Tạp chí Sông Hương - Số Đặc Biệt (T.9-14)
Boston bình dị của tôi
08:20 | 23/10/2014

CƠM HẾN

Đã gần bốn năm nay tôi gắn bó với Boston, và mỗi ngày tôi lại thấy yêu vùng đất này hơn một chút. Boston là thành phố văn hóa, giáo dục lâu đời, là “linh hồn nước Mỹ”, cái nôi của cuộc cách mạng giành độc lập từ nước Anh mẫu quốc. Boston là nơi hội tụ các anh tài không chỉ từ khắp nơi trên nước Mỹ mà còn từ rất nhiều quốc gia trên thế giới. Boston duyên dáng, hào hoa, sang trọng, cổ kính…

Boston bình dị của tôi
Thành phố Boston - Ảnh: internet

Và còn có một Boston rất bình dị, thân thương nữa. Boston với riêng tôi…

1. Chợ trời…

Những ai đang hay đã từng là sinh viên du học khi ở Boston, thể nào cũng đã ít nhất một lần đi Haymarket. Khu chợ trời với đủ loại rau, củ, quả, thịt, cá... này đã có tuổi đời trên 180 năm. Những người buôn bán ở chợ chủ yếu là người lao động nghèo. Họ lấy thực phẩm phần nhiều từ các siêu thị lớn mỗi tối thứ 5 và thứ 6 hàng tuần - thời điểm các siêu thị này xả hàng để lấy hàng mới, bán cho những người bán lẻ này với giá rất rẻ. Vì vậy mà rau củ quả ở Haymarket rất “hên xui”- tươi, mới có; mà héo; cũ và hỏng cũng nhiều. Nhưng với những sinh viên du học phải chắt bóp từng đồng, thì rau cũ hay mới có đáng kể gì, quan trọng là rẻ. Nếu khéo chọn thì vẫn có thể có đầy đủ thực phẩm tươi cho cả tuần với giá chỉ bằng nửa giá ở siêu thị.

Mỗi lần đi chợ Haymarket, với tôi, là một buổi đi chơi kiêm tập thể dục. Bởi vì thể nào tôi cũng ì ạch tha về nhà cả một xe kéo[1] đầy nhóc thực phẩm. Phụ nữ mà, cứ thấy rẻ là ham. Và bởi vì, quang cảnh chợ vui mắt lắm. Tôi thích vừa đi chợ vừa ngắm nghía người mua kẻ bán, hít thở khí trời trong lành hơn là đi siêu thị máy lạnh - dù đẹp đẽ, sang trọng nhưng chẳng mấy khi thấy ai nói chuyện, pha trò với ai. Và quan trọng là điều này: Đến Haymarket, tôi như được sống lại cảm giác đi chợ ở Việt Nam; ở thành phố Huế quê tôi, hay ở Hà Nội, nơi tôi đi học và làm việc gần 8 năm liền.

Những người dân lao động ở Haymarket, họ giống những người bán rau bán đậu ở Việt Nam của tôi lắm. Nhiều người trông có vẻ gắt gỏng, khó tính vậy thôi; nhưng nếu bạn cười với họ, nói chuyện thật vui vẻ với họ; là lập tức cái vẻ cáu kỉnh vì phải lao động vất vả kia sẽ biến mất. Và họ sẽ rất dễ thương với bạn. Lần nào trở về nhà từ Haymarket, tôi cũng cảm thấy mình may mắn. Không phải vì thấy mình được học hành sau đại học sau thạc sĩ này kia trong khi người ta phải vất vả lăn lộn kiếm tiền mà tôi cảm thấy may mắn đâu; mà bởi vì lần nào tôi cũng được cho thêm thứ này thứ nọ. Những người lao động nghèo đó, họ vẫn đủ giàu để cho tôi rất nhiều thứ... Bạn có thấy lạ không?

Ví dụ thế này nhé:

- Bác ơi, cà chua này bác bán thế nào ạ?

- Một đô một hộp.

Bác Mỹ da trắng người to đùng, có vẻ mệt mỏi, cất giọng lạnh lùng trả lời tôi mà không nhìn lên.

- Cà chua nhìn ngon quá bác ơi! Bác bán rẻ quá, cảm ơn bác...

Bác ấy ngẩng lên, quay người lại nhìn tôi, cười. Rồi bác bảo:

- Thực ra thì... cháu cứ lấy 2 hộp đi.

(Bạn đừng nghĩ oan cho tôi nhé, không phải tôi nịnh bác ấy để được ưu ái thế này đâu!)

- Không, cháu lấy một hộp được rồi ạ. Bác bán thế này là quá rẻ rồi. À thôi, để cháu lấy 4 hộp.

Rồi tôi trả bác ấy $4. Cầm 4 tờ tiền 4 đô, bác ấy có vẻ ngần ngừ lắm, rồi nhất quyết giúi bằng được một hộp cà chua nữa vào tay tôi, mặc cho tôi phân bua là nhiều thế này cháu ăn cả tuần chả hết. Áy náy quá, tôi bèn nhìn quanh mấy món hàng ít ỏi của bác ấy xem có mua được gì nữa không.

- Bác, cháu mua bắp nhé.

- Ừ, một đô 4 quả. À, không, cháu lấy 5, 6 quả gì cũng được hết, lấy đi...

Tôi chọn 8 quả rồi trả bác ấy $2. Giằng co một hồi tôi vẫn không chịu lấy thêm bắp bác ấy đưa, bác bèn thở dài, nhét thêm quả táo vào túi bắt tôi phải cầm về.

Những câu chuyện nhỏ như thế mỗi lần đi Haymarket khiến tôi cảm thấy hạnh phúc và may mắn. Bạn có được thứ hạnh phúc dễ thương thế kia khi đi siêu thị máy lạnh, sang trọng, hoa quả rau củ cứ gọi là bóng lộn hết cả lên không..? Những người bán rau quả ấy ở Haymarket, họ khiến tôi nhớ da diết những o bán rau trong chợ Bến Ngự gần nhà tôi ở Huế bán cả ngày hết cả quang gánh cũng chỉ lời vài ba chục ngàn; những bác nông dân trong chợ Thành Công gần nhà tôi ở Hà Nội, đạp xe đạp mấy chục cây số để bán ít rau muống, đu đủ, cà chua, lời được chút tiền chỉ đủ mua thức ăn cho ngày hôm đó... Họ nghèo lắm, vậy mà khi tôi thấy họ bán rẻ, tôi áy náy đưa thêm ít tiền thì họ hoặc không chịu nhận, hoặc kiểu gì cũng phải cho tôi thêm món này món kia. Lúc nào họ cũng có thứ gì đó để cho tôi. Biết bao nhiêu lần như vậy, mà lần nào tôi cũng không khỏi tự hỏi mình: “Nếu mình là bác bán rau kia, bị món nợ cơm áo gạo tiền bám đuổi từng ngày, không có tiền đóng học cho con, không đủ tiền trả hóa đơn tiền điện tiền nước, sửa chỗ nhà dột, mua thuốc cho ba mẹ già..., liệu mình có hào phóng được như vậy không; liệu mình có dám từ chối món tiền dư một cách khảng khái và dễ thương như vậy không, có cố gắng dúi thêm hộp cà chua, quả bắp khi đã bán quá rẻ như vậy không?” Thường thì tôi nghĩ tôi sẽ không làm được. Thế nên, tôi thương và kính trọng họ lắm, thật lòng.

2. Chợ Việt Nam…

Gần nhà tôi có ngôi chợ Việt Nam. Các cô các bác ở đấy chủ yếu là người Việt, cũng có cả vài người Trung Quốc và người Mễ. Ai cũng hiền lành, ít nói, chăm chỉ làm việc. Và tất nhiên, mỗi lần đi chợ này tôi cũng thấy rất hào hứng. Được nói tiếng Việt với người Việt, thi thoảng lại được tặng thêm quả chuối, bịch sữa... ai mà không thích.

Bữa đó, tôi vừa ló mặt vô chợ thì bác gái chị ông chủ chợ đã la lên mừng rỡ, gọi tôi vào.

- May quá, cháu đây rồi. Viết giúp bác cái này với.

Chẳng là, cái xe ô tô của bác ấy không may bị chết máy ở ngay trước chợ, bác ấy đang đợi người tới sửa. Nhưng xe đậu chình ình như thế, bác ấy sợ cảnh sát cho người kéo xe đi mất, thì phải nộp khá nhiều tiền. Bác ấy muốn viết một câu tiếng Anh, đại ý là nói với ông cảnh sát nào đi ngang qua rằng: “Xe tôi bị hỏng, sẽ có người đến sửa ngay. Làm ơn đừng kéo xe tôi đi mất.” Thế nhưng cả bác ấy lẫn mấy cô chú nhân viên xúm xít lại cũng không biết viết thế nào cho xong. Tôi nhìn câu tiếng Anh bác ấy vặn vẹo cả tiếng mới ra được mà muốn ứa nước mắt.

Ra là thế...

Bác ấy không nghèo. Ở Mỹ này mà trong gia đình có người mở chợ làm ăn phát đạt như vậy là thuộc hàng khá giả, ông chủ chợ cũng đối xử rất tốt với bác. Bác ấy ở đây cũng đã được mấy chục năm, và vẫn không thể viết tròn một câu tiếng Anh đơn giản. Vì suốt ngày bác chỉ có quanh quẩn từ nhà ra chợ, từ chợ về nhà, cùng lắm là đi lấy mấy mối hàng của người Việt ở vùng khác. Không rành tiếng nên không dám đi đâu xa, không biết văn hóa nên đi đâu cũng sợ bị coi thường, sợ bị lạc lõng. Và vì thế mà lại càng không rành tiếng, không biết văn hóa cái nước Mỹ nó ra làm sao... Và các cô bác nhân viên trong chợ thì lại càng không rành tiếng Anh; có thể nói tên rau, cá, giá tiền và mấy câu đơn giản... nhưng viết thì được vài chữ là hết vốn.

Tôi viết xong hai câu tiếng Anh ngắn ngủn mà bác ấy cứ xuýt xoa khen giỏi, cứ như thể vừa thấy tôi nhận được bằng tiến sĩ vậy. Tôi chẳng biết nói gì hơn, chỉ biết đưa bác ấy số điện thoại, bảo khi nào cần viết gì hay nói chuyện gì với ai mà cấp kíp thì gọi cho tôi.

Rồi có bữa gần Tết Nguyên Đán, tôi tung tảy ra chợ, mua một đống đồ để chuẩn bị gói bánh chưng bánh tét và làm mấy món Tết cổ truyền của Huế. Lúc tính tiền, có một bác nhân viên mới tôi chưa gặp bao giờ chạy đến. Bác ấy già, người nhỏ thó và gầy gò, khuôn mặt hiền và khắc khổ khiến tôi không khỏi liên tưởng đến mấy chú đạp xe xích lô ở Huế. Bác hỏi:

- Con có xe ô tô không mà mua nhiều thế?

- Dạ con đi bộ, nhà con gần lắm.

- Trời ơi, sao xách nhiều zậy mà đi bộ được con?

- Dạ, con đi được, con tập thể dục luôn.

- Để đấy bác chở con về nhà.

Bác ấy không để tôi nói gì thêm, quầy quả xách đống đồ tôi chạy ra xe. Tôi đành cun cút chạy theo, miệng liên hồi không sao không sao, cứ để cháu đi bộ. Thế rồi bác ấy chở tôi với đống đồ về nhà, rồi còn xin lỗi mấy lần là bác phải vội quay lại chợ làm việc nên tôi chịu khó tự xách đồ lên lầu. Tôi đứng nhìn bác tất tả đánh xe đi mà vừa thương vừa cảm động, lại băn khoăn tự hỏi bác ấy không nói không đọc được tiếng Anh, không biết đi thi learner’s permit[2]  kiểu gì, thi road test[3]  ra làm sao... Chỉ mong cho con cái bác ráng làm việc giỏi giang cho ba mình đỡ cực.

3. Malku…

Tôi rất thích đi bộ ở quảng trường Copley khu trung tâm Boston, và thích vào Boston Public Library (Thư  viện Cộng đồng Boston). Vì ở khu đấy, cái gì cũng xinh, cũng thanh cảnh, cũng “Boston” lắm. Và thư viện thì đẹp mê li với bao nhiêu là sách hay; chỉ ngắm thôi, chưa cần đọc cũng đủ thấy sướng.

Chú Malku và những chiếc vòng xinh xắn chú tự đan


Cách đây mấy bữa, khi tôi đang thả bộ trên đường đến thư viện, thì bỗng thấy có một chú người Mỹ La-tinh đang bán rất nhiều vòng đeo tay đan bằng chỉ màu ở trên vệ đường ngay trước thư viện. Đang nóng ruột vì còn nhiều việc phải làm xong hôm ấy nên tôi tính đi qua luôn, nhưng rồi tôi nhác thấy có rất nhiều chiếc vòng được tết tạo hình thành tên nhiều nước khác nhau. Tò mò, tôi ghé vào hỏi xem chú có làm vòng tết chữ theo yêu cầu không, định bụng là nếu rẻ thì đặt chú ấy cái vòng có chữ Việt Nam. Tôi nhìn thoáng thì thấy có tên khoảng vài chục nước, thế thì chắc chẳng có tên nước mình đâu. Thế mà, hóa ra chú ấy có sẵn tận hai chiếc vòng có chữ Việt Nam, được đan theo màu cờ Việt Nam hẳn hoi. Và giá mỗi chiếc chỉ $5. Chú ấy còn bán bao nhiêu vòng đeo tay với đủ mẫu mã rất xinh xắn, hoa văn kiểu Mỹ La-tinh với giá chỉ $3 một chiếc. Nhìn những chiếc vòng được đan tỉ mỉ và nghe chú ấy nói giá mà tôi thấy ái ngại, không biết một ngày trần mình giữa nắng thế này rồi bán được bao nhiêu chiếc đây. Thế là tôi bảo, để đấy cháu mua một ít, vừa đeo vừa tặng, chả mấy chốc mà hết. Vừa lựa vòng tôi vừa hỏi chuyện chú ấy. Bằng thứ tiếng Anh bập bẹ, chú bảo chú tên là Malku, đến từ Ecuador, làm nghề đan vòng tay cũng đã được 10 năm nay rồi.

Tôi lựa một mớ, cứ đinh ninh là mình mang theo đủ tiền mặt. Đến lúc trả tiền mới thấy thiếu. Tôi bảo để tôi trả bớt hai chiếc là tròn tiền, nhưng chú Malku cứ thừ người ra có vẻ buồn buồn. Hình như không phải chú buồn vì tôi không mang theo nhiều tiền hơn, mà vì tôi sẽ không được lấy tất cả những chiếc vòng tôi thích. Chú bảo:

- Cháu trả một chiếc được rồi. Chiếc này chú tặng.

- Không, ban nãy lúc cháu lựa vòng chú đã bớt tiền rồi. Chú bán rẻ thế này mà đã bớt lại còn tặng.

- Không không, cháu lấy đi. Quà của chú mà.

Tôi thấy áy náy vô cùng, đã không trả được thêm tiền thì thôi, lại để chú ấy bán rẻ thế này. Vừa lúc ấy có khách đến hỏi mấy chiếc vòng được đan có vẻ công phu hơn; chú Malku như chợt nghĩ ra cái gì, bảo tôi đứng đợi chú bán xong cho người kia, đừng có đi. Vòng ấy giá gấp đôi cái vòng chú vừa tặng thêm tôi. Xong xuôi, chú hồ hởi chỉ vào mấy cái vòng ấy, bảo:

- Cháu lấy vòng này đẹp hơn này, chú đan vòng này lâu lắm.

- Thôi cháu lấy vòng này được rồi, cháu thích vòng này mà.

Chú Malku nhất định không chịu, chọn lấy một cái vòng đẹp nhất trong số, giúi vào tay tôi. Tôi thực lòng là thích cái vòng đang cầm ở tay hơn dù rẻ hơn, nhưng chú nhiệt tình quá nên tôi cũng đành lấy. Lúc tôi trả lại chiếc vòng rẻ hơn, chú xua tay quầy quậy, bảo tôi lấy cả hai chiếc vòng đi, đấy là quà của chú. Tôi tí nữa thì la to lên, bảo trời ơi chú làm ăn thế này lấy đâu ra lời. Đẩy qua đẩy về một hồi không xong, tôi đành thở dài bảo:

- Thôi, cháu trả vòng không được, thì chú ngồi xuống đấy. Cháu sẽ chụp ảnh chú, rồi đưa lên Facebook của cháu, bảo bạn cháu đến mua vòng của chú nhé. Chú phải cười tươi vào...

Cầm mớ vòng đủ màu sắc trên tay, chào chú Malku mà tự dưng tôi thấy chút gì như hụt hẫng. Tôi ước tôi làm được điều gì đó nhiều hơn cho chú ấy. Tôi chỉ có thể mua vòng; và chú, một người chỉ biết nói “broken English”[4], không biết đọc biết viết chữ tiếng Anh nào, không biết đã bằng cách nào và khổ sở ra sao mới đặt chân được lên đất Mỹ này, đã tặng quà cho tôi ba lần chỉ trong vòng ba phút.

Thôi thì, viết những dòng tâm sự kể lể này về chú Malku để mọi người biết chú mà đến mua vòng tay tết chỉ; về mấy cô bác ở chợ Việt Nam, ở Haymarket để mọi người biết họ dễ thương thế nào... cũng là một cách khiến tôi cảm thấy dễ chịu hơn vậy.

*

Boston, có lẽ, với mỗi người mỗi khác. Mỗi người sẽ giữ trong mình một hình ảnh Boston với một thần thái riêng. Đó là những phần linh hồn của vùng đất này mà mỗi người, bằng cái duyên của mình với Boston, sẽ cảm nhận được theo cách riêng của mình. Với tôi cũng vậy, có những mảnh ghép của thành phố đáng yêu này mà tôi may mắn được nhìn thấy, những phần hồn mà tôi may mắn được chạm vào...

Trước khi sang đất Mỹ, Boston với tôi là một thành phố mà chỉ mới nghe thấy tên thôi đã thấy chất tri thức lấp lánh lắm rồi. Ở đó có Harvard, có MIT, có ngôi trường xinh đẹp của tôi... Còn giờ đây, tôi chắc một điều rằng, hình ảnh Boston mà tôi mang theo khi về Việt Nam sau này sẽ khác hơn một chút. Những con người bình dị, lam lũ mà vô cùng nồng hậu kia sẽ là những gì tôi nhớ nhất về Boston của mình. Họ, tưởng như không có gì trong tay, tưởng như thiếu thốn rất nhiều; lại có thể tặng tôi quá nhiều điều quý giá. Tình thương yêu và lòng rộng rãi, từ ái là thứ ngôn ngữ mạnh mẽ nhất để kết nối người với người. Và đó cũng là những món quà mà ai cũng có thể dành tặng cho nhau, ai cũng muốn được người khác tặng mình. Nhưng tất nhiên, sẽ khó khăn hơn rất nhiều để bạn biết rằng mình luôn có trong tay những món quà vô giá đó mà trao tặng, khi cuộc sống cứ ném vào bạn muôn vàn trắc trở. Những con người đáng yêu ấy, không vì những trắc trở kia mà quên đi sự hồn hậu tự nhiên đến như hơi thở của mình. Họ không khác những người lao động chân chất ở nước Việt Nam xa xôi của tôi là bao. Tôi yêu quý và trân trọng họ có lẽ không mấy khác những o bán rau, những bác bán đậu phụ ở các góc chợ quen thuộc của tôi nơi quê nhà.

Và với tôi, họ là Boston. Với tôi, họ là nước Mỹ.

3 điều thú vị của Boston:

- Từ đầu thế kỷ 20, Boston được xem là “thánh địa” văn hóa và trí tuệ của nước Mỹ, được gọi là “Athens of America”.
- Khi nhắc đến Boston, thường người ta không chỉ nói đến thành phố Boston mà gộp luôn cả các thành phố lân cận như Cambridge, Somerville, Quincy, v.v... Cách gọi đầy đủ của khu vực này là Vùng Boston Mở rộng (Greater Boston). Bởi vậy, nhiều địa điểm nổi tiếng thường được biết đến là ở Boston thực chất lại nằm ngoài thành phố Boston. Ví dụ, hai trường đại học nổi tiếng thế giới là Harvard và MIT thực chất nằm ở thành phố Cambridge.
- Boston Common là công viên công cộng đầu tiên của nước Mỹ.
3 nơi nên thăm khi đến Boston:
- Copley Square và Boston Public
- Quincy Market - Faneuil Hall
- Boston Common - Boston Garden - Trail of Freedom
Vài nhận xét về điều kiện sống ở Boston:
Boston thuộc vùng New England, một trong những vùng rất lạnh của Mỹ về mùa đông. Thời tiết mùa hè không quá nóng. Mùa xuân và mùa thu ở đây rất đẹp - mùa xuân với cỏ cây hoa lá tưng bừng và mùa thu với lá vàng lá đỏ trùng điệp rất thơ mộng.
Boston là một trong những thành phố có điều kiện sống đắt đỏ nhất Mỹ. Việc tìm nhà thuê thường không dễ dàng và khá mất thời gian, nhất là trong các tháng 7, 8, và 9 khi sinh viên đổ về Boston chuẩn bị cho học kỳ mùa thu.
Phương tiện công cộng ở Boston khá tốt và thuận tiện. Có thể dùng xe buýt hoặc tàu điện ngầm để di chuyển đến hầu như tất cả các khu vực trọng điểm của Boston và các thành phố lân cận. Hệ thống commuter rail (tàu đi ra các khu vực ngoại thành) cũng rất tốt và nhanh, nhưng giá cả đắt hơn giá xe buýt và tàu điện ngầm đáng kể.


C.H
(SDB14/09-14)

............................................
[1] Trolley - loại xe người Mỹ thường dùng để đi mua hàng lúc phải đi bộ và mang vác nhiều.
[2] Kỳ thi lý thuyết lấy bằng lái xe ô tô, xe cơ giới ở Mỹ.
[3] Kỳ thi thực hành lấy bằng lái xe ô tô, xe cơ giới ở Mỹ.
[4] Tiếng Anh “bồi”, bập bẹ và sai ngữ pháp.


 

 

 

Các bài mới
Con đường thơ (03/11/2014)
Các bài đã đăng
Hoa Không (13/10/2014)
Tóc mây (10/10/2014)