế thôi. Chứ không một giáo trình lý luận văn học nào, dù cổ lổ đến đâu, viết hẳn hoi giấy trắng mực đen như thế.

Nhà văn quả bị gò bó, tôi không phủ nhận. Nhưng tôi cho rằng sự gò bó trên thực tế không được như vậy, thì đó là lỗi của lý luận vô ngôn. Cho nên, chỉ căn cứ vào các văn bản chính thức của Đảng để kết luận văn nghệ ta không bị gò bó, thì đó là việc làm không có sức thuyết phục.

Không nhận thức như vậy sẽ dẫn đến chỗ nhầm tưởng phải thay đổi toàn bộ quan điểm của Đảng về văn nghệ. Tất nhiên như vậy không có nghĩa quan điểm của Đảng về văn nghệ đã hoàn thiện. Ở đây cần nói rõ một sự nhầm lẫn không phải không gây tác hại của các nhà lý luận phần nào trong đó cũng có tôi. Nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng là nhà thơ, nhà văn, vì do quan tâm đến văn nghệ đã phát biểu nhiều ý kiến sâu sắc, bổ ích về lĩnh vực này. Những ý kiến đó được các nhà lý luận vô hình chung đồng nhất với đường lối của Đảng. Nhưng trong nhiều trường hợp, những ý kiến đó là về vấn đề cụ thể. Đáng ra không nên biến những ý kiến cụ thể đó thành nguyên lý của muôn đời, mà nên để đời sau tiếp tục suy nghĩ, có thể khác với ý kiến các đồng chí lãnh đạo, và không vì thế mà bị kết tội "bất kính" hay "chống lại đường lối của Đảng". Ví dụ để ngăn chặn lối biểu tượng hai mặt không thiện ý, đồng chí Trường Chinh từng nói một trong những yêu cầu của tính đảng là phải có chủ đề rõ ràng. Tuy nhiên, không thể cho đây là nguyên lý vì nó vi phạm tính đa nghĩa của văn học. Vả chăng, trong đời sống cũng thế, cái xấu, cái tốt cũng đều có hai dạng đơn giản rõ ràng và phong phú phức tạp. Làm sao có thể chỉ lấy đơn giản rõ ràng làm tiêu chí phân định tốt, xấu được. Nhưng không một nhà lý luận nào bàn lại. Thực ra, chính các đồng chí lãnh đạo cũng không nghĩ điều mình nói ra là vĩnh viễn đúng đắn cả đâu. Trước đây, đồng chí Trường Chinh viết: "Thơ là nghệ thuật kỳ diệu bậc nhất của trí tưởng tượng". Sao lại "bậc nhất"? Tiểu thuyết chẳng hạn kém thơ về tưởng tượng chăng? Trong bản in gần đây, nhận định trên đồng chí Trường Chinh vẫn giữ lại, nhưng hai chữ "bậc nhất" đã bị xóa đi.

Lại có một nhầm lẫn này nữa: những vấn đề của lý luận, Đảng đã làm hết cả rồi, các nhà kinh điển đã giải quyết xong tất cả, cho nên nhà lý luận chỉ "thuật nhi bất tác"! một sự nhầm lẫn như thế sẽ dẫn đến thái độ không quan tâm đến việc nghiên cứu lý luận (xin nói thêm, đó cũng là tình hình chung của khoa học xã hội). Cho nên, nói lý luận phê bình, nhưng trên thực tế là chỉ chú trọng đến phê bình, mà xem nhẹ lý luận, kết quả tác hại ngay đến phê bình!

PV: Nếu không kể đến những sự "nhầm lẫn" kiểu nêu trên, thì cái yếu kém của lý luận văn học chúng ta là do đâu, thưa anh?

PL: Theo ý tôi, đó là do chúng ta chưa giải quyết tốt ba mối quan hệ: với những cơ sở và thành tựu của lý luận macxit hiện có; với di sản lý luận tiền macxit (kể ý kiến của cha ông ta); và với lý luận phi macxit.

Ở mối quan hệ thứ nhất, có tình hình là chúng ta chưa hiểu hết ý kiến của các nhà kinh điển. Một ví dụ: chúng ta có tâm lý sợ nhà văn nói khác với nhà chính trị. Nhưng chính Mác và Ăng-ghen cho rằng nhà văn thuộc vào bộ phận "thiết kế lý tưởng" của một giai cấp, cho nên không lấy làm lạ là có khi nó có ý kiến khác với bộ phận thực nghiệm, thậm chí có khi đối lập nữa kia. Nói như thế, không nên hiểu nhầm nhà văn không có tính giai cấp; nhà văn thuộc bộ phận thiết kế lý tưởng cho một giai cấp nhất định và khi có mối đe dọa cả giai cấp thì nó sẽ trực tiếp đứng ra bảo vệ một cách kiên quyết.

Tất nhiên các nhà kinh điển cũng chưa nói hết được mọi điều. Lênin từng nói rằng có đến 70 ông Mác cũng không nói hết những vấn đề của chủ nghĩa tư bản. Nhưng chúng ta vẫn chưa phải đã hiểu hết các nhà kinh điển. Nguy hiểm hơn, chúng ta lại cho cái hiểu biết chưa đến nơi đến chốn của mình là đủ để giải quyết mọi điều!

Tình hình cũng như vậy đối với đường lối của Đảng và thành tựu lý luận macxit của nước ngoài, tiêu biểu là của Liên Xô. (Tôi muốn nói thêm: với các thành tựu của Liên Xô, chúng ta thường chỉ vấn đề tiếp thụ, chứ chưa vươn lên đến tầm có thể thảo luận học thuật với bạn; trên báo chí ta, hầu như chưa có bài báo nào trao đổi với các nhà khoa học Liên Xô về lý luận văn học cả).

Ở mối quan hệ thứ hai, phải thừa nhận các nhà lý luận chúng ta nói chung rất thiếu cảm quan và tri thức lịch sử về chuyên ngành mình. Nhân loại đã thẩm định về văn về thơ hàng ngàn năm nay: cái bề dày lịch sử đồ sộ đó ta chưa khảo sát bao nhiêu.

Ở mối quan hệ thứ ba, tình hình không khá hơn; chúng ta chưa phải đã biết cặn kẽ, ví dụ, chủ nghĩa cấu trúc, học thuyết Freud,... Lênin bảo chủ nghĩa duy tâm thường thổi phồng bơm to một cái gì đó có thực; người duy vật thì ngu xuẩn sổ toẹt, người duy vật thông minh thì tiếp thu hạt nhân hợp lý của nó. Ta có khi còn tệ hơn anh duy vật ngu xuẩn, chưa đọc bao nhiêu đã sổ toẹt rồi!

Đổi mới lý luận văn học buộc phải đổi mới tư duy lý luận văn học; thực chất là phải giải quyết ba mối quan hệ này. Đó chính là thực hiện cách suy nghĩ (chứ không phải là những vấn đề cụ thể) của các nhà kinh điển.

PV: Trong không khí gò bó trước đây, vẫn có những người sáng tác "vượt rào". Phải chăng đấy cũng là tình hình của lý luận văn học?

PL: Người ta thường chê nhà lý luận chỉ chuyên nhai lại kinh điển. Sự thực thì, cũng như trong sáng tác, ở địa hạt lý luận không phải không có người vượt rào, tuy tỷ lệ có thể mỗi bên một khác. Có thể thấy hai dạng vượt rào. Một là dũng cảm nói thẳng điều mình suy nghĩ, do đó rất dễ gặp "tai nạn", trường hợp anh Hoàng Ngọc Hiến là một ví dụ. Hai là uyển chuyển hơn, tìm cơ hội để nói thật lòng mà vẫn bảo vệ được mình; cần phân biệt dạng này với bọn cơ hội mà đặc trưng là tìm mọi cách để vơ quyền lợi về mình. Hai dạng điều cần thiết, không thể lấy dạng này thay cho dạng kia.

Gò bó là một cái gì đó rất tổng hợp, chứ đừng, như tôi đã nói, quy hết cho lý luận. Gần đây, anh Nguyễn Đăng Mạnh hỏi tôi: "Các anh bảo thế giới quan quyết định sáng tác, thế thì những nhà văn đã sai lầm về chính trị sáng tác của họ hẳn phải vứt bỏ. Như vậy chúng tôi đành bó tay trước một số nhà văn có vấn đề nhất là thời kỳ 30 - 45?". Tôi có nói trong cuốn Học tập tư tưởng văn nghệ V.I Lê-nin, tôi có phân tích bài báo "Cuốn sách tài hoa" của Lênin viết về tập truyện Mười hai lưỡi dao đâm vào sau lưng cách mạng của tên bạch vệ A. Avecsenkô, để đặt vấn đề khả thủ về mặt chân thực của một tác phẩm phản động. (Thế mà trước cuốn sách tôi có hai năm, trong cuốn Lênin bàn về văn hóa văn học (nxb. Văn học, 1977), bài báo này của Lênin bị loại ra, dù tôi biết anh Nguyễn Văn Hạnh, người chủ trì có cho dịch để đưa in. Lênin cũng bị kiểm duyệt!). Nhưng tôi nói thêm với anh Mạnh: "chắc là anh đọc vấn đề đó rồi, còn như chưa dám vận dụng, thì có nhiều lý do khác, không có gì lạ".

PV: Anh có ý kiến gì về những vấn đề lý luận được tranh cãi sôi nổi gần đây, văn học với chính trị chẳng hạn?

PL: Chuyện văn nghệ với chính trị bây giờ được đặt ra theo tôi cốt lõi là ở chỗ vừa qua có sự ràng buộc gò bó của phía thoái hóa của chính trị đối với văn nghệ thực sự vì dân vì nước. Do đó, cần phải tập trung làm sáng tỏ hơn nữa sự gắn bó của văn nghệ chân chính với chính trị chân chính, lấy dân làm gốc. Quan hệ giữa chính trị với văn nghệ là hiển nhiên; cũng như vợ chồng phải đưa ra tòa ly dị vì một trong hai người bị biến chất, nhưng đó không phải là lý do để xóa bỏ quan hệ vợ chồng, nói chung.

Khi thảo luận về quan hệ giữa văn nghệ với chính trị, nhiều anh em cho rằng văn nghệ sống lâu hơn chính trị; văn nghệ là không quan phương, còn chính trị là quan phương; văn nghệ đề cập đến thân phận, chính trị quan tâm đến chuyện chung; văn nghệ đi trước chính trị, v.v... Tôi cho rằng những phân biệt đó tuy có cơ sở phần nào nhưng không hoàn toàn đúng; đó không phải là sự khu biệt thực sự giữa văn nghệ với chính trị. Đặc trưng mấu chốt, từ đó có thể tìm ra nhiều đặc trưng có tính chất hệ quả khác, phân biệt văn nghệ với chính trị, theo tôi, là: văn nghệ xây dựng tâm hồn, chính trị phải giải quyết vấn đề thực tiễn. Tác dụng giải quyết thực tiễn của văn nghệ chỉ là gián tiếp.

PV: Còn về một ý kiến mới đây cho rằng chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa là một ngọn cờ chính trị hơn là một khái niệm học thuật, anh nghĩ như thế nào?

PL: Chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa là vấn đề quan điểm nhưng còn là vấn đề học thuật, nên vẫn còn tiếp tục bàn bạc. Người nào thấy có phương pháp sáng tác nào tốt hơn phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa đều nên phát biểu. Nhưng không nên dừng lại ở tuyên bố, mà phải chứng minh: nếu nói không có phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa thì phải chứng minh tại sao các nền văn học trước có cái - isme mà nay lại không có. Và để cho trung thực, muốn phản bác thì phải kèm theo tự phản bác.

Tôi không đổi mới đến mức cho chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa là của giả, cần phải vứt đi. Nhưng tôi hoàn toàn tin rằng trong quan niệm về chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa hiện nay có nhiều điều lỗi thời, sai lầm về chính những cái lỗi thời, sai lầm này mới tiêu vong. Còn chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa đã tồn tại trong sự đổi mới không ngừng và phải đổi mới nữa mới tiếp tục tồn tại được.

Đôi ý nghĩa sơ bộ hôm nay, chỉ xem như câu chuyện với khách phương xa từ núi Ngự đến; nhưng xin hứa với Sông Hương sẽ có dịp triển khai rõ ràng đầy đủ hơn ý kiến của mình.

HOÀNG DŨNG - BỬU NAM thực hiện
(SH32/08-88)


------------------
1) Những phương hướng chính dài hạn về nghiên cứu khoa học ở Hunggari. Viện thông tin khoa học kỹ thuật Trung ương, ủy ban Khoa học nhà nước IJCAI (International Joint conférence on Artificial intelligence) - Hội nghị quốc tế liên lịch về trí tuệ nhân tạo.






 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Chùa ở Huế (19/11/2014)