NGUYỄN ĐẠI GIANG
Tôi nhận được thư điện tử từ Hà Nội: Anh về ngay, mẹ sắp mất. Sửng sốt, thẫn thờ, bàng hoàng vì cách đây một tháng, bà cụ còn khỏe lắm. Hơn nữa còn hai ngày nữa là tết.
Ôi chao, bất cứ gia đình nào trong ngày tết mà có tang được coi là đại kỵ. Nhưng bổn phận làm con, tôi ra đặt vé máy bay, thu xếp hành lý trở về trong sự đau buồn này. Tôi cũng không quên lấy 3 đồng chinh bói một quẻ Kinh Dịch, cùng cầu trời khấn Phật phù hộ cho mẹ tôi qua khỏi. Kết quả quẻ Địa Hỏa Minh Di hiện ra. Quẻ rất xấu với cái ý tóm tắt: “qua sông chặt cầu”, nghĩa là mẹ tôi khó trở lại dương gian.
Về đến Hà Nội, chiều tối 30 tết, phố xá đã lên đèn, rạng rỡ hơn những ngày thường, ngay cả những hàng cây cũng được mặc những cái áo bằng bóng đèn xanh, đỏ, tím, vàng. Nhà nhà đều đóng cửa im ỉm. Phố vắng tanh. Còn rớt lại một vài công nhân làm vệ sinh và dọn rác. Cảnh vật, không gian, và con người đương hoan hỉ chờ đón năm mới với bao niềm hy vọng. Cũng lúc đó đại gia đình tôi đau buồn, đau đớn trước cảnh mẹ chúng tôi từ giã cõi đời này.
Trong căn buồng nhỏ, tranh tối tranh sáng, mẹ tôi nằm bất động. Tóc bà trắng xóa tương phản với khuôn mặt tái xanh của người ốm. Hệt như nước từ thác Bản Giốc đổ ào ào xuống những thớt đá xanh xám sì. Tay bà vẫn còn cầm một tràng hạt màu hạt dẻ niệm Phật. Ba năm trước bà đã quy y tam bảo.
Mười một người con của bà đã về đủ. Từ Mỹ, Úc, Sài Gòn, Hà Nội, đang đứng xung quanh bà miệng lầm rầm vang lên, lúc to lúc nhỏ:
“Nam mô A Di Đà Phật”.
Trước đó khoảng nửa tiếng, bà nhúc nhích cái tay, lần hồi, chầm chậm lấy từ túi áo 200 đôla Mỹ, đưa cho Hiếu, con trai út. Rồi bà xòe hết cả năm ngón tay khẳng khiu như cái quạt giấy, báo hiệu, chúng tôi hiểu rằng: bà chẳng còn giữ cái gì trên đời nữa trước khi “ĐI”. Lúc này bà đã cấm khẩu, lặng lẽ đi vào cõi “Mê”.
Ngọn đèn 100w trên trần nhà hình như tối hơn. Ánh sáng vàng nhạt của nó đang chuyển dần sang mầu đỏ quạch. Ngoài ngõ trời tối mịt. Đây đó tiếng pháo nổ đì đẹt. Ngày mai mở đầu một năm mới thì đêm nay mẹ tôi bước sang một thế giới khác: Thế giới của cõi Âm. Giây phút cuối cùng của một đời người. Trọng thể vô cùng.
Tất cả anh em chúng tôi đều nhận thấy.
Nam mô A Di Đà Phật của mười một con người ầm vang, như tiếng sóng thủy triều ào ào tiến dần vào bờ của biển cả mênh mông. Hết đợt này đến đợt khác, mẹ tôi bắt đầu thở gấp, mắt vẫn nhắm nhưng da mặt ngày càng xám đi... như chờ đợi cái phút “Ấy” đến. Nhưng kìa, tôi không tin vào mắt mình nữa. Cánh tay phải bà động đậy, từ từ dâng cao với bàn tay nhìn rõ những lóng, đốt xương cùng những mạch máu nhỏ li ti. Bàn tay ấy uốn éo như đang múa Chèo, rồi chụm lại chỉ còn ngón tay trỏ hướng lên trần nhà. Bà đang bắt “Quyết”. Đồng hành với nó, cánh tay trái ve vẩy, lúc ngả sang trái, lúc ngả sang phải như đang chèo đò. Cùng nhịp múa, miệng bà phát ra tiếng thanh: ơ, ơ, ơ... Tiếng hát chầu văn mà ngày bé tôi được xem những buổi Hầu Đồng ở đền hàng Quạt.
Cảnh tượng hãi hùng. Anh em chúng tôi, có người khóc réo lên:
- Ối mẹ ơi! Ối mẹ ơi! Mẹ bỏ chúng con rồi... cùng với bè đệm trầm trầm: Nam mô A Di Đà Phật thành một khúc tráng ca tiễn đưa Người, cùng thần Chết đi nhanh về cõi vô cùng.
Tay vẫn múa, miệng vẫn: ơ,ơ,ơ nhưng nét mặt mẹ tôi tỏ ra lo lắng, sợ hãi như nhìn thấy những âm binh về bắt bà, hay bà nhìn thấy rất rõ chân dung khủng khiếp của thần Chết??
Chúng tôi càng khóc to và niệm Phật nhanh hơn. Nó gần như đoạn kết của đêm 30 tết này: Mẹ tôi sẽ buông tay xuống. Im lìm chấp nhận cái Chết.
Ơ kìa, quả thực tay bà đã buông xuống. Bàn tay đã chắp lại trên mặt chăn bông. Vẻ mặt lấy lại sự thanh thản, mặt ửng hồng hơn trước. Xóa dần những vết nhăn của sự hoảng loạn trước cuộc Tử Ly. Chợt miệng bà mấp máy. Rồi chúng tôi đều nghe thấy câu đầu tiên sau khi “cấm khẩu”:
- Trời cho sống rồi. Trời cho sống rồi.
Kèm theo câu nói, bà dần dần mở mắt. Nhìn thấy các con khóc, bà còn nói:
- Trời cho sống rồi. Việc gì phải khóc.
Quả thực, miệng tôi vẫn: Nam mô A Di Đà Phật, nhưng có cảm giác rờn rợn trước thay đổi cực kỳ đảo ngược của mẹ tôi. Từ trạng thái lạ lùng “cấm khẩu” rồi ơ, ơ, ơ rồi lại nói được.
Chưa chắc chính mẹ tôi nói, mà có ai mượn xác, nói thay cho bà?? 10 phút sau trôi qua, mẹ tôi vẫn nằm, nhưng lưng đã tựa vào gối cao. Mắt bà nhìn chúng tôi một lượt. Bà nhìn chung quanh căn buồng. Bà nhìn xuống hốc tối gầm giường, rồi vụt một cái bà nhìn lên trần nhà. Chỗ đó ánh điện không lan tới, tạo một khoảng tối, mờ mờ ảo ảo thật trừu tượng, quái đản như tranh của danh họa Eduar Munch.
Mẹ tôi giơ cả hai tay xua đuổi, hình như bà nhìn thấy những Âm binh về bắt Bà. Và chỉ có mẹ tôi nhìn thấy. Còn chúng tôi không nhìn thấy gì - ngoài một góc tối huyền bí lạnh lùng, sờ sợ.
Tay xua đuổi, miệng bà hét to:
- Đi. Đi. Trời cho tôi sống rồi.
- Đi. Đi. Trời cho tôi sống rồi.
Cùng lúc đó, khoảnh khắc đó, lũ chó bên hàng xóm đồng loạt tru lên trong đêm đen như mực. Tôi nghe thấy Thắng, em rể, vì trong buồng đông người quá nên Thắng đứng ở sân. Thắng người to lớn bị kẻ nào đó bóp cổ kêu thảng thốt. Tôi vội chạy ra sân, cách xa tôi không đầy năm thước một con lợn trắng nhởn không biết ở đâu lại đương rúc ủi hàng rào, kêu eng éc, hòa nhịp với tiếng kêu the thé của con chim lợn đang đậu trên cành hồng nhà tôi. Bầu trời bỗng biến dạng. Xuất hiện những kẽ nứt xanh, xám nhỏ như tóc Mẹ tôi chạy suốt từ Bắc xuống Nam cả một khoảng trời rộng lớn, lóe trong vài giây phút, sau đó lại trở lại đêm tối mịt mùng.
Thắng nhờ có sức khỏe giẫy giụa, thoát được vòng tay siêu hình bóp cổ. Nhưng tiếp theo cảm giác sa sầm mặt mày ập đến, đầu óc đau như búa bổ. Sợ quá, Thắng nhảy ngay lên xe máy, phóng thẳng về nhà mình, không kịp nói với tôi lời nào. Lúc Thắng rời nhà, lập tức con chim lợn bay vút đi, vứt lại tiếng kêu ai oán. Con lợn trắng biến mất. Đến nhà Thắng cố leo lên tầng ba, thắp hương kêu cầu Cụ Tổ phù hộ. Sau đó thiếp đi, không biết gì nữa.
Sáng mồng một tết, mẹ tôi tỉnh lại hoàn toàn. Các con cháu cụ đến chúc tết như không có chuyện xẩy ra đêm 30.
Nhưng hai tháng sau, tới ngày giỗ bố tôi, mẹ tôi chăm chăm nhìn vào bức ảnh thờ ông. Bà ra dấu hiệu cho cô con gái út, thúc giục làm cơm cúng giỗ. Ngày giỗ họ hàng quê quán, cùng con cháu ra ăn giỗ, trong cả buổi sáng. Buổi chiều, mẹ tôi nằm chắp tay lên trán. Tóc bà vấn gọn. Tai đeo khuyên vàng. Môi phớt đỏ mầu hoa lựu. Hôm nay bà ăn trầu. Bà tự nhiên mặc chiếc áo dài Mông Tự màu tím mận. Nét mặt hân hoan và toại nguyện. Bà từ từ nhắm mắt. Tim bà ngừng đập trong sự yên nghỉ đời đời. Bà thọ 96 tuổi. Vậy hàng năm gia đình tôi chỉ duy nhất có một ngày giỗ. Sáng giỗ bố, chiều giỗ mẹ.
Sực nhớ quẻ bói Kinh Dịch “Địa Hỏa Minh Di” đã thực sự ứng nghiệm. Bà không qua khỏi mà sự sống chỉ kéo dài qua cái Tết. Mẹ tôi, đã chờ, chọn cái ngày gặp bố tôi trong ngày giỗ. Rồi sau đó ông bà cùng đi vào cõi Vĩnh hằng với cái áo dài Mông Tự mà bố tôi rất thích mỗi khi nhìn thấy mẹ tôi mặc.
N.Đ.G
(SDB15/12-14)