LGT: Đối với Lê Văn Ngăn, “thơ ca là một tín ngưỡng”. Đó không phải là một hình thái văn chương cao sang để trau chuốt vẻ cô đơn, hoặc đánh bóng sự hiện diện của nhà thơ.
Đơn giản đó là nơi gặp gỡ giữa thơ ca và nhân vật chính của mình, những con người có số phận không may, xa lạ với cõi phù hoa, lạc lõng giữa các biện pháp tu từ. Vì thế, xuyên suốt qua các tập thơ của anh, chúng ta đều nghe được tiếng nói riêng biệt của lương tri và lòng trắc ẩn như một diễn ngôn của tín ngưỡng anh đã chọn. Dòng thơ của anh pha trộn tính chất văn xuôi để có thể dễ dàng kể lại những câu chuyện rất bình thường của cuộc sống; những mái hiên người hành khất nằm, con đường đầy bất trắc của kẻ chạy trốn, đốm lửa tàn của đám lưu dân, vực thẳm của người bất hạnh… Họ là một phần cuộc sống của anh nhưng mang một dáng dấp khác. Có lẽ, nói như Octavio Paz, tính chất văn xuôi đó đã làm cho thơ Lê Văn Ngăn có tính cách đích thực nhất trong thời đại của mình.
Đã hơn 50 năm làm thơ, thế giới người thi sĩ nhìn thấy đã đổi thay nhiều, đức tin đã khác đi, chủ thuyết cũng nhuộm màu, nhưng xem ra qua thơ anh những kiếp người kia vẫn chưa hết vận hạn. Một nhà thơ khá quen thuộc với Tòa soạn Sông Hương tâm sự: mỗi lần đọc thơ Lê Văn Ngăn lại có những cảm xúc khác nhau (xem “Tiếng hót của loài Dạ Oanh” đăng cùng số báo).
Vậy là, cái thế giới thi ca Lê Văn Ngăn cảm nhận, chuyển hóa đã là một cuộc sống vì đang được tiếp nối và báo trước cho sự xuất hiện một tác phẩm của tương lai. Một sự tiếp nối nhiều thế hệ của giềng mối cảm xúc. Ở đây, sự tiếp nối ấy đến từ một vẻ đẹp tưởng chừng mong manh ẩn giấu dưới những câu thơ đọc lên nghe rất giản dị và gần gũi, tựa như oxy của cuộc sống.
PHẠM TẤN HẦU
Nhà thơ Lê Văn Ngăn | ký họa Đinh Cường và Bửu Ý |
LÊ VĂN NGĂN
Giới thiệu
Mẹ tôi sinh tôi ra dưới đáy xã hội
nuôi tôi lớn lên dưới đáy xã hội
Từ dưới vực sâu, tôi thường nhìn thấy một mảnh trời xanh ở trên cao
lắng nghe tiếng guốc vọng về từ dòng thời gian xa tắp
ước mơ một cảnh đời sáng tươi không phải của mình.
Mẹ tôi sinh tôi ra dưới đáy xã hội
nuôi tôi lớn lên dưới đáy xã hội
Bao nhiêu năm, qua bao nhiêu chiều nắng tắt, bao nhiêu mùa phượng hồng
mẹ vẫn lấy chữ nghĩa trộn với mồ hôi của mình
bện thành một chiếc thang vượt thoát.
Con ạ, đây là chữ nghĩa, mồ hôi và chiếc thang vượt thoát
con mau thoát khỏi cảnh sống tối tăm nầy
còn mẹ, mẹ không còn đủ sức để đi xa hơn nữa.
Giờ đây, tôi đã leo lên bờ vực tối, sống ngang hàng giữa mọi người
nhưng ở dưới xa, mẹ tôi vẫn một mình nằm lại
Hy sinh, tôi thường đọc thầm hai chữ ấy mỗi lúc đi qua các thương trường
để tin vẫn còn những người biết quên hạnh phúc của riêng mình
để nhớ đôi chút kiến thức của tôi vốn sinh ra
từ một người mẹ không biết chữ.
Giờ đây, trong những dòng chữ tôi viết giữa đêm khuya
dường như vẫn lấp lánh nước mắt của người đã khuất.
Không phải như thế
Riêng tặng Thái Ngọc San
Không phải chỉ một mình tôi dưới rặng thông đêm
vì bên tôi còn có tiếng chân em dẫm lên mặt đường mười năm trước
vì bàn tay tôi còn nguyên cảm giác khi chạm vào tà áo em mười năm trước.
Không phải chỉ một mình tôi trở về căn phòng trọ
ngồi lại bên ngọn đèn và trang sách mở
Ngỡ như em sắp thức dậy nhen lửa trong tiếng mưa khuya
đem tặng tôi ly cà phê rất nóng
Luôn luôn, em biết chế biến mọi chất đắng có thêm vị ngọt
để pha loãng nỗi phiền muộn trong tâm hồn người
để làm dịu những vết thương trong tâm hồn người.
Không phải chỉ một mình tôi đặt lưng xuống chiếc giường trống trải
Ngỡ như mới hôm qua
em còn cúi xuống thay chiếc áo gối đã nhàu
cười đùa với vài ý nghĩ vừa chợt đến
Phải,
em muốn chỗ nằm cũng phải sạch như cuộc sống những người lương thiện.
Có phải vậy không
hỡi người em thân yêu đang nằm lặng yên trong lòng đất.
Hạnh Phước, người nữ của thành nhiễu nhương
Nhớ không Hạnh Phước, em đã giúp anh chịu đựng
Thị trấn tiêu điều ấy
Con đường liên tỉnh ấy
Những chiến xa mịt mù bụi đỏ
Cũng có khi trời u ám
Hàng cây muối trổ bông
Và ở tấm màn che hiện em bước ra
Chiều mới lại sau giấc ngủ
Nhớ không Hạnh Phước em không còn đi trên đô thị ấy
Không còn nụ cười soi vào tâm gương
Bão cát di chuyển trên trời và cổng trường anh đứng đợi
Cũng không còn căn phòng dưới thấp
Anh ngồi lắng nghe tiếng giày
Nơi đây
Mặt trời không soi tới
Trên mái nhà vô danh ấy thường khi có tiếng than van của cành lá
Hôm nào em khóc tức tưởi trên con dốc
Lòng anh đây như đồng cỏ mùa xuân
Thổi dạt một chiều bất tận
Nhớ không Hạnh Phước
Chúng ta hẹn cưới nhau sau khi hết chiến tranh
Mà lời âm vang theo hàng cây muối
còn đưa tới hôm nay
Giờ đây tuy tay anh sắp phải dính máu
Mắt anh sắp phải dò chừng
Nhưng bên kia biên cương thù hận
Em đang giữ tấm lòng anh trong suốt
Hãy giữ hộ anh nền xi măng trong quán rượu
Bàn chân em trắng và má em hồng
Dù những cánh lục bình còn trôi đi mãi
Nhưng tình anh vẫn là tiếng mưa
Giọt thánh thót quanh đời thầm lặng
Hãy giữ hộ anh những cánh quạt chưa quay
Cùng màu áo em tháng chạp
ấm lòng anh đêm nay
anh chẳng biết bao giờ gặp lại
trái cam em đến bên giường bệnh. Tiếng chim kêu
Hạnh Phước, Hạnh Phước
Chỉ có em là đàn bà.
Chỉ có em là đàn bà
Nên mỗi khi nghe tiếng giày trận giẫm lên cát
Anh thấy anh vẫn còn sống
Trái tim đã chìm sâu tận cùng giấc mộng
Thế nào anh cũng trở về
Vì còn gió cố quận gọi cánh ngựa hồ
Vì còn đôi tay em quấn quít
Đêm một thời xưa hoàng lan
Vì em là niềm hy vọng
Nên dù có chạy dưới làn mưa đạn
Anh vẫn tin
Anh vẫn cố gắng sống
Anh vẫn cố gắng sống
Để thấy mây vĩnh cửu trên các cổ tường
Để nhìn em tươi cười ngày đầu thu
Chân bước nhanh nhanh đôi guốc mới
Anh vẫn cố gắng sống
Dù khi sắp sửa ngậm vào miệng tấm thẻ bài
Mắt vẫn mở ra thấy sau màn mưa lửa
Em bước nhanh nhanh
Con đường liên tỉnh bây giờ sẽ nở đầy bông nhược hoa
Em gởi chờ anh lòng trinh tiết
Hạnh Phước Hạnh Phước
Người nữ của thành nhiễu nhương
Em có thấy chút hồn nhiên của thi sĩ
Sắp phải chịu tiêu hủy
Bao giờ nữa, mùi hương khổ ngãi trong tiết lập xuân
Dòng chữ đìu hiu thư viện cũ
Hạnh Phước Hạnh Phước
Người nữ của thành nhiễu nhương
Đôi vú em căng dòng sữa ngọt
Tâm thân anh đắp đời anh bơ vơ
Cảm xúc còn nặng mùi da thịt
Anh bắt đầu thấy trong cõi phù vân
Có Tổ quốc vinh danh văn chương cách mệnh
Vì trong nỗi khổ tâm thầm kín
Em đã chia sẻ
Vì trong cuộc lao tù mình anh nghe âm vang
Em đã mang tới tiếng sóng vỗ bầu trời cao
thiên nhiên hợp xướng
ước chi anh cụt mất một chân
để được đi mênh mông dưới bầu trời rộng
lúc ấy trên đất hứa ngày anh về
ánh mộng vàng lấp lánh
ước chi anh cụt mất một chân
để được nghe tiếng nạng gỗ gõ đều trên mặt đất
cùng nhớ lại dòng nước mắt em
chảy lờ mờ sau cửa sắt.
Sóng vẫn đập vào eo biển
1
Tôi thầm hỏi có phải em đang gửi lòng mình qua sóng biển
nhắn cho tôi biết
rằng nỗi đau đớn em vẫn còn mang nặng
Quy Nhơn Quy Nhơn đồng ruộng mía phía Tây
phất phới vườn bông gòn
những đầm nước mặn
im bóng cửa nhà
Quy Nhơn Quy Nhơn trên thảm nước xanh rờn của thuyền đánh cá và chim én
Buổi sáng hay chiều hôm từng chuyến phi cơ
tìm lòng em đáp xuống
dù em chỉ hiện ra bằng một dấu hiệu, ngọn đèn xanh, cánh cờ đo chiều gió
dù nắng rực rỡ trên các đỉnh đồi
dù mây tháng mười, không ngừng nghỉ, bay về một nơi khác
dù trên cao tôi nhìn thấy em
bình lặng
bày ra từng con đường, từng động mạch, những mái nhà rêu phủ, những chiếc áo cánh trên sợi dây phơi
chẳng phải em thiếu kín đáo, nhưng tôi biết em muốn gửi tới một điều gì
Quy Nhơn Quy Nhơn từng đêm bão cát thổi qua lòng em
và tôi, lặng lẽ dưới mái nhà
căng lòng mình ra như tấm áo
trên tấm áo ấy, bão cát chỉ gây ra lời hy vọng
che chở được em
giờ đây, đoàn quân xâm chiếm, theo từng nhịp cánh quạt ngừng, đổ bộ trên quê hương tôi
đã đặt trước mặt tôi những trại giam
giờ đây tôi không gần được em, nhưng tôi tin
nếu khi trở về thì khi nào tôi đến
em sẽ mở lòng em ra
Lòng em, những mái nhà tranh im lìm, nơi đó một quãng đời cũ
em còn cất giữ
và nếu một cuộc săn đuổi khác bắt đầu
em sẽ tự xé rách lòng em, che dấu những người bất khuất, những người đã gọi em
Quê hương quê hương, nơi trái tim tôi rung động dưới bầu trời sao
nơi tôi muốn nhắm mắt dưới lòng đất quen thuộc
lòng em, không chịu dừng chân ở ngã ba rẽ về liên tỉnh
không muốn rút mình bên này các ranh giới trước tham vọng của kẻ thống trị, em còn muốn
tiếng sóng nơi em bắt nhịp với còi tàu Long Biên
và những vườn hoa bưởi
những vại nước lấm tấm bông cau
cũng có mùi hoa gạo
cho nên tiếng bom nổ ở miền Bắc
dù không nói, tôi cũng biết lòng em chấn động
2
Sóng vẫn đập vào eo biển, chiều nay hay ngày trước
và lòng tôi, theo tiếng sóng của em, cũng chạy dài theo bãi cát
lang thang quanh những vùng yên lặng
dừng chân ở chiếc quán đông người
sóng vẫn đập vào eo biển
tiếng sóng dịu dàng và cương quyết
tiếng sóng chất chứa những gì khiến tôi xác tín một điều
vâng, điều ấy
chẳng có sức mạnh nào lay chuyển được
vâng, điều ấy
giữa những khung cửa đầy bóng tối, hàng me cao
giữa mùi bánh nướng báo tin một ngày quang đãng
giữa tiếng xe thổ mộ lúc bình minh, vẫn còn những kẻ phản bội em
vẫn còn những kẻ từng sống bên em, nay đã mặc cho những kẻ xâm chiếm dày vò
vẫn còn những kẻ man trá, những kẻ thỏa hiệp, những kẻ dã tâm yêu hết mọi giống nòi
vâng, điều ấy
khi bạo lực còn bắt tay nhau
khi bạo lực còn dẫn quân đi nhục mạ quyền làm người
khi ấy, bằng chất liệu gì để rửa sạch thân em
đây là điều tôi dứt khoát
quê hương quê hương, nơi trái tim tôi rung động dưới bầu trời sao
nơi tôi muốn nhắm mắt dưới lòng đất quen thuộc
chết cho tình yêu
đấy là việc của con người
bao nhiêu năm ở gần em, những chiếc phi cơ đáp xuống buổi mai
rời khi trời tối
bao nhiêu năm, những chiếc xe lam, những thỏi đường mới lọc, những bàn tay trong những bàn tay
bao nhiêu năm em chưa trả lời cho tôi biết
nhưng tôi tin
dù nơi nào, trong ngục tù hay giữa cánh đồng
bằng tín hiệu của sóng biển
em vẫn cần gọi tôi về, lấy thân làm vật cản che chở em
3
Quy Nhơn Quy Nhơn, đồng ruộng mía phía Tây
phất phới vườn bông gòn
những cửa hàng lấm bụi, những chiếc ga tạm hoang tàn, những người định cư, những người tứ chiếng
nơi em
quê hương chẳng phải điều trừu tượng
điều ấy, tôi giữ trong lòng
và đi xa em. Tiếng sóng vẫn đập vào eo biển.
Cha và con và ly cà phê buổi sáng
Trời sắp sáng rồi
Con ơi hãy thức dậy
Chúng ta sẽ qua quán cà phê bên kia đường
ngồi với chút yên tĩnh đầu ngày.
Vị đắng trong ly cà phê
không phải vị đắng cuộc đời.
Chúng ta sẽ quên chuyện thế giới đang xếp đặt những âm mưu
những bàn tay bẩn đang đục rỗng dần lòng tin bằng những khoản tiền tham nhũng
Chúng ta biết việc kiếm ra đồng tiền đẫm mồ hôi để nuôi sống gia đình
vẫn là việc nhân đạo.
Những vì sao vừa tắt trên nền trời, vài bông hoa trên cao vừa nở
như thể thời tuổi trẻ dù đã qua đi vẫn không quên gởi về những lời an ủi.
Chúng ta sẽ gắng vượt qua một ngày bận rộn
để có một buổi mai khác, một chút yên tĩnh khác.
Những người bạn và một miền quê
Chúng tôi về Thừa Lưu lúc còn trẻ
Đường đi mở ra bao nhiêu đầm bao nhiêu núi
Niềm hy vọng sáng lên ở chân trời, ngay cả lúc cơn mưa tầm tã.
Chúng tôi sẽ đến một nơi chưa phai nhạt tình người
sẽ gặp một người mẹ, một người em, bữa cơm chiều bên bếp lửa
Sáng mai nào
cây lá quanh vườn xanh ngắt dưới nền trời cuối đông
như thể một mùa xuân đến sớm
như thể qua đôi mắt của tình bạn, đã hiện ra một thế giới khác.
Chúng tôi về Thừa Lưu lúc còn trẻ, lúc chưa trải qua những thảm kịch
cứ ngỡ cuộc đời chỉ gồm những ngày vui kế tiếp.
(SDB15/12-14)
>>
Thơ Lê Văn Ngăn - Tiếng hót của loài Dạ Oanh - LÊ HUỲNH LÂM
Lê Văn Ngăn "Viết dưới bóng quê nhà" - BỬU Ý
Lê Văn Ngăn Nhà thơ không bao giờ lớn tiếng - NGÔ THẾ OANH
Nhà thơ Lê Văn Ngăn từng viết "những bài thơ tôi chỉ sống đôi ngày" nhưng tôi nghĩ thơ ông thật sự đã sống và sống không chỉ đôi ngày - ĐÌNH PHÚ
LÊ VĂN NGĂN: Ký ức về một vẻ thuần khiết - VƯƠNG KIỀU