HOA ĐĂNG (trường ca, song ngữ), tác giả Hồ Đăng Thanh Ngọc, Nxb. Thuận Hóa, 2014.
Đây là tác phẩm thứ năm trong hành trình tìm kiếm sáng tạo của Hồ Đăng Thanh Ngọc. Xuyên suốt con đường sáng tạo của anh, người ta nhìn thấy đó là những nỗ lực khai phá tới những biên giới khác nhau của ngôn ngữ, hình tượng, tứ thơ và tâm thức nghệ sĩ. Hoa Đăng là trường ca mang nhiều yếu tố mới lạ nhưng sự mới lạ đó được khởi đi từ căn nền của cái đẹp truyền thống. Văn hóa Huế, con người Huế, nghệ thuật Huế đã làm nền tảng cho sự tưởng tượng của thi sĩ. Có thể nói, Hoa Đăng là sự hiện diện mạnh mẽ khí chất sáng tạo thực sự của một nhà thơ lấy bi kịch làm nơi khởi đi cho mọi mộng mơ nghệ thuật.
Ở ĐÂY MÙA NÀO LÁ CŨNG RƠI (thơ), tác giả Nguyễn Văn Vũ, Nxb. Thuận Hóa, 2014. Có lẽ hồi ức về những ngày tháng cũ mong tìm thấy những kỷ niệm, những hồi ức xa xưa để làm hiện tại ý nghĩa hơn là điều làm nên thi tính trong thơ Nguyễn Văn Vũ. Ta hãy hay nghe chính tác giả của Ở đây mùa nào lá cũng rơi tâm sự: “Thơ thì mới, như vừa theo cơn mưa đầu mùa tràn về, nhưng cảm xúc trong đó thì xa đến tận những tháng ngày xưa cũ, có khi đã trở nên xa lạ với cuộc đời này, đã hóa thành ký ức không mùa của những nỗi niềm riêng...”. Kỷ niệm nào cũng đáng nhớ và kỷ niệm nào cũng có thể ùa về gọi tên thi nhân trong giấc mơ. Với Nguyễn Văn Vũ thì những kỷ niệm đó là nguồn sống, là nơi khởi đi cho những vần thơ đầy tính lãng mạn và đôi khi nhuốm màu sắc u buồn, tính chất muôn thuở của thi nhân.
ĐẦU NON CUỐI BÃI (thơ), tác giả Nguyễn Lãm Thắng, Nxb. Đại học Huế, 2014. Để làm cho thơ lục bát có được cái tươi mới không phải là chuyện dễ dàng. Với thể thơ truyền thống này, Nguyễn Lãm Thắng rất bản lĩnh khi thổi vào nó những gam màu tươi mới bằng những cái nhìn đôi khi tài hoa, đôi khi lại cà rỡn và thậm chí đôi khi lại buồn đau chua xót. Theo Du Tử Lê thì “Điều tôi nhớ rõ, là niềm hân hoan của tôi không hề tỉ lệ nghịch với số lần đọc lại... Nếu là một người làm thơ thiếu bản lĩnh, tôi không nghĩ người đọc sẽ được (phải) chạm mặt với những từ ngữ thuộc loại văn nói không... lịch sự lắm... Như “cái cẳng”. Như “kệ cha”... Đây là những chữ rất hiếm thấy, nếu không muốn nói là cá nhân tôi, chưa từng thấy trong lục bát của chúng ta hôm nay...”. Đây là một vài gam màu cà rỡn nhưng tài hoa của Nguyễn Lãm Thắng: “Trong mơ ta lỡ cởi truồng/ Nhảy vào bản thể cội nguồn tắm chơi/ Gặp em ở tuốt trên trời/ Cũng loang lổ, với nụ cười khỏa thân...”.
TRUYỆN NGẮN VÀ TÙY BÚT VÕ CÔNG LIÊM, tác giả Võ Công Liêm, Nxb. Hội Nhà văn, 2014. Đây là một tuyển tập bao gồm hai thể loại khác nhau, đó là truyện ngắn và tùy bút. Truyện ngắn của Võ Công Liêm dựa trên nền tảng cơ bản của sự hư cấu và khả năng làm chủ ngôn ngữ, tình tiết, sự triển khai tính chuyện một cách có bản lĩnh. Tùy bút của ông lại đi vào cái chân thực ở đời, lấy đời sống làm chất liệu để từ đó mở ra những khuynh hướng suy nghiệm khác nhau về hữu thể, về thời gian và về thân phận của con người, thân phận của nghệ thuật. Dù bất cứ ở thể loại nào cũng đều cho thấy Võ Công Liêm luôn dựa trên những suy tư mang tính triết học, căn nền về triết học và mỹ học đã làm cho các sáng tác của ông có được chiều sâu của những ý niệm. Và bản lĩnh hơn, căn niền triết học đó không hiện ra ở câu chữ văn bản mà chúng ngầm ẩn dưới câu chữ, làm toát lên khi chất của sáng tạo chứ không xơ cứng như ở những nhà văn khác thường thấy.
NGHỆ THUẬT VÀ TÀI NĂNG (chuyên luận), tác giả Đào Mai Trang, Nxb. Phụ Nữ, 2014. Đây là cuốn sách hiếm hoi viết về thế hệ nghệ sĩ 8x. Xuyên suốt công trình là một cái nhìn thẳng thắn đối với những hạn chế về mặt xã hội, tài năng nghệ sĩ. Bên canh đó là những phân tích, đánh giá tác động của xã hội đến sự sáng tác nghệ thuật. Nghệ sĩ đương đại đang phải đối diện với muôn vàn khó khăn như tài chính, thiếu vắng bản lĩnh nghệ thuật để đi đường xa, sự tụt hậu khủng khiếp với thế giới, những vấn đề khúc mắc trong sự quản lý và thẩm định. Phần sau công trình là sự giới thiệu đến bạn đọc 9 nghệ sĩ trẻ, theo tác giả, họ là những người có sự tìm tòi, khai phá và nhiều nặng lượng như: Nguyễn Huy An (nghệ thuật trình diễn và hội họa), Bàng Nhất Linh (nghệ thuật sắp đặt), Nguyễn Phương Linh (nghệ thuật trình diễn), Thái Nhật Minh (điêu khắc), Lê Hoàng Bích Phượng (tranh lụa), Hà Mạnh Thắng (hội họa), Phạm Huy Thông (hội họa và nghệ thuật trình diễn), Vũ Đức Toàn (nghệ thuật trình diễn), Vũ Đức Trung (hội họa).
(SH311/01-15)