Tạp chí Sông Hương - Số 308 (T.10-14)
Cảm thức cô đơn
14:30 | 20/10/2014

TRẦN TRIỀU LINH

(Đọc Đi ngược đám đông - Thơ Đông Hà, Nxb. Thuận Hóa, 2014)

Cảm thức cô đơn

Con người sinh ra đã trở thành kẻ liên can và nhập cuộc kể từ khi bị quẳng ném vào xã hội. Thông thường, con người luôn có khát vọng nối kết mình với tha nhân để thoát khỏi sự vây khốn của nỗi cô đơn nhưng càng nuôi khát vọng đó, con người càng lún sâu vào cô đơn. Khi không thông hiểu được tha nhân, con người quay trở lại tự vấn chính mình, tự nói với mình và tự khóc với mình.

Đi ngược đám đông cũng có nghĩa là đi đến ốc đảo của sự cô đơn, quay mặt lại với đám đông để mong tìm đến cái khác, cái lạc loài và tất nhiên ở đây, thơ và nhà thơ đang đi vào địa hạt của sự cô đơn, sự cô đơn sâu thẳm luôn hiện hữu trong những kẻ khát sống, khát yêu và khát thông hiểu thế giới.

Khi nhà thơ đi ngược đám đông thì tất nhiên nhà thơ phải tự nói với chính mình, nghĩa là phải độc thoại nội tâm, thậm chí phải phân thân để có được những cuộc thoại cho thơ hình thành. Trước hết, trong hành trình tìm về với chính mình, Đông Hà bắt đầu bằng những câu hỏi về thời gian, về sự hiện hữu, về những giới hạn và về những vô hạn của sự hiện hữu:

“Hề chi hề chi
chỉ cần tích tắc
cũng thành trăm năm
chỉ cần nước mắt
cũng thành phúc âm…”


Đó là sự ám ảnh khôn nguôi về thời gian và hơn nữa là về thân phận của những kẻ đi ngược lại với niềm vui, khước từ niềm vui để cho nước mắt trở thành nơi khởi đi của thơ và của lòng mình.

Xuyên suốt Đi ngược đám đông là những lời nói của T. T ở đây là một nhân vật, là một ký hiệu và cũng có thể là một cái cớ để nhà thơ tự nói với chính mình. Ở đây, T không rõ hình dạng, T được tẩy trắng, T hiện hữu thông qua ngôn ngữ và những hình ảnh sinh ra từ ngôn ngữ, ngôn ngữ của T là ngôi nhà giúp T lưu trú để T tự bày tỏ lòng mình, để T tự vấn mình, tự trình ra những xúc cảm cô đơn sâu thẳm trong mình.

vậy mà cũng gọi thành tên
thuyền quyên ứ hự… thả trên tay người
anh đau một chuyến nghi ngờ
T về hái thuốc ngồi chờ kiếp sau…


Trên hành trình truy tìm chính mình, đôi khi T vẫn không dứt khoát được với sự vẫy gọi của tình yêu. T vẫn khát yêu, vẫn khát vọng hướng tới tình yêu, hướng tới những bến bờ khác, những bến bờ không có mưa rơi và có lẽ đó cũng chính là những bến bờ không có nước mắt.

Như nửa chiều bên này tầm tã mưa rơi
anh đi bên kia sao sợ lòng T ướt…


Thơ, nói cho cùng cũng chính là nơi bày tỏ nỗi lòng nhà thơ. Trong sự ồn ào cách tân thơ hôm nay, thơ phần nào trở lên sáo mòn và rỗng nghĩa bởi chúng đi ra từ ngôn ngữ của những người làm thơ thiếu cảm xúc, thiếu sự khát sống và yêu thương cuồng nhiệt. Thơ Đông Hà không rơi vào bi kịch này. Có thể thấy rằng những dấu vết truyền thống trong thơ Đồng Hà cũng chính là thái độ của nhà thơ trong việc lựa chọn cho mình một lối viết không hòa chung vào những người ưa cách tân. Vì thế, thơ Đông Hà luôn chứa đựng những cảm xúc thực, những cảm xúc đi ra từ chính những vết thương đến từ sự va đập của nhà thơ với đám đông, với thế giới và với chính lòng mình.

Trên hành trình đi ngược đó, đôi khi T muốn quay lại để réo gọi tha nhân. T muốn nghe thấy tiếng nói của tha nhân để không rơi vào hố thẳm của sự đơn độc nhưng tiếng gọi không có tiếng trả lời, tiếng gọi rơi hút vào mênh mông.

Gọi gì cũng không lời động vọng
T nghe thương nhớ cứ xoay vòng
mỏi mắt chớp đời ơi biển động
đâu là mình giữa mênh mông…
“Đâu là mình giữa mênh mông…”
- Câu thơ như xô đẩy người đọc cùng với T trượt trôi vào nơi sâu hút của cô đơn, người đọc và T dường như không trốn chạy sự cô đơn nữa mà đang thụ cảm sự cô đơn như những kẻ phi lý thụ hưởng cảm thức phi lý ngay trong chuỗi hành trình tồn tại trên thế gian đầy rẫy những phi lý.

Và sự xô đẩy đến tận cùng cô đơn đã sản sinh ra những hình ảnh thơ lạ, lạ nhưng lại gần gũi bởi chúng được làm nên bởi những cảm xúc thực sự, những xúc cảm không dối lừa hay làm dáng:

Gọi gì cũng không lời động vọng
T treo thương nhớ dưới hiên nhà


Khi tha nhân không đáp trả những tiếng gọi, khi cuộc đời ai cũng có những chiêm bao riêng cho mình thì T chỉ biết đưa mình bước vào những giấc mơ. Và chính điều này khiến ta nghĩ tới những lý giải mà phân tâm học của Sigmund Freud đã chỉ ra: Giấc mơ chính là những xung năng không được giải phóng khi ta thức… Khi những khát vọng yêu thương không được giải phóng T đưa mình vào nơi sâu hút của giấc mơ. Trò chuyện với những giấc mơ, trong mơ, T tưởng mình gặp được tha nhân để cùng mình hoan lạc với những nỗi niềm ấy, và cứ thế T đu mình theo những giấc mơ và ảo ảnh:

T đã mơ

nên chiều qua mưa như giông
nên lòng ai như không
như không và mơ và gặp

T đã gặp…


Thơ trở nên tối giản, để lại những khoảng trắng, khoảng trống trong lòng ngôn ngữ để vẫy gọi người đọc cùng với nhà thơ cảm nhận sự im lặng của cuộc đời. Và có lối yêu thương nào được mở ra không khi trong cơn lốc xoáy T chơ vơ giữa ngã ba đường… Và khi cuộc đời trần trụi không cho T hơi ấm, không mở lối yêu thương để T cuống quýt và đam mê thì T tìm tới với tâm linh, tìm tới thế giới của sự giải thoát, của cái không, của những điều vô hình.

Như bữa này T lên chùa thỉnh kinh
hồi chuông nói rằng mây đang xuống núi
T mở hầu bao mua núi chở về…


Nhưng có giải thoát được không khi lòng T quá rộng, trái tim T quá nhạy cảm với cuộc đời. Tưởng như quay mặt lại với đám đông nhưng T luôn réo gọi, lòng T luôn réo gọi, những vết thương trong T luôn réo gọi, T mong có tiếng nói bên sông đáp trả mình. Và vì thế mà T lại chấp chới giữa đôi bờ yêu thương, đôi bờ thiện ác, đôi bờ đêm đen, đôi bờ ánh sáng:

Bên này sông là đêm
bên kia sông là tối
T lội giữa dòng chập chững không trôi…


T sẽ về đâu trong cuộc lữ này? T đến từ đâu? T trôi dạt hướng nào? T chính là ai? Đó là những câu hỏi chúng ta không thể trả lời được và có lẽ không cần thiết phải trả lời, bởi T là thơ và thơ thì thường thế, mộng mơ nhưng không rõ hình thù. Chúng ta chỉ biết rằng khi tha nhân không đáp trả, khi cuộc đời ai cũng bận bịu với những chiêm bao của mình thì T sẽ lại một mình đi ngược đám đông.

T.T.L  
(SH308/10-14)






 

Các bài mới
Một thoáng Huế (30/10/2014)
Các bài đã đăng
Cháy (20/10/2014)
Dao (17/10/2014)