Tạp chí Sông Hương - Số 311 (T.01-15)
Nhớ ca sĩ Hà Thanh, ngày giỗ đầu
08:41 | 09/01/2015

NGUYỄN ĐẮC XUÂN

Sau một thời gian bị bệnh hiểm nghèo, ca sĩ Hà Thanh đã qua đời vào lúc 19 giờ 30 ngày 1 tháng 1 năm 2014 (giờ Boston) tại thành phố Boston, tiểu bang Massachusetts, Hoa Kỳ.

Nhớ ca sĩ Hà Thanh, ngày giỗ đầu
“Huế có ca sĩ Hà Thanh” – thuyết trình trong buổi văn nghệ sĩ gặp mặt tại Hội Văn Nghệ TTH nhân 49 ngày ca sĩ Hà Thanh qua đời - Ảnh: gactholoc

Nhân 49 ngày mất của chị, trong buổi sinh hoạt CLB Âm nhạc Thừa Thiên Huế với chủ đề “Thương nhớ ca sĩ Hà Thanh”, tổ chức vào lúc 19 giờ ngày 17/2/2014 tại 26 Lê Lợi, Huế, tôi có bài tổng thuật tưởng niệm chị “Huế tôi có ca sĩ Hà Thanh”. Những ngày vào Xuân 2015 này, nhân ngày giỗ đầu 1/1/2015, tôi ghi lại những kỷ niệm không thể nào quên về ca sĩ Hà Thanh.

Tôi không hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc, nhưng rất thích âm nhạc, hồi trẻ có thời tập tễnh học đàn mandoline, rồi violon, tuy không thành nhưng cũng có chút dan díu với âm nhạc.

Năm 1956, tôi về Huế và được bác tôi là nghệ sĩ vĩ cầm Nguyễn Đình Thị (nguyên đội trưởng Đội Nhạc Chánh Nam triều) xin cho tôi vào học trường Quốc Học. Thỉnh thoảng tôi được theo bác đến Đài Phát thanh Huế ở đầu phía nam cầu Trường Tiền xem các nhạc sĩ, ca sĩ tập dượt các chương trình ca nhạc cho Đài Phát thanh Huế. Từ đó tôi biết các nhạc sĩ Tôn Thất Cảnh, Lê Quang Nhạc, Văn Giảng, Ngô Ganh, Hồng Nhân, ca sĩ Hương Thủy, ca sĩ Hà Thanh, v.v. Sau đó, qua chị Nguyễn Thị Thương - con gái của bác tôi, tôi thân quen với Tôn Nữ Giao Cầm - em gái của nhạc sĩ Tôn Thất Cảnh và ca sĩ Hương Thủy, tôi có dịp hiểu biết cặn kẽ hơn về giới âm nhạc Huế lúc ấy. Nói chung là các nhạc sĩ ca sĩ có tên tuổi họ thường ít phục nhau. Nhưng đối với giọng ca trẻ Hà Thanh thì hầu như ai cũng quý. Có lần tôi thấy Hà Thanh đứng tập hát với Ban nhạc do bác tôi điều khiển, trông cô như một nữ sinh chứ không như các ca sĩ Mộc Lan, Hương Thủy. Tôi thấy Hà Thanh gần gũi với mình hơn những ca sĩ khác. Hằng ngày đi học về, tôi thường ghé vào tiệm sách Uyên Bác của gia đình bác Trợ Phổ (thân sinh của ca sĩ Hà Thanh) ở đường Lê Lợi gần cửa ô tô ra vào của nhà hàng khách sạn Morin Huế cũ để mong sao được gặp Hà Thanh. Và tôi đã được toại nguyện. Nhờ cái mác “cháu ông Đội Thị” mà tôi được làm quen với Hà Thanh một cách dễ dàng. Nhưng rồi, vì không theo đuổi sở thích âm nhạc nên biết Hà Thanh mà không thân.

Mãi đến năm 1963, một vài người em của Hà Thanh tham gia Phong trào tranh đấu chống chế độ Ngô Đình Diệm với Sinh viên học sinh Huế, như Trần Thị Thúy Vy, Trần Thị Bạch Lan, chúng tôi thường đến nhà hai bạn ấy ở 18 Huyền Trân Công Chúa, đối diện với trường Pellerim qua sông An Cựu (sông Lợi Nông) nên thân quen với gia đình này. Hà Thanh cùng tuổi với tôi, nhưng vì tôi là bạn của hai người em của Hà Thanh nên chúng tôi xem Hà Thanh như một người chị. Năm 1965, tiến sĩ Lê ở Pháp mới về dạy Đại học Huế, anh được cấp một gian hộ ở Cư xá Giáo sư Đại học tại 2 Lê Lợi, gian hộ có năm phòng rộng quá, anh bảo tôi đóng cửa căn nhà trọ của tôi ở Đập Đá để lên cư xá ở chung với anh. Tiến sĩ Lê dạy môn Dân tộc học, anh rất thích giao du với giới nghiên cứu lịch sử văn hóa. Không tuần nào chúng tôi không mời khách về dùng cơm do chính chúng tôi nấu. Những vị khách còn lưu lại nhiều kỷ niệm là nhạc sĩ cổ nhạc Vĩnh Phan (thân sinh của các nhạc sĩ Bảo Chấn, Bảo Phúc sau nầy), nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba, nhạc sĩ Phạm Duy, học giả Vương Hồng Sễn v.v. Những khi bận không kịp đi chợ nấu ăn, chúng tôi thường nhờ các cô em gái của Hà Thanh qua nấu giúp. Qua lại nhiều lần những ngóc ngách trong cư xá của giáo sư Lê các cô đều biết hết. Một hôm đi dạy về (giáo sư Lê dạy Đại học Văn khoa, tôi dạy giờ ở trường Trung học bán công Huế) mở cửa vào nhà thấy trên bàn có một mâm cơm có đầy đủ thức ăn ngon. Thật lạ kỳ. Giống như chuyện Tú Uyên trong văn học cổ Việt Nam. Chúng tôi mở toang các cửa phòng xem thử có ai đột nhập vào trốn trong ấy không. Tìm mãi không thấy ai cả. Cuối cùng chúng tôi đạp xe qua nhà chị Hà Thanh thông báo chuyện lạ trong gian hộ chúng tôi. Hà Thanh cũng lấy làm lạ. Không ngờ các cô em ở nhà sau chạy ra cười ngoặt ngoẹo cho biết các cô muốn chọc chúng tôi một phen cho vui.

Các cô em Hà Thanh rất tinh nghịch. Có hôm các cô đang bơi trên sông thấy tôi đi dạy về trên mình còn mặc véc-tông, chân mang giày da các cô rủ tôi xuống chiếc thuyền con để đẩy ra sông Hương chơi. Tôi đang mệt nên cũng muốn ra sông hít thở không khí trong lành một chút cũng hay. Tôi bước chân lên chiếc thuyền con. Chiếc thuyền chòng chành, tôi đứng ngồi chưa thăng bằng nên bổ nhào xuống nước, lóp ngóp bơi, kêu cứu. Các cô nhào tới dìu tôi vô bờ áo quần ướt sũng nước chảy ròng ròng. Tôi giận lắm nhưng không hé môi vì sợ con gái cười đàn ông mà không biết bơi.

Rồi một chiều tháng 11/1965 qua nhà sách Ưng Hạ đối diện với đầu phía đông vườn hoa Thương Bạc mua được tập san Giữ Thơm Quê Mẹ số 5, do Lá Bối xuất bản, giở ra xem qua, bất ngờ tôi đọc được bài nhạc Tâm Ca số 5, nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc bài thơ Để lại cho em của tôi. Tôi vui quá kêu lên: “Sao Phạm Duy không báo cho mình biết hè?” Tôi lẩm nhẩm xướng thử: Lạ rề pha sol pha lá pha rề...nghe có vẻ ngây ngô quá. Tôi mua ngay hai số rồi cắm đầu đạp xe qua cầu Trường Tiền ngược lên ga ghé ngay vào nhà 18 Huyền Trân Công Chúa nhờ ca sĩ Hà Thanh hát. Hà Thanh thấy bạn mình có thơ được Phạm Duy phổ nhạc cũng rất vui. Cô vào phòng trong lấy ghi-ta ra phòng khách vừa gảy từng nốt nhạc vừa hát theo:

Để lại cho em nầy nước non mình... Để lại cho em một nước đẹp xinh…”.

Trời ơi những câu thơ thô thiển của tôi được hát lên với cái giọng Huế tự nhiên, thanh thoát, trong veo của Hà Thanh làm cho tôi xúc động đến muốn ngột thở. Tâm hồn tôi phải nói là sung sướng “đến chín tầng mây khói”. Cậu sinh viên nghèo xuất thân nhà quê mà được nhập vào giới ca nhạc sĩ thượng thặng như thế làm sao tôi có thể diễn tả hết được nỗi cảm xúc sung sướng ấy!

Đầu năm 1966, nhạc sĩ Phạm Duy ra Huế với tập Mười bài Tâm ca do Lá Bối xuất bản. Phạm Duy được tiến sĩ Lê mời về ở lại gian hộ của ông tại 2 Lê Lợi, Huế. Tôi kể lại chuyện được ca sĩ Hà Thanh hát cho nghe lần đầu bài Tâm ca số 5 Để lại cho em. Nhạc sĩ Phạm Duy đề nghị tiến sĩ Lê mời Hà Thanh qua 2 Lê Lợi hát chơi. Thế là buổi hát Tâm ca đầu tiên diễn ra ở Huế. Mỗi bài Tâm ca Hà Thanh chỉ đọc qua là có thể hát được ngay. Trong không khí bức xúc không được thể hiện khát vọng hòa bình, không được phản đối chiến tranh của Mỹ, bài Tâm ca số 1 Tôi ước mơ phổ thơ của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, qua giọng Hà Thanh lần đầu tiên oà vỡ mất sự sợ hãi trong tâm trí chúng tôi.

Tôi vẫn sống, tôi vẫn ăn và tôi vẫn thở... Nhưng đến bao giờ tôi mới nói được điều tôi ước mơ... Tôi ước mơ?”

Tiếng hát hay, nội dung câu hát kích vào nỗi khát vọng của mọi người gây nên một hiệu ứng cảm thụ lạ lùng. Ước mơ của Thiền sư Nhất Hạnh cũng là ước mơ của dân tộc lúc ấy.

“Ông Hoàng âm nhạc” Phạm Duy hết lời ca ngợi tài năng của Hà Thanh. Lần đầu tiên ca sĩ Hà Thanh biết đến Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Chị ngỏ ý muốn tìm đọc cả tập thơ Chắp tay nguyện cầu cho bồ câu trắng hiện của nhà sư vừa ở Hoa Kỳ về. Tiến sĩ Lê không giấu được sự cảm phục, say đắm của mình. Ông gọi xe chạy qua phố mua về tặng ngay cho Hà Thanh một chiếc ghi ta của Ý. Thùng đàn của Ý to hơn thùng đàn sản xuất ở Việt Nam, tiếng đàn rất ấm, hợp với giọng Hà Thanh vô cùng. Tiến sĩ Lê tỏ tình với ca sĩ Hà Thanh qua món quà văn nghệ ấy. Và, cũng từ ấy tiến sĩ Lê và tôi có nhiều dịp qua lại gặp gỡ chuyện trò với ca sĩ Hà Thanh. Tiến sĩ Lê lúc ấy được trí thức, sinh viên Huế rất mến vì anh có một tủ sách và tài liệu lịch sử văn hóa Việt Nam xuất bản ở Hà Nội mà anh đã mua được ở Pháp, anh lại hay cầm cờ đi biểu tình với sinh viên tranh đấu Huế. Gia đình anh rất giàu nhưng anh có nếp sống bình dân, gần gũi với sinh viên. Nhờ thế tiến sĩ Lê được chấp nhận ra vào cái gia đình nề nếp của Hà Thanh một cách dễ dàng.

Trong hành trang ông Lê Văn Hảo đem từ Pháp về còn có nhiều đĩa nhạc dân ca, đặc biệt là dân ca Quan họ Bắc Ninh, nhiều đĩa nhạc dân ca phát triển, trong đó có nhiều đĩa nhạc mới mang âm hưởng dân ca. Nhưng vì chúng tôi không có máy quay đĩa nên không thể nào nghe được. Rồi đến một tối cuối năm 1965, nhân lúc người em rể là giáo sư Bùi Tường Huân - Viện trưởng Viện Đại học Huế, đi vắng, ca sĩ Hà Thanh “bí mật” rủ ông Hảo và tôi đem các đĩa nhạc của miền Bắc qua nghe nhờ máy của Phương Thảo (em gái Hà Thanh, bà xã của ông Huân) ở dãy lầu ngay phía sau nhà ông Hảo. Hà Thanh chọn nghe trước đĩa Câu hò bên bờ Hiền Lương của nhạc sĩ Hoàng Hiệp do Minh Đỗ hát. Nội dung lời ca nhớ nhung da diết được chuyển tải qua một làn điệu dân ca Nam bộ sâu lắng làm cho chúng tôi lặng người đi, mặt nhìn mặt nhau trong cảm xúc chứ không nói được nên lời. Tôi quá thấm thía nội dung bài hát nên không cầm được nước mắt. Lần đầu tiên trong đời tôi cảm thấy đất nước bị chia cắt đau đớn đến như thế. Chúng tôi cho đĩa quay lại dăm lần để ghi lại nguyên văn lời ca.

Chép xong, ca sĩ Hà Thanh lẩm nhẩm rồi hát lại ngay. Hà Thanh đang cảm xúc mạnh, với chất giọng thánh thót gần gũi với dân ca miền Nam, nên cô hát truyền cảm không thua gì Minh Đỗ. Nghe mấy câu: “Thuyền ơi, thuyền ơi có nhớ bến chăng? Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền. Nhắn ai xin giữ câu nguyền. Trong cơn bão tố vững bền lòng son”, tôi hết sức xốn xang. Tôi có cảm giác như tác giả hỏi chính chúng tôi. Đúng là chúng tôi đang ở trong hoàn cảnh bão tố, đang cố gắng “bền lòng” tranh đấu. Thật tình trước đó tôi cứ nghĩ âm nhạc miền Bắc xã hội chủ nghĩa chỉ có loại nhạc mà sau nầy nhiều người gọi là “Nhạc đỏ” thôi. Vì thế sau khi nghe bài hát này của nhạc sĩ Hoàng Hiệp tôi hơi ân hận về sự hạn chế hiểu biết của mình. Bài hát đến với tôi trong thời gian chúng tôi đang căm hờn người Mỹ leo thang chiến tranh ở Việt Nam. Bài hát giúp cho tâm hồn tôi xích lại gần với miên Bắc hơn. [1]

Đến cuối mùa Xuân 1966, tôi tập trung thời gian hoàn thành luận văn Hát bội để ra trường Đại học Sư phạm Huế. Ca sĩ Hà Thanh vào Sài Gòn hành nghề ca sĩ. Gian hộ của tiến sĩ Lê dành cho các bạn (mà sau này tôi mới biết là một tổ cơ sở của Mặt trận Giải Phóng) gồm Hoàng Phủ Ngọc Tường, Lê Tử Thành, Lê Thanh Xuân…., bí mật viết và in ronéo tập san chống Mỹ Việt Nam Việt Nam. Sau đó không lâu thì tôi lao vào cuộc đấu tranh chống Mỹ đòi hoàn bình Việt Nam. Cuộc đấu tranh bị đàn áp khốc liệt, tôi phải thoát ly lên chiến khu ở miền Tây Huế. “Từ chiến khu xa” tôi nhận được tin không vui: Một lần vào Sài Gòn thăm Hà Thanh, giữa hai người xảy ra mâu thuẫn về tính cách; Hà Thanh đã cắt đứt quan hệ với tiến sĩ Lê. Tôi rất tiếc. Sau đó thì tiến sĩ Lê cưới một người bạn của em gái ca sĩ Hà Thanh.

Sau chín năm băng rừng, lội suối, xuôi ngược Trường Sơn, suýt chết nhiều lần tôi may mắn được sống sót chứng kiến được ngày đất nước thống nhất. Tôi tìm bà con, bạn bè chia sẻ hạnh phúc hòa bình. Vào Sài Gòn, tôi đi tìm ca sĩ Hà Thanh. Phải khó nhọc lắm mới tìm ra được nơi ở của chị trong tòa nhà tại ngã tư Nam Kỳ Khởi Nghĩa và Võ Thị Sáu ngày nay. Tôi không hiểu tòa nhà đó của ai và do đâu chị được ở đó. Tòa nhà lớn và toàn người lạ nên hỏi mãi mới đến được chỗ chị đang ở. Tôi thật không thể nào hiểu nổi: Ca sĩ Hà Thanh với đứa con gái ba bốn tuổi ở dưới gầm cầu thang trong tòa nhà lớn ấy. Ca sĩ Hà Thanh ngồi trên một chiếc chiếu éc bên cạnh dựng cây đàn ghi ta, một cái va li, một chiếc lò sô và một thau đựng vài cái chén dĩa. Chị ngước nhìn tôi miệng cười với đôi hàm tăng trắng muốt. Hai dòng lệ rơi xuống chiếu, chị nhoài người ra đứng dậy bắt tay tôi. “Ôi Xuân! Xuân... mà!”. Tôi hiểu chị muốn nói Xuân chết rồi mà! Nhiều người cũng đã tưởng như vậy nên tôi hiểu ý chị ngay. “Đáng lẽ chết rồi nhưng bom đạn và sốt rét chê nên còn sống đây”. Tôi định hỏi vì sao chị lại rơi vào hoàn cảnh như thế nầy nhưng tôi sợ ảnh hưởng đến niềm vui chị đang gặp lại bạn cũ sau gần chục năm chiến tranh, lời đã ra đến môi tôi ngậm lại. Hà Thanh kéo tôi ngồi xuống chiếu chị cho biết chồng chị là Trung tá thiết giáp Bùi Thế Dung đang đi học tập, chỗ ở cũ bị giao cho chủ mới, chị đang chờ tìm chỗ ở khác nên mẹ con tạm thời ở đây. Chị nói với giọng rất tự nhiên, không một chút bối rối xúc động. Tôi đọc được sự vui mừng đất nước được hòa bình trong giọng nói của chị. Sự “đổi đời” của gia đình chị như một lẽ tự nhiên. Nói chuyện một lúc, chị như sực nhớ ra điều gì và bảo tôi:

- Tối rồi, còn chén cơm mình chiên lên cùng ăn nghe!

Lời mời của Hà Thanh dưới gầm cầu thang cũng hồn nhiên không khác nào lời mời những bữa tiệc diễn ra ở nhà chị 18 Huyền Trân Công Chúa mười năm trước ở Huế. Một chén cơm nguội chia cho ba người mà sao tôi ăn thấy ngon làm sao. Ăn xong, chị quay lại lấy cây đàn và bảo tôi:

- Mừng chiến tranh chấm dứt, mừng Xuân bình yên trở về Hà hát tặng Xuân bài Tiếng sông Hương của Phạm Đình Chương nhé!

Tôi chưa kịp cám ơn thì bị cháu Kim Huyên dùng dằng tỏ ra khó chịu. Tôi hơi ngượng với cháu. Chị biết thế nên bảo con:

- Cậu Xuân là bạn của mẹ và của mấy dì, cậu đi xa mới về, mẹ hát mừng cậu. Con ngoan mẹ thương!

Kim Huyên không vùng vằng nữa nhưng mặt không vui. Hà Thanh so dây rồi cất giọng hát: “Miền Trung vọng tiếng, em xinh em bé tên là Hương Giang...” Tiếng hát chị vút lên “vọng tiếng”và hạ dần xuống “em xinh em bé” êm ái lạ thường. Tiếng hát như một làn gió mát dịu xuyên qua đầu óc đang đan xen những vui buồn của tôi. Tôi lặng người đi và tự nhiên tôi cảm thấy sợ không dám nhìn sự hồn nhiên của chị. Bỗng nhiên chị nhìn tôi và nở một nụ cười khi bắt đầu hát đến mấy câu: “Hò ơi, bao giờ máu xương hết tuôn tràn/ Quê miền Trung thôi kiếp điêu tàn/ Cho em vang khúc ca nồng nàn/ Ngày vui tan đao binh/ Mẹ bồng con sơ sinh/ Chiều đầu xóm/ xôn xao đón người hùng binh/ Ngậm ngùi hân hoan tiếng cười đoàn viên”.

Nếu người khác tặng tôi câu hát nầy giữa lúc này thì tôi sẽ nghĩ họ trêu tôi. Nhưng đối với Hà Thanh thì không phải thế. Nội dung bài hát mâu thuẫn với hoàn cảnh bi đát hiện tại của chị nhưng nó lại lô-gíc với tình bạn của chị với tôi. Một cảm tưởng được và mất trong tôi. Được nhiều nhưng mất cũng không nhỏ. Tôi lặng người và chỉ nói được một câu:

- Thấm thía quá chịu Hà ơi!.

Bỗng nhiên cháu Kim Huyên khóc ré lên, chị lại dỗ cháu. Chị hát cho tôi nghe những bài mới ra đời từ sau ngày tôi thoát ly theo kháng chiến. Chị tự đệm đàn cho chị hát. Chị hát say sưa. Hát toàn bài vui. Chị hát đến khuya. Kết thúc bằng bài Hoa xuân. Đến lúc nầy tôi mới ngộ ra rằng chị hát không những để tặng tôi mà tôi cũng là một cơ hội để chị hát. Hát để vượt qua sự thử thách quá lớn chị đang cố gắng vượt qua. Biết thế nên tôi không dám chia tay chị dù trời đã khuya. Trong đời tôi chưa bao giờ được thưởng thức một “sô” diễn tân nhạc sâu thắm và da diệt đến thế.

Rồi từ đó tôi lo việc lập gia đình, đi “học Huế” để làm người cầm bút của xứ Huế không mấy khi được gặp lại Hà Thanh. Đột nhiên đến năm 1982, không rõ ai đã mách cho chị biết chỗ ở của tôi, (vì đến năm đó tôi đã chuyển đến bốn năm địa chỉ) chị ghé lại nhà tôi - một gian phòng hẹp của nhà hộ sinh Kim Cúc cũ tại 16 Lý Thường Kiệt - mời tôi lên 18 Huyền Trân Công Chúa (đã đổi thành 18 Bùi Thị Xuân) ăn cơm chia tay để chị đi “đoàn tụ” ở Hoa Kỳ. Sau bữa cơm chia tay đó tôi nghĩ không bao giờ tôi còn có dịp gặp lại Hà Thanh nữa.

Nhưng rồi...


Năm 1998, một buổi sáng tôi đang đi lo thủ tục về nghỉ hưu ở địa phương thì được bà xã tôi gọi:

- Anh về gấp. Nhà có khách.

Chuyện lạ. Thông thường khách đến tôi đi vắng thì bà xã tôi thay mặt tiếp hoặc hẹn lại khi khác. Nhưng lần nầy bảo về gấp chắc là “khách quan trọng”, nên tôi về ngay. Và, đúng là quan trọng thật. Tôi về thấy một nhà người gồm gần đủ mặt những người ở 18 Huyền Trân Công Chúa cũ: Hà Thanh, chị Tố Cần, Phương Thảo, Thúy Vy, Hoàng Mai và cả em Trần Kiêm Dương. Hà Thanh cho biết gia đình rước hài cốt thân mẫu từ Hoa Kỳ về Huế nên mới đông đủ chị em đến vậy. Tôi nhớ bà cụ khi nào cũng vui vẻ. Bà ca Huế rất hay. Trước đây bà hay mời các nghệ nhân ca Huế đến 18 Huyền Trân Công Chúa sinh hoạt ca Huế và nhân đó bà giúp cho các nghệ nhân trong thời buổi khó khăn sau năm 1975. Mỗi lần nhắc đến đàn ca Huế tôi luôn nhớ đến bà thân mẫu của ca sĩ Hà Thanh.       

Năm 2005, được xem một số CD pháp thoại của Thầy Nhất Hạnh, tôi rất mừng được thấy Hà Thanh xuất hiện hát nhạc Thiền chen giữa những đoạn pháp thoại của Thầy. Nhiều bài Hà Thanh hát tôi chưa bao giờ nghe nhưng lại có cảm giác là rất quen thuộc với mình. Có lẽ một phần vì chất Thiền của các bài hát và một phần vì cái giọng Huế thanh thoát vang vọng của Hà Thanh đã ẩn chứa trong tiềm thức của tôi từ lâu. Năm 2006, tôi sang Boston ở miền Đông bắc Hoa Kỳ chuẩn bị thực hiện đề tài “Phong trào Thơ văn âm nhạc vận động hòa bình những năm 1964 - 1966 ở miền Nam Việt Nam” cho Trung tâm William Joiner, không ngờ tôi lại được liên lạc với Hà Thanh.

Một cuộc hàn huyên hào hứng. Tình người xóa đi hết những khoảng cách, những dị biệt. Gặp lại Hà Thanh trên đất Mỹ không tiện nhắc lại những chuyện cũ. Chị biết tôi nguyên là một sinh viên Phật tử, lại là người đi theo khuynh hướng hòa bình, hòa giải dân tộc của Thầy Nhất Hạnh từ hồi nửa thế kỷ trước nên chị kể chuyện chị quy y lại với Thầy và chị dành nhiều thời gian tu chánh niệm, niệm Phật, hát nhạc Thiền và tọa Thiền theo pháp môn Làng Mai. Chị tặng tôi một CD chị niệm A Di Đà Phật rất thanh thoát. Cho đến bây giờ, mỗi lần thấy đầu óc căng thẳng tôi lại nghe chị niệm Phật thay cho những bài hát êm dịu mà trước đây tôi rất thích. Qua điện thoại nhiều hôm tôi ngỏ ý mời chị về sống cuối đời ở Huế. Chị bảo tôi:

- Cái nhà ở Huế đã cho đứa cháu rồi. Hà về Huế ở mô?

Tình thiệt tôi đáp:

- Trời ơi, chị về vô lẽ cháu chị không dành lại cho chị một phòng để chị sống và ca hát sao?

Chị lại bảo:

- Ở đây Hà ít giao du với cộng đồng người Viêt, nhiều khi cũng buồn và nhớ Huế lắm. Hà cũng muốn về. Nhưng có lẽ Hà phải giúp nuôi con của con gái Kim Huyên lớn lớn một chút rồi sẽ về!

Tôi biết chị từ chối khéo lời mời của tôi nhưng tôi vẫn hy vọng và có ý chờ...

Nhưng... rồi, đúng vào ngày đầu năm 2014, chị đã qua đời ở Boston miền Đông Hoa Kỳ.

Tôi không còn cơ hội gặp lại chị, nhưng Huế tôi luôn có ca sĩ Hà Thanh, cũng như luôn có nhạc sĩ Trịnh Công Sơn - người cùng thời với chị.

Huế, mùa Xuân 2015
N.Đ.X
(SH311/01-15)

----------------
[1] Sau này có dịp gặp nhạc sĩ Hoàng Hiệp, tôi được anh cho biết: “Tôi tập kết ra Bắc cuối năm 1954, những tháng ngày sống xa miền Nam, tôi nhớ gia đình, nhớ bạn bè da diết, sống trong tâm trạng “ngày Bắc đêm Nam”. Câu hò bên bến Hiền Lương ra đời năm 1957 đã nói thay tâm trạng nhớ nhung đó.  








 

Các bài mới
Chiếc áo (02/02/2015)
Hồng hoang biển (29/01/2015)