Tạp chí Sông Hương - Số 308 (T.10-14)
Tác phẩm mới tháng 10/2014
15:33 | 17/10/2014

JACK LONDON, CON SÓI CÔ ĐƠN, tác giả Arthur Calder - Marshall, Vương Kiều dịch, Nguyễn Tiến Văn nhuận sắc, Nxb. Thuận Hóa, 2014.

Tác phẩm mới tháng 10/2014

Một lần nữa chúng ta lại đặt câu hỏi: Nhà văn rút tỉa thế giới như thế nào để có được sức mạnh sáng tạo? Đọc Jack London, con sói cô đơn chúng ta có được câu trả lời cho câu hỏi đó. Cuộc đời đầy bi tráng, đầy dấn thân, đầy trách nhiệm và đầy khát khao vượt thoát của nhà văn vĩ đại Jack London được mở ra qua từng trang sách. Đó là một cuộc đời hòa trộn giữa nghệ sĩ - triết gia - cách mạng - đạo tặc. Tình nghệ sĩ, sự thông thái, khát khao dấn thân và khát vọng kiến thiết lại thực tại là những gì chúng ta thấy trong sinh mệnh của nhà văn vĩ đại này. Và thực sự trong những tháng ngày hiện hữu đầy khốc liệt, Jack London đã không để thế giới rút tỉa mình, đã không bao giờ là một cá thể trang nghiệm của xã hội, mà ngược lại, ông luôn tìm cách rút tỉa thế giới để biến thành sáng tạo, một quyền năng chỉ dành riêng cho những kẻ thượng thừa.


GAI SEN (thơ) tác giả Trần Tịnh Yên, Nxb. Thuận Hóa, 2014. Trước hết, Gai sen bắt đầu bằng một sự kết hợp hình ảnh lạ: Cánh đồng sau phiên gặt/ Máu trên những luống cày đã ngủ đông…”. Cứ thế, những hình ảnh lạ sinh ra những cách nhìn lạ của thi sĩ với cuộc đời, với lòng người và với ngoại cảnh. Thơ Trần Tịnh Yên, bằng sự bóng bẩy của ngôn ngữ, nhà thơ dường như đang muốn hướng tới một cuộc sống khác, vượt lên sự trần trụi của không gian lưu trú trước mắt để mở ra một không gian thẩm mỹ mới. “Con diều giấy bay trong mộ gió/ Hồn vía về đâu/ Giữa va chạm bốn mùa/ Những tần số âm dương vô cực…”. Sự chắt lọc và ghép nối hình ảnh trở nên có sức mạnh trong sự biểu đạt ý niệm, đó là sự chênh chao giữa cái có thể nhìn thấy được và những hình ảnh tượng trưng cho những điều không thể nhìn thấy.


DẤU QUE (thơ), tác giả Khế Iêm, Nxb. Thuận Hóa, 2014. Là người sáng lập và chủ biên Tạp chí Thơ (1994 - 2004), chủ biên Tạp chí online Câu lạc bộ Thơ tân hình thức từ năm 2004, Khế Iêm được xem như là người có vai trò quan trọng nhất trong việc quảng bá thơ Tân hình thức vào Việt Nam hiện nay. Theo như Lời nói đầu thì Dấu quê chính là hành trình của ký ức, những nét vẽ nguệch ngoạc một nẻo đường mang ý nghĩa: chúng ta thúc đẩy phải ra đi bởi vì vẫn ám ảnh có một chỗ quay về. Đọc Dấu quê người ta biết được sức mạnh của quê hương trong tâm thức người con đất Việt, đó là một sức mạnh tựa như suối nguồn nuôi dưỡng chính bản thân con người, để người con đất Việt có thể vượt lên những khốn khó ở đời. Cảm nhận về Dấu quê, Tom Riordan viết rằng: “Chúng ta thảy đều từng bị đuổi khỏi nhiều nơi chốn, khởi đầu là khỏi tử cung người mẹ, và rồi vào một thời điểm nào đó khỏi tuổi thơ. Chúng ta đã từng lìa khỏi những nơi, những ngôi nhà, những thành phố những quốc gia. Những gì chúng ta còn lại là những hồi ức của một bản ngã xưa cũ…”.


ĐÊM CỎ TUYẾT (truyện, thơ, tiểu luận), tác giả Kiệt Tấn, Nxb. Hội Nhà văn, 2014. Thế giới của Kiệt Tấn là thế giới được ghép nối một cách tài hoa giữa những gì có thật và những gì thuộc về hư cấu. Đọc ông, đôi khi chúng ta được trôi về những ký ức của một không gian sống xa xưa. Sự chấp chời giữa cái cũ và cái mới, giữa những điều có thật và những hình ảnh hư cấu đã làm nên phong cách của Kiệt Tấn. Theo Thụy Khuê thì với những ai đã quen với bút pháp Kiệt Tấn thì sẽ “không còn bỡ ngỡ với lối nói thẳng toẹt, chẳng cần giấu giếm, phanh phui từ tình cảm đến thân xác: thân xác mình, thân xác người đối diện, không chỗ nào từ…” Tất nhiên lối nói thẳng toẹt ấy lại tạo nên những trang sách đẹp đầy khơi gợi về sức mạnh của nhục thể. Văn phong trở nên có một sức hút kỳ lạ.


NGƯỜI TÙ THÔNG MINH (truyện ký), tác giả Nhất Lâm, Nxb. Hội Nhà văn, 2014. Nhất Lâm là một nhà văn viết đều tay. Văn chương của ông thường pha trộn giữa nhiều thể loại với nhau. Người tù thông minh là sự hòa trộn giữa ký và truyện. Là sự đan xen giữa những ký ức có thật của một nhà văn từng trải, giàu vốn sống và sự hư cấu làm nên một chỉnh thể tác phẩm. Đọc Nhất Lâm, bạn đọc có được nhiều kiến thức về văn hóa của nhiều vùng đất mà tác giả đã kinh qua trong những tháng ngày ông lao vào cuộc sống. Đó là những con người, những mảnh đất gánh nhiều đau thương của chiến tranh và thời cuộc biến đổi. Đọc Nhất Lâm ta thấy đó là một nhà văn không bao giờ thoát ly khỏi cuộc sống, sự quan sát và khả năng miêu tả của ông đưa đến cho bạn đọc những trang văn ngập tràn sự kiện, đó là những sự kiện có thật và tất nhiên đó cũng có thể là những sự kiện mang tính hư cấu của nhà văn.  

(SH308/10-14)





 

Các bài mới
Một thoáng Huế (30/10/2014)
Các bài đã đăng
Dao (17/10/2014)