Tạp chí Sông Hương - Số 311 (T.01-15)
Viết về người viết trẻ ở Huế
08:55 | 23/01/2015

NGUYỄN VĂN HÙNG

1. Họ là ai?
So với hai đầu đất nước, đời sống văn học trẻ ở Huế có phần im ắng, trầm lặng hơn. Nhiều người tỏ ra bi quan, hoài nghi về một “khoảng trống” sau lớp các nhà văn kì cựu để lại.

Viết về người viết trẻ ở Huế
Tranh internet

Sự trăn trở ấy không phải không có lý, khi đội ngũ người viết trẻ thuộc thế hệ 8X, 9X chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay, đã thế, số chuyên tâm, dấn thân với nghề và có thành tựu lại càng ít ỏi. Song công bằng mà nói, các sáng tác trẻ ở Huế không phải không có những điểm nhấn, không phải không có những gương mặt triển vọng.

Diện mạo sáng tác trẻ tại Huế vừa mang những nét chung của dòng văn học trẻ đương đại ở Việt Nam vừa có nhiều nét riêng mang tính đặc thù vùng miền. Họ cầm bút viết vào độ tuổi còn khá trẻ: Lê Minh Phong, Fan Tuấn Anh, Luân Nguyễn sinh năm 1985, Lê Vũ Trường Giang sinh năm 1988, Meggie Phạm sinh năm 1991… Những tác phẩm đầu tay được trình làng lúc tuổi đời chỉ ngót nghét trên dưới 20, thậm chí có một số tác giả đã kịp tạo dựng cho mình “gia sản” văn học khiến nhiều người phải nể phục. Đa phần họ không qua bất kì một trường lớp đào tạo bài bản nào về sáng tác. Họ là những giảng viên tại các trường đại học hoặc biên tập viên của tạp chí, công việc ít nhiều có dính líu với văn chương, nhưng không phải khi nào cũng toàn tâm toàn ý dành cho đam mê sáng tác. Họ được hít thở trong không gian tinh thần mới, sáng tạo trong một sinh thái văn hóa/văn học rộng mở với sự giao lưu, tương tác đa phương, đa chiều thế giới bên ngoài, sự bùng nổ của internet và những phương tiện truyền thông đại chúng.

Tác phẩm của các tác giả trẻ ở Huế được nuôi dưỡng, chấp cánh bởi những giá trị truyền thống của một vùng đất có chiều sâu văn hóa. Huế là một trong những địa chỉ có bề dày truyền thống sáng tác và nghiên cứu văn học của cả nước. Nơi đây đã từng sản sinh ra đội ngũ nhà văn và nhà nghiên cứu văn học có uy tín vào loại bậc nhất ở Việt Nam những năm trước và sau 1975. Bằng những sáng tác của mình, họ đã tạo nên làn sóng mạnh mẽ trong đời sống văn học một thời, và đến nay, sức lan tỏa ấy vẫn còn nguyên giá trị trong sinh hoạt học thuật, văn học của thế hệ trẻ. Những tên tuổi tiêu biểu như Trịnh Công Sơn, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Ngô Kha, Trần Quang Long, Trần Vàng Sao, Nguyễn Khoa Điềm, Bửu Ý, Hồng Nhu, Tô Nhuận Vỹ, Nguyễn Khắc Phê, Nguyễn Quang Hà, Lâm Thị Mỹ Dạ, Nguyễn Đắc Xuân, Mai Văn Hoan, Hà Khánh Linh, Trần Thùy Mai, Nguyễn Xuân Hoàng, Ngô Minh, Võ Quê, Hồ Thế Hà,… và trẻ hơn một chút là: Văn Cầm Hải, Phạm Nguyên Tường, Hải Trung, Đông Hà, Nhụy Nguyên, Lê Vĩnh Thái, Lê Tấn Quỳnh, Nguyễn Lãm Thắng,…

Sau hai thế hệ chủ chốt này, đời sống văn học Huế tiếp tục trình hiện những gương mặt tươi mới, đầy triển vọng: Lê Minh Phong, Lê Vũ Trường Giang, Fan Tuấn Anh, Meggie Phạm, Luân Nguyễn,… Họ là những “gương mặt mới” của “thế hệ văn chương mới” trên mảnh đất Cố đô. Điều đặc biệt là nhiều người trong số đó thử sức cùng lúc với nhiều vai trò khác nhau: sáng tác, nghiên cứu, phê bình, dịch thuật… Mặc dù chưa đủ để tạo nên một lực lượng mạnh như thế hệ đàn anh, song những gương mặt tiêu biểu ấy đã sớm dự phần vào sự vận động, phát triển của đời sống văn học Huế nói riêng và văn học nước nhà nói chung những năm đầu thế kỉ XXI.

2. Đâu là giới hạn và sức mạnh khi người ta trẻ?

Đi vào địa hạt sáng tạo nghệ thuật, người cầm bút, đặc biệt là những người trẻ phải đối diện với vô vàn những khó khăn và thách thức. Có những giới hạn là “mẫu số chung”, là “thuộc tính” cho tất cả các cây bút trẻ, nhưng cũng có những giới hạn lại thuộc về đặc thù địa-chính trị, địa-văn hóa, nơi họ sống và sáng tạo.

Khi bước vào địa hạt sáng tạo, đặc biệt là sáng tạo văn chương, buộc người viết trẻ phải dụng công hơn trong việc tìm tòi, nghiền ngẫm về cuộc sống và con người. Không những am hiểu về vấn đề mình quan tâm, các tác giả phải có một phông văn hóa, vốn tri thức dày dặn. Người viết trẻ hôm nay ở Huế nói chung và trong cả nước nói riêng vẫn còn thiếu sự suy tư, nghiềm ngẫm về cuộc sống, vốn sống chưa nhiều, cảm quan về thực tại và con người chưa thật sâu sắc, vẫn còn ít những tác phẩm có tính đột phá, mang chiều sâu tư tưởng, triết học, văn hóa. Trong hành trình tìm kiếm lối đi riêng, họ rất dễ trở thành “cái bóng” của người đi trước. Ở một khía cạnh khác, khi người ta trẻ, tâm lí tự thỏa mãn, sớm muốn khẳng định mình, nhiều lúc là những trở ngại vô hình làm thui chột niềm đam mê sáng tạo, tài năng của họ. Không khí sáng tạo của người trẻ có phần im ắng, ít sôi động, chưa tạo thành những làn sóng cũng như sức lan tỏa mạnh mẽ. Nhiều tác phẩm mới chỉ đăng tải trên báo, tạp chí, chưa in thành sách, đã làm hạn chế sức ảnh hưởng, tiếng nói của họ trong đời sống văn học nước nhà. Đa phần họ đang công tác tại các trường đại học hoặc làm biên tập viên của tạp chí, vì vậy đòi hỏi sự chuyên tâm cho văn chương là điều không thể.

Bên cạnh những khó khăn, người cầm bút trẻ ở Huế lại có những lợi thế riêng. Họ được học hành bài bản, được hít thở, sáng tạo trong không gian mới. Người trẻ luôn có sẵn trong mình bầu nhiệt huyết, lòng đam mê, thích tìm tòi, khám phá cùng thái độ dấn thân, thể nghiệm tới cùng. Khả năng nhạy bén với cái mới, họ có thể tiếp thu nhanh chóng những thành tựu của người đi trước, học tập nhiều kĩ thuật, lối viết hiện đại từ phương Tây. Hơn nữa, tự thân người trẻ cũng có nhu cầu đối thoại, nhận thức, cắt nghĩa thế giới và con người với tư cách là người trong cuộc đã và đang dự phần vào thế giới ấy. Nhu cầu ấy gắn liền với ý thức vượt thoát khỏi cái cũ, kiếm tìm những không gian văn học/ văn hóa mới mang tính thời đại, phù hợp với thị hiếu tiếp nhận của công chúng và tâm thức hiện đại/hậu hiện đại. Cùng với đó, người trẻ và sáng tác của họ nằm trong sự vận động, đổi mới, chuyển hướng của văn học trong thời đại toàn cầu hóa. Nhờ thế sân chơi được rộng mở, thông thoáng hơn với sự giúp sức của công nghệ thông tin và các hình thức PR đa dạng. Đó chính là tiền đề quan trọng cũng là cơ hội không nhỏ để mỗi tác giả khai phóng trong ý tưởng, phiêu lưu trong bút pháp, thể nghiệm trong nghệ thuật viết tạo nên bức tranh đa chiều, sinh động, nhiều điểm nhấn của sáng tác trẻ ở Huế.

3. Họ đang nghĩ gì và viết gì?

Sáng tác trong quan niệm của người trẻ là một lối ứng xử, một thái độ sống, một phong cách, một giá trị, một nguyên tắc nhìn nhận về thế giới và con người… và còn là tất cả những gì tạo nên “căn cước” cho người viết. Đa phần những người viết trẻ này không qua bất kì trường lớp nào đào tạo về sáng tác nghệ thuật. Họ đến với văn chương bằng nhiều tâm thế, nhưng trên tất cả là thái độ dấn thân nhằm cắt nghĩa, lý giải về thế giới bên ngoài, truy vấn, thám mã bản thể nội tại, đi theo tiếng gọi của giấc mơ, của vô thức bản năng, tiếng gọi của trò chơi…

Tiếp nối/đồng hành với lớp đàn anh đi trước, trên văn đàn Huế lộ diện các gương mặt nhà văn trẻ thuộc thế hệ 8X, 9X với nhiều thể nghiệm, tìm tòi, cách tân. Trong số đó, không ít tác phẩm đã thực sự trở thành những “món ăn lạ” trong thực đơn tinh thần của công chúng như Chưa đủ để gọi là khoảnh khắc (Lê Minh Phong), Ngủ giữa trùng sơn (Lê Vũ Trường Giang), Người ngủ muộn, Đoản khúc (Fan Tuấn Anh)...

Lê Minh Phong là một gương mặt văn xuôi khá mới. Ngay từ khi xuất hiện trên các trang mạng, truyện ngắn của anh đã thu hút được sự quan tâm của đồng nghiệp và đông đảo độc giả bởi những cách tân mới lạ. Năm 2011, sau nhiều năm ấp ủ, “để dành”, anh đã trình làng tập truyện ngắn/rất ngắn Chưa đủ để gọi là khoảnh khắc, gồm 23 tác phẩm với dung lượng phổ biến từ 600 - 700 chữ. Mỗi truyện ngắn là cuộc “nội soi” ráo riết vào bản thể của người sáng tạo, thám mã mê lộ của tâm thức mới, truy tìm ý nghĩa nhân văn, nhân sinh trong thế giới bề bộn, phức tạp. Văn xuôi của Lê Minh Phong đầy chất thơ từ kết cấu, cấu tứ cho đến hình tượng, ngôn từ. Tài dẫn dụ của anh là độ sâu của ý tưởng, lạ hóa lối kết cấu và sức gợi, sức ám ảnh của ngôn từ.

Số lượng chữ trong mỗi truyện ngắn của Lê Minh Phong rất ít, nhưng từng con chữ lại là một sinh thể có tiếng nói và ý nghĩa tồn tại của riêng nó. Người đọc phải lặn vào bề sâu của từng câu chữ, nối kết các hình ảnh, tham dự vào “trò chơi ngôn từ” mới có thể bắt trúng mạch ngầm tư tưởng, đầy triết luận và ý vị nhân văn của anh về cuộc sống. Anh luôn bị câu thúc bởi các ý tưởng bất tận và niềm khát khao vô bờ được làm chủ ngôi nhà ngôn ngữ. Anh cắt nghĩa thế giới và con người theo cách rất riêng của mình, một thế giới méo mó, biến dạng, đan cài hư - thực, hữu lý - phi lý, ngẫu nhiên - tất yếu, cùng những gương mặt người đa diện, phức tạp.

Lối viết mà anh đang theo đuổi không phải là món ăn quen thuộc đối với tất cả mọi người, đó là những món ăn lạ buộc người đọc đứng bình đẳng với người viết trong vai trò đồng sáng tạo. Bên cạnh sáng tác truyện ngắn, Lê Minh Phong còn thử nghiệm trong cả lĩnh vực hội họa, thơ ca, tiểu luận… Anh đang xây dựng cho mình một hình ảnh về người nghệ sĩ đa tài? Hay anh mang trong mình khát vọng thực thi sứ mệnh của thi gia và tư tưởng gia? Có lẽ là tất cả.

Tốt nghiệp chuyên ngành lịch sử, Lê Vũ Trường Giang sớm bén duyên với văn học. Trong khi đề tài lịch sử đang làm nản lòng, chùn chân những người cầm bút, đặc biệt là những người trẻ thì Lê Vũ Trường Giang lại gần như người trẻ duy nhất ở Huế đến thời điểm này dám dấn thân vào địa hạt khó khăn này. Anh là người hiểu hơn ai hết, đằng sau những trang sách sử khô khan, rời rạc là những bí mật, góc khuất cần được khơi mở và luận giải. Không nhằm mục đích minh họa cho lịch sử, càng không lấy văn chương để giáo huấn, mỗi tác phẩm trong tập truyện ngắn Ngủ giữa trùng sơn của anh là một cái nhìn/cách nhìn/góc nhìn khác về lịch sử, chiến tranh.

Lịch sử, chiến tranh không chỉ được tái hiện một cách “trung thực”, “chân xác” trên “bề mặt” các sự kiện mà còn được soi chiếu ở nhiều góc nhìn, ở “bề sau, bề sâu, bề xa”. Những vùng sự thật ở phía “góc che khuất”, ở khu vực “thâm cung bí sử” được đặc biệt quan tâm, những bí ẩn và xung đột được phân tích, luận giải, những khát khao đời tư, thầm kín được bộc bạch, để rồi lịch sử được ngưng tụ ở chiều sâu số phận và bi kịch cá nhân. Trong nhãn quan và cảm thức của Lê Vũ Trường Giang, lịch sử phải trở thành ấn tượng và suy tư cá nhân, cá nhân trở thành chủ thể trung tâm của diễn ngôn về lịch sử. Lịch sử lúc này không chỉ hiện hữu khách quan bên ngoài mà còn được tưởng tượng đầy mê hoặc bởi cái ảo diệu, huyền bí, không thực. Điều đó không những giúp câu chuyện lịch sử mở rộng khung, tạo ra một không gian truyện kể đa tầng, nhiều cấp độ, mà còn là cách để nhà văn thể hiện được quan niệm của mình về lịch sử, một lịch sử không khép kín, không bất biến mà luôn vận động, tiếp diễn.

Sáng tác trong bối cảnh đổi mới tư duy thơ Việt Nam đương đại, Fan Tuấn Anh hiện lên như một tiếng thơ lạ lẫm. Với anh, viết như là sự dấn thân và thể nghiệm nghệ thuật tới cùng. Hai tập thơ ra đời liên tiếp trong năm năm (Người ngủ muộn - 2008, Đoản khúc - 2013) không chỉ mang lại những giải thưởng văn học cho tác giả mà còn trở thành món ăn lạ, thu hút sự quan tâm, bàn luận của công chúng độc giả.

Ý hướng tính văn chương theo “tiếng gọi của trò chơi” mang tâm thế hiện đại/hậu hiện đại thể hiện rõ nét trong những cách tân về cảm hứng sáng tạo và những đổi mới trong lối viết. Từ nhãn quan triết học - lịch sử, thơ anh như là sự đối thoại, cắt nghĩa về thế giới hỗn độn, đa nguyên cùng sự tất yếu, ngẫu nhiên, hợp lý, phi lý của nhân sinh. Từ điểm tựa triết học - nhân bản, chúng ta nhận thấy hành trình truy tìm bản thể của cái tôi cá nhân, điểm gặp gỡ tính người và nhân loại trong cái tôi khát yêu và ám ảnh tiếng gọi của giấc mơ, vô thức nơi cái tôi nội cảm. Anh đã mạnh dạn, thể nghiệm những hình thức nghệ thuật mới lạ. Biên độ thể loại bị phá vỡ bởi những hình thức thơ tự do, thơ văn xuôi và biến tấu thơ lục bát. Thơ Fan đầy chất thơ, sự tinh tế, trực giác nhạy bén trong cách anh triển khai, lựa chọn ngôn từ vừa có sức nén vừa có độ bung mở. Anh đã phải “vật lộn” với những con chữ, sáng tạo và phiêu lưu trong ý tưởng bất tận và bút pháp hiện đại.

Cái cần thiết nhất của người nghệ sĩ sáng tạo nghệ thuật, đặc biệt là thơ, đó là kiến tạo nên những cấu trúc và giữ nhịp cho nó. Cấu trúc và nhịp điệu là hai vấn đề rất nổi bật trong thơ của anh. Giải mã được điều đó, chúng ta đã có thể bước chân vào “thế giới” của anh. Anh thường sử dụng những kết cấu phân mảnh, lắp ghép, đa tầng, không gian văn bản dày đặc “mã nghĩa” với sự dung hợp các thể loại, loại hình nghệ thuật cùng nhiều tri thức liên ngành. Ngôn từ giàu hình ảnh, biểu tượng, đậm chất triết lý, suy nghiệm cùng với những nhịp điệu phức hợp, khi nhanh khi chậm, lúc quyết liệt lúc nhẹ nhàng, khiến cho người đọc đôi khi cũng phải lúng túng, ngỡ ngàng. Những vần thơ đầy sự suy tư triết học trong một ngôn từ có tính phá cách đã mang lại cho Fan Tuấn Anh một lối đi riêng trong muôn vàn gương mặt thơ trẻ hôm nay.

Trong số các tác giả trẻ tạo được dấu ấn và ít nhiều đạt được những thành tựu, Meggie Phạm là một tác giả trẻ nhất. Mười chín tuổi, trình làng sáng tác đầu tay Hoàng tử và em, chưa mấy người biết tác giả trẻ này là ai. Mãi đến khi cô xuất hiện ở Hội nghị người viết trẻ do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức tại Hà Nội vào năm 2011, người ta mới biết cô chính là Phạm Phú Uyên Châu, 20 tuổi, sinh viên năm thứ ba Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Khoa học Huế. Sau tác phẩm đầu tay, liên tục trong vòng ba năm, cô cho xuất bản bốn cuốn cùng nằm trong Muse’s series về cô con gái thứ tư trong gia đình gia giáo Thái Kim ở H.: Giám đốc và em, Chàng và em, Người xa lạ và em, Tôi và em. Meggie Phạm được đánh giá là một “phát hiện mới”, một “gương mặt trẻ triển vọng” của một “thế hệ cầm bút mới” không chỉ ở Huế mà còn trong cả nước.

Hướng vào đối tượng độc giả thuộc lứa tuổi teen, tác phẩm của Meggie Phạm đi sâu vào khai thác đời sống, tâm tư tình cảm, suy tư trăn trở của người trẻ. Giọng văn dịu nhẹ, nghệ thuật kể chuyện lôi cuốn với những tình huống truyện được đan cài tinh tế, cách phân tích và miêu tả tâm lí nhân vật sâu sắc. Nhân vật của cô là những người trẻ, tính cách, tình cảm, phẩm chất được tác giả xây dựng với cảm hứng lãng mạn, lí tưởng hóa. Truyện của cô dễ đọc nhưng chưa bao giờ là dễ dãi. Đằng sau mỗi câu chuyện là những suy tư, chiêm nghiệm già dặn về cuộc sống gia đình, hôn nhân, tình yêu. Nhiều triết lí, suy nghiệm về nhân sinh được lồng ghép trong từng chi tiết, ngôn ngữ trần thuật chứng tỏ sự từng trải, chững chạc đến ngạc nhiên của cây bút trẻ này. Giữa sự xô bồ, buông thả, vô cảm, hoặc vụ lợi, toan tính đang có nguy cơ xâm lấn đời sống tình cảm của người trẻ, những câu chuyện như bài ca đẹp về tình yêu đã phần nào “thanh lọc tâm hồn”, đồng hành với người trẻ trong hành trình đi tìm giá trị đích thực của cuộc sống, tình yêu.

4. Chúng ta có thể hi vọng gì ở họ?

Không chấp nhận vị thế “thêm một”, “thoáng chốc” và trở thành “cái bóng” mờ nhạt bên cạnh các tác giả “lão thành”, nhiều tác phẩm của người trẻ ở Huế thực sự đã để lại dấu ấn đậm nét trong công chúng độc giả bởi những nỗ lực tìm tòi cái nhìn/cách nhìn khác/mới về thế giới và nhân sinh. Thậm chí, đôi khi nó trở thành tâm điểm, thu hút sự quan tâm của đồng nghiệp và công chúng độc giả. Đó cũng chính là cách mà các tác giả trẻ và tác phẩm của họ “dự phần” vào đời sống văn học đương đại vốn chứa đựng nhiều sự phức tạp, đa chiều…

Đặc biệt từ chỗ “xem hoa thưởng nguyệt”, phút ngẫu hứng “khi người ta trẻ” đã thấy bóng dáng của các nhà văn dù chưa đến mức “ăn đời ở kiếp” nhưng thực sự chuyên tâm với nghề như Lê Minh Phong, Lê Vũ Trường Giang, Fan Tuấn Anh, Meggie Phạm... Dấu hiệu đáng mừng là sau những thử nghiệm ở một thể loại, không ít tác giả mạnh dạn dấn bước sang địa hạt mới (Lê Minh Phong, Fan Tuấn Anh là một minh chứng điển hình với “dự án” tiểu thuyết đang được ấp ủ, thai nghén). Hi vọng, sự ra đời không xa của tác phẩm này sẽ mở đầu cho làn sóng sáng tác của các cây bút trẻ đương đại ở Huế.

Có thể có những đánh giá khác nhau về dấu ấn và thành tựu của các nhà văn trẻ ở Huế, song chính những tìm tòi, thử nghiệm cả thành công lẫn thất bại, có cái tới đích, có cái còn dang dở đã mang lại cho các tác phẩm này sự đa dạng trong phong cách, sự phong phú trong phương thức thể hiện, sự mới mẻ trong bút pháp. Chúng ta có quyền hi vọng vào một thế hệ cầm bút trẻ, đầy triển vọng như Lê Minh Phong, Lê Vũ Trường Giang, Fan Tuấn Anh, Meggie Phạm, Luân Nguyễn và nhiều cây bút khác, sẽ khắc phục những khó khăn, vượt qua giới hạn tự thân, phá bỏ định kiến bằng tài năng, sự dấn thân và khát khao tận hiến, thể nghiệm tới cùng. Chính họ sẽ tự làm đầy tài năng và bản lĩnh của người viết bằng các tố chất cần thiết: am tường, hiểu biết sâu sắc về cuộc sống, cần mẫn và nghiêm túc trong sáng tạo nghệ thuật, tài năng và sự dấn thân trong việc tìm tòi những ý tưởng cùng hình thức thể hiện mới lạ.

Mặc dù còn đó những giới hạn, nhất định, nhưng đây là những thành tựu đáng ghi nhận của những cây bút triển vọng, góp phần không nhỏ vào sự vận động, phát triển của văn học đương đại Việt Nam. Và công chúng độc giả ở Huế nói riêng và cả nước nói chung có đầy đủ lí do để chờ đợi nhiều sinh thể nghệ thuật độc đáo từ những nhà văn tầm cỡ sẽ được sản sinh trong không gian văn hóa/văn học dân chủ, lành mạnh, được hít thở trong không khí khoa học khách quan và không ngừng tự làm mới, làm khác trên tinh thần/tư duy đối thoại đa chiều.

N.V.H
(SH311/01-15)






 

Các bài mới
Chiếc áo (02/02/2015)
Hồng hoang biển (29/01/2015)
Các bài đã đăng
Diễn từ Nobel (22/01/2015)